Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Dân chủ là gì?

Dân chủ là gì?

- Đặng Tiến — published 12/04/2011 03:15, cập nhật lần cuối 12/05/2011 10:52

Dân chủ là gì?


Đặng Tiến



Đòi hỏi bức bách nhất của người Việt Nam hiện nay là dân chủ. Các yêu cầu chính đáng khác như tự do, hoà hợp, phát triển, hiện đại hoá sẽ là hệ luận, hiệu quả tất nhiên. Chúng ta đã có nhiều bài báo, nhiều chứng từ lên án các vi phạm dân chủ tại Việt Nam, nhưng chưa có nhiều suy nghĩ về nội dung hai chữ dân chủ. Dân chủ bắt đầu từ pháp quyền, nhưng pháp quyền chỉ mới là thể thức đưa đến dân chủ, chưa phải là nội dung dân chủ.

Dân chủ là rừng cây thay lá hằng ngày, là một khái niệm thường xuyên tiến hoá. Điều ta nghĩ, ta nói về dân chủ hôm qua, hôm nay chưa chắc còn đúng; nhưng chúng ta vẫn phải nghĩ và phải nói, vì đó là trách nhiệm, là tư cách của mỗi chúng ta.

Cách đây một năm tôi đã có viết ngắn về dân tộc và dân chủ (D.Đ. số 11, 1.9.92), đại ý nói rằng hai giá trị ấy bổ sung cho nhau. Dân chủ, ngày nay là chế độ hiệu lực nhất để phát huy những truyền thống cao đẹp của dân tộc. Bù lại trong quá khứ chống ngoại xâm, tinh thần dân tộc đã góp phần đắc lực vào quá trình dân chủ, nhưng hiện nay, trong giới hạn nào đó, nó trở ngại cho dân chủ, một phần vì bản chất tính dân tộc, phần khác vì người cầm quyền lạm dụng hai chữ dân tộc để kìm hãm những yêu cầu dân chủ, duy trì chế độ độc đoán, độc quyền, độc đảng.

Trong năm qua, tình hình thế giới và trong nước đã xác nhận lý luận chúng tôi. Cuộc chiến tranh thanh lọc chủng tộc ở Bosnie, và gần đây hơn, những thanh toán thị tộc đẫm máu ở Rwanda chứng minh rằng chủ nghĩa dân tộc – mà ông Le Pen là đại biểu hùng hồn nhất tại Pháp, tiềm ẩn nhiều thành tố lạc hậu. Thậm chí, tiêu chuẩn xác định tinh thần dân chủ của chúng ta hôm nay, là thái độ chúng ta đối với... Bosnie hay Rwanda! Mới đây thôi, ngày 3.3.1994, ông Đỗ Mười còn chống chế cho những vi phạm nhân quyền của mình: “ Đặc thù, truyền thống phương Đông khác với phương Tây, không thể áp đặt cái của mình cho người khác. Đặc thù và truyền thống Việt Nam cũng có nhiều cái khác. Ta có áp đặt cái của mình cho ai đâu...” Các tù trưởng Rwanda nói vậy cũng được thôi.

Dĩ nhiên, dân tộc tự thân nó không phải là chướng ngại lớn trên con đường dân chủ, mà chỉ làm cái cớ. Còn bao nhiêu trở ngại khác, chúng ta khó vượt qua được vì không ý thức được chính xác. Mới đây, tôi đã điều chỉnh được một số quan điểm còn mơ hồ trong tư duy, nhờ đọc sách Dân chủ là gì? (Qu’est ce que la Démocratie?) của Alain Touraine mới xuất bản(1).

Quan niệm dân chủ của Alain Touraine bàng bạc trong toàn tác phẩm, có thể tóm tắt như sau: dân chủ là tổng thể cơ chế do đa số quyết định , phát huy được ở mỗi người, dù thuộc đa số hay thiểu số, mọi giá trị cá thể và dị biệt, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, giai cấp.

Cụ thể hơn, dân chủ là cơ chế, luật pháp nhưng còn là văn hoá do xã hội tôi luyện, và là tự do cá nhân. Dân chủ là chính quyền của đa số, nhưng tôn trọng và phát huy quyền lợi, dự án của thiểu số; dân chủ là cái đại đồng phát huy tiểu dị, đề cao mọi giá trị nhân bản gồm ba phần: óc duy lý (thuộc nhân loại), bản sắc văn hoá (thuộc cộng đồng), tư chất cá nhân. Dân chủ làm bằng kỷ niệm và dự án, tinh thần và vật chất, cố định và biến chuyển. Dân chủ là cái chung kết hợp những điều riêng, là cái xưa cũ ngày ngày đổi mới, sự hiện đại bảo tồn truyền thống. Dân chủ là nguồn sáng mỗi lúc đổi sắc độ, soi chiếu và nuôi dưỡng một trần gian trường cửu. Là lý luận mà cũng là giấc mơ, dân chủ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Dân chủ là phấn bướm rơi trên định đề Euclide, là trường thành bảo vệ những mong manh.

Người dân chủ là một công dân, nhưng không phải chỉ là công dân, vì có nghĩa vụ, mà cũng có quyền năng. Đưa ra một đề án xã hội, không cần xưng mình là “công dân” Bùi Tín, “công dân” Phạm Thị Tề. Làm người, không phải chỉ làm dân.

Dân chủ là bình đẳng, bình quyền. Nhưng bình quyền vẫn chưa phải là dân chủ, khi con người... không có quyền gì ráo! Và bình đẳng chỉ trở thành dân chủ khi con người có thể chọn lựa món hàng mình ưa thích, trong cuộc đời tự mình quản lý và dự phóng.

Người dân chủ thuộc một cộng đồng, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, nhưng không phải chỉ là một thành tố của cộng đồng; vì con người dân chủ sống tự do bên ngoài những định tính (déterminisme) về huyết thống và truyền thống. Người dân chủ có quyền từ khước cộng đồng khi cộng đồng ấy đưa ra những đề án ngược lại với giá trị nhân loại.

Dân chủ đi đôi với phát triển; là động cơ của phát triển chứ không phải là hậu quả, vì là chế độ trong đó con người làm chủ kỹ thuật và thị trường. Đã đành rằng kinh tế thị trường đang giảm bớt quyền hạn nhà nước Việt Nam chuyên chế hiện nay, nhưng nó không tạo thêm tự do cho đa số dân chúng; ngược lại chế độ đảng trị tưởng đã hấp hối, sẽ có cơ hồi sinh nhờ nhân sâm tài phiệt và tư bản.

Điểm mới trong tác phẩm Alain Touraine là đã tố giác những chính quyền chuyên chế, xuất thân từ đấu tranh cách mạng và nhân danh giải phóng; và đồng thời nói lên “ cơ nguy trong sự đối diện thị trường và thị tộc” – le face à face trop dangereux du marché et des tribus. Phân tích ấy hợp lý, hợp thời và đúng với tình trạng nước ta, tuy rằng tác phẩm không đặc biệt nhắm vào Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam kêu gọi đầu tư. Người Tàu, người Nhật và nhiều nước khác sẽ đầu tư tiền bạc, kỹ thuật. Nhưng vốn liếng và trách nhiệm về chính trị, văn hoá là của người Việt chúng ta. Cuộc đấu tranh cho dân chủ gian nan vì quần chúng chưa biết dân chủ, chưa cảm thấy mất mát. Mệt mỏi sau cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất, người dân an phận với hoà bình, và cơm áo. Tính kiên nhẫn ấy không thuận lợi cho dân chủ và phát triển. Nhiệm vụ của người có ý thức và có tiếng nói là phải thường xuyên khơi dậy những khát vọng của xã hội.

Nhưng vận động dân chủ còn rời rạc, yếu ớt, vì bản thân giới trí thức chưa đủ nhiệt tình, do sợ sệt, lười biếng hay chưa ý thức đúng mức. Người dân, mai kia, dù không nói ra, sẽ khinh thị người cầm bút, như họ đang khinh thị người cầm quyền hiện nay, khi cả người cầm quyền lẫn người cầm bút không làm tròn nhiệm vụ của mình. Vận động dân chủ hiện nay, là trả giá để làm người, và trả món nợ để làm người Việt Nam.


Đặng Tiến 

(21.6.94)



(1) Alain Touraine, Qu’est-ce-que la Démocratie, Nxb Fayard, Paris 1944. 300 trang, giá 130F


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us