Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 33 / 90 năm Duy Tân

90 năm Duy Tân

- Hoà Vân — published 13/04/2011 00:05, cập nhật lần cuối 12/05/2011 13:22


90 năm thành lập Hội Duy Tân
Bước ngoặt Âu hoá của xã hội Việt Nam


Hoà Vân



Khi thành lập Hội Duy Tân, rõ ràng mục đích của Phan Bội Châu và những đồng chí của ông, Nguyễn Hàm, Thái Phiên, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, v.v... trước hết là tìm một con đường kháng chiến mới chống thực dân Pháp, khôi phục đất nước, như sau này chính cụ Phan đã ghi lại trong hồi ký (Phan Bội Châu niên biểu) của mình.

Trong những năm đầu thế kỷ ấy, các cuộc khởi nghĩa cần vương đều đã thất bại. Còn lại chiến khu Yên Thế của người anh hùng Đề Thám không đủ tạo ảo tưởng một cuộc kháng chiến có thể mang lại thắng lợi. Cuộc “bình định” Đông Dương của thực dân đã thắng lợi từ hơn 20 năm trước, các công trình khai thác thuộc địa đã bắt đầu. Cầu Doumer (sau đổi tên là Long Biên) bắc qua sông Hồng được khánh thành năm 1902, như một minh chứng hiển nhiên của sự ưu việt của kỹ thuật tây phương. Trước đó, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đã hoàn thành năm 1886, đường Hà Nội - Lạng Sơn năm 1897, và tới năm 1904 đã xong ba đoạn Hà Nội - Vinh, Đà Nẵng (Tourane) - Đông Hà, Nha Trang - Sài Gòn trên đường xe lửa xuyên Việt...

Có phải chính vì thế mà tiếng gọi duy tân đã vượt xa những mục tiêu ban đầu của Hội để tạo ra cả một phong trào cách mạng với ảnh hưởng sâu rộng còn âm vang mãi sau này và cả cho tôi ngày nay?

Điều hiển nhiên đầu tiên là một Nguyễn Trường Tộ lẻ loi điều trần trước một triều đình ngu muội và nhu nhược hơn ba mươi năm trước đã được thay thế bằng cả một lớp đông đảo các nho sĩ lần đầu tiên nhận thức được sự tất yếu phải hiện đại hoá đất nước, phải thay đổi một cách cơ bản từ cách sống, cách nghĩ mới mong xoay chuyển được tình thế. Phan Châu Trinh còn đi xa hơn chủ trương của Duy Tân hội, nhấn mạnh yêu cầu hiện đại hoá đất nước trước yêu cầu lật đổ chế độ thực dân, nghiễm nhiên hình thành một phong trào Duy Tân với những bạn bè chí thiết của ông như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, v.v...

Nhưng một điểm quan trọng được tất cả chia sẻ, là sự thay đổi đối tượng cần được truyền đạt nhận thức về yêu cầu hiện đại hoá ấy. Duy Tân hội chưa thoát ra chế độ quân chủ (điểm này đã bị Phan Châu Trinh cực lực chỉ trích; tám năm sau, Việt Nam Quang phục hội, tiếp nối Duy Tân, mới đề ra chủ trương “ Muốn cho ích lợi nước nhà, Ắt là dân chủ cộng hoà mới xong”), tầm nhìn và kiến thức về thế giới của từng lãnh tụ Duy Tân có thể có những chỗ chưa được sâu rộng như nơi Nguyễn Trường Tộ, song những “Lưu cầu huyết lệ tân thư” (viết năm 1903, trong đó Phan Bội Châu nêu những chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, thực nhân tài”, khác với Phan Châu Trinh ở điểm cuối: “ hậu dân sinh”), “Văn minh tân học sách” (Đông Kinh nghĩa thục, 1907). “ Á tế Á ca” (khuyết danh, 1905-06), “ Hải ngoại huyết thư” (Phan Bội Châu, 1906), “Tỉnh quốc hồn ca” (Phan Châu Trinh, 1907), v.v... không còn là những bản trần từ gửi lên nhà vua (còn đó), lên các quan đại thần (cũng còn đó), mà đã là những lời kêu gọi, những bản hiệu triệu gửi thẳng đến nhân dân. Những buổi hội họp bí mật, những cuộc diễn thuyết được tổ chức “trên khắp Đông Dương”, như một bản báo cáo của toàn quyền Klobukowsky năm 1909 đã thừa nhận. Sau này, phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Châu Trinh (1926) vang động cả nước là những hệ quả của các cuộc vận động thời đó.

Cuộc đấu tranh giành độc lập từ nay không thể chỉ mang tính cách “ bình Tây, sát tả” hay tính cách “Cần vương” của những Trương Định, Phan Đình Phùng..., mà bao gồm từ việc tuyển thanh niên xuất dương du học (phong trào Đông du), mở trường dạy học, cổ động nền giáo dục mới, lấy chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, Nôm, lấy các môn “Công pháp, Tây Sử, Luật lệ, hội điển, địa đồ, toán pháp, v.v...” thay cho cái học từ chương, hủ lậu cũ (Đông Kinh nghĩa thục), viết báo, tổ chức kinh doanh (Triêu Dương thương điếm ở Nghệ An, Liên Thành công ty ở Phan Thiết), tổ chức biểu tình (phong trào “xin sưu” chống thuế năm 1908), tới cả việc tưởng như rất nhỏ như phong trào cắt “búi tó củ hành”

Phen này cắt tóc đi tu
Tụng kinh Độc Lập ở chùa Duy Tân!
(Nguyễn Quyền)

Những cuộc vận động ấy chưa đủ để lật đổ chế độ thực dân. Hội Duy Tân mới ra đời được 4 năm, phong trào Đông Du vừa nhóm, trường Đông Kinh Nghĩa Thục mới mở được hơn một năm, một đợt khủng bố, bắt bớ của thực dân sau vụ chống thuế và vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Thành năm 1908 đã làm cho phong trào hầu như tan rã. Các lĩnh tụ bị bắt đày ra Côn Đảo (Phan Châu Trinh, Nguyễn Hàm, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can, Đặng Văn Bá, v.v...), thậm chí bị đem ra xử tử hình (Trần Quý Cáp), chỉ trừ Phan Bội Châu đang ở Nhật là thoát.

Nhưng lửa đã bén vào than.

Những búi tóc cắt ngắn sẽ không được để lại, và giữa những đổi thay về kinh tế, xã hội dưới chế độ thực dân, những nếp sống mới, những ý tưởng mới sẽ dần dần thắng thế. Chỉ mười mấy năm sau, nàng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã có thể cùng chàng Đạm Thuỷ tắm biển Đồ Sơn! Rồi những nhân vật của Tự Lực văn đoàn – những cô thiếu nữ “tân thời” dám cả gan vứt bỏ những ràng buộc của lễ nghi phong kiến để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, làm say đắm cả một tầng lớp thanh niên mới – đã chuẩn bị môi trường, khiến cho chỉ ít lâu sau các khái niệm tự do, hạnh phúc đã tìm được chỗ đứng rất tự nhiên (bên cạnh độc lập) trong tiêu ngữ của nhà nước Việt Nam mới, ngay sau khi giành được chính quyền.

Những bài diễn thuyết, bài ca cổ động, “học sách” dù không được phép in sẽ vẫn tiếp tục truyền miệng, sống trong tâm tư của người dân mất nước. Những ý tưởng của Phan Châu Trinh, thiểu số trong giới nhà nho yêu nước lúc ấy, về sự cần thiết lật đổ chế độ quân chủ thay bằng dân chủ, phá vỡ trật tự phong kiến cũ, coi hiện đại hoá xã hội và đất nước là việc phải làm trước khi lật đổ chế độ thực dân, tuy không thuyết phục được ngay Phan Bội Châu, sẽ dần dần thấm trong mọi tầng lớp nhân dân, làm nền cho những phong trào kế tiếp (tuy về sau, các phong trào kháng chiến sẽ đặt hai nhiệm vụ này đồng thời chứ không coi nhiệm vụ hiện đại hoá là phải làm trước. Sự phân biệt – và phân liệt – những người yêu nước nằm trong phương cách hiện đại hoá ra sao).

Trong các chương trình vận động của Duy Tân, một điểm đặc biệt có ảnh hưởng sâu xa nhất có lẽ là cuộc vận động dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nho. Chữ quốc ngữ tuy được thực dân sử dụng chính thức từ 30 năm trước tại “Nam Kỳ”, song không lan được rộng rãi trong dân chúng vì bị sĩ phu yêu nước tẩy chay, nay đã đổi vị trí, trở thành vũ khí lợi hại của cuộc vận động khai dân trí trên con đường đấu tranh mới. Nhà cầm quyền thực dân cũng sẽ phải tính tới điều này với chính sách mở trường học “Pháp-Việt đề huề”, và với việc sử dụng những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, lấp vào chỗ trống của văn chương Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục vừa bị cấm đoán (xin xem Nguyễn Văn Trung và Mai Ngọc Liệu, “Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc”, nhà xuất bản Nam Sơn, Sài Gòn 1.1975). Tác dụng khách quan của Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí đối với sự phát triển nền văn học Việt Nam đương đại, bằng quốc ngữ, là như thế nào, câu hỏi cần được nêu ra, song có thể nào chỉ một chiều xưng tụng “đức văn sĩ giả dối” kia (mượn chữ của Ngô Đức Kế) mà quên rằng Trần Quí Cáp, tác giả những lời khuyên đồng bào

(...)

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta,
Sách Âu, Mỹ, sách Chi-na,
Chữ kia nghĩa nọ dịch ra tỏ tường.
Nông công cổ trăm đường cũng thế,
Hợp bằng nhau thì dễ toan lo.
Á, Âu chung lại một lò,
Đúc nên tư cách mới cho rằng người. ..

(1906)

đã bị triều đình Huế xử chém 2 năm sau lời kêu gọi đó, một lời kêu gọi được ghi hàng đầu trong 6 chương trình của Văn minh tân học sách, 9 năm trước khi Nam Phong được cho ra đời?

Chương trình thứ sáu của Văn minh tân học sách, “ mở toà báo”, tuy không thực hiện được ngay nhưng cũng sẽ được thực dân chú trọng và đáp ứng (!) một cách đặc biệt, với Đông Dương tạp chí (ra đời tháng 5.1913) và Nam Phong tạp chí, tháng 7.1917 (không kể những tờ bằng tiếng Pháp và vài tờ tiếng Việt có ảnh hưởng ít hơn, ở trong Nam). Song, từ những năm 1920, đã có những tờ báo hợp pháp hoặc bất hợp pháp của những người Duy Tân cũ từ Côn Đảo trở về (như Ngô Đức Kế với tờ Hữu Thanh, 1921, Huỳnh Thúc Kháng với tờ Tiếng Dân, 1927), hoặc của lớp trẻ hơn như La Cloche fêlée (Nguyễn An Ninh, 1923-1926), L’Annam (Phan Văn Trường, 1926-1928), Thanh Niên (Nguyễn Ái Quốc, 1925-1928), v.v...

Về một khía cạnh khác, ít được chú ý hơn, ảnh hưởng của các ý tưởng duy tân có lẽ cũng không nhỏ. Tuy chưa nhiều và tất cả không để lại một dấu ấn thật đậm trong lịch sử, ngay từ đó đã có những thanh niên Việt Nam đầu tiên dấn thân vào con đường học hỏi khoa học, kỹ thuật, kinh tế, trong hoài bão mà “Á tế Á ca” đã nêu ra:

... Nền tân học kíp nên dựng trước.
... Mọi nghề cùng ghé địa cầu một vai.

Phan Bội Châu niên biểu có ghi lại trường hợp của một vài thanh niên Đông du gắng công học khoa học kỹ thuật ở Nhật Bản, nhưng phải đợi đến những năm 1920-30 mới xuất hiện những tên tuổi Việt Nam đầu tiên gắn với các địa hạt này của “Nền tân học”, những Nguỵ Như Công-Tum, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, v.v...

Cuộc đổi đời sẽ còn cần nhiều thời gian, trải nhiều thử thách (và, không phải luôn luôn để đạt tới những cái hay hơn, đẹp hơn cái cũ, nhưng đó lại là chuyện khác!). Với những phương tiện cai trị tinh vi và sắt đá, trên nền tảng một dân tộc chưa thoát khỏi rất nhiều lạc hậu của nhiều thế kỷ phong kiến trì trệ, chế độ thuộc địa còn tiếp tục ngự trị khá lâu sau khi Duy Tân bị dẹp. Nhưng, dưới nhiều hình thức, với những nỗ lực của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, đất nước và dân tộc Việt Nam đã bước chân vào một cuộc trường chinh không đảo ngược được. Sự tiếp xúc với văn minh Tây Âu, dù trong ngót một thế kỷ trong thế đứng của một kẻ bị trị, và trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt 30 năm (không thể quên, sự tiếp xúc với hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, với những ý tưởng về công bằng xã hội, về đấu tranh giai cấp, cũng nằm trong trào lưu Âu hoá đó, trên cùng một bình diện với sự tiếp thu những khái niệm về dân chủ, tự do, nghị viện, v.v...), đã làm thay đổi bộ mặt xã hội Việt Nam một cách khá toàn diện và sâu sắc. Về kinh tế và đời sống vật chất, với sự hình thành những trung tâm đô thị và mạng lưới giao thông mới; Về vị trí của cá nhân trong xã hội như đã đề cập; Về thể chế chính trị (từ “quốc gia” đến “cộng sản”); Về chữ viết và học thuật, và về nhiều khía cạnh khác. Hẳn là trong những đổi thay đó, có những nét chung của thời đại, của một thế giới ngày càng thu hẹp, những tương đồng của nhiều dân tộc châu Á và những nét đặc thù Việt Nam. Điều đó, các nhà sử học, xã hội học, văn nghệ sĩ, triết gia... đã và còn tiếp tục nghiên cứu. Hẳn là có những giá trị cũ bị rơi rớt oan uổng, mà các thế hệ hiện nay và sắp tới cần tìm lại và gìn giữ, có những cái “mới” thực ra chẳng tốt đẹp gì, những cái mới “dỏm” hoặc tốt với người mà ta chưa tiêu hoá nổi. Và có những giá trị đã được khẳng định chung của nhân loại, nhưng chưa được thừa nhận ở Việt Nam, chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trong xã hội Việt Nam. Cuộc đấu tranh khốc liệt giành độc lập và trào lưu thế giới cũng đã dẫn đến những thử nghiệm đau thương về tổ chức xã hội, về kinh tế chính trị, tuy nhiều lần phải điều chỉnh nhưng vẫn còn quá xa với những mục tiêu “ tự do, hạnh phúc” được đề ra ngay từ những ngày đầu tiên sau cuộc Cách mạng tháng 8.1945. Song dù sao, thế giới bên ngoài của người Việt đã rộng mở, góp phần củng cố và điều kiện hoá những thay đổi bên trong. Không chỉ còn là “thiên triều” phương bắc hay một vài “lân quốc” bên hông (mong rằng nó cũng không chỉ được thay thế bằng bất cứ một “mẫu quốc” nào khác, dù với rất nhiều thiện tâm “khai hoá”!). Từ cuộc Đông Du lần đầu tiên dẫn các vị tiền bối vượt biển đến Nhật Bản, tiếp theo là các chuyến đi Pháp tìm đường cứu nước của Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh), người Việt đã đi tới, có mặt trên khắp năm châu. Các giáo huấn của Khổng, Mạnh, của Phật, Lão không còn độc chiếm tư duy của người trí thức. Khởi đầu từ sự tiếp xúc của các nho sĩ yêu nước đầu thế kỷ với những Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa, v.v..., người Việt Nam hôm nay đã có thể học hỏi nhiều nguồn tư tưởng triết học, khoa học khác nhau trên thế giới – và có những người đạt tới mức hiểu biết, sáng tạo cao –, đã đủ sức, trong nhiều lĩnh vực, tự giải quyết các vấn đề kinh tế, kỹ thuật đặt ra trong một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống yên tĩnh sau luỹ tre xanh của nhiều thế kỷ trưóc.

Dĩ nhiên những thay đổi kể trên đã không dễ dàng – cùng với sức ỳ của xã hội nói chung, sự phản kháng của các nho sĩ bảo thủ mà phe Duy Tân gọi là hủ lậu nho sẽ còn kéo dài –. Song, công cuộc Âu hoá một xã hội cả hàng ngàn năm Khổng Mạnh ấy liệu có mau như thế nếu như nó chỉ là một chính sách được chính quyền thực dân đề ra và ra sức thực hiện, trong khi linh hồn của cuộc kháng chiến vẫn cứ là một sự cố thủ, “bảo tồn nòi giống” trong một tĩnh lặng “ngàn năm văn hiến”?

Và cũng dĩ nhiên, tất cả những đổi thay đó không thể được “tính sổ” vào cuộc vận động Duy Tân quá ngắn ngủi (nói theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp, có những kết quả của một cuộc “cưỡng dâm”!). Nhưng, ngoài cái lôgic nội tại của sự khai thác thuộc địa (dẫn tới việc xây dựng một số hạ tầng cơ sở, thành lập một số trường học) ngoài những thiện chí của một bộ phận người Pháp, có thể nào quên sức ép có ý thức của xã hội Việt Nam vào cuộc hiện đại hoá đất nước khởi đi từ những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các thế hệ đồng chí tiếp theo?

Ngày hôm nay, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã lại hình thành sau hơn một thế kỷ bị nước ngoài chiếm đóng. Tiếng súng, tiếng bom đã lắng im, và trong những ngày hè vừa qua đã nhường chỗ cho tiếng reo hò, cổ vũ của một cơn sốt bóng đá trong chừng mực nào đó chứng minh có một nước Việt Nam bình thường (tất nhiên là bên cạnh nhiều biểu hiện bình thường khác), đã “bình thường hoá” quan hệ với cộng đồng quốc tế. Nhưng đó chỉ là một dấu ngoặc nhỏ, có tính chất xả hơi trong một thế giới đầy biến động, và chắc chẳng mấy ai tự bằng lòng chỉ với những biểu hiện bình thường ấy. Nhiều điều cũng “bình thường” của một xã hội mới vẫn còn thiếu vắng. Về đời sống vật chất đã hẳn, mà sự xây dựng các cơ sở vật chất hiện đại, điện, nước, giao thông, v.v..., đòi hỏi nhiều thời gian, tiền của, nhiều sức lực, tim óc. Nhưng cả về những điều kiện sống tinh thần của một xã hội công dân mới – không thể thiếu nếu muốn vận động người dân mang hết tài sức mình đóng góp cho cuộc xây dựng kinh tế, như sự tôn trọng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, hội họp, tín ngưỡng, tôn trọng thiểu số, tôn trọng quyền lập đảng chính trị, v.v..., dù chính quyền hiện nay chính thức coi mình như người nối nghiệp của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng đã từng xả thân tranh đấu cho các quyền tự do ấy! Có cần nhắc lại là tất cả các quyền tự do nói trên đều đã được Nguyễn Ái Quốc, trong lớp hậu bối đầu tiên của các nho sĩ Duy Tân, nêu trong bản yêu sách trình trước hội nghị Versailles của các cường quốc thắng trận thế chiến thứ nhất, năm 1919? Nói chung hơn, một thiếu vắng lớn đối với một xã hội bình thường trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21: một nền luật pháp tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, với một chính quyền tôn trọng pháp luật đó, được hỗ trợ bởi một bộ máy hành chính hoạt động hữu hiệu... Về bản thân xã hội, do chiến tranh lâu năm cũng có, do đời sống vật chất nghèo nàn cũng có, nhưng cũng do các chính sách giáo điều về văn hoá, giáo dục, v.v... mà sức khoẻ và trình độ học vấn, hiểu biết, ý thức xã hội của người dân hiển nhiên còn khá xa những chuẩn mực của thời đại, ngay cả so với những nước chung quanh mới phát triển.

Cuộc hội nhập vào thế giới hiện đại, dù trong một vị trí khiêm tốn, đòi hỏi một xã hội có trình độ tri thức và văn hoá không nhỏ. Đòi hỏi quốc gia đã giành được độc lập vươn lên gánh vác những trách nhiệm của mình, như giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục môi trường, v.v... Tất nhiên không phải trong một thế cô lập khép kín, song cuối cùng thì trách nhiệm vẫn là do mình nắm trong tay, chế độ hay hay dở, kinh tế văn hoá tốt hay xấu chẳng trách ai được. Những người cầm quyền lại càng không thể trách ai khi quyền hành không được chia sẻ, khi người dân không được tự do phát biểu những ý kiến của mình trên những phương tiện họ được tự do lập ra (như phong trào Duy Tân đã đề xướng).

Duy tân, do đó nếu không còn mục tiêu tìm đường giải phóng dân tộc khỏi một thế lực thống trị ngoại bang, vẫn là một đòi hỏi cấp bách để vượt qua nhiều ràng buộc và hủ lậu của quá khứ vẫn tồn tại trong từng bộ phận hoặc toàn thể đất nước và dân tộc. Để vượt qua những chướng ngại ngăn cản việc tìm ra không phải là những giải pháp mầu nhiệm mà là những giải pháp được đa số nhìn nhận là hữu hiệu nhất, thích hợp nhất đối với các vấn đề hiện nay của đất nước. Và để đủ nhân lực có bản lãnh thực hiện các giải pháp đó...

Thế giới thay đổi càng nhanh, công cuộc duy tân đất nước càng phức tạp và luôn luôn đầy những dang dở, bất trắc với những bước đi quá đà và những bước lùi đáng tiếc. Song điều đó không còn thuộc phạm vi trách nhiệm của các nhà nho đã đưa đất nước vào bước ngoặt Âu hoá và tiếp xúc với thế giới hiện đại 90 năm trước...


Hoà Vân

8.1994


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us