Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 30 / Các nhà khoa bảng...

Các nhà khoa bảng...

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:46, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:46

 
Đọc sách:

 

Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919,

 
Nhóm biên soạn : Ngô Đức Thọ (chủ biên),
Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi,

Nxb Văn Học, 1027 trang, Hà Nội 1993.

 
Truyền thống " đăng khoa lục " ghi chép những người đỗ đạt qua các khoa thi thành đã có từ xưa, Toàn thư chép năm Hồng Đức thứ 15 (1484) triều đình sai ban sách Đăng Khoa lục cho các học sình ở Quốc tử giám. Dựa vào các tư liệu khoa cử đó nhóm biên soạn làm ra bộ " Từ điển các nhà khoa bảng Việt Nam " này (tr. 40). Công việc kiểm điểm, so sánh thư tịch Đăng khoa lục – chưa ai làm một cách đầy đủ và nghiêm túc như lần này – được trình bày trong lời nói đầu dài 50 trang " Tổng quát về các khoa thi hội và các tài liệu đăng khoa lục đại khoa ". Biên soạn có nhiều điểm nghiêm chỉnh : đối chiếu các nguồn tư liệu đăng khoa lục với các tài liệu ghi chép danh nhân địa phương, các bia tiến sĩ, có dị đồng dùng ký hiệu riêng để " bảo lưu thông tin văn bản và tiện cho người đọc kiểm tra khi cần nghiên cứu " và ghi rõ xuất xứ mỗi khi tra cứu thêm các bộ quốc sử về hành trạng nhân vật lịch sử (tr. 41). Địa danh xưa cũng được quy ra tên gọi làng xã ngày nay.

Khai thác Đăng khoa lục, quyển sách giữ nguyên lối trình bày các tài liệu xưa này : theo thứ tự thời gian các khoa thi và thứ bậc cao thấp trong mỗi khoa. Nhưng phải chăng vì ý định làm " từ điển " hay/và vì đã có những " phiếu " làm từ lâu về mỗi cá nhân cho nên có sự nhắc đi nhắc lại năm đỗ những người cùng đậu một khoa ?

Máy vi tính cũng đã được sử dụng (tr. 43), xem mặt chữ thì đoán là các chữ Hán do máy vi tính viết ra. Thấy vậy không khỏi lấy làm tiếc rằng tham vọng làm " từ điển " không nhân khả năng máy vi tính mà triển khai thêm các đầu vào khác hơn là vỏn vẹn chỉ có theo thứ tự thời gian và theo thứ tự a, b, c...kèm theo danh sách các vị tam khôi cùng thống kê các khoa thi tiến sĩ và tương đương.

Dẫu sao Các nhà khoa bảng Việt Nam cũng là một tài liệu tốt về 2896 người đã chiếm những học vị cao nhất suốt 10 thế kỷ khoa bảng. Triều này qua triều khác đãi ngộ trọng hậu. Lê Quý Đôn đã từng nhận xét : " Bản triều từ lúc trung hưng đến nay, đối với người đỗ khoa Tiến sĩ đãi ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao... " .

Xếp sách, điểm lại những nhà trước tác trong số gần ba nghìn vị đỗ đạt hiển vinh này, ta không khỏi bâng khuâng tự hỏi có gì liên quan giữa việc trọng vọng đãi ngộ và hiện tượng tắc nguồn sáng tác hay chăng ?

 

Nguyên Thắng


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us