Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Vietnamerica 94

Vietnamerica 94

- Bảo Ninh — published 12/04/2011 03:10, cập nhật lần cuối 12/05/2011 10:50

Vietnamerica 94


Bảo Ninh



Tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur chuẩn bị ra một đặc san vào tháng 11.94.

Họ mời hơn 200 nhà văn viết về một ngày trong năm. Ban biên tập N.O. đã chọn ngày 29 tháng 4 vì coi lịch, họ thấy rằng ngày ấy không có gì đặc biệt, không kỷ niệm một sự kiện lịch sử nào cả.

Trong số các nhà văn thế giới, Nouvel Observateur mời bốn nhà văn Việt Nam: Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài và Bảo Ninh. Diễn Đàn giới thiệu với bạn đọc trong số này bài viết của Bảo Ninh.


Đoàn tàu tốc hành S2 rời ga Sài Gòn lúc 8 giờ tối ngày 27 và ra đến ga Hà Nội vào đúng 8 giờ sáng ngày 29. Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ bò chậm như rùa, người Việt Nam chúng ta đã phi nước đại dọc qua đất nước hình chữ S của mình với tốc độ của năm 1939. Cố nhiên là nhờ Đổi Mới chúng ta mới có được tốc độ này. Đổi Mới... Đổi Mới... Đổi mới..., suốt 36 giờ ngồi trên tàu hoả, tôi chỉ nghe thấy độc nhất một điệp khúc ấy thôi vang lên triền miên trong tiếng bánh sắt lăn trên đường ray. Đổi Mới! Đổi Mớ i! Đổi Mới! Thời Đổi Mới đẻ ra biết bao nhiêu là cái mới. Năm ngoái đã mới rồi, năm nay lại tiếp tục mới và sang năm hẳn rằng sẽ còn mới nhiều hơn nữa. Nhờ những vận hội tốt lành rồi sẽ đến cùng Đổi Mới, Tổ quốc nghèo khổ của tôi ngày hôm nay dường như đã mấp mé bờ cực lạc.

Trên sân ga, tôi thấy hàng đống Tây và Mỹ. Sự xuất hiện ngày một đông của những ngoại nhân cao lớn, giàu đôla này có thể coi là bằng chứng rõ ràng nhất về việc đất nước tôi đã thực sự ra khỏi thời đại bế quan toả cảng. Và quyền tự do đi lại, tự do ăn nói, tự do muốn làm gì thì làm của họ cũng là một trong những biểu hiện quyến rũ nhất về sự cải thiện quyền con người ở Việt Nam. Tất cả đám du khách Tây đầm này, dù trong bộ cánh sặc sỡ hay dù cố tình rách nát nhàu nhĩ, thậm chí hỗn xược cởi trần ra, đỏ au, trắng hếu đều nguyên hình là những sinh vật tràn trề nhựa sống, hừng hực dục vọng và ham hố, cực kỳ bạo dạn và đầy lòng tự tin vào bản thân mình. Phần đông bọn họ còn rất trẻ, mặt mày sáng láng, no đủ, nồng nhiệt và nhố nhăng. Tôi tự hỏi liệu có ai trong số họ là con cái của viên phi công Mỹ đã điều khiển chiếc phản lực cơ F111A ném bom xuống nhà ga này vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 1972 hay không?

Ngày 29 tháng 4 năm nay theo âm lịch là ngày 19 tháng ba, mới tiết giao mùa, cuối xuân đầu hạ, vậy mà Hà Nội đã như giữa kỳ đại hạn. Chưa tới 9 giờ đã nắng như đổ lửa. Bên ngoài nhà ga phố xá nghìn nghịt người và xe, không khí lầm bụi, nóng nung thiêu. Cả một biển phu xe xích lô nhao tới như muốn ăn sống nuốt tươi tất cả những ai vừa từ tàu hoả bước xuống. Sau nhiều phút ráo riết mặc cả, tôi leo lên một chiếc xích lô cà khổ không có mui, và thu lu ngồi tắm nắng bất đắc dĩ suốt mười cây số từ ga về nhà.

Trước thời Đổi Mới, vùng khu phố phía Tây Nam này hoàn toàn xứng đáng được coi là góc điển hình của một Hà Nội tiểu thị dân đã gần lụi tàn, bị làm cho phá sản, trở nên nghèo hèn lụn bại ngay từ thuở trước chiến tranh. Từ lâu, ở đây mọi sự đều sa sút, xộc xệch, tất cả đều què quặt và han rỉ. Dọc hai bên những quãng phố cằn cỗi, trơ trụi, thưa thớt bóng cây, lòng đường trồi sụt, vỉa hè bị lột hết đá lát, là từng dãy chen chúc nhau những ngôi nhà trệt và những căn nhà gác tồi tàn xập xệ, với những mặt tiền ảm đạm, cau có, tường vôi tróc lở, nhiều năm không được quét mới lại, hoen ố, bệ rạc. Ở đây, trước thời Đổi Mới, đời sống nhồi nhét, ứ tụ hơi người. Hồi đó hầu hết các gia đình, dù đông miệng ăn đến mấy, cũng chỉ được ở một buồng, già trẻ lớn bé đóng hộp. Và chồng chất lên nhau cả chục hộ nấu nướng cùng một bếp, tắm táp cùng một hốc tường, phơi phóng cùng một khoanh sân thượng. Mà cống rãnh thì hư hỏng, điện đóm thì phập phù, và nước máy thì phải kìn kìn thùng chậu xếp hàng nhường nhịn nhau mà hứng từ độc nhất cái vòi công cộng ngày đêm ri rỉ đếm giọt bên vệ đường. Ở đây, ai nấy nai lưng ra mà sống, ngoan ngoãn, cặm cụi, dốc lòng chịu đựng đến thuần thục nếp sống chung đụng thô kệch não nề của một chốn thị thành bị tập thể hoá, nghèo kiệt, vô thần, buồn ê ẩm. Nhất là vào mùa đông, những ngày cuối năm dưới vòm trời khổ hạnh thì quang cảnh nhà cửa phố xá sờn nát nơi đây thật quả là cả một sự khánh kiệt đến tận đáy lòng. Nhưng đó là nỗi tuyệt vọng đã xưa lắm rồi, ngày nay mọi sự dường như đã bớt phần bi đát. Ngày nay, người ta dường như đua nhau hy vọng.

Lão nghe người ta đồn rằng bọn Tây sẽ diễn biến hoà bình với dân mình theo đúng cái mẹo một đổi một mà chúng nó đã làm với dân Đông Đức. Một đồng mình đổi lấy một đồng đôla. – Ông già đạp xích lô kháo thế với tôi.

Ông già nhỏ thó này tuổi chắc đã ngoài sáu mươi nhưng ham tán chuyện không thua gì một tay thợ cạo. È cổ ra đạp, mồ hôi vã như tắm mà ông vẫn cố sức lải nhải mặc dù tôi một mực làm thinh. Tôi không bắt chuyện bởi vì thấy ông đeo huy hiệu cựu binh Điện Biên Phủ trên ngực áo. Tôi sợ phải nghe ông kể chuyện chiến đấu. “Đúng vào những ngày này, bốn mươi năm về trước...” , tôi đoán là ông ta sẽ bắt đầu như vậy và tôi biết tôi sẽ không kìm mình được, sẽ nhào ngay ra khỏi xe để chạy khỏi bản anh hùng ca cổ lỗ sĩ ấy. Và không phải chỉ cổ lỗ sĩ mà thôi, tôi dám cá một ăn mười rằng bản anh hùng ca của ông ta nếu cất lên nó sẽ vang rền sự bốc phét. Tất nhiên là như thế, bởi vì đã gọi là kể chuyện chiến trận thì người ta nhất thiết phải bốc phét. Nếu không bốc phét toàn bộ thì chí ít cũng phải bốc phét tới già nửa.

May thay, tinh thần ái mộ quá khứ của ông phu xa già lao khổ không cao như tôi tưởng. Ông tâm sự, ông kể lể nhưng tuyệt nhiên không đả động tới cái thời xưa vinh quang, thời ông được vinh dự tham gia đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập, để giành tự do, để giành quyền dân chủ, để hy vọng có được cơm no áo ấm cho dân tộc ông, cho bản thân ông và cho muôn đời con cháu ông. Giọng ông bị tiếng ồn của phố xá, bị nắng và bụi, bị nỗi nhọc nhằn át đi, song tôi vẫn lõm bõm nghe thấy, câu được câu chăng. Từ chuyện diễn biến hoà bình, chuyện bọn Tây sẽ đổ vào nước mình để mua hết những thành quả của chủ nghĩa xã hội, ông kháo sang chuyện xổ số, chuyện số đề. Rồi chẳng cần biết tôi có nghe hay không, ông kể về gia cảnh nhà ông. Vợ chồng ông được bốn người con. Thằng đầu bị bom Mỹ, chết ở Nam Lào năm 71. Thằng thứ đi lính biên phòng, bị quân Tàu giết ở Lạng Sơn hồi 79. Năm 82, cô ba theo chúng bạn đóng bè vượt biển nhưng số phận cùng mạt khiến bè của cô gặp phải tàu hải tặc. Cô út lấy chồng, đã được với nhau hai mặt con, nhưng đang yên đang lành thì anh chồng thất nghiệp, đâm đầu vào rượu chè hút xách, mất hết sản nghiệp, phạm tội rồi ngồi tù. Vậy là ngoài bà vợ bị nhũn não liệt nửa người, bây giờ ông phải gánh ba mẹ con nhà nó cộng thêm thằng rể mỗi tháng một lần phải thăm nuôi... Tôi nghe, im lặng, kệ cho ông già thoải mái thở than. Dù sao thì thở than cũng là hình thái phổ thông nhất của quyền tự do ngôn luận. Vả chăng, tôi có thể nói gì nhỉ để an ủi ông? Tai hoạ và khổ đau là hình ảnh truyền kiếp, là số phận muôn đời của đất nước tôi. Riêng gì gia đình ông bất hạnh.

Giá mà cái khổ cũng đổi được thành đô la anh nhỉ thì phen này cả nước mình tha hồ mà phất! – Như thể đọc được suy nghĩ của tôi, ông phu già lại đột ngột đổi sang mộng mơ.

Song, thực tế đang bày ra ở hai bên đường là đúng y như ông nói chứ còn giá mà gì nữa. Đúng là ở đây dọc theo đại lộ Giảng Võ, người ta đang bày bán nỗi khổ cực của mình. Thoạt đầu chỉ có những nông dân miền Thanh Nghệ nổi tiếng đói nghèo, về sau là nông dân của tất cả các tỉnh trên đồng bằng sông Hồng dồn tụ về đây cả ngàn người mỗi ngày. Đông nghìn nghịt, dãi nắng dầm mưa, họ ngồi kín hai bên vỉa hè con lộ dài gần ba cây số để bán hàng. Hàng của họ là chính thân xác họ. Nhà chức trách gọi đây là trung tâm dịch vụ sức lao động, còn theo cách nói nôm na của dân chúng thì đây đơn thuần là một cái chợ: chợ cơ bắp, hoặc trắng trợn hơn thì người ta nói: chợ thịt người. Nếu bạn cần dọn một đống rác, hoặc cần thông một ống cống, hoặc cần bổ một tạ củi, hoặc cần khiêng một thùng nước, hoặc cần đập đi một góc tường, hoặc cần sửa lại cái hàng rào, hoặc thậm chí nếu bạn cần đóng dù chỉ là một cái đinh thôi lên tường nhà bạn, bạn chỉ cần ghé vào chợ cơ bắp và ho khẽ một tiếng. Hàng chục, hàng trăm gã trai đang ngồi xổm bên vỉa hè, mặt mày ủ rũ, đầu gối quá tai sẽ nhất tề bật dậy, chạy nhào tới để xin được bán hàng cho bạn. Người bán thì đông nghịt, hàng hoá nhiều ê hề, người mua thì chỉ mình bạn, dĩ nhiên giá cả sẽ do bạn định đoạt tuỳ ý. Cả luật lao động cũng vậy, cũng tuỳ ý bạn, bạn muốn nó thế nào thì người bán sức lao động cũng phải vui mừng tuân theo thế nấy. Cho nên hoàn toàn dễ hiểu vì sao ở chợ Giảng Võ này, giá của bắp thịt con người lại có thể rẻ hơn giá bắp cải.

Chỉ có một điều không thể hiểu nổi là mặc dù vô cùng ế ẩm, hàng hoá vẫn cứ ngày ngày kìn kìn đổ về chợ cơ bắp, và những người bán hàng vẫn cứ ngồi la liệt như thế mà không chết đói, chết bệnh, chết rét hoặc chết nắng. Mặc dù phần đông họ còn trẻ và hầu hết đều là lính giải ngũ nên giỏi chịu khó, nhưng bạn biết đấy, sức người có hạn. Hay là bởi vì, tôi thầm nghĩ, đối với những chàng trai nhà quê này thì cảnh sống nheo nhóc vạ vật màn trời chiếu đất và đắp đổi qua ngày ở chợ lao động thành phố vẫn cứ là dễ chịu hơn nhiều so với cuộc sống của nông dân? Hay là bởi vì trong bầu không khí ngột ngạt, nóng bức, trong cảnh nghèo nàn, lam lũ, trong sự xô bồ, nhốn nháo của Hà Nội quê hương tôi, các chàng trai kia vẫn nhìn thấy rõ ràng một tương lai, vẫn nhìn thấy những triển vọng, vẫn nhìn thấy những vận may mà loại người đã lỡ thời như tôi thì không thể nhìn thấy.

Và tôi tự hỏi, phải chăng những triển vọng và những cơ may đó đang được chính Madona gào lên từ các loa phóng thanh của hội chợ VIETNAMERICA 94?

“I want to be where the sun warms the sky, when it’s time for siesta you can watch them go by, beautiful face, no cares in the world when a girl loves a boy and a boy loves a girl...”.

Hai chữ Việt Mỹ mà được nhập thành một theo kiểu lồng tên cặp uyên ương lại với nhau trên phông màn đám cưới, phải thừa nhận là một sự cố ý ngoạn mục. Nhưng Chợ cơ bắp trùng địa chỉ với Chợ VIETNAMERICA thì chẳng ngoạn mục chút nào, tôi nghĩ thế, vì nó trớ trêu lắm. Trớ trêu với tôi và với cả đống cựu chiến binh đang ngồi đầy đường Giảng Võ, trớ trêu đối với ông già đạp xích lô bị mất đứa con đầu trong chiến tranh chống Mỹ. Trớ trêu với vùng Giảng Võ này, nơi mà năm xưa, tại chính chỗ ngày hôm nay hãng IBM dựng panô quảng cáo và Madona đang ỏm tỏi gào thét, một ông Thần Sấm F105 ăn no đạn cao xạ đã cắm đầu xuống, nổ tan xác. Đặc biệt oái oăm là chợ VIETNAMERICA 94 này lại nhè ngày hôm nay, 29 tháng 4, để mà khai trương. Pepsi Cola vui mừng gặp lại các bạn! Trong sự om sòm của cái hãng nước ngọt nổi tiếng này, người ta có thể thấy sủi lên làn bọt khí của một nền thương mãi trơ trẽn và một nền chính trị tráo trở.

Mười chín năm về trước, ngày 29 tháng 4 năm 1975... tôi không hề muốn nhớ, song sự cố tình lãng quên luôn có tác dụng ngược lại. Ngày hôm đó, trung đoàn tôi đã áp sát phi trường Tân Sơn Nhất. Không chỉ pháo tầm xa 130 ly mà cả súng cối cũng bắt đầu rót đạn xuống phi đạo. Trên cao, nước Mỹ vĩ đại đang tháo chạy đầy trời bằng máy bay trực thăng. Họ mặc xác những người bạn Việt lâu đời của họ. Từ trên nóc một toà nhà cao tầng, tôi dùng ống nhòm quan sát tận mắt ngày tận thế đang diễn ra trong khắp phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày 30 là ngày kết thúc, nhưng ngày 29 mới thực sự là ngày của những thảm kịch. Rạng sáng ngày 30, trước phút bắt đầu cuộc tiến công lần chót, chúng tôi nghe được trên radio giọng nói rõ ràng, chậm rãi mà tôi thấy là vô cùng thống thiết, gần như muốn khóc, của xưởng ngôn viên Đài phát thanh Sài Gòn: “Vào chính nửa đêm ngày hôm qua, 24 giờ ngày 29 tháng Tư, tức 0 giờ ngày hôm nay, 30 tháng Tư năm 1975, người Mỹ cuối cùng đã ra đi...”. Người Mỹ đã ra đi, nhưng cuộc tấn công của chúng tôi không ngừng lại. Cho đến tận hai giờ chiều ngày 30, ổ đề kháng cuối cùng của quân dù Nam Việt Nam trong phi trường Tân Sơn Nhất mới chịu hạ vũ khí. Tôi lê bước dọc theo đường băng chính la liệt xác người và ướt đẫm nước mưa. Một cơn gió rất mạnh lôi ra hàng nghìn tờ báo từ cái bụng vỡ toác của một chiếc phi cơ vận tải. Gió vung vãi núi báo ấy ra khắp đường băng. Tôi nhặt lên một tờ. Đó là tờ Sao và Vạch [Stars and Stripes] của quân đội Mỹ, số ra ngày 29 tháng 4 năm 1975. Nước Mỹ là như vậy đấy. Chỉ còn vài giây nữa là cuốn gói khỏi đất nước của bạn, người Mỹ vẫn thực thi những cam kết của họ một cách chu đáo nhất, đáng tin cậy nhất, bộ máy Mỹ vẫn vận hành theo chương trình định sẵn một cách trơn tru nhất, hoàn hảo nhất y như thể là lá cờ Mỹ sẽ còn tung bay mãi mãi trên xứ sở của bạn. Tôi tiếc là đã không giữ được tờ nhật báo chiến bại ngày 29 tháng Tư ấy. Tờ báo ấy mà còn thì nó sẽ vừa là một kỷ vật chiến tranh lý thú nhất của tôi, vừa là vật chứng xác nhận những suy nghĩ và những mối nghi ngờ của tôi về nước Mỹ...

Tôi về đến nhà mình, toà chung cư được Bắc Triều Tiên vẽ kiểu, mục nát và tối tăm, đúng vào giờ buổi trưa không có điện. Thấy mặt tôi, vợ tôi mừng quá sức bởi vì bể nước của gia đình tôi đã cạn rồi, không có điện, quạt máy không quay thì thôi đành phải ở trần ra chịu nóng, chứ không có nước ai mà chịu nổi. Ra mướn người ở Chợ cơ bắp thì vợ tôi không muốn bởi vì chưa quen dùng tiền để bóc lột sức lao động của người khác. Không biết bóc lột kẻ khác thì đành tự bóc lột mình. Xếp hàng rồng rắn hứng từng thau nước ở vòi công cộng bên vỉa hè, rồi è cổ khiêng lên tận lầu ba, hai vợ chồng tôi lao động cật lực tới khi mặt trời lặn mới tàm tạm đủ được dùng cho hai ngày đại lễ: 30 tháng Tư và Mồng Một tháng Năm.

Một ngày đang trôi qua. Ngày nào mà chẳng như ngày nào. Bể nước khô kiệt đi rồi bể nước lại đầy. Tôi nghỉ tay, uống cạn cốc nước vợ tôi trao cho. Có thể nói một cách hoa mĩ rằng cốc nước này chan chứa cái thứ tình yêu khốn khổ đã làm nên cuộc sống của chúng tôi. Cũng hoa mĩ như vậy, có thể nói, cái khát này, sự lầm than này là kim chỉ nam dẫn dắt chúng tôi ngày lại ngày mò mẫm trên con đường tìm tới nguồn nước của hạnh phúc.


Bảo Ninh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss