Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 31 / Văn học hải ngoại

Văn học hải ngoại

- Đặng Tiến — published 12/04/2011 00:50, cập nhật lần cuối 11/05/2011 22:51
Người cộng tác: Thuỵ Khuê (pv)

Thuỵ Khuê phỏng vấn Đặng Tiến


Văn học hải ngoại




Hỏi: Xin anh cho biết ý của anh về bài báo của anh Nguyễn Huệ Chi tựa đề “Vài cảm nhận Văn học Việt Nam hải ngoại” đăng trên tạp chí Văn học số 2-1994 vừa qua.

“Vài cảm nhận: Văn học Việt Nam hải ngoại” của Nguyễn Huệ Chi chỉ là một bài báo, trên Tạp chí Văn Học, một cơ quan nghiên cứu ít người đọc. Tự thân bài báo không quan trọng. Nhưng đây là cơ hội để nói lên tình trạng văn học hải ngoại, việc giao lưu văn hoá, vai trò nhà văn Việt Nam ở nước ngoài.

Bài biên khảo nghiêm túc, mang lại nhiều thông tin chính xác cho người trong nước và nêu lên được nhiều vấn đề chính đáng, đưa ra cái nhìn mới và đứng đắn về văn chương hải ngoại. Nhưng muốn đánh giá đúng mức nó thì phải đặt nó vào việc làm của Nguyễn Huệ Chi từ nhiều năm nay và đặt vào hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.


Hỏi: Anh vừa nói đến chữ “mới”? Chữ mới của anh nên hiểu như thế nào?

– Ngay cái tựa đề đã mới. Trong nước, cho tới nay, dùng từ ngữ chính thức là thơ văn người Việt Nam ở nước ngoài hay văn học người Việt ở ngoàí nước; mới nghe qua thì đồng nghĩa, nhưng âm vang khác với văn học Việt Nam hải ngoại. Chữ hải ngoại là chữ của chúng ta dùng ở nước ngoài để tự phong cho mình. Tôi là một trong những người đầu tiên sử dụng nó sau 1975, khi người khác còn nói đến văn học lưu vong. Mãi đến 1985, nhà xuất bản Sông Thu ở Mỹ mới xuất bản cuốn Truyện ngắn Hải ngoạí và gần đây, nhà xuất bản Tân Thư ở Mỹ muốn hợp tác với nhà xuất bản Văn học trong nước cùng xuất bản Tuyển tập Văn chương Hải ngoại nhưng không được giấy phép. Nay Nguyễn Huệ Chi dùng chữ văn học Việt Nam hải ngoại là bước thêm bước nữa. Anh Huệ Chi là tay sành ngôn ngữ, giỏi chữ Hán; cách dùng từ của anh để đặt trên đề cho thấy tâm hồn cởi mở, tiến bộ và ưu ái với người Việt nước ngoài. Nguyễn Huệ Chi đã từng viết nhiều bài dài để khoanh vùng hai chữ văn học như văn học thời Lý Trần, văn học Hà Bắc. Nay anh dùng lại từ văn học hải ngoại là có cơ sở và tôi hoan nghênh.


Hỏi: Vậy có thể nói rằng Nguyễn Huệ Chi đã đi ra ngoài đường lối của chính quyền không?

– Tôi mong như thế, hy vọng là thế. Mà không chắc. Tôi chỉ sợ rằng Nguyễn Huệ Chi cũng như các bạn trong Viện Văn học đang chuẩn bị một số Tạp chí Văn học chuyên đề về văn chương lý luận của người Việt nước ngoài, sẽ rơi vào kế hoạch kiều vận của chính quyền nhà nước Việt Nam đang ve vãn Việt kiều, muốn cộng đồng người Việt nước ngoài hành xử như cộng đồng Hoa Kiều, gửi tiền, gửi chuyên viên về nước để phát triển kinh tế. Bù lại, chính quyền in ấn một số tác phẩm vớ vẩn gì đấy, thuộc loại vô thưởng vô phạt, để ve vuốt Việt kiều, cho họ cái ảo giác là họ vừa có túi tiền, vừa có túi thơ, đã có mỹ kim lại có mỹ thuật.


Hỏi: Anh có ác ý không khi dùng chữ như vậy?

– Ác khẩu chứ không ác ý. Tôi vừa mới đọc cuốn Kỷ yếu Hội nghị Việt kiều tháng 2.1993, 250 trang khổ lớn, được biết:

* Tiền và quà Việt kiều gửi về cho gia đình năm 1991 ước lượng từ 500 triệu đến 700 triệu đôla, khi hàng xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992 chỉ ngoài 500 triệu đôla.

* Ấn Độ đã giải quyết khó khăn tài chánh cách đây 3 năm nhờ tiền Ấn kiều từ nước ngoài gửi về.

* Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng chính thức kêu gọi các nhà khoa học Hoa kiều hồi hương bất luận chính kiến, v.v...

Báo Nouvel Observateur số gần đây (7-13 avril 1994) cho biết 80% tiền đầu tư ngoại quốc vào lục địa Trung Hoa là tiền của Hoa kiều.

Hội nghị Việt kiều năm rồi chủ yếu là nói chuyện kinh tế, quyền mua nhà, mua đất, v.v...


Hỏi: Thế họ không nói gì đến văn học, giao lưu văn hoá à?

– Không. À, có chứ: ông Nguyễn Ngọc Trân, Trưởng ban Việt kiều Trung ương, trong bài diễn văn khai mạc dài 7.000 chữ, có dành một câu 14 chữ cho văn hoá. 14 chữ ấy là: giới thiệu các tác phẩm có giá trị của kiều bào với trong nước (tr. 29). Tôi muốn hỏi lại anh Trân: giá trị là giá trị gì? văn chương, nghệ thuật hay tâm lý Việt kiều, hay tuyên truyền chính trị? và ai thẩm định cái giá trị đó? Giới thiệu với trong nước là giới thiệu với ai? với quần chúng hay với cấp trên? Báo Quê Hương thuộc Ban Việt kiều Trung ương của anh Trân đã từng trích đăng lại bài tôi mà không xin phép, không đề xuất xứ, không gửi báo biếu, vậy bài ấy có giá trị gì không? Nếu nhà xuất bản nào đó muốn in thành sách thì có được phép không? Và nói chung, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam ở nước ngoài, muốn in tác phẩm của mình trong nước, trong điều kiện pháp định, liệu có được không?

Anh Trân có tuyên bố “ tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về thăm và làm việc với trong nước”. Vậy hỏi anh: nhạc sĩ Phạm Duy, 73 tuổi, muốn về thăm Việt Nam, để thắp hương trên mộ phần ông cụ thân sinh là nhà văn tiền phong Phạm Duy Tốn và thăm các bạn cố tri gần đất xa trời là các nhạc sĩ Lê Thương, Văn Cao, vậy có được không? Hoặc Phạm Duy muốn về luôn, để hưởng những năm cuối đời trên quê hương, có được không? Sở dĩ tôi hỏi anh Trân vì thời trẻ anh đã hát nhạc Phạm Duy.

Tôi cũng xin nói điều ấy với ông Trần Hoàn, nhạc sĩ, bộ trưởng, trung ương uỷ viên.


Hỏi: Lúc nãy nghe anh cười, tại sao?

– Cười cái hội nghị. Người duy nhất nói đến dân chủ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt; ông dùng 5 lần chữ dân chủ trong bài diễn văn 5.000 chữ, và ông có nhắc đến văn học nghệ thuật. Còn 54 đại biểu đọc tham luận được in ra, thời không một người nào nói động đến hai chữ dân chủ. Nghĩa là Thừa tướng đưa cái bánh dân chủ ra mời, mà quý vị không ai dám ăn, chỉ nhìn thôi, là đủ no đủ sướng. Dĩ nhiên là không ai nói chuyện văn học nghệ thuật.

Vì vậy mà tôi cười, và càng đánh giá cao chàng Nghệ Tĩnh quê mùa là bạn Nguyễn Huệ Chi.


Hỏi: Anh đánh giá cao bài viết của anh Chi. Cao như thế nào? và tại sao cao? Xin anh những nhận xét cụ thể .

– Bài Nguyễn Huệ Chi gồm ba phần: nhắc lại tình trạng văn thơ hải ngoại, rồi giải thích những biến chuyển, và cuối cùng phác thảo những đề nghị. Sườn bài biện chứng và nội dung xây dựng.

Dĩ nhiên là có thiếu sót. Nguyễn Huệ Chi nắm được cái gì thì đọc cái nấy và nói về cái ấy. Anh có làm chủ được tư liệu đâu? Nhưng bản thân có thiện tâm, lại nghiêm trang và nghiêm túc, có trình độ thưởng ngoạn nên anh không dừng lại cái nhảm nhí; mà văn học hải ngoại thì thiếu gì cái nhảm nhí? Về những tác phẩm mà anh biết, anh viết đúng, dù rằng anh phải đọc nhanh. Người chuyên về cổ văn như anh mà chịu khó đọc nhanh, và chịu viết về cái mình đã đọc nhanh là một thiện chí, nếu không phải là hy sinh. Cùng nghề với nhau, tôi biết điều đó.

Phần trình bày có những thiếu sót nhất định. Nhà văn Trần Vũ cho rằng thiếu phần hồi ký, điều đó không đúng đâu. Hải ngoại chỉ có một hồi ký văn học quan trọng là ba tập của Phạm Duy, Nguyễn Huệ Chi có nhắc. Những hồi ký chính trị vớ vẩn không thuộc về văn học – tuy rằng bán chạy.

Chỗ yếu của bài báo là Huệ Chi không thấy được quá trình phát triển của văn học hải ngoại qua ba giai đoạn:


Giai đoạn 1 : đại bộ phận các văn nghệ sĩ Sài Gòn di tản ồ ạt từ tháng 4-75: Lúc đó họ chưa biết đời sống sẽ ra sao và cần tạo ra tiếng nói để giữ gìn văn hoá cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ. Đó là thời Võ Phiến viết Thư gửi bạn, Lê Tất Điều làm thơ ký tên Cao Tần, cả hai hợp tác làm báo Văn học Nghệ thuật.

Giai đoạn 2 : là thời thuyền nhân vượt biển trước sau 1980, thời của Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Mai Thảo. Lúc này, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã an cư, đời sống vật chất và tinh thần đã ổn định, các nhà văn nhà thơ đã chí thú làm văn chương. Nguyễn Mộng Giác viết liên tiếp 5 tập Mùa biển động, Nhật Tiến viết các tập truyện ngắn Tiếng kèn, Cánh cửa. Các tác phẩm này đều có giá trị nghệ thuật, nhân đạo, dân tộc và hoà giải hoà hợp, nhất là ở Nhật Tiến là người có lương tâm sâu và ý thức cao. Nhưng sau đó là các anh ấy bị chụp mũ thân Cộng, Nhật Tiến viết ít hơn, Nguyễn Mộng Giác dè dặt và dần dần chuyển hướng, thu mình vào văn thơ di tản.

Nền văn học này dần dần phát triển, dồi dào, sắc cạnh và đạt tới đỉnh cao khoảng 1985-87, sau đó thì tà tà.

Giai đoạn 3 : Từ 1987 có thêm những người viết mới, trẻ tuổi hơn hoặc vượt biển ra nước ngoài, hoặc đi chính thức, hoặc đi du học từ trước 1975 rồi lập nghiệp tại Âu Mỹ: đó là những Trần Vũ, Đỗ Kh. và các cô Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Phan Thị Trọng Tuyến, Vũ Quỳnh N.H., Trân Sa và nhà làm phim Trần Anh Hùng, tác giả phim Mùi đu đủ xanh.

Họ là những ngòi bút tươi tắn, tài hoa, mạnh bạo, ít bị vướng mắc vào dĩ vãng về hai mặt chính trị và văn học.

Về chính trị họ không căm thù, ít cảm thấy mất mát, không cho rằng mất nước mất sự nghiệp, mất tài sản hay chức vụ, danh vọng, quyền lợi. Họ cũng không trải qua các trại học tập, các lao tù. Về văn học, họ không nợ nần với dĩ vãng, họ viết văn tuỳ thích, họ viết cho những độc giả mới, có được độc giả trong nước càng tốt, càng vui; họ không hệ luỵ với cái văn chương Sài Gòn cũ. Những Chân trời tím, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh , Động hoa vàng, Vành đai trắng đã phai màu nhạt sắc. Tên của những tờ báo Sáng Tạo, Bách Khoa, Văn không khơi dậy một vết thương nào. Trong khi văn chương Bolsa là con đường Lê Văn Duyệt nối dài, thì họ muốn mở ra những con đường mới, xuyên lục địa, xuyên đại dương đến với những độc giả mới. Trong tinh thần đó, họ lại được cái may mắn đón nhận văn chương trong nước, rất hay rất mới của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài. Là những người đồng lứa, họ chóng trở thành bạn đồng âm, đồng tâm. Từ đó họ phá tung những thành kiến chính trị và chủ trương giao lưu văn hoá, hoà hợp văn nghệ. Công việc hợp lưu, giao lưu là bắt đầu từ đó chứ không phải từ sự “ thức tỉnh” nào đó, như Huệ Chi đã nói trong phần 2. Có ai ngủ bao giờ đâu mà thức tỉnh.

Ngoài ra, phần thiếu sót trong bài Nguyễn Huệ Chi là phần thơ; anh có nhắc tác giả mà không được đọc tác phẩm, như Thơ Cao Tần, Thơ Thanh Nam day dứt nỗi buồn xa xứ, Thơ Mai Thảo u ám tuổi già xế bóng, hay mới mẻ hơn là thơ Ngu Yên, Thường Quán, Trân Sa, Đỗ Kh. ... Nguyễn Huệ Chi cũng không đề cập đến những biên khảo về thơ của Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Quý Toàn, về văn học miền Nam của Võ Phiến. Nguyễn Huệ Chi làm công việc khó khăn: vừa trình bày vừa tổng luận, vừa mở đường ở phần ba:

Anh hô hào “hoà hợp giao lưu giữa những người Việt trong nước với trong nước và người Việt trong nước với nước ngoài”. Đọc lại từng chữ, chúng ta nhận là anh thực tế và sâu sắc. Chính trong nội địa Việt Nam đã cần giao lưu rồi, nói chi đến chuyện ngoài nước. Việc hoà hợp và giao lưu ấy, bản thân tôi đã chủ trương và thực thi từ hai mươi năm nay, nay nghe các ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt nói, thì tôi vẫn chưa tin, nhưng nghe Nguyễn Huệ Chi nói, thì tôi tin tưởng và phấn khởi lắm lắm.

Nhưng Huệ Chi kết luận yếu. Việc gì mà anh phải viện dẫn lời Khổng Tử “ quân tử hoà nhi bất đồng”.

Đã nói chuyện hoà hợp, giao lưu thì cần gì quân tử với không quân tử. Có chiến bao giờ đâu mà phải hoà. Và cần gì phải đồng. Bất đồng thì mới có văn chương, chứ đồng thì thành chính sách, giáo điều.

Ở trên, tôi nói tôi tin Nguyễn Huệ Chi vì tình đời vẫn thế. Ngày nay người ta đọc Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, chứ ai đọc thánh chiếu của Gia Long, Minh Mệnh. Vì Nguyễn Huệ Chi là nhà văn, mà nhà văn chỉ có tiếng nói. Giá trị của con người nhà văn là giá trị tiếng nói, lời nói, cách nói. Còn giá trị của người làm chính trị là việc làm. Tôi chờ đợi và đánh giá các ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt qua việc các ông ấy làm trong công cuộc hoà hợp giữa người Việt trong và ngoài nước, qua việc giao lưu văn hoá thật sự, giao lưu hai chiều và tự do.


Hỏi: Chính anh cũng có bài được báo chí trong nước trích đăng, vậy đối với anh chưa đủ giao lưu sao?

– Như vậy chưa đủ. Không những chưa đủ mà còn xuyên tạc vì văn học hải ngoại không phải chỉ có vậy. Một phần của ổ bánh mì là bánh mì, một phần sự thật không phải là sự thật. Xuất bản một cuốn sách của một Việt kiều, ví dụ như cuốn Nguyễn Ái Quốc ở Paris (năm 1991) thì không thể nói là giao lưu văn hoá. Nhắc lại ví dụ cũ: nhà xuất bản Văn Học ở Thành phố Hồ Chí Minh của Hoàng Lại Giang muốn hợp tác với nhà xuất bản Tân Thư của Khánh Trường tại Mỹ in cuốn Tuyển tập văn chương hải ngoại thì không được, phải trả vốn lại cho Khánh Trường. Nhưng một vài nhà xuất bản khác, hoặc có lệnh của nhà nước, hoặc giỏi chạy chọt, giỏi vận động, thì in được cuốn Khi tan nắng (1993). Nói khác đi, nhà nước chỉ cho xuất bản nhỏ giọt, những giọt thật nhỏ, một vài truyện ngắn khi hoàn toàn kiểm soát nội dung và làm chủ việc in ấn. Như vậy là không có tự do, không có giao lưu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tố giác nền văn chương minh hoạ trong nước. Đối với ngoài nước, chính quyền muốn có một nền văn chương bưu ảnh, một thứ littérature carte postale để trang trí cho việc thu nhập ngoại tệ hàng hoá và kỹ thuật, theo chủ trương “cho giấy lấy đồ”. Không phải giao lưu.

Muốn giao lưu, tôi phải là tôi. Anh phải chấp nhận cái tôi của tôi, cái hải ngoại của con người hải ngoại. Đằng này nhà nước chỉ yêu cầu một loại văn chương hải ngoại “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”; đề cập đến đời sống quốc nội thì phải “đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi”. Đại khái như thế. Anh không có quyền phê phán chế độ, không nên đòi hỏi tự do, dân chủ, nhất là đa nguyên. Đa quan thì được, đa nguyên thì đừng. Anh không nên cổ động cho Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Bùi Tín. Được vậy, bài văn của anh có thể in lại trong nước, anh được phép về nước dễ dàng, được mời toạ đàm đây đó, uống trà ăn mứt hạt sen và chụp hình với lãnh đạo.

Chúng tôi không quan niệm một văn chương hải ngoại như thế. Đã là văn chương hải ngoại thì phải gắn bó với đất nước, với dân tộc, với sinh mệnh của tổ quốc, phải nói lên tiếng nói thiết thân của người dân, phải nói lên những điều mà nhà văn trong nước không nói lên được, tuy rằng vẫn biết và vẫn nghĩ như thế. Cụ thể là chúng tôi phải nói lên tiếng nói của tự do dân chủ, nói lên tư cách của trí thức, nhiệm vụ cao quý của nhà văn. Người viết văn hải ngoại được hai lần tự do. Tự do chính trị vì mình muốn viết gì thì viết, không ai kiểm duyệt và kiểm thảo. Tự do kinh tế vì viết văn không phải vì cơm áo, hay địa vị. Trên hai cơ may đó, chúng tôi phải nói tiếng nói trung thực của lương tri và lương tâm, vì quyền lợi gần và xa của dân tộc trong một cộng đồng nhân loại đang mở lòng mở cửa. Những tiếng nói a dua, nịnh bợ không phải là tiếng nói của chúng tôi.

Ngược lại, ở nước ngoài, chúng tôi cũng không a tòng với những người chống cộng rẻ tiền. Anh có quyền chống cộng, vì anh có quyền chống độc tài, thậm chí anh phải có nhiệm vụ chống cường quyền và bạo lực. Độc tài gì thì cũng là độc tài. Nhưng không nên mượn danh nghĩa chống cộng mà đốt xe, phá nhà, đâm chém, bắn giết người ta, và nhất là không nên mượn cái áo rằn ri chống cộng mà chống lại quyền lợi của đất nước, ví dụ tẩy chay hàng hoá Việt Nam, hô hào Mỹ giữ vững cấm vận, không bang giao, hoặc chống phá những cố gắng giao lưu văn hoá, đốt xé sách báo in trong nước, ngăn chặn các phòng triển lãm hội hoạ. Làm như thế, các anh tự loại mình ra khỏi cộng đồng dân tộc và nhân loại văn minh.


Hỏi: Trở lại với việc giao lưu văn hoá và văn chương hải ngoại, anh có yêu cầu gì cụ thể?

– Yêu cầu tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt một điều thôi: làm những mình nói. Một câu năm chữ : Làm những gì mình nói, năm chữ thôi. Đại khái các ông đã nói là “ đoàn kết, hoà hợp trong và ngoài nước, xoá bỏ mặc cảm, hận thù”.

Thay vì nói đến văn chương của người Việt nước ngoài như hiện nay, chính thức sử dụng cụm từ văn học Việt Nam hải ngoại như Nguyễn Huệ Chi đã làm. Vì đây là một bộ phận của văn học dân tộc, nó mang nội dung và khát vọng Việt Nam. Nó nằm trong yêu cầu “ đoàn kết và hoà hợp” mà chính phủ đã nêu ra từ hai năm nay.


Thuỵ Khuê
thực hiện

(Bài phỏng vấn đã được phát trên đài RFI
ngày 8.5.1994, sau đó đã được tác giả đọc và sửa lại)



Viết thêm :

Sau bài phỏng vấn, chúng tôi mới được đọc bài Hoan nghênh các bạn văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương của nhà thơ Huy Cận, trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28.4.1994 (tr. 26-27) – ký Huy Cận chứ không phải Cù Huy Cận.

Những lời hay ý đẹp của anh, chúng tôi rất hoan nghênh, cho dù rằng nó rơi vào một phong trào kiều vận rộng lớn, có thể ngẫu nhiên. Hai dòng văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước đã gặp nhau trong tình yêu nước, đúng như lời Huy Cận; nhưng còn gặp nhau ở khát vọng dân chủ và đòi hỏi tự do. Chúng tôi mong, một ngày nào đó trong tương lai, có dịp chia sẻ những nguyện ước ấy với tác giả Lửa thiêng.


Đặng Tiến

19.5.1994




Nói hay đừng

Sao vàng

Trong một bài xã luận giữa tháng 5, báo Người lao động xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị phải xếp người nước ngoài vào những biệt khu (ghetto) để bảo vệ an ninh, đề phòng diễn biến hoà bình.

Không biết Việt kiều có được đưa vào những ghét to ghét nhỏ đó không. Có điều, ban ngày, họ đi lại trong thành phố, thì nhiều khi cũng khó nhận dạng, nếu không có dấu hiệu phân biệt. Xưa kia, có nơi người ta cho dân Do Thái đeo ngôi sao David. Hay là ông nhà báo kia nên kiến nghị nhà nước ta xét tới việc cho Việt kiều đeo sao vàng năm cánh?

Tú Cua


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us