Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 30 / Chùa Việt Nam

Chùa Việt Nam

- Nguyên Thắng — published 30/01/1999 00:00, cập nhật lần cuối 24/05/2007 00:35

 
Đọc sách:

 
Sách về chùa Việt Nam



Nhìn lại, trong vòng vài năm đã bao thay đổi trong nội dung và hình thức sách về chùa Việt Nam.


Mới năm 1988 đó thôi, sau bao năm vắng bóng sách về đề tài nói trên, thấy được Chùa xưa tích cũ của Nguyễn Bá Lăng, 222 trang, nhà xuất bản Lá Bối in lần thứ nhất tại San Jose, Hoa Kỳ. Man mác hương vị " cuốn theo chiều gió ". Tác giả " tập hợp những bài viết giới thiệu một số danh lam, thắng tích của Việt Nam, đã được đăng trong những tập san Vạn Hạnh, năm 1964 đến 1968, Phương Đông năm 1972 - 1973." (Lời tựa) Và một ít bài viết về sau. Ghi lại " những cuộc đi thăm viếng những chốn thắng cảnh, di tích lịch sử trước thế chiến thứ hai " Với những hình ảnh do tác giả chụp, hay vẽ, nét thủ bút ghi niên đại trên một số bức như " Thần Quang tự (chùa Keo)... 1934 ". Tả cảnh, chép lại tích cũ, hội chùa, một số thơ đề vịnh cổ... bàng bạc u hoài lưu luyến : " ... chuyện cũ dễ bị lãng quên, cảnh cũ bị biến đổi, có khi đến tàn huỷ vì thế cuộc, vì chiến tranh như hồi mấy chục năm trước đây đã từng gây ra... vốn liếng của dân tộc đó mà không được bảo vệ, ghi nhớ để mất, để bị quên đi thì chẳng đáng tiếc lắm sao ? " (Lời tựa).

Vào thời mới đó mà đã xa xôi ấy, chỉ có thể hồi tưởng. Được cùng Nguyễn Bá Lăng hồi tưởng là lấy làm may mắn lắm rồi.

 
Nhưng nào ai học được chữ ngờ ! Hai năm sau, 1990, viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh in ra Việt Nam danh lam thắng cảnh Những ngôi chùa danh tiếng, 284 trang. Nguyễn Quảng Tuân soạn, ảnh Võ Văn Tường, sau một chuyến tham quan các chùa từ Nam tới Bắc. Giá trị văn chương các câu thơ, câu đối chọn lọc, các bài viết gọn, sáng sủa giới thiệu 56 ngôi chùa, làm ta chợt nhớ ra rằng Nguyễn Quảng Tuân là một nhà văn học.

Một ít ảnh màu, ngoài ra mỗi cảnh chùa được minh hoạ bằng một tấm ảnh đen trắng, to thì khổ 12x8,5 cm, nhỏ thì 8,5x5 cm. Ảnh in còn mờ, nhưng hiểu điều kiện in ấn trong nước năm đó, cầm sách trên tay thấy nặng những cố gắng để quyển sách khiêm tốn ấy ra mắt bạn đọc.

 
Cũng năm 1990 ấy, một bất ngờ khác là quyển sách nhỏ 169 trang, Chùa Hoa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác giả : Phan An, Phan Yến Tuyết, Trần Hồng Liên, Phan Ngọc Nghĩa, chủ biên Phan An, hình ảnh Phan Ngọc Nghĩa.

Sách viết không rườm lời mà rõ ràng, sơ đồ bổ sung cho văn tự. Một con số mà không chắc ai ai cũng biết : một nửa số 30 chùa Hoa hiện còn, đã quá 100 năm. Phong thái Hoa, nhưng trên bao lam điện thờ không chỉ chạm khắc đào tiên tuyết lê mà còn hoa quả miền Nam, mãng cầu, trái thơm... Phù điêu kể truyện Trung quốc mà nhân vật cưỡi trâu, chài lưới trong cảnh sông nước đồng bằng Cửu Long.

Lần qua trang sách, khơi lên tâm sự những thế hệ nối tiếp văn nhân gốc Hoa, gởi gắm trên các hoành phi, trướng, liễn :

Bắc quốc niệm tiền ân, quân thần phụ tử
Nam triều vị hậu vận, bằng hữu phu thê

(câu đối ở Minh Hương Gia Thạnh, tạm dịch : Nhớ ơn xưa đất Bắc, vua tôi, cha con ; Dựng vận nay dưới trời Nam, bè bạn, vợ chồng).

Và người đọc chợt nhớ những con người ấy đã tô điểm cho văn hoá nước ta với Trịnh Hoài Đức nhà viết địa phương chí, với Ngô Nhơn Tịnh, hai người nổi tiếng văn thơ, đương thời xưng tụng cùng với Lê Quang Định là Gia Định tam gia, và cũng là những công thần triều Gia Long, ghe phen đi sứ Trung Quốc. Văn chương, bút tích Trịnh hoài Đức còn lưu trên hai cột trong chính điện chùa Minh Hương Gia Thạnh.

Qua mười cảnh chùa, người đọc bỗng nhận thấy mình ý thức sâu sắc hơn rằng chùa Hoa là một nét văn hoá đặc sắc của ta.

 
1991, chùa Việt Nam được đề cập với cung cách khác. Như những thắng cảnh du lịch trong quyển Việt Nam di tích và thắng cảnh của Đặng Đức Siêu, Nguyễn Vĩnh Phúc, Phan Khanh, Phạm Mai Hùng, Nhà xuất bản Đà Nẵng. Từ trang 28 đến trang 92, mục chữ C, giới thiệu 34 ngôi chùa.

Với lối viết hướng dẫn du lịch mẫu mực, còn hiếm thấy ở Việt Nam, ngắn, gọn mà đầy đủ thông tin: địa chỉ, đường đi nước bước, lịch sử; những lần và niên đại tu bổ, những nét chính về kiến trúc, nghệ thuật...

 
1992, Việt Nam danh lam cổ tự của Võ Văn Tường, Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Hà Nội, đánh dấu một phong cách mới. Sách khổ 19x27cm, dày 652 trang, bìa cứng, giấy đẹp, hình lớn chiếm trọn trang, chữ ít, mỗi chùa vài hàng chú thích, bằng bốn thứ tiếng : Việt, Anh, Pháp, Trung. Sau những năm dài khắc khổ, hình mẫu được dịp khoe hồng phô lục...

Ngôn ngữ nhiếp ảnh thăng hoa, văn tự lui về địa vị tối thiểu dành lời cho nghệ thuật hình ảnh, ngôn ngữ mà người nước nào cũng hiểu được. Và đương nhiên chấp nhận đo giá trị sách bằng nghệ thuật nhiếp ảnh : cách nhìn, cảm xúc, diễn tả...

Xếp sách lại ta không khỏi băn khoăn tự hỏi phải chăng tác giả mải bôn ba đi thăm " hơn 700 ngôi chùa ", chụp " 20 000 pô ảnh " nên chỉ đủ thì giờ để thấu kính máy ảnh nháy những tấm carte postale đôi khi đẹp mắt mà chẳng mấy khi tĩnh tâm cho con tim nhìn thấu đến kích thước sâu xa hơn mặt ngoài ?

Nào đâu nghệ thuật người xưa ? Chẳng hạn như tài nghệ thể hiện trọn vẹn được niềm thanh thản của người đạt đạo trên nét mặt và trên toàn thân bức tượng la hán chùa Côn Sơn, chắp hai tay như thi lễ với người xem tượng, gương mặt tươi mà bình thản, cặp chân mày hơi nhướng lên cùng với nếp nhăn trên trán hiển hiện lòng ưu ái với người đứng trước tượng, với mọi chúng sinh ; đôi mắt nhắm : nhìn người và nhìn đời chẳng bằng đôi mắt thịt trần tục mà bằng cái nhìn trí tuệ... Những cảm xúc mà nghệ thuật nhiếp ảnh trầm mặc hơn của Lê Thành Khôi truyền được cho người xem.

Khi đã chán chường hàng loạt tượng xanh xanh đỏ đỏ, người đọc không khỏi thầm phục nhận xét của Tanizaki : cái ánh sáng trong không gian nửa sáng nửa tối các kiến trúc cổ của Nhật là một kích thước mà nghệ nhân xưa biết sử dụng thần tình. Chính trong ánh sáng mờ ảo đó mà bóng dáng cách điệu các bức tượng thếp vàng chợt loé lên chợt tắt đi, tạo cảm xúc linh thiêng huyền bí cho người chiêm ngưỡng. Và ta thấm thía lý do vì sao các vị Phật, các Bà Dâu, Bà Dàn, Bà Tướng nghìn xưa cổ kính bỗng trở nên trơ trẽn lạ, khi lộ liễu dưới ánh đèn néon, khi bị sunlight nhiếp ảnh phơi trần !

 
Về một số hình ảnh của Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long trong quyển Chùa Việt Nam, 401 trang, Nxb Khoa Học Xã hội, 1993, những nhận xét trên vẫn còn đúng. Nhưng nơi đây còn có ảnh thu được nếp thanh tịnh của cảnh chùa, diễn tả được không khí ngày hội, và nhiều tấm về mặt tư liệu có giá trị hơn của Võ Văn Tường. Chú thích đầy đủ hơn, nhưng số lượng 34 ngôi chùa ít hơn hẳn con số 171 trong Việt Nam danh lam cổ tự.

Phần lớn giá trị quyển sách nằm ở bài Chùa Việt Nam của Hà Văn Tấn. Một cái nhìn bao quát toàn thể vấn đề. Phần đầu, Một cái nhìn chung, về kiến trúc, về bài trí tượng thờ, rõ ràng mà không sơ lược.

Phần hai, Chùa Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử mang dấu ấn nhà sử học, vạch ra những nét phát triển của chùa chiền và Phật giáo Việt Nam theo dòng lịch sử, từ những buổi ban sơ khi "... đặt bàn thờ Phật vào các đền thờ Tứ Pháp, tức các đền thờ nữ thần nông nghiệp đã có từ trước. Và đến lượt, các nữ thần này được Phật hoá, trở thành các Phật Bà. ". Thành quả các công trình nghiên cứu suốt mấy chục năm nay, các dữ kiện khảo cổ mới phát hiện trong vòng hai mươi năm gần đây (như di chỉ Tháp Nhạn đời Tuỳ Đường ở Nghệ An, cột kinh ở Hoa Lư, di chỉ chùa Lấm đời Trần trên đảo Thừa Cống ở vịnh Bái Tử Long...) được cô đúc nên những nhận định, những giả thuyết, những câu hỏi xác đáng. Đặc sắc !

Phần cuối dành cho " ngôi chùa đang sống thật sự giữa các cộng đồng làng xã Việt Nam " . Lời văn còn được minh hoạ bằng những tấm ảnh chụp trong vòng ít năm gần đây. Người xem có cảm tưởng được hoà mình trong đám " Trẩy hội chùa Láng năm Nhâm Thân (1992) " ; tuy nhiên nhìn tấm "Ngày hội chùa Lim" (tr. 78) không khỏi thắc mắc: hội thật hay chỉ là văn công đóng trò ?

Toàn bài chiếm có 82 trang. Sách hay chẳng luận viết dài !

 
Nguyên Thắng

   

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: tập-1, Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss