Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Con người thực Trần Đức Thảo?

Con người thực Trần Đức Thảo?

- Trần Đạo — published 14/04/2011 01:15, cập nhật lần cuối 12/05/2011 23:24

Nhân đọc Nguyễn Văn Trung


Con người thực Trần Đức Thảo?

 

Bài “Đôi điều ghi nhận về ông Trần Đức Thảo” nghiêm túc, mang lại cho tôi một số thông tin về Trần Đức Thảo trong thời ông ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Trung đã trình bày trung thực một số sự kiện về Trần Đức Thảo, và nói suy nghĩ của mình. Cuối cùng, ông nêu một câu hỏi hay: con người thực của Trần Đức Thảo là ai, người viết tiếng Pháp hay người viết tiếng Việt?

Có điều nên chú ý. Đọc những lời như “bọn chó săn của đế quốc”, thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam ngày nay có quyền thắc mắc: trí thức thời đó sao côn đồ vậy? Dễ hiểu. Ngôn ngữ tranh luận tư tưởng không thể tách rời bối cảnh lịch sử của nó. Nó không chỉ là công cụ thông tin (ông Thảo trách một số người dùng trí tuệ của mình để bảo vệ chủ nghĩa đế quốc), nó còn thể hiện tâm trạng, sự dấn thân của con người với thời đại của mình. Thời đại ấy là thời sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đấu tranh giai cấp, đấu tranh thuộc địa ở Pháp rất gay gắt. Tù đày, đổ máu, mất mạng là chuyện thường. Tranh luận tư tưởng giữa các đảng phái chính trị thường thô bạo. Trí thức, với tư thế người trong cuộc, phải sống không khí ấy. Lối phát biểu của họ, tả cũng như hữu, nhiều lúc gay go. Ta biết Sartre bị phỉ nhổ như thế nào cho tới cuối thập niên 50. Ngay Toà thánh Vatican cũng không nương tay, cấm chỉ (mise à l’index) tác phẩm của ông. Ngược lại, Sartre có câu nổi tiếng: “Un anticommuniste est un chien” (Kẻ chống cộng là đồ chó má). Tuy vậy, trong tranh luận, họ biết phân biệt nội dung của lập luận với hình thức phát biểu mà đôi khi họ coi như kỹ thuật hành văn (procédé littéraire). Người chống Sartre, nhưng biết rõ quan điểm của ông về con người, chẳng ai nghĩ ông thực sự có thể cư xử với người như với chó. Theo Sartre kể lại1 trong bài đề tựa cho quyển Aden Arabie, Paul Nizan, cộng sản, bạn thân của Sartre, viết quyển Les chiens de garde (Những con chó giữ cửa), có tấn công triết gia Léon Brunschwig. Ông này gặp Sartre và Nizan tại trụ sở nhà xuất bản Gallimard, lẫn lộn hai người, bèn mừng Sartre vừa có tác phẩm được xuất bản và chỉ nói: tuy ông chẳng nương tay đối với tôi. Bè bạn của Nizan ở phố Ulm (tức là Trường Cao đẳng Sư phạm E.N.S.), khi đọc quyển Aden Arabie tấn công cả trường Ulm, cũng chỉ cười ruồi: “Thằng ấy hồi còn ở Trường, nó đâu có khạc nhổ như vậy; với bọn thiếu niên mệt mỏi (như nó gọi bọn mình), nó còn đú đởn là khác.1”.

Trần Đức Thảo không chỉ là nhà triết học có tầm cỡ quốc tế, ông còn dấn thân trực tiếp vào chiến tranh chống thực dân, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hoàn cảnh ấy, thời ấy, lối phát biểu ấy có thể hiểu được. Ông kịch liệt chống những tư tưởng suy luận khác ông. Ông có thể, trong từng giai đoạn, coi một số người như địch thủ, thậm chí kẻ thù của cách mạng, nhưng tôi không nghĩ ông có thể cư xử với người như với chó.

Cũng may, từ đó tới nay, ở một số nước, tranh luận tư tưởng đã bớt thô bạo.

Thời gian tới, tranh luận tư tưởng, học thuyết ở Việt Nam, trong mọi lĩnh vực, sẽ gay gắt, có khi nặng lời. Nếu vậy, có thể sẽ là điều hay. Sau bao năm bị ép “nói đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ”, lối nói cạn ý hết lòng cần thiết và bổ ích. Dù nặng lời. Miễn sao không đả kích, mạt sát cá nhân. Các “nhà” chính trị, tư tưởng, văn học, trí thức đủ loại, học được thói tìm hiểu sự đúng sai, hay dở, của một lập luận, đằng sau giọng có mức độ hay ngông nghênh, v.v. và v.v... của mỗi cá tính, là chuyện may.

Về câu hỏi: Trần Đức Thảo, ông thực sự là ai, tôi không nghĩ có hai Trần Đức Thảo, một viết tiếng Pháp, một viết tiếng Việt. Có một người, một tư tưởng thay đổi phức tạp, quanh co, trên những vấn đề, câu hỏi phức tạp, nan giải của thời đại, trước một thế giới, những tình hình và hoàn cảnh cũng phức tạp, quanh co – và đặc biệt tàn bạo. Người ấy đi từ hiện tượng luận qua duy vật biện chứng, từ sùng bái Staline tới phân tích sai lầm của Staline (về triết học)2. Ông nổi tiếng với quyển Hiện tượng luận và duy vật biện chứng. Nhưng sau ông phủ nhận phần duy vật biện chứng trong quyển sách đầu tay vì nó... không biện chứng! Trong quá trình tìm hiểu thay đổi ấy, có lúc, người ta tin vững chắc nhận định suy luận của mình. Có lúc, người ta lưỡng lự phân vân, bối rối, không phân biệt được đúng sai của chính mình. Thường tình. Những lúc đó, nên tạm ngừng “sống” để suy nghĩ. Nhưng cuộc sống có những hoàn cảnh không cho phép ai tạm ngừng. Quan điểm dấn thân của một số người càng không cho phép họ tạm nghỉ! Một trong những hoàn cảnh ấy là chiến tranh. Một hoàn cảnh khác là cuộc sống trong một cơ chế toàn trị. Người ta có thể phải vừa sống và hành động theo niềm tin cũ đang lung lay, vừa tìm tòi niềm tin mới chưa rõ nét. Nếu giả thuyết này đúng, phân tích những thay đổi trong tư tưởng của Trần Đức Thảo qua tác phẩm tiếng Pháp và tiếng Việt, theo thứ tự thời gian, gắn liền với hoàn cảnh lịch sử, phải hiểu được con người ông trong cuộc sống thực, kể cả hành động “đánh”, “tố” của ông. Những thảm kịch ấy đáng tiếc. Nhưng đáng tìm hiểu. Trần Đức Thảo là người đáng tìm hiểu. Ông dám sống trọn suy nghĩ của mình, và đã để lại dấu vết suy luận của ông trong quá trình sống ấy. Có thể nó giúp ta hiểu một khía cạnh của người Việt hình thành trong hoàn cảnh lịch sử vừa qua. Riêng đối với Trần Đức Thảo, người trọn đời tìm hiểu lôgíc biện chứng, ông đáng được tìm hiểu trong đầy đủ kích thước lịch sử, triết học, kích thước tự do, biện chứng của con người. Đây là vấn đề có ý nghĩa triết học phương pháp luận, tâm lý học, v.v...


Trần Đạo

 

(1) Situations, 4, Gallimard, 1980, bài Nizan.

(2) La philosophie de Staline, Ed. Mây, Paris, 1989. Trong tập này, Trần Đức Thảo đánh giá tư tưởng của Staline là không biện chứng.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss