Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 12/04/2011 03:05, cập nhật lần cuối 12/05/2011 10:49

Bạn đọc và Diễn Đàn


Dân chủ phải có lãnh đạo

Những người Hà Nội rất thích thú khi đọc lá thư ngỏ của anh Nguyễn Ngọc Giao gửi anh Lê Quang Vịnh liên quan tới câu chuyện bài viết của anh Phan Đình Diệu. Trong số những người này, có một số anh chị em thỉnh thoảng được đọc tờ Diễn Đàn của các anh mà người ta hiểu rằng đó là những trí thức yêu nước, đồng thời yêu dân chủ.

Là một trong những người nói trên, tôi xin nhờ các anh đăng bài dưới đây trong Diễn Đàn:


Những hội chỉ có trên giấy

Về Hà Nội, tôi được gặp một số anh chị em trong những người từ năm 1990 làm đơn xin thành lập Hội Hữu nghị Việt-Pháp Hà Nội. Các bạn đó cho biết: vì Hội Hữu nghị Việt-Pháp Trung ương, cũng như các hội hữu nghị khác, hoàn toàn chỉ có trên giấy (có trên giấy nhưng cũng chẳng có giấy tiêu đề – papier à en-tête, không con dấu, không có tài khoản ngân hàng, không có hội viên đóng niên liễm), còn như những người trong Ban chấp hành thì do cấp trên chỉ định, nên số anh chị em này muốn xin lập ra một hội có thật, nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa Hà Nội và Paris.

Sau ba năm chờ đợi, anh chị em đã nhận được giấy phép, nhưng lại kèm theo một quyết định chỉ định một Ban trù bị gồm những anh chị em có đơn xin lập hội, song Trưởng ban và một uỷ viên thường vụ khác của Ban trù bị lại là những người không hề làm đơn xin lập hội. Hơn thế nữa, cấp trên còn yêu cầu các uỷ viên thường vụ của Ban trù bị phải loại ra ngoài Ban chấp hành một số người (mà có lẽ cấp trên không ưa lắm), rồi báo cáo cho cấp trên danh sách Ban chấp hành để được duyệt thì mới họp Đại hội đồng, giới thiệu Ban chấp hành đã được dự kiến và được cấp trên chuẩn y, để Đại hội đồng biểu quyết bằng... giơ1 tay.

Than ôi, bao giờ Hà Nội có được những Hội hữu nghị đích thực của dân, hoạt động bởi dân và vì dân?

ABC ( Nội, Việt Nam)

* Theo tập tục của các nước “xã hội chủ nghĩa hiện thực”, các hội hữu nghị, chỉ có trên danh nghĩa, đều trực thuộc Ban đối ngoại trung ương của Đảng cộng sản, và chịu sự kiểm soát của cục tình báo và phản gián. Người ta có quyền chờ đợi ở chính quyền Việt Nam một sự thức thời trong lãnh vực này. Theo chúng tôi được biết, ngay Hội hữu nghị Pháp-Việt ở Pháp cũng nhiều lần lịch sự tỏ ý mong đợi có một hội hữu nghị thực chất làm đối tác ở Việt Nam.


Chú thích của người đánh máy :

1 Nguyên văn của tác giả là : dơ tay. Vì có nhiệm vụ sửa lỗi chính tả, nên người đánh máy đã mạn phép tác giả mà sửa thành: giơ tay. Nhưng nghĩ lại, có lẽ tác giả cố ý viết là chăng. Vì câu chuyện hội tề này quả là... thật.


Thư Sài Gòn

“Ở Sài Gòn bây giờ không khí làm ăn dữ lắm. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện áp-phe. Saigon coi như đang bị những cơn lốc của nền kinh tế thị trường cuốn phăng đi. Cả tụi trẻ cũng vậy, bạn bè con lâu ngày gặp lại, câu đầu tiên hỏi nhau là “ Lương bây giờ bao nhiêu? Có được tăng lương chưa? Đã được đi ngoại quốc chưa? Có chỗ làm kia kìa nghe nói là trúng dữ lắm...”. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại thấy giật mình vì tâm hồn mình sao trở nên khô khan và “nghèo” quá. Con nhớ hồi xưa, khoảng 5 năm trước đây thôi, con và bạn bè có thể bỏ cả buổi để bàn về một cuốn phim hay, một cuốn truyện, hay một cách sống nào đó... Hồi đó dĩ nhiên là tiền học không nhiều như bây giờ, nhưng tụi trẻ chịu khó trau dồi tâm hồn hơn. Đúng là Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ, đang lấn cấn giữa một cái nền kinh tế kế hoạch hoá và nền kinh tế thị trường, và đang bị một cái xã hội mạnh về tiêu thụ cuốn phăng đi. Con có đi vào những con hẻm sâu ngoắt nghéo. Có những nhà rất nghèo, làm bằng tôn hay giấy báo thôi, nhưng vẫn có tivi màu và máy karaoké hát ầm ĩ suốt ngày.

Thậm chí hiện nay con cũng rất ít đọc sách. Có đọc chăng nữa chỉ là báo chí hàng ngày và sách vở về kinh tế thị trường, vì con đang học thêm buổi tối về ngoại thương và kinh tế. Kiến thức về văn hoá xã hội nói chung, những điều hay ho mà còn tích luỹ được ngày hôm nay, toàn là dấu tích của thời gian trước. Nói chung là trí tuệ đang bị nghèo đi và khô kiệt. Cũng may là con sớm nhận thức được điều đó và đang cố gắng để sống lại một đời sống văn hoá tinh thần giàu có như hồi xưa. Ráng thôi, nhưng cũng không phải dễ vì con thấy ở Việt Nam này, khó mà sống tách mình ra khỏi nhịp sống chung của mọi người được. Khó mà làm một điều mình thích mà không sợ những lời bàn tán chung quanh. Chẳng hạn như V. bạn con đi. V. ở dưới tỉnh Đ. lên Sàigòn học. Nay đã ra trường, và mục tiêu trước mặt của V. là kiếm một công việc lương thật nhiều để sắm xe cộ, nhà cửa, lấy vợ, và lo cho bố mẹ còn ở dưới quê. Đấy là một điều tốt. Nhưng khi V. thấy con tiêu nhiều tiền cho sách truyện hay những buổi văn nghệ lớn, V. hay khó chịu, bảo tiền để đấy làm chuyện khác. Con để dành được một chút tiền, định đi chơi Pháp một chuyến, V. bảo con không biết lo cho tương lai, lỡ đùng một cái con thất nghiệp, lấy tiền đâu mà dùng trong thời gian kiếm việc mới, phải biết dành dụm, chẳng may con ốm đau, hay người trong gia đình ốm đau cần một món tiền lớn để chữa bệnh thì sao... Con thì con nghĩ phải tận dụng tuổi trẻ của mình. Bây giờ còn trẻ còn thích đi chơi, mai mốt già có điều kiện đi, thì lại không thích đi nữa, thì có phải khó không... Nói chung là tại Việt Nam còn nghèo quá và xã hội chưa bảo bọc và bảo đảm mức sống tối thiểu của dân, nên mình cứ phải lo và phòng xa trước đã. Nhiều lúc con cũng phân vân không biết phải hướng cuộc sống của mình theo hướng nào và kiểu nào (...)”.

Trên đây tôi trích hai trang thư của cô cháu gái, năm nay 24 tuổi, viết ngày 24 tháng 5-1994. Tôi nghĩ nó cũng phản ánh phần nào một thực trạng và tâm trạng của tuổi trẻ trong nước, nên muốn chia sẻ với bạn đọc Diễn Đàn.

Vũ Thanh (Créteil, Pháp)

Visa

Gần đây, tôi đã 2 lần làm đơn xin phép về Việt Nam, gửi tới Phòng lãnh sự Việt Nam ở Paris:

– Lần thứ nhất là đơn của vợ tôi làm ngày 10.11.1993, đơn mẫu số 2, gửi ngay ngày hôm đó qua đường bưu điện, có kèm theo phong bì dán tem để trả lời. Mười ngày sau, 20.11.1993 (theo con dấu bưu điện trên phong bì có đóng dấu Ambassade R. S. du Việt Nam), cái đơn này bị gửi trả lại với một câu chú thích viết bằng tay ở trên đầu lá đơn, không có tên, chức vụ và chữ ký của người viết, cũng không có dấu ấn của một văn phòng phụ trách nào của Lãnh sự hay Sứ quán Việt Nam: “Đề nghị bà liên lạc với các hãng du lịch”.

– Lần thứ hai, tôi lại làm thêm một lần nữa, ngày 5.5.1994, 2 đơn mẫu số 2, xin về Việt Nam: một của vợ tôi, một của riêng tôi, cũng gửi qua bưu điện cùng ngày hôm đó và có kèm theo 2 phong bì dán tem. Ngày 12.5, cả hai đơn này lại bị gửi trả lại với một dòng chú thích: “Ô/bà đi du lịch, xin mời ông bà liên lạc với các hãng du lịch để làm thủ tục” cũng không chữ ký, dấu ấn chi cả như trong đơn làm lần thứ nhất.

Ng.T. ( vùng Paris , Pháp)

* Chúng tôi đã điện thoại cho Phòng lãnh sự để hỏi chung về thể thức cấp chiếu khán. Nhân viên lãnh sự cho biết, theo chỉ thị của Bộ ngoại giao Việt Nam hiện nay:

1. Người Việt Nam ở nước ngoài (bất luận quốc tịch) có thể tới sứ quán Việt Nam tại Pháp để lấy các mẫu đơn số 1 và số 2:

a– nếu về thăm thân nhân: nộp đơn ở sứ quán, và sứ quán sẽ giải quyết.

b– nếu về làm việc với một cơ quan trong nước, thì thủ tục giấy tờ phải do cơ quan này tiến hành.

c – nếu về du lịch : phải qua các công ty du lịch, các công ty này sẽ trực tiếp tiến hành thủ tục với Tổng cục du lịch Việt Nam.

2. Người nước ngoài không gốc gác Việt Nam:

a– nếu đi du lịch, có thể thông qua sứ quán để giải quyết.

b– nếu đi làm việc với một cơ quan trong nước, cũng như trong đoạn 1b ở trên.

3. Lệ phí chiếu khán (visa):

a– Người Việt Nam về thăm thân nhân: 120F (nếu mang hộ chiếu Việt Nam), 150F (nếu mang hộ chiếu nước ngoài).

b – Người nước ngoài đi du lịch: 350F.

(Đó là phần lệ phí ở sứ quán. Qua các hãng du lịch, theo thăm dò của chúng tôi, tiền lệ phí thay đổi tuỳ hãng từ 350 đến 500F).


Đọc sách hay Nhặt sạn?

Diễn Đàn số 29 (tháng 4.94) đăng bài Những viên sạn của ông Nguyễn Hữu Thành, tôi nghĩ là việc rất nên, nhất là khi sách báo tiếng Việt hiện nay, trong nước cũng như ngoài nước, có chiều hướng cẩu thả. Chỉ có điều, theo thiển ý, không nên xếp bài ấy vào mục đọc sách hay điểm sách. Riêng bản Tây Sương Ký năm 1992 của nhà xuất bản Văn Học, tôi thấy nên ghi nhận sự việc là Văn Học đã đề rõ tên dịch giả là ông Nhượng Tống. Trước đây, người ta chỉ đề N.T., thậm chí không để tên người dịch.

P.V.N. ( Massy, Pháp)

Chùm chìa khoá

Tự chúng ta phải phá vỡ ghetto giữa bằng hữu trí thức, trong khi con rùa “mở cửa” cứ lịch kịch từng bước trong cái mai nặng nề của nó. Chúng ta đã sống suốt một thời kỳ đất nước mà lượng thông tin lịch sử bằng cả một thế kỷ dồn nén lại. Và mỗi chúng ta đều sở đắc được một vốn liếng kiến thức tích luỹ bằng cả tuổi trẻ mà nhiều thế hệ trước (và sau) không bao giờ có được. Đó là bất hạnh, nhưng cũng là may mắn của một hòn sỏi bị ném vào gió cát của một thời đất nước.

Mình nghĩ thế này: chính chúng ta, và không phải ai khác, đã bỏ túi được một chùm chìa khoá có thể mở ra bao nhiêu cánh cửa bí ẩn của số phận người Việt nhiều khi vùi lấp đằng sau đó những cái “bất khả tri” của rất nhiều thế kỷ. Và cũng chỉ có một thời kỳ nào đó mới có khả năng “trao chìa khoá” cho con người, thí dụ thời của Nguyễn Trãi, thời của Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tôn, thời của Nguyễn Du... Chính trí thức là người tổng kết kinh nghiệm của thời đại mình, và qua mỗi thời tổng kết như vậy, lại thúc đẩy sự phát triển của nhân cách Việt Nam đạt tới lý tưởng nhân bản của toàn nhân loại. Có nghĩa là, sau một cuộc chiến đấu sinh tử để giành quyền tồn tại dưới ánh mặt trời, chiến thắng giành được không phải là để chia cắt người Việt khỏi cộng đồng (dân tộc và nhân loại) mà là tạo ra sự bình đẳng để hội nhập vào thế giới. Hiển nhiên, sự hội nhập nào cũng đòi hỏi điều kiện bình đẳng của nó; còn nếu trong tay anh không có một bản lĩnh gì để làm vốn dắt lưng, thì chạy ùa theo người khác chỉ làm một đám người “ăn theo” chẳng ai mời và ngược lại, đóng kín cửa để giữ yên trong nhà thì bất quá là đầu óc của kẻ tiểu nhân chỉ biết thủ phận để giữ lấy miếng cơm manh áo. Ăn theo hay thủ phận đều không xứng đáng với cái giá mà người Việt đã phải trả cho quyền sống của chính mình. Đấy là suy nghĩ của mình trong khát vọng cầm một tờ báo như Diễn Đàn trong tay, ở những xứ sở mà nghề làm báo phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, trừ một thuận lợi căn bản nhất mà trong nước không có, là quyền tự do tư tưởng.


N.T. (Việt Nam)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss