Bạn đọc và Diễn Đàn
Bạn đọc và Diễn Đàn
Chuyện con hươu
Trong Diễn Đàn số 30 (tháng 5.94), anh B.T.L. đã nêu lên vài sai lầm trong bài của Nguyễn Thu và góp ý kiến với ban biên tập. Ban biên tập hỏi ý kiến bạn đọc về việc xử lý các bài gửi đăng. Tôi mạn phép đóng góp vài ý kiến:
1) Tôn trọng tác giả: tôn trọng tác giả tức là tôn trọng bài tác giả đã viết. Vậy báo in nguyên văn bản thảo, chỉ khi nào có sự đồng ý của tác giả mới sửa chữ này, câu nọ trong bài; nếu có cắt xén những đoạn không cần thiết trong một bài quá dài, ban biên tập chú thích rõ cho độc giả biết – và cho tác giả biết.
Trường hợp trong một bài, tác giả dùng điển cố văn học, lịch sử mà sai, ban biên tập nên có chú thích hiệu đính và dẫn chứng chính xác. Như vậy độc giả có đủ căn cứ để nhận biết đúng sai. Đây là sửa sai, chứ không phải sửa lưng, lẽ nào tác giả không phục thiện?
2) Bảo đảm tính chính xác của các thông tin trong bài là một vấn đề then chốt, nhưng vượt khả năng của tôi, nên không dám bàn. Tôi nghĩ rằng khi đã chọn đăng bài của một tác giả, ban biên tập đã ít nhiều tin vào nhân cách của người viết, nhưng đồng ý hay không với quan điểm của người viết lại là chuyện khác.
Giờ tôi xin phép đi ra ngoài hai vấn đề trên:
Tôi thường thấy trong các bài vở (sách, báo) của người Việt Nam, đặc biệt về văn nghệ, nhiều tác giả hay trích những điển tích, những câu thơ hay danh ngôn của người nước mình hay người nước ngoài (nhất là Trung Hoa). Có những câu được chú rõ là trích ở đâu, của ai, nhưng cũng nhiều khi người viết thấy cũng chẳng cần chú thích và nghĩ rằng độc giả cũng biết như mình. Thế thật là rộng lượng với độc giả. Nhiều câu tôi không rõ nguồn gốc, hỏi bạn bè thì sợ bị chê là dốt, đành chịu vậy. Thấy người ta nói mãi câu Nhân sinh thất thập cổ lai hi, mò trong những tập Thơ Đường dịch ra tiếng Việt, một ngày kia rơi đúng bài Khúc giang của Đỗ Phủ, rất khoái (Tản Đà, Phan Ngọc, Nhượng Tống, Trần Trọng Kim đều có dịch vài đoạn của bài Khúc giang; chỉ có hai người đầu là dịch đoạn có câu trên).
Đọc các sách ngoại quốc dịch ra tiếng Việt, tôi chú ý tới mục đầu là cách dịch giả trình bày tác phẩm mình dịch: nguồn gốc văn bản, dịch từ nguyên văn hay từ phiên âm (tác phẩm chữ Hán), hay dịch từ một bản dịch.
Khi nào dịch giả trình bày mạch lạc các vấn đề trên, tôi mới thấy có hứng để đọc bản dịch ra tiếng Việt. Lúc đó mới đánh giá được tài năng và phong cách của người dịch.
Gần đây tôi nhận được vài cuốn sách của ông Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), một số bà Nguyễn cho, một số bạn bè ở Việt Nam in và cho. Riêng xem cuốn Trang Tử và Nam Hoa kinh do ông Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú dịch, tôi vô cùng thích thú. Ông Nguyễn giới thiệu Trang Tử và thời đại Chiến Quốc, các bản ông dùng để dịch, học thuyết của Trang Tử thật công phu. Về phần dịch, đã có bản dịch Nam Hoa kinh của Nhượng Tống trong tay rồi, độc giả tha hồ so sánh tài dịch của hai ông.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ: bài của Nguyễn Thu nhắc tới chuyện con hươu kia mà! Sao tôi lại nói chuyện khác. Vậy xin ngừng bút.
Nguyên Lạc (Paris, Pháp)
Dịch ẩu
Đọc về “sự kiện” tại biển Trà Cổ trong “Đất nước Việt Nam sau hai năm bung ra” của Nguyễn X. T. (trang 18, Diễn Đàn số 28, tháng 3.94), tôi trăn trở với những thắc mắc sau: 1) Liệu trung ương tại Hà Nội có biết về sự kiện (?) đó không? 2) Liệu quốc hội có biết không? 3) Có báo nội địa nào loan tin không? 4) Nếu Trung ương, Quốc hội, Bộ nội vụ (?), Bộ ngoại giao (?)... biết, mà có lên tiếng / biện pháp để xử lý vấn đề không?
Thiết tưởng báo tầm cỡ Diễn Đàn nên duyệt những từ “bất ổn” loại “nguỵ”, “V.C.” như trong “Thuở trời đất đảo điên” do Đỗ Thống (Diễn Đàn cùng số, tr. 28). Theo Từ điển Anh-Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội), baseball là bóng chày, hockey mới là khúc côn cầu.
Tâm ( Canada)
* Xin cảm ơn ông đã sửa sai cho chữ khúc côn cầu. Người dịch chủ quan, không kiểm tra lại, đến khi lên khuôn, biên tập cũng lười tra từ điển. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm để hạn chế những sai sót loại này. Tuy nhiên cũng xin bạn đọc thông cảm cho điều kiện làm việc của Diễn Đàn: lên khuôn báo trong hai ngày cuối tuần, và nhiều khi quá say mê tranh cãi về nội dung, quên luôn việc sửa lỗi.
Riêng mấy chữ “ nguỵ”, “V.C.”, chúng tôi cố tình dùng để thể hiện cái nhìn của nhân vật Bảy Lý. Độc giả quen thuộc của Diễn Đàn đều biết chúng không phản ánh quan điểm của chúng tôi.
Một sự im lặng đầy ý nghĩa?
Theo dõi Diễn Đàn từ mấy năm nay, tôi thấy quý báo không hề nói tới nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một chiến sĩ dũng cảm của cuộc đấu tranh cho dân chủ, đã phải trả giá bằng bao nhiêu năm tù đày. Sự im lặng này là vô tình, hay thể hiện một quan niệm dân chủ nửa vời của Diễn Đàn?
Đ.N. (Paris, Pháp)
* Tháng 12.1991, Diễn Đàn (số 3) đã đăng tít lớn trang đầu: Ba nhà văn Dương Thu Hương, Nguyễn Chí Thiện, Doãn Quốc Sỹ được trả tự do. Từ đó, chúng tôi không được tin gì thêm về ông Nguyễn Chí Thiện. Sự im lặng của chúng tôi chỉ có ý nghĩa là vắng tin.
Về nguyên tắc, đối với những cá nhân hay tổ chức bị chính quyền đàn áp, lập trường của chúng tôi là ủng hộ quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu ý kiến, tự do lập hội, bất luận ý kiến và lập trường của họ có tương hợp với ý kiến hay lập trường của chúng tôi, miễn là những ý kiến và lập trường đó không đi ngược những nguyên tắc dân chủ và giá trị nhân bản.
Riêng về sáng tác thơ văn của Nguyễn Chí Thiện, cũng có thể nghĩ rằng sự im lặng của chúng tôi có nghĩa: trong ban biên tập Diễn Đàn chưa có ai đánh giá cao thi phẩm của ông. Điều này không mâu thuẫn, ngược lại, với sự kính trọng của chúng tôi đối với một nạn nhân của chế độ toàn trị, đã kiên cường chống lại mọi sự đàn áp trong suốt mấy chục năm.
Các thao tác trên Tài liệu