Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Dân chủ: 5 năm sau

Dân chủ: 5 năm sau

- Nguyễn Quang — published 12/04/2011 03:50, cập nhật lần cuối 12/05/2011 11:04
Người cộng tác: Kiến Văn (dịch)

Thảo luận


Dân chủ: 5 năm sau


Nguyễn Quang

 

Con người là động vật duy nhất biết tưởng niệm: ngày sinh, ngày chết, ngày đại thắng, ngày chiến bại, ngày chiến tranh bùng nổ, ngày hoà bình lập lại..., người ta vẫn nói vậy. Thế mà không hiểu tại sao ngày kỷ niệm 5 năm sự kiện Bắc Kinh (và sắp tới đây Berlin) trôi qua gần như im ắng? Cách đây đúng năm năm thôi, sinh viên Bắc Kinh dựng bằng polystyren tượng đài Nữ thần Tự do sừng sững giữa quảng trường Thiên An Môn, báo hiệu sự đổ sập của bức tường Berlin và sự sụp đổ của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Chiều hôm trước của năm 2000, dân chủ đại thắng chủ nghĩa toàn trị – một thắng lợi tuyệt đối, đến mức có người đã tiên tri sự kết thúc của Lịch sử. Thế mà năm năm sau, Lịch sử vẫn chưa chịu kết thúc, còn nền dân chủ hầu như đang bị dẫn vào thế bị động ở khắp nơi, tê liệt vì khủng hoảng kinh tế, bị đe doạ dưới chế độ độc tài, bất lực trước “chủ nghĩa phát xít đang tới”1... ở châu Á, nó gặp sự thách thức của mô hình tư tưởng mấy nước con rồng (phát triển kinh tế mà không có tự do chính trị). Trong khi đó, ở châu Âu và châu Mỹ, cái nôi và thành luỹ của nó, dân chủ đang kinh qua một cuộc khủng hoảng bản, nghĩa là ngay từ nền tảng của nó: hệ thống đại diện chính trị và tinh thần cảnh giác của công dân. Sự hoang mang bối rối lại càng sâu sắc vì các định chế dân chủ không có phương tiện tự vệ khi phải đương đầu với những nguy cơ hiện nay. Tại sao như vậy? Chính vì các nguyên tắc của dân chủ mâu thuẫn với nhau.

Một nghịch lý chí tử

Các nguyên tắc và cơ chế của nền dân chủ đại biểu (démocratie représentative), như người ta vẫn thường nói đi nói lại, vốn không nhiều và khá đơn giản. Về nguyên tắc, dân chủ là “ chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và vì nhân dân”. Trong thực tiễn, nhân dân uỷ quyền cho những cơ quan công lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp), các cơ quan này nhân danh nhân dân mà cầm quyền, song quyền lực của chúng được hạn định bởi ít nhất hai nguyên tắc: (1) sự phân quyền, qua đó mỗi quyền lực đều có đối trọng để tránh sự lạm dụng; (2) phổ thông đầu phiếu (bất luận theo hình thức nào) sau mỗi nhiệm kỳ, đặt lại vấn đề tín nhiệm đối với chính quyền, nhờ đó ngăn chặn được sự chuyên chính, độc tài. Chỉ có vỏn vẹn hai nguyên tắc đó. Triển khai thêm chút nữa, chúng ta dễ thấy là chúng thiếu sót và mâu thuẫn nhau, biểu lộ các nhược điểm và khiếm khuyết của cơ chế dân chủ.

Nghịch lý chủ yếu của dân chủ tiềm ẩn trong phương châm nổi tiếng của Saint-Just, nhà cách mạng Pháp: “ Không có tự do cho những kẻ thù của tự do!” . Vấn đề là: trong một xã hội dân chủ, các quyền tự do tư tưởng, ý kiến và phát biểu, về nguyên tắc mà nói, phải là những quyền tự do tối da và trong thực tế, chỉ có thể bị hạn chế bởi lý do nhà nước (raison d’Etat) – mà lý do nhà nước lại thường không được coi là dân chủ. Nói như vậy, phải chăng là tất cả các ý kiến đều có quyền được phát biểu như nhau? Tất cả, kể cả ý kiến chống lại quyền tự do ý kiến? Dân chủ như vậy phải chăng là: 15 phút cho phái tự do, 15 phút cho đảng phát xít, 15 phút cho người Do Thái, 15 phút cho bọn quốc xã (nazi)? Không thể như vậy được, cho nên người dân chủ nghe phương châm của Saint-Just thấy rất thuận tai. Nhưng khốn nỗi, câu nói trứ danh này lại mang trong nó mầm mống sự diệt vong của dân chủ. Lịch sử đã kiểm nghiệm điều đó: ở Pháp nó đã dẫn tới chế độ Khủng bố; ở Đức, chủ nghĩa nazi; ở Liên Xô, chủ nghĩa Lênin-Stalin; ở Trung Quốc, chủ nghĩa Mao... Còn bao thí dụ khác. Có thể kể thêm các ayatollah ở Iran, cho dù các vị giáo chủ Hồi giáo toàn thủ này không thèm nói đến tự do. Bởi vì trong vấn đề đang bàn, hai chữ tự do không quan trọng, ta có thể tạm thay chúng bằng một từ x nào cũng được: “Không có x cho những kẻ thù của x!”. Câu hỏi cần đặt ra: ai là người định đoạt xem x là gì, ai chỉ định kẻ thù của x là những ai? Các nhà triết học chăng? Không được, vì đã nói triết gia thì mỗi người một ý kiến. Các nhà bác học chăng? “x” không phải là một bộ môn khoa học. Đa số chăng? Kẹt một nỗi ý kiến của đa số nay thế này, mai thế khác, đó là không nói đến chuyện đổi đa số... Rốt cuộc, vô hình trung, câu nói của Saint-Just dẫn tới câu trả lời: người nào nắm quyền trong tay (Saint-Just, Lênin, Mao Trạch Đông) là người định đoạt xem x là gì, kẻ thù của x là những ai. Chứ chế độ dân chủ, do bản chất hữu cơ của nó, không có câu trả lời. Nói chính xác hơn, vì tự do không thể được định nghĩa bởi hiến pháp, nên ta chỉ có thể xác định một “thực tiễn pháp chế về tự do” (jurisprudence de la liberté): chế độ dân chủ chỉ có thể cung cấp câu trả lời qua thực tiễn hàng ngay, trong từng trường hợp cụ thể.

Giải đáp như vậy cũng là khá rồi, nhưng không thể nào gọi là thoả đáng, và nhất định không đủ để bảo vệ chế độ dân chủ chống lại mũi tiến công của kẻ thù bên trong: Hitler đã lên cầm quyền ở Đức một cách dân chủ và hợp pháp; Mặt trận Hồi giáo cứu rỗi (FIS) lẽ ra cũng đã nắm quyền ở Algérie theo cùng một kiểu 2. Một khi nắm chính quyền trong tay rồi, đảng nazi mới thủ tiêu nên cộng hoà Weimar bằng cách xoá bỏ các quyền tự do cơ bản của chế độ đại nghị (bầu cử, báo chí, công luận...) chính nhờ những quyền tự do này mà đảng nazi đã lên nắm chính quyền! Có thể nghĩ rằng đảng Hồi giáo toàn thủ cũng sẽ làm như vậy nếu họ nắm được chính quyền ở Algérie (họ chưa bao giờ nói toạc ra như vậy, nhưng họ cũng không hề chối). Ai dám nói chắc rằng ở Ý hay Pháp, kịch bản đó sẽ không tái diễn: tâm lý xã hội đã thay đổi nhiều, nhiều điều cấm kỵ trước đây (về nạn kỳ thị chủng tộc, chống Do Thái, về chủ nghĩa phát xít...) đã mai một (cái gọi là “phe hữu có tinh thần cộng hoà” mang trách nhiệm không nhỏ trong việc này)... Trong tình huống ấy, dân chủ chỉ còn cách chọn lựa giữa cái chết (nếu nó kiên quyết giữ nguyên tắc) và tự sát (nếu nó phản bội nguyên tắc).

Dân chủ trực tiếp

Tất nhiên ta có thể lập luận như sau để tự trấn an: mâu thuẫn nói trên dẫn xuất từ các nguyên tắc của dân chủ, không sao giải quyết được, song trong sinh hoạt bình thường của các chế độ dân chủ có truyền thống, hiếm xảy ra trường hợp này. Cho là như vậy đi, nhưng trong thực tiễn dân chủ, rất thường gặp những tình huống phải xử trí dứt khoát, mà xử trí dứt khoát là đụng ngay tới những nguyên tắc. Chẳng hạn như trong cuộc tranh luận cổ điển giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.

Nếu nhân dân làm chủ, thì tại sao không làm chủ một cách trực tiếp? Trong chế độ dân chủ của thành Athènes, hàng ngày người ta cử ra một số công dân, những người này bàn thảo, quyết định việc nước công khai ở giữa hội trường agora. Trong truyện ngắn hư tưởng Xổ số Babylone, J.-L. Borges đã đưa cái lôgíc ấy đến tận cùng: ông mô tả một xã hội trong đó người ta chọn lựa người cầm quyền băng cách rút thăm. Không đi tới cùng như Borges, ta có thể đặt câu hỏi: dân chủ trực tiếp chẳng dân chủ hơn dân chủ đại diện sao? Xã hội công dân có nên trực tiếp nắm chính quyền, bỏ qua những cơ cấu trung gian (chính đảng, công đoàn ) vốn là lăng kính của ý dân? Tất nhiên là không, trước tiên vì những lý do kỹ thuật hiển nhiên: chế độ dân chủ trực tiếp có thể vận hành hiệu quả trong khuôn khổ của thành Athènes hay một tổng (canton) của nước Thuỵ Sĩ, nhưng không thể thích hợp với quy mô lớn của một quốc gia hiện đại. Quan trọng hơn cả là những lý do nội dung: nhân dân không phải lúc nào cũng có lý, và kiểu “dân chủ dư luận” thường chệch hướng thành chủ nghĩa dân tuý (dérive populiste). Ra luật về chính tả, tổ chức trưng cầu dân ý về quyền có công ăn việc làm cho mọi người, đặt nạn thất nghiệp ra ngoài vòng pháp luật... có thể là được lòng dân đấy, nhưng khó có thể gọi đó là cầm quyền. Cầm quyền trước nhất là có quyền quyết định những chọn lựa chính trị, có trách nhiệm giải thích, và khi cần thiết, có đủ dũng cảm kiên trì khi ý dân trái nghịch với những quyết định ấy. Nếu dân chủ chỉ đơn thuần là làm theo hướng thăm dò dư luận, thì mỗi lần dư luận thay đổi, phải thay chính phủ hay đổi chính sách. Cứ theo cái lôgíc đó, thì làm theo lôgíc Borges, không nên tổ chức bầu cử làm gì cho tốn kém, chỉ việc thường xuyên thăm dò dư luận, giản dị và bảo đảm nhất. Hành động chính trị không thể chạy theo nhịp đập của những xung năng (pulsion), nó phải đặt trên nền tảng của một tư tưởng, do đó đòi hỏi phải có thời gian nhất định. Thời gian chính là yếu tố mà chế độ dân chủ đại nghị bảo đảm cho các đại biểu được bầu: uỷ nhiệm chính trị (mandat politique) là một thứ hợp đồng có kỳ hạn được giao kết giữa cử tri và dân cử, cho phép dân cử cưỡng lại sức ép của dư luận trong suốt nhiệm kỳ. Trong tinh thần đó, phải coi các loại plébiscite, trưng cầu dân ý (référendum, ngoại trừ các cuộc trưng cầu dân ý hợp hiến) là phản dân chủ.

Tóm lại, chủ quyền thuộc về nhân dân, song, nói như Rousseau, “ ý chí toàn dân cũng có thể lầm lạc”, cho nên muốn cho chế độ dân chủ có thể vận hành tốt, nhân dân phải chấp nhận uỷ quyền, thậm chí từ bỏ chủ quyền của mình, trong thời gian từng nhiệm kỳ, sau mỗi nhiệm kỳ (tức là trong các cuộc bầu cử) mới sử dụng quyền thưởng phạt, kiểm duyệt của mình đối với các đại biểu. Đó là giải pháp thoả hiệp để giải quyết mâu thuẫn nói trên. Cái giá phải trả cho giải pháp này, như trên đã nói, là sự xuất hiện và tồn tại của những đoàn thể trung gian (đảng phái, nghiệp đoàn... ) cần thiết cho cơ chế dân chủ nhưng cũng dễ trở thành xơ cứng, thối nát. Khi những đoàn thể này mất uy tín trước công luận, lập tức có sự đoạn tuyệt, ly dị giữa chính quyền và xã hội dân công dân.

Tâm lý chống chủ nghĩa nghị viện

Hiện nay các đoàn thể trung gian đang mất uy tín đối với dư luân, chủ yếu do hai nhân tố: tình trạng vô trách nhiệm sự thối nát, dẫn tới mẫu số chung là nhân dân có cảm tưởng bị tước bỏ quyền kiểm tra và thưởng phạt của mình. Thật vậy:

– tình trạng vô trách nhiệm của giới công chức cao cấp mà hiện nay người ta thường gọi bằng những tân từ kỹ phiệt, ENA phiệt3, âu phiệt technocratie, énarchie, eurocratie) bắt nguồn ngay từ quy chế của họ. Họ là viên chức hành chính, không phải là chính khách dân cử, nên không bị các cuộc bầu cử trừng trị (thất cử) hay tưởng thưởng (tái cử). Họ hợp thành một đẳng cấp quý tộc nhà nước, có quyền hành mà không có nghĩa vụ và không phải chịu trách nhiệm. Thậm chí công chúng còn có cảm tưởng (đúng hay sai) rằng khi họ lầm lỗi, hình phạt duy nhất mà họ có thể phải gánh chịu là bị... thăng chức (đá lên trên, nói kiểu Mỹ). Vụ án truyền máu ở Pháp chứng tỏ điều đó: toà án đã truy tố những bác sĩ, các nạn nhân và thân nhân thì khởi tố mấy bộ trưởng, nhưng các chánh văn phòng và cố vấn bộ trưởng thì cao chạy xa bay.

– ở đâu và thời nào cũng có nạn tham nhũng thối nát, song tình trạng thối nát chính trị đang lan tràn ở các nước dân chủ phương Tây nghiêm trọng tới mức 32 nước thành viên hội đồng Âu châu đã phải tổ chức một Hội nghị đặc biệt (họp ngày 15-6 tại La Valette), với hai nhiệm vụ là “nhận thức vấn đề trong tất cả sự phức tạp của nó”“ tiến tới việc soạn thảo các đạo luật mẫu và một bản công ước Âu châu”. Khi mà tất cả các chính đảng đều bị dính líu, người dân tất nhiên có cảm tưởng là phương thức luân phiên cầm quyền ( alternance, một trong những cơ chế căn bản của dân chủ) trở thành vô nghĩa: “ chúng nó thối nát tất tần t ật mất rồi”, đảng nào cũng lem nhem như đảng nào, tâm lý xã hội lập tức có phản xạ chống nghị viện (anti-parlementarime).

Chống nghị viện không phải là một hiện tượng mới trong lịch sử các chế độ dân chủ. Một khi xã hội công dân ly dị với chính quyền, các cơ cấu trung gian sụp đổ, các cơ chế bị ách tắc, lập tức các phần tử dân tuý chủ nghĩa (populiste) và bọn chính khách mị dân sẽ ngoi đầu, kích thích bản năng quần chúng, đề ra những giải pháp giản đơn cho những vấn đề phức tạp: “Muốn tạo ra công ăn việc làm, chỉ việc tống khứ mấy triệu dân ngụ cư”, “Muốn giải quyết nạn thất nghiệp, hãy đặt nó ra khỏi vòng pháp luật!” Càng giản đơn càng dễ nhồi sọ, vì tâm lý xã hội đã quá sức hoang mang, mất phương hướng. Điều này giải thích tại sao trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vừa rồi, 39% cử tri Pháp đã dồn phiếu cho những đảng phe tả cũng như phe hữu mà một nhà báo đã gọi gộp chung là “Mặt trận dân tuý” (Front populiste, nhại cái tên Front populaire, Mặt trận bình dân l936), đứa con hoang của chủ nghĩa mị dân và cái mà chúng tôi xin tạm gọi là chế độ media-trị (médiacratie).

Dân chủ Tivi

Gọi tên như vậy, chúng tôi không có ý câu khách. Mị dân và dân chủ là hai chị em cùng mẹ khác cha hay cùng cha khác mẹ. Nhưng bước sang thế kỷ 20 này, với những phương tiện truyền thông đại chúng, hai chị em đúng là Cám và Tấm, một bên may mắn được nuông chiều, một bên hẩm hiu bị bạc đãi. Vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, và các thứ báo chí “bình dân”, tóm lại là các m edia, đã trở thành con bài chủ lực của chủ nghĩa mị dân. Các media, vô tình hay tự giác, đã để hình ảnh giật gân lấn át chữ nghĩa; cái ngắn hạn, thậm chí cái tức thời, che lấp cái lâu dài; bản năng, xung năng (pulsion) khuynh loát suy nghĩ, tư duy, hướng dẫn dư luận theo chiều hướng của sự giản đơn hoá mọi vấn đề, nền tảng của chủ nghĩa mị dân. Và khi media lại làm loa cho những chính khách mị dân thì khỏi nói. Một nhà nghiên cứu tâm lý xã hội học 4 vừa hoảng hốt phát hiện: “ Điều gì sẽ xảy ra nếu mai này, chủ nhân một hãng thăm dò dư luận, chủ nhân một đài truyền hình, và chủ nhân một công ti chiến lược truyền thông quảng cáo quyết định tung một ông X nào đó ra ứng cử tổng thống? Ai dám chắc rằng họ không thể liên kết nỗ lực để bảo đảm thành công cho âm mưu đảo chính kiểu mới này?”.

Nhà nghiên cứu khoa học xã hội kể trên chắc không sành điện ảnh: suốt 50 năm qua, phim Mỹ đã đề cập nhiều lần nhiều cách đến chủ đề này rồi, từ “ Công dân Kane” đến “Một người giữa đám đông” (có lẽ vì người Mỹ quan tâm tới vấn đề này hơn người Âu, vì họ sống tại một quốc gia mà “bất cứ ai cũng có thể trở thành tổng thống”). Không đi coi chiếu bóng, ông ta cũng quên không theo dõi thời sự: đảng Forzia Italia (Tiến lên, Italia) đã lên cầm quyền ở Roma được mấy tháng nay rồi, và Silvio Berlusconi đã nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch hội đồng bộ trưởng đầu tiên của chế độ media-trị đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Ca Berlusconi làm đảo lộn mọi sơ đồ dân chủ cổ điển:

– Berlusconi không có “lý lịch chính trị” (trong khi các chính khách chuyên nghiệp khác ra ứng cử, mọi người có thể căn cứ vào quá khứ chính trị của họ để nhận định và chọn lựa)

– Berlusconi, cũng như mọi chính khách mị dân khác, không hề đưa ra một cương lĩnh chính trị: ngoài những lời hứa hẹn về bóng đá (ông ta là ông bầu một đội túc cầu) và ... 1 triệu chỗ làm.

– nhưng so với những chính khách mị dân trước đó (như Tyminski ở Ba Lan, Perrot ở Mỹ, đều là những nhân vật không có quá trình và chương trình chính trị), Berlusconi có một điểm mới, hết sức mới: ông ta là chủ nhân một tập đoàn truyền hình, báo chí, xuất bản hàng đầu của nước Ý, thế lực media của Berlusconi mạnh hơn cả nhà nước Ý. Công dân Kane mới lên cầm quyền trong tác phẩm hư cấu của nhà điện ảnh Orson Welles, còn công dân Berlusconi đã thực sự lên cầm quyền ở thủ đô Roma rồi.

Một tình huống chưa từng có trong lịch sử chính trị: một nhân vật phi - chính trị thắng phiếu nhờ không có chương trình chính trị, và chủ yếu là vì đằng sau lưng ông ta là cả một thế lực media. Lên làm thủ tướng, ông ta vẫn giữ chặt trong tay toàn bộ thế lực đó, nay lại nắm thêm thế lực media của nhà nước: các chế độ toàn trị (totalitaire) cũng không mong gì hơn là có một công cụ nhào nặn dư luận mạnh mẽ như vậy.

Những nguyên tắc dân chủ kinh điển có thể làm gì để đương đầu với chế độ “dân chủ Tivi” đang hình thành như vậy? Như chúng tôi đã phân tích ở phần đầu của bài này (“x” là gì? ai là người chống “x”?), câu trả lời đơn giản trong hai tiếng: vô phương.

Nếu không muốn bi quan hoàn toàn, cũng có thể nói rằng: dẫu sao chế độ dân chủ còn một bảo bối cuối cùng. Bảo bối này không có tính chất định chế (institutionnel) mà chỉ có ý nghĩa triết lý (mà triết lý thì lại không đo đếm bằng sư đoàn, hay bằng tỷ số phần trăm khán giả truyền hình – points d’audimat). Nó hàm chứa trong nguyên lý của chế độ dân chủ đại biểu: cách duy nhất bảo đảm cho người công dân không bị tước quyền của mình, là họ phải tích cực tham gia sinh hoạt công cộng. Một lần nữa, ta lại gặp mâu thuẫn cổ điển: một mặt thì nói chớ nên theo đuôi ý dân, mặt khác trong cơn bĩ cực thì lại ca cẩm ý dân là ý trời. Nhưng sự thật đúng là như vậy, và điều này cũng rất biện chứng. Trong quá khứ, tinh thần cảnh giác dân chủ đã cứu vãn nhiều chế độ trên đường sa đà xuống dốc dân tuý chủ nghĩa5. Song ta cũng chớ nên trông mong quá nhiều vào khả năng cảnh giới đó vì nó dễ bị xói mòn6; vả chăng, tinh thần cảnh giác bảo vệ dân chủ đòi hỏi phải có ý thức công dân, óc phê phán, tinh thần trách nhiệm, tập quán suy nghĩ..., những phẩm chất không do bẩm sinh mà chỉ có thể tích luỹ trong quá trình giáo dục. Trước màn ảnh tivi của Berlusconi loè loẹt muôn hoa nghìn tía, mà nói đến giáo dục thì có khác gì dội một gáo nước lạnh. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây4, thì đối với đa số dân chúng Pháp, tinh thần công dân có nghĩa là... tôn trọng luật lệ giao thông và tránh ô nhiễm môi trường tự nhiên! Trong khi đó, ngay cả trong những cuộc bầu cử có tính chất quyết định, tỷ lệ người không đi bỏ phiếu ở Pháp, cũng như ở châu Âu, đã lên cao gần bằng tỷ lệ cử tri ở Mỹ (số người đi bầu tổng thống Mỹ chưa tới 50%). Rousseau nói gì ấy nhỉ? “Ngay khi có một người bàn đến việc nước mà thốt ra rằng: “Việc này ăn nhằm gì tới tôi?” thì phải chờ đợi là có nguy cơ Nhà nước tiêu vong”.

[còn tiếp]

Nguyễn Quang


[Bản dịch của Kiến Văn. Nguyên tác tiếng Pháp của bài này đăng trên
bản tin
Diễn Đàn FORUM số 14, ra đầu tháng 7.1994 ]



1 J. Julliard, Ce fascisme qui vient (Cái chủ nghĩa phátxít đang tới), Seuil, Paris, 1994.

2 Cũng phải nói: ở Angiêri, chính quyền cũ (và hiện nay) không có gì là dân chủ cả.

3 ENA: E cole Nationale d’Administration, Trường quốc gia hành chính của Pháp, chuyên đào tạo những viên chức cao cấp.

4 Tuần báo L’Express, 16-22.06.94.

5 Hai tiền lệ trong lịch sử chính trị Pháp: phản ứng dân chủ đã đẩy lùi được phong trào Boulanger (thế kỷ 19) và phong trào Poujade (thế kỷ 20).

6 Hai tiền lệ trong lịch sử chính trị pháp: Bonaparte, Pétain.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss