Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 29 / Sự chấm dứt của Huyền thoại Xã Hội Đại Đồng - II

Sự chấm dứt của Huyền thoại Xã Hội Đại Đồng - II

- Nguyễn Thu — published 05/04/2011 06:00, cập nhật lần cuối 07/05/2011 12:21


Sự chấm dứt của
Huyền thoại Xã Hội Đại Đồng


Nguyễn Thu



Nguyễn Thu là bút hiệu của một Việt kiều đã cùng gia đình hồi hương cách đây 14 năm, vào cuối năm 1979. Chúng tôi đăng toàn văn bài viết (xem phần đầu từ số trước) vì đây là một chứng từ thống thiết... dù cho nó có nhiều điểm cần hiệu đính hay thảo luận thêm.


2. Giấc mơ Xã hội Đại đồng của người nông dân và huyền thoại xây dựng xã hội chủ nghĩa không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa tại Trung Quốc và Việt Nam

 

Chủ nghĩa thực dân phá sản sau khi các nước tư bản đế quốc kinh qua hai trận đại chiến nhằm giải quyết chu kỳ tổng khủng hoảng kinh tế đã trở nên suy yếu: một số quốc gia trong đó phải kể đến Trung Quốc và Việt Nam, sau hàng thế kỷ bị xâu xé hoặc sống dưới chế độ thuộc địa, đã lợi dụng cơ hội vùng lên giành lại chủ quyền và xác lập một chế độ xã hội chủ nghĩa không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Huyền thoại “xã hội đại đồng” của người nông dân Á Đông đã hình thành – như ước mơ giải phóng thân phận khỏi thảm cảnh đói khổ – trong suốt thời đại phong kiến, lại một lần nữa có cơ hội bùng lên trong bối cảnh mới với biết bao cuộc thử nghiệm xã hội tàn khốc và dã man chưa từng thấy trong lịch sử cận đại... từ các cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản đến các bước “nhảy vọt” nhằm đuổi kịp Tây Âu trong vài thập kỷ, qua sự che giấu thất bại bằng cách đàn áp trí thức, mầm mống của bạo loạn, kết cuộc với cách mạng văn hoá hao tốn sinh mạng hàng chục triệu người dân vô tội nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa Mao và các lãnh tụ chóp bu... để rồi sau cùng phe Đặng Tiểu Bình (và các người bắt chước tại Việt Nam) trở lại một chương trình cải lương kinh tế kiểu tam dân, sao chép y sì những tư tưởng khởi xướng trước đây hàng nửa thế kỷ bởi các trí thức tư sản tiến bộ như Tôn Dật Tiên, Nguyễn Thái Học!

Chúng ta cần bình tâm nhìn lại những đặc thù lịch sử của quá trình hình thành huyền thoại xây dựng xã hội chủ nghĩa không kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa tại hai quốc gia nông nghiệp lạc hậu này, để có một lập trường dứt khoát trước thái độ “điếc không sợ súng” và tham quyền cố vị của các đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, khi họ còn cố vớt vát tình thế trước sự tan rã của các đảng cộng sản Đông Âu bằng ngọn cờ “xã hội chủ nghĩa mang mầu sắc dân tộc”!

a) Từ thuở hình thành tại các vùng châu thổ phì nhiêu dọc theo các triền sông lớn tại lục địa châu Á như Dương Tử, Hoàng Hà, Hồng Hà, Mã... một nền văn minh lúa nước thì vấn đề trị thuỷ được lưu truyền trong ngoại sử qua các huyền thoại đại loại kiểu Cổn (sau trở thành vua Thuấn), được con cáo chín đuôi (sau trở thành vợ vua) giúp sức xây đập, đào kênh ngăn lụt, Thần núi Tản là Sơn Tinh được vua Hùng chọn làm rể để dẹp tan các đạo thuỷ binh thuồng luồng, ba ba và lũ lụt do tình địch Thuỷ Tinh gây ra, v.v... Ngoại sử cũng truyền lại rằng thiên hạ thời Nghiêu Thuấn thái bình thịnh trị, các kho lúa của thần dân luôn đầy ắp mà trộm cắp không hề bén mảng tới, cửa ngõ nhà dân đêm thường bỏ ngỏ... và cứ như thế qua bao nghìn năm, sau mỗi cuộc bể dâu thăng trầm của một triều đại phong kiến suy tàn, người nông dân lam lũ và đói khổ tại Trung Quốc cũng như Việt Nam lại hy vọng một vị minh quân ra đời, đưa họ về với hiện thực của giấc mơ “ đại đồng Nghiêu Thuấn”.

Mao Trạch Đông cũng như Hồ Chí Minh là những nhà chính trị am hiểu tâm lý người nông dân Á Đông đến tận chân tơ kẽ tóc, do đó, đã tự vẽ nên hình ảnh của những vị minh chúa sau cùng, thực hiện thiên mệnh đại đồng muôn thuở với học thuyết Marx được cải lương kiểu “sách đỏ cẩm nang” thời Tam Quốc hoặc nặng mùi Tống Nho như khẩu hiệu “trung với đảng hiếu với dân”... và với cơ sở lý luận là một huyền thoại vu vơ được gán cho Lênin, chỉ ra rằng “ với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đàn anh tiên tiến, một số nước chậm tiến có thể xây dựng xã hội chủ nghĩa từ một xã hội có nền sản xuất phong kiến mà không cần kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”.

Thực ra các sử gia duy vật đã xác nhận hình thái xã hội đại đồng kiểu Nghiêu Thuấn thuộc giai đoạn xã hội cộng sản nguyên thủy, một giai đoạn văn minh tiền sử mà chúng ta đã rõ (xem (3)), trong đó thành quả lao động của mỗi cá nhân chỉ đủ cho bản thân sinh tồn, do đó chưa thể tồn tại một hình thức cưỡng đoạt lao động thặng dư nào như ở giai đoạn nông nô sau đó. Sử liệu về giai đoạn cộng sản nguyên thuỷ này hầu như chỉ là các truyền thuyết, mãi về sau nhân dịp kỷ niệm năm lương thực thế giới vào cuối thập niên 80 này, các sử gia Nhật Bản mới công bố một số tư liệu độc đáo về một bộ tộc sống trên triền núi cao của đất nước Phù Tang, có tập tục để người con cả cõng cha mẹ già yếu lên bỏ đói nơi các đỉnh núi quanh năm tuyết phủ mây mù, với huyền thoại là đưa họ về nơi thiên đường cực lạc, ngoài ra đã từ lâu các nhà nhân chủng học đã khám phá ra một số bộ tộc trong rừng sâu Phi châu có ngày hội “ câu sấu” cha mẹ già, bằng cách đưa họ bám trên các ngọn cây, sau đó rung cây để họ tự đào thải nơi miệng sấu, trong trường hợp họ quá già yếu và không còn đủ sức lao động nuôi nổi chính bản thân.

Nếu thời đại Hùng Vương của chúng ta tương ứng với giai đoạn cộng sản nguyên thủy thì thật là thú vị khi các sử gia duy vật quốc nội tự lần theo dấu vết truyền thuyết để có thể xác minh sự tồn tại của thế giới “ con rồng cháu tiên” qua các phong tục đại loại kiểu tục lệ “cà răng” của người Rađê trên Tây Nguyên hoặc tục lấy đá tự đập gẫy răng tại một số địa phương miền núi..., một sự biểu lộ giảm thiểu tự nguyện sức tiêu dùng khi không còn khả năng lao động?

b) Cuộc cách mạng tân dân chủ Tân Hợi (1911) do nhà cách mạng tư sản Tôn Dật Tiên lãnh đạo đã không đủ sức vực dậy một Trung Quốc nông nghiệp lạc hậu – phong kiến suy tàn, tiếp theo đó là một cuộc nội chiến kéo dài giữa hai phe quốc cộng trên một đất nước bị xâu xé và sỉ nhục bởi các nước phương Tây cho đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa ra đời vào năm 1949 tại Trung Quốc, sau khi cộng quân của Mao đã chiến thắng và xua đuổi tàn quân của Tưởng ra đảo Đài Loan.

Nhìn lại diễn biến của cuộc nội chiến quốc cộng kéo dài nhiều thập kỷ này, chúng ta không hề thấy bóng dáng một cuộc cách mạng vô sản kiểu giai cấp công nhân thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình như đã dự báo bởi Marx, trái lại đó đây phảng phất một quá trình mưu bá đồ vương quen thuộc trong lịch sử phong kiến Trung Hoa: các hảo hán sau khi cát cứ và bạo loạn ở khắp nơi, quy tụ lại dưới ngọn cờ đào kiểu “thế thiên hành đạo” của phe Mao, cuộc vạn lý trường chinh về cố thủ tại Thiểm Tây như Lưu Bang xưa kia, sau cùng là các cuộc tổng phản công bao vây tiêu diệt địch, chiếm thiên hạ. Thực ra Mao đã bất cần cả lý thuyết duy vật lịch sử và rất tự hào khi tự hư cấu ra một huyền thoại kiểu truyền thuyết nông dân để lý giải cuộc cách mạng cướp chính quyền của đảng cộng sản Trung Hoa: liên minh công nông – đích thực là nông dân – đã lấy nông thôn làm căn cứ địa để bao vây thành thị và làm ngạt thở giai cấp tư bản sống trong đó trước khi tiêu diệt họ.

Chúng ta suy ra hệ luận khôi hài sau khi nhìn lại lý thuyết cách mạng vô sản nói trên của Mao từ qui luật mâu thuẫn “lực lượng - quan hệ sản xuất” của Marx:

“ Giai cấp nông dân Trung Hoa ngàn đời lam lũ trên đồng ruộng với con trâu cái cày làm công cụ sản xuất, hoá ra lại là lực lượng sản xuất tiến bộ nhất của Trung Quốc hiện đại và do yêu cầu lịch sử, đã thực hiện một cuộc cách mạng xã hội để xác lập một quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ sản xuất tiên tiến của giai cấp mình?”.

Trường hợp ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam về cơ bản cũng giống như tại Trung Quốc, hiểu theo nghĩa sự ra đời này xẩy ra khi nền quân chủ tập quyền lâu đời tại hai đất nước này đã suy tàn với một nhà nước phong kiến bảo thủ chống lại mọi cải cách do ngọn gió phương Tây thổi tới, với một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu và một giai cấp nông dân nghèo đói, luôn luôn ước mơ một xã hội đại đồng no đủ: nói một cách khác, qua hơn một nghìn năm tồn tại như một quốc gia độc lập, Việt Nam về mặt hình thái kinh tế - xã hội luôn luôn đóng vai một hình ảnh thu nhỏ của Trung Hoa. Tuy nhiên quá trình thay đổi các triều đại phong kiến suy tàn trong lịch sử Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Lê... cho đến nhà Nguyễn sau này, đều có đặc thù gắn liền sự nghiệp bình thiên hạ với một cuộc tổng khởi nghĩa giành lại độc lập từ tay ngoại bang. Bản sắc không gì quí hơn độc lập của đất nước này đã được hun đúc qua biết bao lần khởi nghĩa toàn dân, dưới ngọn cờ giải phóng của một vị anh hùng dân tộc và giai cấp nông dân Việt Nam đã huyền thoại hoá truyền thống yêu nước này trong sử sách, phả hệ các gia đình vọng tộc cũng như tại các chốn linh thiêng như miếu, đình, chùa, lăng, tẩm... rải rác trong khắp các làng mạc cả nước.

Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 với sự ra đời của mặt trận Việt Minh và ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như cuộc kháng chiến chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ do Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam lãnh đạo vào những năm 60 đều nằm trong truyền thống lịch sử chống xâm lược lâu đời của dân tộc Việt Nam. Không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh, cũng như đóng góp xương máu to lớn của giai cấp nông dân vào sự thành công của hai cuộc kháng chiến nói trên, tuy nhiên việc giải tán tức khắc các mặt trận đại đoàn kết cũng như việc nuốt lời cam kết hoà hợp hoà giải dân tộc và chia sẻ quyền hành với các thành phần trí thức và tư sản ghi trong cương lĩnh kháng chiến, để rồi vội vã xác lập chế độ xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc năm 1954 và trên toàn quốc năm 1975 phải chăng là một quái thai lịch sử ra đời do sự kết hôn giữa chủ nghĩa bành trướng của Đệ tam Quốc tế cộng sản với giấc mơ đại đồng muôn thuở của giai cấp nông dân Việt Nam, dưới sự vay mượn vụng về về ý thức hệ nơi người láng giềng lớn phương bắc?

Thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ của đảng cộng sản Việt Nam chắc sẽ phải trả giá đắt cho bài học lịch sử cay đắng nói trên, vì trong khi mà nhân loại đang chuẩn bị bước vào “kỷ nguyên hậu cộng sản”, thì các lãnh tụ già nua của họ tiếp tục phủ nhận sự thất bại có tính toàn cầu của chủ nghĩa Mác-Lênin và lại một lần nữa ăn phải bả lịch sử phương bắc khi phất lại ngọn cờ “ chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc riêng của...” bằng cách bê y sì lý thuyết khập khiễng nói trên của Đặng Tiểu Bình (như Trường Chinh đã từng làm ra với các lý thuyết cải cách ruộng đất và văn hoá của Mao!) và điền chữ “Việt Nam” (thay vì chữ “ Trung Quốc”) vào chỗ chấm chấm “...”.

c) Vấn đề chuyên chính vô sản.

Trung Quốc và Việt Nam, tuy do nhiều nguyên nhân địa lý - chính trị khác nhau, đã trước sau xây dựng rất sớm so với châu Âu một chế độ quân chủ tập quyền và bảo vệ nó trong hàng nghìn năm lịch sử bằng một nền chuyên chính phong kiến cực kỳ tinh vi và tàn bạo. Ngoại sử ghi rằng Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Trung Hoa thống nhất, đã chỉ vào một con ngựa trước mặt quần thần và nói: “ Trông kìa một con hươu”, và toàn thể triều đình đều cúi rạp và tung hô: “Tâu hoàng thượng, chính là một con hươu”. Cũng chính vị hoàng đế thông minh và tàn bạo này đã tìm thấy trong học thuyết vô vi của Lão Tử một nguyên lý cho nền chuyên chính ngu dân của mình, hầu mong kìm hãm xã hội Trung Hoa ở giai đoạn nông nô và đã chống lại những tư tưởng pháp trị của Khổng Tử và các nho gia tiến bộ đương thời, bằng cách đốt hết sách vở các nhà nho và chôn sống học trò. Cái chu kỳ bạo loạn gây ra bởi các nho sĩ thức thời kèm theo các cuộc đàn áp tru di tam tộc đẫm máu đã đeo đuổi dai dẳng xã hội Trung Hoa trong suốt các bước thăng trầm của hàng nghìn năm phong kiến cho đến tận cuộc thảm sát hàng ngàn sinh viên trí thức của “thái thượng hoàng” Đặng Tiểu Bình trước Thiên An Môn năm 1986!

Phải trở về cỗi nguồn như vậy, chúng ta mới phân biệt được rõ ràng tính “ dân tộc” trong các nền chuyên chính vô sản của các nước xã hội chủ nghĩa, từ tính cách thô bạo và tàn nhẫn của nền chuyên chính Liên Xô và các nước Đông Âu đến tính cách tinh tế, dã man tuy không kém phần đẫm máu của các nền chuyên chính của Trung Quốc và Việt Nam. Phản ứng của quần chúng đối với các tội ác do các nền chuyên chính này gây ra cũng tùy thuộc vào những huyền thoại đã khắc sâu trong lịch sử: trong khi ở Liên Xô, sau cả nửa thế kỷ, người ta còn chưa thể quên đi những căm thù khi thân nhân là nạn nhân của các cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa dưới thời Stalin và văn học, nghệ thuật, điện ảnh luôn luôn trăn trở trong các đề tài u buồn này..., thì ở Trung Quốc, người ta không muốn nói đến trong đời thường những năm tháng đen của cách mạng văn hoá, trong đó hàng chục triệu người đã bị hồng vệ binh thủ tiêu... hay tại Việt Nam, ngươi ta không còn nhắc nhở gì đến hàng trăm nghìn người bị chết oan uổng qua các cuộc đấu tố cải cách ruộng đất vào những năm 50-60 và coi đó như một định mệnh lịch sử thông thường đã từng diễn đi diễn lại nhiều trong những bước đường thẳng trầm của các triều đại phong kiến.

Quá trình đòi hỏi sự ra đời của một chế độ dân chủ thích hợp với trình độ văn minh chung của nhân loại tại Trung Quốc và Việt Nam được biểu lộ trong lịch sử qua tính đối đầu muôn thuở giữa trí thức tiến bộ và giai cấp thống trị lỗi thời, nói khác đi khi giai cấp nông dân của hai nước này chưa được giải phóng khỏi các huyền thoại do ý thức hệ phong kiến trước kia và ý thức hệ cộng sản ngày nay vẽ vời ra để thống trị họ, thì trách nhiệm lịch sử lớn lao này vẫn nằm trong tay giới sĩ phu thức thời. Do đó chúng ta không hề ngạc nhiên khi thấy các chính quyền cộng sản ngày nay, cũng như các vua chúa trước kia, đều ý thức sâu sắc những mầm mống bạo loạn cần phải tiêu diệt đều xuất phát từ các đầu óc “kẻ sĩ đa sự”!

Cách mua chuộc cũng như trị tội một số trí thức tại Liên Xô mang truyền thống thô bạo, một đặc tính gắn liền với nhân cách của Stalin: khởi đầu bằng tiêu diệt nhân phẩm, sau đó là thể xác nếu thấy cần thiết.

Ta hãy đơn cử hai thí dụ:

– Pavlov, nhà sinh vật lớn của thế kỷ 20, cảm thấy không thể hoạt động khoa học tại Liên Xô khi nhận thấy các đồng nghiệp trong viện nghiên cứu sống trong các điều kiện vật chất quá thảm thương, đã viết thư cho Lênin yêu cầu một số cải thiện: nếu không thoả mãn, ông bắt buộc phải rời quê hương để sang làm việc tại Thuỵ Điển. Người trợ lý của Lênin đã gửi riêng cho ông một thùng gồm các thực phẩm quý hiếm như bơ, pho mát, trứng cavia... mà không thèm nhắc gì đến những yêu cầu cải thiện tập thể. Pavlov rất thất vọng đã viết thư thẳng cho Lênin, nói rằng ông cảm thấy nhân phẩm bị xúc phạm nặng nề và quyết định đi Thuỵ Điển, cũng may là với cách cư xử rất trí thức, Lênin đã viết thư xin lỗi Pavlov và giải quyết ổn thỏa vụ này. Nền sinh học lớn của Liên Xô đã được cứu vãn nhưng sau đó Stalin đã sai tên lang băm Lyssenko đập phá tan tành.

– Vụ án áo blu trắng đã xẩy ra như sau: vào cuối đời, Stalin trở thành nghi ngờ các người thân cận một cách bệnh hoạn, có thể gọi là mắc bệnh bách hại cuồng. Sức khoẻ của ông ta không tốt và một nhóm chuyên gia ngoại khoa nổi tiếng lúc bấy giờ được gọi đến, họ đã khuyên ông ta phải nghỉ làm việc, tĩnh dưỡng lâu dài và đã không ngờ kết quả chẩn bệnh khách quan này đã mang lại cho họ một tai hoạ khủng khiếp. Số là Stalin đã dùng chính thủ đoạn sử dụng kết quả chẩn bệnh để cô lập hoá Lênin vào lúc cuối đời, do đó, ông nghi ngờ nhóm trí thức blu trắng là tay sai của các đồng chí muốn loại trừ ông. Ngay tức khắc tất cả các nhà bác học ngây thơ nói trên đều bị thủ tiêu!

Trong khi nền chuyên chính vô sản tại Liên Xô và các nước Đông Âu chủ trương thủ tiêu nhân phẩm của người trí thức bằng cách treo lơ lửng trên đầu họ một lô tội tổ tông như “thành phần tiểu tư sản”, hay “ chao đảo lập trường”, “cần được đảng giáo dục thường xuyên về lập trường giai cấp”... và dựa trên sự vu cáo vi phạm các tabu nói trên, để thủ tiêu thể xác của người trí thức nếu cần, thì ở Trung Quốc và Việt Nam, đảng và liên minh công nông xử sự với giới trí thức một cách độc ác và tinh vi hơn nhiều. Quan niệm “kẻ sĩ” trong xã hội Trung Hoa hay Việt Nam thời phong kiến mang hình ảnh một tên thư lại – trung thành và vâng lời tuyệt đối bộ máy nhà nước phong kiến tượng trưng bởi thiên tử – hơn là hình ảnh người “quân tử” với các phẩm chất vẽ vời bởi Khổng Tử. Do đó nền chuyên chính vô sản hai nước này mang nặng truyền thống phong kiến trong cách cư xử đối với trí thức, biểu lộ qua cách sử dụng lại các thủ thuật quen thuộc như nhử mồi, nhử bả để phát hiện ra những ổ reo rắc các mầm mống và tư tưởng bạo loạn, rồi sau đó mới khéo léo đưa ra các biện pháp mua chuộc hoặc đàn áp dã man những “kẻ sĩ hiện đại và phản động” này.

Chúng ta không quên chính Mao đã khởi xướng phong trào “ trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng” để dụ giới trí thức Trung Hoa nói lên những ước mơ dân chủ tự do cho một xã hội Trung Hoa hiện đại, trong khi đã chuẩn bị sẵn những hình phạt lao động tay chân lâu dài tại nông thôn để lưu đày họ.

Chúng ta cũng không quên chính Trường Chinh đã vay mượn i sì những trò tra tấn trung cổ của Mao khi đàn áp những trí thức thuộc phong trào Nhân văn Giai phẩm, để một Trần Đức Thảo (6) và một Nguyễn Mạnh Tường ngày đêm lo kiếm cỏ tránh cọp cho đàn bò mà đảng và liên minh công nông đã giao phó, đến nỗi đã mất cả tuổi trung niên sung sức mà không còn để lại được một sáng tạo trí thức đáng giá nào cho nhân loại, để một Bùi Xuân Phái (7) trong mười năm trời đều đều mỗi ngày đóng vai anh phó mộc vụng về, và mỗi khi đêm đến, rưng rưng nước mắt vì bàn tay sử dụng dùi đục đã sưng cứng không thể cầm nổi cây cọ vẽ!


Viết xong tại Hà Nội. Hè 1993.

Nguyễn Thu




(3) Hình thái xã hội tiền sử, trong đó con người với công cụ sản xuất thô sơ, chỉ có khả năng lao động để sống còn và không tạo nổi một giá trị thặng dư nào, do đó xã hội không tồn tại khả năng “bóc lột giá trị thặng dư”.

(6) Do tình cờ, tôi đã có dịp gặp ông tại nhà khách Hàn lâm viên Berlin vào năm 1982 và trước mặt tôi là một ông già hoàn toàn vong thân (theo nghĩa của Marx), nói năng rào trước đón sau và lâu lâu lại sợ sệt như một con chim bị đạn.

(7) Tôi đã có dịp hỏi một cách thân tình sự đóng góp của anh vào phong trào giai phẩm Nhân văn và hoạ sĩ đã buồn buồn trả lời: “Tôi đã ngây thơ vẽ giúp một con ngựa già để minh hoạ truyện ngắn cùng tên của ông Phan Khôi. Sau khi sử dụng tiền nhuận bút để cùng bạn bè uống rượu, tôi quên khuấy ngay chuyện này cho đến khi bị mang ra kiểm thảo và bị lưu đày tại Hà Nam”.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss