Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 30 / Cố Điện 5/5

Cố Điện 5/5

- Hoàng Xuân Hãn — published 08/03/2008 01:00, cập nhật lần cuối 10/03/2008 16:57
Chuyện Cố Điện chắc còn nhiều, trở thành những chuyện vui, tượngtrưng sự tríthức chốngđối cườngquyền trong xãhội ta xưa, hay đàn anh xuphụ thựcdân. Muốn độcgiả hiểu sâu hơn ýnghĩa sự châm biếm ấy, tôi đã nhắc lại vắntắt rõràng đoạn sử biđát nước nhà, từ trạngthái độclập đến trạngthái nôlệ. Kẻ cầm vậnmệnh quốcdân đã không biết lo xa, làm sai lầm không sửachữa. Lúc đã lỡ bước, dù hốihận, gỡ cũng không ra.

Cố Điện (5/5)



Hoàng Xuân Hãn


Sau khi phongtrào cầnvương nổi dậy, bộđội Pháp ở Bắc Kì, bấy giờ mạnh, tự cángđáng bìnhđịnh các miền thượng và trungdu. Còn vùng Hải Dương, Bắc Ninh thì mượn thêm tay quan lại "bảohộ". Vì vậy mà Hoàng Cao Khải, hàm chỉ mới đến tamphẩm (ánsát), mà được quyền sung chức tổngđốc Hải Dương, rồi tổngđốc Bắc Ninh, để dẹp phongtrào vănthân vùng đồng bằng. Khi Nguyễn Hữu Độ mất, vì Hoàng hàm bé quá cho nên Đồng Khánh phải cho Trần Lưu-huệ, tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên tạm quyền kinh lược Bắc Kì. Hoàng Cao Khải mới được trao chức này từ ngày 15.8.1889, và lập "võ công" to là đã chiêu hàng được hai chướng đốiđịch : Đốc Tít (Nguyễn Đức Hiệu) tại vùng Đông Triều, ngày 18.8.1889 ; và Đội Vân tại vùng Bắc Ninh ngày 20.3.1889. Cao Khải là một nhà văn học, hiểu rõ rằng võcông thường nhờ mưu kế và văntừ dỗdành người. Tính y cũng ônhoà, cho nên không tànác như Nguyễn Thân trong khi dụng võ. Người Pháp cũng biết vậy. Toàn quyền Lanessan đã bảo y viết thư dỗ hàng người đồng làng và thâncận là Phan Đình Phùng. Vào tháng 10 năm Giáp Ngọ (tháng 11.1894), y nhờ em vợ, Phan Đình Mân, mà cũng là anh con bác Phan Đình Phùng (tên Mân đây theo sách Phan Đình Phùng của Đào Trinh Nhất, nhưng giaphả họ Phan chỉ chép tên hai em bà Thị Điểu là Đình Đàm và Đình Nhu ; có thể một người đã đổi tên), mang một bức thư của mình gửi cho bạn cũ. Lời thư dỗ hàng dài, rất khéo. Y nhận việc làm của cụ Phan là phải ; ai cũng phải khen, kể cả người Pháp. Toàn quyền Lanessan cũng vậy, cho nên đã bảo mình viết thư lên khuyên bãi chiến, và hứa hậuđãi antoàn. Tuy y không dám đưa những kháiniệm thứcthời, thực tế ra mà nói, nhưng y cũng hỏi lóng rằng « Song le thờícuộc gần đây đã xoayxở ra sao, xin thử hỏi sựthế có làm được nữa hay không ? » Nếu kéo dài khángchiến thì giađình, nhândân, xứsở tantành. Trung hiếu cũng không đạt được.

Tựnhiên cụ Phan từchối. Lời đáp ôntồn nhãnhặn, nhưng chuachát, khiến Hoàng mất thểdiện đối với mọi người. Đạiý nói : Vua gọi ra và giao việc cầnvương; không nghe lệnh và không cứu dân khỏi vòng nôlệ thì bấttrung. Còn sự để huỷnhục tổtiên, tànphá giađình, thì nếu không chống lại, ắt cả toàn dân sẽ bị khốn. Cụ lại chỉtrích những kẻ theo Tây, rằng nhândân bị khổ không chỉ tại chiếntranh, mà cốt tại những kẻ thừa nhịp đổ vạ cho dân để vinh thân phì gia. Cụ lại đem quanniệm đạo nghĩa duytâm, chọi lại quanniệm thiếtthực duyvật của Hoàng : Trung Quốc giàu mạnh hơn ta và ở kề ta, mà không nuốt nổi nước ta, huống chi quân Pháp ít, nước Pháp xa. Ta giữ được nước vì biết giữ lòng trunghiếu và kính Trời đã dành đất ta cho nhândân ta. Kết luận bằng câu hỏi mà Hoàng, một bạn khoacử , không thể trả lời được : « Cốnhân nên lấy tâmsự và cảnhngộ tôi, thử đặt mình vào mà suy nghĩ nên phải làm thế nào ? »

Lúc tôi bé, còn nghe cha tôi nói : đã nghe chuyện Hoàng hốihận sau khi thấy Nguyễn Thân được khâmsai ra đốt xác cụ Phan và chém giết đảngnhân tại quê mình. Hình như y đã nói : « Nếu biết thế, thì mình đã nghe lời Tây (Lanessan chăng ?) về ép Cụ ra cứu bà con. »

Sự thật là Hoàng Cao Khải thôngminh, khônkhéo, Không hề có ý dẫn quân Pháp về dẹp Cầnvương ở Trung Kì. Vả sau khi nhận thư của cụ Phan, Hoàng không còn thểdiện nào về giữa vănthân Nghệ Tĩnh. Sau khi Pháp bãibỏ chức kinhlược Bắc Kì, Hoàng Cao Khảl được đưa vào Huế giữ chức phụchánh thứ hai, dưới Nguyễn Thân là phụchánh thứ nhất. Hai người rất ghét nhau. Người ta kể chuyện rằng : tại Huế, Nguyễn Thân đã sai người chực đón xe Cao Khải đi về qua cầu Tràng Tiền, lúc đầu ban tối, để đâm chết; nhưng nhờ trăng sáng mà những hộvệ Cao Khải đuổi được lũ sát nhân. Về sau, Nguyễn Thân trở về quê, làng Thạch Trụ (Quảng Nghĩa), rồi phát bệnh điên (người ta bảo rằng vì quảbáo) mà mất (18.9.1914). Hoàng Cao Khải có gởi câu đối điếu, ngụ ý chuyện nầy. Phần cuối hai vế là :

«... Thạch Trụ vân yên không diếu diếu ;
... Trường kiều phong nguyệt thượng y y »

nghĩa là núi làng Thạch Trụ mây khói bốc cao nghi ngút ; ...Cầu Trường Tiền (cũng có nghĩa là cầu dài) gió trăng còn như cũ.

Cao Khải không gây oánthù tại quêhương; trái lại còn che chở cho nhiều người đồngquận khỏi bị Tây bắt. Cho nên dân huyện La Sơn vẫn dửngdưng trước thànhcông phúquí của y tại xứ Bắc : tước quậncông, chức khâmsai, sắcấp Thái Hà, hai con thượngthư : Hoàng Mạnh Trí tổngđốc Nam Định, Hoàng Trọng Phu tổngđốc Hà Đông. Trái lại, sĩphu Bắc Kì giữ lòng khinhkhi người thamvọng. Dương Bá Trạc, trong thơ mừng tuổi thọ, đã mỉa mai :

« Con côi một nhà hai tổngđốc ;
Tây Nam hai nước một trungthần »

Câu sách thì ''trungthần bất sự nhị quân'' nghĩa là trungthần không thờ hai vua. Khi y mất (1933), có nhosĩ tỉnh Hưng Yên cũng điếu, mỉa mai như vậy (theo Tự điển nhân vật lich sử Việt Nam) :

« Ông ra Bắc là may ! Chức Kinhlược, tước Quậncông, bốn bể không nhà, mà nhất nhỉ !
   Cụ đi Tây cũng tiếc ! Trong Triềuđình, ngoài Chínhphủ một lòng với nước, có hai đâu ! »

Trong phái chống Pháp ở Huế, có hoànggiáp thượngthư Nguyễn Phiên, quê làng Liên Bạt, gần phía Tây Hà Nội. Con trai ông là Nguyễn Thượng Hiền, sinh năm 1866, đậu cửnhân năm 19 tuổi (1884). Năm sau đậu hội, và đáng đậu đìnhnguyên năm 20 tuổi. Xẩy ra việc Hàm Nghi bỏ Kinhthành, cho nên chửa kịp treo bảng thi đình. Thượng Hiền lại là rể Tôn Thất Thuyết. Cho nên không được thi lại khoa hội năm 1889. Đến năm Thành Thái thứ 4 (khoa Nhâm Thìn 1982) ông mới được phép thi trở lại. Bấy giờ vẫn trẻ, 27 tuổi ; ông đậu Hoànggiáp như cha, nhưng lần nầy, phải nhường thứvị đìnhnguyên cho một chàng trẻ tuổi khác là thámhoa Vũ Phạm Hàn. Thượng Hiền bấy giờ đã chán quantrường trong chínhthể Bảohộ. Ông giaodu với những danhsĩ có óc chínhtrị như Phan Bội Châu. Nhưng vì cha còn, cho nên ông không nhập đảng gì, chỉ vui thú với vănchương, cho đến năm cha mất 1907. Bị tìnhnghi, ông phải trốn sang đất Thanh, bỏ lại giađình ; và có gởi cho Cố Điện hai mẹ con bà vợ bé. Bị đeđọa bởi mậtthám Pháp, Phan Điện bèn lánh ra Bắc, ngồi dạy học, cắt thuốc ở Cầu Đơ, tức thịtrấn Hà Đông buổi sau. Cũng như một số người cựuđảng Cầnvương, ông ra dựa tiếng người làng cụ Quận, khỏi bị tụi trinhthám tòmò.

HoangCaoKhaivaCon

Hoàng được một lũ quanlại nịnhbợ, nhưng cũng biết rằng những nhosĩ chânchính chê và ghét mình, cho nên cố làm những việc có tínhcách " áiquốc " ; ví như trùngtu Quán Trấn Vũ (Chùa Quan Thánh), bảo các thuộchạ làm thơ vịnh và khắc biển treo trong quán. Từ khi được ban đất phong tước, y lập ra ấp Thái Hà (nhắc tên làng và tỉnh mình), xây dinh Kinh lược để ở. Y không quên rằng Hoàng Diệu đã tựải trước đền Trung Thần trong lành cũ Hà Nội. Y sai xây đền lại gần ấp Thái Hà và gò Đống Đa, đặt tên mới là miếu Trung Liệt, thờ riêng ba vị liệtsĩ chống ngoạixâm Pháp : Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu và Nguyễn Cao. Nguyễn Cao, nguyên ánsát Thái Nguyên, theo Cầnvương chống binh đội Pháp. Bị thương ở bụng, và bị bắt đem về Hà Nội, được đưa vào nhà thương chữa : nhưng ông móc bụng, kéo ruột ra mà chết. Cao Khải sống khá giảndị, tự xưng Thái Xuyên Hưu Tẩu (ông già về nghỉ hiệu Thái Xuyên), hội những vănnhân như cụ Tamnguyên Nguyễn Khuyến, để ngâm vịnh. Y làm thơ Hán và nôm vịnh sử và viết sách. Sách Việt sử yếu, bằng Hán văn, dừng lại cuối đời Lê; tuy chỉ là để phổthông, nhưng đối với đươngthời, cũng có nhiều ý mới.

Tuy có kẻ nói ông có lúc được " vinh qui bái tổ ", nhưng theo tôi nghe biết thì ông không hề dám về quêhương. Nhưng vốn là vănsĩ La Sơn, ông chắc cũng có lòng quyếncựu. Cha tôi kể chuyện : « Một hôm có thầy đồ Nghệ tới dinh Thái Hà, xin yếtkiến cụ Quận. Cụ khăn áo chỉnh tề, tiếp ở tưthất. Ông đồ thưa : "Tôi ra dạy học ngoài này đã lâu. Làng quê tantành vì loạnlạc. Tôi nhớ quê Kẻ Hạ (Việt Yên Hạ), nay muốn về thăm. Biết Cụ lớn cùng quê, tôi tới xin Cụ lớn giúp." Bấtngờ cho nên dodự một chốc, rồi Cụ cười bảo : "Hãy làm thơ tứccảnh vịnh con chim hoạmi của tôi kia, để xem tài ông đồ Nghệ" . Ông đồ xin bút giấy, rồi viết, trình lên bài sau :

'' Hoạmi, ai vẽ ra mi ? (Hoạ là vẽ ; mi nghĩa là mày với mấy)
Sắc mi cũng đẹp, hót thì cũng hay (hót, có nghĩa là nịnh)
Ai đưa mi đến chốn nầy (ámchỉ Hữu Độ)
Nước trong, gạo trắng, ngày ngày mi xơi
Lồng son ống sứ thảnh thơi
(ámchỉ bị nôlệ sangtrọng)
Mi bay, mi nhảy, sướng đời nhà mi ! (bay nhảy là cửchỉ làm quan)
Khen cho mi cũng gặp thì
Rừng Sâu, mi có nhớ gì nữa không ? "
(ámchỉ Phan Đình Phùng)

Mới liếc qua, Cao Khải liền hiểu ý. Tái mặt, cười nhạt, rồi móc tiền, tiễn ông đồ về quê. Lúc lớn lên, tôi hỏi Cố Điện có phải Cố đã làm bài ấy không ? Cố chỉ cười, không đáp. Riêng tôi tôi nghĩ rằng tuy tácgiả cũng là một ông đồ Nghệ, nhưng vào thếhệ trước Cố.

Còn chuyện tôi sắp kể, chắc liênquan đến Cố. Miếu Trung Liệt mà Cụ Quận đã xây lại, sau được đổi tên ra Trung Lương (Trungthần và lươngtướng). Có lẽ bởi kẻ nịnhbợ họ Hoàng muốn sau nầy có thể thờ thêm vào đền ấy cụ Quận coi như là một nhà caitrị giỏi (chữ Tướng đây là tểtướng), cũng như Nguyễn Hữu Độ khi trước có đền SinhTừ ở Hà Nội. Hồng Liên và Đông Tùng trong sách Một giađình Cáchmạng (Sài Gòn 1970, trang 82) kể chuyện rằng ông đầuxứ Điện (có lần thi với các trò trong tỉnh, được đứng đầu) có đề vào tường bài thơ rằng:


" Các cụ liều thân bỏ chiến trường
Ai đem Trung Liệt đổi Trung Lương
Thờ bên trungtrực, bên giannịnh
Thế cũng đền đài, cũng khói hương
Thơm thối lẫn nhau, mùi tắc họng
Ngọtngào giảdối, lưỡi không xương
Nhà Nho lại có thằng nào đó
Luồn cúi vào ra bợ cụ Hoàng "

Vợ cả Cao Khải, Phan Thị Điểu, là chị con bác cụ Đình. Bà sinh hai trai. Con đầu Mạnh Trí, làm quan đến tổngđốc Nam Định, nhưng vợ và con cả ở lại trong làng. Con thứ, Trọng Phu cũng cưới vợ họ Phan, con em giai cụ Đình ; nhưng khi vợ vừa có mang, thì y theo cha ra Bắc không trở về làng nữa. Mạnh Trí theo nho học, thi đậu tútài năm 1984, lúc 24 tuổi. Cha cho theo học với các danhnho, vì muốn trong họ Hoàng cũng có đạikhoa. Nhưng người ta nói rằng các nhosĩ Trung Kì ghét Cao Khải cho nên con bị đánh hỏng. Trọng Phu vì có Tây học, cho nên làm tổngđốc Hà Đông suốt cả đời quan. Còn Mạnh Trí chỉ học chữ nho, cho nên, mặc dầu cha làm Kinh Lược, cũng phải đợi lâu, mới lên chức tổngđốc Nam Định. Chỉ có ông về chămnom trường và dinhthự cụ Quận ở làng Đông Thái. Trong hơn 20 năm đầu thếkỉ 20, nhândân La Sơn vẫn giữ tháiđộ thảnnhiên đối với thânnhân cụ Quận. Vào khoảng năm 1922, 1923, xẩy ra một chuyện, đối với ngày nay, thì không quanhệ ; nhưng vào buổi ấy, đã làm daođộng dưluận đối với họ Hoàng. Vào năm ấy, bất đầu xâydựng đường hoảxa Vinh - Huế. Hai cầu lớn gần nhau khởi công : cầu Yên Thái trên sông Cả, cầu Chợ Thượng trên sông La. Chợ Thượng vốn là nơi phồnhoa trong những ngày phiên chợ. Với củacải mọi nơi đổ về, với nhânvật lịchsự mọi nơi kéo tới, Chợ Thượng bấy giờ thành chốn lịchsự ăn chơi, trên phố dưới thuyền. Gần cạnh phía Nam có làng Nghĩa Yên, nổi tiếng là sinh con gái đẹp. Làng đạo Datô. Các linhmục Pháp tới đó đã lâu đời Dân thường bảo rằng nước da ngà của con gái Nghĩa Yên là nhờ ảnhhưởng những bức tranh các thánh ! Đang buổi ấy một cựulítrưởng làng, cố Cựu Tri, có con gái, cô Năm, chưa chồng và nổi tiếng đẹp. Ai tới Chợ Thượng cũng tìm xem mặt cô. Gần cạnh phía Bắc có làng Yên Thái, có dinh Cụ Quận. Đến mùa hè, các cháu Cụ, cậu Đức, cậu Mô về quê thăm mẹ, thăm anh và hưởng thú mát của sông La Giang, núi Thiên Nhẫn. Các cậu có chiếc thuyền nhà để đi chơi và ngủ mát trên sông. Danh và sắc cô Năm Tri không thể không lọt vào tai mắt các cậu. Chợ Thượng dễ làm nơi, trước thì gặpgỡ, sau lại hẹnhò. Cuối cùng Cô dandíu với cậu Mô và chịu xuống thuyền cùng Cậu ngắm trăng hóng gió. Ở chốn quê, không chuyện gì giấu được. Dân quê tòmò mà lại thích châmbiếm những kẻ có quyềnhành. Không baolâu, trong huyện La Sơn, đi đâu cũng nghe những trai chăn trâu, những gái đi chợ, hát một bài vè châmbiếm. Lúc ấy, tôi còn ít tuổi ; mùa hè về nghỉ ở làng cách Chợ Thượng hơn 10 câysố, mà cũng được nghe hát và học theo. Lâu ngày tôi không nhớ hết, nhưng cũng nhớ ít nhiều câu, đủ nhắc lại chuyện nầy :


" Nay ngồi gẫm nhântình thếcố
Nực cười thay ! Phongthổ Nghĩa Yên (tên làng)
Có nhà phúc đức vẹntuyền
Phonglưu phúchậu tiếng truyền mọi nơi
Người vốn lại là người bổnđạo (đạo Datô)
Cố Cựu Tri danh hiệu rõràng (cựu lítrưởng)
So bề đàicác cũng sang
Trai thua Đậu Quế, gái nhường Tạ Ban (nghĩa : chỉ thua những họ lớn)
Bàn trà rượu nhà lan sựcnức
Cũng là người tânthức cựugiao
Nhởnnhơ một đoá yêuđào
O Năm là gái mĩniều thanhtân
Trải mấy độ mưa xuân nắng hạ
Nghĩ thân Cô đáng giá nghìn vàng
Lại thêm nghiênbút thưhương
Theo đòi nhiều ít với phường nghiquan (thầy có khoacử)
Thương ôi nỗi hồngnhan bạcphận 
Ép mặt hoa má phấn giồimài
Để cho ong bướm vãnglai
Kẻ bàn thunguyệt, người nài xuânphong
Cũng có kẻ vănphong nhonhã
Tới vườn đào kiếm quả tìm hương
Thư đi tờ lại thường thường
Lấy điều trà lá làm đường vãnglai
Lại có kẻ chú cai thầyphán (Đồn Linh Cảm gần đó)
Cũng tình người kết bạn trăng hoa
Nào người lụclộ hoảxa
Cùng nhau cặn tiện trẻ già giàu sang
Ở gần cạnh có làng Cụ Quận ...

Tôi quên một đoạn dài, mà câu cuối nầy cũng không chắc. Nhưng độc giả cũng đoán rằng đoạn quên ấy kể chuyện tình duyên ngoạilệ giữa cô gái thônquê và một côngtử Hàthành vừa là cháu cụ Quận công người cùng tổng. Cuốicùng, tácgiả đem luânlí ra dạy cả hai bên :

'' Mua thuyền về mà chơi cho chán
Chơi chán rồi lại bán thuyền đi
Ai về nhắn cố Cựu Tri
O Năm như rứa
(thế) trách gì cậu Mô !
Chuyện trò kể mấy bồ cho xiết
Trách mẹ cha không biết dạy con
Sinh năm đẻ bảy vuông tròn
Chồng loan vợ phụng tiếng đồn ngợi khen
Ở gần Cụ
(cụ Quận) cũng nên uý cụ (sợ)
Gần Cố (cố đạo = linhmục) nên cốthủ một lòng
Lạ cho con giống của dòng
Ra điều gái chợ trai đồng khó coi...»

Người trong xứ tưởng tácgiả bài này là Phan Điện, nhưng lầm. Văn Cố Điện cụcxúc, chứ không hàonhoáng như văn bài này. Vả chính Cố cũng khẳngđịnh điều ấy. Đây chắc là bởi một nhosĩ trong huyện làm ra. Trong hạt, Cố Điện không phải là người độcnhất trong trường thanhnghị.


Đến lúc Hoàng Mạnh Trí về hưu, trở về làng Đông Thái ở, dinh cụ Quận mới có vẻ trangnghiêm. Nhà cửa được tranghoàng, vườntược xây tường vây kín. Cửa vào vườn dựng sát bờ sông La, sát đường cái rất thônghành. Cửa được quét vôi lại ; tô câu đối hai bên những lối vào. Ngang trên cửa, cụ Thượng đề bốn chữ: ĐẠI VÃNG TIỂU LAI (Lớn đi nhỏ lại). Những kẻ nhohọc biết rằng đó là ''chữ liền'' trong Kinh dịch. Tuy không trỏ người ta đi lại ngoài đường trước cửa hay ra vào qua cửa, nhưng một câu sách thíchhợp khéo chọn đủ tỏ rằng chủnhân thuộc làng Nho. Những người tinh ý thì nhớ rằng bốn chữ ấy trỏ quẻ Bỉ gồm quẻ Càn (dương) ở trên và quẻ Khôn (âm) ở dưới: dương hết âm thay, điềm là xấu, là xui. Họ nghĩ : '' Thế mà Cụ không biết ! '' Kẻ bênh Cụ, lại nói : ai chẳng biết '' Bỉ cực Thái lai '' (quẻ Bỉ xấu hết, thì quẻ Thái tốt lại), mà Thái là tên làng Đông Thái, hiệu cụ Quận là Thái Xuyên. Qua cửa này vào là khỏi Bỉ rồi gặp Thái. Còn cố Điện, tính ngangtàng, lại ghét Hoàng Mạnh Trí. Cố chọc tức bảo: « ĐẠI là đạitiện, TIỂU là tiểutiện ; văn biển có nghĩa rằng: kẻ muốn đạitiện thì đi đây, kẻ muốn tiểutiện thì lại đây ». Ai nghe cũng bật cười mà sợ Cố.

Hoàng Mạnh Trí là một người nghiêmnghị một ông quan nghiêmkhắc. Lúc đang làm quan đã phạt đánh em rể và phạt tiền ông thônggia mình. Lúc về hưu, ở trong làng quê, đối với vănthân cũng không mềmmỏng. Sự cămtức nhất là họ Hoàng không có đạikhoa mà ban chủtế nhà Thánh (nhà thờ Khổng Tử) trong tổng chỉ gồm những khoamục ít nhất là phóbảng. Các nơi khác chỉ cần tútài, hay đầuxứ, đầuphủ, đầuhuyện cũng đủ làm trưởngban. Có lúc cụ Thượng cáu lên, đòi đốt nhà thờ Văn Thánh, và chửi bới kẻ đạikhoa. Cố Điện ra ngụ cư ở Bắc, có lúc về quê ; nghe kể những chuyện cụ Thượng; lại biết khi cụ làm quanthì, vì không biết tiếng Tây, cho nên Cụ sợ các ''quan Tây''. Cố bèn làm bài thơ chếnhạo sau:


« Điện ở Hà Đông mới lại nhà
Nghe đồn Cụ Lớn thật chua ngoa
Lửa tâm doạ đốt nhà Văn Thánh
Xuổng miệng toan đào mả Đạikhoa
Ba chục thí cho con bố vợ
Bảy mươi dành phạt cụ thônggia
Đã hay Cụ Lớn thường hay quấu
(cào cấu)
Quấu được Tây đau mới gọi là »

''Tây đau'' nói lái lại thành Tau đây, tiếng Nghệ Tiưnh nghĩa là tao đây, lời khinh mạn.

Chuyện Cố Điện chắc còn nhiều, trở thành những chuyện vui, tượngtrưng sự tríthức chốngđối cườngquyền trong xãhội ta xưa, hay đàn anh xuphụ thựcdân. Muốn độcgiả hiểu sâu hơn ýnghĩa sự châm biếm ấy, tôi đã nhắc lại vắntắt rõràng đoạn sử biđát nước nhà, từ trạngthái độclập đến trạngthái nôlệ. Kẻ cầm vậnmệnh quốcdân đã không biết lo xa, làm sai lầm không sửachữa. Lúc đã lỡ bước, dù hốihận, gỡ cũng không ra. Dù dũngcảm, gandạ, nghĩakhí đến đâu, nếu khígiới và hoảlực kém xa địch, thì nhântâm dần kém, lòng theo cơhội ngày tăng, một dântộc vốn có lúc anhhùng, thành một đàn gà chuồng cắn đá lẫn nhau, hoặc chỉ còn khítiết thở than, mỉamai người, tức là tự mỉamai mình, như Cố Điện.

Cố Điện, tức là Phan Điện, sinh vào khoảng 1875 tại xã Tùng Ảnh (xem bản đồ), có lẽ là hậuduệ ông nghè Phan Tam Tỉnh, một danhthần triều Minh Mạng. Ông vào hàng nhosĩ Nghệ Tĩnh chống chếđộ bảohộ Pháp, cho nên ông đã đặt tên cho hai trai của ông là Phan Anh và Phan Mĩ, là hai chínhtrịgia hồi đầu cáchmệnh giảiphóng rất trẻ và rất hăng. Đời sinhviên của hai cậu trẻ nầy cũng nhiều phen điêuđứng với ông cha khó tính, vừa duytân vừa thủcựu, chống với mọi hànhđộng mà ông coi là quá tânthời. Trước 1939, Phan Anh đi Paris bảo vệ thuyếttrình luậthọc ; khi về, đem về một vịhônthê dược sĩ, cô Đỗ Thị Thao. Anh đã gặp nhiều khókhăn, vì cha, về lễ cưới. Sau, vợ chồng Phan Anh có con trai bị cảm bệnh : cố Điện nhấtđịnh chữa bệnh cho cháu bằng thuốc Bắc, mặcdầu mẹ nó là chuyênmôn thuốc tây.


Một sự khác khókhăn cho Phan Anh là muốn một bạn hoạsĩ nổi tiếng, Tô Ngọc Vân, vẽ một bức truyềnthần cho cha mình. Con phải dỗdành, giảnggiải mãi, cố Điện mới chịu ngồi yên để Tô Ngọc Vân hành nghề. Tháng 3.1947, sau khi trungđoàn Thủđô, với toàn dân ta bỏ khu trungương Hà Nội, tôi liền tìm tới nhà Phan Anh, cũng là hiệu thuốc tây Hàng Bạc. Rào bằng sắt và gỗ che hiệu thuốc bị phá, đồđạc trong nhà bị lấy hết. Nhà trong và nhà ngoài đều có rảirác những ngô khoai và bị đay rỗng. Tôi đoán rằng ban phòngthủ khu phố nầy đã biến hiệu thuốc thành kho lươngthực. Một điều lạ là trong phòng vứt nhiều bộphận phátđiện dùng cho xe đạp. Đã có tin đồn rằng bộđội ta hay gài mìn ở các nơi mà dùng bộphận phátđiện này, để ai táymáy đến xoay đầu ống thì mìn nổ. Tôi nhìn quanh tường : bọn thổphỉ chỉ để lại những sách luật của trạngsư Phan Anh, và, treo trên tường cao, chândung Cố Điện. Giữa cảnh hoangtàn bấy giờ, mà thấy khuôn mặt gânguốc của Cố, như đang còn tứctối với ngoạixâm và tụi cầu danhlợi khoác tiếng Andân, không ngầnngại, tôi đã tìm mọi cách hạ được bức tranh ấy xuống ; rồi đưa cất về nhà, để giao lại cho bạn Phan Anh mà tôi chắc có ngày gặp lại. Mùa thu năm 1954, khi chínhphủ về đóng ở thủđô, tôi đã vắng mặt, nhưng đã dặn gianhân đem tấm chândung Cố Điện giao lại cho bạn. Ở Paris, khi tôi nhìn bức tranh VanGogh tự hoạ lúc đã " về già ", thì tôi không khỏi nhớ đến bức tranh chândung Cố Điện, do Tô Ngọc Vân vẽ. Mấy năm sau đây Phan Anh có dịp tới dự hộinghị luậthọc UNESCO tại Paris, anh đã cảmơn tôi, và khen tôi đã có con mắt '' tinh đời '' chọn cái độcnhất đáng cứu, để bảotồn vừa phươngdanh hoạsĩ, vừa diệnmạo, khíphách của một thântình của Bạn.

Paris ngày 27.2.1994

Hoàng Xuân Hãn


(bài đã đăng Diễn Đàn số 30, 05.1994)

Images

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us