Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 31 / Quả trứng luộc

Quả trứng luộc

- Phan Tam Khê — published 12/04/2011 00:45, cập nhật lần cuối 11/05/2011 22:47

Quả trứng luộc

Phan Tam Khê



Cõi đời cúi mặt quên xa biếc
Đi hết thời gian – không nhớ thương
(Hồn xa
– thơ Huy Cận)


Hồi nhỏ, nội nhiều cháu, giấu quả trứng luộc, gói muối tiêu vào buồng cho ăn – nội cưng vì tôi là con gái độc nhất của con trai út nội – nội tôi suốt một đời tằn tiện cho con ăn học, cho chồng tiếp khách và đi săn. Thức thật khuya và dậy trước mọi người, yêu đinh tráng trong nhà như con cái mình, vì vậy ngày nội mất nhiều người xin được để tang.

Ngày nội mất, tôi lên năm. Kỷ niệm ngày thơ ấu sao mà nó đeo đẳng dai dẳng đến thế – chẳng như nay phút trước phút sau đã chực quên ngay. Cả nhà lăn lóc khóc than vì nội mất đột ngột sau hai ngày bạo bệnh, không cho mọi người kịp săn sóc để thoả lòng mến thương. Tôi cũng khóc, một phần thì thương nội và một phần thì nghĩ đến mất mát những miếng ăn ngon được ăn trên chiếc phản mát rượi trong căn buồng chật hẹp tối om.

Trên đầu nội, người ta đặt ba quả trứng luộc và ba nắm cơm (sao lại ba nhỉ). Tôi khóc ít mà suy nghĩ về ba quả trứng thì nhiều – trẻ con bao giờ cũng háu ăn – giật áo mẹ tôi hỏi: “ Nội đâu còn ăn được và ai sẽ ăn ba quả trứng kia?” “Suỵt” mẹ tôi trả lời. Sau một giấc ngủ chập chờn chắp nối, sáng ra người ta đã đặt nội vào một chiếc hòm đỏ choét – chưa khi nào nội ăn mặc đẹp và thơm tho như thế – và ba quả trứng chẳng biết đã biến đi đường nào. Tôi cũng chẳng buồn lặp lại câu hỏi đêm qua, vì chắc chắn thế nào tôi cũng được nghe tiếng “Suỵt” của mẹ một lần nữa.

Chiến tranh bùng nổ. Làng tôi nằm trên tuyến đầu của trận địa. Chúng tôi theo dân thành phố chạy về cư trú tại làng nội – một làng nhỏ nằm ngay dưới chân đèo Đại La. Tuy nội mất song nội ông vẫn sống phong lưu với đàn chó săn, mặc cho các cô tôi xoay xở. Hai cô tôi nhất định không lấy chồng sau ngày nội mất, để trông coi cơ ngơi và phụng dưỡng cha.

Anh em chú bác, cả nhà tề tựu về đây, chỉ thiếu có cha tôi, người phải bám vào uỷ ban kháng chiến hành chính, và chỉ gởi chú Nam về gánh tôi đi, vì mẹ tôi không quen gồng gánh và chưa hề đi chân đất.

Rồi bộ đội tràn về, những chú bộ đội mặt còn non choẹt, mình mặc áo trấn thủ, nào giáo nào mác họ đẵn tất cả mít xoài trong các khu vườn để chận đường Tây tiến. Các cô tôi vừa đổ lúa ra xay, vừa chôn cất chén bát vạc chảo vừa tiếc sững tiếc sờ các cây cối lâu năm trong vườn: “Biết chừng mô mới trồng lại được như xưa?” . Được bao nhiêu gạo, nấu bấy nhiêu. Nấu cho mấy chú bộ đội ăn để có sức đánh Tây. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến sao mà tình quân dân tha thiết đến thế...

Đại bác đánh sập khu nhà chính, chúng tôi lại chạy, các chú bộ đội cũng chạy, nhưng chạy sau, và rồi nội ông cùng đàn chó cũng chạy. Dọc đường “các nậu tản cư” như chúng tôi cũng đói meo huống nữa là chó. Nội ông vừa khóc vừa phân phát chó cho các gia đình địa phương. Nội ông như người mất trí, cho đến Quế Sơn thì giở chứng đòi về, không chạy nữa. “Tau già rồi, có chết cũng là vừa, đa thọ đa nhục”. Cô tôi phải đưa nội về và cô Sáu đã mất vào một đêm tháng giêng vì lạc đạn – Nghe tin, tôi lại tự hỏi, không biết có ai luộc cho cô ba quả trứng không? Nội bị Tây bắt cùng với sáu người khác vì có con đi kháng chiến. Chúng trói tất cả lại để chờ giờ xử tử. Giờ chót, một thông dịch viên đến mở trói và đá đít nội: “Thằng này già rồi tha cho hắn”. Nghe đâu người này ngày xưa đã được cha tôi chữa khỏi bệnh thương hàn. Nội ông thoát chết nhưng vì hãi quá, và buồn bã vì nhà tan cửa nát và con cháu ly tan nên cũng theo chân ông bà vào một chiều nắng hạ. Được tin, cha mẹ tôi đặt bàn thờ – không trứng luộc – để cúng vọng.

Khi chúng tôi chạy đến Yến Lược thì tin đưa về: mặt trận đèo Đại La đã vỡ và anh Mân con bác tôi đã tử trận. Người ta chẳng tìm được xác, mà chỉ tìm thấy một quyển nhật ký và một mớ giấy tờ vùi trong cát. Lễ truy điệu thầm lặng vội vã và lẽ dĩ nhiên là không có những quả trứng.

Khi cha tôi mất, tôi về muộn không kịp nhìn mặt cha lần cuối. Điều đầu tiên tôi hỏi mẹ: “ Mẹ có đơm trứng luộc trên đầu cha không?” . Mẹ nhìn tôi lạ lùng. Thấy mình hớ hênh, tôi chữa: “Ấ y là con muốn xem thử bên mình còn giữ tục xưa không?”

Rồi một ngày đầu xuân, tại Père Lachaise, tôi lại có dịp thấy ba quả trứng nghiễm nhiên tự tại trên quan tài bác Thảo. Chúng lạc lõng, ngơ ngác, bơ vơ như tâm hồn của nhà triết học vừa thoát khỏi chốn trần ai cát bụi đầy hài kịch mang nhiều tính cách đểu cáng lừa lọc...

Đêm ấy tôi nằm mơ thấy toàn là trứng luộc, hằng hà sa số trứng luộc đã được bóc vỏ trắng ngần – trắng như trứng gà luộc mà – những quả trứng trắng trong chờn vờn, loạng choạng trong không gian, rồi bỗng biến thành một tấm thảm để theo đó tôi nương về một vùng biển an lành không gợn sóng của một thời mà bãi cát còn mang chất trắng nguyên sơ, một thời mà trời đất chưa bị chiến tranh, hận thù, nhỏ nhen làm hoen ố.


Viết vào ngày giỗ đầu bác Trần Đức Thảo

Phan Tam Khê

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us