Những viên sạn
Đọc sách
Những viên sạn
LTS. Lòng say mê của Nguyễn Hữu Thành đối với bản dịch Tây Sương Ký của Nhượng Tống đã được phản ánh trên DĐ (Số 1.3.93, tr. 13). Gặp bản mới in lại trong nước, anh vội mua cho mình và tặng một người bạn. Nhân tìm thấy sạn trong bản mới này của Tây Sương Ký, Nguyễn Hữu Thành lại nhớ đến một số viên sạn khác.
1- Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ – Nhượng Tống dịch, bản của Nxb Văn Học in lại 1992 có đôi chữ khác với bản in của Tân Việt 1944! Xin nêu một ví dụ ở trương XVIII, hàng thứ năm, trên xuống:
A. Bản của Tân Việt in: “Thanh nhã chàng Phan-Ngọc chẳng như”. Tôi đoán in sai chứ không phải lỗi người dịch. Vì không có ai tên Ngọc ở đây cả và câu thơ phải nghỉ hơi sau chữ Phan. Có lẽ Nhượng Tống dịch: “Thanh nhã chàng Phan ngọc chẳng như”. Nguyên văn chữ Hán chép trong Toàn Đường Thi là: Thanh nhuận Phan lang ngọc bất như.
B. Bản của Nxb Văn học 1992 sửa (bằng tay) chữ Ngọc ra chữ Nhạc!
Vẫn biết có Phan Nhạc (247-300), nhưng nhân vật này ghép vào đây không có nghĩa. Vả lại nguyên tác của Dương Cự Nguyên cũng như bản dịch in hồi Nhượng Tống còn sống không có Phan Nhạc, hơn nữa câu thơ phải nghỉ hơi sau chữ Phan. Trái lại câu dưới có chữ huệ in lầm ra huê thì có lẽ các ông không biết nguyên tác nên không sửa!
Tôi nghĩ nên tuyệt đối tôn trọng văn bản. Chỗ nào mình không biết, khả nghi hay thấy sai thì chú thích chứ không được sửa.
Tôi đọc không nhiều nhưng nếu gom góp chữ sai lại thì cũng có thể in thành tập. Xin kể thêm vài chữ nữa ở các quyển khác cho vui:
2- Câu đầu trong bài Nhắn Khách của Phan Châu Trinh:
“Ghẹo khách Nam quan lúc ghé thuyền”
Trong quyển Thơ văn Phan Châu Trinh (Nxb Văn Học 1983, tr. 107) các ông Huỳnh Lý và Hoàng Ngọc Phách giải nghĩa (ở cuối tr. 125): Nam quan là ải Nam. Nam quan khách người nước Nam.
Tôi đoán khi làm bài thơ này, chí sĩ họ Phan có liên tưởng đến bài Tại ngục vịnh thiền của Lạc Tân Vương đời Đường (vì hai câu đầu). Nam quan nghĩa đen là mũ người phương Nam (mũ của Chung Nghi người nước Sở). Nam quan nghĩa bóng là người tù.
3- Trong bài Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê có câu: “Trần Phồn tháp bất hạ”, chắc bản dịch cũ đã dịch đúng là: “Giường kia treo cũng hững hờ” theo điển: Trần Phồn đời Hậu Hán quý trọng một người ẩn sĩ là Từ Trĩ. Phồn dành riêng cho bạn một cái giường, lúc bạn về thì treo giường lên.
Những người không hiểu họ sửa chữ giường ra chữ gương (và có người thông thái hơn sửa luôn chữ treo ra chữ soi). Cả đến kẻ có chữ nghĩa như Văn Tân cũng chép gương (Nguyễn Khuyến – Nxb Văn Sử Địa 1959, tr. 186)! May mà có Mã Giang Lân (Nxb Giáo dục 1993, tr. 57) trong quyển Tho văn Nguyễn Khuyến chép đúng chữ giường.
4- Trong Bình Ngô đại cáo, áng văn kiệt tác của Nguyễn Trãi có câu: “Toại sử Tuyên Đức chi giải đồng, độc binh vô yếm; viên mệnh Thạnh Thăng chi noạ tướng, dĩ du cứu phần.” (dĩ du cứu phần là đưa dầu chữa cháy). (chú thích của người đánh máy: cả hai vế dịch là “Làm cho Tuyên Đức trẻ ranh, cùng binh không chán; liền sai Thạnh, Thăng tướng nhát, chữa cháy thêm dầu”)
Báo nguyệt san Europe tháng 5.1980, số đặc biệt về Nguyễn Trãi, gần cuối trương 57, G.S. Vũ Khiêu chuyển ngữ:
“Nguyen Trai se gaussa de l’Empereur chinois en le traitant de “ Gamin Thuyên (chữ Hán viết Tuyên – tôi chú thích) Duc” e t des généraux Liêu Thang et Môc Thanh en les traitant de pauvres militaires apportant leur têtes pour éteindre un incendie.”
Có lẽ G.S. đọc bản dịch rồi lầm dầu ra đầu nên dịch là tête chăng?
5- Từ Điển Tiếng Việt, Nxb KHXH 1977 (In 1ần thứ hai có chỉnh lý và bổ sung) tr. 859, giải nghĩa từ Vô Định:
Vô Định. – Không biết là ai : Nắm xương vô định đã cao bằng đầu (K).
Một từ rất thông thường mà các học giả đã giải nghĩa không rõ lại phạm thêm ba cái sai hơi lớn:
a) Đống xương chứ nắm xương thì làm sao mà cao bằng đầu được?
b) Vô Định phải viết hoa: vì Vô Định là tên con sông ở tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, nước sông lên xuống bất thường nên gọi như vậy.
c) Các vị giảng nghĩa đen.
Còn câu “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu” trong Kiều là phỏng theo thơ Đường của Trần Đào trong bài LũngTây Hành:
Khả liên Vô Định hà biên
cốt
Do thị xuân khuê mộng lý nhân!
Nghĩa là:
Thương thay
xương chất bờ Vô Định
Mà khách buồng xuân vẫn đợi chờ!
Nói chuyện này thì không bao giờ hết nhưng phải dừng bút: vì e không đủ giấy đăng và sợ nhiều người trách.
Nguyễn Hữu Thành
Tái bút:
Tam tự kinh + Tam thiên tự = Tam nguyên
Quyển Nguyễn Khuyến của Giang Hà Vỵ - Viết Linh (Nxb Văn Hoá 1987, trương 11) có đoạn viết:
“... Quyển Tam tự kinh, thầy đồ Huy giao Thắng* học. Ba ngày sau không thấy Thắng đọc tiếp, ông gọi con đến hỏi. Ông ngạc nhiên thấy Thắng cất giọng: Thiên - trời, địa – đất, cử - cất, tồn – còn, ... đến hết không sai sót một chữ nào.”
Chuyện quý vị kể thật thú vị những khó tin lắm. Bởi vì Thiên - trời, địa – đất, ... là đầu quyển Tam thiên tự chứ không phải Tam tự kinh. Đầu quyển Tam Tự kinh là Nhân chi sơ, tính bản thiện, ... Những câu vỡ lòng này thời phong kiến đến người không biết chữ cũng phân biệt được, lẽ nào cha con cụ Tam nguyên lại lầm đến như vậy? Có lẽ hai học giả nghe lầm rồi chép sai chăng?
Nguyễn Hữu Thành
Paris, tháng 2.1994
* Thắng là tên Nguyễn Khuyến do ông ngoại đặt lúc mới sinh.
Các thao tác trên Tài liệu