Thánh Chiến
Thánh Chiến
Từ ngày 5 đến 13.9.1994, Hội nghị quốc tế về Phát triển và Dân số do Liên Hiệp Quốc tổ chức (sau 3 năm chuẩn bị) đã họp tại Cairo (Ai Cập) với sự tham gia của khoảng 15.000 đại biểu của l82 nước. Nhưng, qua hệ thống truyền thông, tầm quan trọng của cuộc thảo luận (mà mục đích là phối hợp hành động toàn cầu nhằm ổn định sự tăng trưởng dân số) đã bị che lấp bởi cuộc “thánh chiến” của các lực lượng “khuyến khích sinh sản” (natalistes). Dưới ngọn cờ Giáo hoàng, là cả một sự ô hợp, từ toà thánh Vatican đến vương quốc Arabi Saudid, qua Carlos Menem và Lech Walesa... Những nhóm Hồi giáo cực đoan còn doạ giết những ai tham dự “hội nghị của Sa tan”. Về phần mình, giáo hoàng Jean-Paul II đã vận dụng sự khôn ngoan và năng lực của ông để mở ra một chiến dịch từ đầu năm 1994, khích động những khắc khoải, lo ngại đa dạng và khuếch tán – tín ngưỡng (xem bảng kèm theo), quan tâm tới thế giới thứ ba, hay đơn giản hơn, cả sự dốt nát – liên kết chúng lại để tập trung mũi dùi vào duy nhất một đề tài trong số 20 đề tài của Hội nghị: sinh đẻ có kế hoạch, đề tài mà người ta đã cố tình đồng hoá với sự phá thai, một sự đồng hoá không mấy trung thực nhưng rất hiệu quả đối với dư luận.
Chúng tôi thấy không cần thiết phải xác định lập trường (tán thành hay phản đối) những dự báo hết sức đen tối về “trái bom P” (P = population = dân số): ước tính “trung bình” dân số địa cầu năm 2050 sẽ lên tới 15 tỉ, tài nguyên thiên nhiên sẽ kiệt quệ, môi sinh sẽ bị tàn phá. Lý do cũng đơn giản: hiện nay dân số học cũng như môi trường học đều không phải là khoa học chính xác. Chúng tôi chỉ muốn đặt vấn đề về cặp đối ngẫu gồm hai nhân tố nhân mãn (surpopulation) và chậm tiến. Mọi người đều biết hai nhân tố này cũng giống như quả trứng và con gà mái, không biết cái nào có trước cái nào. Tuy nhiên, có điều ai cũng nhận ra: mức sống càng cao – trong đó, đặc biệt là mức học vấn – thì tỉ lệ sinh đẻ càng giảm. Trong một bảng thống kê đính kèm các tài liệu trù bị hội nghị, thấy rõ là biểu đồ tăng trưởng dân số tỉ lệ nghịch với tỉ số phụ nữ biết đọc biết viết. Nhìn dưới giác độ ấy, chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa thầm kín của cuộc thập tự chiến mà Giáo hoàng khởi xướng: tiến công vào quyền tự do chọn lựa.
N.Q.
Tái bút : Những người lắm chuyện không thể không hỏi Đức Thánh Cha: “Thế nào là tự nhiên?”. Cứ cho rằng mặt đất mà Giáo hoàng cúi xuống hôn là “tự nhiên” (lời bình của người đánh máy: nếu quên đi các lớp nhựa, đá, cát của đường bay) thì có gì thiếu “tự nhiên” bằng cái máy bay chở ngài nhảy từ nước này sang nước kia để hôn mặt đất?
Lập trường của 5 tôn giáo về tránh thụ thai & phá thai
(xuất xứ: nhật báo Libération)
|
Tránh thụ thai |
Phá thai |
Công giáo |
Tránh thụ thai bằng phương tiện cơ học hay hoá học bị đồng hoá là “sát sinh”. Giáo hội Roma bác bỏ tránh thụ thai dưới các dạng “không tự nhiên”. Nguyên tắc này được khẳng định trong thư luân lưu Humanae Vatae của Paul VI về điều chỉnh sinh đẻ (7.1968) và được Jean Paul II nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại. |
Nhân danh sự sống con người, tuyệt đối cấm chỉ ngay từ lúc thụ thai. Ai hợp tác trong việc phá thai có thể bị rút phép thông công (excommunication). |
Tin lành |
Được đại đa số các giáo hội chấp nhận. Nhiều giáo hội Tin lành tham gia phong trào sinh đẻ có kế hoạch. |
Giới Tin lành chia rẽ về vấn đề này. Các giáo hội Luther và cải cách tán thành phá thai trong trường hợp người phụ nữ gặp nguy khốn, còn phái Phúc âm thì chống lại toàn bộ. |
Do Thái giáo |
Ngoại trừ các phần tử chính thống cực đoan, các giáo sĩ đạo Do thái không tuyệt đối cấm đoán sự tránh thai, mặc dầu theo giới luật của Kinh Thánh, bổn phận của mỗi người Do Thái là có con nối dõi tông đường. |
Theo các nhà tinh thông kinh Talmud, cái phôi không đủ 40 ngày chưa có cuộc sống riêng. Quá thời hạn 40 ngày, phá thai là một tội trọng. Song các giáo sĩ rabbin vẫn dành quyền cứu xét từng trường hợp. |
Hồi giáo |
Theo truyền thống bắt nguồn từ thời Mahomet, ngừa thụ thai không đi ngược giáo luật Hồi giáo. Một số phần tử cực đoan viện dẫn vài lời của Tiên tri (hadith) về bổn phận sinh con để cấm đoán sinh đẻ có kế hoạch. |
Giáo luật Islam (shania) cho phép tới ngày thứ 120, theo kinh Coran, tới ngày đó thì cái phôi mới có được hồn (mithaq). Quá hạn 120 ngày, cho phép phá thai nếu sinh mạng người phụ nữ bị đe doạ. |
Phật giáo |
Chấp nhận sinh đẻ có kế hoạch, song nói chung các phật tử thiên về các phương tiện có tính cách phòng ngừa (thuốc viên, bao cao su) hơn là các phương tiện hoại thai (vòng xoắn, RU 486) |
Khuyên răn phải tránh vì phá thai là không tôn trọng sự sống và vòng luân hồi. Song các tông phái còn tranh luận xem sự thụ thai là bắt đầu nhân sinh thực thụ hay tiềm thể. Nếu chỉ là tiềm thể, thì có thể phá thai ngắn hạn. |
Các thao tác trên Tài liệu