Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 33 / con người và computer

con người và computer

- Huỳnh Hữu Uỷ — published 13/04/2011 00:10, cập nhật lần cuối 12/05/2011 13:37

Những tác phẩm mới nhất của Nguyên Khai:
con người và computer


Huỳnh Hữu Uỷ

 

Cùng với tranh sơn dầu và sơn mài vẫn được tiếp tục thực hiện như trong không khí từ nhiều năm về trước, trong khoảng một hai năm gần đây Nguyên Khai thực hiện một loạt tranh mới, cũng có thể nói là đáng chú ý vì kỹ thuật mới mẻ. Kết hợp với kỹ thuật khắc gỗ, thạch bản, khắc bản kẽm, khắc phim, rồi in bằng máy quay tay trên giấy, đôi lúc là trên bột giấy đặc biệt, đòi hỏi nhiều thời gian, vừa là tranh mà cũng vừa là những bảng khắc nổi, khắc chìm (haut-relief, bas-relief), thỉnh thoảng còn dát thêm đôi chút vàng bạc ở những điểm cần nhấn mạnh để tạo sự nổi bật. Sống giữa một thời mà nghệ thuật rất gần với kỹ thuật và cơ khí, những không gian mới của nghệ thuật đòi hỏi không những chỉ là tư tưởng mà còn nhiều thứ khác nữa của kỹ thuật và kỹ nghệ, nỗ lực tìm kiếm này của Nguyên Khai cũng rất đáng tán thưởng. Điều đáng kể là với một cách làm việc và những phương tiện hoàn toàn khác trước đây, anh vẫn tiếp tục hít thở, chuyển động và sống với thế giới mộng tưởng của mình như từ bao nhiêu năm trước, các giấc mơ đầy thi vị cứ tiếp tục nối nhau trên một đường chỉ đỏ xuyên suốt từ hơn 30 năm qua. Nhũng tranh này dù thực hiện rất công phu và có thể in thành nhiều bản, in bao nhiêu bản cũng được, anh chỉ in một bản duy nhất, nên đã đặt cho chúng một cái tên giản dị: monoprint, tranh độc bản.

Giai đoạn nghiên cứu và thực hiện những độc bản mà Nguyên Khai đã có dịp bày trong một vài cuộc triển lãm vừa qua, thực sự ra mới chỉ là những chuẩn bị, có thể xem đó là những thăm dò mò mẫm tìm kiếm, tạo tiền đề cho những khám phá mới. Phòng tranh mới nhất của Nguyên Khai mở cửa ở trụ sở Việt Báo Kinh Tế từ 11.3 tới 26.3.94 với một chủ đề chung Con Người và Computer là một thành quả rất đặc sắc, cũng có thể nói là khá rạng rỡ khi người nghệ sĩ tài hoa này mở rộng cách nhìn của mình vào thế giới hiện đại.

Bao trùm lên toàn thể phòng tranh một không khí rất mới, chúng ta có thể gọi nó là một sắc diện nào đó của trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại (post-modernisme). Anh pha trộn nhiều kiểu cách nhưng chủ yếu là cách biểu lộ của loại hình nghệ thuật Pop Art, vẫn còn là khá mới mẻ và chưa quen thuộc lắm với nghệ sĩ Việt Nam (*). Nhưng không phải là Nguyên Khai đã rời bỏ hoàn toàn tất cả những nền tảng trước đây, bởi anh chỉ vận dụng phương thức biểu lộ mới, nhưng vẫn xây dựng thế giới của mình trên cách nhìn quen thuộc của nghệ thuật siêu thực lập thể và trừu tượng. Nguyên Khai sử dụng những nguyên liệu mới trông rất buồn cười, để làm nền tảng xây dựng thế giới của mình, đó là những chip điện tử. Trên báo Người Việt Thế Giới số vừa ra mắt có mấy dòng giới thiệu về cuộc triển lãm này, đã nhận xét nhẹ nhàng và khá đúng: “Con người, với computer, đang viết những trang sử mới cho văn minh nhân loại. Đã tới lúc những chất liệu hội hoạ có thể... kết hôn với những chip điện tử”. Cứ như vậy, có lẽ rồi Nguyên Khai sẽ sử dụng bất kỳ chất liệu nào, vật thể gì, miễn là có thể được và phù hợp, để tiếp tục triển khai thế giới của mình.

Phòng triển lãm mở ra một thế giới mới, với nhiều nỗ lực tìm kiếm mới đầy năng động sáng tạo. Hầu hết các tác phẩm đều là mixed media, thực hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau pha trộn lại, những sợi và mảng kim loại, đinh kẽm, sơn dầu, vải bố, gỗ, acrylic, đặc biệt chủ yếu là những chip điện tử. Những chip điện tử ấy được vận dụng, sắp xếp khắp nơi rất khéo léo trên các tấm tranh; có tấm thì chỉ cần vài mảnh nhỏ ấy để tạo thành một điểm trung tâm thu hút toàn bộ; có tấm thì dường như toàn bộ được dàn trải toàn bằng chất liệu này, chỉ thêm thắt vào những mảng sơn dầu hoặc acrylic để tạo sự hoà hợp tổng thể. Không khí ấy trên những tác phẩm của Nguyên Khai rõ ràng bao hàm sự ghi nhận về một thế giới mới trên đường tiến tới tương lai. Văn minh nhân loại đang biến đổi dữ dội và chưa biết đi về đâu dưới áp lực và sự thống trị của cuộc cách mạng điện tử đang diễn biến. Những chip điện tử nhỏ bằng phân vuông ấy ngày nay đang chế ngự cuộc sống loài người, khắp nơi và khắp nơi, trong bất cứ lãnh vực nào. Từ giáo dục đến truyền thông, từ kinh tế đến sinh học. Từ an ninh xã hội đến hàng hoá tiêu dùng. Từ kỹ nghệ đến giải trí. Từ đường phố đến sinh hoạt trong từng mỗi căn phòng. Chip điện tử, bộ óc tinh vi của hệ thống computer đang điều khiển mọi vận hành của nhân loại. Ở đây, người hoạ sĩ rất mực tài hoa được chúng ta yêu mến suốt hơn ba mươi năm qua, không những chỉ mô tả mà ít nhiều còn có tính tiên báo bằng những cảm nhận nghệ thuật vô cùng tinh vi về một thế giới mới, một nhân loại mới đang bước đi và sẽ tới.

Anh dựng lại hình bóng Bà Mẹ Đất, nền tảng của mọi sự sống. Nhưng ở đây, Nữ Thần Địa Mẫu, sức sống uyên nguyên của sự kết hợp, nuôi dưỡng và tái tạo, không mang cái dáng vẻ xù xì, thô kệch của bà mẹ phồn thực xưa nay, như hình bóng chúng ta vẫn thường thấy từ những dấu vết tiên khởi từ thời đồ đá cho đến những tác phẩm hiện đại nhất của ngày hôm nay. Mẹ Đất (Mother Earth) của Nguyên Khai thực hết sức thanh tú, tròn đầy đầy chất thơ và mơ mộng. Nhiều nguyên liệu pha trộn nơi tác phẩm tạo bức tranh thành một công trình đắp nổi của điêu khắc, mở ra một thế giới của không gian ba chiều. Bà mẹ thanh nhã ấy của muôn loài cũng đang chuyển biến; trái đất và cuộc sống của nhân loại đang thay đổi dữ dội, đang âm ỉ cháy để rồi sẽ dựng nên một nhân loại mới trong một tương lai gần gũi. Có gì khác biệt giữa linh cảm, mơ mộng và thực tại? Có gì khác biệt giữa giấc mộng của nghệ thuật và giấc mộng của lịch sử? Có nhiều giấc mộng chừng như không tưởng thì chính lại là rất thực. Ở đây, thực ra không phải chỉ là linh cảm và tiên báo, mà hẳn cũng đã bắt nguồn từ tính biện chứng trên tấm nền thực tại. Chỉ có điều là những ghi nhận qua những tần số cảm tính đã được trau chuốt trở lại trong một vẻ thanh nhã, thơ mộng cố hữu của Nguyên Khai; cách nhìn ấy hẳn là khó mà thay đổi.

Cũng trong cách nhìn ấy, Nguyên Khai đã vẽ nên bộ mặt của một thế giới đã hoàn toàn biến đổi dưới sức chi phối của computer. Anh sắp xếp những chip điện tử tivi lên mặt tranh, chiếm đến gần 2/3 tấm tranh, nhưng thế giới ấy hoàn toàn phi nhân tính; ở bên trên thế giới tivi ấy vẫn còn hai khuôn mặt kiều diễm quen thuộc của Nguyên Khai. Chân dung hai thiếu nữ ấy dường như đã đứng vững, mặc dù vẫn mềm dịu, mộng ảo và đầy nữ tính, trên đài bệ vững chãi của cái thế giới mới siêu điện tử. Bức tranh ấy Nguyên Khai gọi là Khu Vực Mới (New Area). Cùng cách tạo hình và ý tưởng ấy, Nguyên Khai càng đi xa hơn nữa, anh dựng một thế giới hoàn toàn mới mẻ với tầng tầng lớp lớp chồng chất lên nhau những con mắt và trí óc điện tử. Không còn thấy bóng dáng con người đâu nữa, vì con người đã hoàn toàn bị khống chế và chìm lấp trong thế giới siêu kỹ thuật cực kỳ tinh vi ấy. Nhưng may thay, Nguyên Khai đã phóng chiếu chân dung con người theo một kiểu cách kỳ lạ hơn, bí ẩn hơn: anh dựng hình bóng Chúa Giê-su với khuôn mặt bằng đồng, một vòng hào quang bằng aluminium và hai tay bằng gỗ bị đóng đinh lên trên thế giới ấy. Bức Cứu Rỗi (Salvation) là một cách giải quyết rất nhạy bén, thông minh và sâu sắc cái hoà nhịp thiết yếu giữa nhu cầu tâm linh và thế giới bên ngoài. Thế giới càng văn minh, kỹ thuật càng tinh vi, khoa học càng tiến sâu vào những bến bờ mới lạ, khao khát tâm linh về một sự cứu rỗi mới, có lẽ càng sâu thẳm hơn nhiều. Khi đứng trước tác phẩm này, tôi tưởng tượng đến những thành phố hiện đại của thế kỷ 21, và nếu các nhà kiến trúc sử dụng ý tưởng ấy để mô hình hoá và quy hoạch những thiết kế mới, mỗi chip điện tử trên tranh ấy sẽ trở nên một con đường, một công viên, một chiếc cầu, một toà building lớn; mỗi chấm nhỏ li ti trên ấy là chiếc xe của chúng ta đang vun vút chuyển động, và bên trên toàn thể công trình kiến trúc vĩ đại ấy, hình bóng đấng cứu rỗi của một nhân loại mới vẫn hiện ra như một thành phần chủ yếu của cấu trúc. Ý tưởng ấy của Nguyên Khai không phải chỉ là một giấc mộng không tưởng, mà có vẻ như đó là khuôn mặt mới của thế giới sẽ được dựng nên.

Tất cả các tác phẩm của Nguyên Khai trong phòng triển lãm này đều mang chung một tính cách, và đều đã được lý giải dưới lăng kính của cái đẹp rất tài tình. Có vài tấm tranh sử dụng cách tạo hình của nhiều năm trước, của thời Sài Gòn trước 1975, và ở đây anh vừa giữ được cái tài hoa cũ mà không những thế còn nâng cái phong nhã lên ở một mức cao hơn. Ví dụ ở các bức Thành Phố Sau Thế Kỷ (City After The Century) và Những Cái Bóng Bí ẩn (Mysterious Shadows), đó là cách tạo hình lập thể pha trộn chất siêu thực cực kỳ thơ mộng. Những vệt màu đỏ sắc cạnh đã trầm xuống để nói về một thế giới đang bốc cháy rồi sẽ được phục sinh. Hay những vệt màu xanh biển ngả sậm trầm buồn, để mô tả những căn nhà đang được dựng lên, của một thành phố đang được lặng chiếu mặt trời xanh, và cánh chim xanh đập cánh.

Ở các tấm tranh Ánh Sáng (Light), Thời Gian Tiến Bộ (Time and Progress), Năng Lượng Mặt Trời (Solar Energy), Cánh Hoa Nở (Open Flower), Não Bộ Điện Tử CPU... là cách bố cục trừu tượng rất chặt chẽ; Nguyên Khai đặt thêm vào đó những mảng chất liệu khác, ví dụ những mảnh vải, những khối gỗ được đục đẽo, khắc chạm, những mảnh kil loại lấp lánh theo kiểu Pop Art. Cái đặc sắc là tất cả đều hoà hợp trong một sự hoà điệu tuyệt hảo. Trước bức Ánh Sáng, trong cách nhìn mang đầy chất thơ và thần thoại, thi sĩ Trần Dạ Từ cho rằng, “Như cầu vồng bảy sắc, màu sắc, vật thể, cái đẹp, tất cả đều là con trai con gái của ánh sáng. Hoạ sĩ, người thể hiện cái đẹp, bước ra từ cầu vồng. Khi thể hiện Con Người và Computer, Nguyên Khai không hề quên điều này”. Cách nhìn ấy tưởng như là đi quá xa đối với cảm hứng từ bức tranh đưa lại, và đúng là đã xa phần nào khi nhìn tấm tranh để phân tích, nhưng xét cho tận kỳ ký, để đụng đến bản chất của vấn đề thì có lẽ cũng không có gì sai lầm. Nhưng trước và sau hết, cần nói ngay: đây là một bức tranh rất đẹp, sự hoà hợp của màu sắc, đường nét hình thể, đặc biệt là ánh sáng của riêng thế giới ấy thì phải nói là tuyệt vời. Thực ít khi chúng ta có một bức tranh đẹp như vậy.

Nguyên Khai là một trong những hoạ sĩ định cư ở Mỹ sau 1975, vẫn tiếp tục làm việc, có nhiều nghiên cứu và tìm tòi. Phòng tranh với những tác phẩm mới nhất này đã không làm chúng ta thất vọng. Nhưng trên xứ sở rộng lớn và mênh mông này, mặc dù thực sự đây cũng là đất đai của cơ hội, những nghệ sĩ của chúng ta hầu như đã chìm nghỉm vô tăm: Có lẽ để thành công, ngoài tài năng, nghệ sĩ cũng phải bắt được vận may. Tôi cầu chúc Nguyên Khai, một ngày nào đó, sẽ được ngọn lửa của cơ may dẫn đến chỗ ngồi ở những nhà bảo tàng nghệ thuật hiện đại. Đó là hy vọng, giấc mơ và cũng là lời chúc phúc của tôi.


Huỳnh Hữu Uỷ

(Nam California)

 

(*) Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại đôi chút về một kinh nghiệm rất đặc biệt của Pop Art với hoạ sĩ Andy Warhol, với những đồ vật hết sức tầm thường, thông tục, đôi lúc đầy cả vẻ bệ rạc nữa, là hình ảnh những đồng đôla Mỹ, những lon xúp với nhãn hiệu Campbell, những chiếc nơ, chai Coca-cola xám, chân dung tự hoạ, chân dung các minh tinh màn ảnh, các nghệ sĩ trình diễn như Marilyn Monroe, Liza Minnelli, chân dung các lãnh tụ lừng lẫy. Andy Warhol thực hiện rất dễ dàng, ông chỉ chụp lại bằng ống kính polaroid, rồi mô tả lên chỗ cần thiết mà ông thích. Một số tác phẩm ấy hiện đang được trân trọng lưu giữ ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại thành phố New York (Museum of Modern Art, thường gọi tắt là MOMA) và Bảo Tàng Nghệ Thuật Mỹ Whitney (Whitney Museum of American Art) cũng ở New York. Và mới đây, một kinh nghiệm khác nữa về Pop Art do nữ hoạ sĩ Phấn Nguyễn Barker mang đến từ một vùng hiu quạnh thuộc Hawaii thực đầy cảm xúc. Sau 25 năm lưu lạc ở nước ngoài, với những thôi thúc nội tâm thực hết sức đặc biệt, chị trở về đất nước cũ với một tình yêu sâu sắc về nguồn cội. Từ chuyến trở về đó, chị đã tìm được thế giới tâm linh thực sự của mình, hoà nhập trong tiếng gọi của quê nhà, và cũng ở đó đã nảy nở những hạt giống mới của nghệ thuật, đưa đến một thời kỳ hoàn toàn mới, chị vượt qua hẳn giai đoạn ấn tượng và trừu tượng trước đây. Cuối tháng hai vừa qua, tôi thực hết sức thích thú và xúc động khi chia xẻ với những công trình của Phấn Nguyễn Barker ở Phòng Sinh Hoạt Thế Kỷ (Câu Lạc Bộ VAALA) qua các slides hình chiếu, cùng những phát biểu chân thực mà rất sâu sắc của tác giả. Loạt tác phẩm mới hoàn toàn sử dụng những chất liệu mới, thô sơ nhưng thực tài tình, là những đoạn cây, dây cột, những tấm vải xô gai, những tấm phên đất (thực sự thì không phải phên đất mà là một loại sợi vải xay nhuyễn pha trộn với hoá chất được nghiên cứu công phu, với ý kiến đóng góp của các chuyên gia bảo tàng để tránh bị biến chất, đổi màu qua thời gian). Phấn Nguyễn Barker đã dựng một thế giới rất thực, sống động, mà lại có nội dung của những ẩn ngữ, đó là những bàn thờ tâm linh của dân tộc, hình ảnh quê nhà nghèo nàn nhưng thân thiết và thiêng liêng. Đó là những bức vách đất, với khung cửa sổ và những tấm vải tang trắng. Để tang trong một trạng thái trầm lắng và tinh lọc. Thực hết sức kỳ diệu: một thứ nghệ thuật quái gở rất Mỹ, rất hiện đại, thì lại nói được rất nhiều về đất nước quê tổ. Hai kinh nghiệm Pop Art của Andy Warhol và Phấn Nguyễn Barker cũng là những chiếc chìa khoá giúp chúng ta tiến vào dễ dàng hơn với Pop-Art-Con-Người-Và-Computer của Nguyên Khai.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us