Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 12/04/2011 04:30, cập nhật lần cuối 12/05/2011 11:11


Tin tức


Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm 4 nước Liên Xô cũ

Sau một thời gian nguội lạnh, Việt Nam và các nước Liên Xô cũ đang tìm cách hâm nóng lại mối quan hệ xưa qua chuyến đi thăm chính thức các nước Nga, Ukraina và Kazakhstan của thủ tướng Võ Văn Kiệt đầu tháng 6 vừa qua. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, một thủ tướng Việt Nam trở lại thăm các đồng minh cũ. Dẫn đầu một phái đoàn gồm nhiều bộ trưởng, quan chức chính phủ và 21 doanh nhân, ông Kiệt và phu nhân đã tới Kiev ngày 8.6, mở đầu chuyến đi bằng ba ngày làm việc tại Ukraina trước khi sang Kazakhstan và Nga. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga, Ukraina đã bắt đầu lên trở lại năm 1993 sau hai năm xuống hầu như không còn gì, với trị giá khoảng 250 triệu đôla với Nga và 100 triệu đôla với Ukraina. tuy cả hai nước này đều tỏ ý muốn đẩy mạnh trở lại quan hệ kinh tế, văn hoá, kỹ thuật với Việt Nam, điểm bắc cầu duy nhất của họ vào một Đông Nam Á đang phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới, quan hệ Việt Nam - Ukraina có vẻ không có nhiều “vấn đề” lắm. Ngoài thương mại, hai bên đã ký một hiệp định hợp tác về khoa học, giáo dục và văn hoá, và ngoại trưởng Ukraina Anatoly Zlenko đã hứa giải quyết cho khoảng 8.000 người lao động Việt Nam được quyền ở lại Ukraina sinh sống hợp pháp. Những vấn đề song phương giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa phức tạp hơn nhiều, vì món nợ 10 tỉ đôla của Việt Nam đối với Liên Xô cũ, mà Nga kế thừa tới hơn 80%; vì sự bất đồng giữa hai bên về giá cả trong việc hải quân Nga thuê quyền sử dụng cảng Cam Ranh; cũng như về những căng thẳng trong quan hệ giữa Việt kiều ở Nga với chính quyền địa phương (trong tháng 5, cảnh sát Nga đã tiến hành lục soát, kiểm kê tài sản của nhiều doanh nhân Việt kiều tại Mạc Tư Khoa). Kết thúc chuyến đi thăm, thủ tướng Võ Văn Kiệt và thủ tướng Viktor Tchernomyrdine đã ký kết một hiệp ước hữu nghị, thay thế hiệp ước mà Việt Nam đã ký với Liên Xô năm 1978. Tuy nhiên, vấn đề cảng Cam Ranh chưa được giải quyết và tổng thống Nga Boris Eltsine đã huỷ bỏ một cuộc gặp được dự trù với ông Kiệt, gieo cảm tưởng hai bên còn nhiều bất đồng lớn, dù các nhà phát ngôn chính phủ Nga tuyên bố rằng sự huỷ bỏ này chỉ là “do những công việc khẩn cấp của tổng thống Eltsine, và không có vấn đề chính trị nào đằng sau”.

(AFP 7, 8, 16, 17.6.1994)

Quan hệ Việt - Mỹ

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Winston Lord và thứ trưởng quốc phòng phụ trách cựu chiến binh Hershel Gober, sẽ dẫn đầu một phái đoàn chính phủ Hoa Kỳ tới Việt Nam từ ngày 1 đến 4.7. Theo một người phát ngôn chính thức của Việt Nam “hai bên sẽ làm việc về sự tiếp tục các cuộc điều tra về quân nhân Mỹ mất tích, và về các vấn đề quan hệ giữa hai nước trong tình hình mới”.

Ngày 20.6, một phái đoàn thương mại của bang Hawai, do ông Mufi Hannemann, phụ trách Kinh tế, thương mại và Du lịch của Hawai dẫn đầu, gồm khoảng 50 doanh nhân Mỹ, đã đến Việt Nam trong một cuộc viếng thăm chính thức 3 ngày, để bàn với những nhà hữu trách về ngoại thương Việt Nam về các khả năng trao đổi kinh tế giữa hai nước. Đây là phái đoàn chính thức đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam sau khi tổng thống Clinton huỷ bỏ cấm vận hồi tháng 2 vừa qua. Sau 4 tháng bỏ cấm vận, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 78 triệu đôla vào Việt Nam. Dẫn đầu là các hãng: Carrier, Mobil, Gillette, Visa, Coca Cola, Digital, American Express, Pepsi Cola, Otis Elevator. Nhiều dự án đầu tư khác cũng đang được chuẩn bị, như dự án của tổ hợp BBI trị giá 250 triệu đôla, để xây một trung tâm du lịch tại khu du lịch Non Nước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

(AFP 20, 21 và 23.6.1994)

Thiếu hụt ngân sách và thiếu vốn đầu tư

Định giá tình hình kinh tế những tháng đầu năm, phó thủ tưởng Phan Văn Khải, trong kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5 vừa qua, cho rằng nhịp độ tăng trưởng “vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước”, song những điều kiện ổn định và phát triển “ chưa thật vững chắc”. Chính phủ có hai mối lo lắng lớn: một mặt, ngân sách nhà nước mất cân đối nghiêm trọng; mặt khác, vốn vay trong dân không đủ để phát triển đầu tư.

Theo những số liệu đưa ra, mức thiếu hụt ngân sách đã vượt 3.700 tỷ đồng, trong khi vào 6 tháng cuối năm nhà nước còn phải chi hơn 60% ngân sách (riêng trong ngành giáo dục, còn phải chi đến 65-70% kế hoạch). Ngoài ra những khoản chi ngoài dự toán (lãi tiền vay nước ngoài, y tế cơ sở, chế độ với người có công) đã lên đến 1.000 tỷ đồng, trong khi đó giá dầu thô trên thế giới giảm có thể làm thất thu 1.000 tỷ đồng.

Trong tình hình như vậy, chi cho đầu tư phát triển chỉ thực hiện được 30,5% kế hoạch. Nguồn vốn tín dụng cần thiết lên đến 7.000 tỷ đồng, song nhà nước mới vay được có 3.000 tỷ, nên nhiều công trình đã phải tạm ngưng thi công (công trình thuỷ điện Yaly chỉ được ứng 6% trên tổng số 714 tỷ đồng của kế hoạch năm nay). Sự ách tắc này đặt câu hỏi về khả năng duy trì một nhịp độ tăng trưởng 8% với một mức lạm phát dưới 10%. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 1994 này, giá cả bán lẻ đã tăng 6%.

(Tuổi trẻ chủ nhật 29.5; Sài Gòn giải phóng 7.6.94)

Cho phép đình công nhưng đừng dại gì mà đình công!

Bộ luật lao động được quốc hội thông qua ngày 17.6 (với 82 ,5% phiếu thuận) gồm 17 chương qui định về việc làm, học nghề, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tiền lương, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, kỷ luật, an toàn và vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn, tranh chấp lao động. Bộ luật chính thức công nhận quyền đình công của người lao động đồng thời khẳng định tính bất hợp pháp của những cuộc đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động, vượt ra phạm vi quan hệ lao động và phạm vi doanh nghiệp hoặc vi phạm qui trình luật định về đình công.

Theo luật, quyền đình công chỉ được sử dụng sau khi các bên tranh chấp đã tiến hành hết các bước hoà giải.Việc đình công do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định khi có sự tán thành của quá nửa tập thể lao động. Người lao động không được quyền đình công trong các doanh nghiệp phục vụ công cộng, hoặc thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân, cho an ninh quốc phòng, (sẽ do chính phủ ấn định). Thủ tướng có quyền hoãn hoặc ngừng một cuộc đình công nếu xét thấy có nguy cơ nghiêm trọng cho kinh tế quốc dân hoặc an toàn công cộng.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư không những khẳng định “chỉ công đoàn có quyền tổ chức đình công” mà cần thêm những qui định cụ thể để “ngăn cản mưu đồ chính trị lợi dụng đình công”. Ông còn cho rằng cần có những văn bản dưới luật buộc “công đoàn phải chịu trách nhiệm khi quyết định đình công sai” (sic), và đề nghị trong trường hợp đó công đoàn phải “b ồi thường ngược lại cho giới chủ nhân”!

Song cũng có không ít ý kiến trong giới công đoàn phê phán quan điểm của bộ luật lao động. Bà Hoàng Thị Khánh, chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng kinh nghiệm những cuộc đình công trong thời gian vừa qua cho thấy công đoàn “chủ quan, bảo thủ, coi bộ tứ (giám đốc, đảng ủy, đoàn thanh niên, công đoàn) là hoàn chỉnh nên không quan tâm đến công nhân. Khi xảy ra đình công, chỉ truy tìm xem ai là kẻ cầm đầu mà không tìm nguyên nhân đình công, nội dung đình công chính đáng hay không. Thậm chí còn vội vã kết luận là phá hoại chính trị”. Người đứng đầu công đoàn thành phố còn nói rằng ở một số qui định của bộ luật lao động “toát lên quan điểm ủng hộ người không đình công”.

Theo nhận định của giáo sư Nguyễn Lân Dũng, thuộc Liên đoàn lao động Hà Nội: “ Có khác gì bảo rằng luật lao động cho phép đình công nhưng đừng dại gì mà đình công!” Ông nhận xét: “ Khi thấy công nhân các nước tư bản đình công thì ta hân hoan cổ vũ, còn khi công nhân ta bắt đầu làm việc này đối với các ông chủ trong nước thì ta lại e ngại”.

(Lao Động 10 và 31.5, 5.6; Tuổi Trẻ 2 và 18.6.94)

Báo chí: tự do cho người nước ngoài

Việt Nam hiện có trên 350 báo, tạp chí và bản tin, trong đó có 6 báo ngày, hơn 100 báo tuần và 180 tạp chí, toàn bộ do đảng Cộng sản kiểm soát (dù là trung ương, địa phương, hoặc theo lĩnh vực chuyên môn, vai trò “lãnh đạo tư tưởng” thuộc về đảng, qua các cấp đảng uỷ). Nhưng..., mặc dù chế độ vẫn cấm đoán công dân ra báo tư nhân, nhà cầm quyền đã mở cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư kiểm soát nhiều tờ báo trong những lĩnh vực như kinh tế, thông tin quốc tế, v.v...!

Tổ hợp Thuỵ Sĩ Ringer, đã nắm tờ Thời báo kinh tế và bản tiếng Anh của nó (Vietnam Economic Times), bỏ vốn “nâng cấp” tờ Tuần báo quan hệ quốc tế của bộ ngoại giao, vừa được phép tham gia hiện đại hoá nguyệt san Thời trang Trẻ, tờ báo duy nhất về thời trang ở Việt Nam hiện nay, với 30.000 số mỗi tháng, giá bán 4.500 đồng.

Cũng trong tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6, công ty ACP Publishing Pty Ltd của trùm tư bản Úc Kerry Packer thông báo đã mua lại 46% cổ phần của Vietnam Investment Review Ltd, cũng một công ty Úc đang giữ 100% vốn của tờ tuần báo tiếng Anh Vietnam Investment Review, “cơ quan” của Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư!

Về phần mình, Việt Nam thông tấn xã cũng vừa ký kết một thoả ước hợp tác với nhóm M Group của Thái để hiện đại hoá bản tin tiếng Anh hàng ngày Vietnam News, ra đời từ năm 1991 nhưng số phát hành hiện nay không vượt quá vài nghìn. Theo thoả ước, một công ty con của M Group, Manager Co., sẽ bỏ ra 500.000 đôla để tin học hoá bản tin (40% số vốn này), nâng cấp trụ sở (30%) và huấn luyện nhân viên (30%), với mục tiêu thay đổi dần bản tin 4 trang khổ nhỏ này thành một nhật báo 32 trang, khổ lớn.

(AFP 1 và 3.6.1994)

Thị trường tài thính đang hình thành

Hai cuộc hội nghị giám đốc ngân hàng nhà nước tổ chức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6 đã thông qua hai đề án phát hành trái phiếu ngân hàng thương mại và đầu tư phát triển và trái phiếu ngân hàng nhà nước. Tất cả các ngân hàng thương mại và đầu tư phát triển sẽ được phép huy động vốn qua phương thức phát hành trái phiếu có hoặc không ghi tên, lãi suất cố định hay điều chỉnh theo định kỳ, thời hạn không dưới một năm. Loại trái phiếu này được tự do mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp để vay tiền. Khác với trái phiếu ngân hàng thương mại và đầu tư phát triển, trái phiếu ngân hàng nhà nước sẽ là công cụ điều hành chính sách tiền tệ và do đó chỉ có các tổ chức tín dụng mới được mua. Thời hạn là ngắn hạn (từ 7 ngày đến một năm) và lãi suất sẽ hình thành qua đấu giá.

Đồng thời, bộ tài chính vừa đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh huy động vốn xây dựng liên tỉnh lộ 15 bằng cách phát hành trái phiếu đô thị, thông qua ngân hàng đầu tư phát triển của thành phố (thời hạn 3 năm với lãi suất 15%/năm). Bộ cũng cho biết Tổng công ty xi măng Việt Nam sẽ là công ty đầu tiên được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để mở rộng nhà máy xi măng Hoàng Thạch (lãi suất: 15%/năm, thời hạn: 4 năm). Ngoài ra sau ba tháng phát hành kỳ phiếu bằng ngoại tệ, với thời hạn từ 1 dến 5 năm, ngân hàng ngoại thương Vietcombank cho biết đã huy động được 8,3 triệu đôla vốn.

Tính từ đầu năm, hệ thống ngân hàng đã tăng 22% số vốn huy động, trong đó tiền đồng Việt Nam gửi tiết kiệm tăng 1.300 tỷ đồng, tiền gửi bằng ngoại tệ (quy ra tiền Việt Nam) tăng 2.700 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam gồm 270 tổ chức tín dụng, trong đó có 8 ngân hàng nước ngoài, 3 ngân hàng liên doanh, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, 43 ngân hàng thương mại cổ phần, 2 công ty tài chính, 50 hợp tác xã tín dụng và khoảng 100 quĩ tín dụng nhân dân.

(Tuổi trẻ 2 và 9.6; Lao Động 31.5 và 9.6; Sài Gòn giải phóng 4.6.94)

Đầu tư nước ngoài: một tháng, một cửa?

Đầu tháng 6 vừa qua, tại Quốc hội, thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, ông đang chỉ đạo để các hồ sơ đầu tư nước ngoài được giải quyết “trong vòng một tháng” và thực hiện “ chế độ một cửa”.

Ngoài ra, bộ thương mại đang soạn thảo qui chế cho phép doanh nghiệp nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam. Cho tới nay, chính phủ mới cho các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và tư vấn nước ngoài đặt chi nhánh hoạt động trực tiếp ở Việt Nam; các loại doanh nghiệp khác chỉ được mở văn phòng đại diện hoặc liên doanh hợp tác theo luật đầu tư nước ngoài.

Theo Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI), 109 dự án trị giá tổng cộng 1.162 tỉ đôla đã được cấp giấy phép trong 5 tháng đầu năm 1994, tăng 29% so với cùng thời kỳ năm trước. Ngoài ra, cũng trong 5 tháng qua, 338 triệu đôla đã được đầu tư mở rộng vào các dự án đã triển khai hoạt động từ trước năm 1994. Bốn con rồng châu Á, đứng đầu là Đài Loan, tiếp tới là Hồng Kông và Nam Hàn, với Úc chen vào sau đó, rồi tới Singapore, là những nước đứng hàng đầu trong các nước có đầu tư vào Việt Nam, cả về tổng số các dự án và về vốn đầu tư (riêng Đài Loan có 124 dự án, với 1 ,58 tỉ đôla). Nhật đi sau, đã nhảy lên hàng thứ sáu, sau khi Mỹ chính thức bỏ cấm vận.

Một thay đổi khác là về lĩnh vực đầu tư. Trong mấy năm đầu, dầu mỏ và du lịch là những lĩnh vực chính. Năm nay, 60% các dự án được thông qua thuộc các ngành kỹ nghệ như sản xuất xi măng, sắt thép, khí đốt, v.v... Theo một quan chức SCCI, ông Vũ Huy Hoàng, tổng cộng gần 1.000 dự án đầu tư đã được cấp giấy phép hoạt động từ năm 1987, trị giá 9,4 tỉ đôla, tính tới cuối tháng 5.1994 (3,4 tỉ trong các ngành công nghiệp; 1,8 tỉ trong lĩnh vực du lịch và 1,3 tỉ trong ngành khai thác dầu mỏ). Tuy nhiên, theo một bài báo Quân Đội Nhân dân ngày 31.5, hiện chỉ có 773 dự án, với vốn đầu tư khoảng 8 tỉ đôla, là đang hoạt động. Bài báo cho biết, khoảng 15% các dự án liên doanh giữa một hay nhiều công ty nước ngoài với một công ty Việt Nam, đã thất bại, một tỉ số cao gấp đôi so với các nước lân cận.

Trong tương lai gần, những lĩnh vực thuộc cơ sở hạ tầng như giao thông, màng lưới điện và viễn thông sẽ chiếm một tỉ trọng lớn trong nhu cầu đầu tư của Việt Nam. Đầu tháng 6, SCCI đã chấp thuận một dự án liên doanh trị giá 900 triệu đôla giữa công ty Nhật Tredia Investment Co. và công ty Việt Nam Intradex để xây dựng cảng Bến Đình, ở phía nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành cảng lớn nhất nước vào năm 2000, có khả năng đón tàu trọng tải 200.000 tấn.

(AFP 31.5, 6 và 12.6, Reuter 3.6 và AP 22.6)

Legamex, Liksin, Seaprodex, Công ty lương thực...

Hàng loạt lãnh đạo công ty quốc doanh, một thời đã là “niềm tự hào” của Thành phố Hồ Chí Minh về hiệu quả làm ăn kinh tế đã rơi đài trong hai tháng vừa qua. Tổng giám đốc Tổng công ty may mặc xuất khẩu Legamex Nguyễn Thị Sơn và phó tổng giám đốc Phan Hiển vừa bị khởi tố và bắt giam về tội “cố ý làm trái các qui định về quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, viện kiểm sát thành phố đã có quyết định truy tố phó giám đốc Xí nghiệp chế bản và bao bì Liksin Hoàng Thị Liên Hương về tội tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước.

Tại Tổng công ty xuất nhập khẩu thủy sản Seaprodex, các cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt giam phó tổng giám đốc Hoàng Côn và hai giám đốc công ty con Nguyễn Hữu Bình (Công ty vận tải biển) và Nguyễn Hữu Thắng (Công ty kỹ nghệ lạnh) về tội tham ô tài sản nhà nước. Người ta được biết rằng Nguyễn Hữu Bình và Nguyễn Hữu Thắng là anh em, và bố mẹ lại không ai khác hơn là tổng giám đốc và kế toán trưởng của tổng công ty mẹ Seaprodex.

Tại Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, viện kiểm sát đã quyết định truy tố về tội nhận hối lộ: ông Nguyễn Văn Quang, trưởng ban nghiên cứu tổng hợp và là con rể của tổng giám đốc công ty, bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo; và bà Lê Thị Ngọc Dung, kế toán trưởng. Nhân vật chính vụ án hối lộ này lại là cánh tay mặt của tổng giám đốc, bà Trần Thu Hồng, hiện được hưởng một quyết định tạm đình chỉ điều tra vì mắc bệnh “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”. Còn bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo thì đến nay, qua lời phát biểu công khai của những lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản, vẫn là một nhân vật “ bất khả xâm phạm”.

(Tuổi Trẻ 21.5, 4, 7 và 14.6; Lao Động 31.5.94)

Bãi thị

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, hàng loạt cuộc bãi thị đã xẩy ra tại nhiều chợ ở Hải Phòng, Vinh, và nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh: chợ Bến Thành (400 hộ tiểu thương), chợ An Đông (142 hộ), chợ Hoà Bình (hơn 300 hộ), chợ Tân Bình (41 hộ). Những cuộc bãi thị này có hai nguyên nhân chính: phản đối ban quản lý chợ tăng giá thuê sạp, và phản đối cơ quan thuế vụ tăng mức thuế.

Bộ trưởng tài chính Hồ Tế thừa nhận trách nhiệm của cơ quan thuế vụ ở một số chợ đã hành động “ thô thiển”, tăng thuế bình quân, hàng loạt, gây phản ứng bất bình của giới tiểu thương. Tổng cục thuế cho rằng vấn đề tới từ hai phía, và giới tiểu thương phải chấp hành qui định mua bán có hoá đơn, chúng từ. Theo tổng cục, trong khu vực tư nhân, chênh lệch giữa doanh thu tính thuế và doanh thu thực tế là 30-40%, mức thất thu khoảng 50%.

(Tuổi Trẻ chủ nhật 5.6; Tuổi trẻ 16.6.94)

Thủ tục ơi là thủ tục!

Đầu tháng 6 vừa qua, chính phủ đã cử một đoàn công tác về “cải tiến thủ tục hành chính” đến Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu các bất hợp lý của thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhà đất, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Đoàn được sở thương mại cho biết hiện nay muốn lập một doanh nghiệp phải có tới 42 loại giấy tờ, cho nên thời gian thành lập doanh nghiệp kéo dài đến sáu bảy tháng. Còn theo báo cáo của đại diện Uỷ ban hợp tác và đầu tư ở thành phố, người nước ngoài muốn xin giấy phép đầu tư, nhanh nhất cũng phải mất hai năm, có trường hợp kéo dài tới bốn năm; và để hồ sơ tới tay Uỷ ban phải đi qua hết 12 tầng nấc. Trong lĩnh vực nhà đất, một doanh nghiệp nhà nước muốn có giấy phép cấp đất của Uỷ ban nhân dân thành phố phải tập hợp tổng cộng 16 con dấu.

(Tuổi Trẻ 31.5 và 2.6.94)

Nạn buôn bán ma tuý đang gia tăng.

Từ năm 1990 đến nay, các cơ quan công an đã khám phá 1.844 vụ mua bán ma tuý, thu giữ gần 10 tấn thuốc phiện, hàng chục tấn cần sa, 15,6 kg heroin. Năm 1933 số ma tuý thu được gấp hai lần so với 1992. Riêng quí 1 năm 1994, số ma tuý bắt giữ đã bằng cả năm 1992. Tình trạng này đang gia tăng tại các tỉnh phía Bắc với những vụ buôn bán lớn như vụ 227 kg thuốc phiện ở Sơn La, vụ 129 kg thuốc phiện ở Phong Thổ, hai vụ bắt 2 kg heroin ở Hà Nội. Tại các tỉnh phía Nam, 2 kg cocain đã bị bắt giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh và 2 tấn cần sa ở đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Theo tính toán của Liên hiệp quốc, số người nghiện ma tuý ở Việt Nam ước chừng 60 ngàn người, và theo bộ trưởng lao động và xã hội Trần Đình Hoan, có khoảng 17 tấn thuốc phiện hiện lưu hành trong thị trường.

Chính phủ đã chi 50 tỷ đồng trong mấy năm qua vào hoạt động phòng chống ma tuý, song chỉ có 10% được dành cho công tác điều tra và bắt giữ tội phạm buôn ma tuý. Hơn thế nữa, công tác truy tố và xét xử tội phạm thường gặp nhiều “ vướng mắc”. Báo Lao Động cho biết, năm 1993, có đến 26 vụ đã bị “đình chỉ điều tra”. Báo cũng nhắc đến việc quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội đã tha 11 bị can trong 7 vụ buôn thuốc phiện. Trung tuần tháng 5 vừa qua, tòa án Hà Nội đã xét xử 10 sĩ quan thuộc đội chống ma túy của sở công an Hà nội về tội “ lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của công dân”. Đại úy đội trưởng Phạm Xuân Liêm – con trai của thứ trưởng thứ nhất bộ nội vụ Phạm Tam Long – đã bị xử phạt 4 năm tù.

(Lao Động 12, 22 và 24.5; Tuổi Trẻ 19.5 và 9.6.94)

Nhà tư nhân: những qui định mới

Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành những qui định mới về quản lý đối với nhà tư nhân. Quyết định của Uỷ ban ra ngày 17.5.1994, thực hiện từ tháng 7 và không áp dụng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ngoại trừ hai điều khoản có liên quan.

Hợp thức hoá quyền sở hữu: Người tự xây cất, chuyển nhượng nhà không có giấy tờ hợp lệ trước hoặc sau 1975, người được chế độ cũ cấp nhà cứu tế hay mua nhà trả góp, nếu xuất trình được các chứng cứ (giấy tờ, nhân chứng...), được xét hợp thức hoá sở hữu nhà. Các loại nhà sau đây không được xét hợp thức hoá: nhà bị xử lý bởi các chính sách của nhà nước, nhà chiếm dụng trái phép, nhà xây cất sau khi có quyết định giải toả khu vực, nhà có tranh chấp, khiếu nại về quyền sở hữu.

Chuyển nhượng quyền sở hữu: Qui định mới không còn đòi hỏi người mua nhà phải có hộ khẩu thường trú ở Thành phố Hồ Chí Minh. Việc chuyển nhượng nhà cũng không đòi hỏi thủ tục xin phép Uỷ ban nhân dân, hai bên mua bán chỉ cần làm hợp đồng, chứng thực và nộp thuế trước bạ.

Thuê nhà: Việc thuê nhà phải thực hiện thông qua hợp đồng có chứng thực. Chủ sở hữu muốn bán nhà phải thông báo trước cho bên thuê, và sau thời hạn ba tháng mà người thuê không thuận mua, mới có quyền bán nhà cho người khác.

Qui định liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Trước đây người xuất cảnh hợp pháp trong khoảng thời gian từ 6.8.1984 đến 25.4.1989 không được bán nhà mà chỉ được phép uỷ quyền sử dụng cho thân nhân ở tại nhà đó. Nay qui định mới cho họ quyền được chuyển quyền sở hữu, nếu hội đủ những điều kiện sau: có chứng từ sở hữu hợp pháp; nhà không bị xử lý bởi các chính sách của nhà nước tại thời điểm xuất cảnh; người được uỷ quyền đang còn quản lý toàn bộ căn nhà; có chứng từ thể hiện ý chí chuyển quyền sở hữu nhà tại thời điểm xuất cảnh và có văn bản tái xác nhận của chủ sở hữu qua phòng công chứng.

Ngoại trừ những nhà đã được chuyển thành sở hữu nhà nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thụ nhận quyền sở hữu nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh do di sản thừa kế hay tài sản chia theo ly hôn, được uỷ quyền cho người trong nước thay mặt mình sử dụng hay chuyển nhượng quyền sở hữu.

(Thời báo kinh tế Sài Gòn 9.6.94)

Tin Y tế

* Tình trạng thiếu i-ốt trở thành một vấn đề y tế lớn ở Việt Nam. Theo một bản tin của Việt Nam thông tấn xã đầu tháng 6, 94% dân Việt Nam thiếu i-ốt. Cho tới nay, người ta biết rằng 60% dân miền núi bị bệnh bướu cổ, và trẻ em bị đần vì thiếu i-ốt, nhưng vấn đề trở thành nghiêm trọng hơn khi những cuộc khảo sát gần đây cho thấy ngay cả dân đồng bằng và vùng biển cũng không đủ liều lượng i-ốt.

* Một nạn dịch tả lan từ mấy tháng đầu năm ở vài tỉnh miền Trung đã làm cho 17 người chết trong số 575 người mắc bệnh ở tỉnh Gia Lai và 214 người ở tỉnh Ninh Thuận.

* Trong năm 1993, Việt Nam đã thành công trong chiến dịch tiêm chủng chống bệnh bại liệt (polio) cho 85% trẻ em, số em bị bệnh giảm xuống còn 425 em so với 557 em năm 1992. Tổ chức y tế thế giới (WHO) tin rằng tới năm 2000 bệnh này sẽ hoàn toàn được chế ngự ở Việt Nam.

* T heo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc bảo vệ sức khoẻ trẻ em, với 90% em được tiêm chủng chống bệnh sởi và 70% các bà mẹ có thai được tiêm ngừa sài uốn ván. Tuy nhiên vấn đề thiếu dinh dưỡng vẫn còn trầm trọng, nhất là ở các vùng núi. Thống kê chính thức cho biết 42% các em bé dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng, không đủ cân nặng so với lứa tuổi.

(AFP 4, 8 và 22.6, AP 3.6)

Tin ngắn

* Từ 1 7, tại sân bay Tân Sơn Nhứt, khách nhập cảnh mang tiền không quá 3.000 đôla và hàng không quá 1.000 đôla sẽ không phải khai báo hải quan. Một cửa hải quan riêng sẽ dành cho họ. Cũng kể từ đầu tháng 7, Hàng không Việt Nam sẽ mở đường bay hàng tuần Thành phố Hồ Chí Minh - Paris.

* Các đại lý hàng không nước ngoài tại Việt Nam (hơn 20 hãng) sẽ được quyền bán vé trực tiếp cho khách hàng. Vietnam Airlines không còn độc quyền bán vé máy bay nước ngoài như trước đây.

* Theo Viện quản lý kinh tế trung ương, số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ thu gọn lại còn khoảng 300, và chính phủ dự kiến hình thành từ 15 đến 20 tập đoàn kinh tế, tập trung ưu tiên cho các ngành dầu khí, hàng không, đường sắt.

* Tổng số nợ không thanh toán được của các doanh nghiệp (chủ yếu thuộc nhà nước) hiện lên đến 17.500 tỷ đồng. Những bộ chủ quản và uỷ ban nhân dân đã từng đứng ra làm “bà đỡ”, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn, bây giờ đều làm ngơ, né tránh trách nhiệm.

* Cho tới nay tổng số nợ thương mại của Việt Nam với nước ngoài (chỉ tính những khoản nợ qua Vietcombank) lên đến 5,6 tỷ đôla, trong đó 80% là nợ Nhật Bản. Hà Nội đang chuẩn bị đưa vấn đề nợ thương mại này ra Câu lạc bộ Luân Đôn.

* Tính từ khi có luật đầu tư nước ngoài, Việt kiều đã đầu tư về Việt Nam khoảng 80 triệu đôla thông qua 37 dự án được cấp giấy phép.

* Tổng công ty xây dựng Vinacomex vừa hợp đồng với một công ty Hoa Kỳ để đưa 50 công nhân xây dựng Việt Nam đi làm việc và học nghề ở California và Nevada. Vinacomex đã từng xuất khẩu lao động sang Irắc (11.000 người), Libi (3.000), Đài Loan (2.000), Hàn Quốc (800), Xingapo (30).

* Năm 1993, lượng hàng hoá trao đổi qua biên giới Việt - Trung được Trung Quốc ước tính là 3,45 tỷ đôla, trong đó hàng Việt Nam bán qua Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 80 triệu đôla. Như vậy, chỉ qua con đường mậu dịch biên giới, trong năm qua, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ 3,37 tỷ đôla hàng Trung Quốc.

* Công ty bia Sài Gòn ký kết hợp đồng xuất khẩu bia sang Mỹ. Đợt xuất đầu tiên (dưới dạng chai 0 ,45 lít) có giá trị hơn 1 triệu đôla. Trước đó, Nhà máy bia Huế, một liên doanh với nhà sản xuất bia Đan Mạch nổi tiếng thế giới Tuborg, với vốn đầu tư 24,3 triệu đôla trong đó Tuborg bỏ ra 19,7 triệu, cũng đã ký một hợp đồng xuất khẩu bia sang Mỹ.

* Theo một cuộc điều tra do Tổng cục thống kê Việt Nam và công ty Mỹ Omnitrak Group phối hợp thực hiện bằng phương pháp chọn mẫu ở 600 hộ (400 tại Thành phố Hồ Chí Minh, 200 tại Hà Nội), người Việt Nam tiêu dùng trong một năm (1992) 212 triệu đôla rượu biathuốc lá, hơn cả phần chi tiêu cho thực phẩm là 209 triệu đôla.

* Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Hội người tiêu dùng Việt Nam tại 200 hộ ở Hà Nội và 400 hộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng số hàng tiêu dùng do các hộ mua sắm, hàng nội địa chỉ chiếm 50%. Về các mặt hàng xe hơi, xe gắn máy, máy móc thiết bị nhỏ, hàng Nhật chiếm từ 60 đến 94%. Về các mặt hàng vải, đồ chơi trẻ em, máy phát điện, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường với gần 90%.

* Tỉnh Sông Bé và tập đoàn Hà Lan Friesland sẽ xây dựng một nhà máy chế biến sữa, công suất mỗi năm là 75 triệu hộp sữa đặc có đường và 5,23 triệu lít sữa tươi tiệt trùng. Đây là liên doanh đầu tiên trong ngành chế biến sữa, tổng vốn đầu tư là 29 triệu đôla.

* Một liên doanh Việt-Pháp, với vốn đầu tư 4 ,3 triệu franc, sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất bơ và phomát tại Đồng Nai. Nhà máy sẽ hoạt động từ đầu năm 1995 và sẽ tiêu thụ từ 3000 đến 6000 lít sữa/ngày.

* Từ năm 1991, nhà xuất bản Thế Giới đã tiến hành dịch 11 tựa sách thuộc tủ sách “Que sais-je?” của nhà xuất bản Pháp Presses Universitaires de France, gồm: Bệnh SIDA; Phương pháp dân số học; Lạm phát và chống lạm phát; Sinh thái nhân văn; Môi trường sinh thái; Marketing du lịch; Qui hoạch đô thị; Dân luật; Luật hành chính; Kinh tế hỗn hợp. Trong năm 1994, sẽ có từ 7 đến 12 tựa sách dịch mới.

* Đề thi môn hoá đã bị lộ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học (tú tài) đầu tháng sáu vừa qua tại Hà Nội. Bộ giáo dục công nhận “có vài chục thí sinh Hà Nội biết đề thi” và đã quyết định hủy bỏ kết quả thi của những thí sinh đó. Từ nhiều năm nay, năm nào báo chí cũng phản ánh những vụ lộ đề thi.

* Đầu tháng 5 vừa qua, chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, do bộ trưởng Đặng Hữu làm trưởng ban và giáo sư Phan Đình Diệu làm phó trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ soạn các chính sách và kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia này, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện những đề án trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

* Một tháng sau ngày được đưa vào sử dụng, 30 tai nạn giao thông đã xảy ra trên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Nguyên nhân chủ yếu là do người đi bộ, đi xe đạp và các loại xe thô sơ khác vượt qua đường hoặc ngoặt rẽ trên đường không đúng nơi dành riêng cho họ. Vì đường cao tốc hiện nay thiếu các cầu vượt cần thiết, nên bộ giao thông đã phải hạn chế tốc độ xe cơ giới xuống dưới 80 km/giờ.

* Vài ngày sau khi đường dây 500 kv Bắc-Nam bắt đầu tải điện (thủ tướng Võ Văn Kiệt khánh thành ngày 5.6), một vụ nổ mìn phá đá ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã làm đứt dây cáp quang, gây thiệt hại trên 500 triệu đồng. Suốt đường dây siêu cao thế có hành lang lưới điện không được xâm phạm, song không được người dân tôn trọng.

* Theo bản tin Vietnam News của Việt Nam thông tấn xã, Việt Nam có kế hoạch đầu tư hơn 3,5 tỉ đôla cho ngành điện từ đây tới năm 2010, với một màng lưới khoảng 5000 km đường dây cao thế, 77.500 km đường dây điện thế trung bình và 150.000 đường điện thế thấp.

* Việt Nam đã vay được của một nhóm 14 ngân hàng Thái và định chế tài chính nước ngoài 100 triệu đôla, trả trong 5 năm với 1ãi suất 2,25%. Đây 1à 1ần đầu tiên Việt Nam vay tiền trên thị trường tài chính tư nhân quốc tế.

* Hai công ty dầu khí British Gas (Anh) và Atlantic Richfield Co. (Mỹ) đã khởi công khoan thăm dò dầu mỏ ở lô 4-1, cách Vũng Tàu 250 km về phía đông nam, trên thềm 1ục địa Việt Nam nhưng nằm trong một khu vực bị Trung Quốc tranh chấp, cho là thuộc hải phận quần đảo Trường Sa “của Trung Quốc”.

* Quỹ phát triển của Pháp ( CFD), một tổ chức tài chính công cộng của Pháp chuyên về việc tài trợ cho các đề án phát triển ở các nước thế giới thứ ba vừa được phép mở văn phòng tại Hà Nội. Mỗi năm CFD tài trợ khoảng 12 tỉ FF cho các đề án thuộc những lĩnh vực như nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, kỹ nghệ, du lịch, môi trường, v.v...

* Theo các tổ chức chuyên môn của Liên hiệp quốc, tục phá rừng làm rẫy mỗi năm làm mất đi hơn 150 ngàn ha rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Hiện nay, theo nhiều ước tính, Việt Nam chỉ còn không tới 3 triệu ha rừng có giá trị cao, so với 7 - 8 triệu ha những năm 1981-82, và 20 triệu ha ngày xưa. Ngoài ra việc phá rừng đước làm chỗ nuôi tôm cũng làm thiệt hại khoảng 100 ngàn ha rừng dọc biển miền nam. Từ đầu năm 1993, chính phủ đã hạn chế mức khai thác gỗ là 600.000 mét khối ở rừng tự nhiên và 200.000 ở các rừng trồng.

* Hãng xe hơi Pháp Renault đã ký một hợp đồng với Vietnam Motors Corporation (VMC) để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe hơi tại một địa điểm gần Hà Nội. Nhà máy dự trù sẽ lắp ráp kiểu xe R19 của Renault, từ năm 1995. VMC là một liên doanh giữa một công ty Việt Nam với công ty Columbian Motors của Philippin và Nichimen của Nhật, cũng đã ký một hợp đồng với hãng Đức BMW để sản xuất tại chỗ xe BMW 525, bắt đầu từ tháng 9 năm nay.

* Tàu nghiên cứu thuỷ văn và khí tượng Sokolski của Nga đã bắt đầu tiến hành một cuộc khảo sát môi trường trên vùng biển Việt Nam. Ngoài các điều kiện thuỷ văn và khí tượng, chuyến khảo sát hỗn hợp Nga-Việt này cũng sẽ điều tra tổng hợp về trữ lượng cá biển, thực-động vật ở đáy biển Việt Nam.

* Sản xuất xi măng trong 6 tháng đầu năm 1994 đạt gần 2,4 triệu tấn, tăng 12% so với cùng thời kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thiếu hụt so với nhu cầu xây dựng đang tăng nhanh. Việt Nam hiện có 5 nhà máy xi măng, với công suất tổng cộng chưa đến 5 triệu tấn (và dự trù đạt 6,2 triệu tấn khi nhà máy Hoàng Thạch, do Đan Mạch giúp xây dựng, hoàn thành vào năm 1996). Nhu cầu được tiên liệu là khoảng 12 triệu tấn vào năm 1997 và 20 triệu tấn năm 2000.

* Công ty Singapore United Land and Trading Pte. Ltd. đã trúng thầu hợp đồng địa ốc lớn nhất ở Việt Nam cho tới nay, trị giá 733 triệu đôla, để xây cất một khu nhà ở, văn phòng và một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh. Hợp đồng còn đợi giấy phép của Uỷ ban hợp tác và đầu tư.

* Canada và Việt Nam đã ký kết ngày 22.6 một thoả ước về hợp tác kinh tế và phát triển, nhân chuyến đi thăm chính thức Canada của phó thủ tướng Phan Văn Khải. Các lĩnh vực mà Canada muốn giúp Việt Nam phát triển bao gồm các ngành năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, giao thông và xây dựng.

* Cuối năm nay, Ngân hàng nhà nước sẽ bắt đầu cho lưu hành séc cho tư nhân ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, trước khi ban hành rộng rãi ra cả nước. Hiện nay, ngân hàng thương mại Vietcombank đã phát hành séc và cả thẻ tín dụng nhưng chỉ dành cho các xí nghiệp.

* Theo công ty liên doanh dầu mỏ Japan Vietnam Petroleum Co., kết quả khoan thăm dò ở khu mỏ Rạng Đông cho thấy trữ lượng dầu ở khu này “rất quan trọng”, và “chất lượng thì giống như dầu Bạch Hổ”.

* Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc gia nhập Công ước quốc tế về Biển. Công ước này được Liên hiệp quốc đưa ra vào năm 1982. Theo Hà Nội, lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, là phù hợp với Công ước Biển này.

* Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất cảng 1 ,6 tỉ đôla hàng hoá, tăng 27% so với cùng thời kỳ năm 1993 nhưng không đạt chỉ tiêu của chính phủ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us