Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 31 / Trong nhà thờ

Trong nhà thờ

- Trịnh Khắc Hồng — published 12/04/2011 01:15, cập nhật lần cuối 11/05/2011 22:55

Truyện ngắn


Trong nhà thờ


Trịnh Khắc Hồng



Cả con nữa sao, con trai của ta! (César)


– Thưa cha!

Vị linh mục đang bước từng bước chậm rãi giữa hai dãy ghế trong chính điện, nghe tiếng gọi nhỏ, quay người lại. Kinh hoàng trước khẩu colt trên tay tên lính đang chĩa thẳng vào ngực mình, ông chưa kịp kêu lên tiếng nào, mấy âm thanh rắn đanh đã vang lên. Vị linh mục gục người xuống, hai bàn tay chới với đưa lên như muốn ôm lấy lồng ngực, nơi chỉ một giây trước quả tim vẫn còn đập. Máu bắn ra loang trên nền gạch hoa, ướt đẫm phần trên chiếc áo choàng đen.

Người bõ già từ gian sau nhà thờ nghe tiếng súng chạy vội lên, kịp nhìn thấy tên lính vẫn đứng nguyên tại chỗ, trên tay lăm lăm khẩu súng. Tên lính mặt còn non choẹt. Miệng ông há hốc, cũng không phát ra được tiếng kêu nào. Tên lính từ từ quay lại, đi về phía cửa chính mở ra một cái sân rộng. Y bước lên chiếc jeep đã đậu sẵn, mở máy chạy đi. Lúc đó người bõ già mới chạy ra sân, gào lên kêu cứu. Một số giáo dân sống quanh đó chạy đến. Nhiều tiếng la lối, bàn tán hỗn độn.

Đấy là vào buổi sáng một ngày thường. Lúc nhìn thấy tên lính đang quì trên hàng ghế cuối trong giáo đường, vị linh mục cũng chẳng để ý.

Y là một đứa con của bà phước, nói theo lời nói lúc bấy giờ người ta dùng để chỉ lũ trẻ sống trong trại nuôi trẻ mồ côi do các dì phước trông nom. Trại này đã có từ lâu. Những năm quân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai đất nước này, trong các thành phố bị địch tạm chiếm, số trẻ mồ côi tăng lên rất nhanh, một phần do chiến tranh, phần khác do đội quân viễn chinh đông đảo đã có mặt vào thời gian đó. Chúng được đem gởi vào trại. Một số ít trong bọn chúng thỉnh thoảng có người thân đến thăm. Số còn lại không hề biết mặt cha mẹ, là những đứa con của vô số gái điếm đã thành hình trong những nhà chứa công khai hoặc là kết quả bất đắc dĩ của những sự đi lại nào đó. Không biết mặt cha mẹ, như thế chúng cũng không có một người thân nào, không hề biết được sự yêu thương. Y rơi vào đúng trường hợp này. Các dì phước hầu như chỉ chú ý đến phần hồn của chúng. Chúng quá đông, hàng trăm đứa trẻ và các dì thì quá bận. Việc quan trọng nhất của các dì sau khi nhận một đứa trẻ là làm lễ rửa tội cho nó. Đấy là công việc quan trọng nhất của các dì quản lý trại.

Lũ trẻ trong trại sống nhờ vào sự quyên góp của các hội từ thiện và lòng hảo tâm của số người hiếm hoi nào đó. Sau này cái màu sắc duy nhất còn đọng lại trong y về những năm tháng sống ở trại là một màu xám xịt, buồn bã. Lũ trẻ suốt ngày lẩn quẩn trong trại, hoạ hoằn mới được đi ra ngoài. Mỗi lúc ra ngoài, chúng đi theo một hàng dọc, tất cả trong những bộ đồng phục xanh bạc tuếch với nhiều cái đầu đã cạo nhẵn bôi phẩm xanh, đỏ trị ghẻ chốc. Những lúc có hội chợ từ thiện do các dì tổ chức, chúng được đưa vào để làm những công việc lặt vặt. Mùa nắng đôi khi chúng được dẫn đi tắm ở một bãi biển không xa trung tâm thành phố. Đó cũng là cách để trị ghẻ. Do điều kiện sinh sống, lũ trẻ hầu như thường xuyên bị bệnh này với bệnh tiêu chảy. Căn bệnh sau đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng sống trong cái trại mồ côi đó.

Khu đất dành làm nghĩa địa cho trại ở cách trại khá xa. Đã có nhiều đám đưa ma trong những buổi sớm tinh mơ. Bốn đứa trẻ khiêng hai đầu chiếc quan tài bằng gỗ tạp và dẫn đầu là một đứa cầm trong tay cái xẻng. Bọn chúng lặng lẽ bước đi trong không khí lạnh lẽo. Tất cả chẳng khác gì những món đồ chơi. Chiếc quan tài, cái xẻng và cả lũ trẻ nữa đều bé nhỏ. Vì là một trong những đứa lớn ở trại, y thường được phân công đi đào huyệt. Và y đã có dịp làm việc này không biết bao nhiêu lần. Hình ảnh những cái đám ma trẻ con đó chắc chắn sẽ còn lại mãi trong y.

Tuy nhiên những cái chết non yếu đó không khiến y sợ hãi bằng cảnh hoả ngục được vẽ trên bức tường phía trong nhà thờ. Hình ảnh những con người đang bị thiêu đốt trên ngọn lửa, đôi mắt trợn trừng kinh hoàng, mồm miệng méo xệch đi vì đau đớn. Bên cạnh là những con rắn to lớn, ngoằn ngoèo đang phun lửa phì phì. Tất cả đều được tô màu đúng như phải thế. Mấy linh mục, dì phước thường đem cảnh này răn đe lũ trẻ. Sau này khi nhớ lại, y thấy đấy chỉ là những hình vẽ thô thiển. Tuy nhiên bức tường đó đã ám ảnh y dữ dội vào tuổi măng tơ trong những giờ cầu kinh. Miệng vẫn đọc những câu kinh đã thuộc nằm lòng như một cái máy, mắt y không rời khỏi cảnh hoả ngục, có lúc ruột co thắt lại. Những lúc đó trong lòng y trỗi dậy nỗi căm hờn đối với những người đang bắt y phải chịu đựng cảnh này.

Vào một ngày định trước trong tuần trại mở cửa đón thân nhân vào thăm bọn trẻ. Số ít may mắn được gặp người thân. Những cử chỉ vuốt ve, những câu an ủi hay la mắng và quà thì chẳng có gì, chỉ vài cái bánh, kẹo. Những lúc đó y quanh quẩn đâu đấy, chẳng có ai để kể lể. Nỗi sợ hãi, căm giận lâu ngày đọng lại, rắn đanh trong y.

Thời gian đó những chiếc xe nhà binh chạy qua lại rất nhiều trên con đường trước cổng trại. Trên xe là những người lính còn rất trẻ chỉ trỏ, cười nói. Y mong được như họ. Đấy là năm y bắt đầu lớn. Nhiều đêm nằm trên cái sạp rộng chung với những đứa khác mà y như sống một mình. Y muốn sau này được cầm súng trong tay như những người lính kia. Nhất định y sẽ bắn hàng tràng đạn vào một cái gì đấy. Cho vỡ tung lên. Đó là ý nghĩ thường lảng vảng trong đầu trước khi y ngủ thiếp đi.

Thời gian trôi qua y càng cảm thấy rõ mình không thể tiếp tục sống trong trại được nữa. Không phải vì những công việc chẳng có chút hứng thú y phải làm hàng ngày như đi cắt cỏ về cho bầy dê, bầy thỏ, kỳ cọ trong dãy nhà vệ sinh chung hôi hám... mà chính vì y không thể nào có được niềm tin người ta đã cố nhét vào tim y từ ngày y bắt đầu có đôi chút hiểu biết. Kinh nghiệm duy nhất y có về cuộc sống là trong trại mồ côi. Những cái chết non yểu, vô nghĩa và những cuộc đời khốn khổ, ảm đạm. Vậy làm thế nào y tin được vào những cảnh tươi đẹp của cuộc sống đời sau mà các linh mục, dì phước cố gắng vẽ lên trước mắt bọn y mỗi ngày. Không có niềm tin bên trong nhưng bề ngoài y vẫn phải tỏ ra sống cuộc đời ngoan đạo. Nếu bất chợt một lúc nào đó y có một cử chỉ hay một lời nói tình cờ bộc lộ sự hoài nghi, chắc chắn sau đấy y phải chịu hình phạt: quì gối suốt buổi trong một góc phòng và đôi lúc phải chịu cả roi vọt. Những lúc đó niềm phẫn nộ nằm sẵn trong lòng y từ lâu lại cháy bùng lên và nỗi khát khao được nắm vũ khí trong tay lại trở về thôi thúc, dai dẳng.

Năm lên mười sáu tuổi, một hôm y bỏ trại mồ côi đến một điểm tuyển quân để đăng lính. Những điểm này năm đó mọc lên nhiều trong thành phố. Đấy là năm chiến tranh sắp kết thúc, Pháp ra sức vơ vét lính ở thuộc địa để cung cấp cho chiến trường. Chúng không còn để ý đến tuổi tác nữa. Thời gian ở quân trường, những ngày chủ nhật đám lính mới được về phép thăm nhà. Y vẫn ở lại, loanh quanh đâu đó. Y không có một mái nhà nào để trở về. Sau mấy tháng tập lành, y liền bị ném vào những cuộc hành quân. May mắn y vẫn chưa lần nào bị thương tích gì. Sau những cuộc hành quân y với đám bạn mới vào lùng sục trong các ổ điếm, rồi ăn nhậu. Chuyện xảy ra như tất nhiên phải vậy. Tuy nhiên những lúc đó y lại ghê tởm chính mình. Có một ý nghĩ riêng tư y sẽ không bao giờ thổ lộ với bất cứ ai dù thân thiết đến mấy đi nữa, cái ý nghĩ đó là biết đâu mẹ y trước đây chẳng từng làm điếm. Và có những bàn tay dơ bẩn, thô bạo đã từng dày vò cơ thể mẹ y. Ý nghĩ đó khiến y đau xót đến sợ hãi. Nhưng những lần sau y vẫn diễn lại những trò cũ cùng đám bạn và trong những cơn say mù mịt, cảnh hoả ngục lại hiện ra rất rõ nét. Một đêm trước sự chứng kiến của đám bạn, trong cơn cuồng nộ của mình y đã gào lên, nguyền rủa những điều gì đó trong những câu đứt đoạn. Đám bạn từng chặp lại cười rú lên mặc dù chúng không hiểu gì hết.

Và sáng hôm sau là buổi sáng một ngày thường.


Trịnh Khắc Hồng

3.90



Trịnh Khắc Hồng bắt đầu sáng tác từ đầu thập niên 1960, khi anh còn là học sinh trung học. Sau 1975, truyện ngắn của anh xuất hiện trên báo chí Việt Nam. Tập truyện ngắn Pháp trường (Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chi Minh) của Trịnh Khắc Hồng được phát hành năm 1991.

Tác giả hiện nay sống ở Pháp.

Truyện ngắn này tác giả viết từ năm 1990 song chưa được công bố. Chúng tôi thành thực cảm ơn Trịnh Khắc Hồng và xin giới thiệu tác phẩm của anh với bạn đọc.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us