Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 33 / Nho giáo, sức cản hay...

Nho giáo, sức cản hay...

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:48, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:48


Đọc sách :" Đến hiện đại từ truyền thống "

G. S. Trần Đình Hượu,


chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX -07,
Hà Nội 1994, 250 trang.

 
Nho giáo, sức cản
hay động cơ phát triển ?

 

Trong thời buổi nực nồng lời ba hoa lớn lối thật hiếm khi được nghe giọng nói nho nhã, chẳng khác của một hiền giả phương Đông ngày xưa. Ôn tồn nhắc nhở một sự thật muôn thuở của thân phận làm người : " Con người bị điều kiện hoá trong môi trường xã hội, trong ý thức hệ truyền thống, ra sức vươn lên phía trước, có khi tưởng mình đã hết nợ với quá khứ lại đẩy bánh xe lịch sử trượt vào rãnh mòn của quá khứ ! " Để đặt cụ thể vấn đề truyền thống – mà Nho giáo chiếm địa vị chi phối suốt hàng nghìn năm– trong bước con người Việt Nam đi vào hiện đại. Đúng lúc. Biết bao người "... tự coi là rũ sạch ảnh hưởng Nho giáo, lên án Nho giáo kịch liệt, nhưng vẫn sống vẫn nghĩ rất "Nho" . Trong một thực tế như vậy, Nho giáo không chỉ là còn mà tư tưởng từ ngoài vào cũng bị Nho hoá ... " (tr.3, Lời Tựa) (chữ đậm do N.T. nhấn mạnh) .

Nhận diện ra cốt lõi, nêu vấn đề cần phải nêu. Một điểm son.

Điểm son khác là tính trung thực của người trí thức. Toát ra suốt trên hai trăm trang sách. Điều mà người đọc đã cảm thấy ngay từ Lời tựa. Tập Đến hiện đại từ truyền thống gồm những bài viết trong nhiều năm, không liên tục và không theo một kế hoạch dự định từ trước, hầu hết là những bài tham luận trong những cuộc hội thảo khác nhau. Thời điểm viết cách nhau rất xa. " Hai mươi năm là một thời gian dài, cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Song, tôi chủ trương in lại nguyên văn như khi viết ban đầu, không sửa chữa để giữ tính lịch sử của hoàn cảnh đặt vấn đề và tư tưởng người viết. " (tr.9).

Tham vọng tác giả thật khiêm tốn. " Những bài được lựa chọn đưa vào tập sách ( ... ) chỉ có ý nghĩa là tiêu vè, có ý nghĩa đặt vấn đề. " (Lời Tựa, tr.8) Cái khiêm tốn của con người nghiêm túc, tránh được cách đề cập vấn đề thô thiển : " Giữa những năm 80, có nhiều cuộc hội thảo bàn về chiến lược phát triển, về đặc sắc văn hoá dân tộc. Mối quan tâm lớn là xây dựng kinh tế, dân chủ hoá xã hội và xây dựng con người mới. Truyền thống được chú ý nhiều hơn trước, nhưng trong cách hình dung công việc xây dựng xã hội và con người vẫn là tìm một mô hình lí tưởng và tìm cách áp đặt nó vào thực tế. Truyền thống cũng được hình dung là những mặt hay, mặt dở để phát huy hay khắc phục. Mà mặt hay thì nhiều hơn mặt dở. Nó mất đi tính sinh động thực tế bám vào những thiết chế xã hội, những con người, tác động vào phong tục tập quán, vào tâm lí xã hội, nói tóm lại là không dễ tự do lấy bỏ, lựa chọn. " (Lời Tựa, tr.4).

Khiêm tốn mà nêu lên những vấn đề thiết thân cho tiền đồ dân tộc : đặc điểm và vai trò của Nho giáo và Nho học ở Việt Nam trước thực tế phát triển thời cận - hiện đại ; con người Việt Nam với truyền thống văn hoá Nho giáo; vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc ; truyền thống nho giáo và dân chủ ; " làng - họ " trong quá khứ và hiện tại ; gia đình truyền thống việt Nam với ảnh hưởng Nho giáo, v.v...

Không thể và có lẽ cũng chẳng nên tóm tắt ngắn ngủi những nhận định sâu sắc, những ý kiến đúng đắn và xây dựng rút ra từ các suy luận, tìm tòi nghiêm chỉnh. Xin đơn cử chủ trương sau đây : " Vào những năm 1986, 1988, sự thành công của Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan và Trung Hoa lục địa thu hút sự chú ý của nhiều người.... Tôi đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xã hội hoá trong tiến trình hiện đại hoá. (...) Xã hội hoá là phá vỡ cơ chế xã hội chỉ tập trung vào hai khâu nhà nước và gia đình. Nhà nước chỉ huy và ban phát, gia đình thành hộ dân cư để đóng góp cho làng cho nước. Con người do đó là của cộng đồng, không có nhân cách độc lập, cơ sở để xây dựng chế độ dân chủ. Trên cơ sở con người cộng đồng đẻ ra chủ nghĩa tập thể, còn trên cơ sở những con người xã hội có nhân cách độc lập là sự hợp tác tự nguyện để hình thành những tổ chức tự quản. (...) Xã hội hoá hay khuyến khích hợp tác hay mở rộng mạng lưới các hội, xã tự nguyện, tự quản cũng là tránh hai chủ nghĩa cực đoan là chủ nghĩa cá nhân của chủ nghĩa tư bản phương Tây và chủ nghĩa tập thể của chủ nghĩa xã hội phương Đông. " (Lời Tựa tr. 5) Và để bạn đọc tự phát hiện lấy các điều lý thú trong quyển sách phong phú này. Chỉ xin nêu lên vài điểm riêng.

 
Chủ nghĩa Mác - Lê nin đưa vào ta hầu như không gặp một phản kháng nào từ phía các hệ tư tưởng truyền thống : " Nho giáo là một học thuyết quan tâm đến con người, cuộc sống, quan tâm cứu thế, xây dựng xã hội lí tưởng, chủ trương con người sống có trách nhiệm, vì nghĩa, vì đời, nên dễ hoan nghênh một học thuyết khác với chủ trương đấu tranh cải thiện đời sống chính trị, cải tạo xã hội, xây dựng xã hội lý tưởng, mà lí tưởng cộng sản, theo cách nhìn của các nhà Nho thì lại rất giống với lí tưởng Đại đồng của thánh hiền. Thực ra, trong tài liệu tuyên truyền những năm 1926 - 1930, người ta dùng chữ thế giới đại đồng để chỉ xã hội cộng sản. " (tr. 89) Nhưng chủ nghĩa Mác bị tinh thần Nho giáo sơ lược hoá " thành một thứ lí tưởng của những chính nhân quân tử tiên tri tiên giác. Nội dung triết học, khoa học bị tước bỏ hoặc giải thích tuỳ tiện theo kiểu Nho giáo ". Nhận xét sâu sắc.

Người đọc chỉ tiếc là không thấy tác giả đặt cho tương xứng với tầm quan trọng của nó một mặt khác của vấn đề, ngay cả trong bài Vài điểm xuất phát cho công cuộc mở rộng dân chủ trong xã hội ta. Một vấn đề mà cách đây gần 30 năm đã làm cho Etienne Balazs thao thức những năm cuối đời của ông ta. Về cái Balazs gọi là " bộ máy quan liêu thiên triều (la bureaucratie céleste) mà ta cũng sao chép được gần như nguyên bản.

Suốt hơn hai nghìn năm, từ 221 trước công nguyên cho tới ngưỡng cửa thế kỷ thứ 20 này đã trường cửu tồn tại ở Trung quốc một tầng lớp quan lại - nho gia, số lượng tương đối không là bao nhưng nắm quyền hành thực tế. Với một bộ máy – bộ máy nào cũng đặt sự tồn tại của nó lên trên số phận con người – nhà nước do chính tầng lớp đó tạo nên, thống trị và kiểm soát hầu hết mọi mặt của đời sống.

Nhà nước là bộ máy, bộ máy là tầng lớp quan lại - nhà nho. Họ thế nào, nhà nước thế nấy : tôn ti trật tự, độc đoán, gia trưởng và chuyên chế. Một nhà nước toàn trị, nếu ta hiểu toàn trị là nhà nước trực tiếp thống trị mọi sinh hoạt xã hội, từng con người. Hầu như không một lĩnh vực nào thoát khỏi quy định chính thức : thương mại, khai thác khoáng sản, xây dựng, lễ nghi, ca nhạc, học đường, toàn thể đời sống công cộng và phần lớn đời riêng tư . . .

Quyền lực của tầng lớp tinh hoa chủ nghĩa trong xã hội này là do chức năng của họ mà ra : lãnh đạo, điều hành, kiểm soát mọi công việc sản xuất của các tầng lớp khác trong xã hội. Không chuyên sâu một địa hạt nào, nghề của họ là cai trị. Cai trị, chỉ thế thôi.

Qua bộ máy, quyền lực tầng lớp quan lại - nhà nho thực tế có nhiều mặt vượt nhà vua. Thiên tử ở trên mọi thần dân thật. Nhưng làm vua là do " mệnh trời ", mà lý giải điềm trời và lòng dân để hiểu thiên mệnh ra sao lại là việc của nhà nho. Họ nắm quyền tự tái sản sinh : độc quyền giáo dục trong tay họ. Và quyền ghi lại cho hậu thế các sự kiện lịch sử qua cách nhìn riêng của họ : sử chính thống là họ viết.

Còn nhiều nét toàn trị khác. Không khí nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau, không chừa một ai. Người này dò xét người kia, quan cao đến đâu cũng có thể một sớm một chiều mất chức, bay đầu chỉ vì lời tố cáo từ đâu đâu. Tính cách độc đoán của pháp lý, bị cáo xem như có tội. Quan niệm trách nhiệm tập thể, không một ai không phải sợ sệt. Kể cả các quan lại. Vì, như trong mọi chế độ toàn trị, quyền lợi nhà nước không đếm xỉa con người cá nhân là một vấn đề nguyên tắc.

Một đặc điểm của con người trong bộ máy nhà nước quan liêu này tưởng cũng nên nhắc qua: trốn tránh trách nhiệm. Phương châm của các quan dường như " Miễn là được vô sự ! " Rủi chuyện xảy ra không tránh được thì đổ lên đầu cấp dưới.

Những nét thật hao hao bộ mặt xã hội chủ nghĩa hiện thực. Balazs tự hỏi làm sao Trung quốc ngày nay có thể thoát khỏi cái quá khứ này ? (xem La bureaucratie céleste, Gallimard, Paris 1968, tr. 33 - 46). Chế độ quan quyền biến giai tầng thống trị Nho giáo thành một đẳng cấp chức vụ. Nó là một lợi khí che đậy sự cấu kết hữu cơ giữa thành phần quan quyền với lớp địa chủ nông thôn để đàn áp giai cấp thương gia và chế ngự tập đoàn quân sự đứng đằng sau chính quyền nhà vua. Cho đến khi bộ máy cầm quyền trung ương thoái hoá (Minh - Thanh) thì sự cấu kết đó đã cấu tạo nên một giai cấp thống trị mới : địa chủ cường hào (gentry), nền tảng xã hội của chế độ Trung Hoa Dân Quốc. Không thấy giáo sư Trần Đình Hượu đặt vấn đề này cho Việt Nam ta, mặc dù về mặt này ta gần, rất gần Trung quốc.

Phải chăng vì tác giả theo phân kỳ lịch sử của Trung quốc bao gồm vào thời kỳ "phong kiến" tất cả thời gian từ sau thời kỳ chiếm hữu nô lệ (xem như là một định đề tuy rằng niên đại thì mỗi sử gia mỗi khác) cho đến năm 1949. (bản thân Marx thì xếp phương thức sản xuất châu Á ra riêng) Mà coi nhẹ tầm quan trọng của " bộ máy quan liêu thiên triều ". Hay vì bế quan toả cảng, người làm nghiên cứu không được tiếp cận rộng rãi học thuật thế giới ? Hay ở vào tình thế các nhà nho xưa – Đỗ Phủ đời Đường nói chuyện thời sự thì mượn thể khúc ca đời Hán, dùng điển đời Hán – nhiều chuyện biết mà để bụng ?

Hay khuôn khổ quyển sách do ban chủ nhiệm " Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX - 07 " chủ trì và xuất bản không cho phép đào sâu vấn đề. Đề tài đã được tác giả đề cập ở những bài đăng nơi khác chăng ?

 
Chân thành mà nói thì sách nhan nhản những nhận định sâu sắc những ý kiến hay, thế mà xếp sách lại người đọc không khỏi vừa thòm thèm vừa ấm ức.

Phần vì chỉ lướt phớt qua đa số đề tài. Chẳng hạn như vấn đề " làng - họ ". Không thấy tác giả đi sâu vào điểm đặc trưng Việt Nam ấy. Trung quốc có làng xã, nhưng chức năng khác với ta nhiều. Họ hàng nổi trội, át hẳn quan hệ làng xã.

Việt Nam ta có khác. Làng là cả một thế giới. Trong đó có họ hàng, ảnh hưởng Trung quốc ghép vào. Các họ so kè với nhau để giành về mình từng mẩu quyền lực trong cái thế giới cỏn con đó, từ xa xưa. Họ to thì quyền nhiều, họ nhỏ lép vế hơn. Có giằng co, có kèn cựa, đôi khi gay gắt, nhưng vẫn chung sống một làng. Ông Lý hất cẳng được ông Bá thì vừa lòng với cái thế trên chân đó thôi. Không tìm cách diệt ông Bá cùng họ hàng phe cánh ông này.

Phải chăng cung cách cư xử đó thành ra nếp xử thế của ta. Không quyết liệt tìm cách loại đối phương. Phải chăng vì thế có khác với Trung quốc, nơi tranh giành quyền lực thất bại thì mất sạch, không bị giết cả đám đã là may. Ở ta, không phải không có chuyện tranh giành quyền thế, nhưng cứ lặng như tờ sau lũy tre xanh. Kẻ thất thế vẫn ngồi đó, vẫn tham gia việc nước việc làng, tuy không phải như lúc thời vận khá hơn... Có thể là một điều hay. Nhưng giá phải trả là không có việc gì quyết định mau chóng và dứt khoát được. Thế và lực chưa phân ngã ngũ, thì việc cấp bách đến đâu cũng ngâm đấy, đợi giải quyết theo lối của ta. Thầm lặng như sau luỹ tre làng. Trong cái thế giới vận hành theo tốc độ ánh sáng ngày nay hệ quả lối xử sự như thế là những gì ?

 
Suy đi ngẫm lại dường có cái gì mâu thuẫn. Giữa ý niệm nghiên cứu của tác giả – hướng về nhìn Nho giáo một cách cụ thể, không phải trong kinh điển mà trong đời sống, không để yêu cầu thực dụng lèo lái, gò bó tầm nhìn vào những chân trời thiển cận – và khuôn khổ của các cuộc hội thảo, của chương trình nhà nước KX-07. Mục tiêu thường rất là thực dụng, bài vở cũng phải hạn hẹp, nặng về khẳng định có khả năng đem áp dụng vào cụ thể hơn là chú trọng tính cách nghiêm túc trong nhận định, trong lập luận. Chưa kể có khi bị rút ngắn, bỏ bớt ...

Giới hạn đó người đọc cảm nhận suốt quyển sách. Hẳn cũng vì thế mà đó đây có thể nhặt được những lời, những ý như ở trang 18 " Cái lõi đó là tiêu chí để nhận diện tàn dư Nho giáo trong thực tế xã hội ngày nay, là cái cần phải phá bỏ một cách khoa học để thanh toán ảnh hưởng của Nho giáo. " Nó phản ánh yêu cầu " phê Khổng " thanh toán Nho giáo, một thời gian dài rất nặng nề ở Trung Quốc và ở ta, hơn là mục tiêu nghiên cứu rất khoáng đạt của bản thân tác giả.

Ta chỉ biết tiếc cho khuôn khổ tinh thần chủ trì sự thực hiện quyển sách, tác giả không trình bày đề tài được thoải mái như với những nhà nghiên cứu khoa học, với mọi ai lưu tâm đến vấn đề. Tiếc cho hướng nghiên cứu của tác giả chưa được khai triển đúng với tầm mức của nó.

Và ta cũng đồng tình mà thở than với tác giả : " Hầu như ta chưa có một cơ sở nghiên cứu nghiêm chỉnh Trung quốc, Nhật Bản, Thái Lan và cả Lào, Campuchia nữa. Ta tự cô lập như thế không phải là tránh được mọi ảnh hưởng để tự quyết định lấy việc của mình. Làm như thế chỉ dẫn đến kết quả là không học được kinh nghiệm hay dở một cách kịp thời ở các nước giống mình ; và hơn thế còn là không hiểu mình để dự kiến, để chuẩn bị cho những tình huống phát sinh đúng theo quy luật chung của cả vùng. " (tr. 173)

 
Khi nào nghiên cứu khoa học không còn bị yêu cầu thực dụng gò bó vào những chân trời thiển cận, khi người nghiên cứu được điều kiện tiếp cận và trao đổi dễ dàng với học thuật thế giới, khi ấy rộng thêm kiến thức mới.

Và khi ấy, quay nhìn lại ta có điều kiện hiểu ta hơn. Có yếu tố để hiểu tại sao văn hoá gần nhau đến thế mà cuối thế kỷ thứ 19 Nhật thì vươn lên nước phát triển hàng đầu thế giới, ta lại mất nước, nô lệ gần một thế kỷ, Trung quốc lận đận lặn hụp trong chậm tiến hàng mấy thập kỷ. Hiểu được trong những điều kiện nào truyền thống – trong đó có truyền thống Nho giáo – trở nên sức cản, và trong những điều kiện nào cũng những truyền thống đó lại thành động cơ cho phát triển ?

 
Nguyên Thắng

(tháng 7.94)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss