cơ chế và kinh tế Việt Nam
Một
số ý
kiến về cơ chế nhà nước
và vấn đề kinh tế Việt Nam
Vũ Quang Việt *
Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi từ năm 1989 đến nay. Kết quả đạt được chủ yếu là do đổi mới cơ chế về mọi mặt: đường lối xây dựng kinh tế xã hội, luật pháp kinh tế xã hội và tổ chức nhà nước.
Chính vì tác động quan trọng của cơ chế đối với kinh tế mà việc tiếp tục đổi mới cơ chế cũ và kiện toàn cơ chế mới càng trở nên quan trọng. Việc đặt vấn đề cải tổ hành chính nhà nước cùng kết hợp với cải tổ kinh tế là hết sức đúng đắn. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Vấn đề đặt ra là: những đường lối, pháp luật, chính sách gì cần đổi mới thêm và cơ chế nào cần thay đổi thêm để thực hiện được đường lối, pháp luật và chính sách mới? Đây là những vấn đề phức tạp, vừa đòi hỏi nghiên cứu sâu, rút kinh nghiệm của thế giới để đề ra giải pháp cho hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam, vừa đòi hỏi biện pháp cụ thể nhằm thực hiện cho có kết quả. Tôi rất cảm kích được Thủ tướng mời làm thành viên của Tổ Tư Vấn. Nhân cuộc họp đầu tiên, vì thời gian cho phép sửa soạn có giới hạn, tôi chỉ xin góp ý vào một vài điểm trong những vấn đề trên, những điểm mà tôi có tầm hiểu biết nhất định.
1. Hướng phát triển và kế hoạch kinh tế những năm sắp tới
Hiện nay có sự hồ hởi có vẻ hơi quá đáng về khả năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tình cảm hồ hởi này bắt nguồn từ tình hình phát triển kinh tế tốt đẹp những năm vừa qua cũng như việc đất nước đã thoát khỏi tình trạng bị cô lập hoá, mở ra cơ hội và khả năng nhận được viện trợ và vay mượn từ tư bản nước ngoài những năm sắp tới.
Nếu xét từ năm 1989 đến nay, kinh tế đất nước ta phát triển với tốc độ trung bình mỗi năm 6,7%. Tốc độ này có thể nói là do tác động của vay mượn, viện trợ, đầu tư trong quá khứ như cho dầu hoả, điện, v.v... và tác động của việc thay đổi cơ cấu những năm qua. Nó hoàn toàn không phải là kết quả của những đầu tư năm vừa qua. Đầu tư những năm vừa qua nhỏ bé chỉ bằng 10% GDP (tổng sản lượng trong nước, chú thích của người đánh máy), trong đó có 7% là để thay thế hao mòn tài sản cố định. Vì vậy, muốn giữ được tốc độ này đòi hỏi phải có đầu tư mới ở mức đáng kể. Khi nói đến đầu tư, ta không thể bỏ qua nguồn gốc của tài chính đầu tư: từ nội bộ trong nước, từ tư bản nước ngoài, từ vay mượn. Thế nào là tỷ lệ thích hợp để đất nước vẫn còn chủ quyền kinh tế trong tương lai? Những vấn đề này cần đem lên bàn cân. Dĩ nhiên ta không đặt ra những tỷ lệ cứng nhắc mà cần điều chỉnh tuỳ từng thời kỳ, nhưng về dài lâu phải đạt được một tỷ lệ quân bình nào đó. Không thể chỉ nhằm vào tốc độ phát triển cao và coi như thế là tất cả.
Tôi thấy tốc độ phát triển trung bình mỗi năm 7% trong năm năm sắp tới là tốc độ phát triển có thể đạt được đồng thời không có tính chất phiêu lưu có thể tạo ra các “cổ lọ” (bottle neck) trong nền kinh tế, có thể gây ra khủng hoảng kinh tế, đưa đến khủng hoảng xã hội và chính trị. Đi vào một cuộc chạy đua kinh tế mà luật lệ, nguyên tắc của cơ cấu mới chưa được xác định sẽ tạo nên những nguy cơ không lường trước được. Nền kinh tế thị trường là cạnh tranh, đòn phép, kể cả những đòn phép dơ bẩn nhất nếu như không có luật pháp và cơ chế kiểm sát. Hãng nước hoa Thanh Hương là một thí dụ. Ngay như việc đầu tư của ngoại quốc vào nước ta vừa qua, mặc dù không đáng kể, cũng đã tạo ra những “cổ lọ” nguy hiểm về việc tăng giá đất đai khi chưa có chính sách thuế đất, thuế chuyển nhượng địa ốc và thuế tiền lời địa ốc: tốc độ tăng nhu cầu xây dựng, nhu cầu đất đai đã đẩy tới tình trạng nhẩy vọt quá đáng về giá nhà cửa, đất đai. Tình hình vừa qua nếu tiếp tục sẽ đưa đến sự phá sản của rất nhiều cơ sở tín dụng tư nhân và nhà nước và đồng thời tạo nên dây chuyền ảnh hưởng nguy hiểm cho toàn bộ nền kinh tế. Hậu quả của một cuộc chạy đua khi chưa có luật lệ này đã để lại hậu quả lâu dài là giá nhà cửa hiện nay đã xuống nhưng còn quá cao so với lương của lao động Việt Nam, và với lương hiện nay dù ở mức cao nhất do nhà nước quy định, người lao động Việt Nam không có hy vọng gì có được một nơi cư trú độc lập trước khi hết đời, nếu chỉ dựa vào đồng lương. Đây sẽ là vấn đề xã hội chính trị lớn trong tương lai.
Tốc độ trung bình mỗi năm 7% không phải là thấp, nếu thấy rằng từ năm 1965 đến nay, những con rồng châu Á có tốc độ phát triển trung bình năm 5,5%, các nước công nghiệp phát triển có tốc độ tăng trưởng 2,2%, các nước Nam Mỹ là 2%, và Phi châu chưa được nửa %. Trung Quốc phát triển trung bình từ năm 1979 đến nay khoảng trên 9% là trường hợp ngoại lệ, nhưng họ luôn bị rơi vào giai đoạn phát triển quá nóng, lạm phát bùng nổ, đời sống khó khăn, phải ghìm cưỡng lại, gây xung đột xã hội như vụ Thiên An Môn. Tốc độ phát triển cao này chỉ tập trung ở vài địa phương (vì đây là biện pháp hữu hiệu để đạt tốc độ phát triển cao) đang là vấn đề lớn gây bất mãn trong nông dân và các địa phương khác.
Ở Việt Nam, đưa ra tốc độ quá cao như 9-10% một năm trong khi hạ tầng cơ sở (đường xá, cầu cống, điện, văn phòng làm việc, chuyên viên) chưa đủ, bản thân vốn liếng mình không có không thể nào không đưa đến bùng nổ giá cả, kể cả nợ nần nước ngoài chồng chất, mà nếu không muốn vay nợ thì phải biến Việt Nam thành nơi chủ yếu cung cấp công nhân rẻ cho người nước ngoài.
Để đạt được tốc độ trung bình mỗi năm 7% cũng đòi hỏi những cố gắng lớn, tức là: tốc độ đầu tư phải được đưa lên cao hơn nhiều, và tốc độ tăng tiêu dùng phải giữ ở mức độ vừa phải. Theo tính toán của tôi, để tăng trung bình 7% trong 5 năm tới, ta cần nâng mức đầu tư lên 20% GDP, trung bình khoảng 2,3 tỷ USD một năm, giữ mức tăng tiêu khoảng 3% một năm, mức để dành từ nội bộ nền kinh tế là 1,0 tỷ USD một năm, tức là tỷ lệ để dành so với GDP là 11-12%, và như vậy nguồn tài chính nước ngoài mỗi năm cần tới khoảng 1,3 tỷ những năm sắp tới. Trong 1,3 tỷ cần từ phía ngoài, 600 triệu USD có thể là từ vay mượn, viện trợ, 700 triệu là từ đầu tư nước ngoài. Với tốc độ phát triển trên, thì số đầu tư của ngoại quốc cần thu hút vào Việt Nam đã bằng 30% tổng số đầu tư trong nước, một con số đáng kể khi so với mức đầu tư của ngoại quốc vào những nước Á châu trong 5 năm qua, tương đương với Singapore, gấp đôi Hồng Kông, gấp 3 lần Mã Lai và gấp 15-20 lần Trung Quốc và Nam Hàn. Nếu đẩy mức này lên hơn nữa thì ta phải xét tới viễn tượng chủ quyền hoặc ít nhất là ảnh hưởng kinh tế của nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là tỷ lệ đầu tư của những nền kinh tế nói tiếng Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay đã lên tới 40% tổng số đầu tư được chấp nhận của ngoại quốc vào nước ta. Ta cần mở rộng tỷ lệ đầu tư của các nước phát triển khác nhưng trong giai đoạn hiện nay không phải dễ dàng. Mức đầu tư trên thế giới của Nhật đã xuống đáng kể và sẽ còn tiếp tục xuống vì kinh tế khó khăn. Ở Á châu, đầu tư của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 2 tỷ một năm sẽ không phải là nguồn đầu tư quan trọng cho Việt Nam.
Như vậy chiến lược bảo đảm độc lập kinh tế là phải nâng mức để dành trong nội bộ nền kinh tế. Tỷ lệ để dành năm 1989 chỉ có 5% GDP, năm 1992, theo tôi ước tính là 8,5%. Tốc độ phát triển kinh tế 7% mỗi năm trên trong vòng 5 năm tới đòi hỏi tỷ lệ để dành được nâng lên 11-12% GDP. Để phát triển vững chắc và không dựa vào viện trợ và vay mượn như hiện nay, tỷ lệ để dành phải là 24-29% như một số nước Á châu có phát triển mạnh. Cơ chế ngân hàng, vai trò của nó và chính sách lãi suất phù hợp để huy động tiết kiệm sẽ phải là vấn đề cần đi sâu và cần có cải tổ toàn diện. Cũng như muốn phát triển vững chắc, ta cần nắm vững chiến lược phát triển xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu không cần thiết, tạo sự cạnh tranh, xoá bỏ độc quyền nhưng đồng thời phải có chính sách bảo hộ nhất định hàng hoá trong nước. Kinh nghiệm của Nhật, Nam Hàn, Đài Loan chứng tỏ rõ quan điểm này. Thế nhưng hiện nay nhiều biểu diện cho ta thấy đã mở rộng thị trường một cách vô lối. Không thể tưởng tượng được nhà nước ta lại cho phép công ty ngoại quốc sản xuất bia ở Việt Nam với kỹ thuật đơn giản mà lợi nhuận lại cao. Ta phải tự hỏi tại sao Pháp lại dành độc quyền sản xuất rượu bia ở thuộc địa. Và rồi đến thuốc lá nữa?
2. Cơ sở cải cách tiền lương
Chính sách lương bổng nhà nước đưa ra năm vừa qua được xây dựng trên hai nguyên tắc: (i) lương cơ bản theo cùng ngạch trật giống nhau cho mỗi công chức nhà nước làm việc ở bất cứ nơi nào trên đất nước; (ii) sự khác biệt về giá cả ở các vùng được giải quyết bằng lương phụ cấp đắt đỏ. Chính sách tổng quát như vậy là đúng đắn. Tuy nhiên chính sách này có khuyết điểm trầm trọng là nó không lưu ý đến tình hình hiện tại cũng như tàn dư của quá khứ. Tình hình hiện tại cho thấy lương hiện nay của công chức ở nhiều nơi ở miền Nam cao gần gấp đôi lương công chức ở miền Trung hoặc miền Bắc. Như vậy thực hiện chính sách lương này đòi hỏi kéo lương những người đang nhận lương cao xuống, hoặc tạm hoãn thực hiện. Tàn dư của quá khứ cho thấy rằng nhiều người đã làm việc với nhà nước rất lâu nhưng có người được chia nhà và có người chưa được chia, phần chia cũng không đồng đều giữa các thành phố, có người ở Thành phố Hồ Chí Minh được chia nhà có giá trị gấp cả nghìn lần giá trị nhà được chia ở thành phố khác. Chỉ nhìn một căn nhà hoặc diện tích được chia của một cán bộ trung cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh và chỗ ở của một cán bộ cao cấp ở Hà Nội là quá rõ. Chính sách này đã bị phản đối là quá dễ hiểu bởi nó là một chính sách hết sức bất công. Chúng ta phải xoá bỏ bao cấp nhà cửa, đưa tới lương bổng hợp lý và công bằng cho cả nước, nhưng đây không phải là chính sách công bằng xã hội.
Vì những bất công và vô lý của chính sách kiểu này, tôi xin đề nghị phương pháp giải quyết như sau:
(i) Tính toán lại xem lương tối thiểu nhằm bảo đảm đời sống tối thiểu. Trên cơ sở lương tối thiểu này, tính lại lương cho các bậc lương khác, và sau khi cộng thêm mức bù đắt đỏ tuỳ theo địa phương, nếu phải giảm lương ở nơi nào trả cao hơn mức lương quy định thì việc giảm lương này là hoàn toàn hợp lý vì không thể chấp nhận cùng một bậc công chức mà lại có lương khác nhau tuỳ ngân sách địa phương giàu hay nghèo.
(ii) Thực hiện ngay lương và bậc lương giống nhau cho toàn quốc, phần nào nhà nước giải quyết được bằng tiền mặt thì sẽ giải quyết ngay, phần nào chưa giải quyết bằng tiền mặt được thì giải quyết bằng phiếu nợ ngắn hoặc trung hạn từ 1 đến 5 năm và có lãi tương đương với lãi bỏ quỹ tiết kiệm ở mức thấp nhất. Tôi đề nghị là 5 năm nhưng có thể cần tính lại tuỳ theo số tiền nhà nước phải bỏ thêm để trả nhưng chưa thể trả vì điều kiện tài chính không cho phép, do nếu in tiền để trả lương thì sẽ gây ra lạm phát. Khả năng trả thêm tuỳ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế 5 năm tới và khả năng thu thuế của nhà nước. Trong khi thực hiện biện pháp này, cần ưu tiên phát lương bằng tiền mặt ngay cho những nơi đã trả lương cao, để tránh kéo lương họ xuống quá đáng và ưu tiên cho các cơ quan công quyền mà lương quá thấp có thể ảnh hưởng đến đạo đức công việc như công an, hải quan, viên chức toà án, viện kiểm sát, v.v...
(iii) Trên cơ sở lương cơ bản mới này, tính lại lương cho những năm trước đây cho mỗi công chức nhà nước. Lương trước đây sẽ phải thấp hơn vì năng suất trước đây thấp hơn. Như vậy lương trước đây đáng lẽ được hưởng sẽ được quyết định bởi lương hiện nay và năng suất những năm trước đây, ngạch trật tương đương trước đây và thời gian phục vụ cho nhà nước. Như vậy cần tính lại lương bổng mỗi công chức đã được hưởng, trong đó có lương bổng và nhà cửa. So sánh mức lương bổng đã được hưởng và mức lương bổng đáng lẽ được hưởng. Đối với phần khác biệt công chức phải hoàn trả lại, nhà nước lấy lại qua bổng nhà cửa quá đáng và trả bằng nhà có giá trị thấp hơn. Đối với phần khác biệt nhà nước phải trả, nhà nước có thể trả bằng công trái phiếu dài hạn từ 15 đến 20 năm, được hưởng lãi suất tương đương với lãi suất ngân hàng ở mức thấp nhất. Lý do trả bằng công trái dài hạn vì số lượng phải trả thêm có thể rất lớn.
Tôi mong rằng nhà nước sẽ xét lại chính sách lương bổng hiện nay, để đưa ra một chính sách lương bổng công bằng, hợp lý và có thể thực hiện được, tức là không gây lạm phát.
3. Đưa tin học vào quản lý kinh tế
Quản lý nhà nước, quản lý kinh tế từ hoạt động của từng cá nhân, xí nghiệp, ngân hàng, tài chính đều đòi hỏi mạng lưới thông tin sử dụng tin học hiện đại. Ngân hàng từ lâu đã không giải quyết được vấn đề chi trả giữa các đơn vị trong các tỉnh, một phần vì cơ cấu tổ chức thiếu khoa học nhưng một phần là do không có hệ thống tin học hiện đại. Đối với toàn nền kinh tế cũng vậy, để nhà nước theo dõi điều hành các chính sách vĩ mô và các hoạt động vĩ mô quan trọng, nhà nước phải nắm được tình hình kinh tế một cách đầy đủ, chính xác và nhanh chóng. Điều này đòi hỏi xây dựng được một hệ thống thông tin kinh tế định lượng tất cả các hoạt động quan trọng trong nền kinh tế. Hệ thống này cho phép khả năng tổng hợp nhanh chóng chi tiết từ cơ sở địa phương qua mạng lưới thông tin. Như vậy nó đòi hỏi sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng giữa các bộ ngành và địa phương, lấy Tổng cục thống kê làm trung tâm, sử dụng mạng lưới tin học hiện đại. Việc xây dựng hệ thống thông tin kinh tế này đòi hỏi những điều kiện như sau:
(i) Có chuẩn quốc gia về các định nghĩa, ý niệm, phạm trù kinh tế, về phương pháp và phạm trù kế toán, về những thông tin các cơ sở phải báo cáo thì mới có thể tổng hợp và so sánh;
(ii) Có chuẩn quốc gia về mạng lưới thông tin dùng tiếng Việt, các loại máy tính cho đến các phần mềm xử lý số liệu. Việc tổng hợp đòi hỏi số liệu gởi qua mạng lưới thông tin nhà nước được nơi khác đọc được và xử lý lập tức được. Việc tổng hợp trong thời gian cũng đòi hỏi hệ thống máy và phần mềm hiện sử dụng phải có khả năng chuyển sang hệ thống hiện đại trong tương lai. Chúng ta sẽ hết sức tốn phí nếu như những phần mềm được viết hiện nay để xử lý thông tin phải bị viết lại trong tương lai hoặc tất cả số liệu hôm nay phải bị đánh máy lại vì các máy mới không đọc được. Dĩ nhiên chuẩn quốc gia lại phải phù hợp với chuẩn quốc tế.
Vấn đề mạng lưới thông tin dựa trên tin học hiện đại không phải chỉ là vấn đề của thông tin kinh tế mà là vấn đề chung của chiến lược phát triển. Chính ở đây, những nước mới phát triển chưa có một mạng lưới thông tin sẵn lại có cơ hội đi vào kỹ thuật tiên tiến nhất. Ở Mỹ, có những phần mềm và hệ thống số liệu được thiết kế từ lâu, tốn kém rất nhiều nhưng hiện nay vẫn không có khả năng chuyển sang kỹ thuật mới. Mỹ đã tốn một tỷ USD nhằm chuyển hệ thống phần mềm quản lý bảo hiểm xã hội sang kỹ thuật mới nhưng đành chịu thất bại.
Xây dựng mạng lưới thông tin đòi hỏi nhà nước có chiến lược về vấn đề này. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lập Uỷ ban điều hành công nghệ thông tin do bộ Công nghệ và Môi trường điều hành nhằm xác định chuẩn về mạng lưới máy tính. Đây là quyết định kịp thời và hết sức đúng đắn. Rất tiếc Uỷ ban này nằm trong một bộ thì khó có đủ tầm cỡ để thực hiện quyết định, trừ trường hợp những quyết định này phải được Thủ tướng ký.
Về thông tin kinh tế, ta chưa có chuẩn cho môi trường kinh tế thị trường hiện nay. Chỉ cần để ý sự khác nhau giữa các từ sử dụng để chỉ định cùng một vấn đề kinh tế cụ thể trên báo chí cũng như trong cơ quan nhà nước là đã rõ. Tôi có đề nghị với chính phủ thành lập Hội đồng thống kê quốc gia là để xác định chuẩn và chiến lược trước mắt cũng như lâu dài về một hệ thống thông tin kinh tế tổng hợp (đề nghị này đã được viết trong một bài riêng). Hai uỷ ban trên sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống thông tin kinh tế tất phải phối hợp chặt chẽ, kể cả việc người điều hành uỷ ban này phải là thành viên của uỷ ban kia.
Việc thiết lập các uỷ ban trung ương trên, nhằm đặt chuẩn và phối hợp hoạt động của các bộ ngành và cả hoạt động khác nhau chính là dựa trên cơ sở xây dựng một chính phủ trung ương mạnh và hiệu quả.
4. Về việc quản lý tài sản công
Nhân đọc sáng kiến của anh Trần Quốc Hùng về việc thiết lập Quỹ quản thác tài sản quốc gia, tôi xin góp thêm một số ý kiến về vấn đề lý thú và quan trọng này. Vấn đề này hết sức phức tạp, cần nghiên cứu sâu sắc qua việc rút kinh nghiệm các nước khác. Những ý kiến bổ túc của tôi chỉ có mục đích làm sáng tỏ thêm vấn đề. Để nhìn toàn diện, trước hết tôi xin đưa ra định nghĩa về tài sản quốc gia. Nó gồm:
Tài sản đất đai
(i) Đất đai nông nghiệp, lâm nghiệp;
(ii) Đất đai công để ở và làm công xưởng;
(iii) Vùng trời, vùng biển;
Tài sản hầm mỏ
(iv) Toàn bộ hầm mỏ nguyên liệu và nhiên liệu;
Tài sản cố định do con người sản xuất
(v) Các công trình xây dựng như cầu đường bến cảng;
(vi) Các công trình công cộng khác liên quan đến giáo dục, giao thông, y tế, quốc phòng;
Tài sản các công ty quốc doanh
(vii) Các xí nghiệp do nhà nước làm chủ một trăm phần trăm trong đó chẳng hạn có Ngân hàng trung ương;
(viii) Cổ phiếu nhà nước trong các xí nghiệp quốc doanh do nhà nước làm chủ phần lớn cổ phiếu nhưng vì giữ địa vị quan trọng nên cơ quan chủ quản không được quyền bán nếu không được phép;
Tài sản tài chính
(ix) Cổ phiếu xí nghiệp quốc doanh sản xuất hàng hoá, dịch vụ cũng như dịch vụ tín dụng, tài chính của nhà nước (tức là ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty tài chính);
(x) Cổ phiếu xí nghiệp ngoài quốc doanh do nhà nước mua;
(xi) Tiền mặt hoặc tín dụng thu được do tư nhân hoá các xí nghiệp quốc doanh;
(xii) Ngoài ra lợi tức do thu tiền cho thuê khai thác tài sản đất đai và hầm mỏ, lợi tức cổ phần và lợi tức thu được do đầu tư các nguồn lợi tức thu được đều trở thành tài sản tài chính;
(xiii) Các loại trái phiếu nhà nước mua.
Trong đề nghị của anh Hùng, chỉ mới bàn đến trách nhiệm quản lý các tài sản tài chính của Quỹ quản thác tài sản quốc gia, nhưng nó cũng có thể được giao quản thác toàn bộ tài sản cố định kể cả tài sản từ công ty quốc doanh, kể cả lợi tức cổ phần do Tài sản quốc gia tạo ra. Quỹ này có mục đích làm lợi cho quốc gia, làm ngày càng tăng giá trị tài sản quốc gia. Nó có thể mua bán cổ phiếu xí nghiệp, trái phiếu, công trái bộ Tài chính, các công cụ tiền tệ khác trong nước và ngoài nước. Thực chất nó là một công ty tài chính quốc gia tức là một xí nghiệp quốc doanh như những xí nghiệp quốc doanh khác, tuy có sức mạnh kinh tế hết sức lớn lao. Nếu theo tổ chức thông thương ở các nước tư bản, khi một công ty có cổ phiếu ở những công ty khác thì công ty đó cũng làm chủ các công ty mà nó có cổ phiếu, trong đó có cả xí nghiệp quốc doanh và xí nghiệp tư doanh.
Tài sản mà Quỹ này quản lý sẽ hết sức lớn. Về tài sản cố định, chưa kể giá trị đất đai, chỉ kể giá trị tài sản cố định của xí nghiệp quốc doanh hiện nay có thể lên tới 5-10 tỷ USD, ngoài ra nó lại quản tài sản lưu động kếch sù, hàng năm sau này có thể nhận được lợi tức cổ phần từ các công ty khai thác khác dầu khí lên tới cả tỷ USD một năm.
Việc lập Quỹ quản thác là ý kiến sơ khởi của anh Hùng, nhưng nó mở ra một hướng suy nghĩ mới về quản lý tài sản quốc gia, trong đó không phải chỉ là tài sản cố định mà còn tài sản tài chính, không phải nhà nước chỉ có mục đích kiểm tra hoạt động sản xuất xí nghiệp quốc doanh cho hữu hiệu mà cả việc xử lý hữu hiệu tài sản tài chính của mình. Hiện nay tiền thu nhập tài sản quốc gia được chuyển về Bộ Tài chính và hầu hết được đem chi tiêu cho cả ngân sách thường xuyên của nhà nước. Nếu tổ chức thành Quỹ quản thác thì ngân sách quốc gia chỉ có thể được trang trải bằng thuế, và vay mượn bằng phát hành công trái Bộ Tài chính. Quyết định đầu tư vào các công trình công cộng (đường xá, cầu cống) sẽ chủ yếu do vay mượn bằng phát hành trái phiếu, hoặc có thể do cơ quan chủ quản Quỹ quản thác quyết định đưa vốn của quỹ vào.
Quyết định đầu tư vào các xí nghiệp quốc doanh và tư nhân như đã nói ở trên sẽ do Q uỹ quản thác quyết định vì quỹ này là chỗ quyết định có nên mua hay không nên mua cổ phiếu, kể cả cổ phiếu vốn tự có đầu tiên và vốn tự có tăng thêm. Vì tầm quan trọng như phân tích ở trên, tôi thấy có nhiều vấn đề sau cần nghiên cứu cẩn trọng và sâu sắc:
(i) Ai sẽ làm chủ công ty tài chính quốc gia được gọi là Quỹ quan thác tài sản quốc gia này, một công ty làm chủ tất các công ty quốc doanh khác, kể cả một phần cổ phiếu ở các công ty tư nhân? Chắc chắn đó không thể thuộc Bộ Tài chính mà nó phải thuộc quyền làm chủ của một hội đồng quản trị do chính phủ hoặc quốc hội bổ nhiệm. (Ở đây cũng cần để ý sự khác biệt giữa thực thể làm chủ và thực thể quản lý do thực thể làm chủ bổ nhiệm mà cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa giải quyết được)
(ii) Công ty này được hoạt động ở phạm vi gì? và có quyền hoạt động, kể cả những hoạt động có rủi ro lớn ở mức độ nào? Điều này cần đặt ra hết sức nghiêm túc vì sức mạnh kinh tế của nó sẽ hết sức ghê gớm, nó có thể khuynh đảo giá trị các công ty khác bằng cách mua vào một lúc nhiều cổ phiếu và bán ra nhiều cổ phiếu của một công ty. Nếu nó được phép buôn bán ngoại tệ thì nó cũng có thể khuynh đảo thị trường ngoại tệ. Là một công ty tài chính, nếu không có điều khoản định sẵn kiềm chế các hoạt động rủi ro, nó có thể lãi nhiều nhưng cũng có thể phá sản toàn diện. Trong trường hợp phá sản, chắc chắn nền kinh tế cũng sẽ khủng hoảng toàn diện theo. Như vậy phải chăng cần quản lý hoạt động của nó theo mẫu hình an toàn của quỹ hưu trí ở các nước phương Tây. Nhưng ngay cả quỹ hưu trí cũng có nước bị phá sản vì kiểm tra không chặt chẽ.
(iii) Vì những vấn đề đặt ra ở trên, liệu ta chỉ có một công ty tài chính độc quyền quản lý tài sản nhà nước hay ta cần nhiều quỹ khác nhau tuỳ loại hình hoạt động và phương pháp hoạt động khác nhau, trong đó có những quỹ phải hoạt động cực kỳ bảo thủ, có quỹ hoạt động với mức rủi ro cao hơn. Trong trường hợp có nhiều quỹ thì cần xác định phạm vi thu và quản lý của từng quỹ. Ở nhiều nước đã có công ty công quản phi cảng hoặc hải cảng độc lập để thu tiền thuê phi cảng và hải cảng đồng thời có nhiệm vụ phát triển hoạt động của phi cảng, hải cảng. Thu tiền thuế đất, khai thác hầm mỏ cũng có thể được xử lý tương tự. Các công ty hoàn toàn quốc doanh, hoặc nhà nước muốn giữ quyền kiểm soát bằng cách có nhiều cổ phiếu cũng có thể thuộc một quỹ công quản công ty quốc doanh. Các công trình công cộng nhà nước như giáo dục, điện nước có thể giao cho các bộ chủ quản. Quỹ quản thác như vậy chỉ quản lý tài sản tài chính quốc gia còn lại.
(iv) Các công ty tài chính quốc gia quan trọng này chắc chắn phải được kiểm toán kỹ lưỡng và thường xuyên. Ai sẽ làm nhiệm vụ này? Khi đặt vấn đề này, tôi thấy cũng phải đặt lại vấn đề kiểm toán (auditing) ở Việt Nam hiện nay, theo tôi hiểu hiện nay là do bộ Tài chính, nhưng ai sẽ kiểm toán bộ Tài chính, văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội. Chúng ta cần có một Uỷ ban kiểm toán trung ương như ở Mỹ do quốc hội bổ nhiệm, có nhiệm vụ kiểm toán tất cả các hoạt động nhà nước trung ương.
5. Tăng cường quyền lực kiểm soát kinh tế của chính quyền trung ương
Vấn đề này được đặt ra trên những nguyên tắc mà tôi tóm tắt ở đoạn mở đầu. Có những vấn đề gì cần tăng cường?
Hệ thống ngân hàng trung ương : Ngân hàng trung ương không cần đặt chi nhánh như hiện nay ở tất cả bốn mươi mấy tỉnh, vừa tốn kém, vừa bị tác động của chính quyền địa phương và do sự tập trung điều phối quá lớn vào trung tâm ở Hà Nội, làm giảm hiệu quả của trung ương. Tôi thấy cần phải nghĩ tới việc bỏ chi nhánh tỉnh và thiết lập một số chi nhánh khu vực. Như vậy bản thân chỉ nhánh ngân hàng khu vực tập trung được chuyên gia giỏi, tài sản và phương tiện thông tin hiện đại để điều phối phát triển hệ thống ngân hàng tín dụng cho cả khu vực thay vì chỉ cho một tỉnh. Việc tập trung này cũng sẽ làm giảm khó khăn do mạng lưới thông tin chưa toàn diện của cả nước. Số lượng chi nhánh Ngân hàng trung ương cũng không nên nhỏ quá (như 2 hoặc 3) vì lại gặp khó khăn phối hợp trong khu vực.
Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao : Cũng trên cơ sở tăng cường quyền lực của trung ương, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của chính quyền địa phương cần có Toà án tối cao khu vực và Viện kiểm sát nhân dân tối cao khu vực để tăng cường các hoạt động của mình. Toà án tối cao khu vực có thể sẽ chỉ cứu xét về việc diễn giải luật pháp của toà dưới. Toà án tối cao trung ương chỉ xét lại các án xử trên cơ sở bảo vệ Hiến pháp. Còn Viện kiểm sát tối cao khu vực tiến hành theo dõi các vụ việc ở các tỉnh thuộc mình, ngăn chặn các vụ việc chỉ có tính cách o ép và truy tố các vụ việc tỉnh muốn ngăn cản hoặc bị mua chuộc. Khác với chi nhánh khu vực của Ngân hàng trung ương là cần được đặt ở trung tâm làm ăn buôn bán của khu vực, chi nhánh khu vực của Toà án tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tốt hơn lại được đặt ở những nơi xa trung tâm thương mại và địa phương mạnh về chính trị để giảm thiểu áp lực địa phương. Đây là kinh nghiệm của Mỹ khi đặt thủ phủ chính trị liên bang và tiểu bang thì tránh trung tâm buôn bán làm ăn.
Thiết lập các công ty công quản vùng : Hiện nay ta thấy có sự tranh giành giữa các tỉnh về nhiều hoạt động kinh tế đưa đến những chi phí đầu tư trùng lắp lãng phí. Thí dụ điển hình là hiện nay mỗi tỉnh đều đứng ra xây cảng trên cùng một dòng sông ra biển. Và có thể trong tương lai mỗi tỉnh, mỗi huyện đều muốn xây dựng một vùng kinh tế tự do như đã xảy ra ở Trung Quốc. Để giải quyết việc này, nhà nước trung ương cần đặt ra các công ty công quản vùng nhằm giải quyết quyền lợi chung của vùng. Vùng không cần có tính chất định hình lãnh thổ săn mà tuỳ thuộc vào từng hoạt động. Thí dụ để tránh lãng phí xây dựng cảng và cạnh tranh không cần thiết giữa hai bang New York và New Jersey, chính phủ liên bang đã cho phép lập công ty công quản hải cảng, phi công, đường xá, cầu cống nối liền hai bang, có tên là Port Authority of New York and New Jersey, có quyền thu phí sử dụng, bảo toàn, và đầu tư phát triển các phương tiện công cộng trên. Đây là công ty vô vị lợi, không được phép làm lợi cho cá nhân vì vậy không được bán cổ phiếu (shares, stocks). Vốn đầu tư được phép tạo bằng cách bán trái phiếu. Trái phiếu được hưởng quyền lợi đặc biệt là lãi không bị thuế thành phố hoặc thuế bang.
Vũ Quang Việt
* Chuyên viên kinh tế và thống kê Liên Hiệp Quốc
Các thao tác trên Tài liệu