Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Những quá khứ...

Những quá khứ...

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:48, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:48
...ta có thể tự hỏi cái mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực có được chấp thuận tương đối dễ dàng không, nếu nó không chứa đựng những gì đã quen thuộc từ lâu đời với dân tộc Việt Nam : nguyên tắc chính quyền xen vào kiểm soát tất cả mọi mặt đời sống công cộng và đời sống cá nhân, nguyên tắc sử dụng tất cả mọi sinh hoạt kể cả văn hoá như phương tiện phục vụ cho chính trị...

 
Những quá khứ chưa hề trôi qua

 
bùi mộng hùng

 
Mỗi chúng ta có một phong cách cư xử và suy nghĩ, sống và yêu, ăn mặc và hát hò, mơ ước và đấu tranh. Một cốt cách riêng mỗi khi đáp ứng với thử thách trong cuộc sống. Tiềm tàng chất chứa tự bao giờ trong sâu kín nhất. Như đã được phú cho từ khi mở mắt chào đời, hồn nhiên như nước trong nguồn chảy ra, như tiếng nói mẹ đẻ . . .

Ngôn ngữ mẹ đẻ cùng những phong cách ứng xử với mình, với người, với thiên nhiên, cả một đại dương tập tục và thói quen, cấm cản và thuận ý không thành văn tự, những khuyến cáo, những khẳng định mà mỗi chúng ta thừa hưởng như một di sản từ cha ông, tổ tiên, đời nọ truyền lại đời kia, là văn hoá chung của một cộng đồng, như một dân tộc chẳng hạn. Những nếp ăn sâu vào tiềm thức đến đỗi đôi khi chỉ thấy tướng đi, lối đứng lối ngồi, cách chọn lựa món ăn thức uống của một người ta nhận ngay ra anh chàng này đặc Việt Nam. Đến đỗi chúng ta có thể buột miệng nói rằng người Việt chúng tôi là thế đó, chúng tôi thích làm thế này, chúng tôi mong ước cái kia...

Chính vì vậy mà không một khía cạnh đời sống nào mà nếp văn hoá – hiểu theo nghĩa rộng như nói ở trên – chẳng xen vào. Trong phong cách ứng xử giữa người và người, trong chiếm lĩnh không gian, trong cảm nhận thời gian.

Đã hiện diện trong một không gian, văn hoá duy trì, bám chặt hàng thế kỷ không phai. Trong vật chất và trong tinh thần. Dưới nhiều hình thái : hành vi con người, cấu trúc, tâm lý, thiết chế của xã hội. Vì vậy chế độ chính trị có thể thay, thể chế có thể suy tàn, hình thái xã hội nối tiếp theo nhau, nếp văn hoá vẫn điềm nhiên mà tiếp tục. Thường khi ta không ý thức, nhưng chính những nếp văn hoá đó đã ngầm đưa đẩy ta đến thắng lợi xuất thần. Trong những điều kiện nhất định nào đó. Và cũng chính những nếp đáng quý đó, khi điều kiện đổi thay, lại làm sức trì kéo cản bước ta đi tới.

 
Làng xã là một nếp văn hoá Việt Nam ta thừa hưởng từ xa xưa, có lẽ từ thuở nguyên thuỷ. Một thời đã trở nên tệ nạn, cường hào ác bá hoành hành áp bức dân đen, tranh nhau miếng xôi thịt chốn đình làng, dựa thế họ hàng giành nhau quyền chức trong cái thế giới cỏn con sau lũy tre xanh. Những Việc làng mà Ngô Tất Tố đã ghi lại đậm sắc.

Cách mạng bùng lên, cũng những làng xóm vũng nước bùn lầy đó vụt trở thành những ốc đảo kiên cường, trường kỳ kháng chiến sau lũy tre xanh. Tạo nên một nét độc đáo của chiến tranh giải phóng dân tộc ta và một yếu tố quan trọng đưa cách mạng đến thành công.

Định chế mới, nào uỷ ban nhân dân, nào hợp tác xã..., nhân vật mới, những bí thư đảng uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân, đội trưởng sản xuất... Một cuộc đổi đời. Sau luỹ tre Mảnh đất lắm người nhiều ma là cái làng Giếng chùa của Nguyễn Khánh Trường, như trăm nghìn làng khác ở trung du và đồng bằng sông Hồng, hồn ma cũ trở về run rủi cho " việc làng " lại tiếp tục như chưa hề có một cuộc xáo động rung trời chuyển đất. Hai họ lớn nhất làng, Trịnh Bá và Vũ Đình, vẫn khuôn theo nếp cũ. Vẫn thói xu nịnh người trên, thói đè đầu cưỡi cổ dân lành. Người dân vẫn cứ thấp cổ bé miệng không biết nơi nào kêu ca. Vẫn mưu mô quỷ quyệt hất chân người bên họ kia đưa người họ mình vào nắm quyền. Có khác trước chăng là nay thì tranh nhau quyền hành bí thư, chức vụ chủ tịch, còn xưa kia là cái chức ông lý, ông chánh.

 
Những hành vi cứ trường cửu lập đi lập lại phần nào vì một số cơ chế quyền lực, cấu trúc xã hội có đổi dạng, có thay người nhưng xét cho cùng vẫn giữ những nét bất biến.

Suốt nhiều thế kỷ, nhà nước Việt Nam đã rập theo khuôn bộ máy quan liêu thiên triều Trung Quốc, chuyên chế, độc đoán và gia trưởng, dựa vào một tầng lớp quan lại - nhà nho. Suốt mấy trăm năm trường tồn của cơ chế này, bộ máy quan liêu đặt sự tồn tại của nó trên số phận con người. Nó trực tiếp thống trị mọi sinh hoạt xã hội, vật chất và tinh thần. Nó quy định hầu hết các lĩnh vực : thương mại, sản xuất, khai thác khoáng sản, xây dựng, lễ nghi, ca nhạc, học đường, toàn thể đời sống công cộng và phần lớn đời sống riêng tư. Ý thức hệ của tầng lớp quan lại - nho gia ngự trị trong tư tưởng, thể hiện ra cấu trúc xã hội.

Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Nhất sĩ nhì nông, các tầng lớp xã hội khác – công và thương – không xứng đáng để nói tới. Quan lại và phú hào nông thôn câu kết với nhau, triệt để thực thi tư tưởng nhà nho " trọng nông ức thương ". Tuy nhiên điều đó không hề ngăn cản các đô thị cổ của ta sầm uất bán buôn. Thăng Long Kẻ Chợ là một thành phố lớn của Á châu.

Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

Sứ giả nhà Nguyên, Trần Phu đến Thăng Long cuối thế kỷ 13 đã thấy một mạng lưới chợ, họp định kỳ, " hàng hoá phong phú, có dựng lều quán ". Theo thời gian chợ, phần " thị " phát triển. Chợ búa, bến cảng tấp nập giao dịch nội và ngoại thương.

Cuối thế kỷ thứ 17, lái buôn Dampier ghi nhận : " Hai mặt hàng buôn bán chủ yếu của Kẻ Chợ là sơn và tơ lụa, số lượng rất nhiều. Sau đó là gạo. Các mặt hàng khác là : vàng, trầm hương, gỗ nhuộm, các đồ đánh véc-ni, bát đĩa sành sứ, muối, hạt hồi ". Kinh doanh tiền tệ tương xứng với khối lượng hàng hoá : " Đổi bạc là một nghề quan trọng ở Kẻ Chợ. Nghề này do giới phụ nữ đảm nhiệm. Họ là những người rất khôn khéo lão luyện trong công việc. Họ tiến hành mưu kế âm thầm, biết cách làm cho túi họ thêm nặng chĩu tiền bạc, hệt như các tay đầu cơ chứng khoán sắc sảo nhất ở Luân Đôn ". (Dampier, Voyages and discoveries, 1698).

Mấy vần thơ của Ngụy Tiếp có thể cho ta hình dung chợ Bạch Mã vào năm 1736 :

Gió hoà bụi, chợ đông người
Phất phơ tay áo đua chơi xuân cùng
Ngày dài thuyền chở xe dong
Bán buôn lũ lượt trập trùng chen đua

Thế kỷ thứ 19, đến phiên chợ " thành phố bỗng trở thành một chợ phiên khổng lồ, người ta đi lại la cà chuyện trò, mặc cả ồn ào trong đám người đông gấp bội dân số bình thường, mà số này vốn cũng đã chen chúc đông đảo rồi " (Bourdes, De Paris au Tonkin, Paris 1886). Ba mươi sáu phố phường là nơi tụ hội công nghệ " Mỗi loại hàng hoá đều có phố riêng. Ở phố Bát Sứ tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh ánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh màu sắc tươi vui sặc sỡ..." (Yann, Croquis Tonkinois, Hà Nội 1889).

Ngoài kinh đô Thăng Long ta còn thêm những đô thị có liên hệ chặt chẽ với nước ngoài, một thời vang danh.

Đàng Ngoài, " thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến ", người Trung Quốc tới buôn bán làm ăn từ thế kỷ thứ 13, trở nên sầm uất từ thế kỷ 17 – với người Nhật, người Âu châu, thương điếm Công ty Đông Ấn của Hà Lan đặt từ 1637, thương điếm Anh từ 1672, thương điếm Pháp từ 1680 – cho đến đầu thế kỷ 18, tấp nập trên bến dưới thuyền.

Đàng Trong là Hội An, không chỉ là thương cảng của Việt Nam thịnh vượng từ đầu thế kỷ 17, mà là một trung tâm buôn bán lớn ở Đông Nam Á, một trạm dừng chân của thương thuyền vùng Viễn Đông, tấp nập thương thuyền Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm La, Phi Lip Pin, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...(*)

Và Sài Gòn với sức sống mãnh liệt căn cứ trên sản suất kinh tế hàng hoá của đồng bằng trù phú, trên sự giao lưu quốc nội và quốc tế không bao giờ bế tắc. Còn phản ánh trong bài vịnh Cổ Gia Định có lẽ của Ngô Nhơn Tịnh :

Thuyền bắc nam lui tới,
Ghe đen mũi, ghe vàng mũi, ra vào coi loà nước.
Người đông tây qua lại,
Tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hoá chất ngất trời.
Lũ Tây dương da trắng bạc,
Mồm giớn giác, miệng xếch xác, hình vóc khác,
Quân Ô rồ mặt đen thui
Thể lọ nồi, đầu quăn riết, miệng trớt môi,
In thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi.

Đến cuối thế kỷ thứ 18, Sài Gòn là một trung tâm thương nghiệp lớn "... có nhiều tàu buôn bên Tây sang Đồng Nai mà buôn bán; bởi vì đất Đồng Nai thì tốt lắm, hay sinh ra những lúa, bông, cau, đường cát, hồ tiêu, gừng, sáp, tơ, gà, lợn, hoa quả, săng gỗ rất bền mà đóng tàu, và những giống khác thế. Cho nên những tàu ấy chở đem những khí giái, thuốc súng và các đồ binh khí để bán cho vua, mà mua các đồ thổ sản, thì lợi cho vua lắm. Người lại cho mấy lái buôn ấy sang Ma cao và Manila cho đặng mua tàu, và lấy tên vua mà mời các lái buôn bên ấy sang buôn bán bên Đồng Nai nữa " (Sử ký Đại Nam Việt, in lần thứ 5, Sài Gòn 1909). Và là một trung tâm công nghiệp đã biết tiếp thu kỹ thuật Tây phương : " Nguyễn Ánh chỉ dùng người Đàng Trong mà thôi đã thành công đóng được chiến hạm theo kiểu Âu châu. Đầu tiên ông tháo rời một con tàu cũ ông đặt mua, rồi ông lắp lại khéo đến nỗi tàu đẹp hơn xưa ; Kết quả bước đầu khuyến khích ông đóng hẳn một chiếc tàu mới, ông đã thành công. Từ đó ông làm thêm hai chiếc nữa.(...) Ông sản xuất những tàu đó nhanh quá : mỗi chiếc chỉ nằm trong xưởng chế tạo không quá ba tháng ; thường còn nhanh hơn thế nữa. Tuy nhiên, tàu nào cũng to, đẹp, chiếc thì mang 26 súng đại bác, chiếc thì mang tới 36 khẩu thần công ; thuỷ thủ đoàn mỗi chiếc gồm trên 300 người " (Thư đề ngày 24.4.1800 của Labrousse viết tại chủng viện Đồng Nai, L. Cadière, BEFEO, 1912, 38-39) (**)

Tuy nhiên đô thị ở ta cũng như ở Á Đông sầm uất thì có, nhưng không có một số tự do mà nhiều đô thị châu Âu đã giành về mình : được tổ chức đại diện độc lập bảo vệ quyền lợi chung đối với chính quyền nhà nước, có khả năng định đoạt đường lối, chiến lược của mình trong giao dịch ngoại thương. . . . Bộ máy quan liêu kiểm soát và chi phối chặt chẽ các đô thị. Tại Thăng Long mỗi phường có tường bao bọc, tối tối đóng chặt cửa, thiếu những điều kiện tự do giao dịch cho người buôn bán, đổi chác kinh doanh hàng hoá và tiền tệ. Đối với ý thức hệ của quan liêu nho giáo, giàu có hơn người là đã phạm tội với luân lý. Làm ăn buôn bán có máu mặt phải che dấu đi, vì chẳng những sản nghiệp có thể bị tịch thu, mà đến tính mạng cũng mất lúc nào không biết.

Công, thương bị nhà nước kềm chế. Thế kỷ thứ XV, triều đình bắt những người ở nông thôn có tiền của mà không có ruộng đất phải đi khai hoang. Dưới thời Hồng Đức, nhà vua định đuổi tất cả dân không có hộ khẩu ở Thăng Long về quê quán, nhưng rồi không thực hiện được. Sang đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy, triều đình lại có lệnh đuổi người trú ngụ khỏi kinh thành.

Người buôn bán ăn nên làm ra thường chỉ lăm le về quê mua đất làm ông phú hộ, cho con học hành mong nó đỗ đạt làm quan. Không hình thành được một tầng lớp kinh doanh, có chí tích lũy nhiều thế hệ, có thể tự hào ngửa mặt với đời tại vị trí của mình trong xã hội.

Một thời gian dài, trong việc mở cửa giao dịch với thương nhân nước ngoài, mục đích chủ yếu của nhà nước – Đàng ngoài cũng như Đàng trong – là tìm mua vũ khí Tây phương dùng cho nội chiến, là nguồn lợi thu thuế các tàu buôn. Không có chính sách chuyển các cảng đô thị thành các trung tâm công, thương nghiệp có cơ sở xã hội và vật chất vững bền.

Ngay cả Sài Gòn cũng không dựng nên công nghiệp tư bản được có lẽ vì công nghiệp phần lớn trong tay nhà nước, thợ tay nghề cao nằm trong " ty thợ " là những tổ chức nằm dưới quyền quan lại. Một khi nước mất chủ quyền, không có một tầng lớp doanh nhân dài vốn, có bản lĩnh, có tay nghề như ở Ấn Độ, nền công nghiệp mới manh nha vốn nằm trọn trong tay nhà nước ấy, thiếu cơ sở xã hội để đề kháng đã tan thành mây khói trước áp lực thực dân.

Và ta cũng không có thương nhân có tầm vóc. Vì giao dịch buôn bán với nước ngoài hoàn toàn nằm trong tay " quan thương ". Ta từ xưa, cấm mọi quan hệ tư nhân buôn bán với nước ngoài rất ngặt. Đời Lê, tàu bè nước ngoài chủ yếu buộc phải tới Vân Đồn, hình luật quy định :

" – Quan chức vô cớ đi riêng ra các trang ở Vân Đồn... thì xử đồ lưu. Người cáo giác được thưởng tước một tư.

– Người trang Vân Đồn chở hàng hoá Trung Quốc lên kinh đô, nếu không do An phủ ty cấp bằng... mỗi trường hợp đều xử biếm một tư, phạt tiền 100 quan....

– Khi có thuyền buôn nước ngoài đến trang Vân Đồn buôn bán mà quan sát hải sứ đi riêng ra bến hải quan ngoài biển kiểm soát trước thì xử biếm một tư. Nếu các thuyền ấy xin đỗ lại, trang chủ phải làm đơn trình An phủ ty làm bằng thì mới được cho ở, nếu tự tiện cho ở thì xử biếm hai tư, phạt tiền 200 quan, thưởng cho người cáo giác một phần ba (số tiền phạt)... " (Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Hình luật chí.)

Luật đời Nguyễn cũng khắt khe chẳng kém " Phàm kẻ nào đem ngựa, trâu, đồ quân nhu, hàng sắt, (chưa làm thành quân khí) tiền đồng, tám đoạn, lụa tơ, bông, tự tiện ra cõi ngoài để bán và đem ra ngoài biển, phạt 100 trượng. Người (nhận thuê) khiêng vác đài tải được giảm tội kém một bậc. Hàng hoá, thuyền xe đều sung làm của công. Số hàng hoá ấy chia làm 10 phần, trích 3 phần làm tiền thưởng cho người cáo giác... " (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 11, quyển 191, luật binh, tr.495, Nxb Thuận Hoá, 1993)

Mãi đến khi nguy cơ mất nước hiển hiện trước mắt, triều đình mới cảm nhận tầm quan trọng của một nền công thương nghiệp vững mạnh, và khi đó mới chấp nhận chủ trương của Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) mở mang thương nghiệp và công kỹ nghệ, lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, mời người nước ngoài sang giảng dạy, v.v... Và – như một thử nghiệm – cho phép lập một cơ quan kinh tế thương mại lấy tên là " Bình chuẩn sứ " cấp cho năm chục ngàn quan cùng với vốn tư nhân ông huy động, được tự do kinh doanh bán hàng ra nước ngoài gây dựng quỹ cho quốc gia.

Trong tình huống không có tầng lớp doanh nhân, thương nhân dài vốn liếng có tay nghề, không một cấu trúc kinh tế với cả một mạng lưới cơ sở công nghiệp và thương nghiệp làm căn bản, sức người nào gượng ép vực nổi một nền kinh tế, dựng lại nổi cơ đồ cho một xã hội suy vi vì đã quá dài lâu thiếu một tầm nhìn xa thấy rộng... Vua Tự Đức không hiểu cho việc ấy, khi Đặng Huy Trứ từ trần phán rằng : " Đặng Huy Trứ hơi có học vấn, cũng không phải lũ vô dụng, nhưng lập tâm hơi thiên, sợ không bổ ích, vội làm mưu khác, hầu mảy may, nhưng khốn nỗi nói thì cao mà tài lại kém, chưa thấy có hiệu quả mà đã thấy tổn hại, sợ không còn mặt mũi nào thấy cha anh họ hàng, cho nên tự chết cho chóng, đáng thương, đáng giận ! " (Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1990)

 
Cách mạng tháng tám bùng lên, một lớp người mới với những tư tưởng mới tiến lên cầm quyền quyết định vận mạng dân tộc. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa khác hẳn với tư tưởng Nho giáo, và nhiều người tham gia cách mạng tự coi là đã rũ sạch ảnh hưởng Nho gia.

Tuy nhiên, ta có thể tự hỏi cái mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực có được chấp thuận tương đối dễ dàng không, nếu nó không chứa đựng những gì đã quen thuộc từ lâu đời với dân tộc Việt Nam : nguyên tắc chính quyền xen vào kiểm soát tất cả mọi mặt đời sống công cộng và đời sống cá nhân, nguyên tắc sử dụng tất cả mọi sinh hoạt kể cả văn hoá như phương tiện phục vụ cho chính trị, quan niệm pháp lý độc đoán hễ bị cáo là xem như có tội, quan niệm trách nhiệm tập thể nguyên tắc một bộ máy không ra mặt mà nắm mọi giềng mối chính trị, kinh tế và xã hội. Điểm khác biệt là cung cách toàn trị cổ lỗ của quan liêu nho giáo còn khe hở, người dân đã có kinh nghiệm ứng xử lâu đời dành được cho mình những khoảnh riêng tư. Phương pháp của chủ nghĩa xã hội hiện thực tinh vi triệt để hơn nhiều.

Ta cũng có thể tự hỏi cái quan niệm tư nhân không có chỗ đứng trong công nghiệp, thương nghiệp, kể từ buôn gánh bán bưng, từ hớt tóc trở đi, tự hỏi trong phong cách những người thi hành cải cách thương nghiệp, có gì là dư âm tư tưởng " ức thương " của giới nho gia - nông dân xưa ?

Nhưng đã qua rồi thời những hộ thương gia buộc phải đi khai hoang vùng kinh tế mới. Chính sách " đổi mới " đã chính thức nhìn nhận năm thành phần kinh tế. Nhà nước đã chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của người trong nước. Cụ thể là đã có dự thảo Luật khuyến khích đầu tư trong nước nằm trong chương trình làm luật 1994 của quốc hội.

Tuy nhiên cũng như xưa, bất kể chính sách đúng đắn của nhà nước, bộ máy dường như vẫn tiếp tục hoạt động cho bản thân nó, theo hướng cố định của nó. Và tác động sâu xa đến cấu trúc kinh tế, xã hội đang chuyển đổi ở nước ta.

Vốn đầu tư là vấn đề thiết yếu cho giới kinh doanh công nghiệp, thương nghiệp hình thành, lớn lên. Nơi đi vay tự nhiên nhất là ngân hàng, thế nhưng tín dụng đã chẳng là bao so với nhu cầu mà theo lời thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm tại hội nghị các giám đốc ngân hàng đầu tháng 6. 1994 vừa qua, phần cung ứng cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong năm 1993 chỉ là 28% của tổng số.

Ngoài ra không biết là vô tình hay cố ý, người doanh nhân bản xứ bị trói buộc thua thiệt trăm bề so với người đầu tư nước ngoài. Thuế lợi tức đánh vào sản xuất của người trong nước là 35%, trong khi người nước ngoài đầu tư chỉ chịu 15%, về dịch vụ người ngoại quốc cũng được hưởng thuế lợi hơn 20%.

Ngay trong dự thảo luật đầu tư trong nước – trên nguyên tắc có nhiều tiến bộ so với Luật công ty và Luật doanh nghiệp ban hành năm 1991 – vẫn giữ nhiều điều khoản mà qua thực tế đã rõ là gây thiệt hại cho doanh nhân bản xứ. Như lẽ ra chấp nhận cho " không phải đóng thuế nhập khẩu" trên nguyên liệu làm hàng xuất khẩu, câu chữ " được hoàn trả lại thuế nhập khẩu " vẫn giữ trong dự thảo. Mà thực tế thì " đóng thuế trước hoàn trả sau " gây nhiều phiền hà tốn kém công sức và thời gian cho nhà kinh doanh. Phải đợi thường khi đến sáu tháng mới được hoàn lại thuế đóng tạm, trong khi đó phải chịu lãi số tiền vay để ứng nộp trước.

Chưa kể rằng nhiều người vẫn lo ngại, Luật đầu tư có tiến bộ so với trước, có được chính thức ban hành, chưa chắc gì các cấp chính quyền địa phương thi hành nghiêm túc, không từ chối, sách nhiễu các nhà đầu tư kinh doanh không có hộ khẩu ở địa phương, nếu không có biện pháp bổ sung để đảm bảo cho luật được thực thi.

Hệ quả của phiền hà thủ tục và nhất là thiếu vốn đã hiển hiện trên cấu trúc của công nghiệp hiện nay.

Tỷ trọng thành phần quốc doanh cứ nghiễm nhiên mỗi năm mỗi tăng so với tư doanh. Từ 57% năm 1989 tăng lên 72% năm 1993, phần công nghệ tư doanh chỉ còn được 1% (Vũ Quang, Kinh tế Việt Nam : một khúc quanh mới..., Diễn Đàn số 27, 2.1994). Thế có nghĩa là các nhà công nghiệp có tầm vóc sẽ là nhân viên do nhà nước chỉ định. Điều đó tự nó không nguy hại cho khả năng của doanh nghiệp. Các công ty quốc doanh của Pháp chẳng hạn là những công ty lớn mạnh, đã chứng minh khả năng cạnh tranh đáng gờm trên thị trường thế giới. Và các nhà lèo lái các công ty này đã nhiều phen chứng tỏ tài ba thấy xa và quản lý giỏi của mình. Tuy nhiên, chỉ vì hầu như từ một lò tạo ra, từ những trường lớn như Polytechnique (Bách khoa) hay ENA (Ecole Nationale d'Administration, Trường quốc gia hành chính), đều cùng một lứa tuổi với nhau khoảng ngũ đến lục tuần, trong quá trình nghề nghiệp đã có một thời gian làm cho Vụ ngân khố (Direction du Trésor) hay trong một hoặc nhiều văn phòng của bộ trưởng – mặc dù được tuyển chọn sàng lọc, những ai được giữ lại đều là gạo cội – dư luận Pháp vẫn cho là trong cái thế giới ngày nay rộng mở và giao động không đoán trước được, tuyển chọn người, dù ưu tú đến đâu, trong duy nhất một giới không phải là một dấu hiệu năng động nếu không nói là có phần nào sơ cứng.

Trở về ta, ngày nay với cấu trúc công nghiệp hầu như hoàn toàn quốc doanh, với ngoại thương kể như trọn vẹn trong tay nhà nước, vô hình trung ta lại trở lại với mô hình kinh tế của ta thời đầu thế kỷ 19, khi Việt Nam cũng như Trung Quốc hụt chuyến tàu phát triển mà Nhật Bản đã không bỏ lỡ.

Điều này kể ra cũng không đáng nêu lên nếu không có những quan điểm như của Fernand Braudel. Cho rằng nhờ vai trò nhà nước toàn trị bị kềm giữ trong giới hạn nào đó, nhờ cấu trúc xã hội còn ấp ủ mầm mống tư doanh và tư thương, còn âm ỷ truyền thống giao dịch với nước ngoài, "lúa mì còn ngầm mọc dưới lớp tuyết " mà khi bừng tỉnh vào thế kỷ 19, Nhật Bản đã mau chóng chuyển mình theo kịp các nước Tây phương. (xem bài Trung quốc, Nhật bản và chủ nghĩa tư bản trong số này)


*

Văn hoá là vĩnh cửu thật, nhưng mà cũng là chuyển vận. Nó tiếp thu những nét của các nền văn hoá lân cận hay xa xôi, và ngược lại khuếch tán những nét đặc thù của mình ra các nền văn hoá khác.

Không phải dễ gì tự do lấy bỏ, lựa chọn một nét văn hoá. Nó bám lấy, ăn sâu vào tâm lý con người, vào tập quán phong tục, vào thiết chế xã hội. Chính vì vậy mà cần sáng suốt nhận định sở trường, sở đoản của ta. Có biết mình, biết người mới có thể chuyển yếu thành mạnh, đáp ứng được với thử thách của thời đại mà một trong những xu hướng lớn là tiêu diệt các nền văn hoá cá biệt. Có dịp xin được bàn tới trong một số sau.

 
bùi mộng hùng

(9 - 1994)

 
(*) Phần lớn theo tư liệu Đô thị cổ Việt Nam, Viện Sử học, Hà Nội 1989.

(* *) Theo Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Tập I, lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss