Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Tản mạn Tản Đà

Tản mạn Tản Đà

- Đặng Tiến — published 14/04/2011 00:05, cập nhật lần cuối 12/05/2011 16:21

Tản mạn Tản Đà


Đặng Tiến


Cuối thu năm Canh Thân, 1920, thời kỳ đang làm báo Hữu Thanh, Tản Đà có bài thơ Cảm Thu, Tiễn Thu nổi tiếng:

Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá
bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng cây đỏ, bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Cảm thu ai có tư lường, hỡi ai

(...) Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

Tản đà rất đắc ý bài thơ này, tự khen đi khen lại nhiều lần, nhất là mấy câu đầu, vừa hay, vừa mới, từ hình ảnh đến vần điệu; câu thơ dài ngắn khác nhau, ba vần trắc liên tiếp gieo tự do, âm giai tinh tế, mười bốn năm sau khi bàn về Thơ Mới trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934) Tản Đà còn tự khen “Mấy câu đó thật riêng tôi ngâm mãi không chán (...) những điệu thơ đó thật tự tôi đặt ra, không theo niêm luật ở đâu hết, duy tôi không gọi nó là thơ mới mà thôi”(1). Thật ra, công bình mà nói, thì bài Cảm Thu, Tiễn Thu khá dài, không đều tay, chỉ hay ở những câu tôi đã trích dẫn. Đặc biệt câu:

Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng cây đỏ, bóng tà tà dương

Câu thơ hay, sáng tạo, bất ngờ ở những từ luyến láy bóng tà-tà dương. Thời đó, chưa có lối làm thơ bậc thang kiểu Trần Dần, nên Tản Đà chưa có thể trình bày:

Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng
             cây đỏ
                          bóng tà
                                         tà
dương

như là sau này Hoàng Cầm sẽ viết:

Đón chị hồn chênh
                          lệch bóng đêm

thì không ai hiểu nhầm ra chênh lệch như ta có thể hiểu lẫn hai chữ tà tà. Bóng tà... hơi thở, hơi thơ phải ngừng lại đây, theo đúng nhịp thơ lục bát. Do đó, phải tách rời hai chữ // vì chúng khác nhau về hai mặt ngữ âm và từ vựng.

Về ngữ âm, chữ “tà” trước là nơi đậu câu, dài hơn chữ “ tà” sau.

Về từ vựng chữ trong “bóng tà” là tiếng Việt, mô tả ánh nắng chiều cụ thể; còn trong “tà dương” là tiếng Hán Việt, có tính cách văn học, tạo cảm giác mông lung của trời đất trong bóng chiều. Học giả Phan Ngọc đã viết nhiều trang rất hay để phân biệt tính cách văn chương khác nhau giữa những từ thuần Việt và Hán Việt: cỏ thu không phải là thu thảo, mục tử không tương đương với trẻ chăn trâu(2). Ta thử lấy ví dụ trong Cung Oán:

Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương

đổi thành

Ai đem nhân ảnh nhuốm hơi chiều tà

thì nghe... dở hơi.

Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy

dù đồng nghĩa vẫn không tương đương với:

Cầu nước chảy ngồi trơ bến cũ
Quán gió thu đứng rũ nắng chiều

Chẳng ra cái gì.

Trở lại buổi chiều của Tản Đà, bóng tà-tà dương. Bóng tà là cảnh trời chiều, ánh sáng yếu dần. Cỏ trên mặt đất, đang màu vàng, bỗng nhoè đi, hoà màu cùng bóng tối. Ngước mắt lên, chỉ còn màu đỏ vương vấn trên cây. Màu lá hay màu nắng? Nắng chiều hay nắng chiếu? Khách băn khoăn rồi bâng khuâng. Chiều. Chiều rồi. Chiều thật rồi. Ánh sáng phai dần, chầm chậm, mờ dần. Bỗng dưng tối sầm, tối sập; tối ập xuống với chữ tà dương, chữ lặp lại, lìa đôi, đổ vỡ. Giữa bóng tà tà dương, trời đất từ đây xa cách mãi. Hai chữ phơ phất như hai tà áo. Tà trước dài hơn, hình ảnh con người cúi xuống.

Mỗi buổi chiều là một cuộc đời cúi xuống.

Bây giờ ta thử nhìn câu thơ Tản Đà một cách khác. Thử “ giải hoặc” câu thơ:

Cỏ vàng, cây đỏ bóng tà

Câu thơ đến đây là đầy đủ ý nghĩa. Tản Đà... bí. Hết ý, túng vần mà phải làm cho xong câu thơ tám chữ. Nghề làm thơ, hết ý thì chơi chữ, sử dụng kỹ thuật. Thế là ông cụ... tà tà dương trên cơ sở sẵn có: chữ tà dương ông vẫn thường dùng, nằm trong mớ vốn chuyên môn; còn kỹ thuật vừa láy từ vừa xé lẻ thì đã có trong ca dao mà Tản Đà rất sành:

Ngày ngày em đứng em trông
Trông non non ngất, trông sông sông dài
Trông mây, mây kéo ngang trời
Trông trăng trăng khuất, trông người người xa

Trong một bài về thơ dịch, mới xuất bản, Võ Phiến có nhắc đến một câu ca dao Bình Định:

Con dao vàng rọc lá trầu vàng
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa...

Chúng ta cẩn trọng khi ngắt câu. Bài Lo Văn Ế, Tản Đà có câu:

Ông chủ nhà in in đã đắt

Người đọc không nên nối liền in in. Bài Một Mùa Đông, Lưu Trọng Lư có câu:

Hãy như chiếc sao băng băng mãi.

Không phải băng băng.

Về một nhà thơ tài hoa, khinh khoái, sáng tác dễ dàng như Tản Đà mà nói rằng túng ý, thì có vẻ bất kính và không thuyết phục. Nhưng biết đâu sự thực chẳng đơn giản như thế. Vì kinh nghiệm bản thân, nên Tản Đà đã cho rằng Nguyễn Du khi viết Thà vin cành quít cho cam sự đời là vì hết ý. Vì sao lại vin cành quít? Chẳng qua là phải đặt câu cho đối xứng với chữ cam.

Câu thơ nổi tiếng Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con của Tản Đà nằm trong một bài thơ bát cú mà ông không tìm ra được câu kết, cho đến nay vẫn còn dang dở. Bài thơ làm ngày Tết Mậu Thìn (1928) tại Xóm Gà, Sài Gòn:

Cuộc thế xoay quanh đất một hòn
Sông chưa cạn đó
n úi chưa mòn
Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

Bài thơ chỉ làm đến đó; mãi đến 27 tháng giêng ta, trên đường về Bắc, đi qua Nha Trang, từ xe hơi nhìn biển, ông mới làm hai câu tiếp:

(...) Khói mây m ờ mặt biển
Lo đời sương tuyết bạc đầu non.

Vẫn thiếu hai chữ. Khi ra Bắc, chơi Hải Phòng, Tản Đà mới được người bạn tìm giúp hai chữ: cám cảnh... Chính Tản Đà kể lại: “Thế là bài thơ chỉ được sáu câu, còn hai câu thất bát đến nay vẫn chưa có ”(3)

Một bằng cớ khác chứng tỏ Tản Đà dùng kỹ thuật láy từ cho đủ chữ trong câu thơ, qua thơ dịch. Thơ Tiền Khởi:

Thuỷ ổn diệp chu khinh
Phong vi
lãng bất kinh
(Ngủ êm thuyền lá nhẹ
Gió thoảng sóng không lay)

Tản Đà dịch:

Ngủ yên trong chiếc thuyền con
Gió hiu hiu thổi, sóng rờn rờn đưa

Thơ Lý Bạch:

Lương phong độ thu hải
Xuy ngã hương tứ phi
(Gió lạnh lướt biển thu
Hồn quê theo vi vu)

Tản Đà dịch:

Lạnh lùng gió vượt biển thu
Hồn quê theo gió như vù vù bay

Rờn rờn... vù vù... cũng chỉ là tà tà cho đủ tám chữ mà thôi.

Nói vậy để làm nổi bật tài hoa của Tản Đà: hết ý vẫn làm được thơ hay. Ví dụ trong bài Ghẹo Người Vu Vơ:

Muốn nói chuyện chơi , không có chuyện
Kìa đàn con sáo nó sang sông

Không có chuyện, nói thẳng ra là mình không có chuyện, mà vẫn làm được thơ, thì xưa nay chỉ có Tản Đà. Nghiệm cho cùng, nói không cần chuyện, nói để nghe giọng mình nói là làm thơ. Nói để trình bày điều gì với ai, là làm văn xuôi. Thơ là ngôn ngữ sổ lồng bay ra khỏi cái thực dụng thông tin.

Nằm buồn ngồi dậy đun nước uống
Uống xong ấm nước nằm
ngâm văn.

Tài thật. Nằm xuống, ngồi dậy, rồi lại nằm xuống mà cũng thành thơ. Mà thơ lại thanh cao sảng khoái. Có lẽ vì cuộc đời Tản Đà đã là bài thơ lớn, làm gì, nói gì cũng thành thơ. Bài Xem Cô Chài Đánh Cá:

Ngày ngày vô sự đứng ven sông
Ướm hỏi cô chài
: cá bán không?

Câu trên thật hay. Dung dị, trong sáng, không rõ chất thơ ở đâu ra. Có thể do âm điệu. Những âm thanh luyến láy, cân đối: vô sự đứng ven sông .Và hay ở tư thế thư thái, nhàn tản, tự do mà nay ta không có. Ngày xưa, vua Trần Thánh Tông sau ba lần đánh giặc và đuổi giặc, bao nhiêu gian truân tính mệnh của bản thân, triều đại và dân tộc như chuông treo sợi chỉ mà vẫn làm thơ khinh khoái:

Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
(Trăng vô sự chiếu người vô sự)

Ngày nay chúng ta không còn được vô sự ấy. Chúng ta hiếu sự trong cuộc đời nhiễu sự. Đa mang trước cuộc sống đa đoan, chúng ta đánh mất những ánh trăng và những dòng sông. Làm sao tìm lại được hùng tâm của Tản Đà:

Nở gan cười một cuộc say
Đường x
a coi nhẹ gánh đầy như không?

Khi Tản Đà mất, Nguyễn Trọng Thuật, tác giả Quả Dưa Đỏ đã có thơ khóc, phác hoạ chân dung:

Lấy rượu tiêu sầu, thơ khiển muộn
Cười đùa năm tháng với non sông
... Nói cười hớn hở như được của
mà bót-tờ-phơi vẫn rỗng không

Trong chúng ta, mấy ai được chân dung như thế?


Đặng Tiến

23.8.1994

 

(1) Tản Đà, Phong Trào Thơ Mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy 30.11.1934, Tuyển Tập Tản Đà, nxb Văn Học Hà Nội 1986 tr. 418.

(2) Phan Ngọc, Sự Tiếp Xúc Ngôn Ngữ Nghĩa Giữa Tiếng Việt Và Tiếng Hán Trong Tiếp Xúc Ngôn Ngữ Ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội, 1983, tr. 194. Tìm Hiểu Phong Cách Nguyễn Du, nxb KHXH, Hà Nội 1985, tr. 276-282.

(3) Tản Đà, Giấc Mộng Lớn (1929) trong Tuyển Tập Tản Đà, sđd, tr. 315.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us