Dân chủ: 5 năm sau
Dân
chủ: 5 năm sau
(tiếp theo
và hết)
Nguyễn Quang
Bạn đọc chắc còn nhớ tạp chí này ngay từ lúc ra đời, đã khẳng định lý do tồn tại của nó: một diễn đàn vì dân chủ và phát triển. Nói chính xác hơn, nó căn cứ vào một xác tín triết lý chính trị, có thể phát biểu dưới nhiều dạng khác nhau mà theo ngôn ngữ phái tả, người ta thường nói: “Không thể có phát triển nếu không có dân chủ”. Thế mà từ gần một phần tư thế kỷ nay, trên bờ Thái Bình Dương của lục địa châu Á, đã đường đường xuất hiện những chế độ tư bản mới, với một phương châm trái ngược: “Phát triển kinh tế mà không có tự do chính trị”. “Chủ nghĩa xã hội hiện thực” mất hết hào quang, chế độ dân chủ Tây phương thì trải qua khủng hoảng niềm tin nên chủ nghĩa cực quyền kiểu mới này lại càng có xu hướng nhận mình là mô hình cho các nước đang phát triển, không những cho các nước “Thế giới thứ ba” cổ truyền (Châu Phi, Châu Mỹ Latinh), mà cho cả những nước thuộc “thế giới cộng sản” cũ (Trung Quốc, Việt Nam). Đó là một sự thách thức đối với dân chủ rất đáng để chúng ta xem xét thật kỹ lưỡng.
Tiểu long, mãnh hổ và khủng long
Mọi người đều biết từ khoảng hai mươi năm nay, trọng tâm của nền kinh tế thế giới đã chuyển lần lần sang khu vực Thái Bình Dương. Tại đây, theo vết nước Nhật, đã xuất hiện những quốc gia công nghiệp hoá mới (NPI), là những nước đã hoàn thành giai đoạn cất cánh về kinh tế, đang lèo lái quá trình tăng trưởng bằng cách kết hợp những kỹ thuật kinh tế và những triết lý chính trị na ná như nhau, do đó vô hình trung tạo ra hình ảnh một chủ nghĩa tư bản Á châu. Thống kê kinh tế của các nước tư bản Á châu này là những con số khá hấp dẫn: năm 1960, chiếm 4% tổng sản lượng (PNB) thế giới, năm 1992 lên tới 25%, đến năm 2000 có thể sẽ đạt 33%; tỷ lệ tăng trưởng (trừ Nhật) hơn 6%, trong khi kinh tế toàn cầu vẫn liên miên trì trệ. Vì vậy không thể không đặt ra câu hỏi: đây phải chăng là một mô hình mới về phát triển?
Trước tiên, hãy xem đó là những nước nào. Đứng đầu các NPI phải kể tứ tiểu long (Nam Triều Tiên, Hồng kông, Singapore, Đài Loan) nổi lên từ những năm 1960, rồi tới hai, hoặc bốn, mãnh hổ (Malaysia, Thái Lan, và ở một mức độ thấp hơn, Indonesia và Philippin) xuất hiện vào thập niên 80. Có thể, ngay bây giờ hoặc sắp tới đây, phải kể luôn cả hai con khủng long (dinosaures) thoát thai từ “chủ nghĩa xã hội hiện thực” là Trung Quốc và Việt Nam. Nhờ một ảo thuật không thua gì phép lạ di truyền học trong phim Jurassic Park1, hai nước này đang tìm cách thích nghi với môi trường kinh tế Á châu để sống sót. Chắc có người sẽ ngạc nhiên (thực sự hay giả bộ) thấy được xếp trong hàng ngũ tư bản mới, hai chế độ không những xưng danh là xã hội chủ nghĩa mà còn nắm chắc trong tay những công cụ chuyên chính (quân đội, công an, tuyên huấn) của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Song, điều này chắc không cần phải chứng minh nữa, “ Chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung ở châu Á, theo ý nghĩa là tất cả những sự nghiệp đặc thù cộng sản đã thất bại; đó là những sự nghiệp không có tính chất dân tộc chủ nghĩa hay quân sự, mà có tính chất xã hội hay liên quan tới tư tưởng – chỉ cần nhớ lại phong trào Đại nhảy vọt, Đại cách mạng văn hoá, hay thảm kịch “thuyền nhân” (...) Chẳng còn ai tin rằng hệ tư tưởng cộng sản sẽ mang lại giải pháp cho các vấn đề hiện nay, chỉ còn cách chọn: một là cứ ngoan cố bảo thủ, nghĩa là kéo dài sự khốn cùng, thậm chí sự kinh khủng cho nhân dân [Bắc Triều Tiên], hai là cải tổ [Trung Quốc, Việt Nam], nghĩa là xói mòn thêm một mức nữa những tín điều ngày trước” (J.-L. Domenach1)
Cố nhiên, mục tiêu phấn đấu (khả kính) của họ vẫn là một nước Trung Quốc hay một nước Việt Nam giàu mạnh, nhưng mục tiêu ấy không còn đặt dưới sự phù trợ của một hệ tư tưởng phổ quát – chủ nghĩa xã hội. Bất chấp các bài thần chú, cuộc cải tổ theo kiểu Đặng Tiểu Bình hay công cuộc đổi mới theo kiểu Việt Nam hiện nguyên hình đơn thuần là những kỹ thuật tư bản chủ nghĩa (nhằm mục đích sống sót). Tục ngữ Mỹ có một câu không mấy độc đáo để mô tả tình huống ấy: If you can’t lick them, join them! (Đánh chúng không nổi thì chạy theo đuôi!). Ai còn nghi ngờ điều đó xin mời nhìn vào lá cờ đỏ của Mac Donald phấp phới trên Quảng trường Thiên An Môn, hay tấm biển quảng cáo các món gà quay Kentucky Fried Chicken vẽ hình Bác Hồ giương cao gói khoai rán2...
Chủ nghĩa tư bản mới, chế độ cực quyền mới
Lời bàn phiếm ở đoạn trên chỉ nhằm mục đích xác định đối tượng nghiên cứu là chủ nghĩa tư bản mới ở châu Á. Ít nhất nó cho phép tìm kiếm các đặc trưng chính trị chung giữa kinh tế thị trường “xã hội chủ nghĩa” và kinh tế thị trường của các NPI cũ và mới. Nhìn từ xa, thì tiểu long, mãnh hổ hay khủng long gì gì đi nữa cũng đều tiến bước dưới ngọn cờ của chủ nghĩa cực quyền mới (néo-autoritarisme), của chủ trương “phát triển mà không dân chủ”. Nói như vậy có cái hay là ngắn gọn, nhưng lại thiếu chính xác. Đó là một lối nói ăn khách, vì nó tổng kết được những nhận xét đơn giản, nhìn từ xa có vẻ hiển nhiên:
– Khu vực Đông Á nhìn đại thể có vẻ như là sự tập hợp các lực lượng chống cộng và các lực lượng cộng sản (cũ) đoàn kết trong một phòng tuyến chung chống lại tiến trình dân chủ (chỉ cần nhắc lại: Việt Nam, ngày nào là kẻ thù số một của ASEAN, nay trở thành hội viên quan sát): từ Bắc Kinh qua Hán Thành tới Đài Bắc, các chế độ cực quyền trở thành quy luật phổ biến, còn những chế độ “dân chủ” là biệt lệ: chúng tôi để hai chữ dân chủ trong ngoặc kép vì ở Thái Lan hay Philippin, đó là những thể chế dân chủ đặt trong vòng khuynh loát của những tập đoàn quân phiệt hay tài phiệt.
– không những thế, như J.-L. Margolin3 nhận xét, – trong ba trường hợp, thì có hai trường hợp sự cất cánh về công nghiệp lại trùng hợp với việc củng cố sự cưỡng chế của nhà nước. Khỏi cần nặn óc, mọi người đều nghĩ tới Singapore, Nam Triều Tiên, Đài Loan... Ngược lại, “dường như ở giai đoạn này, dân chủ là một trở ngại quan trọng, thậm chí huỷ hoại”3: trong các NPI, Philippines là nước đi xa nhất trên quá trình dân chủ hoá, thì cũng là nước tụt hậu về kinh tế, tới mức có người hoài nghi về sự cất cánh công nghiệp của nó.
Thực tiễn dường như xác nhận các định đề (ẩn ngôn hay hiển ngôn) của chủ nghĩa cực quyền mới: quá trình công nghiệp hoá ban đầu đòi hỏi một khối lượng nhân công dồi dào, giá rẻ và dễ bảo; và ngay sau khi cất cánh rồi, sự dễ bảo của khối người lao động dường như vẫn cần thiết vì sự yên ắng xã hội là một chủ bài trọng yếu trong cuộc chạy đua tìm vốn và đầu tư ngoại quốc (kể cả dưới hình thức mà người ta đang nói tới nhiều: délocalisation, dọn nhà máy sang các nước nhân công rẻ, phí tổn xã hội thấp). Cái gì bảo đảm cho sự yên ắng xã hội đó? Chính quyền độc tài, chứ không phải chính quyền dân chủ.
Nếu lý luận của chủ nghĩa cực quyền vỏn vẹn chỉ có bấy nhiêu, thì cũng dễ phản bác. Thật vậy:
– chính quyền độc tài không nhất thiết mang lại phồn vinh về kinh tế: bằng chứng là sự phá sản của hầu như toàn bộ các chế độ chuyên chính ở châu Phi và châu Mỹ Latinh (kể cả Chile4). Ngay ở châu Á, “các chế độ độc tài ghê gớm nhất – nghĩa là những chế độ cấm đoán mọi thảo luận, bầu cử, độc lập cá nhân, những chế độ mà dân chúng phải chạy trốn – đã gây ra đại hoạ về kinh tế, bất luận Campuchia dưới thời Khơme đỏ, Việt Nam cộng sản, Miến Điện thời tướng Ne Win, trong khi nước nào cũng có những chủ bài không thua kém các NPI”3.
– chính quyền không cưỡng chế có thể mang lại phồn vinh: trong các rồng con, Hồng Kông cố nhiên không thể gọi là dân chủ, vì sự bảo hộ thực dân của Anh và sức ép của Bắc Kinh đã triệt tiêu hầu như toàn bộ không gian chính trị; song ngoài lãnh vực chính trị ra, có thể nói rằng người dân Hồng Kông có những quyền tự do khó tìm thấy ở chung quanh. Trong các nước mãnh hổ, “hệ thống chính trị Malaysia vẫn là một thiên đường kiểu Westminster (chế độ đại nghị Anh và đây là điển hình của một nền kinh tế gần như thường xuyên phồn thịnh trong một bối cảnh đa nguyên”3. Còn trường hợp Thái Lan, có thể trở thành con rồng thứ 5, thì khó minh xác, muốn kết luận thế nào cũng được: những cuộc đảo chính quân sự xen kẽ với bùng nổ dân chủ, rất khó đánh giá mối liên hệ giữa tình hình chính trị và phát triển kinh tế.
Những thí dụ kể trên cho thấy rằng nếu một chế độ độc tài có thể cầm lái cho công nghiệp cất cánh, thì chế độ “dân chủ” cũng có thể làm được. Còn muốn bỏ ngoặc kép chung quanh hai chữ dân chủ, thì xin nhắc lại: cuộc cách mạng công nghiệp đã ra đời ở Anh, và nước Anh là một nước dân chủ.
Singapore, mẫu qui chiếu
Muốn tìm hiểu mô hình của chủ nghĩa cực quyền mới, cần phải nghiên cứu từng tình huống cụ thể. Xin chọn trường hợp Singapore làm thí dụ, vì thành phố quốc gia này giữ một vai trò qui chiếu được thừa nhận không những ở toàn vùng, mà cả trên toàn cầu, nếu chúng ta căn cứ vào uy thế quân sự gourou hoàn vũ của Lý Quang Diệu5 (nguyên thủ tướng kiêm cha già sáng lập ra quốc gia này). Khá nhiều công trình biên khảo về mô hình Singapore đã được công bố 6, cho nên cũng không khó rút ra một số nét đặc trưng, mà tất cả các NPI khác cùng có chung, hoặc nếu không có thì cũng đang tìm cách bắt chước ở những cấp độ khác nhau:
– về mặt lịch sử, sự tích luỹ ban đầu được thực hiện bằng thương mại và dưới sự cưỡng chế của một chính phủ cực quyền (cho đến năm 1945, ở Singapore, là chế độ thực dân, cấm đoán mọi chính đảng, nghiệp đoàn).
– về mặt chiến lược, bước sang thời kỳ độc lập (trong trường hợp Singapore: từ khi tách khỏi Mã Lai năm 1966), chọn lựa kinh tế hướng ngoại, dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư của nước ngoài.
– về mặt chiến thuật, noi gương Nhật Bản tổ chức một cách có hệ thống việc bắt chước và cải thiện công nghệ học Tây phương. Đặc biệt, với mục đích khai thác nhanh lẹ những cải tiến kỹ thuật, “tất cả quyền lực của Nhà nước được sử dụng để phục vụ công tác kế hoạch hoá nhằm dự trù các diễn biến trên thế giới về địa lý, chính trị cũng như về công nghệ [người ta nghĩ ngay tới vai trò của bộ MITI của Nhật]. Trái ngược với quan niệm của Liên Xô, công cuộc kế hoạch hoá này tự nó không phải là cứu cánh; nó nhằm cái chứa đựng hơn là cái được chứa đựng: Singapore phải trở thành một công cụ hoàn hảo trơn tru cho tư bản quốc tế sử dụng với toàn bộ năng suất”6.
– hệ tư tưởng cố nhiên là tư bản chủ nghĩa, song là một thứ chủ nghĩa tư bản ô tạp vì Nhà nước can thiệp dưới nhiều hình thức để tổ chức, kích thích, định hướng và kiểm soát sự phát triển kinh tế. Ở Singapore, các xí nghiệp công cộng hay bán công (ngân hàng, công ti bảo hiểm, cơ sở bến cảng) chiếm 60% toàn bộ hoạt động kinh tế. Nhà nước là cổ đông nên kiểm soát các doanh nghiệp này, song việc quản lý được thực hiện theo nguyên tắc của xí nghiệp tư nhân: “việc điều chỉnh không có tính áp chế mà theo pháp lý, bằng phương pháp đồng thuận hay tài chính”1.
– về mặt chính trị, chế độ được thiết lập sau cuộc giải thực (với sự thông đồng của thực dân) bề ngoài có đầy đủ nghi thức dân chủ nhưng thực chất không khác gì chế độ độc đảng. Nhân danh sự ổn định chính trị (và xã hội), cấm đoán đình công cấm đoán các quyền công đoàn (tổng thư ký công đoàn chính thức và duy nhất là một bộ trưởng không bộ), cấm đoán quyền tự do ngôn luận (một giá biểu phạt vạ chi ly ép buộc nhà báo phải tự kiểm duyệt) – đối lập chính trị phải khép miệng các không gian đề kháng lần lượt bị triệt hạ dưới sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền: hội sinh viên, media, phong trào thanh niên, ngành tư pháp, vân vân...”3. Hơn nữa (hay tệ hơn nữa), có lẽ tất cả bộ máy trấn áp này rốt cuộc là vô ích vì sự phồn thịnh đã mang lại ổn định xã hội (và nhờ đó, ổn định chính trị). Singapore nhờ thế đã trở thành một nhà nước lý tưởng như trong cuốn tiểu thuyết 1984 của Orwell: chẳng những người dân sống dưới cái nhìn soi mói của Anh Cả (Big Brother) mà còn rất mực yêu kính Anh Cả.
– cuối cùng, về mặt văn hoá, sự đồng thuận được xây dựng trên cơ sở dân tộc trung tâm (ethnocentrisme: 78% dân số Singapore là người gốc Hoa) được sự phồn thịnh chính đáng hoá. Học tập ông Lý Quang Diệu rao giảng đạo lý chính trị cho khắp thiên hạ, các lý thuyết gia của mô hình Á Châu đề cao những cái mà họ gọi là “đặc thù”: “truyền thống” và “đức tính” Á Đông, đối lập chúng với sự hỗn loạn và đồi truỵ của mô hình Tây phương, và, một công đôi việc, người ta bê “đặc thù” ra để chống cự “chủ nghĩa đế quốc” trong vấn đề quyền con người. Sở dĩ hình ảnh “rồng” và “hổ” gây ấn tượng mạnh mẽ như vậy, có lẽ một phần cũng vì nó kích thích được lòng tự hào dân tộc của người dân các nước này, một niềm tự hào rất dễ biến chứng thành chủ nghĩa sôvanh 7.
Con chuột chũi của Hegel
Trong bảng liệt kê phân tích ở trên, chúng tôi cố tình chỉ nêu lên những đặc trưng có tính cách nội sinh (endogènes) vì muốn lưu tâm tới đạo lý chính trị nền tảng của chủ nghĩa tân tư bản Á Châu (dưới góc độ này, nhân tố ngoại sinh duy nhất quan trọng có lẽ là ảnh hưởng của mô hình Nhật Bản). Gạt sang một bên tất cả những khía cạnh Orwell thái quá của mô hình Singapore, ta có thể thấy rõ cái thế chân vạc (chính trị - kinh tế - tư tưởng) đã tạo nên sự cất cánh của các nước tiểu long: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cực quyền, chủ nghĩa dân tộc.
Như vậy thật ra có gì mới mẻ? Cặp bài trùng chủ nghĩa cực quyền + chủ nghĩa gia trưởng đã từng xuất hiện trong lịch sử: một chính quyền mạnh cai trị một cách độc đoán vì lợi ích nhân dân và (theo lời tuyên bố của chính họ) theo chiều hướng tiến bộ, ngôn ngữ chính trị của Pháp đã có sẵn cụm từ despotisme éclairé (Chủ nghĩa chuyên chế sáng suốt), mà ta có thể tạm dịch là minh quân trị. Tra thêm vào đó: công nghiệp hoá + hiện đại hoá + khẳng định bản sắc dân tộc, là thành Bismarck và công cuộc kiến lập quốc gia Đức thế kỷ 19? Nhân đây, ta cũng cần nhìn lại quá trình hình thành các Nhà nước - dân tộc ngày nay đã trở nên thành luỹ của chế độ dân chủ phương Tây. Ta sẽ nghiệm ra (trở lại) là sự xây dựng “một không gian quốc gia và những định chế được quốc dân thừa nhận [chỉ được thực hiện], một cách không hoàn chỉnh, kinh qua những cao trào tập thể hùng mạnh, xen kẽ với những thời kỳ áp chế kéo dài”3. Dân chủ, cũng như quốc gia, không phải ngày một ngày hai có thể thành hình, tiến trình của nó không thẳng tuột, bước đi của nó khi nhanh khi chậm, có khi bị những thực tại xã hội - kinh tế chặn ngang. Ở trên đã nói: cuộc cách mạng công nghiệp ra đời tại Anh, và Anh lúc đó là một nước dân chủ. Cũng phải nói thêm: nền dân chủ ấy chấp nhận lao động trẻ em và không thừa nhận quyền đình công. Cũng chẳng nên lấy thế làm công phẫn vì các nguyên tắc dân chủ không phải là thuộc phạm trù đạo đức. Phải thông qua đấu tranh xã hội mới từng bước giành được quyền lợi của công nhân, các quyền công đoàn, trong một quá trình tương tác mà buổi đầu người ta gọi là “thực tiễn pháp lý của quyền tự do” (jurisprudence de la liberté). Giới luật duy nhất (mà quan trọng) có ghi trong định chế dân chủ là bảo đảm sẽ hình thành thực tiễn pháp lý ấy.
Xem xét các chế độ tân tư bản châu Á, ta không được quên rằng tại tất cả các nước này, đã song song tiến hành công cuộc công nghiệp hoá và công cuộc xây dựng quốc gia. Nên cũng cần nói rõ thêm vài điểm:
– Những ngoặc kép đặt bên hai chữ “dân chủ” khi chúng tôi xếp loại một vài nước NPI có lẽ phần nào oan uổng. Xét cho cùng, nói theo kiểu nhìn xuống cố hữu của người Anh: “Dân chủ, cũng giống như thảm cỏ bên Anh, phải mất cả trăm năm nó mới mọc được như vậy”.
– Điều chắc chắn, là đối với tất cả các nước ấy, dân chủ hay không, nếu có một quan hệ nhân quả như đã trình bày ở trên, thiết tưởng đã tới lúc ta cần đảo ngược quan hệ đó. Ở trên đã nói sự phát triển có thể sinh ra từ một chế độ dân chủ cũng như từ một chế độ độc tài. Phải đặt ngược vấn đề: từ phát triển sẽ sinh ra cái gì? Câu trả lời đối với chúng tôi, hiển nhiên: đó là sơ đồ kinh điển 1789, là câu chuyện mà Hegel gọi là con chuột chũi già cũ mò mẫm đào hang trong các giai cấp trung lưu. Theo quan niệm đó (sách vở đã nói quá nhiều), các giai cấp trung lưu chuyên chở một cách tự nhiên dự phóng dân chủ: về mặt số lượng và xã hội học, họ chiếm đa số; về mặt xu thế, họ được sự phát triển kinh tế củng cố ngày càng mạnh, nên họ có thiên hướng muốn cầm quyền, thế mà do hoạt động nghề nghiệp và do được đào tạo (khả năng thông tin, đoán định; ý chí tự lập, tinh thần trách nhiệm; quan tâm tới hiệu lực ) các giai cấp này có xu hướng tự do, thậm chí dân chủ. Tóm tắt như vậy, cái nhìn lạc quan dân chủ này có vẻ máy móc và quá giản đơn. Song ta cứ nhìn xem: ngay tại Singapore, giai cấp trung lưu năm 1966 chiếm 9% dân số (lứa tuổi hoạt động năm 1980 chiếm 14%, năm 1990 chiếm 25% – tiến trình xã hội học này cũng đang lặp lại tương tự ở Thái Lan, Malaysia, ở cả Indonesia, tất nhiên với một nhịp độ chậm chạp hơn. Có phải ngẫu nhiên mà song song với diễn tiến ấy, có một sự tự do hoá (nếu không muốn nói là dân chủ hoá) của các chế độ cực quyền? Phi Luật Tân năm 1986, Nam Triều Tiên 1987, Đài Loan 1988, Thái Lan 1992, ngay tại Singapore, từ ngày thế vị Lý Quang Diệu năm 1990 (một cuộc chuyển quyền được chuẩn bị hết sức chu đáo), không khí đồng thuận coi mòi đã giảm sút, bằng chứng là nhà cầm quyền đã lồng lộn truy nã mọi hình thái “lệch lạc” (déviances)6... Tất nhiên tiến trình ấy còn mỏng manh, hạn chế, thậm chí dường như đang dẫm chân tại chỗ, nhưng nó có thực và nó chứng tỏ rằng các chế độ độc tài khi nào thành công, thì chính vì thành công mà trở thành “hoà tan trong dân chủ” (solubles dans la démocratie). Một bằng chứng nữa, không thể chối cãi: từ ngày không còn Liên Xô, tất cả các nước phát triển (cũ) trên thế giới đều theo thể chế dân chủ.
Phi công và máy bay
Lập luận nói trên tuy vậy cũng chưa dứt điểm. Người ta vẫn có thể viện dẫn tính đặc thù trong các quá trình phát triển: Nhật Bản chỉ dân chủ ngoài mặt, còn tất cả các PAI (nước công nghiệp cũ) đều là những nước Tây phương, còn tất cả các NPI (nước công nghiệp mới) đều thuộc châu Á. Ta hãy theo trường phái dân chủ bi quan mà giả sử rằng cuộc tranh đua sẽ tiếp tục, ngày càng gay go vì có thêm kích thước tư tưởng, giữa hai mô hình có chung quan niệm kinh tế (thị trường) nhưng đối chọi nhau về triết lý chính trị – một bên chủ trương kiểm soát xã hội chặt chẽ và độc quyền chính trị, một bên tự do về mặt xã hội và đa nguyên về mặt chính quyền7.
Trong cuộc đối đầu đó, dân chủ phơi bày đủ mọi nhược điểm trầm kha: mâu thuẫn (xem các bài trước), phân tán (cái giá phải trả khi có thảo luận), giải ngũ (nhân dân chỉ phản ứng trước những vấn đề của đời thực, không ai có thể động viên nhân dân ủng hộ một dự phóng triết lý cả)... tóm lại có thể dùng hình ảnh vật lý học: vô số những vectơ phân kỳ đẻ ra vận động Brown. Trước mặt, là những minh quân, những xã hội kỷ cương, những cá nhân ngoan ngoãn... hình ảnh hoàn chỉnh của vô vàn những vectơ hội tụ thành một lực duy nhất đặt vào một điểm tập trung. Động lực học đã chứng minh dứt khoát là phần thắng thuộc về phe thứ nhì. Nhưng... nhỡ như các lực tổng hợp kia đặt trật huyệt thì sao? Vấn đề trung tâm của tiếp cận chuyên chế chính là ở chỗ này:
– các chế độ cực quyền, bất luận mang nhãn hiệu gì, đều vận hành theo lối quân sự hay bán quân sự: tướng lãnh lập kế hoạch chiến dịch, sĩ quan thực hiện kế hoạch, binh lính bước đi hành quân... “Chủ nghĩa xã hội trại lính” chơi sang lại muốn dạy cả cách đi từng li từng tí cho binh lính, nên đã rơi vào sọt rác của Lịch sử. Các lãnh tụ vĩ đại ở Singapore để cho binh lính rộng tay rộng chân hơn (kinh tế thị trường mà?), nhưng cơ cấu dọc, một chiều từ trên xuống dưới, thì y hệt nhau: “(...) Trong mọi công việc quan trọng một chút, khi chính quyền nói là hỏi ý kiến, thì y như rằng họ đã quyết định từ trước đó rồi, các media – do chính quyền nắm chặt – và các tổ chức, đoàn thể chỉ còn một công việc là làm cho dân chúng thấm nhuần chủ trương của chính quyền”6. Khi nào chính phủ nhận định là dân chúng đã quán triệt rồi, lúc đó họ mới tổ chức – cấm cười – “bỏ phiếu tín nhiệm” nhân dân6 – trong một quan niệm như vậy về luật chơi xã hội, thành bại chủ yếu tuỳ thuộc vào tài năng của bộ chỉ huy. Các định chế dân chủ ít nhất cũng bảo đảm khả năng loại bỏ những người bất tài, còn các chế độ cực quyền không thể làm được vì trong hệ thống này, uy quyền và chính nghĩa trùng lặp nhau. Trong một bài trước, chúng tôi đã nói tới các chế độ nhân danh sứ mệnh Thượng đế. Còn trong chế độ Khổng giáo (mà thế giới Hán hoá vẫn thấm nhuần8), trật tự trên dưới, người dưới nghe lời người trên, nằm trong tôn ti tự nhiên của vũ trụ. Ngay tại các nước dân chủ, vốn bị coi là duy vật, đây đó vẫn còn những ổ đề kháng của thần quyền: chẳng thế mà Giáo hoàng và giới tu sĩ, nghĩa là những đấng độc thân chuyên nghiệp, vẫn sang sảng huấn thị về phương pháp tránh thụ thai và sinh đẻ có kế hoạch đó sao? (xem bài Thánh chiến).
Trở lại con đường phát triển không dân chủ: một chuyên quân (autocrate) sáng suốt (Lý Quang Diệu) đã thành công trong bước nhảy vọt của Singapore, nhưng một chuyên quân sáng thế khác (Mao Trạch Đông) đã làm cho Trung Quốc khốn đốn sau cuộc Đại nhảy vọt. Nói cách khác: không có chế độ chuyên chế nào là sáng suốt cả, chỉ có những quân chuyên chế sáng suốt, và một quân chuyên chế không sáng suốt chung qui chỉ là một hôn quân.
– cứ giả sử (khi nói tới “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, phần nào người ta muốn chúng ta giả sử) rằng kinh tế thị trường sẽ làm cho các quân chuyên chế trở nên sáng suốt thì cái mô hình mà Singapore và công ti đang rao bán là một mô hình đơn kích (unidimensionnel), phát triển chủ nghĩa (développementaliste) theo nghĩa hẹp hòi nhất. Đầu tiên là giáo dục – nền tảng của phát triển – được một ngân sách khá (20% ngân quĩ quốc gia, 4% PIB), nhưng lại theo “một quan niệm thiên về dạy nghề hơn là phát huy khả năng sáng tạo”6. Mà nói đến sáng tạo là đã ra khỏi lãnh vực triết lý, bước sang những con số phần trăm tăng trưởng rồi, một khi mà các NPI (xem trên) theo gương Nhật Bản muốn chạy đua tìm kiếm những sáng chế kỹ thuật. Thế nhưng, như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, mặc dầu điều này thoạt trông hết sức nghịch lý, ngay cả những lúc máy móc sản phẩm made in Japan tràn ngập thị trường, chưa bao giờ nảy ra một canh tân công nghệ nào từ các phòng thí nghiệm Nhật Bản. Canh tân nói đây không phải là thích nghi, cải tiến, kể cả những cải tiến ngoạn mục nhất (đây là sở trường của Nhật Bản, thêm vào đó là khả năng thực hiện sản xuất không ai sánh kịp); mà là những sáng chế có tính chất “đoạn tuyệt” (f racture), đột phá về ý niệm (percée conceptuelle) – thí dụ như chuyển từ ống (thuỷ tinh) chân không sang transistor, hoặc từ transistor sang mạch tổng hợp (cricuits intégrés)10. Sự thiếu sáng tạo này là vì đâu? Không phải vì những cá nhân, cố nhiên, mà vì cơ cấu xã hội – nước Nhật dân chủ và Singapore mô hình Orwell gặp nhau ở chỗ này – không kể tới truyền thống Khổng giáo, chỉ riêng một tinh thần rập khuôn (conformisme) cũng đủ loại trừ những cá nhân độc đáo, những người sáng chế, tất cả những ai được gọi là những “ngọn tóc ngoi khỏi mái đầu”9 (bình chú của người đánh máy: nói theo ngôn ngữ của ban tổ chức, những sợi tóc có vấn đề). Dân chủ không đồng nghĩa với sáng tạo, nhưng có điều chắc chắn là óc sáng tạo bị bóp nghẹt trong một xã hội chỉ biết mang chuẩn tắc, quy phạm ra để trả lời những câu hỏi về ý nghĩa (trẻ con và triết gia thường hỏi: “Tại sao?”).
Xét một vòng vấn đề, chế độ dân chủ xem ra không ở thế kẹt như người ta tưởng, chẳng có gì đáng ngại cho khả năng trường tồn. Vả lại, những chế độ dân chủ mới vẫn liên tiếp ra đời, ngay ở những nơi ít ai ngờ (Bênanh, Mali, nhất là Nam Phi), cho dù hai chữ “dân chủ” vẫn cần để trong ngoặc kép. Trong khi khắp thế giới ai cũng thèm khát sự năng động của nó, thì điều nghịch lý là chủ nghĩa tân tư bản cực quyền Á châu xem ra chỉ có khả năng thách thức trong giai đoạn cất cánh (nếu dùng ngôn ngữ hàng không có thể nói: phi công không phải là người chế tạo ra máy bay). Song ở giai đoạn cất cánh và đi lên đó, là một mô hình hết sức hấp dẫn. Cả vấn đề là trong một môi trường ít thuận lợi hơn hẳn, tìm cách đi theo con đường ấy, hai nước còn sót lại sau “chủ nghĩa xã hội hiện thực” là Trung Quốc và Việt Nam, liệu có sẽ thành công trong việc cất cánh hay không. Đó lại là một chuyện khác.
Nguyễn Quang
(Kiến Văn biên dịch)
(l) Communisme d’ Asie: mort ou métamorphose?, do J.L. Domenach và F. Godement chủ biên, Editions Complexe, 1994.
(2) Quảng cáo trên tuần báo TIME, khi Mỹ bỏ cấm vận. Chắc chính quyền Việt Nam không biết.
(3) Muốn tìm hiểu sâu hơn xin đọc J.-L. Margolin: Développement et Démocratie en Asie du Sud-Est, trong POLITIQUE ETRANGERE, số 3, mùa thu 1992.
(4) Nếu “mô hình Chile” thành công, lẽ nào các tướng lãnh lại từ bỏ chính quyền? Nói cụ thể hơn, có thể nói rằng vai trò của Pinochet và nhóm Chicago Boys là, trong một nước công nghiệp hoá từ những năm 1930 (tất nhiên chưa có trình độ của các NPI), đã tư hữu hoá bộ máy sản xuất (nhưng phần lớn vốn tư là của nước ngoài), nhượng quyền khai thác (rừng, biển...), phát triển xuất khẩu nông sản... Tích luỹ tư bản phải trả giá bằng sự cùng khốn xã hội, mà nạn nhân không chỉ là các giai cấp nghèo khó mà cả giai cấp trung lưu, đem lợi cho giai cấp tư sản và giới quân nhân tài phiệt trước tiên là gia đình Pinochet).
(5) Phỏng vấn Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew): Frank words for America, TIME, tuần 18. 4.1994.
(6) Có thể đọc Singapour vers le meilleur des mondes, bài của B. Cassen, LE MONDE DIPLOMATIQUE, 8.1994.
(7) Người nước ngoài doanh nhân và thường trú ở Singapore kể lại là càng ngày càng nghe nhiều câu nói gây hấn kiểu: “Các ngưòi hết thời rồi... Các người đời tàn rồi... Chúng tôi sẽ quét sạch các người...”. Mới đây một thanh niên Mỹ tagger (vẽ trên tường) đã bị toà án xử phạt bằng mấy trượng: đây rõ ràng là một tín hiệu gửi ra bên ngoài, minh hoạ những bài học của ông Lý Quang Diệu, đối lập quyền uy Singapore với tình trạng buông lơi của Tây phương.
(8) Có thể cho rằng: muốn hiểu các ông Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình, Đỗ Mười, ... không thể không quy chiếu vào hệ tư tưởng Khổng giáo.
(9) Xem Développement et confucianisme, Đoàn Kết số 396 và 397 (tháng 11 và 12.1987).
(10) Một vài thí dụ trái ngược với những thành kiến khá phổ biến: máy ghi hình (magnétoscope) là phát minh Mỹ, đĩa compact là của Hà Lan, transistor và vi linh kiện (puce / chip) cũng của Mỹ. Dự án canh tân duy nhất do MITI (bộ thương mại và công nghiệp Nhật) là máy tính điện tử thế hệ thứ 4, thì trái núi cho đến nay vẫn chưa đẻ ra con chuột.
Các thao tác trên Tài liệu