Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 29 / Hồ sơ Nguyễn Hộ

Hồ sơ Nguyễn Hộ

- Nguyễn Hộ — published 05/04/2011 05:35, cập nhật lần cuối 07/05/2011 12:18


Hồ sơ Nguyễn Hộ




Hãng thông tấn AFP (20.3 .94) đưa tin: “Đầu tháng ba, một trong những người phê phán chính quyền mạnh mẽ nhất, ông Nguyễn Hộ, đã từng là cán bộ quân đội, lãnh đạo trong công đoàn và Đảng cộng sản Việt Nam, đã bị bắt trở lại”. Thông tấn Pháp cũng cho biết “theo những nguồn tin thông thạo, còn có hai thành viên khác của hội (ý nói Câu lạc bộ Kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh) cũng bị bắt giam ở Thành phố Hồ Chí Minh”. Lý do bắt giam ông Nguyễn Hộ (78 tuổi, gia nhập Đảng cộng sản từ năm 1937), theo tổ chức Giám sát Nhân quyền / Á Châu (Human Rights Watch / Asia), là “ông Hộ đã soạn và phổ biến một bài viết chủ trương dân chủ và quyền làm người”.

Theo những nguồn tin đã được phối kiểm của Diễn Đàn , ông Nguyễn Hộ đã bị bắt giam từ ngày 7.3.1994. Đây là lần thứ ba, ông bị giam tù. Lần thứ nhất, năm 1940: chính quyền thực dân đã giam ông 5 năm ở Côn Đảo, (ông được giải phóng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với các ông Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng). Lần thứ nhì, đúng nửa thế kỷ sau: tháng 9.1990, trong lúc ông về ẩn dật ở nông thôn miền Đông Nam Bộ, sau khi chính quyền cấm tờ báo Truyền thống Kháng chiến, giải thể ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Kháng chiến mà ông làm chủ nhiệm suốt 3 năm (từ khi về hưu năm 1987). Cũng vào thời điểm ấy, nhà cầm quyền đã bắt giam ba đảng viên khác, hoạt động trong Câu lạc bộ: Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, và những người ngoài đảng lên tiếng đòi dân chủ đa nguyên: luật sư Đoàn Thanh Liêm, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt...

Ba nhà trí thức vừa kể tên đã bị kết án tù mỗi người hơn 10 năm, cùng với bạn bè của họ. Linh mục Chân Tín và giáo sư Nguyễn Ngọc Lan thì bị quản thúc 3 năm. Ông Tòng và hai ông Hiếu, cũng như ông Hộ, ngay từ đầu năm 1990, bị các ông Nguyễn Văn Linh, Trần Trọng Tân, Trần Văn Trà và Trần Bạch Đằng... đả kích là đã biến Câu lạc bộ Kháng chiến thành diễn đàn đòi dân chủ đa nguyên và chống Đảng, thêm cả tội “nối giáo cho giặc” khi họ phổ biến bản Tâm thư với chữ ký của hơn 700 Việt kiều. Họ bị bắt cùng lúc với ông Michael Morrow, một người Mỹ trong thời gian chiến tranh, là nhà báo độc lập, một trong những người Mỹ đầu tiên tố giác vụ thảm sát Sơn Mỹ - Mỹ Lai, và từ sau 1975, hoạt động kinh doanh và chủ trương bình thường hoá quan hệ Mỹ Việt. Khi đó, ba ông bị tố thêm tội “thông đồng” với một “mạng lưới gián điệp”. Ít lâu sau, chiến dịch vu cáo và bắt bớ đã đạt một phần mục đích là chặn đứng những tiếng nói đòi dân chủ hoá cất lên từ trong hàng ngũ Đảng cộng sản, nhà cầm quyền đã lặng lẽ trả tự do cho ba ông Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu và Đỗ Trung Hiếu.

Còn ông Nguyễn Hộ, sau một thời gian bị bắt giữ riêng tại một “nhà khách” của Bộ nội vụ, cuối cùng, ông đã bị đưa về quản thúc tại gia, dưới sự canh phòng thường trực của một nửa tiểu đội công an, ít nhất cho đến giữa năm 1993.

Tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Hộ đã phổ biến trong bạn bè một bài viết 50 trang đánh máy, nhan đề Quan điểm và Cuộc sống ” mà ông đã hoàn thành từ ngày 20.5.1993.

Bài viết này gồm 5 phần :

– Lời mở đầu (6 trang), trong đó tác giả tóm tắt tiểu sử và kể lại những sự kiện về Câu lạc bộ Kháng chiến, dẫn tới cuộc bắt bớ tháng 9. 1990. Phần này là một chứng từ trực tiếp, với nhiều thông tin, chúng tôi xin đăng dưới đây toàn văn.

Trong phần 1 (13 trang) và phần 2 (7 trang), tác giả trình bày quan điểm của ông về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa tư bản “con đường không thể đảo ngược được” với những ý kiến hết sức dứt khoát: “Xã hội tư bản – xã hội thừa nhận của riêng, lợi nhuận, có giai cấp, cạnh tranh gay gắt – là một xã hội năng động đáp ứng tất cả những gì mà nhân dân mong muốn, yêu cầu. Trong chủ nghĩa tư bản với năng suất cao, hàng hoá dồi dào, đời sống cao, dân chủ tự do cao, nhân dân trở thành người chủ đích thực của xã hội”. Câu văn tiêu biểu này cho ta thấy tác giả hiểu biết rất tường tận “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, nên đã mường tượng ra một chủ nghĩa tư bản lý tưởng, âm bản 100% của chế độ mà ông quen biết. Người đọc dù không chia sẻ những khẳng định dứt khoát kiểu đó, có thể thông cảm với tâm trạng của một nhà cách mạng lão thành đang nghiệm sinh sự sụp đổ của một chế độ.

– Trong phần 3 (19 trang), ông Nguyễn Hộ bảo vệ quan điểm: dân chủ tự do là thước đo chính xác về lòng trung thành của ĐCSVN đối với dân tộc mình; Chủ nghĩa xã hội không thể công nhận có đấu tranh quần chúng, ai khác ý kiến quan điểm thì bị quy chụp trấn áp; ý thức hệ cộng sản dẫn đến đàn áp tôn giáo; và chủ trương trên cơ sở dân chủ bình đẳng, thực hiện hoà giải hoà hợp dân tộc.

– Cuối cùng, trong phần 4, tác giả đề nghị những định hướng chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục xã hội, quan hệ quốc tế và quốc phòng. Cụ thể về chính trị: từ bỏ chủ nghĩa xã hội đã trở nên lỗi thời, “thật sự cầu thị; học tập chủ nghĩa tư bản và làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa”, “thực hiện một nền chính trị đa nguyên – dân chủ đa đảng; đảm bảo quyền con người của mọi công dân trên các lãnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; đặc biệt cần phải thi hành nghiêm chỉnh các quyền dân chủ tự do của công dân như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đình công, tự do biểu tình, coi đó là vũ khí sắc bén để nhân dân bảo vệ những lợi ích của mình và thực hiện vai trò người chủ thực sự đối với đất nước, xã hội”.

Ông Nguyễn Hộ năm nay 78 tuổi. Theo AFP, sức khoẻ của ông rất kém. Quyền tự do thân thể và quyền tự do ngôn luận của ông, cũng như của ông Hoàng Minh Chính, và của những tù nhân chính trị , là thước đo để công luận trắc nghiệm thực tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.




Tôi tên là Nguyễn Hộ, sinh ngày 01 tháng 05 năm 1916 (77 tuổi – bài này tác giả viết năm 1993, chú thích của toà soạn), tại xã Hạnh Thông (tức phường 10), quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Lúc còn nhỏ tôi chỉ học hết cấp II (“sơ học yếu lược”) thời Pháp thuộc năm 1933. Vì gia đình nghèo, tôi không thể tiếp tục đến trường mà phải đi học nghề, làm thợ tại xưởng đóng tàu Ba Son (1935) vào lúc 19 tuổi. Tại đây, từ năm 1936 (20 tuổi), tôi bắt đầu tham gia Cách mạng, tham gia phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tức Đảng Cộng sản Việt Nam sau này) năm 1937 (lúc 21 tuổi). Sau gần 5 năm hoạt động, tôi bị bắt vào tháng 4 năm 1940 trên đường đi vào nhà máy và bị tù đày 5 năm ở Côn Đảo. Đến cuối năm 1945, tôi được Cách mạng tháng 8 giải phóng, về tiếp tục hoạt động cho đến sau này. Suốt quá trình cách mạng ấy, tôi đã kinh qua các trách nhiệm như sau:

a / Thời kỳ đấu tranh dân sinh dân chủ (1936-40):

– Chi uỷ chi bộ Ba Son (Đảng Cộng sản Đông Dương)

– Bị tù đày ở Côn Đảo (1940-45).

b / Thời kỳ kháng chiến chống Pháp:

– Phó bí thư kiêm Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp công đoàn Nam Bộ, phụ trách Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn.

– Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chánh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách dân quân; Trưởng ban dân quân Sài Gòn - Chợ Lớn.

– Thành đội trưởng dân quân Sài Gòn - Chợ Lớn.

– Phụ trách Thành đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn (cuối năm 1948 đến cuối năm 1950), kiêm phó chủ tịch Uỷ ban hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn.

– Uỷ viên thường vụ đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Ban cán sự 2 đặc khu, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn, kiêm chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn (cuối năm 1950 đến cuối năm 1952).

– Đau nặng, nằm bệnh viện (cuối năm 1952 đến cuối năm 1954).

c / Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (lúc đất nước chia cắt hai miền Nam Bắc):

– Ra Bắc, đau nặng, nằm bệnh viện (1955-1956).

– Uỷ viên Ban chấp hành, Ban thường vụ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (1957-1960).

– Uỷ viên Ban thư ký, uỷ viên Đoàn chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam; Đảng đoàn Tổng công đoàn Việt Nam ( 1961-1963).

d / Về miền Nam công tác (1964-1975):

– Uỷ Viên thường vụ Khu uỷ Sài Gòn - Gia Đình (T4), phụ trách dân vận, Công vận, Hoa vận ( chú thích của ban biên tập: vận động đồng bào công giáo và Hoa kiều).

e / Thời kỳ sau 30.04.1975 trở đi (1975-1987):

– Uỷ viên thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách dân vận.

– Chủ tịch Liên hiệp công đoàn TPHCM, kiêm Phó chủ tịch Công đoàn Việt Nam.

– Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, kiêm Phó chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội hữu nghị Việt-Xô.

– Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết và hữu nghị với nhân dân thế giới TPHCM.

– Chủ tịch Uỷ ban thiếu niên nhi đồng TPHCM.

– Trưởng ban vận động đồng bào TPHCM ủng hộ xây dựng công trình thuỷ điện Trị An, xây dựng con đường Nhà Bè - Duyên Hải và xây dựng Kinh Đông Củ Chi.

– Giữa năm 1987, tôi được cơ quan cho nghỉ hưu lúc tôi 71 tuổi.

Liền sau đó, Câu lạc bộ Kháng chiến thành phố ra đời. Tôi tham gia hoạt động với tư cách Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Kể ra, ngay từ đầu, anh em kháng chiến thiết tha xin lập Hội những người kháng chiến thì bị Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân TPHCM từ chối và chỉ cho phép thành lập Câu lạc bộ những người kháng chiến thôi, mặc dầu điều 67 của Hiến pháp còn ghi rành rành quyền tự do của công dân: quyền tự do hội họp, tự do lập hội... Tất nhiên, tổ chức hội và tổ chức câu lạc bộ có sự khác nhau về nội dung, quyền hạn và phạm vi hoạt động. Tuy vậy, dựa vào nội dung quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ, quyền hạn của Câu lạc bộ kháng chiến:

– Tập hợp những người kháng chiến trong hai thời kỳ (chống Pháp và chống Mỹ) nhằm phát huy truyền thống yêu nước trong nhân dân ta;

– Đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

– Đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Những người tham gia Câu lạc bộ Kháng chiến đã tiến hành hoạt động bằng các hình thức: hội thảo, mít tinh, kiến nghị, viết báo, ra báo nhằm các mục tiêu cụ thể chống tiêu cực quan liêu, cửa quyền, ức hiếp, trù dập quần chúng, tham nhũng, bè phái, bao che lẫn nhau vì đặc quyền, đặc lợi trong hàng ngũ cán bộ đảng và Nhà nước, ngoài việc xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, thực hiện đoàn kết tương trợ, thăm hỏi chăm sóc gia đình kháng chiến, thương binh liệt sĩ.

Với tinh thần đấu tranh chống trì trệ, tiêu cực nói trên, Câu lạc bộ kháng chiến thành phố đã kiến nghị:

– Bộ chính trị và Ban bí thư trung ương Đảng cần có sự kiểm điểm định kỳ, phê, tự phê về sự lãnh đạo của mình trước Ban chấp hành trung ương để qua đó, điều chỉnh, kiện toàn cơ quan lãnh đạo: ai có đủ đức, tài thì tiếp tục phát huy, còn ai không đủ đức, tài thì cần cho rút lui để đưa người có đức có tài thay thế, chứ không thể cứ “sống lâu lên lão làng”.

– Không nên “độc diễn” khi Quốc hội bầu chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (1988) mà nên có một số người ra ứng cử chức vụ nói trên với chương trình hành động cụ thể của mình. Quốc hội sẽ chọn một Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng trong số các ứng cử viên ấy bằng lá phiếu kín của mình.

– Quốc hội cần cách chức một số bộ, thứ trưởng có liên quan không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến hậu quả là trên mười triệu người (ở miền Bắc) bị đói năm 1987, và nhân dân cả nước sống cơ cực kéo dài...

Thế nhưng đối với lãnh đạo (Đảng và Nhà nước), các cuộc đấu tranh bằng các hình thức nói trên của Câu lạc bộ kháng chiến thành phố là một sự đe doạ. Do đó, lãnh đạo đã tìm mọi cách hạn chế, ngăn chặn các hoạt động của Câu lạc bộ như: không cho hội thảo, mít tinh, hoặc có hội thảo, mít tinh nhưng số người dự ít thôi; tịch thu ấn bản (makết) để Câu lạc bộ không ra báo được [Trước khó khăn đó, với tinh thần bám chặt các quyền tự do dân chủ của công dân đã ghi rõ trong Hiến pháp như tự do ngôn luận, tự do báo chí... anh em Câu lạc bộ phải cấp tốc đem bài vở chạy xuống Mỹ Tho - Tiền Giang để nhờ giúp đỡ. Tại đây, anh em địa phương rất nhiệt tình, hì hục suốt ngày đêm làm xong ấn bản lần thứ nhì thì lại được lệnh của Ban tuyên huấn Tỉnh uỷ là không được in báo cho Câu lạc bộ kháng chiến thành phố. Thế là anh em câu lạc bộ phải chạy tiếp xuống Cần Thơ - Hậu Giang cầu cứu với ấn bản có sẵn. Nhờ sự thông cảm và tận tình của anh em địa phương, chỉ trong vài ngày, 20.000 tờ báo Truyền thống Kháng chiến đã được in xong]. Sở Văn hoá - Thông tin ra lệnh tịch thu tờ báo số 03 này đang được phát hành và sau cùng cơ quan chính quyền đóng cửa vĩnh viễn báo Truyền thống Kháng chiến tờ báo được nhiều cảm tình của đông đảo bạn đọc luôn chờ đón nó.

Ngay lúc ấy, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Bí thư thành uỷ Võ Trần Chí cùng nhiều cán bộ khác, kể cả Trần Văn Trà (“thượng tướng”), Trần Bạch Đằng (“nhà văn, nhà báo”) đã họp bàn kế hoạch tỉ mỉ nhằm đàn áp Câu lạc bộ kháng chiến thành phố và nhiều nơi khác. Ý kiến phát biểu, lên án, buộc tội Câu lạc bộ kháng chiến thành phố của Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng trong cuộc họp nói trên được in ra và phát hành khắp cả nước. Thế là liền sau đó, Câu lạc bộ kháng chiến thành phố bị cấm hoạt động. Một Câu lạc bộ kháng chiến mới với Ban chủ nhiệm mới – như một thứ “kiểng” trang trí – hình thành nhằm vô hiệu hoá, tê liệt hoá phong trào đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái trong hàng ngũ Đảng và Nhà nước vừa mới dâng lên và cũng nhằm củng cố chế độ độc tài, phản dân chủ.

Trước không khí ngột ngạt ấy, tôi quyết định rời bỏ thành phố, về sống ở nông thôn để tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Ngày 31.03.1990, tôi rời khỏi Sài Gòn, cũng là ngày tôi ly khai Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng mà sau 54 năm đeo đuổi làm cách mạng (với tư cách đảng viên) của tôi, nay đã trở thành vô nghĩa. Sau cái ngày đáng ghi nhớ ấy khoảng hơn một tháng, một số anh em Câu lạc bộ kháng chiến thành phố gồm: Tạ Bá Tòng (Tám Cần), Hồ Văn Hiếu (Hồ Hiếu), Đỗ Trung Hiếu ( Mười Anh) bị bắt, cả Lê Đình Mạnh – người ủng hộ tích cực Câu lạc bộ kháng chiến thành phố – cũng bị bắt sau đó.

Vào cuối tháng 08.1990, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đi gặp tôi ở vùng Phú Giáo – miền đông Nam Bộ, cách Sài Gòn khoảng 60 km, tại cái chòi sản xuất của nông dân. Ông Kiệt hỏi tôi: “Thế này là sao?”. Tôi trả lời: “Thành phố ngột ngạt quá, tôi về nông thôn ở cho khoẻ”. Ông Kiệt nói: “Anh cứ về ở giữa thành phố, ai làm gì anh”. Tôi đáp: “Rất tiếc, phải chi anh gặp tôi sớm hơn độ hai tháng thì tốt quá, tôi trở về thành phố ngay. Còn bây giờ thì đã muộn rồi, bởi vì dưới sự lãnh đạo của Trung ương đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các ông Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, Trần Trọng Tân, Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng, ... cả nước được chỉ đạo, phổ biến rằng tôi (Nguyễn Hộ) là tên phản động, “gián điệp, móc nối với CIA”, “nối giáo cho giặc”, “ tiếp tay báo chí nước ngoài tuyên truyền chống Đảng, chống Nhà nước”, “ lập tổ chức quần chúng (Câu lạc bộ kháng chiến thành phố) chống Đảng, lật đổ chính quyền”, “ăn tiền của Mỹ”, “ chủ trương đa nguyên, đa đảng nhằm lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tất cả sự quy chụp ấy nói lên rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạp tôi xuống tận bùn đen , chôn vùi cả cuộc đời cách mạng của tôi trong nhơ nhuốc để tôi không làm sao ngóc đầu dậy được, tình hình như vậy thì tôi trở về thành phố để làm gì trừ phi đất nước Việt Nam có dân chủ tự do thật sự. Do đó tôi quyết sống ở thôn quê đến ngày cuối cùng của đời tôi.”

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và ông Kiệt diễn ra từ 7 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ trưa thì kết thúc và chia tay. Được biết từ sau lần gặp gỡ đó, ông Kiệt tỏ ra phấn khởi và có nhắn muốn gặp tôi lần thứ hai ở một địa điểm nào đó gần Sài Gòn hơn để tiện việc đi lại. Khi được tin này, tôi có viết thư trả lời cho ông Kiệt rằng cuộc gặp gỡ lần thứ hai không cần thiết.

Sau đó, khoảng nửa tháng thì tôi bị bắt (07.09.1990) trên sông Sài Gòn vào lúc 7 giờ sáng khi tôi bơi xuồng vừa cặp vào bờ, định bước lên đi vào đám ruộng cạnh đó để hái rau má, rau đắng về ăn. Đúng vào thời điểm ấy, một chiếc ghe lớn đang chạy trên sông lại cặp sát xuồng tôi, trong đó có 6-7 thanh niên khoẻ mạnh. Bỗng có tiếng hỏi to: “ Bác ơi! bác có thấy một chiếc ghe nhỏ chạy ngang qua đây không?” . “ Không!”, tôi trả lời. Liền có tiếng hét to: “ Đúng nó rồi!”

Lúc bấy giờ, tôi mới biết đó là ghe của công an và nghe tiếng súng lên cò rốp rốp. Tức khắc có hai công an cường tráng, tay cầm súng đã nạp đạn nhảy xuống mũi xuồng nơi tôi đang đứng. Tôi bình tĩnh hỏi: “Mấy chú muốn gì?”“ Muốn gì về Sở thì biết”, tiếng trả lời xấc xược của một công an. Hai công an đồng loạt nắm hai tay tôi, kéo mạnh ra phía sau rồi còng ngay. Họ điều động tôi đến sát chiếc ghe lớn có tấm ván dài bắc từ mũi ghe xuống đáy. Họ xô mạnh tôi chúi mũi và tuột xuống đáy ghe. Ghe nổ máy chạy dọc con sông lên hướng tây-bắc độ 15 phút thì rẽ vào rạch nhỏ, đi sâu đến bến. Tại đây có chiếc xe hơi nhỏ đậu sẵn. Tôi được điều lên xe và đổi còng từ phía sau ra phía trước, với bộ y phục: quần xà lỏn đen và cái áo đen ngắn tay đã xuống màu, hai bên có hai công an ngồi sát và một công an khác ngồi phía trước. Sau nửa giờ xe chạy thì đến nơi. Người ta đưa tôi vào một nhà lá trống trải, không có cửa. Tôi được ngồi nghỉ trên cái giường gỗ nhỏ có trải chiếc chiếu cũ. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra rằng chính lực lượng công an huyện Củ Chi đã săn bắt tôi (tất nhiên theo lệnh của Sở công an thành phố và Bộ nội vụ).

Củ Chi – cái tên rất quen thuộc và thân thiết – đã gợi lên trong đầu óc tôi biết bao cảm nghĩ: Củ Chi địa đạo, bom đìa, pháo bầy, Củ Chi tan nát, anh dũng, chịu đựng, gian khổ, hy sinh, nước mắt đau thương xen lẫn với nụ cười chiến thắng mà bản thân tôi trong một số năm được chia sẻ đắng cay, ngọt bùi cùng đồng bào Củ Chi trong cuộc chiến tranh không cân xứng, vô cùng ác liệt giữa Mỹ và Việt Nam; hoặc nó gợi cho tôi nhớ bao nhiêu kỷ niệm tốt đẹp trong những năm hoà bình (1975-1989): đi thăm và uỷ lạo anh em thanh niên xung phong đang lao động xây dựng công trình thuỷ lợi Kinh Đông Củ Chi để đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về tưới cho hàng ngàn hecta ruộng lâu nay thiếu nước của huyện; đi thăm và uỷ lạo các gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ trong những ngày kỷ niệm lịch sử; hoặc đi thăm và tặng quà cho các thiếu nhi, học sinh nghèo của huyện; đi dự các lễ trao tặng nhà tình nghĩa của ban, ngành, đoàn thể, cơ sở kinh doanh, sản xuất cho gia đình đối tượng chính sách trong huyện. Ôi! ý nghĩ sao mà miên man.

Đúng 4 giờ rưỡi chiều hôm đó, tôi được đưa lên ôtô để về Sài Gòn. Trước và sau xe tôi còn có mấy chiếc xe khác đầy nhân viên công an. Khi đèn đường thành phố rực sáng thì xe tôi đến cơ quan Bộ nội vụ (tức Tổng nha cảnh sát cũ trước đây). Tôi ngồi ở cơ quan nội vụ hơn một giờ thì được đưa thẳng lên Xuân Lộc (Đồng Nai), có nhiều xe công an hộ tống. Hơn 10 giờ đêm thì tới Xuân Lộc, tôi được đưa đến một nhà trống (nhà tròn) của K4 với một bán đội công an võ trang đầy đủ. Được một tuần, người ta lại đưa tôi trở về thành phố quản thúc tại Bình Triệu, ở một địa điểm đối diện với cư xá Thanh Đa. Sau hơn bốn tháng sống biệt lập, luôn luôn có một tiểu đội công an vũ trang canh giữ, tôi được đưa về quản thúc tại gia vào đúng ngày 30 Tết nguyên đán (đầu năm 1991) từ đó về sau này. Khi đến gặp tôi tại 3 địa điềm nói trên, các ông: Võ Văn Kiệt (phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng), Mai Chí Thọ (bộ trưởng Bộ nội vụ), Võ Trần Chí (bí thư Thành uỷ), Võ Viết Thanh (thứ trưởng Bộ nội vụ), Nguyễn Võ Danh (phó bí thư Thành uỷ), Trần Văn Danh (thành uỷ viên)... đều bảo tôi phải làm kiểm điểm (để qua đó lãnh đạo sẽ xem xét và giải quyết nhanh vấn đề của tôi theo cách giải quyết nội bộ). Nhưng tôi nghĩ: tôi không có tội lỗi gì trong hành động của mình – hoạt động Câu lạc bộ kháng chiến. Không lẽ đấu tranh chống tiêu cực (theo chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN): chống tham nhũng, chống quan liêu, cửa quyền, ức hiếp, trù dập, hãm hại quần chúng; chống tư tưởng bè phái, bao che cho nhau: những người đã gây biết bao tác hại cho nhân dân, đất nước, không đức, không tài mà cứ ngồi lỳ ở cương vị lãnh đạo; đấu tranh chống tiêu cực, suy thoái như vậy là hành động phản cách mạng, “ phản động”, “ nối giáo cho giặc” sao? Do đó, tôi không làm kiểm điểm mà chỉ phát biểu quan điểm của mình về tình hình chung trong nước và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (trên 20 trang).

Kiểm điểm là công việc mang tính chất nội bộ. Còn ở đây sự việc lại hoàn toàn khác hẳn: người ta đã chĩa súng vào tôi, bắt còng tôi đem giam và quản thúc. Như vậy, vấn đề đã đi quá xa, còn đâu là nội bộ nữa, vì tôi đã bị coi là kẻ thù của ĐCSVN rồi kia mà! Cho nên điều chủ yếu của tôi là chờ được đưa ra toà xét xử, xem tôi đã phạm tội gì, nặng cỡ nào với những chứng cớ đích xác của nó. Khi tôi bị bắt, không hề có lệnh của Toà án hay Viện kiểm sát. Hơn nữa, đã trên hai năm bị quản thúc, vấn đề của tôi chưa được phơi bày trước ánh sáng công lý. Điều đó cho thấy ở Việt Nam hiến pháp, luật pháp đã bị chà đạp đến cỡ nào.

Câu lạc bộ kháng chiến thành phố bị đàn áp, tôi bị bắt cũng như một số anh em khác trước đó. Chúng tôi được nếm mùi còng sắt của Đảng Cộng sản Việt Nam – cũng giống còng sắt của đế quốc ngày xưa – rồi bị giam, bị quản thúc, trở thành con người hoàn toàn mất tự do, cách ly với thế giới bên ngoài. Đó là điều bất hạnh.

Tuy nhiên, vì tôi đã ly khai Đảng Cộng sản Việt Nam lúc tôi rời thành phố về sống ở nông thôn (21.3.1990), nên hơn lúc nào hết, về tinh thần và tư tưởng, tôi thấy mình lại hoàn toàn tự do, hoàn toàn được giải phóng. Bây giờ trên đầu tôi, không còn bị kẹp chặt bởi cái “kềm sắt” của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Đảng cộng sản nữa. Do đó, nó cho phép tôi dám nhìn thẳng vào sự thật và dám chỉ ra sự thật, đặc biệt trong tình hình sụp đổ của Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô. Khác với trước đây, khi còn là đảng viên của ĐCSVN – một thứ tù binh của Đảng – tôi chỉ biết nói và suy nghĩ theo những gì mà cấp trên nói và suy nghĩ, còn hiện nay, tôi suy nghĩ rất thoải mái, không bị một sự hạn chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được giải phóng – tư tưởng đã bay bổng. Bởi vậy tôi tự phát hiện cho mình nhiều điều lý thú mà bạn đọc sẽ có dịp tìm thấy trong bài viết này của tôi.

Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ: Nguyễn Văn Bảo (anh ruột) – Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam – hy sinh ngày 09.01.1966 trong trận ném bom tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam (vào Củ Chi); Trần Thị Thiệt (vợ tôi) – cán bộ phụ nữ Sài Gòn – bị bắt và bị đánh chết tại Tổng nha Cảnh sát hồi Mậu Thân (1968), nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no, hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục. Giữa tôi và bài viết của tôi là một thể thống nhất dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng “lột xác” đã diễn ra trong đầu óc tôi. Vậy xin mời bạn hãy đọc tiếp. Cám ơn.


Nguyễn Hộ


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us