Tin tức
Tin tức
Y tế đi đầu hợp tác Pháp - Việt
Trong năm 1993, nước Pháp đã bỏ ra 30 triệu quan cho hợp tác y tế với Việt Nam, trong đó khoảng một nửa được dành cho việc phục hồi và trang bị các bệnh viện, phần còn lại dành cho đào tạo và một số công tác đặc biệt trong các ngành truyền máu, sản khoa, nhi khoa, v.v... 500 phái đoàn y khoa Pháp đã tới thành phố Hồ Chí Minh, hơn 200 đoàn tới Hà Nội, theo những chương trình hợp tác nhà nước hoặc do sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ và sáng kiến cá nhân. Đồng thời, 75 bác sĩ Việt Nam đã tới Pháp dự các khoá đào tạo đặc biệt. Trong năm 1994, số bác sĩ tham dự các khoá này sẽ lên tới khoảng 100 người (xem thêm phần tin ngắn)
Bộ trưởng y tế và xã hội Pháp, bà Simone Veil đã nhắc lại các con số đó trong một hội thảo về hợp tác đào tạo y khoa Pháp-Việt tại Hà Nội ngày 26.3 vừa qua. Trong chuyến công du 3 nước Đông Dương này, bà Simone Veil đã dành 3 ngày cho Việt Nam, tham dự hội thảo nói trên và đi thăm một số cơ sở y khoa như Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ em tại Hà Nội, bệnh viện Grall và Viện Tim tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, bà cũng đã hội kiến với thủ tướng Võ Văn Kiệt, phó thủ tướng Nguyễn Khánh và phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Tiếp theo bà Simone Veil, bộ trưởng Văn hoá và Pháp ngôn Pháp Jacques Toubon đã tới Hà Nội ngày 28.3, mở đầu một chuyến đi 10 ngày thăm ba nước Đông Dương để đẩy mạnh “ ảnh hưởng của tiếng Pháp” trong vùng. Tại Hà Nội, ông Toubon đã đọc diễn văn khai mạc hội thảo quốc tế về Chính sách đô thị và việc bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam do UNESCO tổ chức với sự tài trợ của chính phủ Pháp. Ông khẳng định chính phủ Pháp sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trùng tu lại các di tích kiến trúc cổ ở Hà Nội và Huế. Cũng tại đây, ông Toubon đã trao cho Thư viện quốc gia Hà Nội danh mục các vi bản báo chí Việt Nam từ 1922 tới 1954, do Thư viện Quốc gia Pháp giữ, và hứa giúp đỡ nâng cấp các Thư viện quốc gia Việt Nam. Kho sách của Thư viện quốc gia Hà Nội có hơn một triệu ấn phẩm, trong đó khoảng 200 ngàn bằng tiếng Pháp.
(AFP 26, 28.3, 4.4, Lao Động 3.4.1994)
Thủ tướng Úc thăm Việt Nam
Trong khuôn khổ một chương trình đi thăm các nước Đông Nam châu Á và đáp lại chuyến đi Úc của thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 7 năm ngoái, thủ tướng Úc Paul Keating đã tới thăm Việt Nam ngày 10.4. Đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng Úc tới thăm Việt Nam từ 1975, dù từ năm 1983, Úc đã là một trong số ít các nước Tây phương chủ trương bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Úc là nước đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư tới nay là 620 triệu đôla Mỹ, chủ yếu trong các ngành viễn thông và dầu mỏ. Tuy nhiên, khác với các chuyến đi Việt Nam của các nhà lãnh đạo nhiều nước khác, ông Keating không dẫn theo một phái đoàn doanh nhân nào.
Trong hai ngày ở Hà Nội, ông Keating đã hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt và chủ tịch Lê Đức Anh. Ông đã công bố quyết định tăng gấp đôi viện trợ cho Việt Nam, thành 200 triệu đôla Úc trong 4 năm tới, phần lớn sẽ được dành cho y tế, giáo dục và đào tạo. Úc cũng đã quyết định tài trợ 3 triệu USD cho việc nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền, trên quốc lộ số 1. Theo dự kiến, công trình cầu Mỹ Thuận sẽ khởi công xây dựng năm 1996, chủ yếu với vốn viện trợ không hoàn lại (khoảng 80 triệu đôla Úc) của Canberra.
Ngoài các vấn đề kinh tế và thương mãi, hai thủ tướng Keating và Võ Văn Kiệt cũng đã thoả thuận để một “phái đoàn tư vấn quốc hội Úc” đi Việt Nam vào tháng 7 tới để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và những vấn đề liên hệ. Phái đoàn bao gồm một số đại biểu quốc hội và chuyên viên ngoài quốc hội, trong đó có thể có mặt đại diện một số tổ chức Việt kiều tại Úc.
(AFP 10, 11.4, AP 12.4.1994)
Ngân hàng phát triển châu Á: Việt Nam tăng 9% trong năm 1994
Theo báo cáo dự phóng kinh tế thế giới vừa được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 12.4 tại trụ sở ngân hàng ở Manila, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục giữ tốc độ phát triển cao nhất thế giới, ở mức trung bình 7,2% trong hai năm tới (7,4% năm 1993), so với trung bình toàn thế giới là 1,8% năm 94 và 3% năm 1995. Chi tiết hơn, những con số phát triển cao nhất thuộc về Trung Hoa (13 ,4% năm 1993, 10% năm 94 và 9% năm 95) và Việt Nam (với các con số 8%, 9% và 10%). Bốn “con rồng châu Á” (Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Singapore và Đài Loan) tiếp tục giữ mức trên 6%, trong khi Malaixia và Thái Lan sẽ đạt khoảng 8,5% trong hai năm 94 và 95. Thoả ước chung về quan thuế và mậu dịch (GATT) sau khi ký kết (15.4.1994 tại Marrakech, Maroc), theo ADB, sẽ có lợi cho châu Á nhiều hơn các khu vực khác, với mức tăng xuất khẩu 11,5% và tăng nhập khẩu 13,9% trong hai năm tới – Việt Nam chưa gia nhập GATT.
Tuy nhiên, vẫn theo bản báo cáo, nhiều khó khăn lớn còn tồn tại trong khu vực, điển hình là mức nghèo khổ tăng nhanh ở các đô thị nhiều nước như Bangladesh, Pakistan và Népal. Dịch SIDA cũng đang tràn tới khắp các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc, và cương vị xã hội thấp kém của phụ nữ khiến cho việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa SIDA trong quan hệ tình dục gặp nhiều trở ngại. Thái Lan hiện là nước châu Á có nhiều người nhiễm vi khuẩn HIV nhất, với hơn 600.000 trường hợp được biết tới vào tháng 4.1994. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), số người bị nhiễm vi khuẩn trên thế giới là 13 triệu người cuối năm 1992, có khả năng tăng lên từ 30 đến 40 triệu vào năm 2000, trong đó 90% là người ở các nước chậm phát triển.
Đối với Việt Nam, ADB đã quyết định (ngày 15.4) viện trợ kỹ thuật 600 ngàn đôla cho một dự án phát triển các thị trường tài chính. Một viện trợ khác được công bố ngày 19.4: 700 ngàn đôla trong hai năm tới để hiện đại hoá hệ thống thống kê kinh tế. Mặt khác, ADB sẽ bảo trợ cho các dự án phát triển sông Mêkông sẽ được thông qua sau một hội nghị cấp bộ trưởng các nước Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và tỉnh Vân Nam Trung Hoa, sẽ họp tại Hà Nội từ 20 đến 23.4 tới.
(AFP 12, 13 và 15.4.1994)
Việt Ham - Philipin: cộng tác quân sự
Trong chuyến đi thăm Việt Nam của tổng thống Philipin Fidel Ramos cuối tháng 3, như Diễn Đàn đã đưa tin trong số trước, hai bên đã dành nhiều thời giờ thảo luận về các vấn đề an ninh trong khu vực, đặc biệt liên quan tới những tranh chấp trên quần đảo Trường Sa. Tổng thống Ramos đã kêu gọi hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sớm thu nhận Việt Nam làm thành viên chính thức. Theo ông, việc này “ càng sớm càng tốt cho ASEAN” và là “một đòi hỏi cấp bách cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực”
Tổng thống Ramos đã đề nghị dành 10 chỗ hàng năm trong Học viện quân sự Philipin cho các sĩ quan Việt Nam, và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai bên qua một số hình thức khác, kể cả việc hợp doanh sản xuất trang bị cho quân đội. Theo AFP, Công ty Philipin Floro International đã và đang tiếp tục mua của Việt Nam kho súng ngắn do Mỹ để lại năm 1975.
(AFP 30.3, 5.4.1994)
Việt Nam - Cam Bốt
Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và hai vị đồng đẳng Cam Bốt Norodom Ranariddh và Hun Sen đã quyết định thành lập một uỷ ban hỗn hợp phụ trách phân định đường biên giới giữa hai nước và một uỷ ban khác có trách nhiệm giải quyết các vấn đề an ninh và cuộc sống của hơn 150.000 người Việt Nam sống ở Cam Bốt. Theo phía Cam Bốt, những người Việt Nam sẽ được đối xử “như những ngườí nước ngoài khác sống ở Cam Bốt”. Bản thông cáo chung 14 điểm giữa các vị thủ tướng đã được đưa ra sau 24 giờ thăm hữu nghị Phnom Penh của ông Kiệt ngày 2.4.1994, còn nói về sự tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật giữa hai nước.
Trước chuyến đi của ông Võ Văn Kiệt, hai đồng bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt Tea Banh và Tea Chom Rath đã đi thăm Việt Nam hai ngày 29 và 30.3 để bàn với phía Việt Nam về sự hợp tác quân sự giữa hai nước.
(AFP 29.3, 2 và 4.4.1994)
Quan hệ Nga - Việt: món nợ 10 tỷ đôla
Kỳ họp lần thứ ba của Uỷ ban liên chính phủ Nga-Việt về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật, tổ chức tại Hà Nội trong tháng 4, hứa hẹn gì về quan hệ giữa hai nước? Sau khi Liên Xô tan rã, sự hợp tác giữa hai bên đã giảm sút tới mức thấp nhất trong suốt một thời gian, và trong một vài lãnh vực bị gián đoạn hoàn toàn. Vừa qua, cả Hà Nội lẫn Matxcơva đã bày tỏ quan tâm khôi phục lại quan hệ kinh tế trên những cơ sở mới. Song trong những vấn đề mà quá khứ để lại và chưa được giải quyết, phức tạp và gay gắt nhất vẫn là khoản nợ 10 tỷ rúp “chuyển khoản” của Hà Nội mà Matxcơva ước tính là 10 tỷ đôla.
Món trợ này hình thành trong những năm Liên Xô cũ cấp tín dụng cho Việt Nam cân đối nhưng trao đổi hàng hoá song phương. Qua đó Việt Nam đã có thể thỏa mãn phần lớn nhu cầu về dầu, thép, thiết bị điện, xe ô tô, máy bay... Món nợ đối với Liên Xô còn xuất phát từ những khoản tiền Việt Nam vay qua con đường viện trợ kỹ thuật để xây dựng và hiện đại hoá 250 công trình, trong đó có các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và Trị An, nhà máy xi măng Bỉm Sơn, những mỏ than ở Quảng Ninh, những đồn điền cao su ở phía Nam...
Đến nay, Hà Nội và Matxcơva chưa thoả thuận được với nhau về tỷ giá chuyển những đồng “Rúp chuyển khoán” (sử dụng trong quan hệ thanh toán giữa Liên Xô cũ và Việt Nam) thành đôla Mỹ. Một khó khăn khác là Hà Nội hiện nay không có khả năng trả những khoản nợ đã quá hạn. Tuy nhiên sau một thời gian chờ đợi, Hà Nội đã chính thức thừa nhận nước Nga là người thừa kế của Liên Xô về những món nợ của Việt Nam. Và từ năm 1992, Hà Nội đã bắt đầu trả nợ Matxcơva bằng hàng hóa (nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng) và bằng dịch vụ cung cấp cho những tổ chức Nga ở Việt Nam. Hai bên còn thoả thuận rằng năm 1994, tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ Việt Nam cung cấp cho Nga để trả nợ vào khoảng 180 triệu đôla. Người ta chờ đợi rằng khối lượng hàng hoá và dịch vụ này sẽ tiếp tục tăng lên và trở thành một nguồn quan trọng và lâu dài về nguyên liệu, lương thực và hàng tiêu dùng cho nước Nga.
Thái độ của Nga đối với Việt Nam cũng đang thay đổi một cách đáng kể. Nếu trước đây một số nhân vật Nga đã lên tiếng đòi bán món nợ của Việt Nam cho một nước thứ ba dù là với giá rất rẻ thì hiện giờ Malxcơva bắt đầu xem Hà Nội là đối tượng hợp tác đầy triển vọng. Cho nên người ta không loại trừ khả năng Nga sẽ lấy một phần nợ để tái đầu tư vào kinh tế Việt Nam nhằm củng cố vị trí của các công ty Nga trên thị trường Việt Nam.
(bài viết riêng cho Diễn Đàn của N.Ivanốp; Matxcơva)
Một năm sau chế độ lương mới
Một năm sau khi chế độ lương mới được nhà nước Việt Nam ban hành, một cuộc hội thảo do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng ba vừa qua đã nhận định chế độ lương mới chưa được đông đảo người lao động đồng tình và cũng vẫn chưa trở thành động lực phát triển kinh tế.
Điều bất hợp lý đầu tiên là mức lương tối thiểu, qui định là 120.000 đồng/tháng, quá xa rời thực tế cuộc sống. So với mức sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, lương tối thiểu này chỉ đủ để trả tiền nhà và điện nước của một hộ gia đình. Đa số các ý kiến trong hội thảo đề nghị một mức lương tối thiểu bằng 2/3 mức lương tối thiểu mà nhà nước đã qui định cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (30 đến 35 đôla/tháng), tức không dưới 200.000 đồng/tháng...
Mặt khác, trong chế độ lương mới, đồng lương không gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của xí nghiệp mà bị áp đặt theo một thang bảng lương chung. Việc qui định giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng hưởng lương theo viên chức nhà nước hoàn toàn không có cơ sở kinh tế. Chính vì những bất hợp lý trên mà hiện nay, mặc dù chế độ lương mới đã được chính thức áp dụng từ 1.4.1993, hầu hết doanh nghiệp vẫn nấn ná chưa chịu thực hiện triệt để.
(Lao Động 27.3.94)
Đồng Việt Nam: phá giá hay không phá giá?
Cuộc tranh luận về sự cần thiết phá giá hay không đồng bạc Việt Nam đang chia rẽ trầm trọng những người quyết định chính sách kinh tế ở Hà Nội. Từ hơn hai năm nay, so với đôla Mỹ, hối suất danh nghĩa đồng Việt Nam đã được ổn định ở mức trên dưới 10.500 đồng một đôla. Nếu tính đến tỷ giá lạm phát ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ thì giá trị thực của đồng Việt Nam đã tăng hơn 23% (và tăng gần 50% đối với thời điểm hối suất lên cao nhất – ở mức 14.000 đồng/đôla – (trong năm 1991).
Đồng Việt Nam lên giá liên tục gây khó khăn không ít cho những nhà sản xuất hàng xuất khẩu. Riêng đối với nông dân, theo người trách nhiệm Viện quản lý kinh tế trung ương, ông Lê Đăng Doanh, cho biết, giá nông sản bán ra đã giảm 19%, trong khi giá hàng công nghiệp và dịch vụ tăng 30%: “không gì phải ngạc nhiên nếu nông dân khốn khổ”.
Đồng Việt Nam lên giá cũng làm điêu đứng những nhà sản xuất công nghiệp phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tình hình trở nên nguy ngập từ khi Trung Quốc quyết định phá giá 30% đồng nhân dân tệ. Rẻ đi một nửa, và phần lớn là nhập lậu, hàng Trung Quốc đang giết chết hàng loạt mặt hàng công nghiệp Việt Nam. Theo một số chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, đó là những lý do đòi hỏi chính phủ sớm có quyết định phá giá đồng bạc Việt Nam, 15% là tối thiểu.
Đến nay, chính phủ vẫn đặt ở hàng đầu mục tiêu chống lạm phát bằng một đồng Việt Nam “mạnh”, và trong chính sách ổn định hối suất lại không phân biệt giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa (Hà Nội đã chi đến 200 triệu đôla trong năm vừa qua để duy trì tỷ giá 10.500 đồng/đôla). Phản ánh quan điểm chính thức đó, người trách nhiệm Ban vật giá chính phủ, ông Lê Xuân Nghĩa, tuyên bố: “ Việt Nam không cần phá giá để cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Chính phủ còn phải củng cố lòng tin của dân vào đồng bạc trong một vài năm nữa”.
Cuộc tranh luận đã trở thành quyết liệt với sự tham gia của Ngân hàng thế giới (W.B.) bên cạnh phe phá giá: định chế tài chính quốc tế này không ngần ngại khuyến cáo Hà Nội phá giá 30% đồng Việt Nam. Có lẽ đó là lý do của tuyên bố nửa nạc nửa mỡ vừa qua của ông Trần Đức Nguyên, cố vấn kinh tế của phó thủ tướng Phan Văn Khải: “ Chúng tôi ý thức rằng đồng bạc Việt Nam hiện nay không đúng giá của nó, nhưng chúng tôi chủ trương điều chỉnh từng bước để giữ ổn định kinh tế”.
(theo FEER, 14.4.94)
Ngoại hối: quy chế quản lý mới?
“Các loại tiền nước ngoài vào Việt Nam phải được quản lý theo qui định của nhà nước Việt Nam” – ông Nguyễn Ngọc Minh (vụ trưởng vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng nhà nước Việt Nam) đã khẳng định như vậy khi trình bày trên báo Tuổi Trẻ qui chế quản lý ngoại hối mới sắp ban hành. Theo ông Minh, trong hoàn cảnh hiện nay, khi ai cũng có thể được giữ, được sử dụng ngoại tệ riêng, một lượng không nhỏ ngoại tệ được dùng để nhập lậu hàng, hoặc nhập hàng ngoài qui định. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại không có báo cáo nên Ngân hàng nhà nước không nắm được tình hình huy động và sử dụng ngoại tệ, “do đó biện pháp xử lý cũng chưa đề xuất kịp thời”.
Giới thiệu qui chế quản lý mới, ông Minh cho biết:
– Ngân hàng nhà nước sẽ thu hẹp dần đối tượng được phép giữ ngoại tệ và thị trường mua bán ngoại tệ. Chỉ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cung ứng dịch vụ cho người nước ngoài mới được tiếp tục nắm giữ ngoại tệ. Đối với những doanh nghiệp khác, nhà nước sẽ thu mua ngoại tệ và bán lại khi có nhu cầu chính đáng. Các ngân hàng thương mại sẽ là nơi trực tiếp giao dịch, chuyển đổi ngoại tệ. Thị trường liên ngân hàng về ngoại tệ (thành lập trong quí 2 năm nay) là nơi các ngân hàng thương mại sẽ bán ngoại tệ cho Ngân hàng nhà nước khi có thừa và mua khi thiếu. Mỗi ngày, Ngân hàng nhà nước sẽ công bố tỷ giá và căn cứ theo đó các ngân hàng thương mại sẽ tính tỷ giá riêng.
– Các cá nhân được tiếp tục giữ ngoại tệ, “bởi vì có thể họ còn lo sợ tiền Việt Nam mất giá”. Những chủ trương của nhà nước là “ hướng dần người dân chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam trong nước”, khởi đầu bằng việc chấm dứt những hoạt động của các điểm bán hàng thu ngoại tệ. Hoạt động kiều hối cũng sẽ được tổ chức lại: các ngân hàng thương mại sẽ trực tiếp làm kiều hối, những cơ sở kiều hối hiện nay sẽ phải ngừng hoạt động hoặc trở thành đại lý của ngân hàng.
(Tuổi Trẻ 26.3.94)
Quảng Nam - Đà Nẵng: tham ô từ đầu tỉnh
Nhân hội nghị giữa nhiệm kỳ của đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ định ông Mai Thúc Lân, hiện là uỷ viên thường vụ quốc hội, làm bí thư tỉnh uỷ thay ông Nguyễn Văn Chì bị điều đi nơi khác. Ông Trương Quang Được, hiện là tổng cục trưởng hải quan, được chỉ định làm phó bí thư tỉnh uỷ thay ông Trần Đình Đạm bị cho nghỉ vì “lý do sức khoẻ”. Theo bản báo cáo của hội nghị, lãnh đạo tỉnh “ đã lợi dụng sơ hở trong xây dựng cơ bản, quản lý nhà cửa để tham nhũng; lợi dụng phương tiện vốn của nhà nước cấu kết với phần tử buôn lậu”.
Chỉ riêng về lãnh vực nhà đất, trong hai tháng 9 và 10 năm 1993, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã vung tay cấp đến 291 lô đất (hơn 3 ha) cho những đối tượng có quyền thế trong khi phần lớn đều đã có nhà trong thành phố. Chỉ riêng trong hai ngày trước khi có quyết định của chính phủ rút thẩm quyền cấp đất của thành phố, 154 lô đã được cấp như “đất chạy tang” theo lời của một tờ báo địa phương. Trong danh sách những người hiện nay bị buộc phải trả lại nhà đất có bí thư thành uỷ, phó chủ tịch uỷ ban thành phố, giám đốc sở công nghiệp... Ngoài ra nhiều cơ quan (như chi cục Kho bạc) và công ty (như Xí nghiệp bột cá, Công ty bia Minh Anh) đã được cấp đất trong những điều kiện mờ ám, mỗi trường hợp gây thất thoát cho ngân sách nhà nước từ 3 đến 4 tỷ đồng.
(Thanh Niên 31.3 và Lao Động 31.3, 3.4.94)
* Dĩ nhiên, sự “bầu cử” các chức vụ quan trọng như bí thư và phó bí thư tỉnh uỷ của các tỉnh luôn luôn được ban tổ chức trung ương đảng “chỉ đạo” xít xao, song về hình thức, ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không mấy khi trực tiếp và công khai can thiệp vào. Năm 1988 , trong xì căng đan về nạn đói ở Thanh Hoá, ban bí thư đảng đã buộc lòng phải cách chức bí thư Thanh Hoá Hà Trọng Hoà về tội lạm quyền, sau nhiều tháng nhì nhằng trước những tiếng chuông phản đối từ cơ sở. Sự vỡ lở về tham ô của bậu xậu ban lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hẳn đã tới mức không còn che đậy được nên bộ chính trị mới phải lấy quyết định đưa trên đây. Tuy nhiên, các bài báo trích dẫn không nói chức vụ mới mà ông Nguyễn Văn Chì được điều động tới là gì! Và liệu “điển hình” Quảng Nam - Đà Nẵng có được nhân lên “cao” hơn?
Tin ngắn
* Theo một thông tư đề ngày 24.3.94, khi đầu tư về nước, Việt kiều – không phân biệt quốc tịch – được giảm 20% thuế lợi tức.
* Những tín phiếu kho bạc nhà nước (loại kỳ hạn 6 tháng) phát hành kể từ ngày 1.4.94 được hưởng lãi suất 17%/tháng.
* Ngân hàng ngoại thương Việt Nam vừa công bố lãi suất tiền gửi tiết kiệm (không thời hạn) bằng ngoại tệ áp dụng từ 1.4.94. Đôla Mỹ: 2%/năm; Franc Pháp: 3%. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ của ngân hàng cũng được điều chỉnh. Đôla Mỹ: 7%/năm; Franc Pháp: 9,5% (ngoài ra, ngân hàng thu thêm phụ phí 0,7% trên số tiền vay).
* Trong ba tháng đầu năm 1994 ở Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hoá đã tăng giá 4% (trong đó lương thực tăng 11%), dịch vụ tăng 23%, vàng tăng 20%, đôla tăng 3%. Nói chung, vật giá đã tăng gấp đôi so với quí 1 của năm 1993.
* Trong hai tháng đầu năm 1994, Việt Nam đã xuất khẩu 423,6 triệu đôla (tăng 25% so với cùng thời kỳ năm trước), trong đó tăng nhiều nhất là chè (100%), than (54%), thịt chế biến (40%), dầu thô (30%), hàng dệt (24%), thủy sản (21%).
* Năm 1993, ngành thủy sản đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 370 triệu đôla (tăng 60 triệu so với năm 1992). Song giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bình quân 4,8 đôla/kg, chỉ bằng 63% giá bình quân của Ấn Độ, 53% của Trung Quốc, 43% của Thái Lan, 35% của Úc.
* Cơ quan US-ASEAN Council ở Washington vừa qua đã thực hiện một bản tổng hợp những nghiên cứu dự báo của 110 công ty Mỹ về khả năng xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Theo tài liệu dự báo này, trong hai năm 1994-1995, xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Việt Nam ước độ 2,675 tỷ đôla, và đến năm 1998, con số trên sẽ là 8,222 tỷ đôla/năm. Khoảng 50 công ty Mỹ đã tham dự hội chợ hàng Mỹ tại Hà Nội trong tháng 4.
* Từ tháng 4 này, hãng dầu Mỹ Caltex (một liên doanh giữa hai công ty Chevron và Texaco) bắt đầu mua dầu thô sản xuất từ mỏ Bạch Hổ. Đây là hợp đồng dầu đầu tiên giữa một Công ty Mỹ và Việt Nam kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ.
* Công ty dầu khí Mỹ Mobil Oil vừa cho biết đã mua lại 25% cổ phần trong một mỏ dầu ở Việt Nam do công ty Nhật A.O.C. khai thác. Đây là giấy phép kinh doanh thứ hai của Mobil Oil ở Việt Nam. Mobil Oil chính là công ty đã tìm thấy dầu ở vùng mỏ này 20 năm trước.
* Đầu tháng 3 vừa qua, công ty Mỹ Hensel đã cùng với tỉnh Thừa Thiên - Huế cho ra đời liên doanh Amviet hoạt động trong ngành xây dựng, với vốn pháp định 5 triệu đôla, trong đó phần của Mỹ là 70%.
* Công ty Mỹ Bolsa Avenue (Westminster, California) đã cùng với một số xí nghiệp dược phẩm của các tỉnh Vĩnh Phú và Hà Tây cho ra đời liên doanh Vimisea sản xuất thuốc chữa bệnh. Vốn pháp định là 6 triệu đôla, phía Mỹ góp 70%. Westminter là một tỉnh trong hạt Cam ( Orange County), nơi có nhiều Việt kiều định cư.
* Cuối tháng 3 vừa qua, thành phố San Francisco (California, Mỹ) đã cử một đoàn đại biểu mười người, trong đó có năm thành viên người gốc Việt Nam và do giám đốc thương mại James Fang dẫn đầu, đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đã trình bày một chương trình kết nghĩa với thành phố Hồ Chí Minh của thị trưởng Frank Jordan gồm năm điểm: mở văn phòng đại diện thương mại và đầu tư, giao lưu văn hoá, xây dựng thư viện hữu nghị, hợp tác y tế, trao đổi nghiệp vụ quản trị.
* Công ty quốc doanh Việt Nam Vinafood sẽ xuất sang Mỹ khoảng 100 ngàn tấn trong năm nay. Đối tác phía Mỹ của Vinafood là công ty Comex Rice. Theo hợp đồng được ký vào tháng 2, vài ngày sau khi chính phủ Clinton bãi bỏ cấm vận, 45.000 tấn sẽ được xuất trước tháng 6, và một hợp đồng bổ sung trên 50.000 tấn sẽ được ký vào tháng 5 này.
* Sau 5 năm nâng cấp hệ thống đường sắt, thời gian hành trình của chuyến tàu Bắc-Nam đã được giảm từ 48 giờ còn 36 giờ. Từ đầu tháng 4, hàng tuần có hai chuyến tàu nhanh Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
* Từ trung tuần tháng 2.94, hệ thống điện thoại truyền hình (video phone) đã bắt đầu hoạt động giữa bốn địa phương ở trong nước là Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay dịch vụ điện thoại truyền hình đã mở ra nước ngoài với Úc và Mỹ. Giá cước: ngoài việc trả tiền một cuộc điện thoại bình thường, khách hàng video phone trả thêm 2500 đồng cho một cuộc gọi trong nước và một nửa đôla cho một cuộc gọi đi nước ngoài.
* Sau một năm hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, mạng lưới truyền hình qua viba (hệ thống MMDS) hiện nay chỉ phục vụ cho 100 khách hàng, hầu hết là cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện công ty nước ngoài, khách sạn quốc tế. Hàng ngày, hệ thống MMDS thu xuống từ vệ tinh và phát qua sóng vô tuyến viba 7 chương trình (CNN, CFI và 5 chương trình của Star TV). Được biết hợp đồng tiếp nhận truyền hình quốc tế này là 600 đôla và lệ phí hàng tháng là 50 đôla.
* Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, ở tỉnh Sông Bé có đến năm cuộc đình công của công nhân. Đáng lưu ý là chỉ có một cuộc đình công xảy ra trong doanh nghiệp có vốn nước ngoài, số còn lại đều là doanh nghiệp trong nước.
* Giám đốc hải quan tỉnh Quảng Trị, ông Lê Văn Tới, đã bị khởi tố về tội thu lệ phí trái phép trên những xe gắn máy nhập qua cửa khẩu Lao Bảo. Với lệ phí từ 30.000 đến 70.000 đồng một xe, hải quan Quảng Trị đã thu bất chính trên 480 triệu đồng.
* Tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện một vụ buôn lậu đồ cổ và thu hồi một pho tượng Chàm phong cách Đồng Dương thế kỷ thứ IX, cao một mét, nặng 500 kg.
* Sau 3 năm vận động xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ lệ 83,7% của lứa trẻ độ tuổi 6-14.
* Tại đồng bằng sông Cửu Long, ba tỉnh giàu hàng đầu như An Giang, Cần Thơ và Đồng pháp đang thiếu 4.100 giáo viên tiểu học, đồng thời có hơn 500 lớp ba ca, 2000 phòng học tre lá tạm bợ.
* Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở các trường phổ thông cấp 3, tiếng Anh chiếm 76% lớp ngoại ngữ, kế đến là tiếng Nga (16%) và tiếng Pháp (8%). Ở các trường cấp 2, tiếng Nga hầu như bị xoá sổ, cả thành phố chỉ còn có bốn lớp.
* Chính phủ Pháp đã quyết trình viện trợ 10 triệu franc cho bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh mua sắm trang thiết bị và dụng cụ y tế. Ba bác sĩ của bệnh viện cũng sẽ được đào tạo trong vòng một năm tại Pháp.
* Trong chuyến đi Hà Nội, Bộ trưởng Văn hoá Pháp Jacques Toubon đã khánh thành trụ sở của văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội hợp tác Văn hoá và Kỹ thuật (ACCT), một tổ chức liên chính phủ của 49 quốc gia sử dụng tiếng Pháp, và một trụ sở của Hiệp hội các trường đại học có sử dụng một phần hay toàn phần tiếng Pháp (AUPELF).
* Hội nhà văn Việt Nam đã tặng giải thưởng văn học về đề tài “lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” cho: Cuộc tình thế kỷ (tiểu thuyết của Lê Tri Kỷ), ăn mày dĩ vãng (tiểu thuyết của Chu Lai), Phải lòng (tập thơ của Văn Lê), Về thôi, nàng vọng Phu (tập thơ của Vương Trọng).
* Trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một trận lũ chưa từng thấy trong hai mươi năm qua ở Quảng Ngãi đã bất ngờ dâng cao nước hai con sông Vệ và Trà Khúc, cuốn trôi tài sản của dân trong vùng. Thiệt hại nặng nhất là những nông dân trồng lúa và nuôi tôm.
* Nạn đói đang đe dọa các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, nhất là các huyện Sapa, Than Uyên, Bát Sát. Theo chính quyền tỉnh, đã có 7800 hộ đói từ một đến ba tháng, 4900 hộ đói từ bốn đến sáu tháng nay. Nguyên nhân của tình trạng đói là nắng hạn kéo dài, ít mưa, người dân không trồng cấy được
* Ngày 11.4.1994, tại làng Tro Sla bên bờ sông Bassac, Khmer đỏ lại tấn công những kiều dân Việt Nam, tàn sát 14 người, phần lớn là đàn bà và trẻ em, và làm bị thương 27 người khác. Cuộc tàn sát này tiếp theo nhiều cuộc thảm sát khác Khmer đỏ đã tiến hành năm ngoái trong cuộc tổng tuyển cử ở Cam Bốt.
* 149 công ty Việt Nam và nước ngoài đã ghi tên tham dự đấu thầu về việc xây dựng lại những đoạn đường quốc lộ số 1, chia nhau 317 triệu đôla do Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số nước khác tài trợ. Trong số những công ty nước ngoài, có 7 công ty Mỹ, 5 công ty Pháp, 19 từ Nam Triều Tiên, 7 từ Trung Quốc, 6 Nhật và 2 Đài Loan.
* Trong chuyến đi thăm Việt Nam đầu tháng 4, thủ tướng Thuỵ Điển Carl Bildt đã cho biết ông gặp khó khăn trong những cuộc nói chuyện với các quan chức Việt Nam về các vấn đề nhân quyền. Theo ông, Việt Nam “quá chậm chập” trong việc cải thiện tình hình về mặt này.
* Ngoài thủ tướng Thuỵ Điển, Hà Nội đã đón tiếp trong tháng 4 một đoàn đại biểu Tổ chức giải phóng Palestine do ông Farouk Kaddumi dẫn đầu (ngày 6.4); ngoại trưởng Cộng hoà Tiệp Josef Zelenies (ngày 16.4); phó thủ tướng Nga Youri Yarov (12.4), v.v... Ông Yarov sẽ tham dự lễ khánh thành công trình thuỷ điện Hoà Bình và một phiên họp của Uỷ ban hỗn hợp Nga-Việt.
* Vương quốc Bỉ đã viện trợ cho Việt Nam 75 triệu frăng Bỉ (gần hai triệu đôla) trong một chương trình chống sốt rét ở tỉnh Hoà Bình, kéo dài từ năm nay đến năm 1998. Việt Nam hiện có khoảng một triệu người bị sốt rét, và ngân quỹ nhà nước dành cho việc ngừa, chống bệnh này lên đến 50 tỉ đồng trong năm 1993.
* Sáu người Việt Nam, gồm 3 người đàn ông và 2 phụ nữ cỡ tuổi 32-35 và một em bé 6 tháng, sinh sống ở Bratislava đã bị ám sát mà cảnh sát Slovakia chưa biết được nguyên do.
* Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đã từ trần ngày 23.4.1994, thọ 81 tuổi. Nixon là tổng thống Mỹ đã đề ra chủ trương “Việt Nam hoá chiến tranh” mà các nhà báo gọi nôm na là “ thay màu da trên xác chết”, tìm cách rút lính Mỹ ra khỏi Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục chiến tranh. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên bị buộc phải từ chức vì vụ xì căng đan Watergate, đồng thời là người bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Gần mực thì đen...Trong chuyến đi thăm hữu nghị Việt Nam cuối tháng ba vừa qua, bộ trưởng ngoại giao Cuba Roberto Robaina tuyên bố: “ Kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam rất bổ ích cho Cuba”. Lời tuyên bố này đã được đưa lên tít một bài báo của một tờ báo lớn của Việt Nam. Cuối tháng 4.1994, La Habana sẽ tổ chức một bàn tròn với đại diện các tổ chức kiều dân Cuba ở nước ngoài (chỉ trừ những tổ chức kêu gọi lật đổ chế độ bằng bạo lực) để thảo luận về nhiều vấn đề liên quan tới đất nước và quan hệ với kiều dân. Kinh nghiệm này có bổ ích Việt Nam? Tú xìgà |
Các thao tác trên Tài liệu