Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 30 / Diễn biến hòa bình: nguy cơ hay hoả mù?

Diễn biến hòa bình: nguy cơ hay hoả mù?

- Nguyễn Ngọc Giao — published 07/04/2011 02:00, cập nhật lần cuối 07/05/2011 14:08


Diễn biến hòa bình:
nguy cơ hay hoả mù?


Nguyễn Ngọc Giao

 

Theo các văn kiện chính thức và công khai của Đảng cộng sản Việt Nam đã được đưa ra thông qua ở hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ (tháng 1. 1994), thì nước ta hiện đang phải đương đầu với 4 nguy cơ: tụt hậu (tức là bị các nước ASEAN và lân bang bỏ xa đằng sau), chệch hướng, tham nhũng, và âm mưu diễn biến hoà bình của các lực lượng thù địch. Tài liệu học tập do Ban văn hoá tư tưởng Trung ương phổ biến trong nội bộ đảng còn nhấn mạnh: trong 4 nguy cơ kể trên, nguy cơ diễn biến hoà bình là nghiêm trọng hơn cả.

Cuối tháng 3.94, mở đầu đại hội của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn giải phóng, ông Võ Trần Chí (uỷ viên Bộ chính trị, bí thư Thành uỷ) cũng khẳng định:

“ Bốn nguy cơ đó đều quan trọng và có mối liên hệ tác động với nhau nên đều phải tập trung khắc phụ c. Nhưng với đặc điểm của thành phố, nguy cơ diễn biến hoà bình là đáng chú ý nhất. Các lực lượng thù địch với dân tộc ta thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình đối với cả nước nhưng thành phố Hồ Chí Minh là trọng điểm vì ở đây hội tụ các điều kiện để chúng phá hoại cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng và tổ chức” ( Sài Gòn giải phóng, 29.3.94).

Ông Võ Trần Chí nói riêng về Sài Gòn, nhưng không quên nhắc lại là “ âm mưu diễn biến hoà bình” của “các lực lượng thù địch với dân tộc ta” nhắm chung “cả nước”.

Điều này giải thích tại sao, từ mấy tháng nay, nhất là từ ngày Mỹ bãi bỏ cấm vận, các cơ quan an ninh, văn hoá tư tưởng đã tăng cường những biện pháp kiểm soát, trấn áp, biểu lộ rõ một tâm lý co ro run lạnh (frileux), trái nghịch hẳn với chính sách cởi mở kinh tế (đối nội cũng như đối ngoại) và ngoại giao vẫn tiếp tục được triển khai. Việc quản thúc ông Nguyễn Hộ tại một nơi không công bố, những cuộc khám xét ở cửa khẩu, việc huỷ bỏ một số chuyến đi (ra nước ngoài của người trong nước, vào Việt Nam của người nước ngoài), sự ngăn cấm những cuộc hội thảo nghiêm chỉnh (thí dụ: cuộc hội thảo về báo chí và phát triển của đội nhà báo Việt Nam), thậm chí “hiền lành” (như dự định hội thảo về Kinh Dịch và văn hoá)... là những dấu hiệu hiển nhiên nhất của sự co cụm ấy.

Vậy thì diễn biến hoà bình là gì? Nó được chính quyền nhận thức ra sao? Khi rao giảng rằng diễn biến hoà bình là một nguy cơ, lãnh đạo Đảng cộng sản có thực tâm lo ngại trước một âm mưu có thực và thật sự nguy hiểm, hay đây chỉ là một mánh lới chính trị, một màn khói hoả mù, nhằm ngăn cấm mọi yêu cầu, đề nghị về dân chủ hoá đời sống chính trị, xuất phát từ xã hội dân sự, kể cả từ trong nội bộ đảng?

Cả hai câu hỏi ấy (diễn biến hoà bình là gì? nguy cơ hay hoả mù?) đối với những người thiết tha với sự nghiệp dân chủ hoá và phát triển đất nước, thoạt trông, đều dễ trả lời: trong chừng mực nào đó, hỏi tức là trả lời. Và chuyện tào lao ấy không có gì đáng bàn.

Ngược lại, nếu chúng ta bình tâm phân tích ngôn từ và những thực tại mà những từ ngữ muốn diễn tả, thì câu chuyện diễn biến hoà bình lại là một dịp tốt để tiếp cận thực chất vấn đề chính trị Việt Nam.

Bốn tiếng diễn biến hoà bình đã xuất hiện lần đầu, không phải ở Hà Nội, mà ở Bắc Kinh, để dịch cụm từ chính trị mà tiếng Pháp gọi là évolution pacifique. Chắc không phải ngẫu nhiên mà người ta đã không dịch là diễn tiến hoà bình, chỉnh hơn: chữ biến gợi lên khái niệm sự biến, gợi cho người nghe liên tưởng tới những âm mưu. Dường như cảm thấy có điều gì không ổn, có cái gì chương chướng khi chống lại mọi sự diễn biến hoà bình, nên trong nhiều văn kiện, các nhà đứng đầu chính quyền đã thận trọng nối liền bốn tiếng ấy với bốn tiếng khác, thành một cụm từ dài : diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ.

Thí dụ: Đại tướng Đoàn Khuê, uỷ viên Bộ chính trị, bộ trưởng Bộ quốc phòng. Trong một bài báo đăng trang nhất báo Quân đội Nhân dân, ông viết:

“Sau khi một số nước Đông Âu và Liên Xô bị đảo lộn và rối loạn, chúng ta mất đi sự chi viện quốc tế rất quan trọng. Chỗ dựa về trang bị cho quân đội không còn. Trong khi đó, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội coi đây là thời cơ có một không hai để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng đã ráo riết hoạt động, thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ từ bên trong. Trên thực tế, ba năm qua chúng đã liên tục tiến công ta từ nhiều phía trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trên lĩnh vực c hính trị - tư tưởng. Với chiêu bài dân chủ, nhân quyền, chúng đã ra sức bôi đen chế độ xã hội chủ nghĩa, khoét sâu vào một số sai lầm và thông qua một số cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất để nói xấu và đi đến hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta, từ đó hòng lôi kéo, kích động quần chúng đòi thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng đối lập. Bọn phản động ở nước ngoài được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc, tìm mọi cách móc nối với các phần tử phản động ở trong nước để chống phá ta, kể cả việc đưa một số người có vũ trang về gây rối trật tự an toàn xã hội, làm mất ổn định, phá hoại công cuộc đổi mới của nhân dân ta. Nhưng cho đến nay, những mưu toan của kẻ thù đều chưa đạt được. Việt Nam không những không sụp đổ, mà ngược lại, càng giữ vững ổn định về chính bị, phát triển về kinh tế ngày càng vững chắc hơn” ( Quân đội Nhân dân, 24.11.93).

Chúng tôi trích dẫn cả một đoạn dài, trước hết vì nó khá tiêu biểu, sau nữa, khi phân tích siêu ngôn ngữ (métalangue) của đoạn văn này, chúng ta có thể hiểu thêm nhiều điều. Song, đầu tiên, cần đưa ra một nhận xét: gán ghép diễn biến hoà bình với bạo loạn lật đổ chế độ từ bên trong, tác giả đã tự mâu thuẫn, hay đúng hơn, đã cố ý lẫn lộn hai quan niệm, hai chiến lược, hai phương pháp trái nghịch nhau: đấu tranh hoà bình và bạo loạn; đấu tranh dân chủ, sử dụng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận... với hoạt động lật đổ. Đánh đồng những tiếng nói trong nước đòi dân chủ (mà ông gọi gộp là cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất) với những phần tử phản động, đồng đẳng hoá những người ở nước ngoài muốn giao lưu về văn hoá, tư tưởng... với mấy người đem chất nổ vào trong nước (mà bộ máy an ninh thừa sức ngăn ngừa, và trên thực tế đã nhanh lẹ phát hiện và tóm gọn), tác giả chắc muốn thuyết phục bộ máy quốc phòng và an ninh yên tâm trấn áp mọi tiếng nói dân chủ (= bạo loạn lật đổ), song ông lại vô tình chứng tỏ rằng chống diễn biến hoà bình chỉ là một phương sách để ngăn chặn sự hình thành và tự khẳng định của một xã hội dân sự tự lập, với những thành phần tư tưởng đa dạng – một xã hội dân sự không nằm trong khuôn phép nhiều thành phần kinh tế nhưng chỉ có một tư tưởng mà các nhà lãnh đạo thường lớn tiếng hô hào.

Tuy nhiên, đằng sau sự lẫn lộn ý thức hoặc vô thức nói trên, người ta có thể cảm thấy một sự lo ngại thực sự, có cơ sở nhận ra thực chất sự lo ngại ấy, gọi đúng tên nó, cũng giúp chúng ta đặt đúng vấn đề, điều kiện tiên quyết để đi tìm hướng ra cho đất nước. [ còn tiếp một kỳ ]

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us