Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 31 / Việt Nam cuối thế kỷ. Hãy cảnh giác!

Việt Nam cuối thế kỷ. Hãy cảnh giác!

- Nguyễn Văn Trung — published 12/04/2011 00:40, cập nhật lần cuối 11/05/2011 22:46

Việt Nam đang đi vào khúc ngoặt lịch sử
những năm cuối thế kỷ.
Hãy cảnh giác!

Nguyễn Văn Trung

 

Hiện nay tất cả các cường quốc quen thuộc với Việt Nam đều quay trở lại: Trung Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ. Riêng Trung Quốc kéo theo những nước thuộc cộng đồng Hán học (Triều Tiên, Đài Loan. Hồng Kông, Singapore). Có thể về kinh tế, Nhật Bản sẽ giữ vai trò nổi bật và Việt Nam do đó ở trong khối đồng yen... Nhưng xét theo 4 tiêu chuẩn của 4 siêu cường hiện đại1 thì chỉ Hoa Kỳ có đủ và bây giờ tuy Hoa Kỳ chưa trở lại về các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, về phương diện văn hoá Hoa Kỳ vẫn đang giữ thế nổi bật vì Trung Quốc và các nước trong cộng đồng Hán học, kể cả Nhật Bản hiện nay chỉ đưa vào Việt Nam hàng hoá tiêu dùng. Và xét về phương diện văn hoá, hàng Nhật, Đài Loan, Triều Tiên không xuất phát từ văn hoá Nhật, Triều Tiên, mà từ văn hoá phương Tây, nghĩa là khoa học kỹ thuật của nền văn hoá đó. Trừ phim Hồng Kông, Đài Loan thích hợp với giới bình dân còn có bài hát Nhật nào, điệu múa Đài Loan nào được yêu thích, phổ biến ở Việt Nam và tất cả những nơi tiêu thụ hàng Nhật, Triều Tiên, đặc biệt trong giới trẻ? Nói cách khác, chưa phải Nhật, Triều Tiên vào Việt Nam với văn hoá của họ, mà chỉ vào với tư cách những cường quốc kỹ nghệ đã phát triển Tây phương ở Á châu. Đồng ý Nhật, Triều Tiên, Trung Quốc giữ được phần nào văn hoá của họ kết hợp với khoa học kỹ thuật Tây phương, nhưng chỉ có giá trị cho quốc gia của họ chứ chưa có tính cách phổ biến...

Vậy cho đến nay chỉ có văn hoá Tây phương, văn hoá Mỹ đưa ra lối sống có ý nghĩa phổ biến trên toàn cầu. American Way of Life (lối sống Mỹ) vẫn là ước mơ của giới trẻ thế giới qua những bản nhạc, điệu nhảy, mặc dầu lời ca không hiểu được và chưa có một Japanese Way of Life (lối sống Nhật), văn hoá truyền thống Nhật, Trung Quốc đem ra nước ngoài chỉ được đón nhận như một thứ folklore. Người Nhật rất ý thức được hạn chế kể trên và họ đang nghiên cứu tìm ra một World Way of life made in Japan (lối sống toàn cầu sản xuất tại Nhật Bản) như giáo sư Michio Okamoto đã nói về việc đang thành lập một Viện nghiên cứu tương lai 2.

Trong dư luận hiện nay, thấy nói nhiều đến những dự án phát triển Việt Nam năm 2000, các khu chế xuất, mô hình Đài Loan, Nam Triều Tiên, Singapore, Thái Lan, mơ ước trở thành con cọp con rồng về kinh tế, đồng thời cũng thấy báo động về hiểm hoạ ô nhiễm, phá hoại môi sinh (phá rừng, sân golf), chất độc hoá học trong đồ ăn thức uống... Không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở các nơi khác đều có hiểm hoạ trên, chỉ khác nhau về mức độ. Nhưng còn những hiểm hoạ trầm trọng không kém: vận dụng điều khiển theo ý muốn gien sinh vật để tạo giống, lai giống nơi thực vật, thú vật và cả nơi con người (sinh nở, trai gái, tạo mẫu người theo sở thích, khả năng sống lâu 300 tuổi) hoặc vận dụng điều khiển ý thức con người tạo ra dư luận, nghĩa là những phản ứng điều kiện về tâm lý để duy trì lâu dài một thể chế chính trị (tuy có thay đổi các chính quyền) hay một thống trị chính trị mà vẫn có vẻ rất dân chủ, tôn trọng nhân quyền dân quyền...

Những hiểm hoạ trên xuất phát từ khoa học kỹ thuật trong tình hình hiện nay không còn phải khoa học thuần tuý và kỹ thuật chỉ là một công cụ trung lập, tốt xấu tuỳ con người sử dụng, mà khoa học kỹ thuật (techno-sciences) trở thành mật thiết liên hệ: một mặt tăng thêm khó khăn cản trở cho việc gặp gỡ đối thoại giữa nhà khoa học và nhà tư tưởng đồng thời cũng làm cho cả hai càng ý thức hơn mức độ khẩn cấp của gặp gỡ đối thoại3 vì khoa học kỹ thuật đang trở thành một quyền lực tự trị có khả năng can thiệp, huỷ diệt mang tính chất không thể vãn hồi vượt khỏi tầm kiểm soát của những người tạo ra nó, và nhất là vượt ra khỏi những qui định chi phối của Đạo Lý.

Những hiểm hoạ của khoa học kỹ thuật hiện nay bắt nguồn từ chính những thành công tuyệt vời của nó về mọi mặt, nghĩa là từ những khái niệm căn bản: tính hợp lý khoa học (rationalité), quan niệm về tiến bộ, phát triển. Mối hoài nghi, lo lắng về tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa tới nhu cầu tra hỏi mục đích cuối cùng của nó (để làm gì, phải chăng để tự huỷ diệt), và do đó về tinh thần trách nhiệm, không phải chỉ với cái đang có, thế giới hiện tại mà cả với cái chưa có; đối với các thế hệ trong tương lai. Chính vì cả người suy tưởng và người làm khoa học kỹ thuật, kinh tế đều lo lắng nên mới thấy ở châu Âu có những tổng giám đốc các hãng lớn mua hẳn một tu viện, lâu đài cổ, buộc giám đốc, nhân viên đến nghe nhạc cổ điển, nghe giảng về triết học, thần học, đạo lý nghề nghiệp... hoặc những tổ chức, trung tâm quy tụ những người sống những giá trị tinh thần, đạo lý, đặc biệt ở giới trí thức trẻ... Và đó là điều hy vọng cho văn hoá phương Tây vì một nền văn hoá chỉ có thể tránh khỏi tự huỷ diệt bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ nếu có khả năng phản biện, phản tỉnh. Chính khả năng này giúp nó sửa chữa, thay đổi như chủ nghĩa Marx về văn hoá đã làm cho chủ nghĩa tư bản phương Tây thay đổi để tồn tại tới ngày nay.

Cần lưu ý những hiểm hoạ của khoa học kỹ thuật ngày nay, không phải chỉ đe doạ tiêu diệt dân tộc mà ngay chính con người. Những hiểm hoạ tiêu diệt kể trên không phải viễn tưởng xa vời, mà rất gần kề và trực tiếp liên hệ tới số phận đất nước, dân tộc. Cho nên nhận thức được những hiểm hoạ đó, cùng tìm hiểu với các nhà tư tưởng phương Tây về văn hoá Tây phương bị khoa học kỹ thuật chi phối có hậu quả cụ thể giúp lựa chọn những đường lối kế hoạch phát triển kinh tế, chỉnh trang thành phố, tổ chức du lịch thích hợp, tránh bắt chước vô ý thức những cái người đã hay đang loại bỏ, vượt qua, chẳng hạn kỹ nghệ chế biến thực phẩm. Người phương Tây hiện nay đã ngán và rất sợ thức ăn giới động vật, họ đang chuyển sang kỹ nghệ chế biến thức ăn giới thực vật. Một tạp chí nghiêm chỉnh đã nói đến những chất prôtêin thực vật đảo lộn thức ăn và đặt tên bài báo Đậu nành trong bít-tếch 4 hoặc triệt để hơn nữa, trở về với thức ăn ít hay không chế biến, ăn theo tự nhiên như một đại lý ở Mỹ đã nghiên cứu, đưa ra 4 tiêu chuẩn cho lối ăn đó, những tiêu chuẩn mà tôi cũng nhận thấy khi tìm hiểu lối ăn truyền thống của người Việt Nam. Do đó, nếu Việt Nam biết nghiên cứu những chiều hướng phát triển của thế giới trong tương lai gần đây có thể thực hiện được lý tưởng đi sau về trước. Trái lại nếu chúng ta bắt chước một cách vô thức thì mãi mãi đi sau về sau và có thể đi về cõi sau luôn!

Muốn thế, ưu tiên trên các ưu tiên là trí thức đầu đàn trong ngoài các ngành kinh tế, kinh doanh, thương mại, xã hội học, dân tộc học, triết học, thần học, tôn giáo học phải cùng nhau ngồi lại, suy nghĩ, trao đổi, tìm ra không phải chỉ một khuôn mẫu phát triển, mà cả một khuôn mẫu văn hoá thích hợp. Tại sao cần có mặt các nhà thần học, tôn giáo học? Vì tìm hiểu tận gốc những vinh quang lầm than của khoa học kỹ thuật không thể không bắt gặp tôn giáo. Khoa học kỹ thuật xuất phát từ Thiên Chúa giáo với những khái niệm về Tạo hoá, tạo vật, và những quan niệm coi chỉ có Thiên Chúa là thần thánh, còn mọi sự đều là tạo vật và trong các tạo vật, con người là chủ, có quyền sử dụng mọi tạo vật khác để phục vụ mình... Không thể có khoa học kỹ thuật nếu không có những khái niệm nền tảng: phi huyền thoại hoá, thế tục hoá (démythisation, sécularisation) thiên nhiên. Vinh quang của văn hoá Tây phương là ở chỗ tách con người ra khỏi thiên nhiên, chống lại nó, chế ngự nó, do đó sống, ăn, mặc, ở đều giả tạo; và bây giờ giả tạo đến mức độ đưa đến hiểm hoạ tự tiêu diệt... và ở đây, Phật giáo, Lão giáo có tiếng nói cần thiết. Claude Lévi-Strauss, nhà dân tộc học lão thành, nổi tiếng nhất của Pháp, đã cảnh cáo văn hoá Tây phương chỉ biết tôn trọng sự sống con người. Nhiều đàn bò bị giam hãm trong những chuồng vừa đủ để đứng, được nuôi dưỡng cho to béo, mau lớn mà không thương cảm số phận của chúng so với đàn bò được thả tự do ăn cỏ trên cánh đồng, thì sự thiếu nhạy cảm này dễ đưa đến sự mất ý thức thương cảm đối với sự sống của chính con người. Do đó không thể chỉ tôn trọng sự sống của con người mà không tôn trọng sự sống của các sinh vật khác5. Thật rất đáng suy nghĩ khi nhà bác học vô thần này tuyên bố nếu phải chọn một tôn giáo thì ông sẽ chọn Phật giáo6. Hoặc những suy nghĩ của một nhà khoa học vật lý về hậu quả có thể có của đời sống máy móc dựa vào tư tưởng Lão Trang khi ông thuật lại cuộc đối thoại giữa Tử Cống đi nước Tề về nước Tần, qua sông Hán và một ông già đang làm vườn. Tử Cống nói có một cách tưới nước lẹ hơn, ít mệt hơn nếu dùng một đòn bẩy nặng ở cuối, nhẹ ở đầu. Ông già tức giận nói: “Kẻ nào dùng máy móc sẽ làm mọi sự một cách máy móc, và kẻ mang một tâm hồn máy móc sẽ mất vô tư, kẻ nào mất sự vô tư sẽ trở thành vô định trong mọi cử động của tâm trí. Sự vô định của tâm trí không phù hợp với chân thực. Không phải tôi không biết những điều đó, nhưng tôi hổ thẹn dùng những điều đó”7.

Điều tôi lo ngại không phải là những hiểm hoạ có thể xảy ra, mà là sự thiếu vắng những suy tư, phản biện, phản tỉnh trong dư luận hiện nay chỉ chú ý đến những kế hoạch xây cất kinh tế, kinh doanh, đồng thời sự thiếu vắng những nhà tư tưởng, những phong trào phản biện, phản tỉnh Tây phương có mặt một cách tích cực ở Việt Nam... Hiện nay thỉnh thoảng thấy bóng dáng những thanh niên Tây phương mặc quần cụt, đeo sắc đi bộ ngoài đường phố, họ không đi du lịch theo kiểu ở khách sạn, sex tours hay nếu cứ coi họ đi du lịch thì đó là thứ du lịch mà dư luận cũng như người phụ trách du lịch ở Việt Nam chưa chú ý tới.

Cần thiết phải đặt những lo lắng về phát triển kinh tế, kinh doanh trong một lo lắng bao quát hơn để giải đáp câu hỏi căn bản: Ta là ai, muốn gì; Người ta là ai, muốn gì trong tình hình thế giới hiện nay và hoàn cảnh Việt Nam hiện nay? Để thực hiện được mục tiêu phát triển mà vẫn bảo vệ được con người và con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam... tránh những sự sa đoạ, tự tiêu diệt vì chỉ tiếp xúc với những mặt xấu, tiêu cực, nếp sống phương Tây như một linh mục thừa sai người Pháp đã than phiền ngay lúc người Pháp mới sang Việt Nam: “ Đây là một sự kiện thường được xác nhận: người An Nam công giáo cũng như ngoài công giáo đều đánh mất những đức tính tốt nhất của họ vì tiếp xúc với người Âu châu”8. Nếu để xảy ra tình trạng mất gốc, mất nhân tính thì phải chăng nên làm theo lời khuyên của C. Lévi-Strauss: “ Thà xua đuổi người khác ra khỏi biên giới của chúng ta còn hơn thấy họ tràn ngập chúng ta và làm cho chúng ta mất bản sắc của chúng ta”9.


Nguyễn Văn Trung

8.1993

 

1 Như Brezinski, cố vấn an ninh của tổng thống J. Carter đã đề ra: ảnh hưởng chính trị có tầm mức toàn cầu; khả năng can thiệp bằng quân sự trên toàn thế giới; cường quốc kinh tế; ảnh hưởng văn hoá toàn cầu với một nền văn hoá đại chúng (Le Point, 9.2.92). Nhật chỉ là cường quốc về kinh tế, Châu Âu chỉ về kinh tế, văn hoá.

2 Xem L’avenir du Japon của J. Mandelbauln trong tạp chí Transversales science et culture, số 20, mars-avril 1993, tr. 17.

3 Maîtriser la technique ? (programme d’études, de réflexion et d’échanges multi-disciplinaires, tạp chí Transversales, sciences et culture, số 20, trang 5).

4 Akelasari avec Marie-France Lantreri, Du soja dans 1e bifteck,   Science et Technologie no10, novembre 1988, pp.41-45.

5 C. Lévi-Strauss, Le regard éloigné, Plon 1983, p.374.

6 C. Lévi-Strauss đã “tâm sự” những vấn đề văn hoá, tôn giáo trong chương cuối của cuốn Tristes tropiques và ngỏ ý theo Phật giáo trong bài trả lời của tạp chí Réalités.

7 W. Heisenberg dẫn trong La nature dans la physique moderne.

8 E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome 2, Paris, Ernest Leroux éditeur, 1885, p.468.

9 C. Lévi-Strauss trong Le regard éloigné, trích dẫn theo T. Todorov, Lévi-Strauss entre universalisme et relativisme, tạp chí Le Débat, no42, novembre-décembre 1986, p.181. Hãy nghĩ đến tình cảnh châu Phi hiện nay mà một dư luận Tây phương coi là tuyệt vọng vì những thảm hoạ: nội chiến giữa các sắc tộc, đói khổ và bệnh SIDA; hay Thái Lan...

Bài này của giáo sư Nguyễn Văn Trung viết nhân một cuộc toạ đàm tháng 9.93 của Đài tiếng nói Việt Nam. Tuần báo Văn Nghệ số 44 (ngày 30.10.93) đã đăng nhưng cắt nhiều đoạn một cách tuỳ tiện. Với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đăng toàn văn phần cuối (mang tiểu tựa Ưu tiên trên các ưu tiên) của bài viết.

Trong điều kiện trong nước thiếu tư liệu, một số thông tin trong bài chưa cập nhật, vài trích dẫn vì tách khỏi ngữ cảnh nên có vẻ “bảo thủ”, ít ra trong không khí học thuật quốc tế hiện nay. Song bài viết này là một nỗ lực tư duy góp phần làm giàu cuộc thảo luận chung. Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc và cảm ơn anh Trung


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us