Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 28 / xây dựng thư viện ở Việt Nam

xây dựng thư viện ở Việt Nam

- Nguyễn Ứng Long — published 05/04/2011 01:30, cập nhật lần cuối 04/05/2011 13:17

Một đề nghị xây dựng
thư viện ở Việt Nam


Nguyễn Ứng Long *



Trong tài liệu “Về hiện trạng đại học Việt Nam” 1 của Vụ đại học, Bộ giáo dục và đào tạo, những vấn đề được đề cập chia làm bốn phần:

– mạng lưới đại học;

– qui trình đào tạo đại học;

– nội dung, phương pháp, chất lượng;

– huy động tài chính cho giáo dục đại học.

Ngoài ra, còn một phần phụ gồm những vấn đề Vụ đại học đề nghị Việt kiều góp ý kiến.

Riêng trong phần “Nội dung, phương pháp, chất lượng”, tài liệu cũng cho biết thư viện đại học lạc hậu, nghèo nàn khiến cho, một mặt, giáo chức thiếu điều kiện nâng cao trình độ và cập nhật hoá kiến thức, và mặt khác, sinh viên không có điều kiện để đào sâu, tra cứu độc lập.

Để giải quyết, tài liệu chủ trương:

– xây dựng thư viện trung tâm cho có đủ sách và dịch vụ thông tin hiện đại;

– viết và dịch sách giáo khoa cho sinh viên.

Đó là chủ trương hợp lý. Ở đây tôi chỉ xin góp ý về vấn đề xây dựng thư viện.

Trong hoàn cảnh bình thường, thư viện đại học là bộ phận hữu cơ của đại học. Không thể hình dung một đại học mà không có thư viện. Cùng với số lượng và phẩm chất của ban giảng huấn, nó là một trong những tiêu chuẩn thiết yếu được dùng để đo lường và thẩm định giá trị của đại học. Chính vì vậy mà để nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu, người ta không ngừng tăng cường khối lượng tài liệu và hiện đại hoá dịch vụ thư viện.

Tại các nước phát triển, song song với thư viện đại học lại có mạng lưới thư viện công, thư viện nhi đồng tại các thành phố, các xã. Mục tiêu của nó là cống hiến miễn phí những tin tức, những kiến thức về các mặt của đời sống, của khoa học và kỹ thuật để giúp cho người dân theo dõi thời sự, trau dồi văn hoá, mở rộng hiểu biết, nâng cao phẩm chất đời sống. Khác với thư viện đại học, thư viện công đón tiếp mọi người, mọi giới không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, v.v... Với sứ mệnh một đại học bình dân – hiểu theo nghĩa mở rộng cửa cho mọi người, mọi tuổi, mọi trình độ – nó biểu hiện một niềm tin dân chủ vào khả năng tự học và tự thăng tiến của người công dân.

Hai hệ thống thư viện đại học và công, tuy độc lập với nhau, nhưng kết lại thành một toàn bộ phong phú, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển văn hoá giáo dục của xã hội.

Nhưng thư viện là một đầu tư dài hạn và tốn kém. Vì vậy, tại một nước đang phát triển như Việt Nam, với phương tiện eo hẹp, và với nhiều vấn đề to lớn và cấp bách cần được đối phó cùng một lúc, việc phát triển thư viện cần được kế hoạch hoá trên qui mô cả nước để bảo đảm:

– sự ăn khớp chặt chẽ với chiến lược giáo dục và đào tạo;

– sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ của mọi vùng, mọi địa phương trên bình diện văn hoá giáo dục;

– tránh phí phạm tài nguyên nhân lực.

Trong cách nhìn đó, tôi xin đề nghị chính phủ Việt Nam thành lập một “Uỷ ban quốc gia phát triển thư viện”, thành phần gồm:

– đại diện Bộ giáo dục, đào tạo và Bộ văn hoá; các viện trưởng đại học;

– đại diện ban giảng huấn đại học;

– giám đốc thư viện quốc gia;

– đại diện các quản thủ thư viện đại học và thư viện công;

– giới chức hành chánh các vùng và các thành phố lớn;

– v.v...

Uỷ ban có nhiệm vụ:

– thực hiện một cuộc điều tra về hiện tình thư viện trong cả nước (thư viện đại học, thư viện quốc gia, thư viện công);

– soạn thảo và đệ trình chính phủ một dự luật về “Kế hoạch phát triển thư viện trong thời gian 1995 2025”;

– theo dõi, đôn đốc, và phối hợp việc thực hiện kế hoạch sau khi dự luật được quốc hội biểu quyết thành luật; vận động sự yểm trợ trong và ngoài nước cho việc thực hiện kế hoạch;

– báo cáo định kỳ cho quốc hội về tiến trình thực hiện kế hoạch.

Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao kế hoạch lại phải cần quốc hội biểu quyết. Xin thưa rằng một kế hoạch dài hạn nằm trong khuôn khổ chiến lược phát triển quốc gia, cần được đặt trên nền tảng pháp lý vững vàng, từ đó mới có điều kiện để:

– tranh thủ ngân sách đúng mức;

– thực hiện đúng kế hoạch bất kể những thay đổi về nhân sự;

– huy động sự yểm trợ trong và ngoài nước.

Thiết tưởng cũng cần lưu ý rằng trong kế hoạch, ưu tiên số một và trường kỳ là đào tạo một đội ngũ chuyên viên thư viện có bằng cao học (Master) và tiến sĩ (Ph.D) về thư viện. Với khả năng chuyên môn của họ, họ sẽ là cái xương sống của kế hoạch và sẽ thực hiện kế hoạch đúng theo yêu cầu 2. Không đặt đúng vấn đề này, thì các nỗ lực dù to lớn đến mấy, cũng dễ trở thành mâu thuẫn, luẩn quẩn, phí phạm.


Kết luận:

Đề nghị trên đây chỉ là một khung cho hành động. Để trở thành khả thi, nó cần sự đóng góp ý kiến của các giới chức liên hệ. Dẫu sao thì ngày hôm nay hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam thèm khát tin tức và hiểu biết. Đáp ứng mau mắn nhu cầu đó là bảo đảm tương lai lâu dài của dân tộc.


N.Ư.L.

* chuyên viên thư viện



1 Diễn Dàn. 1.1.94, số 26, tr. 10-12,14.

2 Tại bắc Mỹ, Anh và Úc, các quản thủ thư viện đều có bằng Master hoặc Ph.D.; tại Pháp, đa số quản thủ thư viện và chuyên viên tư liệu (documentaliste) có bằng cử nhân hoặc cao học.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss