Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / ESPRIT và RACE

ESPRIT và RACE

- Hà Dương Tuấn — published 14/04/2011 00:10, cập nhật lần cuối 12/05/2011 16:23

Hồ sơ Công Nghệ thông tin


Các chương trình ESPRIT và RACE:
Nghiên cứu và phát triển
công nghệ thông tin tại Âu châu


Hà Dương Tuấn



Tóm lược : ESPRIT (European Strategic Program for Research and development in Information Technology), và RACE (Research for Advance Communications in Europe) là hai chương trình nghiên cứu và phát triển do Liên hiệp Châu Âu, viết tắt “UE” (trước là Hội đồng kinh tế Châu Âu) chủ trì, nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển (NC&PT) Công nghệ Thông tin (CNTT) tại châu Âu. ESPRIT bắt đầu từ 1983, chuyên về những vấn đề liên quan đến Điện tử, Tin học, còn RACE (bắt đầu từ 1986) chuyên về kỹ thuật, công nghệ và tổ chức mạng lưới truyền tin. Cả hai chương trình này đều đã gặt hái một số kết quả tốt, và đến nay vẫn tiếp tục được thúc đẩy ngày càng mạnh.


1. Điểm xuất phát

Các chương trình NC&PT do UE chủ trì xuất phát từ nhận xét là tập thể những người làm NC&PT của Châu Âu đông và mạnh hơn Mỹ hay Nhật, nhưng vì chia nhỏ trong phạm vi từng nước nên kết quả thực tế lại yếu kém hơn. Vì thế để đạt mục đích đuổi kịp Mỹ và Nhật về mặt công nghệ, phải khắc phục tình trạng xé lẻ trong NC&PT, chưa nói đến sự tập trung trong sản xuất và kinh doanh là những bước xa hơn, và ngoài phạm vi của bài này. Tuy nhiên, không phải chỉ muốn là thành công ngay, đề án UNIDATA trong những năm 70 nhằm hợp nhất CNTT tại Châu Âu (bằng cách áp đặt “từ trên xuống” sự tập trung về mọi phương diện từ NC&PT đến kinh doanh, trong một công ty xuyên châu Âu) đã bị thất bại. Kinh nghiệm UNIDATA đưa tới chính sách hiện nay của UE, mềm dẻo và khiêm tốn hơn, nên nói chung là thành công trong giới hạn định sẵn. Nói chung chính sách này là khuyến khích sự hợp tác tự nguyện giữa các công ty và các đại học tại Châu Âu trên từng đề tài cụ thể. Thành lập nhiều chương trình “khung” tổng quát như ESPRIT, RACE, EUREKA, JESSI, STIG... mỗi loại chương trình có chính sách tài trợ thích hợp. ESPRIT và RACE chỉ có tính cách NC&PT, các chương trình kia có tính công nghệ nhiều hơn và ngân quỹ cũng lớn hơn nhiều lần, nhưng ở đây không có điều kiện đề cập. Đặc điểm của RACE và ESPRIT như sau:

* UE, dựa trên báo cáo của một nhóm chuyên gia đầu đàn, công bố một “chương trình khung” (work plan, programme cadre) trong đó liệt kê những vấn đề cần nghiên cứu.

* Những vấn đề này đều có tính cách “tiền cạnh tranh và đi trước chuẩn” (pré-compétitif et pré-normatif), nghĩa là có tính cách cơ bản nhiều hơn công nghệ, công khai nhiều hơn bí mật. Mục đích không ngăn cản các hãng trước nay (và hiện còn) cạnh tranh với nhau cùng hợp tác. Mục đích thứ hai nữa là thúc đẩy sự giao lưu giữa đại học và công nghiệp, một mặt rất yếu của nhiều nước châu Âu, do truyền thống để lại.

* Các cơ sở nghiên cứu tại Châu Âu tự động liên hệ với nhau để thành lập các consortium (khế ước có giới hạn mục đích và thời gian, yêu cầu của UE là có ít nhất hai nước và ít nhất hai nhóm không cùng liên hệ tài chính). Các consortium được quyền đề nghị những đề án nghiên cứu cụ thể thích hợp với chương trình khung, có phương án chi tiết về số người tham gia và ngân quỹ cần thiết, thời gian từ hai đến năm năm, có dự kiến về kết quả sẽ đạt, có một cơ sở chịu trách nhiệm chính cả về quản lý đề án lẫn về nội dung khoa học. Thường các tập thể này có từ 5 đến trên 10 nhóm rải rác tại Châu Âu. Các trường Đại học và các công ty ở những nước tương đối yếu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp được khuyến khích tham dự. Mỗi cơ sở có quyền tham dự nhiều đề tài trong nhiều consortium khác nhau.

* Một số đề án được lựa chọn (tỷ số có năm dưới 1/10) sau khi thương thuyết và điều chỉnh để tránh trùng đề tài và để tăng/giảm nội dung nghiên cứu và tăng/giảm ngân sách cho phù hợp. Những đề tài quan trọng nhiều khi lại cố ý giao cho hai hoặc ba tập thể khác nhau. Mỗi ngân sách được đài thọ 50% tính theo đơn vị (tháng x người) tham gia, và quy ra tiền theo như chi phí thông thường trong kỹ nghệ (khoảng 3 lần lương kỹ sư trung bình của Pháp, vì kể cả các chi phí hội họp, đi lại, điều kiện làm việc, tức là đài thọ khoảng 1,5 lần lương).


2. ESPRIT

2.l. Các phạm vi nghiên cứu:

* Vi điện tử: vật lý chất rắn, mạch VLSI dưới 1 micron, các quy trình công nghệ làm mạch có máy tính hỗ trợ (CAD, Silicon Compiler).

* Công nghệ hệ mềm: Các phương pháp xác định mục tiêu (spécification) bằng lôgíc hình thức (logique formelle); Các công cụ phát triển hệ mềm (tool set, work station); quản lý phát triển hệ mềm (software management).

* Kỹ thuật xử lý thông tin tiên tiến: Knowledge Engineering; giao diện người - máy; Cấu trúc máy tính mới.

* Các hệ mềm quản lý văn phòng (office systems).

* Các hệ máy tính dùng trong sản xuất kỹ nghệ (Computer Integrated Manufacture).

* Mạng thông tin: chuẩn ở nhiều tầng khác nhau; mạng dùng trong nghiên cứu (R&D support facilities).

2.2. Ngân sách, số người tham gia:

Esprit 1, từ 1983 đến 1987: l,5 tỷ ECU (x 7 = 10,5 tỷ quan) chia cho 227 đề án, UE đài thọ 50%.

Esprit 2, từ 1987 đến 1991: 3,2 tỷ ECU, tăng thêm 107 đề án, khoảng 20.000 người tham gia.

Esprit 3, từ 1992, còn đang tiếp diễn: ngân sách 5,7 tỷ ECU.

Nói chung ngân sách UE dành để hỗ trợ chương trình ESPRIT bằng khoảng 1% ngân sách chung của UE, trong đó đại bộ phận (70%) dành cho nông nghiệp. Ngân sách liên bang dành cho NC&PT cho công nghệ thông tin tại Mỹ được ước lượng là 5 tỷ đôla mỗi năm.


3. RACE

3.1. Các phạm vi nghiên cứu:

* Mạng thông tin bằng cáp quang (fibre optique)

* Mạng điện thoại lưu động (mobile telephone)

* Mạng viễn thông “thông minh” (intelligent Network)

* Kỹ thuật ATM (asynchronous transfer mode)

* Sử dụng CNTT (điện tử, tin học) trong viễn thông

* Sử dụng vệ tinh trong viễn thông

3.2. Ngân sách, số người tham gia:

RACE Definition phase: 1986-l987: giai đoạn các chuyên gia thành lập chương trình khung

RACE 1: 1988-1993: 92 đề án, NS 1 tỷ ECU, đài thọ 50% bởi UE

RACE 2: 1992-1995: khoảng 80 đề án, NS 1,5 tỷ ECU.

Để có một khái niệm tương đối khi so sánh, năm 1992 ngân sách này chiếm 1,5% ngân sách NC&PT trong viễn thông trên toàn thế giới, trong đó Mỹ chiếm 42,7% và Nhật 21,2%; còn lại là các tập đoàn sản xuất (Alcatel, Siemens...) và khai thác mạng thông tin (France Telecom, British telecom, DBP Telecom) tại châu Âu. Vài con số khác cho thấy tầm quan trọng của NC&PT trong viễn thông: Nếu chỉ kể riêng hai tập đoàn lớn khai thác mạng thông tin trên thế giới, năm 1987 France Telecom đã chi 3,87 tỷ francs và Bellcore (Mỹ) đã chi 0,91 tỷ đôla cho NC&PT. Năm 1992 những con số này là 4,86 tỷ franc và 1,81 tỷ đôla. Doanh thu của viễn thông tại Pháp chiếm 2,5% tổng thu nhập quốc dân, năm 1989 là 112 tỷ franc cho phần khai thác mạng và 21 tỷ franc cho phần sản xuất thiết bị (...)


4. Chuẩn bị cho mạng thông tin của thế kỷ 21

Chính sách về NC&PT công nghệ thông tin tại châu Âu từ nay tới năm 2000 đã được UE vạch ra trong cuốn “sách trắng” xuất bản vào giữa năm 1993. Sách trắng đưa ra những nhận định chung về sự đảo lộn kinh tế xã hội do cuộc cách mạng thông tin đưa tới mà những nét chủ yếu là sự hội tụ của điện tử, tin học và truyền tin “đa môi giới” (multimédia). Cuộc cách mạng này đưa đến những khả năng tổ chức xã hội mới, như “làm việc tại gia” (hiện nay đã có 6 triệu người Mỹ), dạy học, chẩn bệnh từ xa; những nhu cầu mới, sản phẩm mới về thông tin giải trí... ngày càng có trọng lượng kinh tế (chăng hạn như Nintendo, một hãng chuyên sản xuất trò chơi vidéo, hiện nay có số vốn bằng 1/3 của IBM, và có doanh thu gấp đôi Microsoft). Tiềm năng do CNTT sẽ đưa tới mới chỉ bắt đầu, cũng như sự đảo lộn xã hội vì người ta hiện đang chứng kiến cái vòng luẩn quẩn cố hữu của bất cứ sản phẩm mới nào trước khi cất cánh, để sản xuất rẻ cần thị trường rộng, nhưng sản phẩm có rẻ thì mới có thị trường.

Mặc dù những nhận định về năng suất lao động tăng lên đáng kể do CNTT đem lại có thể sẽ còn đưa đến một số lớn thất nghiệp, kể cả trong lãnh vực thứ ba; sách trắng một mặt tin tưởng rằng CNTT sẽ tạo ra công ăn việc làm trong những lãnh vực mới (mạng Minitel ở Pháp đã tạo ra 350.000 lao động); một mặt khác cho rằng không thể kìm hãm, mà cần phải làm chủ sự thay đổi này để tránh thảm kịch có thể xẩy ra mà hiệu quả trong thời đại này là không thể lường được. Sách trắng cũng nhắc đến những cố gắng của Mỹ và Nhật cũng trên chiều hướng này và nêu ra rất rõ rằng ai thực hiện được trước cuộc cách mạng thông tin sẽ là người nắm thế lực cạnh tranh rất lớn.

Để làm chủ và thúc đẩy sự thâm nhập của CNTT vào trong đời sống KTXH, UE, cũng như các chính phủ Mỹ và Nhật, cho rằng phải giúp đỡ và hợp tác với các công ty tư phát triển và sử dụng hiệu quả của CNTT. Phương tiện của sự nghiệp này là xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin; đó là ý nghĩa của khẩu hiệu “Đại lộ Thông Tin” (Information Highway) do Tổng thống Clinton và phó tổng thống Gore đề xuất. Ngân sách liên bang dành cho Đại lộ Thông Tin là lớn hơn nhiều lần ngân sách của chương trình đưa người lên mặt trăng Apollo.

Hạ tầng cơ sở thông tin thoát thai từ, và cần thiết cho, cuộc cách mạng thông tin được so sánh với hạ tầng cơ sở giao thông trong cuộc cách mạng công nghiệp cũ. Tương tự như một hệ thống xa lộ, nó gồm có ba yếu tố: trước hết là mạng truyền tin với giải tần rộng (xa lộ), điều này về kỹ thuật và công nghệ coi như đã được giải quyết; thứ hai là các trung tâm dịch vụ (bán xăng, tiệm ăn) như cơ sở dữ liệu công cộng, hòm thư điện tử... chủ yếu giải quyết bằng tin học và sự sáng chế ra những dịch vụ mới hữu ích; và cuối cùng nan giải nhất là có đông đảo người biết sử dụng mạng thông tin và dịch vụ thông tin (người có xe và biết lái xe).

Như vậy năm thứ tự ưu tiên trong công tác của UE về CNTT được đặt ra là:

1) Quảng bá sự sử dụng CNTT

2) Xây dựng các dịch vụ thông tin cơ bản “xuyên châu Âu”

3) Xây dựng hệ thống điều tiết, luật để có thể vừa bảo đảm các dịch vụ công cộng, vừa bảo đảm có cạnh tranh trong sự phát triển và kinh doanh CNTT

4) Phát triển giáo dục, dạy nghề, tu nghiệp về các công nghệ mới

5) Tăng tiềm năng kỹ nghệ và công nghệ xuyên qua NC&PT

Về cụ thể, song song với việc xây dựng mạng lưới thông tin giải tần rộng, cần có ngay những dịch vụ thông tin cơ bản, những ứng dụng có tầm quan trọng và có người dùng ngay.

Những dịch vụ thông tin cơ bản là: tìm kiếm thông tin trong những cơ sở dữ liệu công cộng đủ loại, kể cả nhà băng hình ảnh, hòm thư điện tử, các dịch vụ có truyền hình, điên thoại có truyền hình.

Bốn địa hạt ứng dựng được chọn cho các đề án NC&PT sẽ do UE trợ giúp là:

1) Làm việc từ xa (télétravail)

2) Dạy học từ xa

3) Chẩn bệnh từ xa

4) Nối các hệ quản lý hành chánh của nhiều nước trong mạng thông tin để cộng tác xuyên châu Âu, và để các công ty và công dân có thể giải quyết những nhu cầu hành chánh từ xa.

Sau cùng, sách trắng cũng công bố một vài ước lượng về ngân sách cần thiết cho sự phát triển đại lộ thông tin (gồm mọi khía cạnh mạng lưới, dịch vụ cơ bản, và ứng dụng) tại châu Âu: Khoảng 150 tỷ ECU (l ECU = 7 frăng Pháp) cho 10 năm tới. Trong số đó phần lớn sẽ do sự đầu tư của các tổ chức tư. UE dự tính sẽ đài thọ 5 tỷ ECU trong giai đoạn này để hỗ trợ NC&PT.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss