Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Bài nói của Tổng bí thư Đỗ Mười

Bài nói của Tổng bí thư Đỗ Mười

- Đỗ Mười — published 12/04/2011 04:05, cập nhật lần cuối 12/05/2011 11:10

Tài liệu


Bài nói nội bộ (ngày 3.3.1994) của
Tổng bí thư Đỗ Mười



Lời giới thiệu: Cùng một lúc với tài liệu nội bộ của Ban văn hoá tư tưởng Trung ương (xem bài khi CCFD bị chụp mũ... đăng số trước), chúng tôi đã nhận được bài phát biểu của Tổng bí thứ Đỗ Mười tại hội nghị cán bộ do Ban bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 3.3.1994 tại Hà Nội. Để bạn đọc toàn quyền thông tin và phán định, chúng tôi đăng toàn văn bài nói này (do khuôn khổ tờ báo và chiều dài của bài, chúng tôi buộc dùng khổ chữ nhỏ) và không bình luận gì thêm. Thật ra, mọi sự bình luận là nhàm (hoặc nhảm) vì trình độ của các luận điểm nêu ra trong bài cũng phản ánh trình độ lý luận chung và ngõ cụt tư tưởng hiện nay trong các văn kiện chính thức của ĐCSVN. Song chúng tôi cho rằng, độc lập với trình độ lý luận, bản thân bài phát biểu là một chứng từ có giá trị tâm lý - xã hội học về lãnh đạo ĐCSVN hiện nay.



Ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận, Bộ chính trị, Ban bí thư đã có chỉ thị hướng dẫn kịp thời cho các cấp, các ngành về thái độ của chúng ta trước sự việc đó. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều có nhận định: việc Mỹ bỏ cấm vận tạo thời cơ thuận lợi cho chúng ta tiếp tục chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo thêm thế và lực để xây dựng đất nước. Đồng thời, với việc bỏ cấm vận, tiến tới lập quan hệ ngoại giao, các thế lực thù địch sẽ có cơ hội đẩy mạnh âm mưu và hoạt động diễn biến hoà bình với nước ta. Bọn phản động trong và ngoài nước cũng hí hửng cho rằng sẽ có cơ hội đẩy mạnh hoạt động chống phá. Nhớ lại khi Liên Xô sụp đổ, Nguyễn Sỹ Bình đã lập một tổ chức đảng, kết nạp một số đảng viên ta đã bị biến chất, hy vọng lật đổ chế độ. Chúng ta đã xử lý tốt vấn đề này.

Nghị quyết Đại hội VII, các nghị quyết Trung ương 2, 3, 4, 5 và nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng giữa nhiệm kỳ đều chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc tiếp tục đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chống diễn biến hoà bình.

Vấn đề là cần quán triệt các nghị quyết của Đảng như thế nào? Trước hết phải đứng vững trên quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp để đánh giá tình hình cũng như để có thái độ xử lý đúng đắn các tình huống. Đây là vấn đề lớn, phải có quan điểm vững vàng về giai cấp và đấu tranh giai cấp thì việc đánh giá tình hình mới chính xác, không bị mơ hồ, không bị mắc lừa, từ đó xử lý các việc mới đúng đắn, tránh được thiệt hại cho cách mạng, cho đất nước. Trên quan điểm đó, tôi muốn nhấn mạnh mấy vấn đề sau đây:

1. Về đấu tranh tư tưởng , nhiều học giả tư tưởng cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin hiện nay đã lỗi thời, không phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Ở nước ta cũng có một số ít người cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin, kể từ khi thành lập Đảng cộng sản, Cách mạng Nga thành công, và nhất là đến khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô tan rã là không phù hợp và cuối cùng sẽ kết thúc ngay trong thế kỷ 20 này. Hiện nay, các lực lượng thù địch đang tập trung sức hòng thanh toán nốt các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Trong nội bộ ta cũng có một số người phê phán học thuyết Mác-Lênin đã lỗi thời, thậm chí còn gây nhiều thiệt hại. Sự thật là thế nào? Mác, Ăngghen, Lênin đã phân tích sâu sắc bản chất chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giải phóng dân tộc, xoá bỏ ách thống trị, bóc lột, áp bức bất công, mang tự do, hạnh phúc cho mọi người. Chủ nghĩa Mác-Lênin thể hiện nhu cầu khách quan phát triển lực lượng sản xuất mới của thời đại, phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc. Tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội hiện thực, một cách khách quan, đã buộc chủ nghĩa tư bản tiếp tục tồn tại phải tự điều chỉnh chính sách, hòng xoa dịu bất công xã hội. Đó là cống hiến cực kỳ to lớn mà Mác, Ăngghen, Lênin để lại cho đời sau. Những tư tưởng vĩ đại, đầy tinh thần nhân đạo nhân văn của các ông đã ăn sâu vào trái tim, khối óc hàng trăm triệu người trên thế giới, không một thế lực nào xoá nổi.

Gần đây, nhà triết học Pháp nổi tiếng Jacques Derrida đã nói: “Mác – nhà tư tưởng của thế kỷ 21”. Dù chưa bao giờ là người mácxít, song giờ đây ông ta kêu gọi trở về với tinh thần của Mác, đấu tranh chống “trật tự thế giới mới” của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta cho rằng, dù phải trải qua những bước thăng trầm, học thuyết Mác-Lênin vẫn mãi mãi đầy sức sống vì nó xuất phát từ thực tiễn, phản ánh quy luật phát triển của lịch sử, thể hiện khát vọng của nhân dân lao động ở tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức. Học thuyết đó vẫn mãi mãi hướng các dân tộc và cả loài người vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp cao cả vì một nền văn minh mới, một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Bác Hồ của chúng ta đi tìm đường cứu nước đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin để làm cách mạng Việt Nam, thành lập Đảng, đề ra cương lĩnh, chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam. Người đã lập mặt trận dân tộc thống nhất, nêu cao khẩu hiệu Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Có tư tưởng Mác-Ăngghen-Lênin mà Bác Hồ và Đảng ta đã tiếp thu, vận dụng thì nước ta mới được giải phóng, giành được độc lập như ngày nay. Học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã tạo ra sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân đánh thắng đế quốc, thực dân xâm lược. Học thuyết và tư tưởng đó cũng đang trở thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội; dân tộc gắn với giai cấp, giai cấp gắn với dân tộc và tất cả đều vì con người. Chúng ta đang tiếp tục vận dụng và phát triển học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thích hợp với điều kiện mới, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên vững chắc, củng cố độc lập dân tộc và quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cần nói thêm rằng, theo nhiều công trình nghiên cứu và dự báo thì sang thế kỷ 21, những tập đoàn tư bản lớn sẽ sử dụng công nghệ ở trình độ rất cao để bóc lột siêu lợi nhuận. Vì vậy, nhiều nước nghèo hiện nay sẽ càng nghèo hơn, người nghèo càng nghèo hơn, của cải càng tập trung vào một số ít nước tư bản và các nhà tư bản. Bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản không thay đổi, còn thủ đoạn bóc lột thì càng tinh vi hơn, nhất là bóc lột giá trị thặng dư tương đối.

Một số phần tử xấu nói thế kỷ 20 là thế kỷ cộng sản giết người lớn nhất trong lịch sử, nên phải chôn vùi nó. Nói như vậy là đảo ngược trắng đen, đảo ngược lịch sử. Sự thật, chính chủ nghĩa tư bản giết người nhiều nhất. Từ đầu thế kỷ đến nay, có bao nhiêu cuộc chiến tranh, trong đó bao nhiêu người dân bị chết? Ai gây ra chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh thế giới lần thứ hai, làm thiệt mạng mấy chục triệu người? Chính là chủ nghĩa đế quốc. Ai chuẩn bị bom nguyên tử để tiêu diệt loài người? Ai gây ra hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lược các nước? Chính là chủ nghĩa đế quốc. Điều đó ai nấy đều biết, chỉ có bọn tay sai bồi bút mới cố tình nói ngược để bảo vệ quyền lợi địa vị chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.

Trong thời kỳ nước ta bị đế quốc, thực dân thống trị và xâm lược, bao nhiêu người bị chết, bao nhiêu người đói rét, bao nhiêu người dốt nát? Pháp đô hộ, đè đầu cưỡi cổ áp bức bóc lột, giết hại dân ta. Phát xít Nhật đã gây ra nạn đói năm 1945, làm dân ta chết hơn 2 triệu người. Pháp trở lại, đến Mỹ xâm lược, làm mấy triệu đồng bào ta hy sinh. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập tự do, dù phải hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ lần nữa, đồng bào ta đoàn kết một lòng, đứng lên đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, đương nhiên phải chiến đấu tiêu diệt bọn xâm lược. Nếu chúng không xâm lược nước ta thì chắc chắn chúng ta khỏi phải tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược; có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, đó là sự thật lịch sử hiển nhiên, dù chúng có nói khác cũng không đảo ngược được. Chúng nói Đảng cộng sản, người cộng sản Việt Nam làm hại dân, hại nước. Đó là luận điệu xằng bậy, phản động. Mọi người dân Việt Nam và những người có lương tri trên thế giới đều thấy rõ thành quả to lớn mà Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành được trong hơn nửa thế kỷ qua. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc và giai cấp: Độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Rất nhiều người cộng sản đã xả thân, hy sinh vì lý tưởng, mục tiêu đó; những người cộng sản chân chính hiện đang tiếp tục phấn đấu hy sinh, từng bước biến lý tưởng, mục tiêu đó thành hiện thực. Vấn đề thật là rõ ràng, người cộng sản đấu tranh vì chính nghĩa, chân lý. Vậy vì sao khi họ nói bậy về học thuyết Mác-Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về Đảng ta mà không có ai trả lời, đập lại? Chúng ta phải vạch trần những luận điệu đó.

Từ ngày thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng thắng lợi hoàn toàn, nước nhà độc lập, thống nhất, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong hoàn cảnh mới, có rất nhiều khó khăn, Đảng đã đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, đưa kinh tế lên, chăm lo đời sống nhân dân; khuyến khích mọi người đầu tư phát triển, làm giàu hợp pháp đi đôi với chăm lo xoá đói giảm nghèo. Ông Bửu Hoan, một Việt kiều ở Mỹ gởi thư cho tôi, đề xuất 4 điểm. Điểm đầu tiên, ông ta nói: 2000 năm nay, bây giờ dân ta mới được hoàn toàn độc lập tự do. Tuy đất nước còn nghèo, song chúng ta đang sống trên sức của chúng ta, trên sức mạnh của nhân dân, của dân tộc mình. Thế mà có kẻ lại phê phán Đảng Cộng sản tại sao đánh Pháp, đánh Mỹ để dân phải khổ, phải hy sinh, để đất nước phải nghèo như thế này. Không biết địch cho bao nhiêu tiền để chúng làm việc vu cáo đó. Nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, bị ngoại bang thống trị, xâm lược thì nhân dân phải vùng lên chống lại. Ông cha ta đã chống xâm lược hàng trăm, hàng ngàn năm nay để giữ nước và dựng nước. Đương nhiên, để giành độc lập, tự do thì phải có hy sinh, không trả giá thì làm sao có độc lập, tự do? Các đồng chí thấy kẻ nào nói bậy thì phải có ý kiến đập lại ngay.

Chúng ta phải có ý thức về cuộc đấu tranh tư tưởng, cán bộ trong các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các nhà chính trị, các nhà văn hoá phải có thái độ, phải lên tiếng. Tại sao ta lại ngồi yên, ở thế bị động suốt mấy năm nay. Sắp tới còn bị động nữa nếu ta không bàn và thống nhất với nhau; nhất là các viện nghiên cứu mà không nghiên cứu sâu thì không thể chủ động đấu tranh với địch được. Phải đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, làm sáng tỏ vấn đề ai là kẻ giết người lớn nhất. Không để chúng “vừa ăn cướp giết người, vừa la làng”. Rất nhiều đồng chí chúng ta, trong đó có tôi, suốt đời theo Bác, theo Đảng làm Cách mạng, thấy cuộc đấu tranh của nhân dân ta gian khổ vô cùng. Bao nhiêu đồng bào, đồng chí hy sinh. Bọn cướp nước, giết người là phi nghĩa, còn ta cứu nước, chống kẻ giết người là chính nghĩa. Các đồng chí phải chủ động làm sáng tỏ vấn đề này.

2. Về chính trị, có vấn đề dân chủ tư sản, dân chủ của kẻ bóc lột, hay dân chủ vô sản, dân chủ của nhân dân lao động, nhân quyền tư sản hay nhân quyền của nhân dân, đa đảng, đa nguyên, kinh tế thị trường tư bản hay kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các thế lực thù địch vu cáo Đảng là độc tài, không có dân chủ, đang tìm mọi cách cổ động cho đa đảng, với luận điệu là làm như vậy mới có dân chủ.

Rất nhiều người trên thế giới, kể cả những người ít cảm tình với ta, cũng phải thừa nhận: bây giờ đa đảng ở Việt Nam khó lắm, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vị trí độc tôn vì mấy chục năm qua họ có nhiều công lao với dân, với nước, tổ chức, đoàn kết nhân dân đấu tranh giành được độc lập tự do; nay đang đổi mới, làm kinh tế tốt, đưa đời sống nhân dân lên; uy tín của họ đối với nhân dân cao như vậy nên không dễ gì lôi kéo được dân đòi đa đảng.

Tôi đi địa phương, cơ sở, thấy triển khai đường lối của Đảng tốt và có kết quả rõ rệt. Dân đủ ăn, điện về tới nông thôn, diện đói nghèo đang bị thu hẹp. Ta đang tập trung cho dân nghèo vay vốn làm ăn. Tôi sung sướng thấy đời sống dân được cải thiện. Song chúng ta cũng thấy ở vùng căn cứ cách mạng dân hiện còn khổ quá, nói đã nhiều mà làm chưa được mấy. Sắp tới, phải tập trung giải quyết bằng được cái này. Nhìn chung, đời sống nhân dân ngày nay so với thời Pháp thuộc khác xa một trời một vực. Ta có mấy chục vạn người có trình độ đại học, dân biết chữ là phổ biến. Vậy đa nguyên, đa đảng để làm gì? Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và cả dân tộc. Đảng chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Đảng đang tiếp tục đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Như vậy thì đa đảng để làm gì? để làm rối loạn xã hội, lâm vào nguy cơ mất nước lần nữa hay sao? Ở các nước tư bản, có nhiều tập đoàn tư bản lũng đoạn, lập ra nhiều đảng để giành nhau nắm quyền, tranh giành lợi nhuận. Họ o ép đảng cộng sản bằng mọi thủ đoạn, cựa không dược. Họ nói độc đảng là mất dân chủ, là độc tài, có đúng không? Chính quyền của ta do Đảng lãnh đạo, dân làm chủ. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân và vì nhân dân, tất cả là vì lợi ích dân tộc. Đó là dân chủ thực sự. Đảng tư sản đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản, độc tài với công nhân, với nhân dân lao động, với đảng cộng sản, họ chỉ dân chủ với giai cấp tư sản. Còn đối với toàn dân, đó là dân chủ giả hiệu. Chính người Mỹ viết cuốn Hoa Kỳ, đất nước và con người, thế kỷ 21, nước Mỹ tự nhìn lại mình, các đồng chí đọc sẽ biết. Ở Mỹ, hiện có 7 triệu người không có nhà ở, ở 7 nước tư bản phát triển nhất có 45 triệu người thất nghiệp. Vậy phải chăng đó 1à dân chủ tự do? Tự do thất nghiệp, tự do không nhà ở, tự do làm găngstơ, mafia, tự do nghiện hút, mãi dâm.

Về nhân quyền, điều thứ nhất trong Công ước của Liên Hợp Quốc về nhân quyền là tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, đó là quyền thiêng liêng nhất. Theo đó thì ai là kẻ vi phạm nhân quyền? Dưới ách thống trị của thực dân, phátxít trước đây, chúng bắt bớ, tra tấn tù đày, giết hại bao nhiêu người yêu nước và người dân lương thiện, sao lúc đó chúng không nói bảo vệ nhân quyền? Dân tộc ta bị chúng cai trị, tức là mất quyền làm người cơ bản nhất, và chúng là kẻ vi phạm nhân quyền lớn nhất. Bọn xâm lược nước ta định bắt dân Việt Nam phải khuất phục một lần nữa có phải là vì tôn trọng nhân quyền không? Khi tiếp các chính khách tư bản tôi đặt câu hỏi, họ không trả lời được. Ta tôn trọng Công ước nhân quyền. Công ước đó áp dụng chung cho thế giới, song phải nói mỗi nước có đặc thù, có truyền thống, có luật pháp của mình. Đặc thù, truyền thống phương Đông khác với phương Tây, không thể áp đặt cái của mình cho người khác. Đặc thù và truyền thống Việt Nam cũng có nhiều cái khác. Ta có áp đặt cái của mình cho ai đâu mà họ lại đòi áp đặt cái của họ lên đất nước ta sao được. Chính ở nước họ có không biết bao nhiêu vấn đề về nhân quyền, sao họ không lo giải quyết, lại đòi đi dạy thiên hạ. Đã qua rồi cái thời kẻ mạnh muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, áp đặt cái của mình lên người khác, bắt người khác làm theo ý mình. Vừa rồi, họ định đưa ta ra Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền, song những người thiện chí đã nói: nhân quyền ở Việt Nam chẳng có gì đáng đưa ra LHQ cả. Kết quả là họ thất bại, không đưa được vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ra LHQ. Song, sắp tới vấn đề này sẽ còn phức tạp. Vừa qua ta đã xử lý nhanh, gọn, tốt để không ai có thể lấy cớ chống ta. Ta đấu tranh hy sinh bao xương máu mới giành được độc lập có quyền làm người, nay họ lại cho gián điệp vào, móc nối với một số phản động trong nước, gây mất ổn định nhằm lật đổ ta, nhằm mục tiêu đến cuối thế kỷ này thủ tiêu hết các đảng cộng sản, thủ tiêu hết các chính quyền cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Như vậy, rõ ràng là họ tiếp tục vi phạm nhân quyền. Chúng ta phải ở thế tiến công, phê phán, vạch rõ các thế lực đang vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và công ước quốc tế về nhân quyền.

Một số người chỉ thấy mặt tốt của tư bản, không thấy mặt trái của nó, đang cổ động đa nguyên, đa đảng, dân chủ. Họ nói chúng ta không có dân chủ, vậy ai có dân chủ? Ai dân chủ nhiều, ai dân chủ ít? Dân chủ cho ai? Đó là những vấn đề phải làm rõ. Chúng ta phải làm cho toàn Đảng, toàn dân biết. Phải đấu tranh chống đa đảng, đa nguyên, phải làm rõ dân chủ hay chuyên chính, dân chủ hay độc tài. Sau cấm vận, bên cạnh những thuận lợi, tình hình sẽ có nhiều mặt rất phức tạp. Các thế lực thù địch muốn đưa tư tưởng tư sản, xã hội dân chủ vào nước ta, âm ỉ tuyên truyền. Có hàng trăm “kênh” lật ta, họ định dùng người Việt Nam lật Việt Nam, dùng “công sản bất mãn, biến chất chống cộng sản cách mạng”, dùng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ dân ta. Trước dùng súng không được thì nay dùng đôla để tác động, xúi giục nội bộ ta lật đổ nhau. Ta phải nhận rõ tình hình này, đề cao cảnh giác để chống lại mọi âm mưu và hành động của chúng.

Họ nói về tự do, vậy trước hết phải giải đáp câu hỏi: tự do là thế nào? Tất cả, từ thiên nhiên, vũ trụ, xã hội loài người, đến từng cá nhân, đều tự do vận động, song đó là tự do tuân theo quy luật, tự do trong thế ràng buộc lẫn nhau, tự do trong giới hạn và khuôn khổ nhất định, đâu phải tự do lung tung. Các hành tinh quay theo quỹ đạo tự do, giữa chúng có lực tác động tương hỗ, đâu phải tự do muốn quay thế nào cũng được. Tự do kiểu đó thì vũ trụ tan tành, còn đâu đến nay. Trong xã hội cũng vậy, tự do phải có giới hạn, trong khuôn khổ pháp luật, không như vậy thì xã hội cũng tan tành ra. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trong gia đình đến xã hội, từ cổ xưa đến ngày nay, tất cả đều phải tuân theo quy luật. Mỗi người có tự do của mình nhưng không được làm mất tự do của người khác, của cả xã hội. Pháp luật phải quy định giới hạn để bảo đảm điều này.

Tự do tập hợp tổ chức để làm những việc vì dân, vì nước thì được; tự do tập hợp tổ chức để phản dân hại nước thì dứt khoát không được, nhất định dân phải trị. Các thế lực thù địch đòi ta phải tôn trọng tự do về chính kiến. Trong thời kỳ nước ta bị đế quốc thực dân thống trị, biết bao người đã đứng lên cổ vũ lòng yêu nước của đồng bào, giác ngộ nhân dân, tìm cách giải thoát khỏi thân phận kẻ nô lệ, giành lại độc lập, tự do. Những người đó đã bị cấm đoán, bắt bớ, tù đày, giết hại; thử hỏi làm gì có tự do chính kiến. Ngày nay, chúng ta tôn trọng, lắng nghe ý kiến khác nhau của mọi người góp phần xây dựng đất nước, song chúng ta không chấp nhận việc lợi dụng sự tôn trọng đó để tuyên truyền, kích động chống lại chế độ, chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Tự do ngôn luận, nhưng phải theo pháp luật, vì nước, vì dân, không được làm hại người khác, vi phạm lợi ích của người khác, của xã hội. Tất cả mọi cái phải có “độ” của nó, quá giới hạn đó là sai, không ai chấp nhận được. Ngay ở Mỹ, trong dân có 200 triệu khẩu súng, một số kẻ dùng súng giết ngưòi vô tội vạ, Clinton cũng bắt đầu phải ra lệnh thu dần súng, vì thấy thế thì nguy quá, không thể tự do như vậy được. Anh cứ tự do đụng đến họ xem họ sẽ phản ứng quyết liệt như thế nào? Vậy thì tại sao họ lại tự cho mình quyền tự do đụng đến người khác. Chúng ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng; ai là tăng ni, phật tử, ai thờ đức Jêsu, ai là tín đồ các tôn giáo là quyền của mỗi người, kể cả quyền tự do không theo đạo. Về phần mình, đương nhiên chúng ta cũng có quyền tự do là người cộng sản, thực hiện lý tưởng cộng sản trên đất nước ta, thể theo nguyện vọng của nhân dân ta. Vậy vì sao các thế lực thù địch lại đòi chúng ta không có quyền tự do đó, đòi phải xoá bỏ đảng cộng sản. Như vậy là chúng đòi xoá bỏ tự do của chúng ta, ngược lại hẳn với điều chúng thường lớn tiếng là phải tôn trọng tự do của mọi người. Xâm lược nước ta, giết hại đồng bào ta, họ đã trở thành kẻ vi phạm tự do và nhân quyền lớn nhất. Nay lại âm mưu diễn biến hoà bình, kích động bạo loạn lật đổ thì lại đang tiếp tục là kẻ vi phạm tự do và nhân quyền lớn nhất. Chúng ta có “trêu chọc” gì họ, làm hại họ mà họ cứ muốn làm hại ta mãi. Chẳng qua đó là luận điệu “cả vú lấp miệng em”, nhưng chúng không thể thực hiện nổi, dân Việt Nam không cho phép chúng muốn làm gì thì làm.

Tôi nói như vậy để phân biệt bản chất của dân chủ, tự do, dân chủ hay chuyên chính, dân chủ hay độc tài, để chúng ta có thái độ đúng và làm cho đúng. Họ nói ta không dân chủ gì cả? Đúng là tôi không dân chủ với anh, vì anh xâm lược tôi, anh định hại tôi, nhưng tôi dân chủ với nhân dân tôi. Họ nói ta độc tài? Đúng, tôi “độc tài” với bọn xâm lược, với những kẻ phản bội lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, để bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc tôi. Mình phải rành mạch, rõ ràng, vì mình là chính nghĩa, có phải không các đồng chí?

Đây là cuộc đấu tranh phức tạp, chúng ta phải có trí tuệ, phải nắm được luật pháp quốc gia, quốc tế, phải đứng trên quan điểm lập trường vững vàng để xử lý kịp thời, đúng đắn. Một mặt phải đấu tranh tư tưởng, mặt khác phải đấu tranh chính trị, có lý có tình, giữ vững độc lập, chủ quyền, kiên trì đường lối đổi mới của Đảng để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên.

3. Về kinh tế, họ bảo ta phải đi theo thị trường tự do, kiểu tư bản chủ nghĩa. Ta đã đi vào kinh tế thị trường, nhưng thị trường của chúng ta là có sự quản lý, can thiệp của nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản nắm chính quyền, nhà nước can thiệp vào thị trường là vì lợi ích dân tộc, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, không phải vì lợi nhuận của tư bản. Chúng ta cho tư bản phát triển, chấp nhận còn bóc lột, sử dụng, khai thác mọi khả năng để nhanh chóng đưa đất nước đi lên. Chấp nhận thị trường nhưng phải điều tiết, can thiệp theo hướng của chúng ta. Giai cấp tư sản cầm quyền cũng quản lý điều hành thị trường nhưng nhằm mục tiêu đem lại lợi nhuận tối đa cho các tập đoàn tư bản. Người lao động ở các nước tư bản làm việc rất căng thẳng, sức lực bị vắt kiệt. Lương cao, nhưng cái giá người lao động phải trả lại rất cao. Nói như vậy để thấy rằng ta sử dụng quan hệ thị trường nhưng nhà nước phải can thiệp vào thị trường vì lợi ích của giai cấp công nhân và người lao động. Chúng ta coi con người, hạnh phúc con người là mục tiêu, còn kinh tế thị trường, lợi nhuận là phương tiện để thực hiện mục tiêu đó, khác hẳn với chủ nghĩa tư bản lấy lợi nhuận làm mục tiêu cao nhất.

Trong nền kinh tế nhiều thành phần, chúng ta huy động mọi khả năng của nhân dân để xây dựng đất nước; sử dụng tư bản và các hình thức kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, tăng ngân sách, phục vụ xã hội; đồng thời chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh. Chúng ta phải củng cố quốc doanh vững mạnh; xây dựng và đổi mới kinh tế hợp tác nhưng là hợp tác đứng trên cơ sở tự nguyện, làm ăn có hiệu quả, ích nước lợi nhà; khuyến khích tư bản tư doanh, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài theo đúng đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước. Quốc doanh phải giữ vai trò chủ đạo, nhưng nay đang bị hạn chế vì những nhược điểm nội tại. Ta phải nghiên cứu mâu thuẫn nội tại đó để xử lý tốt nhất nhằm phát huy thế mạnh của quốc doanh, thật sự đóng vai trò chủ đạo, chi phối được nền kinh tế quốc dân. Mở cửa với bên ngoài cũng vậy, sử dụng tư bản nước ngoài về vốn, về công nghệ, về quản lý để chúng ta xây dựng đất nước ta. Cần tiến hành tổng kết các hình thức hợp tác với bên ngoài, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Như vậy, rõ ràng là việc sử dụng các thành phần kinh tế là nhằm phát huy cao độ sức mạnh bên trong của cả nước, kết hợp với tận dụng sức mạnh bên ngoài, hướng tới mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, không phải đi theo con đường của tư bản, vì mục tiêu lợi nhuận của một giai cấp, một nhóm người nào.

Tóm lại, chúng ta phải thực hiện tư tưởng của Lênin: một nước chậm phát triển muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải qua cầu tư bản nhà nước, dùng hình thức tư bản và dùng tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nắm chính quyền, phải có chính sách để thực hiện tốt tư tưởng của Lênin. Nhà nước phải quản lý, điều hành tốt theo đúng mục tiêu đó. Đây là vấn đề lý luận và cũng là vấn đề thực tiễn mà chúng ta phải bàn rõ để làm cho tốt.

4. Về bốn nguy cơ: có 3 nguy cơ chủ quan và một nguy cơ khách quan. Âm mưu của các thế lực thù địch là lật đổ, song làm được hay không, cái chính là do chúng ta quyết định, không phải do chúng quyết định. Chúng đánh ta, ta sẽ đánh lại. Nền kinh tế ta phát triển mạnh, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện, đất nước ta phát triển, giàu đẹp, lành mạnh, công bằng, văn minh thì tôi tin rằng toàn dân sẽ bảo vệ Đảng, chính quyền và chế độ, địch không thể làm gì được. Trọng tâm của vấn đề là làm kinh tế tốt, lo đời sống tốt. Vừa qua, chính do kinh tế tốt, đời sống dân tốt, nên dân tin tưởng vào Đảng, vào chế độ hơn. Dù Liên Xô sụp đổ, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, dân vẫn vững lòng tin ở Đảng và nhà nước ta.

Về nguy cơ chệch hướng, tôi đã nói là từ tư tưởng đến chính trị, kinh tế, ta phải làm sao để không chệch hướng. Các nhà lý luận, nhà hoạch định chính sách cũng như nhà tổ chức thực hiện phải làm thế nào theo đúng đường lối của Đảng, thì không chệch hướng được. Chúng ta đã làm, chúng ta đang làm, chúng ta sẽ làm và chắc chắn chúng ta làm được. Các nhà khoa học phải làm tham mưu cho Đảng xây dựng các chính sách đúng. Các nhà tổ chức thực hiện cũng phải kiểm tra, kiểm soát việc tổ chức thực hiện cho đúng, như vậy sẽ tránh được nguy cơ chệch hướng.

Chủ nghĩa Mác xuất phát từ thực tiễn. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta xử lý tốt nhất mọi vấn đề do chính cuộc sống đặt ra để đưa cách mạng tiến lên. Kinh tế chúng ta trải qua thời kỳ khủng hoảng như thế mà chúng ta đã cân đối, cân bằng được, lạm phát như thế, không có chi viện của bên ngoài mà ta giải quyết được. Đổi mới như thế, từ chỗ thu nhập quốc dân rất thấp, nay đang cải thiện, mỗi ngày một tăng. Đây là trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Tham nhũng là vấn đề lớn. Đương nhiên là lớn so với ta. Một người nước ngoài viết thư cho tôi nói đại ý: trên thế giới này, chỗ nào cũng có tham nhũng. Ở các nước tư bản biết bao vụ tham nhũng. Còn ở nước các ngài, Cụ Hồ, ông Duẩn, ông Trường Chinh có của cải gì đâu, mấy ông lãnh đạo có gì đâu. Thật ra thì ở nước các ngài có tham nhũng. Nhưng để chống tham nhũng thì ngài đừng nói nhiều mà phải làm, làm nhiều hơn nói. Nói nhiều mà làm ít thì sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, cho chính quyền này chẳng ra gì cả, kẻ địch sẽ nắm cái đó để lật đổ các ngài đấy. Thứ nữa là phải chấn chỉnh tài vụ, kế toán của ngài, chứ tài vụ kế toán như hiện nay thì kẻ xấu sẽ lấy hết tiền bạc của nhà nước. Ở nước các ngài, mua bán không có hoá đơn, chứng từ, cả vật đắt tiền cũng vậy, không có nước nào trên thế giới để như thế. Xin ngài tập trung vào khâu yếu nhất của ngài là tài vụ, kế toán. Làm cho nghiêm. Không ở đâu lại có việc buôn lậu đến năm ngàn ôtô, sáu vạn xe máy. Đấy không phải là lậu mà là công khai, buôn lậu công khai, không phải trốn thuế mà là chống nộp thuế. Phải chỉnh đốn tài vụ, kế toán, xem lại thuế khoá thì mới ổn định được.

Mặt khác phải có tổ chức cơ sở mạnh. Khi nâng cao được tính chiến đấu của chi bộ đảng bộ cơ sở, khi đảng bộ cơ sở nắm và phát động được nhân dân, thì nhất định sẽ triệt được tham nhũng. Nếu chi bộ không đấu tranh, thủ tiêu đấu tranh, không nắm quần chúng thì không thể làm gì được. Vai trò và tính chiến đấu của chi bộ, đảng bộ cơ sở là vấn đề quyết định. Chi bộ phải nắm dân, nâng cao tính chiến đấu, tăng cường quản lý thì tôi tin là giải quyết tốt được nhiều việc. Nếu đảng viên thủ tiêu đấu tranh, tinh thần cách mạng, tính chiến đấu giảm sút, thấy sai không đấu tranh, nói ra sợ hại mình thì không thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy, xây dựng Đảng là vấn đề quan trọng lắm.

Nghị quyết Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ nêu ra 4 nguy cơ thì 3 nguy cơ là do chủ quan: Nếu kinh tế và đời sống của dân ta tốt, giữ vững ổn định, không chệch hướng, chỉ đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, củng cố, nâng cao tính chiến đấu của chi bộ, đảng bộ thì nhất định tình hình sẽ chuyển biến theo hướng ngày càng tích cực. Ta mạnh thì kẻ dịch khó lật lắm, không lật nổi. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, đánh bại mọi âm mưu hoạt động của địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Bảo vệ Đảng là bảo vệ đồng chí, bảo vệ cán bộ, nhân viên nhà nước, không để đồng chí nào bị ngã trong cuộc đấu tranh này. Đây là vấn đề rất quan trọng. Ngày nay cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại và tiếp tục tồn tại. Cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đang diễn ra. Nhưng đây là cuộc đấu tranh trong hoàn cảnh mới. Ta xây dựng hoà bình, muốn là bạn với tất cả các nước. Ta chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế vì hoà bình, ổn định, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Chúng ta cần hợp tác, mở cửa trên các mặt để tranh thủ những yếu tố có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước, nhưng phải biết loại cái hại ra. Đấy là quan điểm, lập trường của ta. Chúng ta dám “chơi” nhưng đã chơi là phải được, không được phép thua, tư tưởng không được thua, chính trị không được thua, kinh tế không được thua mà phải thắng. Trong nội bộ, phải nói hết mặt phức tạp của tình hình, còn bên ngoài thì ta phải nắm vững đường lối để làm ăn, phải có quan điểm giai cấp cho vững, nhưng không cần nói gay gắt, ồn ào. Cuộc đấu tranh này còn lâu dài, gian khổ, toàn dân, toàn diện để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us