Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Về một bài văn bia

Về một bài văn bia

- Bùi Trọng Liễu — published 11/04/2011 00:00, cập nhật lần cuối 11/05/2011 17:42

Về một bài văn bia

B.T.L.



Cuối năm 1992, chúng tôi chấm dứt việc quyên góp, quảng cáo, hỗ trợ Trung tâm đại học Thăng Long, và coi “giai đoạn lịch sử” của trường dân lập này với những mục tiêu của nó đã hoàn thành. Ra đời khi khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu còn tồn tại, v.v..., trải qua những thăng trầm, nó đã góp phần thúc đẩy việc cải tổ đại học còn đang tiếp tục ngày nay. Dù cho hướng đi đã chuyển, dù cho nó đã trở về vị trí bình thường của một cơ sở đào tạo trong đám các cơ sở đào tạo khác, “giai đoạn lịch sử” của nó cũng đang được ghi lại. Vì thế, tôi có viết một bài ký và gửi tiền riêng về trong nước, nhờ khắc một tấm bia(1). Việc tìm được một tấm đá khổ rộng khá khó khăn, mãi cuối năm 1993 mới khắc xong. Bia gồm hai mảnh khổ 50cm x 80cm, khắc chữ quốc ngữ, hai bên trang trí hai con rồng chầu gác Khuê Văn của Văn miếu. Gần đây, tháng 6/1994, tôi lại có dịp nhờ bác Hoàng Xuân Hãn chuyển chép hộ sang chữ Nôm (xem trang kèm đây(2)), không chỉ nghĩ chuyện giải trí mỹ thuật, mà cũng một phần nhân dịp này ghi nhớ thứ chữ viết đã tàn của ông cha ta thuở trước mà nay không còn mấy ai đọc được, không chừng đây là bản Nôm cuối cùng của thế kỉ 20 này.

Ở Việt Nam từ thuở xưa, binh lửa, khí hậu và thời gian đã xoá nhiều dấu vết. Người Pháp có câu: “Tout passe, tout s’efface, hors le souvenir”. Không để chìm lặng trong lãng quên, để người sau có cơ sở để định luận phải trái, đó là lý do của bài văn bia này:

bia quoc nguĐất nước thịnh hay suy, một phần do nền học vấn. Gặp lúc nước nhà trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, việc học gặp nhiều khó khăn, suy thoái. Tôi tuy đã định cư ở nước ngoài lâu năm, hướng về quê hương cũ, cũng muốn góp phần vào việc phục hưng trí tuệ. Vì thế nên tôi khơi ý, rồi đề nghị với năm giáo sư Phan Đình Diệu, Bùi Trọng Lựu, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tuỵ đứng ra lập trường Đại học “dân lập”. Nhân thời đổi mới, chính quyền chấp nhận cho phép mở, lấy tên là Trung tâm đại học Thăng Long. Nối tiếp với truyền thống (khởi đầu từ triều Lý, năm 1076 mở Quốc tử giám)trường chọn khánh thành tại Văn miếu ngày 21.2.1989, với sự chứng kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và của bộ trưởng Trần Hồng Quân. Anh chị Lựu, Tuyết tôi đem nhà riêng làm trụ sở văn phòng. Vợ tôi cùng tôi ở ngoài nước lập hội A.U.Fra.Vi., quảng cáo, quyên góp, làm trung gian để một số cá nhân và hội đoàn giúp tiền của cho trường sinh hoạt, cho các thày cô và nhân viên có điều kiện dốc lòng giảng dạy, tổ chức, quản lý.

Hơn ba năm nay, tại trường, chương trình dạy có mức độ quốc tế, sinh viên học hành nghiêm chỉnh, kỷ luật nghiêm túc, quản lý có nề nếp và tiết kiệm, giao dịch quốc tế được mở rộng. Vì trường, vấn đề lý lịch trong việc học được xoá bỏ, vần đề “chảy máu chất xám” được đặt ra với một hướng giải quyết, một số giá trị được phục hồi. Việc thành lập trường đã là một dịp để nêu lại sứ mạng của một nền đại học: truyền bá sự hiểu biết, thông tin khoa học và kỹ thuật, mở rộng văn hoá, nâng cao trí tuệ và tính độc lập suy nghĩ, hợp tác quốc tế và hoà nhập vào sự tiến triển chung của thế giới, hoà với việc đào tạo nghề nghiệp.

Mấy năm qua và tới nay, là “giai đoạn lịch sử” của trường, với tính cách tiền phong, làm gương, với những tín nghĩa, nhiệt tình và đóng góp vô tư. Người trong nước hoan nghênh. Báo chí, truyền thông và chính giới nước ngoài chú ý, tới thăm, coi đây như là một trong những dấu hiệu của một kỷ nguyên mới của nước nhà.

Cho nên, tôi trân trọng ghi lại sự việc cho tới ngày hôm nay, và ghi công đức các ân nhân của trường.

Còn tương lai của trường? Hết suy rồi có thịnh. Nhưng đã “hưng” rồi có thể “vong”. Sự này sẽ tuỳ thuộc những người phụ trách trường, có giữ được hướng đi cho đúng hay không. Nhưng đó là việc về sau...


Viết ngày 1.11.1992

Bùi Trọng Liễu

tiến sỹ, giáo sư đại học Paris.



(1) song song vớị việc thêu một bức trướng ghi tên các ân nhân (hội đoàn và cá nhân), nhưng vì một số khó khăn tế nhị, việc này chưa thực hiện được. Xin kể thêm là mấy ông thợ khắc bia, khi khắc bài ký, cho là việc nghĩa, đã tự nguyện giảm nửa tiền công.

(2) Toàn văn như bản quốc ngữ, chỉ thêm một dòng đầu “Kỷ tích TTĐHTL, xuân Giáp Tuất, Hoàng Xuân Hãn đề chữ Nôm”.



 bia nom


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss