Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Năm học mới

Năm học mới

- Diễn Đàn — published 14/04/2011 00:25, cập nhật lần cuối 12/05/2011 16:27

Năm học mới


Học phí... và bán công hoá trường lớp

Năm học mới đã bắt đầu ngày 5.9 với hơn 15,6 triệu học sinh từ mẫu giáo tới trung học phổ thông. Và như những năm trước, tình trạng tăng học phí, thiếu trường lớp, thiếu giáo viên vẫn là điều nổi bật nhất. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sở giáo dục đã ra thông báo không thu học phí ở cấp tiểu học, các trường trung học công lập thu học phí bằng mức năm ngoái (từ 3 tới 9 ngàn đồng/tháng), và tiền cơ sở vật chất vẫn ấn định ở mức 15.000đ/học sinh; còn các trường bán công và dân lập thu học phí theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Thế nhưng trong thực tế, nhiều trường tiểu học đã tổ chức thu tiền “hội phí phụ huynh học sinh”, thực chất là một dạng học phí trá hình, có nơi lên đến 50.000 đ/năm cho một em.

Các trường trung học công lập đều thu học phí vượt mức qui định, nhiều nơi nhân lên gấp 4, 5 lần: ở những trường lớn như Bùi Thị Xuân hay Marie Curie, học sinh hệ B trả từ 26 đến 50 ngàn đ/tháng, nếu cộng với các khoản tiền khác như tiền cơ sở vật chất, y tế, tin học, vệ sinh, nước uống..., mỗi học sinh phải trả từ 200 đến 400 ngàn đồng; và đó là chưa kể những chi phí khác như may đồng phục, giấy bao tập (nhà trường tổ chức may, bán)...

Trước những phản ứng của dân, chính quyền đã phải ra công văn yêu cầu các trường hoàn lại cho học sinh những khoản tiền thu vượt qui định. Song, một hiệu trưởng cho biết nếu phải thực hiện đúng những qui định của nhà nước “thì sẽ chẳng có giáo viên nào chịu dạy”.

Mặc dù bị dư luận xã hội phê phán, hiện tượng “sổ vàng” không ngừng phát triển; muốn ghi tên cho con em học ở một số trường, phụ huynh học sinh phải “ủng hộ” trường từ vài trăm ngàn đồng (mức bình quân ở Hà Nội) đến vài triệu đồng (mức bình quân ở Thành phố Hồ Chí Minh). Kỷ lục là trường Lương Đình Của: để có một chỗ học phải trả tới 12 triệu đồng.

Ông Cao Minh Thì, giám đốc sở giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, giải thích: “N hà nước khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích làm giàu, chẳng lẽ người giàu không được ưu tiên hơn? Người ta có tiền, lại tự nguyện đóng góp, chẳng lẽ nhà trường không nhận?” (Sài Gòn giải phóng 26.8, Tuổi Trẻ 28, 30.8 và Lao Động 30.8.94)

Ngoài ra, chủ trương “đa dạng hóa các loại hình tượng trường lớp” với các hệ B, bán công dân lập, tư thục, nhằm giải quyết vấn đề thiếu kinh phí giáo dục, đang được đẩy mạnh hơn nữa. Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét một phương án bán công hoá – thực chất là tư nhân hoá – ngành giáo dục trung học, đưa tỷ lệ khu vực công lập từ 70% năm ngoái xuống còn 30%. Theo kế hoạch đó, mỗi quận chỉ giữ lại một trường công, những trường khác sẽ trở thành bán công (tức là học phí không còn bị nhà nước khống chế), trong đó có những trường trung học lớn như Lê Quí Đôn, Marie Curie, Trưng Vương, Hùng Vương... (Tuổi Trẻ 23.8 94)


Nạn học thêm, học hè.

Một tờ trình của bộ giáo dục về hiện tượng “dạy thêm và học thêm” công nhận: “ Một số giáo viên dùng những thủ thuật tinh vi để ép buộc học sinh phải học thêm (bớt nội dung bài học chính khoá để dành cho lớp dạy thêm, ưu ái nâng đỡ học sinh có học thêm và o ép, trù úm học sinh không đi học thêm, rò rỉ đề thi, đề kiểm tra)”. Hiện tượng đã lan rộng đến cả cấp tiểu học. Báo Lao Động ghi lại trường hợp của một học sinh lớp 2 được cô giáo ghi dòng chữ như sau vào sổ liên lạc: đề nghị gia đình nộp tiền học thêm tháng này 30.000 đồng...

Giám đốc sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh Cao Minh Thì xác nhận “ tình trạng dạy qua loa ở lớp chính khoá, dành những điều cần thiết cho lớp học ở nhà, làm trước bài sẽ kiểm tra trong buổi học thêm, v.v... đã trở thành một trong những áp lực đẩy học sinh đến nhà thầy”. Song ông cho rằng không thể thực hiện lệnh cấm dạy thêm vì đời sống giáo viên hiện nay “ quá bi đát”. Theo hiệu trưởng trường Trưng Vương (Hà Nội) Vũ Hữu Định, muốn xoá nạn dạy thêm chỉ có cách là tăng lương cho giáo viên. Ông đề nghị: thay vì phải chi cả hàng trăm ngàn đồng cho mỗi em học thêm, vừa mất thời gian, vừa thiếu tính sư phạm và lâu dài ảnh hưởng không hay đến sự phát triển của các em, thì trường có thể tổ chức cho mỗi học sinh đóng thêm 30.000 đồng/tháng để bảo đảm đời sống của thầy cô (với một lớp có 50 học sinh, mỗi giáo viên sẽ được phụ thêm 600.000 đồng/tháng).

Trong tệ nạn học thêm còn phải nói đến vấn đề học hè mà nhiều trường không giấu giếm là một chủ trương bắt buộc khi thẳng thừng nói với phụ huynh học sinh: Không học hè, giáo viên không chịu trách nhiệm về chất lượng trong năm học tới; hoặc: những gì đã dạy trong hè sẽ không dạy trong năm học mới nữa (!)

Quan điểm của bộ giáo dục là những hoạt động dạy thêm và học thêm là “ một biểu hiện của nhu cầu gi áo dục trong quá trình biến đổi theo cơ chế thị trường (?!)”. Bộ trưởng Trần Hồng Quân còn lý luận “ giáo dục một phần mang tính chất dịch vụ, vì vậy không phải là phúc lợi, mang tính cho không. Phải có một sự trao đổi ngang giá (?!)” (Lao Động 30.8.94 )


Quốc sách hàng đầu?

Từ ít lâu nay, trong các tuyên bố của chính quyền, giáo dục được xem là quốc sách, thậm chí là quốc sách hàng đầu. Điều đó hoàn toàn không thể hiện trong ngân sách nhà nước: cho tài khoá 1994, bộ giáo dục xin một ngân sách tối thiểu 7.600 tỷ đồng, nhà nước chỉ đáp ứng 4.080 tỷ chưa đến 55% nhu cầu; tỷ lệ trong tổng ngân sách là 10%, bằng năm l993, nhưng thụt lùi so với những năm trước đó (không dưới 11%). Trên thực tế, khi đưa về các tỉnh, ngân sách giáo dục còn bị địa phương cắt xén, chiếm dụng cho những mục đích khác: năm 1993, chỉ một cuộc khảo sát ở chín tỉnh, đã cho thấy những khoản bị cắt lên đến 50 tỷ đồng.

Trong ngân sách ít ỏi đó, khoản lương của giáo viên chiếm đến 80-85%. Với 15-20% còn lại, tình trạng “dạy chay, học chay” sẽ còn tiếp diễn ở mức độ phổ biến.

Những tin đầu tiên về mùa tựu trường cho thấy tình trạng khan hiếm trường lớp (gay gắt nhất ở miền núi, như tỉnh Đắc Lắc thiếu đến 800 phòng học) và nhất là giáo viên (thiếu đến 60.000 người trong cả nước, riêng tỉnh Đắc Lắc thiếu 2.500 người) vẫn không có lời giải pháp. (Theo tin Lao Động 21.8 và 4.9.94)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss