Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 29 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 05/04/2011 06:20, cập nhật lần cuối 07/05/2011 12:24


Tin tức


Việt Nam - ASEAN: ngoại giao dồn dập

Như Diễn Đàn đã đưa tin trong số trước, hai thủ tướng Singapore và Thái Lan đã tới thăm Việt Nam trong tháng 3 vừa qua. Chuyến đi của tổng thống Philipin cũng đã được loan báo vào cuối tháng (28-30). Giữa những cuộc đón khách ấy, tổng bí thư Đỗ Mười đã đi thăm Malaixia 4 ngày, từ thứ năm 24.3, vừa kịp trở về đón tổng thống Ramos.

Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong tới Hà Nội ngày thứ tư 2.3, và sau hai ngày làm việc đã vào thăm thành phố Hồ Chí Minh cho tới chủ nhật 6.3. Cùng đi với ông có bộ trưởng ngoại giao Shunmugam Jayakumar, bộ trưởng thương mại và kỹ nghệ Yeo Cheow Tong, cùng nhiều viên chức cao cấp chính phủ và 24 doanh nhân. Singapore dự tính đầu tư xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai và một khách sạn lớn ở Hà Nội, và có thể tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật hải cảng và phi cảng cho Việt Nam. Tuy nhiên, một dự án đầu tư của công ty Koh Brothers vào việc phát triển đảo Phú Quốc chưa được phía Việt Nam chấp nhận. Trả lời báo chí sau cuộc hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc gia nhập ASEAN của Việt Nam, sau những tuyên bố của từng thư ký Hiệp hội này (xem Diễn Đàn số trước), ông Goh tuyên bố ông không có cảm tưởng Việt Nam đã sẵn sàng, và vấn đề này sẽ không được đưa ra bàn cãi trong hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN vào tháng 7 năm nay. Singapore là bạn hàng số một của Việt Nam, với trị giá trao đổi thương mại song phương lên đến 1,36 tỉ đôla năm 1993, và là nước thứ 8 trong những nước ngoài có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 385 triệu đôla trong 51 dự án.

Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai và một đoàn 32 quan chức cao cấp cùng hơn 60 doanh nhân Thái đã tới Hà Nội ngày 16.3, đúng hai tuần sau ông Goh Chok Tong. Doanh số trao đổi thương mãi giữa hai nước đã nhảy từ 14 triệu đôla năm 1988 lên 200 triệu năm 1993, còn quá thấp so với trao đổi giữa Việt Nam và nhiều nước châu Á khác như Singapore, Malaixia. Ngoài ra, sự tranh chấp về đánh cá ở vùng biển phía nam hai nước vẫn là chướng ngại lớn trong quan hệ Việt - Thái. Theo những nguồn tin Thái, trong năm 1993, gần 800 ngư nhân Thái vi phạm lãnh hải Việt Nam đã bị bắt giữ, và phải trả tiền phạt hàng ngàn đôla trước khi được tha về. Từ đầu năm nay, 197 ngư nhân Thái trên 19 chiếc tàu đánh cá cũng đã bị hải quân Việt Nam bắt giữ. Ngược lại, hàng năm Thái cũng chặn bắt hàng chục ngư nhân Việt Nam. Ngay hôm ông Chuan Leekpai đến Hà Nội, sau khi hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai bên đã thoả thuận thành lập một “tiểu ban đặc biệt” để giải quyết vấn đề này. Sau Hà Nội, thủ tướng Leekpai đã đi thăm Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, nhiều doanh nhân Thái đã vào làm ăn ở Việt Nam đang rất trông chờ chuyến đi của thủ tướng sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa hai nước để đầu tư thêm.

Trong khi hai cuộc viếng thăm của các thủ tướng Singapore và Thái Lan đã tập trung nhiều vào những quan hệ kinh tế song phương, một trong những chủ đề quan trọng của chuyến đi của tổng thống Philipin Fidel Ramos sẽ là sự hợp tác khoa học trên vùng quần đảo Trường Sa, nơi đang diễn ra tranh chấp về chủ quyền giữa các nước Việt Nam, Philipin, Trung Quốc, Đài Loan, Malaixia và Brunei. Một tuần trước chuyến đi của tổng thống Ramos, Philipin và Việt Nam đã công bố hai bên dự định ký kết một thoả ước hợp tác nghiên cứu về môi trường và khí hậu trong vùng đảo. Khi số báo này lên khuôn, các nước liên quan khác chưa có phản ứng nào về dự án nói trên. Ngoài ra, các vị nguyên thủ Philipin và Việt Nam cũng sẽ ký kết những thoả ước về du lịch, hợp tác văn hoá và kinh tế. Cho tới nay, trao đổi thương mãi giữa hai nước còn khá ít, với doanh số 48 triệu đôla trong năm 1993. Philipin vừa rút tên Việt Nam trên danh sách những nước xã hội chủ nghĩa, một điều khoản luật thương mãi Philipin buộc các doanh nhân phải đợi phép của chính phủ trước khi buôn bán với các nước có tên trên danh sách này. Philipin cũng tích cực ủng hộ việc sớm kết nạp Việt Nam vào ASEAN, cùng với Malaixia.

Malaixia cũng là nước thứ tư đối tượng của các cuộc hoạt động ngoại giao dồn dập giữa Việt Nam với ASEAN trong tháng. Đáp lời mời của thủ tướng Mahathir Mohamad, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã tới Kuala Lumpur ngày 24.3 cùng với một đoàn 33 người gồm nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ và một số doanh nhân. Được mời phát biểu tại phiên họp cuối cùng của kỳ họp thứ 10 của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Economic Cooperation council – gồm 20 nước), ông nhấn mạnh “Các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể thấy Việt Nam sẽ là một đối tác tích cực trong việc giữ gìn hoà bình và ổn định trong khu vực”. Theo ngoại trưởng Malaixia Abdullah Badawi, trong cuộc hội đàm với thủ tướng Mahamad, ông Đỗ Mười đã tỏ ý mong được Malaixia hợp tác trong các chương trình tư hữu hoá các doanh nghiệp nhà nước, chương trình phát triển nông thôn, và về các lĩnh vực công nghiệp như sản xuất xe hơi, dầu mỏ và xây dựng hạ tầng cơ sở. Malaixia là nước thứ 7 trong số những nước có đầu tư vào Việt Nam, với 25 dự án và tổng vốn 457 triệu đôla. Doanh số trao đổi thương mãi giữa hai nước trong năm qua lên đến 200 triệu đôla.

Sự có mặt của tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam tại Kuala Lumpur không ngăn cản một toà án Malaixia ngày 25.3 đã kết án 36 ngư phủ Việt Nam từ 3 tới 4 tháng tù và tổng cộng 1,82 triệu đôla tiền phạt vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Malaixia.

(tổng hợp các tin thông tấn từ 2 đến 25.3.1994)

Kiểm soát giao thông vùng trời

Một quan chức Trung tâm kiểm soát giao thông trên trời của Thái Lan cho biết, Thái đã thoả thuận trao lại cho Việt Nam quyền kiểm soát giao thông trên vùng trời của mình, kể từ tháng 12.1994 tới. Từ tháng 4.1975, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã trao quyền này cho Thái Lan, Hồng Kông và Singapore chia nhau phần của Việt Nam. Singapore cũng đã chấp nhận nguyên tắc trả lại cho Việt Nam công tác này. Tuy nhiên, trên thực tế, vì lý do cấm vận của Mỹ, cho tới nay Việt Nam chưa có đủ những phương tiện kỹ thuật cần thiết để bảo đảm công tác. Sắp tới, ICAO sẽ quyết định những biện pháp cụ thể trả lại chủ quyền cho Việt Nam trong việc kiểm soát này.

(AFP 3.3.1994)

Đài Loan tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Tập đoàn Hualon của Đài Loan công bố ngày 23.3.1994 dự án đầu tư 247 triệu đôla để xây dựng một công ty dệt lớn, gồm 8 nhà máy xe chỉ và nhuộm ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Dự án đã được Uỷ ban Việt Nam hợp tác và đầu tư cấp giấy phép.

Mười ngày trước đó, một tuyên bố của ông Chou Yen, giám đốc chấp hành Quỹ hợp tác kinh tế phát triển với nước ngoài (OECDF) của Đài Loan, đã gieo nghi ngờ về sự tiếp tục đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Đài Loan. Theo ông Chou Yen, giá đất lên như diều ở Việt Nam khiến cho các dự án đầu tư trở thành phi kinh tế và chính phủ Đài Loan sẽ phải xét lại chính sách khuyến khích các doanh nhân đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng kinh tế Đài Loan Chiang Pin-Kung đã phải chính thức lên tiếng phủ nhận tuyên bố này, và cho biết chính phủ của ông không thay đổi chính sách kinh tế đối với Việt Nam. Ông Chiang cũng xác định vẫn giữ kế hoạch tới Hà Nội ngày 26.3 để làm việc với thống đốc ngân hàng và một số cấp trách nhiệm về kinh tế khác của Việt Nam. Theo ông Chiang, chính sách đất đai mới của Việt Nam, cho phép tước đất của nông dân để đưa vào sử dụng trong công nghiệp với số tiền bồi thường được ấn định ở mức 50 lần trị giá thu nhập hàng năm trên mảnh đất là “quá rộng rãi”, khi mức này ở Đài Loan chỉ là 2,5 lần. Tuy nhiên, ông tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ sớm tìm được một giải pháp và các nhà đầu tư không cần phải rút lại các dự án của mình.

Đài Loan là nước ngoài đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỉ đôla từ 1987 đến 1993. Ngoài Hualon, một tập đoàn công nghiệp dệt khác của Đài Loan, công ty Pouchen Corp. cũng vừa quyết định đầu tư 700 triệu đôla vào một dự án khu công nghiệp và thương mãi ở quận Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tháng 2.1994, các công ty Đài Loan Chinese Petroleum Corp., China Investment and Development Co. và công ty Pháp Total đã ký một hợp đồng liên doanh với Việt Nam nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 1,2 tỉ đôla ở gần thành phố Hồ Chí Minh.

(AFP 2.2, 10, 16 và 23.3.1994)

Nhật - Việt Nam

Thủ tướng Nhật Morihiro Hosokawa tuyên bố với các nhà báo ngày 14.2.1993 rằng ông muốn tới thăm Việt Nam “khoảng một cuối tuần”, song chưa định được vào thời gian nào. Cuối tháng 1, Nhật đã ký kết cho Việt Nam vay 470 triệu đôla với tỉ suất ưu đãi (1% trong 30 năm) cho các dự án phát triển, tính vào tài khoản năm 1993. Ngày 21.3.1994, chính phủ Nhật lại quyết định viện trợ kinh tế 3 tỉ yen (khoảng 28 triệu đôla) cho Việt Nam, trong năm 1994. Các công ty Nhật đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với những dự án như nhà máy cán thép ở Vũng Tàu (100 triệu đôla, liên doanh giữa Kyoei Steel, Mitsui and Co., Itochu và Công ty Thép Việt Nam), nhà máy xi măng Thanh Hoá (340 triệu đôla, với Mitsubishi Materials Corp. và Nihon Cement Co. Ltd.), nhà máy phân hoá học thành phố Hồ Chí Minh (10 triệu đôla, với Nissho Iwai Corp.), một khách sạn 300 phòng ở Hà Nội (25 triệu đôla, với EXE Design Co. Ltd), v.v...

(tổng hợp tin AFP tháng 2 và 3.1994)

Việt Nam - Trung Quốc

Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 28.2, Việt Nam và Trung Quốc đã gặp nhau ở Hà Nội cuối tháng 2, để thảo luận về lịch trình làm việc của nhóm chuyên viên hỗn hợp về biên giới đất liền giữa hai nước. Đoàn Việt Nam do ông Trần Công Trực, phó chủ nhiệm uỷ ban biên giới của chính phủ dẫn đầu, đoàn Trung Quốc do đại sứ lưu động Yu Ming Sheng dẫn đầu. Hai bên đã thoả thuận sẽ gặp nhau lần tới ở Bắc Kinh. Các cuộc thương lượng này được chính phủ hai nước quyết định tháng 10.1993, trong một thoả ước về “những nguyên tắc cơ bản” để giải quyết các cuộc tranh chấp.

Một tuần sau, hãng thông tấn Nhật Jiji Press cho biết, theo một tài liệu quân sự mật của Mỹ, Trung Quốc đã tăng cường hệ thống quân sự trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc dã dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo này năm 1974. Ngày 8.3, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam đã khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(AFP 28.2 và 8.3.1994)

Info - Intox? ( 1)

Theo đại tá Cao Long Hy, vụ trưởng vụ bảo mật quân đội, trong một bài viết cho báo Quân đội nhân dân ngày 25.3.1994, hơn 60 tài liệu mật trong kho lưu trữ tư liệu của quân đội đã bị “những người nước ngoài” lấy cắp trong mấy tháng qua. Trong số những tài liệu này, có những “ tài liệu nội bộ”, về lịch sử và đánh giá hoạt động của nhiều quân chủng từ khi thành lập. Theo đại tá Hy, những tài liệu này đã được đưa ra nước ngoài trong năm 1993, và đã được những cơ quan truyền thông nước ngoài chống đối Việt Nam “sửa đổi, xuyên tạc, viết lại” để chỉ trích chính sách đổi mới (của đảng cộng sản Việt Nam), xuyên tạc vai trò của quân đội và phá hoại quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong vùng. Đại tá Hy không cho biết quốc tịch của những “người nước ngoài” được nói tới trong bài báo, cũng không cho biết thêm chi tiết gì về những “ nhóm phản động trong nước” câu kết với họ.

(1) Thông tin thực hay nhiễu? 

(AFP 25.3.1994)

Điện và điện thoại

Báo chí Việt Nam đã đăng tải tuyên bố của bộ trưởng năng lượng Thái Phụng Nê ngày 22.3, rằng việc xây dựng đường dây siêu thế 500 kV sẽ hoàn thành vào ngày 30.3 và đưa vào sử dụng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, sau một thời gian vận hành thử. Lễ khánh thành đường dây đã được ấn định vào ngày 5.4 tới. Khởi công từ tháng 4.1992, việc hoàn thành đường dây như vậy chỉ chậm ba tháng so với dự tính, song phí tổn đã lên gấp đôi dự kiến, và những vấn đề bảo vệ, vận hành đường dây dĩ nhiên chưa được đánh giá hết. Đường dây sẽ đưa điện từ nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (Sông Đà) vào tới thành phố Hồ Chí Minh, trên một chiều dài 1487 km, qua các vùng núi miền Trung. Sau 10 năm xây dựng, công trình Thuỷ điện Hoà Bình cũng mới hoàn tất cuối tháng 2 vừa qua, với việc đưa vào vận hành tuyếc bin thứ 8 và cuối cùng. Toàn bộ nhà máy có công suất 1.920 Megawatt và sản lượng hàng năm 6,1 tỉ kwh, trong đó 2,5 tỉ dành cho các tỉnh miền Nam do đường dây siêu thế chuyên chở.

Theo một tuyên bố ngày 23.3 của người phát ngôn bộ Bưu điện và viễn thông tại Hà Nội, Việt Nam sẽ đặt thêm 200.000 đường dây điện thoại trong năm nay, trong đó 40.000 đường ở Hà Nội, 60.000 ở thành phố Hồ Chí Minh và 100.000 còn lại trong các tỉnh khác. Phí tổn của cả dự án lên tới hơn 3 tỉ đồng (300 triệu đôla), trong đó nhà nước chỉ đầu tư 3 ,4 triệu đôla, còn lại Bưu điện phải vay nước ngoài. Năm ngoái, Bưu điện đã đầu tư 270 triệu đôla để đặt 86.000 đường dây điện thoại đưa tổng số đường lên 260.000. Chỉ tiêu của nhà nước là 750.000 đường vào năm 1995.

Cùng ngày, tại Paris công ty quốc doanh Pháp France Telecom cho biết vừa ký kết với chính phủ Việt Nam một hợp đồng 600 triệu đôla để đặt 500.000 đường điện thoại trong ba năm 1995, 1996 và 1997.

(AFP 2, 22 và 23.3.1994)

Ngân sách: 80% không đúng mục tiêu

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, phó thủ tướng Phan Văn Khải vừa qua cho biết có đến 80% chi tiêu trong ngân sách nhà nước không được sử dụng đúng mục tiêu (trong năm 1993, tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng, hơn 3,3 tỷ đô la).

Theo ông Khải, “sự tuỳ tiện trong sử dụng ngân sách còn rất phổ biến. Tiền ra khỏi kho bạc là coi như xong. Bộ tài chính không nắm được là chi cho cái gì, có đúng mục tiêu không, có đúng giá không? Có địa phương dùng tiền đầu tư trồng rừng để mua xe hơi, xây trụ sở. Thậm chỉ có nơi xin tiền mua thóc cứu đói cho dân, nhưng lại chi x ài sang việc khác. Năm 1993, các địa phương thu thuế vượt 4.000 tỷ đồng nhưng đã giữ lại chi tiêu tới 1.970 tỷ. Chưa ai biết chắc chắn con số này đã được chi đi đâu?”. Đến nay; nhà nước Việt Nam vẫn chưa có luật ngân sách để đảm bảo nguyên tắc thu đủ, chi đúng.

(Tuổi Trẻ chủ nhật 16.1.94)

Công chức: 25% đến 40% không đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ

Một hội nghị về tổ chức nhà nước họp vừa qua tại Hà Nội đã thống kê 1,1 triệu người trong biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước (riêng biên chế ngành giáo dục chiếm 56%). Năm 1993, nhà nước đã tinh giản biên chế gần 50 nghìn người (trong khi vẫn phải tăng 10 nghìn người cho giáo dục). Tính cả ba năm 1991-93, tỷ lệ giảm biên chế là 11,5%.

Theo bộ trưởng Phan Ngọc Tường, trưởng ban tổ chức – cán bộ của chính phủ, trong số 1,1 triệu công chức hiện nay, chỉ có từ 25% đến 40% đạt tiêu chuẩn công tác. Riêng ngành tư pháp, theo số liệu của bộ, có đến 29% thẩm phán cấp tỉnh và 57% thẩm phán cấp huyện không đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ. Trong năm 1994, chính phủ sẽ tiến hành đề án “ đào tạo và tái đào tạo công chức nhà nước” và ban hành một “ pháp lệnh công chức”.

(Lao Động 6.3 và Tuổi Trẻ 19.3.94)

Doanh nghiệp nhà nước:đi về đâu?

Trong một bản báo cáo trình bày tại hội thảo quốc tế về “đổ i mới doanh nghiệp nhà nước” tổ chức ở Hà Nội vừa qua, bộ tài chính thú nhận rằng quá trình tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra một cách tự phát , “nhà nước chưa nắm được những số liệu cụ thể, chưa thực sự chỉ đạo và kiểm soát quá trình”. Còn về cổ phần hoá là quá trình duy nhất nhà nước thực sự kiểm soát thì bị chậm trễ: trong 19 doanh nghiệp quốc doanh được chọn làm thí điểm chỉ mới có hai doanh nghiệp thực hiện xong.

Từ năm 1989 đến nay, số doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 15.000 đơn vị xuống dưới phân nửa, song vẫn còn 25% doanh nghiệp làm ăn lỗ lã, công nợ vẫn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Vừa rồi, chính phủ đã ra chỉ thị không cho phép thành lập thêm doanh nghiệp nhà nước trong những ngành đã có nhiều năng lực kinh doanh, kể cả tư nhân.

Đồng thời, chính phủ đã ban hành quyết định cho thành lập thí điểm những tập đoàn kinh doanh, gồm ít nhất bảy doanh nghiệp với một số vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ (lồng. Hội đồng quản trị của tập đoàn (và tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng), do thủ tướng bổ nhiệm, sẽ có trách nhiệm thực hiện quyền sử dụng vốn của nhà nước.

(Tuổi trẻ 8.3 và 17.3.94)

Khu chế xuất: một ngõ cụt?

Ba năm sau khi tiến hành chủ trương xây dựng khu chế xuất, bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, lại cho rằng Việt Nam không nên chạy theo “mốt” thành lập những khu chế xuất. Theo một bản báo cáo của uỷ ban, mô hình khu chế xuất cổ điển (biệt lập trong một khu có tường rào bao bọc) không còn phù hợp. Ngược lại, mô hình “ khu công nghiệp tập trung” (trong đó có khu chế xuất, khu thương mại tự do, xí nghiệp kỹ thuật cao...) mới là thích hợp với Việt Nam và là “ xu hướng hiện nay của thế giới”.

Từ năm 1991 đến nay, uỷ ban đã cấp phép hoạt động cho năm khu chế xuất (hai khu Tân Thuận và Linh Trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, và một khu ở mỗi tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) với tổng số vốn đầu tư 285 triệu đôla. Hiện nay, Tân Thuận chỉ mới có một nhà máy hoạt động và năm nhà máy đang xây, còn bốn khu chế xuất kia vẫn chưa có cơ sở hạ tầng. Cho rằng cần có thời gian để “rút kinh nghiệm”, ông Đậu Ngọc Xuân đề nghị không mở thêm những khu chế xuất mới.

(Lao Động và Tuổi Trẻ 10.3.94)

TIN NGẮN

* Theo số liệu của Ban Việt kiều trung ương, trong dịp Tết Giáp Tuất vừa qua, có đến 180.000 Việt kiều về nước ăn Tết (tăng gấp đôi so với Tết 1993).

* Trong năm 1993, quỹ bảo hiểm y tế Thành phố Hồ Chí Minh quản lý 242.700 thẻ bảo hiểm, thu 12,5 tỷ đồng và chi 9 tỷ đồng.

* Năm 1993, các tổ chức phi chính phủ (ONG) đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 50 triệu đôla (tăng 25% so với năm 1992). Số ONG hoạt động tại Việt Nam đã tăng từ 145 lên 185 tổ chức.

* Thực hiện chủ trương lương mới, chính phủ vừa ấn định lương tối thiểu ở mức 120.000 đồng một tháng.

* Từ trung tuần tháng hai, tuyến đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Rạch Giá - Phú Quốc đã được khôi phục lại với ba chuyến bay hàng tuần của Hàng không Việt Nam.

* Đường cao tốc nối liền sân bay Nội Bài với cầu Thăng Long đã được khánh thành trong tháng ba. Dài 14,5 km, rộng 23 m với 6 làn xe chạy, con đường cao tốc này được xây dựng với kinh phi đầu tư 1,5 triệu đôla mỗi kilômét. Theo báo Lao Động ngày 22.3, chỉ 10 ngày sau khi khánh thành, đường đã bị phá hoại nhiều đoạn, gây ra ba tai nạn nghiêm trọng.

* Trong khuôn khổ của đề án khôi phục đoạn đường Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ trên quốc lộ số 1, chính phủ Đan Mạch vừa cho biết sẽ viện trợ không hoàn lại 10 triệu đôla để Việt Nam đầu tư tăng cường hai bến phà Mỹ Thuận và Cần Thơ.

* Thông qua Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), chính phủ Pháp đã cấp một triệu đôla cho việc nghiên cứu xây dựng một chiếc cầu bắc qua sông Mekong nối liền Thái Lan với Lào và con đường đi đến các cảng Đà Nẵng và Vinh của Việt Nam.

* Từ giữa tháng ba, công ty Hồng Kông OOCL và công ty Việt-Pháp Germatrans đã mở tuyến vận tải đường biển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thẳng các hải cảng Mỹ Seattle, Long Beach, New York. Thời gian vận chuyển hàng hoá được rút ngắn xuống còn 18 ngày đến bờ phía Tây và 26 ngày đến phía Đông (thay vì từ hai đến ba tháng trước đây khi phải thông qua Xingapo hay Đài Loan).

* Hai công ty Alcatel (Pháp) và Fujitsu (Nhật) sẽ xây dựng một mạng lưới cáp quang dưới biển nối liền Việt Nam, Thái Lan và Hồng Kông. Trị giá 150 triệu đôla, đề án này sẽ do mỗi bên đóng góp 50 triệu. Công ty Úc Telstra và công ty Mỹ MCI Communications cũng đã thông báo sẽ tham gia công trình này. Dự trù đường dây sẽ được đưa vào vận hành trong năm 1995.

* Hai chính phủ Na Uy và Việt Nam sẽ hợp tác xây đựng công trình thủy điện Rào Quán (công suất thiết kế 80-90 MW) ở tỉnh Quảng Trị, với tổng kinh phí dự tính là 67 triệu đôla. Phần đóng góp của Na Uy, khoảng 35-40 triệu đôla, gồm 45% viện trợ và 55% tín dụng nhẹ lãi.

* Tập đoàn Nam Triều Tiên Daewoo và Xí nghiệp liên hợp cơ khí của bộ quốc phòng Việt Nam đã thành lập một liên doanh lắp ráp và sản xuất xe hơi lấy tên Vidamco với tổng vốn đầu tư 32 triệu đôla (trong đó Daewoo góp 65%). Đặt tại Văn Điển (Hà Nội), nhà máy sẽ bắt đầu lắp ráp những xe du lịch đầu tiên vào cuối năm nay.

* Tập đoàn điện tử Đức Siemens sẽ đầu tư 8,7 triệu đôla vào Việt Nam để sản xuất cáp sợi quang học và các phụ kiện có liên quan. Nhà máy – một liên doanh với công ty bưu chính viễn thông Việt Nam, trong đó Siemens góp 51% – sẽ được xây dựng gần Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ bắt đầu hoạt động năm 1995 (công suất thiết kế là 70.000 km cáp sợi quang học mỗi năm).

* Một dịch tả xuất hiện cuối tháng 1.1994 tại các làng Ba Nang, Dakrong trên vùng núi chung quanh Huế đã làm 14 người thiệt mạng và hơn 100 trường hợp bị nhiễm bệnh.

* Theo một tuyên bố ngày 17.3 của người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, Toà thánh Vatican đã từ bỏ ý định cử tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận làm tổng giám mục địa phận thành phố Hồ Chí Minh, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm nay với chính phủ Việt Nam.

* Bộ nội vụ Việt Nam vừa quyết định thành lập một văn phòng chuyên trách về việc chống ma tuý. Trong năm 1993, công an đã tịch thu 1.383 kí thuốc phiện và 10 kí bạch phiến trong 261 vụ bắt ráp. Ba người buôn lậu ma tuý đã bị kết án tử hình, 2 người khác bị tù chung thân. Trong tháng 2 vừa qua, chính phủ đã tổ chức đốt công khai 126,4 kílô thuốc phiện bắt được trong tỉnh Lai Châu.

* Uỷ ban nhân dân Hà Nội đã đệ trình chính phủ một dự án xây cất một khải hoàn môn dựa theo kiến trúc của các khải hoàn môn của Pháp (Paris) và Đức ( Berlin), nhân dịp kỉ luận 50 năm lễ độc lập 2.9.

* Ông Nguyễn Huy Sáu, giảng viên tại Viện cơ khí Sidi-Bel-Abbès trong chương trình hợp tác lao động Việt Nam - Angiêri là người Việt Nam đầu tiên bị bọn khủng bố tại Angiêri ám sát ngày 1.3.1994. Hơn 300 chuyên viên Việt Nam (234 giáo sư khoa học - kỹ thuật và 70 bác sĩ, y tá) hiện công tác tại Angiêri trong chương trình hợp tác giữa 2 nước.

* Tiếp theo các ông Jacques Chirac, Gérard Longuet, hai bộ trưởng Pháp Simone Veil (xã hội) và Jacques Toubon (văn hoá) sẽ đến thăm Việt Nam cuối tháng 3.1994.

* Công ty Féal International là công ty Pháp đầu tiên đã được giấy phép đầu tư vào thành phố Hải Phòng, với một dự án xây dựng một khách sạn 4 sao, hợp doanh với một công ty Singapore và một công ty Việt Nam. Féal góp 50% vốn trong dự án.

* Công ty quốc doanh Hàng không Việt Nam vừa thuê – mua hai máy bay Airbus A 320, trong dự phóng tăng trưởng 40% trong năm 1995, và việc mở các đường bay quốc tế đi Paris, Tokyo và Los Angeles. Các công ty Mỹ Delta Airlines, Continental và Northwest cũng có những dự án mở đường bay đi Việt Nam. Hàng không Việt Nam và Delta Airlines đã ký kết một thoả ước hợp tác ngày 26.2 tại Hà Nội.

* Confextimex, một công ty quốc doanh may mặc, là công ty Việt Nam đầu tiên đã ký kết một hợp đồng bán hàng sang Mỹ sau khi tổng thống Clinton bãi bỏ cấm vận. Hợp đồng trị giá 7,5 triệu đôla.

* Phim Bạn tôi, của đạo diễn Trịnh Lê Vân đã được giải phim tài liệu của liên hoan phim Fribourg (Thuỵ Sỹ) tháng 2 vừa qua.

* Lấy cớ “khó khăn kỹ thuật”, chính phủ Việt Nam đã quyết định vào giờ chót huỷ bỏ một xêmina về nghiệp vụ báo chí dự trù được tổ chức từ ngày 7.3 tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều nhà báo nổi tiếng trên thế giới.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us