Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 29 / Về quan hệ giảng dạy – nghiên cứu và học tập

Về quan hệ giảng dạy – nghiên cứu và học tập

- Hà Dương Tường — published 05/04/2011 05:05, cập nhật lần cuối 07/05/2011 12:09

Hội nghị tư vấn về cải tổ giáo dục đại học Việt Nam


Về quan hệ
giảng dạy – nghiên cứu
và học tập


Hà Dương Tường*



Theo các báo chí trong nước, Hội nghị tư vấn về cải tổ giáo dục đại học Việt Nam do bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Việt kiều trung ương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong 3 ngày 17-19/2/1994, đã qui tụ hơn 50 hiệu trưởng, giáo sư, cán bộ quản lý đại học trong nước và hơn 40 giáo sư, chuyên gia Việt kiều từ 10 nước Âu, Mỹ, Á, Úc.

Tham luận của nhiều giáo sư, chuyên gia Việt kiều tại hội nghị đã gợi nhiều ý kiến về các vấn đề quan trọng như vấn đề hệ thống giáo dục và văn bằng, vấn đề quản lý và tài chính cho đại học, mạng lưới đại học và sự đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế, nghiên cứu và giảng dạy, đại học tư, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, hợp tác quốc tế. Một số khác bàn về các vấn đề chức năng và tinh thần đại học, vấn đề tuyển sinh, hệ thống trường sư phạm, v.v... Tập Kỷ yếu hội nghị, khi hoàn thành, sẽ cung cấp thêm những thông tin về các cuộc thảo luận trong hội nghị, phản ứng của những người tham dự đối với những đề nghị được nêu ra và sự tiếp nhận của các cấp hữu trách đối với các đề nghị đó. Điều này dĩ nhiên phụ thuộc vào tính khả thi kinh tế - kỹ thuật của các biện pháp được đưa ra. Nhưng, không hẳn chỉ có thế...

Bài dưới đây, tập trung chung quanh mối quan hệ giảng dạy - nghiên cứu - học tập ở đại học, và dựa trên những tham luận và báo cáo của các cấp trách nhiệm tại bộ giáo dục và đào tạo, bộ tài chính, các trường đại học..., cùng vài thông tin khác, sẽ nói thêm về một vài điểm người viết có cảm tưởng như không hoặc chưa được nêu ra rõ ràng lắm hầu có thể được giải quyết trong quá trình cải tổ.


Giảng dạy và nghiên cứu

Đã có nhiều nhà khoa học có thẩm quyền nêu lên những lý do sâu sắc về sự không thể tách rời đại học và nghiên cứu khoa học để khỏi cần trở lại dài dòng về mối quan hệ mật thiết này. Giới nghiên cứu tìm đâu ra máu mới nếu không là từ khối sinh viên vừa hoặc sắp ra trường đại học? Và làm sao đưa tới lớp sinh viên đó những kiến thức hiện đại, những thói quen, phong cách đặt vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau (chưa nói tới yêu cầu “ bồi dưỡng cho sinh viên năng lực tư duy sáng tạo, năng lực đặt và giải quyết vấn đề”, như bộ trưởng Trần Hồng Quân đề ra trong bài mở đầu hội nghị) nếu người thầy chính mình chưa bao giờ tham gia nghiên cứu (ở một phòng thí nghiệm hay trong quá trình sáng tạo ra những sản phẩm công nghiệp mới...)? Những câu hỏi với những lời đáp đã thành hiển nhiên, đã được thể hiện trong các văn kiện của nhà nước. Chẳng hạn, quyết định ngày 11.9.1992 của chủ tịch hội đồng bộ trưởng (nay là thủ tướng) về việc “tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, nêu rõ ngay trong điều 1: “Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo. Coi các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một thể thống nhất...”.

Thế nhưng, danh sách các báo cáo đưa về những cấp trách nhiệm nhà nước tham dự Hội nghị tư vấn về cải tạo giáo dục đại học Việt Nam... nổi bật sự vắng mặt của bộ trưởng bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hay một vị đại diện, hay của hai trung tâm khoa học quốc gia (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn)! Tìm trong danh sách những tham luận của đại biểu trong nước, cũng không!

“Quên” mời, hay có mời mà “quên” đến?

Hay đúng hơn, đằng sau sự vắng mặt khó giải thích nói trên là những tranh giành quyền lực, chỗ đứng của các phe phái khác nhau trong chính quyền – bộ nọ với bộ kia, trung ương với địa phương, địa phương này với địa phương khác, v.v... – khó có thể công khai hoá tại một hội nghị có quá đông “người ngoài”? Dẫu sao, những sự tranh chấp thường bắt nguồn từ một số lý do chính đáng hay ít ra thông cảm được, và sự giải quyết tranh chấp đòi hỏi tối thiểu phải nêu ra rành mạch các lý do ấy.

Bản báo cáo về “hiện trạng đại học Việt Nam” mà Diễn Đàn số 26 đã đăng tải cho biết “ Đại học quốc gia Hà Nội đã được quyết định thành lập nhưng (...) không bao gồm các viện nghiên cứu quốc gia.”, và lý giải tình hình đó bằng một câu ngắn “ các đơn vị nghiên cứu cũng chưa muốn sát nhập với các viện đại học” (câu cuối này nằm trong một đoạn đã được cắt bỏ trong bản phát tại hội nghị). Đã có nhiều tiếng nói từ trong hay ngoài nước nói lên sự bất hợp lý của hệ thống các viện nghiên cứu độc lập với đại học hiện nay, nhất là trên bình diện kinh tế: vượt quá xa khả năng của nhà nước. Chưa kể, cũng như con số hơn 100 trường đại học, trong tình hình đất nước hiện nay, con số hơn 300 viện nghiên cứu không chứng minh gì khác ngoài sự xé lẻ lực lượng, qui mô tủn mụn, nhỏ nhoi và tính hình thức của đa số các viện ấy. Và, hẳn là những cấp trách nhiệm của bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, của các trung tâm và các viện nghiên cứu quốc gia thừa biết thực tiễn ấy và yêu cầu cải tổ cơ cấu, mạng lưới nghiên cứu để có thể nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đẩy mạnh được một số nội dung nghiên cứu cần thiết. Trong tinh thần “coi các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một thể thống nhất...” và trong khả năng kinh tế nước ta, khó có con đường nào khác là tiến hành cải tổ đó song song với cải tổ giáo dục đại học, đưa phần lớn các viện nghiên cứu hiện nay vào các trường đại học và cao đẳng (đào tạo kỹ sư, chuyên viên một số ngành nghề), xác định chức năng hợp nhất giảng dạy - nghiên cứu của cán bộ. Và, cũng như việc hợp nhất, tổ chức lại các trường đại học, việc tổ chức lại, phân bổ các viện nghiên cứu vào các trường đại học, và nhất là việc xác định chức năng hợp nhất giảng dạy - nghiên cứu của cán bộ giảng dạy đại học dĩ nhiên gặp những khó khăn, trở ngại không nhỏ. Trong đó, trở ngại có thể không phải là “lớn” nhất, song thực tế không dễ giải quyết, một lần nữa lại liên quan đến sự phản kháng của những con người, những thế lực cụ thể, không phải vì những lý do nguyên tắc nào, mà vì những quyền lợi thiết thân, những vị trí quen thuộc bị đe doạ trong khi tương lai chẳng biết ra sao. Tương đối dễ hiểu là nhiều người công tác nghiên cứu ở các viện không muốn bị ràng buộc nhiều lắm bởi những trách nhiệm giảng dạy..., và thấy nhiều điều bất tiện trong việc sáp nhập viện của họ vào một trường đại học. Song, có hẳn phản ứng bình thường đó là không thể vượt qua được, và là lý do chính để tránh né vấn đề? và để rồi bộ giáo dục nản lòng trước sự không mặn mà ấy, tiến đến nhận định có thể thảo luận về cải tổ đại học mà không cần có mặt những nhà nghiên cứu? Có dịp nói chuyện với một vài nhà nghiên cứu, người ta có thể thấy phản ứng của họ không hoàn toàn tiêu cực, mà thường là “chúng tôi sẵn sàng, nếu... (một số phương tiện, điều kiện làm việc được bảo đảm, quy chế rõ ràng)”. Điều đáng tiếc là người ta không được đọc trong những tham luận ở hội nghị (hay trên một diễn đàn công khai khác) những lý lẽ được viện dẫn đằng sau chữ “ nếu” ấy, với những đối đáp bình tĩnh, để cùng đưa ra những biện pháp thoả đáng, cho phép tiến hành cuộc cải tổ cần thiết. Tỉ lệ cán bộ giảng dạy/sinh viên hiện nay, theo báo cáo trước hội nghị của thứ trưởng bộ tài chánh Tào Hữu Phùng, là 1 trên 5, quá cao so với nhu cầu (1 trên 15 đã là khá), và cả so với thế giới, lại quá bất cập so về trình độ. Khối lương nhà nước dành cho đại học và nghiên cứu quá ít để đủ sức đáp ứng những yêu cầu tối thiểu (lương của người cán bộ giảng dạy - nghiên cứu ở đại học phải ở trong mức khá cao trong xã hội; đủ để họ không phải bận tâm chạy theo cuộc sống hàng ngày), việc chuyển đổi công tác của khá nhiều “cán bộ giảng dạy” hiện nay, không sớm thì muộn sẽ phải đặt ra. Những biện pháp có thể nghĩ tới không thiếu. Đưa một số về dạy trung học (đang cần thầy có trình độ!); một số vào các công việc hành chính, thư viện, các khâu kỹ thuật phục vụ giảng dạy, nhà trường, v.v..., tất nhiên là sau một lớp bồi dưỡng cần thiết về các ngành nghề đó; một số khác sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực rất lớn của nền kinh tế thị trường đang mở ra. Song song, việc đưa số khá đông cán bộ nghiên cứu về, theo quy chế mới, sẽ góp phần tạo ra “chất lượng mới , bởi số lượng mới” trong giới giáo chức đại học, điều kiện không thể thiếu để đào tạo ra “ nguồn nhân lực có trình độ cao của quốc gia, một trong những yếu tố có tính quyết định bảo đảm sự thành công của chiến lược công nghiệp hoá và hiện đại hoá” như bộ trưởng Trần Hồng Quân đã nêu trong bài phát biểu trước hội nghị.

Song tất nhiên chuyển đổi này không thể chỉ được thực hiện qua một biện pháp “sáp nhập” thuần hành chính, khi bản thân đại học không đồng thời tiến hành những bước thay đổi cơ bản. Trong bài nói đã dẫn, bộ trưởng Trần Hồng Quân đưa ra 7 “vấn đề then chốt có tính chiến lược” để hội nghị thảo luận. Vấn đề số 4, “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý giáo dục đại học”, được nêu ra kèm với những biện pháp (phương hướng?) như: – Có chế độ đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý đang làm việc...; – Cải thiện đời sống và điều kiện làm việc, tạo thêm việc làm để có thêm thu nhập ngoài lương... Cách đặt vấn đề không làm cho người đọc an tâm. Việc không nêu lên nguyên tắc lương đủ sống (với mục tiêu ngắn hạn bảo đảm nguyên tắc đó) gieo cảm tưởng tình hình lương cán bộ đại học như hiện nay sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Những từ “đào tạo lại, bồi dưỡng” không góp phần nhấn mạnh đầy đủ là bộ sẽ tạo những điều kiện để cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu, dù là nghiên cứu lý thuyết hay ứng dụng, thực ra là cách duy nhất để “nâng cao chất lượng” cán bộ dạy đại học, chứ không phải là chỉ đi học rồi lập lại một trăm giáo trình khác nhau, dù “mới” đến đâu. Quy chế cán bộ giảng dạy - nghiên cứu chưa được khẳng định, người cán bộ nghiên cứu “sáp nhập” vào một cơ sở đại học cũng không biết mình sẽ hoạt động ra sao. Nếu vẫn như cũ thì quả là “sáp nhập” chẳng để làm gì!

Chưa kể, những dè dặt của những cán bộ nghiên cứu, trong chừng mực nào đã được sử dụng bởi những cán bộ có chức quyền về quản lý (ở cả hai bên) như một vũ khí cản ngăn những thay đổi. Số đảng viên có đông hơn trong số những cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy mà trình độ bất cập là lý do thầm kín của những e ngại đổi thay? Các đảng bộ nhà trường, đảng bộ viện nghiên cứu vẫn có một vai trò “lãnh đạo” trên các nhà khoa học, với quyền phủ quyết không nhỏ về những nội dung giảng dạy, nghiên cứu..., song lại “chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tác dụng của giáo dục, chưa kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp có hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục” như tài liệu “Một số đinh hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam từ nay đến đầu thế kỷ 21” (phát tại hội nghị) thừa nhận.


Tinh thần đại học

Điều đó không ngăn cản vai trò “lãnh đạo” của đảng thường xuyên được khẳng định trên các văn bản về công tác trí thức. Tài liệu “định hướng chiến lược” nói trên không ngại nhắc lại chủ trương “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với sự nghiệp giáo dục” trong số 12 “chủ trương cụ thể” về “đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục”.

Có phải một trong những biểu hiện cụ thể của chủ trương ấy là sự kiểm duyệt bài tham luận của giáo sư Lê Thành Khôi tại hội nghị (Diễn Đàn số 28 đã đăng lại bài này)? Bàn về tinh thần tự trị đại học, theo đó các “giáo sư được tự do nghiên cứu và phát biểu”, bài tham luận viết “ Không phải Khổng Tử đã nói, nay Mác đã nói, nay Hồ Chí Minh đã nói, mà tôi coi lời nói đó là sự thật, nếu không có đủ chứng cớ đích xác. Bắt người kkác phải theo ý kiến của mình mà không cho bàn cãi là đi trái với tinh thần khoa học.” Hai câu này bị cắt bỏ trong bài tham luận được in lại, phát trong hội nghị! Dễ hiểu là trong khi khá nhiều thì giờ và năng lực được các cấp hữu trách dành cho việc tìm kiếm những “phương pháp đánh giá hiện đại” về chất lượng học tập, những “công nghệ kiểm tra mới” như công nghệ trắc nghiệm (tests), những “phương tiện giảng dạy hiện đại” (máy chiếu, máy vi tính, video, v.v...), tinh thần đại học đã vắng mặt trong những tiêu đề được đưa ra để hội nghị thảo luận. Với tinh thần tự do thảo luận, tự do sáng tạo, óc phê phán và tinh thần tự học, cầu tiến được đẩy mạnh, đại học các nước Âu, Mỹ đã là cái nôi và động lực của những tiến bộ khoa học vượt bực của loài người trong những thế kỷ qua... khi chưa có các loại máy chiếu, máy vi tính, video, v.v... (và góp phần cơ bản vào sự sáng tạo ra các loại máy móc kia!). Nhiều nhà khoa học đã trả giá bằng cả cuộc đời của mình để bảo vệ những giá trị đại học ấy. Những giá trị ngày nay đã thành phổ biến. Tình trạng khủng hoảng nặng nề của đại học Việt Nam hiện nay, với sự “hụt hẫng” lực lượng giáo chức trẻ thể hiện qua những con số mà Diễn Đàn (số 24) đã có dịp nói tới, không xa lạ với những chính sách miệt thị, đàn áp trí thức trong nhiều thập kỉ qua. Những chính sách kiểu đó thường là hệ quả của những chế độ độc quyền (tuy không phải luôn luôn là hệ quả thiết yếu, có những ông vua ít hay nhiều sáng suốt!). Dĩ nhiên, không ai chờ đợi một hội nghị tư vấn về đại học trong tình hình hiện nay đặt lại vấn đề lãnh đạo của đảng cộng sản. Song có những phương cách lãnh đạo khác nhau, và chẳng có gì cấm cản những người tổ chức hội nghị nêu lên vấn đề làm sao thúc đẩy tinh thần tự học, đầu óc phê phán của sinh viên, trí sáng tạo của đội ngũ thầy giáo... Sự thảo luận về một đạo luật giáo dục trong đó những nguyên tắc tự chủ của đại học được nêu ra rõ ràng, có thể là một cách hữu hiệu để lay động nhưng quán tính không nhất thiết là có lợi cho đảng. Mở rộng hoạt động của thư viện đại học cho sinh viên (và nhiều lớp người khác trong xã hội), xây dựng lại kho sách và kho tư liệu, cả sách tiếng Việt và sách ngoại ngữ, là một cách rất thực tế đáp ứng yêu cầu tự học của sinh viên. Đưa ra những biện pháp khuyến khích biên soạn và dịch sách về mọi vấn đề học thuật, cũng là một dấu hiệu “đổi mới”, tạo “tiền đề cho sự sử dụng chất xám và trí thức” mà chính bộ trưởng giáo dục cũng thừa nhận rằng còn nhiều “hạn chế”...

Tôn trọng tự do tìm tòi, tranh luận, phát biểu, phê phán trong nghiên cứu - giảng dạy và học tập, là một tiền đề không thể thiếu để xây dựng một nền đại học đích thực. Cũng có nhiều phương cách để thể hiện mối quan tâm tới yêu cầu đó. Điều đáng tiếc là các cấp trách nhiệm đại học đã chọn lựa sự tránh né những vấn đề “gay cấn”, sự kiểm duyệt... và sự tiếp tục ép các sinh viên phải nhai lại các bài học ý thức hệ đã quá lỗi thời. Trong “Quy định về khối lượng kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu cho giai đoạn I của chương trình đại học” do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành cuối năm 1993, trên tổng số 90 “đơn vị học trình” của hai năm đầu đại học, sinh viên các nhóm ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải học 23 đơn vị về “khoa học xã hội và nhân văn”, trong đó 10 đơn vị được xác định rõ ràng về “kinh tế chính trị và triết học Mác-Lênin” (khỏi nói, những môn khoa học xã hội và nhân văn khác cũng được dạy theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin!). Chỉ còn thời giờ cho 40 đơn vị học trình về các môn khoa học. Theo bảng danh sách “các chủ trương đổi mới đại học đã và đang thực hiện”, khung chương trình của giai đoạn I này được định ra nhằm “ phối hợp hài hoà phần kiến thức và kỹ năng cơ bản về giáo dục đại cương với kiến thức và kỹ năng cần thiết về đào tạo nghề nghiệp theo diện rộng”!

Trong những điều kiện đó, người ta có thể tự hỏi, chủ trương “ tập trung xây dựng hệ thống sách giáo khoa cho đại học (...) để trong vòng vài ba năm tới mọi môn học ở đại học đều có ít nhất một - hai sách giáo khoa” có phải là một lời khước từ (chưa nói tới sự khuyến khích!) đối với đòi hỏi tự do biên soạn và xuất bản sách đại học, một cố gắng quen thuộc để kiểm soát nội dung tư tưởng của sách vở? Mặt khác, sự nhấn mạnh đến sách giáo khoa ở bậc đại học cũng có điều gì không ổn lắm. Mặc dầu danh từ sinh viên đại học đã được thừa nhận, đi vào ngôn ngữ thông thường từ mấy năm nay, thay cho từ học sinh đại học dùng ở miền Bắc trước kia, hình như người sinh viên vẫn chưa được coi là trưởng thành cho lắm? (Tôi không dám bàn thêm về một sự vắng mặt nữa trên các diễn đàn về vấn đề giáo dục: sinh viên, nhân vật trọng tâm của đại học ấy còn trẻ quá. Sợ các cụ quở là “ai lại bàn việc với đám nhãi ranh!”. Vả chăng, với cơ chế đại diện sinh viên hiện nay, dưới hai tầng lãnh đạo của đảng và đoàn...). Xin trở lại chuyện thư viện. Không chỉ sách giáo khoa, thư viện đại học còn cần hơn nữa sách nghiên cứu, và kể cả ở một đại học khoa học hay cao đẳng kỹ thuật. cần cả các loại sách bàn về những vấn đề triết học (không giới hạn trong phạm vi triết học Mác-Lênin!), lịch sử khoa học, xã hội... Biện pháp đơn giản là bộ cung cấp đủ ngân sách xây dựng các thư viện đại học, và để cho tập thể các giáo sư và trách nhiệm thư viện ở mỗi trường tự do chọn tên sách cần mua cho thư viện trường mình. Dĩ nhiên, một chính sách nghiêm chỉnh về thư viện (đương nhiên, không quên các phòng thí nghiệm) là khá tốn kém, song, có phải giáo dục đã được coi là quốc sách hàng đầu?

Trong một bài viết trên báo Le Monde ngày 22.2.1994, nhà tư vấn quốc tế Etienne Badimont cho rằng Thái Lan sẽ không trở thành một con rồng mới về kinh tế, vì sự thiếu chuẩn bị về giáo dục (trung học và đại học, nhất là đại học kỹ thuật) để có thể cung cấp cho nền kinh tế những chuyên viên kỹ thuật, những kỹ sư và nhà nghiên cứu cần thiết để có thể tự mình tiêu hoá và biết sử dụng những công nghệ mới. Nhưng, ở cả hai lĩnh vực giáo dục trung học và đại học, khoảng cách giữa Thái Lan và Việt Nam còn quá xa. Chỉ tính riêng số sinh viên đại học, Thái Lan có khoảng 165 sinh viên trên một vạn dân, Việt Nam xấp xỉ 20. Những lĩnh vực quản lý kinh tế của Thái Lan không bị hệ tư tưởng “Mác-Lênin” trói buộc nặng như ở Việt Nam...

Để vượt qua các khoảng cách ấy, sự cải tổ cơ cấu, hệ thống, mạng lưới và nội dung đại học Việt Nam, v.v... là một yêu cầu cực kỳ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia tích cực của mọi người. (Với những phương tiện tài chính tương ứng, song đó lại là một đề tài khác). Hội nghị tư vấn, dù vài hạn chế đã nêu trên, là một sáng kiến tốt để đào xới một số vấn đề, gợi một số khả năng, biện pháp hữu hiệu cho cuộc cải tổ. Nhưng, có thể nào hình thành một nền đại học thực sự khi không vượt qua được những rào cản về tư tưởng mà nhiều người vẫn muốn xây quanh khuôn viên trường học?

Công việc phải làm còn khá nhiều!


Hà Dương Tường

* Giáo sư đại học Compiègne

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss