Làng của danh nhân
Truyện ngắn
Làng của danh nhân
Nguyễn Khải
1
Ở làng Bồng Trung, còn gọi là Đông Biện, thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, có hai nhân vật chống Pháp rất nổi tiếng, được gọi trong quốc sử là ông Tống Duy Tân và ông Lê Văn Điếm. Tổ tiên người làng Bồng là dân tứ xứ tới đắp thành Tây Giai cho ông Hồ Quí Ly từ thế kỷ thứ XIV. Thời ấy mới chỉ là một xóm nhỏ sống nhờ một rẻo đất phía đông làng Biện Thượng, còn gọi là Báo, đất phát tích của các chúa Trịnh sau này. Thời Lê Trung Hưng hai làng Bồng - Báo được xem là đất quí hương, trai tráng trong làng kéo nhau lên kinh đô, đăng lính nhà Chúa, thường gọi là lính Tam Phủ, là quân bất trị, thay vua đổi chúa ngạo ngược một thời. Chỉ bằng con mắt phàm tục mà nhìn ngắm cũng đủ biết kiểu đất ở đây dữ dằn và rất đẹp. Một bên là sông Mã, một bên là núi non trùng điệp, núi Phượng, núi Hùng Lĩnh, núi Bền, núi Ngọc Lĩnh. Bên kia núi là các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Quan Hoá, rồi sang đến đất Lào. Trò chuyện về lịch sử từ đời Hậu Trần trở lại đây với những người có tuổi ở hai làng Bồng - Báo, cứ như nghe chuyện riêng trong một gia tộc. Vì tổ tiên của họ là Nguyễn Kim, là Trịnh Kiểm, là phó tướng của Trần Khắc Chân, là thượng tướng của Lê Lợi. Và cả Đỗ Phú, tri huyện Lương Giang, ra làm quan với nhà Minh, kẻ tử thù của Lê Lợi về chuyện đất cát mồ mả, cũng có một dòng con cháu ở làng Bồng.
Trung và nịnh, địch và ta, cháu chắt họ lại lấy nhau, thành bà con ruột thịt, ngày giỗ kỵ ồn ào kéo nhau đến các nhà thờ họ, quì vái khấn khứa, quên hẳn những bất đồng, những đối địch của một thời.
2
Bà mẹ ông Tống Duy Tân lúc mang thai ông đi chợ Kênh thuỷ, buổi chiều về qua cây gạo Đồn, thấy hai đứa trẻ, một đứa mặc áo xanh, một đứa mặc áo đỏ đang vật nhau. Bà đứng lại can thì cả hai đứa đều hỏi: “Bà có nuôi bọn cháu không?”. Bà trả lời: “Cơm gạo đâu mà nuôi được cả hai”. Lại hỏi: “ Bà muốn nuôi đứa nào? ”. Bà đáp: “ Tao nuôi thằng áo xanh”. Thằng áo đỏ có vẻ buồn, hỏi tiếp: “Vậy ai nuôi cháu?”. “Tao sẽ bảo một nhà trong xóm đón mày về”. Bà về đến nhà thì trở dạ, vẫn còn hỏi: “ Cái thằng áo xanh theo tôi đi mô rồi? ”. Bà sinh ra ông nghè Tống, còn một bà khác rất nghèo trong làng, trong đêm ấy cũng sinh ra ông đề Điếm. Ông Tống được ăn học từ nhỏ, đậu tiến sĩ năm bốn chục tuổi đời Tự Đức, được triều đình bổ làm đốc học tỉnh Thanh, sau làm chánh sứ Sơn Phòng. Ông Điếm, tên tục ở nhà là Đốm, bố mẹ chết sớm, lớn lên ông sống bằng nghề gánh nước thuê và chở đò đồng chiêm. Ông không có tên trong sổ đinh vì lý trưởng không ghi để trốn thuế. Tới lúc lấy lính, một người nhà giàu trong làng thuê ông đi lính thay. Vì ông có sức khoẻ phi thường nên được chọn làm lính võ sinh. Được ít năm ông vào Huế dự thi võ tiến sĩ. Ông trúng tuyển nhưng không biết chữ nên chỉ được công nhận là phó bảng. Năm Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, ông Điếm đã là đề đốc tỉnh Nam Định.
Ông Tống tuy là bậc đại khoa, là lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp, cha con đều hy sinh vì việc nước, nhưng người làng vẫn chê ông còn tiểu khí ở mấy việc. Xưa nay ông nghè thường có ý khinh ông đề là vô học, chỉ nhờ có sức khoẻ mà ở ngôi cao. Quan văn lục phẩm đã sang – quan võ nhất phẩm còn mang gươm hầu. Một lần ông nghè có việc qua Nam Định nhân tiện rẽ vào thăm bạn học cũ là tổng đốc Vũ Trọng Bình. Ông Bình mở tiệc mừng bạn có mời ông Điếm cùng dự. Trong bữa rượu, hai ông quan văn toàn nói chuyện văn thơ, để mặc ông quan võ ít chữ ngồi uống rượu suông một mình. Tan bữa tiệc, ông đề mời quan tiến sĩ của làng sang dinh mình hàn huyên và tặng ông nghè một món tiền vì biết bạn sống rất thanh bạch. Ông nghè cầm tiền rồi sai luôn lính hầu ra phố mua mấy đôi dép cho các cậu. Người có học mà xử như thế là khiếm nhã.
Thời còn trẻ ông nghè Tống với ông giáo Thọ cùng học cụ đốc Lê bên làng Báo. Văn chương giáo Thọ sắc sảo, điêu luyện hơn nghè Tống nên được thầy yêu. Có lần trời mưa, cả hai người đến thăm thầy, cụ đốc hối người nhà lấy dép của mình cho giáo Thọ đi, còn nghè Tống thì đi guốc của người con trai. Khi ngồi uống trà với thầy, cụ đốc Lê cho phép giáo Thọ ngồi ngang với mình, còn nghè Tống phải ngồi dưới. Một kỷ niệm không vui thời còn trẻ, lúc về già ông nghè vẫn không quên, vẫn tức bực. Khi ông nghè phụng chiếu Cần Vương đánh Pháp liền cho bắt giáo Thọ, vu là theo Pháp chống lại nghĩa quân. Ông Thọ sợ quá trốn về quê vợ, ông nghè cho lính tróc nã, bắt trói giải về sân đình Bồng Trung, đợi lệnh chém. Rất may có người chú ông nghè đi ngang qua lấy làm bất bình, liền bảo tha, rồi đến tận nhà bảo thằng cháu: “Giặc thì chưa đánh đã giết lẫn nhau rồi!”
Khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương thì ông nghè đã từ quan về làng dạy học. Phong trào Cần Vương sục sôi khắp tỉnh nhưng cha con ông vẫn đóng cửa chong đèn đọc sách. Ông đốc Dền bên Yên Định cho nghĩa quân bắc loa ở dốc đò Bồng gọi rõ tên bố con ông nghè, rồi đọc chiếu Cần Vương đến hai ba lần nhưng ông vẫn làm thinh. Thời vận chưa tới hoặc giả còn cân nhắc cái tài cái đức của riêng mình, không được rõ. Mãi sau ông đề đốc Trần Xuân Soạn phải đi đò sang gặp ông nghè Tống, ông mới chịu mộ hương binh, rào làng, đổi văn sang võ, thành một chiến sĩ chiến đấu bền bỉ, quyết liệt tới lúc ông mất. Sự lưỡng lự của ông nghè Tống được các bậc thức giả ở làng khen, vì đánh Pháp là việc lớn, dứt bỏ một thời để bước sang một thời khác hẳn, không thể quyết định trong phút chốc. Nhưng đã làm là làm đến cùng, vợ con coi như bỏ, cái sống cái chết của bản thân cũng không tính nữa.
Đánh Pháp được sáu năm thì nghĩa quân tan tác cả, ông Tống phải trốn vào hang Nhân Kỷ thuộc huyện Bá Thước. Chẳng may lại bị đứa học trò cũ là Cao Ngọc Lễ làm bang biện, người làng Báo, dò tìm được dấu tích, báo quân Pháp tới vây bắt. Ông bị đóng cũi đưa đi đường sông về Thanh Hoá. Khi ông bị giam ở tỉnh Thanh, có người cháu gọi bằng bác tên là Tống Đông lên thăm, muốn ông bác uống thuốc độc tự vẫn cho khỏi khổ liền viết lại hai chữ Sinh Mẫu đưa ông coi (chữ Sinh chồng lên chữ Mẫu là chữ Độc). Ông cười nhạt rồi đuổi về. Khi Pháp đưa ông nghè Tống ra chém ở cầu Hạc, ông còn lấy móng tay vạch lên nền đất pháp trường hai câu thơ:
Nhi kim thuỷ liễu tiền sinh trái
Tự cổ lưu truyền bất
tử danh
1
Đầu ông nghè vừa rơi thì Cao Ngọc Lễ được thăng tri huyện Cẩm Thuỷ, rồi lên đến án sát Nghệ An, gọi là án Báo. Dinh cơ án Báo bên làng Báo là một khoảng đất rất đẹp, rộng đến năm sáu sào, cổng hai tầng, xây tường vây quanh, không xây bằng gạch mà bằng tiểu sành, hàng vạn cái tiểu do lò chum ở tỉnh dâng biếu. Khi án Báo chết, quan tài vừa khiêng ra khỏi cổng, thì một ông tú ở Bồng Trung dán luôn hai câu đối mực viết còn ướt:
Vô địa
khả mai Cao Ngọc Lễ
Hữu tiền nan thục Tống Duy Tân
2
Con cháu án Báo về sau cờ bạc, rượu chè, nghèo túng quá liền phá từng mảng tường, moi tiểu sành đem bán. Đời thứ năm là Kinh, làm nghề chụp ảnh, nghiện rượu nặng, ai tới chụp chỉ bấm máy không, rồi lấy tiền ứng trước mua phim, bữa sau họ tới lấy ảnh mới xin chụp lại. Con gái Kinh là Cao Thị Lan, thường gọi là Lan lừa, chuyện mua vàng đãi về luyện lọc lại, pha với chì làm vàng giả. Lan lừa là nhân vật được nhắc nhiều trong vụ tai tiếng lớn nhất ở Thanh Hoá những năm 1987, 1988.
Ông nghè Tống bị Pháp giết năm 1892. Chín năm trước đó, sau tết Quí Mùi ít ngày, Pháp đem quân đánh thành Nam Định sau khi đã hạ thành Hà Nội vào tháng 3 năm trước. Tổng đốc Vũ Trọng Bình bỏ chạy, án sát Hồ Bá Ôn bị thương, còn ông đề Điếm chống giữ được nửa buổi thì bị đạn xuyên lủng ruột. Ông lấy khăn quấn ngang bụng, cưỡi ngựa chạy đến Bình Lục thì đã mệt quá, liền rẽ vào một làng cạnh đấy, đánh trống mời dân ra nói chuyện. Ông xin dân nấu cho ông một nồi ba mươi cháo trắng, ăn xong, ông sai đào một cái huyệt rộng, lót ván bằng cánh cửa tam quan, bình thản nằm xuống rồi bảo lấp đất cấy lúa lên trên. Ba năm sau bà vợ ra nhặt xương chồng vẫn thấy con ngựa ông cưỡi quanh quẩn bên mộ. Nó cõng nắm xương của chủ trên lưng theo bà về Bồng.
Xem ra người làng Bồng thân thiết với ông Điếm hơn ông Tống. Vì ông đề Điếm vốn nghèo hèn hơn họ, ít học hơn họ thuở hàn vi. Lại thêm một đời ông không thay đổi cách sống, thay đổi bạn bè. Con cháu ông án Thân là bố vợ ông nghè Tống làm nhà thờ họ, ông biết chuyện liền xắn tay áo sang làm giúp. Ông khiêng vác còn khoẻ hơn một hiệp thợ, và cùng ngồi ăn cơm với thợ mỗi bữa. Cũng có một việc người làng chê là nhỏ bụng. Khi ông Điếm được thăng làm quan đầu tỉnh, bữa võng lọng về làng, ông cho lính gọi lý trưởng Nhã ra đình, bắt phải tự tay đốt bằng lý trưởng trước mặt ông vì cái tội đã dám đánh quan lớn mười roi lúc còn ở nhà.
Ngày đầu tiên tôi về Bồng Trung, ngồi chơi ở quán nước ngay phố chợ Bồng, thấy nhà bên kia đường người đông nghẹt, nhạc nhẩy xập xình, xe máy cả chục chiếc đậu ngổn ngang ở cửa. Một chàng trai rất cao ráo mặc âu phục đen, thắt cà vạt đen và một cô gái phấn son rực rỡ, áo voan trắng dài chấm đất đứng nép bên người con trai cười nói nhỏn nhoẻn với bạn bè. Đám cưới ở nông thôn mà sang trọng quá, y hệt các đám cưới ở thành phố. Cũng là nhà có tiền đây. Nhà ai thế? ông chủ quán bảo:
– Nhà bên ấy là con cháu cụ đề Điếm.
3
Một buổi tối ngồi ăn cơm với mấy cụ giáo đã về hưu, tầng lớp trí thức của làng Bồng, cụ giáo Đào bảo tôi có mấy anh thương binh muốn được gặp mặt nhà báo. Một lát có hai người tới, một người tên là Hưng họ Nguyễn, một người tên là Vinh họ Trịnh đều là dòng dõi thế gia cả. Hưng đi bộ đội năm 1965, mười năm chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ mãi đến tháng 3 năm 1975 mới bị thương khi đi điều tra địch tình ở Xuân Lộc. Anh bị cưa một cánh tay rồi được đưa ra Bắc luôn, đã đến tận cửa ngõ Sài Gòn mà cho đến nay vẫn chưa biết Sài Gòn là gì. Vinh thì bị thương vào đầu năm 71 ở xã Mỹ Hạnh kề sát sân bay Tân Sơn Nhất. Cả hai đều hỏi tôi nằm ở xã đã mấy ngày có biết chuyện tham ô của cán bộ xã không? Tôi nói có biết. Nhưng tôi không dám nói thật cái điều tôi đang nghĩ: một làng văn hiến đã sinh ra nhiều hào kiệt mà sao cái dung mạo hôm nay lại tẻ nhạt, tầm thường? Cán bộ thì đục khoét, dân chúng thì nhịn nhục, rõ chán! Lại hỏi, đã biết thì nhà báo có dám tố cáo giùm anh em không? Tôi còn đang lúng túng chưa biết trả lời sao thì Hưng nói tiếp luôn:
– Có viết bài tố cáo cũng chẳng ăn thua gì. Mấy năm nọ họ còn sợ báo, chứ bây giờ cũng hết cả sợ. Cấp trên thì mệt mỏi, cấp dưới cứ lì ra, rút cuộc thằng dân phải chịu hết, chịu mãi cũng phải quen, không quen thì làm gì bây giờ.
Nói thế chứ họ đã dắt kéo nhau lên tỉnh, ra trung ương được vài lần rồi. Mỗi lần đi một người phải tiêu cả nửa tạ lúa, ấy là đã mang theo gạo mắm, nồi niêu và cả củi, ăn đâu nấu đó, lúc nhảy tàu, lúc đi xe, lúc cuốc bộ, lôi thôi lếch thếch như một lũ ăn mày. Đơn từ của dân ôm một cặp, nói năng lý lẽ đã bàn tính với nhau cả tháng, nhưng người nghe vẫn hờ hững thế nào, cứ nhìn con mắt họ cũng đủ biết, họ chỉ muốn mời ra cho nhanh cái đám người ồn ào hay làm phiền và dễ gây rối.
Vinh có vóc người to lớn nhưng không khoẻ, da mặt anh vàng bủng, giọng nói hơi nhíu, vào mùa hè anh hay bị chứng động kinh do vết thương ở đầu nên cả chục năm nay chỉ ăn bám vào vợ. Vinh nói ấm ức:
– Bảo là phải chịu cho quen nhưng cứ nghĩ tới cái cung cách làm tiền của mấy ông ở xã lại uất đến ứa nước mắt. Nó ngang ngược quá, bất cần quá.
Nghe chuyện quả là ngang ngược, bất cần thật. Toàn bộ tài sản của hợp tác xã nông nghiệp gồm một đàn trâu bò cày kéo, một đàn trâu bò sinh sản cả trăm con, rồi xe kéo, rồi máy bơm nước, xã đem bán cho dân tuốt tuột nhưng bán được bao nhiêu xã viên không được quyền biết. Huyện kêu gọi di dân vào làng Đa Bút, hộ nào đi được nhận vật liệu để làm nhà, bí thư chi bộ nhận đủ mọi thứ nhưng đem bán lại cho người khác và không đi nữa, đã sao? Kế hoạch chuyển cư là năm chục hộ nhưng chỉ đi có chín hộ, vậy số vật liệu xây dựng của bốn mươi mốt hộ kia ai cầm nhỉ, không biết! Thủ kho để thiếu hụt mười tấn lúa, một tấn dầu máy nổ, chuyện vỡ lở ông ta đền có ba trăm năm chục ngàn, tức là ba tạ lúa theo giá bấy giờ, và cũng chỉ đền có thế rồi giơ tay cười xoà: tôi hết nhẵn rồi. Còn nhiều nữa, nhiều nữa. Họp chi bộ, hợp hội đồng nhân dân, cãi cọ nhau một chặp thì người đứng ngoài bị lôi vào vành móng ngựa, kẻ vốn đứng trong vành móng ngựa lại hớn hở nhảy tót ra ngoài. Trường hợp của Hưng là thế vì anh là đảng viên, lại đang làm việc ở uỷ ban, có chuyện gì xảy ra giữa thương binh với lãnh đạo là do anh xúi bẩy, anh cầm đầu, anh tiết lộ bí mật. Cũng đủ để khai trừ ra khỏi Đảng rồi. Vào Đảng trong bom đạn, ra Đảng chỉ vì những mẹo vặt của mấy anh ăn cắp thì uổng quá. Nên anh lại nín nhịn. Nín nhịn mãi hoá ra người hèn, tự anh cũng biết thế. Hưng thở dài, nghiêng mặt về phía tôi mà nói, vì tôi là người lạ:
– So với các cụ thời xưa ở làng này thì bọn tôi như hèn đớn hơn, nhợt nhạt hơn, có phải không? Thật ra không đến nỗi thế. Cụ Điếm mới đánh Pháp có một trận đã bị bắn lủng ruột, còn tôi đánh Mỹ cả trăm trận trong suốt mười năm chỉ bị thương vào trận cuối. Không dám nói là hơn người xưa nhưng cũng không thể bảo là kém. Chẳng qua cứ lúng túng ném chuột sợ bể lọ nên mới phải nhẫn nhục cho tới bây giờ.
Nguyễn Khải
[
Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu
tập
truyện, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1993]
1 Nợ tiền
nay đã trả xong
Nghìn năm còn để tiếng thơm với đời.
2 Không đất
để chôn Cao Ngọc Lễ
Có tiền khôn chuộc Tống Duy Tân.
Các thao tác trên Tài liệu