Tư hữu hoá
Tư hữu hoá
Theo Le Monde ngày 25.1.1994, phong trào tư hữu hoá quả đã đạt mức toàn cầu. Tờ báo cho biết, chỉ riêng trong năm 1993, tạp chí Anh Privatization International đã liệt kê 102 cuộc tư hữu hoá có tầm quan trọng đáng kể, ở 41 nước, với doanh số tổng cộng 52,4 tỉ đôla.
Ở Việt Nam, như Diễn Đàn đã nhiều lần đưa tin, chính phủ cũng đã lên khuôn một chương trình tư hữu hoá nhiều xí nghiệp quốc doanh, như Legamex, Cơ-Điện-Lạnh Thành phố HCM, v.v... Tuy nhiên, phải công nhận là chương trình chưa được tiến hành tích cực lắm, và các xí nghiệp được đem ra bán chưa phải có tầm cỡ gì. Một lý do hàng đầu, có lẽ thuộc về địa hạt tâm lý hơn là kinh tế. Đó là: chương trình khó có thể khởi động mạnh mẽ khi công ty lớn nhất của Việt Nam, hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn có thể tư hữu hoá được (không liên quan trực tiếp đến các vị trí chiến lược của quốc gia), vẫn nằm ngoài chương trình: những hoạt động mà bên này người ta vẫn thường gộp chung trong danh mục tạm dịch là “tư vấn”, hoặc có lẽ đúng hơn: “cố vấn”. Cụ thể, công ty “cố vấn”, với nhân dân nên chọn ai vào chính phủ, “cố vấn” với chính phủ nên chọn ai vào những chức vụ quan trọng, v.v... Dĩ nhiên, những người được chọn thường cũng là người ăn lộc công ty, điều đó trên thế giới này không có gì lạ. Câu chuyện Whitewatergate đang làm đau đầu tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hilary cho thấy ngay cả bên Hoa Kỳ người ta vẫn làm như thế. Song, nhiều giám đốc nghĩ rằng, nếu công ty tư vấn này là tư nhân thì mọi việc sẽ “danh chính ngôn thuận” hơn. Các xí nghiệp quốc doanh được tư hữu hoá có thể thuê công ty tư nhân kia giúp hoạch định kế hoạch làm ăn, chọn giám đốc, cán bộ, v.v... Chứ như bây giờ, tư hữu hoá rồi mà vẫn cứ phải nhờ một công ty nhà nước làm giùm những việc đó thì chẳng đâu vào với đâu. Người ta sợ công tư vẫn lẫn lộn, khó làm ăn, là vì thế.
Theo nhiều nguồn tin, khó khăn đến từ những chọn lựa có tính chất ý thức hệ, tập trung vào khâu then chốt nhất là tên mới của công ty một khi tư hữu hoá. Theo cách xử lý đã thành quen thuộc của các xí nghiệp Việt Nam, tên được nhiều người đồng ý nhất là Cosavina. Nhưng rồi, có ý cho rằng như thế rất dễ bị ngộ nhận với Cosevina, là công ty làm ăn với bọn phản động người Việt ở nước ngoài, đã bị giải thể, gây tai tiếng nhiều quá. Mặt khác, như thế là quá nhấn mạnh tính quốc gia của công ty, trong khi truyền thống cộng sản là tinh thần quốc tế rất cao. Lại nữa, quên mất chữ đảng ở đầu rõ ràng là thủ tiêu lãnh đạo. Sau nhiều ngày tháng tranh cãi, một tên khác đã được bộ chính trị chọn lựa: Dacosa. Công việc gần thành thì lại có ý bàn ngang, rằng hồi sau này chữ viết dạy ở nhà trường xuống cấp quá, nguệch ngoạc trông chẳng ra sao, như gà bới, Dacosa dễ viết thành Đacàsa quá. Cứ cái gì đa đã là phiền rồi, lại đa cà sa nữa, thật chẳng nên chút nào.
Một “Đại hội đồng nửa nhiệm kỳ” của công ty, được triệu tập đặc biệt để bàn cãi vấn đề, đã... chia tay sau khi bầu thêm vào ban quản trị một số nhân vật không mặn mà lắm với vấn đề được đưa ra bàn cãi.
Vũ Như Cẫn
(Fax từ Hà Nội)
Các thao tác trên Tài liệu