Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Cuộc cách mạng tin học, một cơ hội?

Cuộc cách mạng tin học, một cơ hội?

- Phan Huy Đường — published 14/04/2011 00:00, cập nhật lần cuối 12/05/2011 23:17

Hồ sơ Công Nghệ thông tin


Cuộc cách mạng tin học,
một cơ hội?


Phan Huy Đường


Sơ lược

Trong hệ cứng cũng như trong hệ mềm, cuộc cách mạng tin học không những cho phép các nước nghèo sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất, nó còn tạo cho các nước ấy dịp đi tiên phong vào việc sử dụng những kỹ thuật ấy. Để thực hiện những điều ấy, họ cần phải giải quyết hai khâu nghẹn: thực hiện tốt và nhanh những hệ mềm ứng dụng, và phổ cấp đại trà chúng.

A. Một kỹ thuật mũi nhọn trong tầm tay các nước nghèo

Máy tính điện tử đầu tiên được thiết kế năm 1946, dưới tên ENIAC. Lúc đó, phải có sức mạnh kinh tế và khoa học của Mỹ mới sáng tạo được nó. Vì thế, người ta dùng nó để làm bom nguyên tử H đầu tiên. Khả năng của vị tổ sư nổi tiếng này, ngày nay, không bằng khả năng của một máy vi tính tầm thường. Thế có nghĩa là, 50 năm sau sự ra đời của máy tính điện tử, một người bình thường cũng có thể có trong tay một công cụ trước kia dành riêng cho một nước như Mỹ.

Sự sử dụng phổ cập tin học ứng dụng vào quản lý bắt đầu trong những năm đầu của thập niên 60. Trong gần ba thập niên liền, máy tính điện tử thuộc loại phương tiện dành riêng cho các nước công nghiệp. Cả máy lẫn những hệ mềm nền tảng (logiciels de base) đều quá đắt đối với khả năng tài chính của phần còn lại của nhân loại. Những hệ mềm ứng dụng cũng rất đắt, và ngày càng đắt so với máy và hệ mềm nền tảng vì hai lý do. Một mặt, những công cụ để thực hiện và khai thác chúng (hệ điều hành (système d’exploitation), ngôn ngữ lập trình, hệ xử lý dữ liệu, hệ xử lý viễn thông, v.v...), thời đó, còn thô sơ, thậm chí lạc hậu, và do đó, lập một định trình là một việc đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều tiền, và lắm khi, kết quả của công việc ấy là một định trình kém chất lượng, khiến phí tổn bảo trì nặng nề. Mặt khác, quá trình thiết kế, thực hiện và bảo trì những hệ xử lý thông tin tự động, về cơ bản, còn là một nghệ thuật thủ công. Trong gần 30 năm, các xí nghiệp đã dùng một khối lượng thời gian và tiền to lớn để thiết kế, có khi một cách mò mẫm những hệ trình ứng dụng, trên cơ sở những kỹ thuật nay đã lỗi thời. Ta có thể có hai nhận xét về cách vận dụng tin học ứng dụng vào quản lý trong gần ba thập niên ấy:

1. Từ xí nghiệp này qua xí nghiệp khác, người ta làm đi làm lại, về cơ bản, và nhiều khi một cách vụng, cùng một sản phẩm. Mỗi công ty đã tự tạo cho mình những hệ xử lý kế toán, trả lương, lưu kho, kinh doanh, v.v... Điều đó cho phép các công ty ấy có một bước tiến bộ kỹ thuật quyết định so với những đối thủ không có khả năng tự trang bị với những công cụ ấy. Nhưng, đối với toàn bộ xã hội, đó là một sự lãng phí to lớn. Điều đó rõ ngay từ những năm 70, khi những hệ mềm ứng dụng làm sẵn (progiciel) xuất hiện: vừa rẻ hơn, vừa tốt hơn. Dù sao, phần lớn những hệ mềm làm sẵn ấy đều mắc hai khuyết điểm nêu trên: có nhiều cái, giá bán rẻ hơn giá bảo trì!

2. Những hệ xử lý thông tin được thiết kế (conception) và thực hiện (réalisation) như thế, thường gắn liền và bị trói buộc bởi những kỹ thuật cũ. Trừ khi đặt lại tận gốc vấn đề, người ta không thể mau chóng chuyển chúng sang những kỹ thuật hiện đại. Cuộc “cách mạng” này không dễ tiến hành, vì lý do tài chính và nhân sự. Trong nhiều trường hợp, nó đòi hỏi làm lại hết, đó là chưa kể một vấn đề tế nhị: nhập lại các dữ liệu sẵn có. Thường thường, sự cải tổ những hệ thống xử lý thông tin này, tuỳ quy mô và độ phức tạp của chúng, chỉ có thể hình dung trong những kế hoạch trung hạn, năm năm, mười năm, thậm chí hơn nữa. Sự tiên tiến về kỹ thuật của thuở trước đã trở thành một cái thắng đắt đỏ. Ta có thể thấy điều ấy trong khó khăn mà các công ty gặp phải khi muốn chuyển hệ xử lý thông tin của mình từ những hệ điều hành độc chủ (systèmes d’exploitation propriétaires) qua những hệ điều hành chuẩn như UNIX, từ những hệ quản lý dữ liệu kinh điển theo tập dữ liệu (fichiers), căn cứ dữ liệu theo cấu trúc tầng (base de données hiérarchique), căn cứ dữ liệu theo cấu trúc mạng (base de données en réseau) qua những hệ quản lý căn cứ dữ liệu theo cấu trúc liên hợp (relationnelle), từ ngôn ngữ lập trình Cobol qua C hay những ngôn ngữ lập trình ít lỗi thời hơn, từ cấu trúc xử lý tập trung qua những cấu trúc phân tán, v.v...

Cuộc cách mạng vi tính mới hình thành khoảng chục năm nay, trong những năm đầu của thập niên 80, một mặt do sự nhập cuộc ồ ạt của IBM, mặt khác do sự xuất hiện của những hệ mềm nền tảng (logiciels de base) vừa chuẩn, vừa có chất lượng. Nội dung cơ bản của nó là qua, hệ mềm ứng dụng, đưa chất xám của thiên hạ vào quá trình sản xuất và quản lý. Điều ấy dẫn tới sự thay đổi đại trà cơ sở kỹ thuật của sản xuất và quản lý của xã hội. Nói như Marx, đó là nguồn gốc kỹ thuật của sự khủng hoảng kinh tế và xã hội ngày nay trong các nước tư bản, là một trong những nhân tố gốc của cái mà người ta gọi là “nền văn minh hậu công nghiệp”. Nó có những đặc điểm hết sức quan trọng, cho phép mọi người có thể sử dụng:

1. Một khả năng tính toán và lưu trữ lớn, xưa kia chỉ dành riêng cho các nước công nghiệp.

2. Những kỹ thuật mũi nhọn xưa kia vượt tầm tay các nước nghèo: mạng cục bộ (réseau local), hệ xử lý dữ liệu theo cấu trúc liên hợp, ngôn ngữ lập trình cấp 4 (L4G)...

3. Một khối lượng lớn những hệ mềm làm sẵn có chất lượng.

4. Những kiến thức kỹ thuật xưa kia đòi hỏi kiến thức của nhiều chuyên viên.

Thí dụ, ngày nay, một cô thư ký có thể có trên bàn giấy của mình những phương tiện xử lý thông tin mà, cách đây 15 năm, ngay cơ quan quản lý nhân lực của một hãng lớn cũng không dám mò tới, và một sinh viên kiến trúc có thể sử dụng cho công việc của mình kiến thức của cả một mớ kỹ sư và chuyên viên vẽ kỹ thuật (dessinateurs industriels).

Dĩ nhiên, trong một số hệ mềm ứng dụng cần những căn cứ dữ liệu lớn, những máy tính lớn và đắt tiền vẫn cần thiết. Tuy vậy, ngay trong những lãnh vực ấy, nếu biết thiết kế một cách khôn khéo hệ xử lý thông tin, phân phối một cách hợp lý những phương tiện tính toán và lưu trữ, và vận dụng hợp lý những quá trình và phương tiện đúc kết thông tin, người ta có thể giới hạn ở mức tối đa nhu cầu về sức tính toán và lưu trữ của các trung tâm xử lý thông tin trung ương. Để giải quyết trả lương cho nhân viên Nhà nước, không nhất thiết cần một máy tính trung ương khổng lồ. Một mạng các trung tâm nhỏ cũng giải quyết được một cách kinh tế. Sự phân tán thông tin và phương tiện xử lý ấy hoàn toàn không ngăn cản khả năng quản lý ở mức tổng hợp, nếu hệ xử lý thông tin được thiết kế có dự trù khả năng đúc kết thông tin ở từng mức, thích hợp với nhu cầu quản lý ở mỗi mức.

Như thế, cách mạng vi tính (không chỉ giới hạn trong sự xuất hiện của những máy vi tính mạnh và rẻ tiền) kết hợp với sự thành lập những mạng lưới truyền tin, một cách bất ngờ, tạo cho các nước chưa được trang bị với kỹ thuật tin học một cơ hội độc nhất để vươn tới hàng đầu trong việc vận dụng những kỹ thuật mũi nhọn này.

“Ch ín h ở đây, n hững nước mới phát triển chưa có một mạng lưới thông tin sẵn lại có cơ hội đi vào kỹ thuật tiên tiến nhất. Ở Mỹ, có những phần mềm và hệ thống số liệu được thiết kế từ lâu, tốn kém rất nhiều nhưng hiện nay vẫn không có khả năng chuyển sang kỹ thuật mới. Mỹ đã tốn một tỷ USD nhằm chuyển hệ thống hệ mềm quản lý bảo hiểm xã hội sang kỹ thuật mới nhưng đành chịu thất bại”. (Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế và thống kê Liên Hiệp Quốc)

B. Hai sai lầm nên tránh

Để tránh đống rác đắt đỏ, có sức tê liệt hoá cao độ mà nhiều nước và công ty trong các nước công nghiệp đã vấp phải, chỉ tự trang bị với những kỹ thuật mới, không đủ, còn phải biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Trong quá trình sử dụng tin học, cần tránh hai sai lầm:

– Chớ làm đi làm lại hàng nghìn lần, thậm chí hàng chục nghìn lần, một cách vụng về, không tương thuận (compatible) cùng một hệ mềm ứng dụng phổ cập.

Tránh trộn lẫn kiến thức nghiệp vụ (savoir applicatif), dưới dạng dữ liệu cũng như dưới dạng thao tác, với những kỹ thuật đang thay đổi mau chóng, một quá trình đổi thay mà ta không làm chủ được.

B.1. Tránh phát triển trùng lập

Điều này, tất nhiên, vượt khả năng và nhu cầu của một công ty. Nó thuộc lãnh vực chính sách của một Nhà nước. Những nước nghèo muốn sử dụng một cách hữu hiệu tin học để phục vụ sự phát triển kinh tế của mình, cần có một chính sách quốc gia khuyến khích và hướng dẫn sự sử dụng đại trà tin học trong quản lý.

Một thí dụ đơn giản: kế toán. Không có kế toán, miễn nói chuyện quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế... Vì thế, trong những năm 60, 70, mỗi công ty lớn ở Pháp đã tự tạo cho mình một hệ mềm xử lý kế toán riêng, dựa vào các hệ điều hành, các hệ quản lý dữ liệu ngày nay đã lỗi thời. Sau đó, muốn thoát khỏi những hệ mềm ấy là chuyện cực gian lao. Với cuộc cách mạng vi tính, một số nhỏ hệ mềm làm sẵn để xử lý kế toán đã chinh phục thị trường. Ngày nay, mọi công ty, dù nhỏ, có thể và phải trang bị cho mình một hệ mềm xử lý kế toán giá vài nghìn quan. Đối với toàn bộ xã hội, đó là một món chi không nhỏ. Không gì cấm cản một nước nghèo tập hợp một nhóm nhỏ chuyên viên để làm một hệ mềm xử lý kế toán có chất lượng cao và cung cấp với giá rẻ cho những công ty nào muốn sử dụng. Tiền đầu tư chẳng thấm thía gì so với ảnh hưởng của một chính sách như thế vào sinh hoạt kinh tế. Không những ta tiết kiệm được một số tiền lớn ở mức toàn xã hội, mà sự chuẩn hoá định nghĩa và biểu dạng (représentation) của một số thông tin kinh tế sẽ chuẩn bị quá trình tái nạp, đúc kết chúng cho những hệ xử lý dữ liệu khác, đặc biệt những hệ xử lý thống kê, cần thiết cho mọi ý định quản lý kinh tế vĩ mô.

Một thí dụ khác. Những phương pháp ép dữ liệu (compression de données) đều công khai. Một sinh viên giỏi đã có thể vận dụng chúng. Dùng chúng một cách thích hợp cho phép chia hai, thậm chí nhiều hơn, nhu cầu về phương tiện lưu trữ trong các trung tâm tin học. Ta có thể hình dung sự tiết kiệm tổng hợp trong kinh tế quốc dân khi chúng được sử dụng đại trà. Tuy vậy, ở Tây Âu, phải chờ hơn 20 năm người ta mới vận dụng chúng trong những hệ tin học, và chủ yếu trên máy vi tính! Hiện nay, trong công chúng đã có một số định trình có chất lượng cao được cung cấp gần như cho không.

Những thí dụ như thế, có đầy rẫy.

Một chính sách quốc gia khuyến khích và hướng dẫn sử dụng tin học, trong lãnh vực này, có thể thực hiện rất cụ thể, rất nhanh và rất hữu hiệu qua sự thành lập một trung tâm phổ cập những hệ mềm công cộng (logiciels publics). Nhiệm vụ của một trung tâm như thế có thể là liệt kê, thích hợp hoá với hoàn cảnh Việt Nam, tạo, và nếu cần điều chỉnh, phát triển, một thư viện quốc gia những hệ mềm công cộng phục vụ các công ty, các đại học, các trường, v.v... tổ chức sự khuyết khích, đào tạo, dịch vụ cần thiết để phổ biến một cách nhanh chóng, hữu hiệu những công cụ ấy trong sinh hoạt kinh tế của xã hội. Ý kiến chung là: xuyên qua công cụ tin học, khiến việc sử dụng kiến thức của các chuyên viên trở thành tự nhiên như sử dụng giấy mực trong quản lý kinh tế.

Đương nhiên, mục tiêu của một chính sách như thế không thể là ép mọi người vào một cái khuôn duy nhất. Nó chỉ có khả năng thành công nếu nó đáp ứng hai điều kiện:

a/ những hệ mềm được khuyến khích chỉ có chức năng công cụ, cách vận dụng chúng do người sử dụng quyết định. Thí dụ, lôgíc vận hành của một hệ xử lý kế toán thì chung, nhưng cách vận dụng nó thì tuỳ thuộc từng công ty. Chính vì thế, thiết kế loại hệ mềm làm sẵn này đòi hỏi kiến thức của những chuyên viên giỏi trong cả hai ngành kế toán và tin học, không phải công ty nào cũng có được, không phải công ty nào cũng có nhu cầu có. Điều đó càng khó trong những nước đang phát triển, không sẵn có nhiều chuyên viên trong những lãnh vực ấy.

b/ những công ty muốn và có khả năng tăng cường những chức năng xử lý của những hệ mềm ấy phải có thể làm được dễ dàng. Điều đó có nghĩa là họ phải có thể mua một cách dễ dàng, với giá rẻ, những phương pháp, kỹ thuật và công cụ đã được dùng để thiết kế những hệ mềm ấy và những phương pháp, kỹ thuật, công cụ ấy phải thuộc loại dễ dùng.

B.2. Tránh trộn lẫn kiến thức nghiệp vụ (savoir applicatif) với kỹ thuật tin học

Đây là một vấn đề chiến lược, không dễ giải quyết, ngay cả đối với Pháp, một nước có công nghệ hệ mềm thứ hai trên thế giới. Gốc vấn đề ở chỗ mọi hệ xử lý thông tin là sự cấu kết phức tạp giữa nghệ thuật quản lý của một nghề, được biểu hiện qua hệ mềm ứng dụng, và một kỹ thuật hết sức gò bó nhưng lại thay đổi rất nhanh. Ta có thể hình dung đại khái như sau:

KIẾN THỨC ỨNG DỤNG

NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH

NGHI THỨC TRUYỀN THỐNG

NGÔN NGỮ THAO TÁC DỮ LIỆU

HỆ QUẢN LÝ DỮ LIỆU

HỆ ĐIỀU HÀNH

DỮ LIỆU

Cho tới những năm 70, ngay lúc thiết kế (conception) những hệ mềm ứng dụng, người ta đã nhập những ràng buộc kỹ thuật của những công cụ tin học, nghĩa là những khả năng và giới hạn của các ngôn ngữ lập trình, chủ yếu là COBOL trong quản lý, những hệ xử lý truyền thông, thường là tư hữu của một công ty (CICS của IBM, TDS của Bull, v.v...) những hệ quản lý tập hay căn cứ dữ liệu của các hãng bán máy (DLI, IDS2, v.v...), những hệ điều hành độc chủ (IBM, BULL, DEC, v.v...), toàn những thứ không tương hợp.

Sự pha chế hỗn hợp lôgic xử lý của hệ mềm ứng dụng với kỹ thuật phục vụ chúng dìm những phân tích viên và những lập trình viên vào một nồi cháo nhão nhét pha trộn những kiến thức hết sức chính xác và mũi nhọn về kỹ thuật với những kiến thức lờ mờ về lôgíc quản lý. Kết quả là những hệ ứng dụng có chất lượng khả nghi, khó hiểu, khó làm chủ, trói chặt với những kỹ thuật được dùng.

Điều ấy giải thích tính thủ công của nghệ thuật làm hệ mềm ứng dụng vào quản lý trong hai thập niên liền, và thế thượng phong của các phương pháp quản lý đề án trong nghệ thuật này.

Trong thập niên 70, những phương pháp phân tích và thiết kế (méthode d’analyse et de conception) bắt đầu xuất hiện. Một kết quả quan trọng của chúng là cho phép, trong chừng mực có thể, giải phóng quá trình phân tích hiện thực của quản lý và thiết kế những hệ xử lý thông tin khỏi những ràng buộc thuần túy kỹ thuật của những công cụ phục dịch. Lý thuyết Entité-Association là thành quả xuất sắc nhất, được vận dụng trong hầu hết các phương pháp phân tích và thiết kế hệ mềm. Nó cho phép mô tả một cách xác đáng những vật thể (objet) cần quản lý, những quan hệ giữa chúng, cho phép thiết kế những căn cứ dữ liệu thích hợp cho một vấn đề. Sự mô tả những thao tác, những quan hệ năng động giữa những thao tác, giữa thao tác và dữ liệu chưa được lý thuyết hoá một cách hoàn chỉnh tới mức ấy. Những vật thể tin học có thời gian tính, chúng lại nằm trong một thể thống nhất năng động. Chúng thay đổi trạng thái qua thời gian, và những sự thay đổi ấy lại khơi những thao tác đối với bản thân chúng và những vật thể khác. Ta phải nhìn nhận rằng, hiện nay, chưa có một ngôn ngữ hình thức (langage formel) cho phép mô tả những tương quan phức tạp ấy. Sự bế tắc trong lý thuyết này là một cản trở lớn trong việc tự động hoá những phương pháp phân tích và thiết kế. Hiện nay, cơ bản, chúng vẫn chỉ là phương pháp “giấy” hết sức tốn kém khi mang ra sử dụng.

Chính trong hoàn cảnh ấy, trong những năm 80, những xưởng làm hệ mềm (Atelier de génie logiciel) xuất hiện. Mục đích lý tưởng của một xưởng làm hệ mềm là cung cấp trong một công cụ duy nhất, hoàn toàn thống nhất (intégré), tất cả những gì cần thiết để thiết kế, thực hiện lập tài liệu kỹ thuật và bảo trì những hệ mềm ứng dụng, nói cách khác, cho phép chỉ cần mô tả lôgíc của những hệ ứng dụng là có thể có được một cách tự động, bản thân những hệ mềm ấy, tức là những định trình và tài liệu kỹ thuật cho một hay nhiều máy khai thác. Dĩ nhiên, do sự bế tắc về lý thuyết nêu trên, cho tới nay, chưa ai đạt được mục tiêu lý tưởng này.

Đã có hai hướng nghiên cứu trong việc chế tạo xưởng làm hệ mềm.

Trong hướng thứ nhất, người ta cố tạo một công cụ tiếp nhận và tập hợp những công cụ sẵn có hoặc mới giúp ta thực hiện những công việc cần thiết khác nhau trong quá trình làm hệ mềm: vẽ, viết, làm makét, thảo trình, sản xuất tự động định trình trong một ngôn ngữ lập trình (génération de codes sources), thậm chí quản lý đề án, v.v... Điều nan giải nhất trong hướng tìm tòi này ở chỗ khó lòng, và lắm khi không thể, thống nhất những công cụ tản mạn này. Mặt khác, những công cụ sản xuất định trình thường gắn liền với kỹ thuật riêng của một công ty làm máy tính hay làm những hệ quản lý dữ liệu.

Trong hướng thứ hai, người ta xuất phát từ một phương pháp phân tích và thiết kế, và cố gắng đi thẳng tới chuyện sản xuất tự động định trình (génération automatique de programmes). Vì sự bế tắc lý thuyết nêu trên, thường thường, quá trình ấy đứt quãng khi phải bắt tay vào khâu sản xuất. Làm xong hồ sơ thiết kế, người ta tiếp tục sản xuất như xưa, cách đây 20 năm.

C. Những công cụ có nhiều khả năng thành chuẩn trong tương lai

Song song với sự phát triển mãnh liệt về khả năng tính toán và lưu trữ, đồng thời với giá ngày càng rẻ của chúng, trong những năm 90 đã xuất hiện cả một loạt sự kiện cho phép các nước chưa tin học hoá vừa có khả năng sử dụng những kỹ thuật tốt nhất hiện nay, vừa tránh được những mắc mớ và phí tổn của thời trước:

1. UNIX đang chín mùi trong vai trò hệ điều hành có chuẩn quốc tế. Ngoài khía cạnh cơ bản đó, UNIX còn một khía cạnh quan trọng khác: nó có trên máy đủ cỡ, từ những máy vi tính tới những máy tính điện tử lớn nhất hiện nay. Điều này cho phép kiến thiết những hệ mềm ứng dụng mà không cần tới những phương tiện đắt tiền, gò bó, lệ thuộc kỹ thuật riêng của những công ty làm máy tính.

Có ba nhược điểm khiến UNIX trước kia khó xâm nhập vào lãnh vực quản lý. Hiện nay chúng đã được hoặc sắp được giải quyết:

a/ một giao diện sử dụng khá ngán ngẩm, hao hao giống những hệ điều hành lớn. Nhược điểm này hiện nay đã được giải quyết, và ngày càng khá hơn.

b/ thiếu một hệ quản lý tập dữ liệu và căn cứ dữ liệu thích hợp với nhu cầu của những hệ mềm quản lý. Ngày nay, những hệ quản lý căn cứ dữ liệu liên hợp tốt nhất đã có mặt trên hầu hết các máy UNIX, trong khi những hệ điều hành độc chủ chưa có, hoặc quá đắt tiền.

c/ thiếu một hệ xử lý truyền tin thích hợp. Vấn đề này cũng đang trong quá trình được giải quyết.

2. s ự xuất hiện của những hệ quản lý căn cứ dữ liệu liên hợp, chung quanh một chuẩn quốc tế, ngôn ngữ SQL, và có trên đủ cỡ máy. Khéo sử dụng SQL cho phép ta độc lập tối đa đối với những công ty làm máy và làm hệ quản lý căn cứ dữ liệu.

3. sự phổ cập hoá của một ngôn ngữ hiện đại ngôn ngữ C cũng sẵn có trên các máy đủ loại, với giá rẻ.

4. sự phổ cập hoá những mạng cục bộ, cho phép người dùng có thể trang bị cho mình một khả năng tính toán và lưu trữ thích hợp với nhu cầu.

5. sự phổ cập hoá của các mạng chuyên chở dữ liệu, vừa cho phép thiết kế và khai thác những hệ xử lý thông tin rất phân tán, vừa cho phép đúc kết thông tin ở nhiều mức độ.

6. sự sử dụng kỹ thuật khách-chủ cho phép chia, tuỳ nhu cầu khả năng tính toán và lưu trữ.

D. Gốc của vấn đề

Khâu hóc chính trong việc sử dụng những kỹ thuật trên, là khó khăn trong việc thiết kế và thực hiện một cách đàng hoàng những hệ mềm ứng dụng. Một khi ta có tất cả những công cụ kia, ta còn phải tạo những hệ mềm ứng dụng dùng chúng! Những phương pháp kinh điển để mô tả (spécifier), thực hiện, lập tài liệu kỹ thuật, và bảo trì chẳng cứu vãn được gì trong lãnh vực này. Ngày nay, làm và bảo trì những hệ mềm ứng dụng vẫn khó, vẫn tốn kém như xưa. Chính ở khâu này, những xưởng làm hệ mềm là công cụ không thể thiếu được.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss