Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 29 / Chiếc cọc sắt

Chiếc cọc sắt

- Phan Thanh Hoài — published 05/04/2011 06:10, cập nhật lần cuối 07/05/2011 12:22


Chiếc cọc sắt

Phan Thanh Hoài



Vì tôi có căn nhà riêng, cơ quan không phải phân nhà cửa nữa nên được ưu tiên cho đào gạch hầm trú ẩn trong chiến tranh với Mỹ.

Hiệp định Paris ký kết, hoà bình lập lại, cả Hà Nội thở phào, sung sướng trở về. Các hầm hào được lệnh phá, giải phóng mặt bằng. Người ta đua nhau phá hầm. Cũng là một món hời to phải giành lấy vì chỉ có một thời gian “ngàn năm có một” này thôi.

Việc đào gạch đẻ ra vấn đề “phương tiện”. Phải kiếm cái xà beng, mà xà beng là đoạn sắt chắc, nhọn đầu là được.

Tôi cần một khúc sắt làm cái xà beng quá. Trước cơ hội này, cố đào lấy ít gạch nằm sâu dưới đất để xây hai cái đầu hồi. Nhà tôi thừa nhân lực. Tôi về hưu non nhưng còn khoẻ, lại có thằng cháu lớn, lao động nặng nó bảo còn nhàn hơn cạo râu. Chỉ cần phương tiện thôi, có phương tiện là có gạch. Tôi đi lùng mãi vẫn không ra đoạn sắt đang thèm.

Gặp được ông bạn cho biết nhà ông Thanh Chương có cái cọc sắt to lắm vẫn cắm ở giữa sân, chẳng dùng gì đến cả. Tôi sướng rơn: Xong rồi! Thế nào Chương cũng cho mình cái cọc sắt ấy thôi, để làm gì vô lý vậy.

Ông Thanh Chương với tôi là chỗ thân quen, chả là có thời tôi buôn giấy bán lẻ hay bán rẻ cho ông giấy nháp mà ông lại là nghệ sĩ đa dạng: làm thơ, viết văn, viết phê bình tiểu luận, là nhà nghiên cứu, thì cái cọc sắt đối với ông có nghĩa gì.

Tôi vừa bước tới sân thì ông Thanh đã đon đả chạy ra. Đôi bên chào hỏi rối rít. Ông không tiếp khách trong nhà mà đưa tôi ra ngồi trên bộ bàn ghế gỗ tiết kiệm đặt dưới gốc cây sấu già sum suê đầy bóng mát.

Nhà ông là hai gian nhà phụ của một biệt thự lớn. Nhưng cái sân thì tuyệt vời, đầy cây cối, sấu, hoàng lan, trúc tỏi gà cùng nhiều cây cảnh khác. Khoảng còn lại là sân chơi khá rộng.

Tôi đến đây với mục đích xin xỏ, còn ông, như một luật của lễ giáo lại cho rằng: “Khách đến nhà là một niềm vui”. Ông pha trà mời tôi, thăm hỏi tôi ân cần vẻ trân trọng lắm.

Tuy tôi nói chuyện với ông, nhưng mắt vẫn ngoái nhìn và suy nghĩ về chiếc cọc sắt đen nhánh vô dụng mà lại chôn ở đúng giữa cái sân chơi lý tưởng. Cái cọc ấy là một đoạn thép gai to bằng cán cuốc ước tính khoảng hơn ba mét, vì chôn dưới đất rồi, phần còn lại phải một đầu một với, chặt nó ra làm ba cái xà beng thì bố con tôi sẽ đào hết căn hầm. Tôi tưởng tượng ba cái xà beng này mà vào gia đình tôi, lao động với tốc độ gấp thì chỉ cần ba bốn ngày thôi là đủ gạch xây bốn xung quanh tường nhà tôi, không phải mua đâu cả, nó tự dưới đất chui lên xếp đống đỏ loè, sướng mắt thật. Trong người tôi tràn đầy hy vọng. Tôi thầm nghĩ chắc cũng dễ thôi. Ông ấy là nghệ sĩ vô tư mà cái cọc sắt đứng trơ trọi giữa sân trông lại chướng, sao không nhổ đi cho xong chuyện.

Đã vài tuần nước, việc thăm hỏi đã qua lâu, tôi quyết định hỏi để thăm dò:

Ông Chương ạ, cái cọc sắt kia ông có dùng làm gì không, sao không nhổ nó đi cho thửa vườn thơ mộng nhỉ?

Ông Thanh Chương chững người, căng đôi mắt, đưa tay ra hiệu cho tôi:

Đừng, chớ nói đến nó nữa!

Tôi ngỡ ngàng, tự cảm thấy lòng tham của mình là lố bịch. Hình như biết tôi hổ thẹn, ông Thanh Chương nói:

Không sao, chẳng phải riêng ông. Ai đến nhà tôi cũng nhắc đến cái dáng đứng vô lý của nó. Nhưng mấy hôm nay không biết làm sao mà nhiều người ướm hỏi. Cả mấy ông hàng xóm đây cũng sang đặt vấn đề đổi chác, tôi thật đến khổ.

Mặt ông Thanh Chương co lại, ánh mắt vẫn sáng quắc của ông đổi màu. Ông cầm lấy cái chén không rồi lại để vào khay trà vẻ lúng túng.

Ông Thanh Chương ho và nói tiếp:

Nó cứ đứng đấy không ai đụng tới thì thôi. Nếu có người nhắc đến, bà nó nhà tôi lại như lên cơn. Hôm nay may nhà tôi đang ngủ trong nhà, chứ không thì khổ...

Chẳng hiểu rõ căn nguyên nhưng tôi thấy ân hận về ý muốn của mình nên xin lỗi bạn:

Ông bỏ qua cho sự khiếm nhã nhé.

Ông Thanh Chương giơ hai tay nói:

Không sao, ông yên tâm mà...

Ông lặng đi mấy giây. Mặt ông như dâng lên một nỗi buồn. Với giọng trầm trầm ông kể về cái cọc sắt:

Nó là của thằng cháu Thuỷ, nhưng cháu hy sinh đã mấy năm rồi.

Cặp mắt đa sầu của ông tối lại, với cái giọng khe khẽ chậm rãi, ông tiếp:

Thời kháng chiến chống Pháp, ở khu Ba, nhà tôi mang thai cháu, gần đến ngày sinh , không ở đâu yên lấy được một tuần. Tôi bị sốt rét. Bố mẹ già, vợ sắp đẻ. Tây càn quét liên tục. May quá, tôi mượn được cái thuyền để hết gia đình lên đó chưa biết làm thế nào. Thế là tôi lội, đẩy thuyền qua một cánh đồng chiêm khá rộng đến một cái thôn, một cái xóm thì đúng hơn. Ở đó chỉ có mấy gia đình, như một hòn đảo trên trời dưới nước mênh mông. Ở được đúng một ngày, nhà tôi trở dạ, sinh cháu Thuỷ. Vào được đây tưởng là ổn, nhưng địch nó không lội nước vào càn được thì nó bắn đại bác. Ông ơi, thật là hú vía. Hầm đâu mà trú trên mặt nước mênh mông. Thế là gia đình tôi lại bồng bế nhau đi lang thang đây đó mấy năm liền. Thế rồi hoà bình lập lại, năm 1955 chúng tôi bồng bế nhau về Hà Nội. Lúc đầu cũng phải chui rúc mãi mất đến mấy năm mới về ở căn nhà này. Gia đình tạm yên ấm được ít lâu thì tôi gặp cái tai nạn văn chương ông biết đấy. Nhưng thôi “văn chương hữu mệnh”(1) như cụ Siêu đã viết...

Nói đến đây, tôi thấy mắt ông Thanh Chương như chững lại. Ông im lặng cúi đầu xuống như cố dìm đi sự ân hận nào đó. Tôi thấy trên đầu ông, những sợi tóc ở đỉnh đã bỏ ông đi, còn lại một đôi cái lơ thơ, đây đó đã có những sợi bạc trắng. Tự nhiên rồi cũng thấy buồn và thông cảm cùng ông.

Ông Thanh Chương lại tiếp tục câu chuyện:

Năm 1966, ông biết đấy : Chiến tranh phá hoại miền Bắc ở thời kỳ ác liệt. Cháu Thuỷ đã đến tuổi thành niên. Mới bước vào tuổi mười bảy cháu đã cao bằng tôi. Một hôm cháu nói với tôi rằng cháu muốn may một cái áo popelinne trắng. Ông tính ăn chưa đủ còn lấy tiền đâu mà mua sắm loại áo đắt tiền ấy. Cháu muốn xin tôi cái phiếu vải của cán bộ. Tôi cứ tưởng cháu chỉ xin một ô thôi. Tôi nói:

– Được rồi, con lấy một ô mà mua. Phải coi cẩn thận khi họ cắt phiếu đấy. Nếu mình không chú ý là mất toi ô bên cạnh. Đã nhiều người bị như thế con ạ.

Cái thời ấy ô phiếu bị cắt rời ra, ai người ta bán cho nữa, ông biết không. Cháu Thuỷ không xin một ô , mà cháu định xin cả tấm phiếu, có phải chỉ có năm mét vải đâu. Nó còn nhiều ô A, B, C, D... Những ô ấy dùng làm gì họ không tuyên bố. Đùng một cái họ cho một thứ gì đó phân phối theo ô A, ô B, chẳng hạn mà mình mất những ô ấy có phải thiệt không, nhất là dịp tết. Mà bán phiếu thì người mua cả tấm có tính tiền những ô kia đâu. Cháu ngoan quá, thấy bố ngần ngại, nó cũng thôi. Sau đó mấy hôm, cháu dẫn mấy bạn về nói với tôi:

Bố ơi, con nhận đan lưới cho công ty chống lụt, con xin phép bố cho mang về đây làm .

Tôi đồng ý ngay và mừng quá vì bên cạnh nhà có cái hầm tốt lắm.

Ông Thanh Chương dướn người đưa mắt nhìn ra chiếc cọc sắt. Tôi thấy đôỉ mắt ông như đờ dại. Ông lặng đi một lúc, nói:

– Đấy! Chiếc cọc sắt của cháu để cuốn thép đan lưới hộ đê còn lại đấy. Hồi đó cháu trần lực mà lao động suốt một vụ hè.

Hôm giao hàng lĩnh tiền về cháu đưa tiền cho mẹ. Mẹ cháu hỏi:

– Con có cần tiêu gì không?

Cháu nói :

– Con muốn may cái áo popelinne trắng.

Ông ơi, thật khốn nạn cho tôi, lúc đó tôi lại gàn con:

Thuỷ ơi, may làm gì áo trắng hả con. Khi có báo động thì phiền lắm. Mua bộ quần áo bộ đội mà mặc. Ở ga bộ đội họ bán khối ra, rẻ thối mà.

Ông Thanh Chương như bay vào những kỷ niệm xa xăm, mắt ông ngấn lệ. Ông nói tiếp:

Lại một việc nữa. Hôm tổng kết công việc cháu mời bạn đến định ăn tươi. Nguyện vọng chúng nó là muốn ăn một bữa bún chả, nhưng việc này cũng không thành vì hôm ấy không hiểu sao, chúng đi xếp hàng mua đậu lại mua được tất cả sáu phiếu sáu cân đậu.

Ôi! Một rổ đậu. Cả nhà mừng vì tiêu chuẩn mỗi tháng một cân mà có bao giờ mậu dịch bán cho một lần đâu.

Trước một rổ đậu ngon lành, nhà tôi liền nảy ra một ý: không ăn bún chả nữa mà ăn đậu rán với bún mắm tôm. Thôi cũng được, đậu rán mắm tôm đối với hoàn cảnh năm đó cũng là tiệc rồi còn gì nữa. Vì nếu ăn bún chả thì mất những hai cân phiếu thịt. Để hai cân phiếu mua mỡ lại được ba cân. Rán lên chia đôi, cháu mang đi một nửa lên trường nơi sơ tán ăn cũng được hàng tháng.

Thế là ý định của thằng bé ăn bún chả cũng không thành.

Ông Thanh Chương vội đặt lên môi điếu thuốc cuốn, hút liên tục, đôi mắt nhìn khoảng không xa vời, rồi đột nhiên ông dập thuốc, nói:

Sau hôm đó cháu lên trướng học nơi sơ tán. Đen cho tôi quá, gặp lúc cơ quan nhiều việc, phải lăn ra mà làm. Anh em khác được ngày nghỉ họ cứ nghỉ, mình thì không dám, vì đây là những dịp để tỏ ra mình thực tâm cải tạo để cuối năm xét cởi trói được phần nào. Vì thế, mất hơn hai tháng tôi không đến tiếp tế cho cháu.

Ở nơi sơ tán, bà con tốt lắm. Người ta cho vay gạo rồi gia đình mang mì lên trả. Còn thức ăn thì cháu hái nắm rau, bắt con cua, con cá ở đồng. Thường là như vậy.

Thật tội nghiệp. Lúc đó tôi cũng bí quá. Khi có tiền thì chưa đến kỳ được mua mì, gạo. Lúc được ngày mua thì lại không có tiền. Cứ chờ tiền, chờ ngày, rồi lại phải đi xếp hàng nữa kể hàng buổi. Thế là lâu lắm tôi mới mang được mì, thực phẩm lên cho thằng Thuỷ. Hôm đi tôi đạp xe đạp như kiểu mã hồi. Khi đến chỗ cháu ở thì ôi thôi nhà cửa vắng tanh, gian bếp cháu ở nhờ thì tanh bành ra trông thương quá.

Tôi không hiểu sao còn đang hoang mang thì một bà hàng xóm chạy sang nói oang oang :

Bác ơi, anh Thuỷ nhà bác đi bộ đội rồi. Gớm, bác chẳng lên mà xem. Vui lắm. Cả trường, cả làng hoan nghênh con bác.

Bà hàng xóm cứ ba hoa nói trong khi người tôi như rã rời. Mắt tôi tối xầm lại, tôi gọi khẽ con mình:

– Thuỷ ơi, sao không đợi bố, nói với bố vài lời rồi hãy đi con?

Ông Thanh Chương ngừng một lát, hạ giọng, nói:

Ông ơi, tôi tội lỗi quá. Từ ngày biết cháu hy sinh, tôi ân hận. Sự ân hận giày vò cả những lúc tưởng là an nhàn sung sướng.

Có một lần ăn phở, vừa bưng bát lên hình ảnh Thuỷ hiện ra, tôi nghẹn cứng cổ, vội đặt bát xuống, trả tiền và trốn chạy.

Một lần đi xem phim cũng thế. Phim đến đoạn đôi lứa yêu đương, hình ảnh cháu choán cả màn ảnh. Tôi phải đứng lên ra ngoài rạp.

Bất cứ làm cái gì, đọc một bài thơ hay, một đoạn văn hay, đi dự một cuộc vui, tự nhiên hình ảnh cháu lại hiện về.

Lại còn một việc đáng sợ đối với tôí. Màu áo sơ mi trắng, mùi thơm của bún chả, mỗi lần thấy một trong hai thứ đó, lạ, tôi lại rùng mình.

Ông ơi, thế là cháu khuất bóng đã được năm năm rồi. Là một con người mà nó ra đi chẳng còn gì để lại.

Ông Thanh Chương im lặng một lúc, nhìn xuống đất lẩm bẩm như nói một mình “chẳng còn gì cả”:

Bức ảnh thờ cháu cũng chẳng phải là nó nữa. Đó là ảnh của tôi khi còn bé, đem phóng để thờ mà nhớ, thế thôi.

Ông Thanh Chương đứng lên, mắt rưng lệ, chỉ tay vào chiếc cọc sắt:

Đây chỉ còn cái cọc cháu từng cuốn lưới chống lụt. Mẹ cháu nhất định không cho phá. Đó là kỷ niệm riêng tư của bà ấy nhà tôi.

Vâng rất riêng tư...

!!!

Phan Thanh Hoài

(1973)

(trích từ Tập truyện ngắn CHUYỆN BÊN HỒ QUỲNH,
Nhà xuất bản Hà Nội, 1993)

(1) Trơng bài thơ khóc Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu viết:

“Văn chương hữu mệnh tương chung thuỷ
Thanh khí đồng bi tự cổ câm”

có nghĩa là :

“Nước có mệnh văn chương là thuỷ chung rồi
xưa nay tiếng tăm tính khí vẫn là khổ ải”

 


Phan Thanh Hoài


Tên thật là Nguyễn Quang Triết, sinh ngày 20.2.1926, Bình An, Thư Trì, Thái Bình.

– Tham gia cách mạng trước 1945
– Giải phóng quân Hà Nội 1946
– Sinh viên khoa học cơ bản 1951, y khoa 1952 tại Việt Bắc
– Sinh viên nội trú 1957-1958
 – Giảng viên trường bổ túc cán bộ y tế Trung ương 1959-1968
– Bác sĩ sản khoa - phẩu thuật viên
– Đã nghỉ hưu


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss