Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 31 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 12/04/2011 01:00, cập nhật lần cuối 11/05/2011 22:54

Tin tức


Ngoại giao với Đông Nam Á

Hoạt động đối ngoại của Hà Nội với các nước Đông Nam châu Á vẫn tiếp tục diễn ra khá dồn dập. Tiếp theo những cuộc đón tiếp nhiều vị nguyên thủ các nước láng giềng và chuyến đi Malaixia của tổng bí thư Đỗ Mười trong tháng 3 vừa qua (xem Diễn Đàn số 29), tới lượt chủ tịch và thủ tướng Việt Nam cầm chiếc gậy hành hương những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5.1994.

Chủ tịch Lê Đức Anh đã đáp lời mời của tổng thống Suharto, tới thăm Inđônêxia, nước đông dân nhất trong ASEAN, từ ngày 26 đến 30.4 trước khi bay sang biên giới Á-Âu thăm một nước hồi giáo châu Á khác: Iran. Cùng đi với ông Lê Đức Anh có các bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, thương mãi Lê Văn Triết, nông nghiệp Nguyễn Công Tạn. Hai vấn đề chính trong các cuộc hội đàm Việt Nam- Inđônêxia là sự phân định biên giới lãnh hải từ bờ biển phía nam Việt Nam tới phía bắc quần đảo Natuna (nằm giữa Malaixia và đảo Borneo), và việc đưa về nước khoảng 8.000 thuyền nhân Việt Nam trên đảo Galang, quần đảo Riau, thuộc Inđônêxia (xem tin về vấn đề thuyền nhân nói chung, dưới đây). Theo tuyên bố của ngoại trưởng Inđônêxia Murdiono, hai bên đã thoả thuận sẽ mau chóng giải quyết vấn đề lãnh hải trên cơ sở Công ước quốc tế về Biển. Ngoài ra, hai bên đã thoả thuận đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mãi và du lịch. Tổng thống Suharto cũng cho biết đồng tình với ý muốn nhanh chóng gia nhập ASEAN của Việt Nam.

Về phần mình, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm Miến Điện những ngày 11-14.5 và Singapore 3 ngày từ 16.5 trước khi sang Malaixia, đáp lời của thủ tướng Mohamad Mahathir mời tham dự một hội nghị của Hội đồng kinh tế Thái Bình Dương. Cuối tháng 5, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm cũng sẽ đi thăm Sri-lanka và Bangladesh.

Từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao, cách đây 19 năm, đây là lần đầu tiên một thủ tướng Việt Nam tới thăm chính thức Miến Điện. Cùng đi với ông Kiệt, có các bộ trưởng ngoại giao, lâm nghiệp, thông tin - văn hoá. Ông Kiệt cũng là vị thủ tướng thứ ba trên thế giới (sau các thủ tướng Lào và Singapore) tới thăm Miến Điện kể từ khi một tập đoàn tướng lãnh đảo chánh nắm quyền bính nước này năm 1988. Một Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác thương mãi và du lịch giữa hai nước đã được thành lập sau chuyến đi.

Từ Rangoon về Hà Nội ngày 14.5, hai ngày sau, thủ tướng Việt Nam lại dẫn một phái đoàn 10 quan chức cao cấp, trong đó có chủ tịch Uỷ ban kế hoạch nhà nước Đỗ Quốc Sam, sang Singapore tham dự một hội nghị về khu vực với chủ đề ASEAN - Việt Nam và Trung Quốc. Hội nghị do tổ chức Asia Society, trụ sở tại Nữu Uớc, chủ trì, với sự tham dự của khoảng 800 nhân vật chính trị và nhà kinh doanh. Ngoài ông Kiệt, thủ tướng Tân Tây Lan Jim Bolger, phó thủ tướng Thái Amnuay Viravan, phó thủ tướng Trung Hoa Lý Lam Khánh, thủ tướng Singapore Goh Chok Tong có tên trong những người tham dự hội nghị.

Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị ngày thứ tư 18.5, thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh “ Hoà bình trong khu vực đã tạo những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế” và nhắc lại ý muốn của Hà Nội mau chóng trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Ông cho biết Việt Nam “đang chuẩn bị gia nhập GATT và các định chế quốc tế trong khu vực Thái Bình Dương”.

(tổng hợp tin thông tấn từ 25.4 đến 18.5.1994)

Hồi hương thuyền nhân, một vấn đề phức tạp

Ngày 26.4, trùng với ngày tới Djakarta mở đầu chuyến đi thăm Inđônêxia của chủ tịch Lê Đức Anh, hàng trăm người tị nạn Việt Nam trên đảo Galang (quần đảo Riau, Inđônêxia) đã biểu tình, tuyệt thực để phản đối kế hoạch đưa họ trở về nước của Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc (HCR) và chính phủ sở tại. Hai ngày sau, một người tị nạn tham gia cuộc phản dối đã châm lửa tự thiêu và từ trần trong một bệnh viện ở tỉnh Tanjungpinang trên quần đảo.

Ngày 1.5, một phong trào biểu tình, tuyệt thực chống hồi hương lại nổ ra trong các trại tị nạn ở Hồng Kông. Theo AFP, ngày 2.5, số người tham dự lên tới 2.500 người. Đầu tháng 2, những cuộc biểu tình tương tự đã xẩy ra tại đây, khi HCR công bố kế hoạch hoàn tất chương trình đưa người tị nạn Việt Nam về nước trước cuối năm 1995. (xem Diễn Đàn số 28)

Khoảng 60.000 người tị nạn đã trở về nước từ năm 1991 trong chương trình này, và còn 57.000 người khác trên các trại tị nạn ở Hồng Kông (28.000) và một vài nước châu Á như Inđônêxia (8.000), Malaixia (5.000), v.v... Tuyệt đại đa số những người này không được coi là tị nạn chính trị và không được một nước nào trên thế giới nhận cho nhập cư. Sau cuộc tuyệt thực ở Galang, ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas tuyên bố chính phủ nước ông sẽ tiếp tục chương trình đưa người tị nạn về nước, trước tháng 8.1995, và giải toả các trại trên đảo Galang để biến nơi này thành một khu công nghiệp xuất khẩu. Về phần HCR, bà Cao Uỷ Sadako Ogata đã tới Việt Nam ngày 25.4, đi thăm một nhóm 129 người mới hồi hương từ Hồng Kông, và hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc gia tăng những phương tiện để có thể tiếp đón nhanh hơn và giúp đỡ những người hồi hương tái hội nhập cuộc sống bình thường. Bà tuyên bố “ Việt Nam đã sẵn sàng, kinh tế hoạt động lại và tạo ra những vận hội mới. (Trong điều kiện đó) người tị nạn nên trở về quê hương mình hơn là sống vất vưởng, không tương lai ở một nơi khác”. Song bà Ogata cũng thừa nhận có những trường hợp phức tạp “đòi hỏi phải thảo luận nhiều hơn (để tìm ra một phương cách giải quyết)”.

(AFP, Reuter 25, 26, 30.4, 2.5.1994)

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhấn mạnh yêu cầu “đại đoàn kết dân độc, không phân chính kiến, tôn giáo” trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức ngày 6.5.1994 tại Hà Nội. Ông nói thêm, trong cuộc đấu tranh vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng hiện nay, “ mọi sáng kiến cần được lắng nghe , những ý kiến bất đồng cần được thẳng thắn thảo luận, không áp đặt, không ép buộc”.

Nhân dịp lễ kỷ niệm này, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tái xuất hiện trước công chúng, trên đoàn chủ tịch ngày 6.5 cũng như trước đó mấy ngày, khi ông chính thức khai mạc cuộc đua xe đạp “Trở về Điện Biên” ngày 1.5.

182 tay đua, trong đó có 39 tay đua nữ và 14 người nước ngoài (Thái Lan, Lào, Miến Điện) đã tham dự cuộc đua, từ Hà Nội lên Điện Biên, trở về Hà Nội, rồi từ Nha Trang vào thành phố Hồ Chí Minh. 130 người đã về đến đích, số người bỏ cuộc nhiều nhất là trong những chặng đầu, vì địa thế khó khăn và khí hậu quá nóng bức. Tay đua An Giang Ngô Quốc Dũng, áo vàng từ chặng thứ ba, đã đoạt giải nhất toàn cuộc đua khi về đến thành phố Hồ Chí Minh ngày 18.5, lĩnh 10 ngàn đôla tiền thưởng. Giải đua nữ về tay Nguyễn Thị Tường Vân, một cua-rơ Sài Gòn.

(AFP 1, 6 và 18.5.1994)

ViệtMỹ: vấn đề quốc tịch

Theo những tuyên bố ngày 5.5 của người phát ngôn bộ ngoại giao Hà Nội, bà Hồ Thể Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ coi như đã dàn xếp xong cuộc thương lượng về tài sản của hai bên và đang chuẩn bị những thương thảo tiếp theo để tiến tới việc mở các cơ quan đại diện. Hai nhóm chuyên viên kỹ thuật bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tới làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này. Phía Mỹ đòi Việt Nam trả lại 230 triệu đôla tài sản của các công ty Mỹ bị tịch thu năm 1975. Việt Nam đòi lại 290 triệu đôla trong các tài khoản của chính quyền miền Nam trước kia bị “đông lạnh” ở các ngân hàng Mỹ.

Tuy nhiên, còn một khó khăn khiến hai bên chưa ký được một hiệp định về lãnh sự. Hà Nội chưa chấp nhận một điều khoản theo đó chính quyền Mỹ sẽ được thông báo trong vòng 72 tiếng đồng hồ nếu có một công dân Mỹ bị bắt giữ tại Việt Nam. Chướng ngại chính là vì Việt Nam không công nhận hai quốc tịch, do đó những người từng có quốc tịch Việt Nam (tức tuyệt đại đa số Việt kiều hiện nay, kể cả Việt kiều “thế hệ hai, ba...”, chiếu theo luật quốc tịch Việt Nam!), nếu chưa chính thức xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam và đơn xin ấy chưa được chính phủ Việt Nam chấp nhận, thì vẫn được coi là công dân Việt Nam. Dù trên thực tế, một Việt kiều mang quốc tịch Mỹ, Pháp, Úc, v.v... về nước vẫn phải xin chiếu khán như người nước ngoài, và về đến nơi phải khai báo với công an như người nước ngoài (báo Sài Gòn giải phóng vừa nhắc lại điều này ngày 15.5.1994), chính quyền Hà Nội vẫn giữ quyền coi họ là người Việt Nam... nhất là khi bắt giữ họ! Theo các quan chức Mỹ, đòi hỏi điều khoản về bảo hộ lãnh sự đối với công dân Mỹ không có nghĩa là Hoa Kỳ muốn tranh cãi về luật pháp với Việt Nam mà chỉ là một đòi hỏi bình thường để bảo đảm cho công dân Mỹ bị bắt được đối xử bình đẳng như những người bị bắt giữ khác. Trung Hoa đã ký kết với Hoa Kỳ một thoả ước song phương bảo đảm quyền bảo hộ lãnh sự này cho những người mang trên mình hộ chiếu Mỹ.

Trong khi chờ đợi hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế đã nhanh chóng được đẩy mạnh từ khi Hoa Thịnh Đốn bãi bỏ cấm vận. Các công ty Mỹ đã đầu tư 20 triệu đôla trong 2 tháng và 60 công ty đã mở phòng đại diện tại Việt Nam. Hội chợ các mặt hàng Mỹ tại Hà Nội đã thu hút hơn 100.000 người xem trong 4 ngày cuối tháng 4 vừa qua. Phó thủ tướng Việt Nam Trần Đức Lương đã được mời sang Mỹ dự một hội nghị về các vận hội kinh tế cuối tháng 5 này.

Tin giờ chót : Trong chuyến đi của ông Trần Đức Lương, hai bên đã thoả thuận thiết lập các phòng liên lạc, một bước tiến về việc lập lại các quan hệ ngoại giao, tuy lịch trình cụ thể chưa được công bổ.

(AFP và FEER 5.5.1994, AFP 20.5)

Sida và nạn mại dâm

Theo Uỷ ban quốc gia phòng, chống Sida, từ đây đến cuối thế kỷ khoảng 300.000 người Việt Nam có thể mắc bệnh, chủ yếu thông qua những quan hệ tình dục. Bệnh cũng sẽ lan đến các trẻ em sơ sinh.

Hiện nay, theo những số liệu chính thức, các bác sĩ đã chẩn đoán 103 trường hợp bị Sida, trong số đó 30 người đã qua đời. Số người bị nhiễm vi khuẩn Sida theo nhiều ước tính có thể lên tới hàng chục ngàn, song do thiếu phương tiện trắc nghiệm, mới có khoảng 1.400 trường hợp nhiễm khuẩn được xác định, trong đó có 79 người nước ngoài. Gần 90% các trường hợp được biết tới là ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Khánh Hoà và An Giang.

Thống kê chính thức cho biết cả nước có khoảng 200.000 phụ nữ mại dâm, 20.000 ở Hà Nội, 50.000 ở thành phố Hồ Chí Minh, còn lại ở các trung tâm du lịch Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Trong những nạn nhân này, ở nhiều nơi số thanh nữ vị thành niên lên tới 20%, thậm chí có nơi 35%, số em dưới 14 tuổi lên tới 8%. Theo Hội Liên hiệp phụ nữ, ở nhiều trường đại học, nhiều nữ giáo viên và sinh viên phải “bán mình để cải thiện mức sống”. Công an thừa nhận rất khó ngăn chặn hiện tượng mua, bán dâm bành trướng. Dù những Tú Bà bị bắt đã bị xử án nặng, nghề dắt gái vẫn hấp dẫn nhiều phần tử bất hảo, vì “vốn ít, lãi nhiều”. Với số du khách nước ngoài tăng vọt hàng năm, “hội chứng Thái Lan” đang làm đau đầu những nhà hữu trách Việt Nam.

(AFP 2, 7.5.1994)

Giáo dục tiểu học: báo động

Nước Việt Nam hiện có khoảng từ 2,1 đến 2,3 triệu trẻ em thất học và 2 triệu người lớn từ 15 đến 35 tuổi mù chữ, trong đó 40% ở miền núi và 33% ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có 8 tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ là: Hà Nội, Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Vĩnh Phú, Hà Tây.

Theo bộ giáo dục, sau khi học xong tiểu học, chỉ có 60% học sinh học tiếp cấp hai, 40% còn lại rời bỏ nhà trường. Và cũng chỉ tính riêng giáo dục tiểu học, bộ cho biết đang thiếu 55.710 giáo viên.

Theo một tài liệu nghiên cứu, có trên 75% giáo viên tiểu học chỉ biết dạy theo sách giáo khoa, thậm chí có 6% chỉ dạy theo phương pháp đọc - chép hời hợt. Số giáo viên tự tìm kiếm tài liệu dạy học để khêu gợi sự tìm tòi và óc sáng tạo nơi học sinh chỉ chiếm có 5%.

Với 4.908 tỷ đồng, ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục và đào tạo đã tăng 81% so với năm 1993 (2.710 tỷ đồng). Ngân sách cho ngành văn hóa thông tin sẽ là 462 tỷ đồng trong năm 1994 (tăng 65% so với năm 1993) gồm 315 tỷ đồng chi thường xuyên (tăng 57%) và 147 tỷ đồng đầu tư xây dựng (tăng 98%).


Đại học

Đầu tháng 4 vừa qua, chính phủ đã bổ nhiệm giáo sư Nguyễn Văn Đạo (58 tuổi, chuyên gia trong lĩnh vực cơ học, phó viện trưởng Viện khoa học) làm giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội. Trước mắt, Đại học này bao gồm các trường đại học khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, sư phạm, ngoại ngữ và một số viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, thư viện, trung tâm máy tính.

Sau đại học quốc gia Hà Nội, đã có quyết định thành lập các đại học Huế, Đà Nẵng và Thái Nguyên. Giáo sư Nguyễn Thế Hữu được bổ nhiệm làm giám đốc Đại học Huế.

Bộ giáo dục và đào tạo vừa công nhận hội đồng sáng lập trường đại học Văn Lang (do ông Phạm Khắc Chi làm chủ tịch), là trường đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo qui chế đại học dân lập. Bộ cũng đã cho mở một trường đại học dân lập ở Vũng Tàu, mang tên Thế Hệ và do ông Nguyễn Văn Ngôn làm chủ tịch hội đồng sáng lập.

Với sự hợp tác của Hiệp hội các trường đại học sử dụng tiếng Pháp AUPELF, một khoa y tế dạy bằng tiếng Pháp sẽ mở tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Khoá đầu tiên gồm 30 người sẽ được chọn trong các sinh viên y năm thứ hai.

Bộ trưởng đại học Pháp François Fillon trong chuyến đi thăm Việt Nam cuối tháng 4 đã tham dự lễ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Viện tin học tiếng Pháp (IFI) ở Hà Nội. Được Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp thông qua năm 1991, IFI sẽ mở cửa vào năm 1995, đón nhận sinh viên các nước sử dụng tiếng Pháp và các nước Đông Nam Á. Tổng giá trị xây dựng và thiết bị tin học dự trù là 10 triệu FF.


Hợp tác Mê Kông

Hội nghị bộ trưởng kinh tế 6 nước lưu vực sông Mê Kông (CamBốt, Lào, Mianma – Miến Điện –, Thái Lan, Trung Hoa và Việt Nam), họp tại Hà Nội cuối tháng 4.1994 dưới sự bảo trợ của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã quyết định đầu tư 12 tỉ đôla vào các dự án mở mang giao thông liên quốc gia (ước khoảng 10 tỉ đôla và phát triển năng lượng trong khu vực (hai tỉ đôla, dành cho việc xây một đường ống dẫn dầu giữa Miến Điện và Thái Lan, và một nhà máy thuỷ điện Lào). ADB sẽ là đầu mối phối hợp việc tìm nguồn tài chính cho một số dự án. Chủ tịch ADB, ông Mitsui Sato, cũng đã khuyến cáo các bộ trưởng tích cực giải quyết những tắc ách về quy chế, luật lệ trong sự phát triển thông thường giữa các nước trong vùng.

Về đường bộ, hội nghị đã thông qua 5 dự án ưu tiên và 3 dự án khác, trong đó có 4 dự án liên quan đến Việt Nam:

– Tuyến đường Bangkok - Phnôm Pênh - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu;

– Hành lang Đông Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam hoặc theo đường số 8 đến cảng Cửa Lò gần Vinh, hoặc theo đường số 12 đến cảng Hòn La, hoặc theo đường số 9 đến cảng Đà Nẵng;

– Tuyến đường Côn Minh (Nam Trung Quốc) - Hà Nội;

– Tuyến đường nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Lào và Việt Nam qua các đường số 6 và 4.

Về đường sắt, có 2 dự án liên quan đến Việt Nam:

– Tuyến đường sắt nối Thái Lan với Phnôm Pênh và Thành phố Hồ Chí Minh;

– Tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam với Hà Nội.

Về đường thuỷ, có những dự án nâng cấp các cảng Cửa Lò, Hòn La, Đà Nẵng, Cái Lân, Thị Vải - Vũng Tàu.

Về đường hàng không, có những dự án nâng cấp các sân bay Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

(AFP 22.4, Tuổi Trẻ, 26.4.94)

Kinh tế tư nhân phát triển nhanh ở phía Nam.

Theo thống kê của Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, tính đến cuối tháng 1.1994, cả nước có 12.190 doanh nghiệp tư nhân ngoài lĩnh vực nông nghiệp: 104 công ty cổ phần, 3.392 công ty trách nhiệm hữu hạn, 6.894 xí nghiệp tư nhân. Kinh tế cá thể có 1,6 triệu hộ: 950 ngàn hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ, 550 ngàn hộ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, 140 ngàn hộ kinh doanh vận tải.

Tổng số đầu tư của nền kinh tế tư nhân vào khoảng 9.100 tỷ đồng: 4.150 tỷ từ các doanh nghiệp tư nhân, 4.950 tỷ từ các hộ cá thể. Năm 1993, trong lĩnh vực công nghiệp và thủ công nghiệp, giá trị sản lượng của nền kinh tế tư nhân đạt 5.315 tỷ đồng, chiếm 26% giá trị tổng sản lượng toàn lĩnh vực. Các doanh nghiệp tư nhân sử dụng khoảng 32 vạn lao động, các hộ kinh tế cá thể thu hút 3,5 triệu lao động. Cũng theo các số liệu thống kê chính thức, kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn ở các tỉnh phía Nam, tốc độ tăng trưởng về giá trị công nghiệp gấp gần 10 lần các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

(Thanh Niên, 14.4.94)

Đường dây 500 KV: vấn đề bảo vệ

Cuối tháng 4 vừa qua, bộ trưởng năng lượng Thái Phụng Nê đã họp báo cho biết toàn bộ công tác xây lắp đường dây tải điện Bắc-Nam đã hoàn thành. Từ đầu tháng 5, đường dây siêu cao thế bắt đầu đóng điện thí nghiệm toàn thể hệ thống. Theo dự kiến, trong tháng 6, nguồn điện sông Đà sẽ chuyển vào phía Nam với sản lượng năm đầu đạt 1 ,4 tỷ kwh điện.

Đường dây đã xong, vấn đề chính trở thành: làm sao bảo vệ an toàn một hệ thống tải điện trải dài từ Bắc vào Nam trên 1.488 km với 3.436 cột trụ, qua nhiều rừng nhiều núi? Theo các chuyên gia, chỉ một sơ suất nhỏ trong vận hành là bạc tỷ bị đốt cháy từng giây. Trong khi đó, ngay từ giai đoạn khởi công, những vụ ăn cắp vật liệu đã xẩy ra liên tục suốt chiều dài đường dây. Riêng tại huyện Hòa Vang (Quảng Nam-Đà Nẵng), chỉ trong vòng bốn ngày, người ta đã phát hiện 60 bù-loong cột trụ bị gỡ mất ở xã Hoà Liên, và 1.050m dây nhôm chống sét đã bị cắt mất ở xã Hoà Khương. Từ đầu tháng 3, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị chính quyền các xã có tuyến đường dây đi qua phải chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ an toàn. Những trạm gác đang được lập lên ở mọi xã, và những tiểu đội cảnh sát đã được huy động để bảo vệ mỗi trạm biến áp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân đã thành lập “ban chỉ đạo bảo vệ hệ thống tải điện 500 kv”, đứng đầu là phó chủ tịch uỷ ban Nguyễn Văn Huấn.

Và để răn đe, tòa án tỉnh Quảng Ninh vừa tuyên án tử hình một thanh niên 27 tuổi về tội “ phá hoại công trình quan trọng về an ninh quốc gia”. Vào đầu năm nay, thanh niên này và sáu bị cáo khác đã tháo gỡ 20 thanh giằng cột điện của đường dây cao thế 110 kv dẫn điện ra biên giới phía Bắc.

Trong một xã hội mà những vụ “phá hoại” lớn nhất xảy ra hầu như công khai trong các cấp chính quyền, liệu bản án tử hình Quảng Ninh vừa rồi sẽ có tác dụng gì trong dân? Mươi ngày sau khi đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài được khánh thành, đài truyền hình Việt Nam đã chiếu những hình ảnh của 40 cột bê tông bị phá đổ, 8 cột bị đập vỡ, 48 ống sắt của giải phân cách hai chiều xe bị lấy mất, và người dân ung dung sử dụng mặt đường cao tốc... làm nơi chứa vật liệu xây dựng, làm đe để uốn đập sắt... Một nhà báo đã nhận xét: “Tuỳ điều kiện cho phép mà mỗi người phá hoại một cách. Ai có dao bén xẻo theo kiểu dao bén. Ai có dao cùn xẻo theo kiểu dao cùn”!

(Người Lao Động, 3.4; Phụ Nữ TPHCM, 13.4;
Lao Động, 28.4 và 3.5.94)

Legamex: “tủ kính” vỡ tung...

Sau Công ty lương thực, Liksin, Minh Phụng, một “tủ kính” khác của Thành phố Hồ Chí minh đã vỡ tung: chấp nhận những kết luận của đoàn thanh tra thành phố trình bày tháng 4 vừa qua, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ chức vụ tổng giám đốc Legamex của bà Nguyễn Thị Sơn và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố. Thật ra, những sai phạm của Legamex đã được báo động rất sớm qua dư luận báo chí, đặc biệt từ khi có quyết định của chính phủ cho phép cho bà Sơn tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp quốc doanh này.

Về chương trình cổ phần hoá, bản báo cáo thanh tra cho biết bà Nguyễn Thị Sơn, với sự “giúp sức” của đoàn kiểm tra của bộ tài chính, đã làm sai nhiều qui định của nhà nước. Riêng việc định giá doanh nghiệp, bà Sơn đã chỉ căn cứ trên sổ sách kế toán của công ty mà không dựa vào số liệu kiểm kê đánh giá lại tài sản, nên đã xác định sai giá trị thực của doanh nghiệp. Và dù chỉ căn cứ trên sổ sách công ty thì tài sản của Legamex cũng vượt hơn định giá của đề án cổ phần hóa 11 tỷ đồng. Ngoài ra Legamex đã tùy tiện thu trên 5,6 tỷ đồng bán cổ phiếu, kể cả của người nước ngoài, trước khi được phép. Gia đình của bà Sơn đã giành 56% cổ phiếu, và người “nước ngoài” mua gần 500 triệu đồng cổ phiếu lại là em của bà!

Theo bản báo cáo thanh tra, Legamex trong ba năm liền đã làm ăn thua lỗ trên 5 tỷ đồng và chiều hướng lỗ ngày càng gia tăng. Công ty hiện đang thiếu thuế 4,5 tỷ đồng, nợ nước ngoài quá hạn 1,065 triệu đôla và khó có khả năng trả hết món nợ 11,403 triệu đôla. Trong xây dựng cơ bản, bà Nguyễn Thị Sơn đã cho em rể bà đứng thầu xây dựng, giá thành một mét vuông cao gấp 2,4 lần so với giá thị trường, thiệt hại 1,9 tỷ đồng. Mặt khác, trong khi Legamex thua lỗ – liên tục nợ nần chồng chất, bà Sơn đã lợi dụng vốn và những đơn hàng của công ty để làm lợi cho một số doanh nghiệp riêng của gia đình của bà.

Bản báo cáo thanh tra không nói đến những “ô dù” ở thành phố Hồ Chí Minh và trong chính phủ mà bà Nguyễn Thị Sơn đã núp bóng để khinh thường pháp luật và dư luận.

(Tuổi Trẻ 9.4; Lao Động 12.4; Phụ nữ TPHCM 13.4.94)

Giải thưởng nghệ thuật 1993

Giải thưởng sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã được trao cho hai vở kịch nói “Diễn kịch một mình” (tác giả : Lê Duy Hạnh / trình diễn: Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh) và “Những linh hồn sống” (Nguyễn Quang Lập / Nhà hát kịch Hà Nội), hai vở cải lương “ Lời tâm sự người đàn bà” (Ngọc Linh / Đoàn văn công giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh) và “ Kiều” (Việt Dung / Nhà hát cải lương Hà Nội), chương trình chèo công diễn ở Pháp (Nhà hát chèo trung ương).

Hội nhạc sĩ Việt Nam đã trao giải cho các tác phẩm khí nhạc “ Hồng hoang” (ballet, Đỗ Trung Quân), “Vợ chồng A Phủ” (giao hưởng, Đàm Linh), “ Người về đem tới niềm vui” (giao hưởng, Trọng Bằng), và các chùm ca khúc của Phạm Minh Tuấn, Hồng Đăng, Hoàng Hiệp.

Hội điện ảnh Việt Nam đã chọn các phim truyện “Canh bạc” (đạo diễn: Lưu Trọng Ninh / kịch bản: Hồng Ngát), “Vị đắng tình yêu” – tập 1 (Xuân Hoàng / Lê Hoàng,Việt Linh), “ Dấu ấn của quỷ” (Việt Linh / Phạm Thùy Nhân), “ Cỏ Lau” (Vương Tuấn Đức), “Xương rồng đen” (Lê Dân / Phạm Thùy Nhân).


Tin ngắn

* Kỳ họp thứ năm của quốc hội Việt Nam, tiến hành vào cuối tháng 5 và kéo dài một tháng, sẽ thông qua 6 dự luật: lao động, thuế chuyển quyền sử dụng đất đai, khuyến khích đầu tư trong nước, sửa đổi nghĩa vụ quân sự, sửa đổi tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân, sửa đổi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân.

* Trong số 6.000 doanh nghiệp Việt Nam có đăng ký, chỉ có 50% thực hiện pháp lệnh kế toán, số còn lại hoặc không làm hoặc làm rất đơn sơ. Trong số 100.000 hộ cá thể kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 35.000 hộ đăng ký sử dụng sổ sách, hoá đơn, và hơn một nửa số này không làm theo các qui định.

* Trong ba tháng đầu năm tại Cần Thơ, đã liên tục xảy ra 15 vụ bể hụi với số thiệt hại bước đầu là 4 tỷ đồng, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều tầng lớp dân cư.

* Từ tháng 3 đến nay, mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ gồm có thực phẩm, súc vật gia cầm sống, sản phẩm gỗ cao su, hàng mỹ nghệ gỗ và hàng may tre lá, tổng giá trị những chuyến hàng có tính thăm dò thị trường này là 113 ngàn đôla. Trước đó, một công ty Mỹ có nhập 16.000 tấn gạo Việt Nam, song chưa phải trực tiếp cho thị trường Hoa Kỳ.

* Từ năm 1989 đến nay, Uỷ ban nhà nước hợp tác và đầu tư đã cấp 20 giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài, vào các ngành dịch vụ tàu biển, công nghiệp thực phẩm, chế biến hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Các nước và lãnh thổ gọi đầu tư là Nga, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Nhật, Lào.

* Nhật Bản và Việt Nam đã thoả thuận mở đường bay Osaka - Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 sắp tới (3 chuyến bay/tuần). Ngược lại chưa có thoả thuận về đường bay Tokyo - Hà Nội do tình trạng tắc nghẽn ở sân bay Narita.

* Đến cuối tháng 3, Việt Nam có 304 ngàn máy điện thoại (tăng hơn năm trước 44 ngàn máy), đạt tỷ lệ 0,43 máy/100 người.

* Năm 1993, cả nước có khoảng 24.000 máy vi tính, tỷ lệ 0,3 máy/1000 người (trong khi Malaixia có 11 máy/1000 dân). Số chuyên viên lành nghề về công nghệ thông tin chưa quá 2.000 người (trong khi Philippin có 20.000 chuyên viên).

* Nữ danh ca Pháp Patricia Kaas sẽ biểu diễn vào cuối tháng 5 tại Hà Nội theo sự tổ chức của Trung tâm ngôn ngữ và văn minh Pháp. Trước cô, ca sĩ po p Mỹ John Denver đã biểu diễn ngày 1.5 trên sân khấu nhà hát hữu nghị Việt-Xô ở Hà Nội.

* Nguyễn Trí Toàn, 24 tuổi, ở Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh), đã đoạt giải nhất cuộc thi guitare quốc tế Frechen tổ chức ở Đức cuối tháng 3 vừa qua.

* Bốn khẩu đại pháo cổ do quân đội Pháp đặt lên đảo Bình Ba (tỉnh Khánh Hòa, cách Ba Ngòi 20 km) những năm ba mươi đã bị chính quyền địa phương cho thanh lý như sắt vụn với giá 16 triệu đồng.

Chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua, hai kho mìn ở Gia Lai đã bị mất cắp 14.386 kíp mìn, hai kho ở Hòa Bình bị trộm 5.856 kíp mìn và 4.990 m dây cháy chậm. Một kho quân đội ở Phú Quốc bị mất trộm 14.000 đạn AK, một bao đạn đại liên 60, một bao đạn AR 15.

* Tòa án Hà Nội đã tuyên án từ 3 đến 4 năm tù 4 bị cáo trong vụ mua bán phụ nữ sang Trung Quốc. Tỉnh Quảng Ninh cũng vừa phát hiện một đường dây mua phụ nữ Việt Nam với giá 700 nhân dân tệ và đưa sang Trung Quốc bán lại từ 2000 đến 3000 nhân dân tệ/người.

* Trong quí 1 năm 1994, gần 1.000 ca triệt sản nam-nữ (tăng gấp 3 lần với cùng thời kỳ năm 1993) đã được thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài tiền “bồi dưỡng” của nhà nước 120.000 đồng, những người triệt sản còn được địa phương cấp thêm từ 80.000 đồng đến 240.000 đồng.

* Từ 1981 đến năm 1993, Việt Nam đã giải quyết cho gần 800 trẻ em trở thành con nuôi người nước ngoài. Riêng Pháp, trong năm 1992, đã cấp 258 thị thực nhập cảnh cho con nuôi gốc Việt Nam, đưa Việt Nam lên thành nước thứ ba (sau Brazil và Colombia) cung cấp con nuôi cho Pháp!

* Qua kiểm tra 91 trường hợp do dân khiếu nại, Uỷ ban môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động của 30 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong danh sách đó, có 9 cơ sở đã từng nhiều lần được lệnh ngưng hoạt động nhưng vẫn tiếp tục sản xuất.

* Theo cơ quan kiểm lâm Đà Lạt, 142 cây thông đang chết đứng ở đồi Cù. Tính ra có 113 số cây thông đã chết trong khuôn viên 65 ha của công trình sân golf (do một công ty liên doanh Thái-Việt thực hiện).

* Công an biên giới Việt Nam đã giải phóng 61 người, trong đó 31 trẻ em bị bán làm nô lệ cho bọn đầu nậu ở các mỏ vàng ở miền biên giới Việt-Lào, với giá 20 đôla một người. Năm tên buôn người đã bị bắt.

* Một con thú lạ nặng hơn 40 kg, thuộc một chủng loại chưa được biết tới, vừa được khám phá ở rừng Vụ Quang (Hà Tĩnh). Các chuyên gia của Quỹ Thế giới bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết con thú giống như một con hoẵng to, sừng dài 20 cm cong xuống, nhưng các kết quả phân tích di truyền trên các mẩu da nó cho thấy đây không phải là một con hoẵng bình thường. Năm 1992, một con “bê rừng” lạ cũng đã được tìm thấy trong rừng Vụ Quang, và sau đó nhà nước đã mở rộng diện tích rừng cấm này.

* Vụ đông 1993, đồng bằng sông Cửu Long đã đạt một sản lượng lúa kỷ lục 5,23 triệu tấn, hơn năm trước 25%, nhưng những khó khăn về kho, chế biến, và về tài chính đã hạn chế khả năng xuất khẩu của nông dân. Hai triệu tấn thóc của năm trước hiện còn tồn kho.

* Trong mùa giáp hạt năm nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thống kê 28 ngàn hộ (133 ngàn nhân khẩu) “thiếu đói”, trong đó có trên 8 ngàn hộ (36 ngàn người) bị “đói gay gắt”.

* Sau khi bãi bỏ một xêmina về báo chí tại Hà Nội tháng 3 vừa qua của tổ chức Mỹ Freedom Forum (Diễn Đàn số 29), tới lượt tổ chức về hợp tác của Đức Adenauer Foundation in coorperation bị từ chối không được tổ chức một xêmina cũng về báo chí, được dự trù ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 tới, với 50 nhà báo Việt Nam và nhiều nước khác được mời.

* Việt Nam chuẩn bị đầu tư 1,8 tỉ đôla để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, với mục tiêu là một sân bay có dung lượng 50 triệu khách / năm. Khoảng 400 triệu đôla sẽ được đầu tư cho 3 năm tới để xây một ga hành khách mới, với khả năng đón nhận 8 triệu khách / năm.

* Tổ chức bảo vệ môi trường APPEN (Asia-Pacific People Environment Network) vừa phát động một Năm không sân golfđể chống lại việc nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, chạy theo phong trào xây dựng sân golf phục vụ du khách, làm thiệt hại nguồn nước của nông dân.

* Thuỷ triều đen đầu tiên ở Việt Nam: một tàu chở dầu Việt Nam đã đụng với một tàu Đài Loan ngoài khơi Vũng Tàu ngày 13.5, làm chảy hơn 200 tấn dầu vào cửa sông Lòng Tàu.

* Ngân hàng Thế giới (WB) vừa mở văn phòng đầu tiên ở Hà Nội, với mục tiêu ưu tiên là cùng với chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề đặt ra trong việc sử dụng các ngân khoản viện trợ của WB cho Việt Nam.

* Hành động bạo động mới của phát xít Đức: Ngày 20.4, một người Việt Nam ở Đức đã bị thương nặng vì bị ném ra cửa sổ một con tàu đang chạy, và một toà nhà có khoảng 200 dân tị nạn ở, trong đó đa số là Việt Nam, đã bị đốt cháy.

* Người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối lời tuyên bố của bộ trưởng tư pháp Nhật, ông Shigeto Nagato, chối rằng quân đội Nhật đã xâm lược các nước Đông Nam Á trong chiến tranh.  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us