Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 14/04/2011 01:20, cập nhật lần cuối 12/05/2011 23:22

Tin tức


Bão lụt

Hai trận bão Harry và Joel đổ bộ vào đồng bằng Bắc và Trung bộ cuối tháng 8, đầu tháng 9, kéo thêm nhiều cơn mưa lớn đã làm cho 10 người thiệt mạng, 15 người mất tích và thiệt hại nặng cho mùa màng miền Bắc vụ hè thu năm nay. Theo tin từ bộ nông nghiệp ngày 15.9, khoảng 220.000 ha lúa bị ngập lụt, trong đó khoảng từ 35.000 đến 40.000 ha bị mất trắng, 60.000 ha khác mất khoảng một phần ba. Những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Hải Phòng (63.000 ha bị ngập lụt), Hà Tây (39.000 ha) và Nam Hà (37.000 ha).

Những cơn mưa lớn ở miền Trung cũng làm cho những con sông nhánh của sông Mê Kông ngập nước làm cho mùa nước lớn của sông Cửu Long năm nay dữ dội hơn. Bốn em bé chết đuối vì nước cuốn ở An Giang, trong khi hàng nghìn gia đình nông dân ở 4 huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp bị đe doạ thiếu ăn vì nước làm cô lập. Hơn 12.000 ha ruộng lúa và 3 ngàn căn nhà trong hai tỉnh bị thiệt hại nặng, gần 60 trường học ở Đồng Tháp phải tạm đóng cửa.

Ngược lại, vụ lúa hè thu ở các đồng bằng Trung và Nam bộ năm nay được coi là rất tốt. Tới cuối tháng 8 hơn 3/4 mùa màng ở các nơi này đã gặt hái xong, với năng suất trung bình đạt 4,5 tấn/ha.

(AFP 15, 17, 20.9.1994)

Lúa hao hụt: 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tại một cuộc hội thảo về sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long họp tại Cần Thơ cuối tháng 8 vừa qua, người ta được biết tỷ lệ hao hụt lúa sau khi thu hoạch lên đến 20-23% trên ruộng khô và 20-35% trên ruộng ngập nước. Cứ theo sản lượng lúa hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 10-11 triệu tấn, thì số lúa hao hụt lên đến 2 triệu tấn. Và tính theo giá lúa của bộ tài chính qui định để thu thuế nông nghiệp là 1.000 đồng/kg, thì mỗi năm nông dân đồng bằng sông Cửu Long mất đứt 2.000 tỷ đồng (tương đương với 200 triệu đôla).

Những năm gần đây, những đầu tư vào lãnh vực nông nghiệp chủ yếu nhắm các khâu làm đất, xay xát, suốt lúa... Trong khi đó, những khâu sau thu hoạch từ sấy, tồn trữ, bảo quản chống mối mọt chưa được quan tâm bao nhiêu. Phẩm chất xấu của gạo xuất khẩu Việt Nam và giá bán thấp hơn gạo các nước khác từ 50 đến 100 đô1a/tấn chính là do khâu sau thu hoạch không thực hiện tốt.

(Sài Gòn giải phóng 6.9.94 )

Tăng trưởng và lạm phát

Theo ông Lê Văn Toàn, tổng cục trưởng thống kê, mặc dù những trận bão lụt cuối hè gây thiệt hại nặng cho nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, Việt Nam vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 8 tới 9% trong năm nay, như mục tiêu được quốc hội đề ra tháng 12.1993. Ước tính này đã được đưa ra trong một báo cáo được báo chí Hà Nội đăng tải ngày 7.9 vừa qua.

Tuy nhiên, theo những thống kê được công bố ngày 19.9, tỷ lệ trượt giá trong tháng 8 là 0,9%, kéo lạm phát trong 8 tháng đầu năm lên hơn 8%, đe doạ một mục tiêu kinh tế quan trọng khác của chính phủ là cố giữ mức lạm phát dưới 10% trong năm nay. Sau những năm 80 siêu lạm phát, Việt Nam đã đưa được mức lạm phát xuống còn 67% năm 1991, 17,5% năm 1992 và 5,2% năm 1993. Sức ép của các nhu cầu tiêu thụ trong nhân dân (chỉ riêng trong hai tháng đầu năm, giá cả tăng 5,5%), của những chi tiêu về phúc lợi xã hội, về đầu tư cho hạ tầng cơ sở, gây thiếu hụt nặng cho ngân sách, là những bài toán khó mà chính phủ phải đương đầu, trong khi sản xuất theo không kịp (mức thu ngân sách tới cuối tháng 8 chỉ đạt 54% dự trù).

Theo Tổng cục thống kê, nguyên do của lạm phát cao của tháng 8 là do sự tăng giá của các mặt hàng như dụng cụ học trò (+ 2%), thực phẩm (+ 1,6%), quần áo (+ 1,6%), xăng dầu (+ 1,1%). Giá lương thực, thực phẩm tăng nhiều, phần vì do những thiệt hại của các trận bão lụt lớn, phần khác do sức ép của chỉ tiêu tăng mức xuất khẩu gạo từ 1,8 triệu tấn năm 1993 lên trên 2 triệu tấn trong năm nay.

(AFP 7 và 19.9.1994)

10 triệu đôla bồi thường “thuỷ triều đen”

Các chủ nhân của hai chiếc tàu chở dầu đụng nhau ở vùng biển gần cửa sông Lòng Tàu hồi tháng 5 vừa qua, gây ra nạn “thuỷ triều đen” đầu tiên ở Việt Nam, đã nhận bồi thường 10 triệu đôla cho các nạn nhân trong vùng. Báo Sài Gòn giải phóng ngày 29.8 đưa tin về thoả thuận này đã nhấn mạnh đây là lần đầu tiên người gây ra một tai nạn môi trường ở Việt Nam phải bồi thường. Một đạo luật về môi trường đã được quốc hội thông qua hồi đầu năm nay.

Tờ báo nhắc lại tai nạn đã xẩy ra ngày 8.5, giữa tàu Uni-Humanity của một công ty Đài Loan và tàu Transco-01 của một công ty Việt Nam, 200 tấn dầu chảy ra làm thành một màng dầu dài 20 km phủ lên nước sông Lòng Tàu. Theo chính quyền huyện Cần Giờ, sinh vật sống dưới vùng cửa sông đã “hầu như bị hoàn toàn huỷ diệt”, và chính quyền đã phải cứu trợ hàng trăm ngư dân trong vùng sống bằng nghề nuôi tôm và đánh bắt thuỷ sản. Cho tới cuối tháng 8, báo chí Việt Nam cho biết những ao nuôi tôm trong vùng vẫn bị nhơ bẩn vì dầu và chưa hoạt động được.

(AFP 29.8.1994)

Đình công

Những điều khoản hạn chế đình công của Luật lao động được thông qua trong kỳ họp quốc hội tháng sáu vừa qua (xem Diễn Đàn số 32) có vẻ như không mang lại được kết quả mong muốn? Theo báo Tuổi Trẻ ngày 29.8, khoảng 300 công nhân xí nghiệp Giày da Sài Gòn (thuộc sở công nghiệp thành phố) đã bãi công ngày 26.8 mà không đăng ký trước, không tiến hành trước những bước chuẩn bị như luật đòi hỏi. Họ còn kéo nhau tới biểu tình trước trụ sở của Liên đoàn lao động, đòi tăng lương (hiện nay: 300.000 đồng), phản đối ngày lao động 12 tiếng và tố cáo xí nghiệp đã cho phép những “cán bộ người nước ngoài” quyền sa thải công nhân mà không đưa lý do gì cả. Cũng trong tháng 8, một cuộc đình công cũng đã nổ ra ở Hà Nội, trong một xí nghiệp chế biến hải sản, với sự tham dự của 200 công nhân.

Báo Lao Động ngày 13.9 đã tường thuật vụ đình công nổ ra tuần trước đó ở xí nghiệp Vikotex, một xí nghiệp liên doanh giữa Liên hiệp tơ lụa Việt Nam với công ty Hàn Quốc Dong A Silk. 120 công nhân tham gia cuộc đình công, cũng không tuân thủ những qui định của luật lao động, phản đối xí nghiệp tự tiện rút lương của họ từ 800.000 đồng một tháng xuống còn 350.000 đồng, và còn trả trễ và đốc công người Hàn Quốc còn hăm doạ công nhân?

Báo chí Việt Nam cũng thường xuyên phản ánh các “cư xử thô bạo” của những ông chủ và cán bộ người nước ngoài trong các công ty nước ngoài hoặc liên doanh hoạt động ở phía Nam. Đầu tháng 9, chính quyền thành phố Hố Chí Minh đã đòi trục xuất một người Pháp, ông G. Waché, chủ xí nghiệp liên doanh Saigon Mobilier International vì một “trò đùa đi ngược lại phong tục tập quán của người Việt, xúc phạm nhân phẩm của những người làm công”. Theo Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, nội vụ có thể được giàn xếp nếu ông Waché chịu công khai xin lỗi công nhân xí nghiệp và cam kết chấm dứt những trò đùa tương tự. Về phần mình, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho biết một lời “xin lỗi qua báo chí cũng đủ”.

(AFP 29.8, 12, 13 và 22.9.1994)

“Chấp nhận những ý kiến khác nhau”?

Phát biểu tại đại hội của Mặt trận Tổ quốc tháng 8 vừa qua, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười có cho rằng: “Trong điều kiện chế độ chính trị độc đảng, thái độ tự nguyện và lòng chân thành của Đảng là nhân tố quyết định cho sự thành bại của sự nghiệp đoàn kết toàn dân”. Câu nói này đã biến mất khỏi bài diễn văn chính thức được báo chí công bố. Có lẽ vì nó đặt vấn đề quá thật thà chăng, trong khi Mặt trận Tổ quốc – biểu hiện cụ thể của các chủ trương “đại đoàn kết”, “liên minh chính trị” của đảng cộng sản –, như mọi người thừa nhận, mang nặng tính hình thức và thiếu thực chất.

Dù đáng ghi nhận sự có mặt trong đoàn chủ tịch Mặt trận nhiệm kỳ này của hai nhân vật chế độ Sài Gòn cũ – bà Nguyễn Phước Đại và ông Nguyễn Văn Huyền (các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đã từ chối lời mời) – không mang, tự nó, ý nghĩa thực chất. Bởi vì cốt lõi vấn đề Mặt trận ở chỗ đảng cộng sản có duy trì quan niệm “nhất hô bá ứng” hay thực sự chấp nhận những ý kiến khác nhau, như của bộ chính trị vừa qua có quyết nghị? Chủ tịch mới của Mặt trận ông Lê Quang Đạo, nói rõ hơn: “ Muốn tập hợp đoàn kết toàn dân theo mục tiêu chung thì phải biết chấp nhận những ý kiến khác nhau mà không trái với lợi ích chung của dân tộc”. Và những điều chung đó, ông xác định là: “ giữ vững độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Không dừng ở nguyên tắc chung chung, giáo sư Phan Đình Diệu đã đặt vấn đề cụ thể: “ Chức năng” (là liên minh chính trị rộng rãi của mọi tổ chức, đoàn thể các giai cấp, tầng lớp xã hội). “của Mặt trận cần được thể hiện thông qua nhiều hình thức trao đổi rộng rãi các quan điểm, các ý kiến của các thành viên Mặt trận về mọi vấn đề của đất nước, (...) để trên cơ sở đó, đề xuất được các giải pháp có chất lượng trí tuệ cao cho sự lựa chọn của các cơ quan làm quyết định của đất nước. Các diễn đàn như vậy có thể được tổ chức dưới hình thức các hội thảo, các cuộc gặp gỡ trao đổi, và một cách thường xuyên bằng hình thức các cơ quan ngôn luận, báo chí”.

Cũng trong hướng đó, giáo sư Lý Chánh Trung nêu nhận định: “Chỉ có thể kêu gọi mọi người tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh nếu biết chấp nhận những ý kiến khác nhau – cả ý kiến lẫn con người phát ra ý kiến ấy, và phải thực sự tôn trọng, dù cho ý kiến đó rất trái tai. Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhấn mạnh vấn đề này trong bài trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết, đáng tiếc là chỉ có một, hai tờ báo đoàn thể ở địa phương đăng lại bài phỏng vấn quan trọng đó, còn các tờ báo Đảng, là loại nhật báo duy nhất hiện nay có đông người đọc lại không thấy đăng. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy có những ý kiến rất trái tai trước đây, nay lại trở thành rất thuận tai. Đừng nên quy chụp cho các ý kiến ấy cái mác “có m ưu đồ”, “ có vấn đề” ”...

Trước mắt, người ta không thể không kết luận, “thái độ tự nguyện và lòng chân thành” – nếu có – của đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải biểu hiện đầu tiên trong những điều nêu trên.

(theo tin Phụ Nữ TPHCM 17.8; Sài Gòn
giải phóng 18.8; Tuổi Trẻ 20 và 21.8 94).

Người tị nạn

Mặc dầu những kết quả nhất định của các chương trình “tự nguyện hồi hương” (xem Diễn Đàn các số 28 và 31), và những bế tắc trong việc tìm một nước Tây phương nhận cho định cư, nhiều thuyền nhân Việt Nam trong các trại tạm trú ở các nước Đông Nam Á vẫn cương quyết không chịu hồi hương, tạo những tình huống làm đau đầu các nhà hữu trách địa phương.

Ngày 6 tháng 9, cảnh sát đảo Mandangin, một đảo nhỏ của Inđônêxia đã phải cứu trợ 34 người bị đắm tàu mấy ngày sau khi họ tìm cách rời trại tạm cư trên đảo Galang để tìm đường đi Úc. Cảnh sát Inđônêxia tuyên bố sẽ cho phép họ đi lần nữa, khi tàu được sửa chữa xong. Nhưng ngày 20.9, chính phủ Úc cho biết 5 người Việt Nam từ Galang tới Úc trái phép đã bị đưa lên máy bay đưa về lại đảo này! Theo các nhà chức trách Inđônêxia, hiện còn khoảng 8.000 thuyền nhân Việt Nam trên đảo Galang, và Inđônêxia có chương trình đưa họ về nước từ đây đến giữa năm 1995.

Trong hai ngày thứ hai và thứ ba 19 và 20.9, cảnh sát trên đảo High Island (Hồng Kông) đã dùng lựu đạn cay giải tán một cuộc biểu tình của hàng trăm người tị nạn Việt Nam đang hỗ trợ cho 11 người đồng hương leo lên nóc một căn nhà nhỏ trong trại tị nạn, phản đối đợt cưỡng bách hồi hương mới của Hồng Kông. Sau đó, cảnh sát đã dùng thang lên bắt 11 người nói trên đưa về trại giam. Những người này nằm trong danh sách 82 người chính quyền Hồng Kông đã quyết định đưa về Việt Nam trong tuần, nối lại chương trình cưỡng bách hồi hương đã phải tạm ngưng từ tháng ba sau một đợt biểu tình tuyệt thực của người tị nạn.

Vấn đề này cũng đã được ngoại trưởng Anh Douglas Hurd đưa ra thảo luận với phía Việt Nam trong chuyến đi thăm Hà Nội của ông ngày 23.9 (xem tin dưới đây).

Về phần mình, chính phủ Đức đã quyết định ngưng đọng 41 triệu Đức mã viện trợ kinh tế cho Việt Nam như một biện pháp áp lực để thúc đẩy Hà Nội nhận về nước khoảng 40.000 người Việt ở Đức đã hoặc sắp hết hạn cư trú. Số người này phần lớn là những người lao động tới Đông Đức theo hợp đồng “xuất khẩu lao động” giữa Việt Nam và chính phủ Đông Đức trước năm 1991. Một số khác từ các nước Đông Âu cũ chạy sang Đức những năm gần đây. Chính phủ hai nước đã hai lần mở cuộc thương lượng về vấn đề hồi hương của những người này nhưng không đạt kết quả nào. Theo Đức phía Việt Nam không chịu nhận lại các công dân của mình.

(AFP 6, 15, 19 và 20.9.1994)

Dàn nhạc giao hưởng xuất quân

Nếu không có gì trục trặc, dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Việt Nam sẽ lần đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài vào năm tới. Khoảng 140 nhạc sĩ và ca sĩ của dàn nhạc đã được phép của chính phủ nhận lời mời đi Nhật vào tháng 8.1995 biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 50 năm tỉnh Hiroshima bị bom nguyên tử. Sau đó, cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hiệp quốc, dàn nhạc đã được mời tới biểu diễn ở nhiều thành phố Mỹ trong đó có Boston, Chicago và Nữu Uớc. Theo ông Đỗ Dũng, giám đốc nhà hát giao hưởng, chuyến đi Mỹ đã được các nhà mạnh thường quân Mỹ nhận tài trợ 80% phí tổn và chính phủ Việt Nam nhận cho 20% còn lại. Chuyến đi nước ngoài này dàn nhạc đã phải mất hai năm mới xin được phép của bộ Văn hoá, thủ tướng Võ Văn Kiệt và ban bí thư trung ương đảng! Dàn nhạc vừa tổ chức kỉ niệm sinh nhật thứ 35 vào đầu tháng 9. Năm ngoái bộ Văn hoá đã cấp cho dàn nhạc 120.000 đôla để tân trang nhạc cụ. Ngô Hoàn Quân, nhạc sĩ hồ cầm số một của dàn nhạc, năm nay 38 tuổi, đã được đào tạo từ nhạc viện Tchaikovsky từ năm 19 tuổi. Một số ít nhạc sĩ khác trong dàn nhạc được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, còn đa số nhạc sĩ trẻ chưa hề được ra nước ngoài học hỏi hoặc biểu diễn.

(AFP 9, 18.9)

Ăn trộm ở nhà riêng đại sứ Phi Luật Tân!

Kẻ gian đã hai lần lẻn vào ăn trộm ở nhà đại sứ Philipin ở Hà Nội, ngày 12 và 25.8.1994, lần sau còn đánh bất tỉnh đại sứ Fransisco Santos khi ông thình lình bắt gặp chúng. Dĩ nhiên, chính phủ Việt Nam đã phải chính thức xin lỗi Philipin về sự bất cẩn để xẩy ra sự cố này và hứa tìm mọi cách để truy tầm thủ phạm.

Hà Nội cho tới nay vẫn là một thành phố an ninh khá, ít xẩy ra những vụ cướp bóc, ngay cả với người nước ngoài. Phần lớn các đại sứ quán chỉ có những biện pháp an ninh tối thiểu với một người lính gác ngoài cửa và khách tới không phải qua nhiều trạm xét như ở nhiều nước khác. Vụ trộm hai lần ở nhà đại sứ Philipin do đó hẳn đã gây chấn động không nhỏ đối với các nhà hữu trách sở tại. Ngày 29.8, người phát ngôn bộ ngoại giao cho biết chính phủ đang tích cực tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho nhà đại sứ Philipin, và cho tất cả các cán bộ ngoại giao đoàn ở Hà Nội.

Ngày 30.8, chính phủ Philipin ra thông cáo chấp nhận những lời xin lỗi của Việt Nam, và cho biết Manila sẽ “theo dõi sát những kết quả của cuộc điều tra và các biện pháp bảo vệ an ninh được triển khai”. Tuy nhiên, do bị sốc, đại sứ Santos đã xin từ chức.

(AFP 29, 30.8.1994)

Anh: có mặt ở Việt Nam

“Tôi không có nghi ngờ nào nữa là sự có mặt của nước Anh tại Việt Nam đang bám rễ”. “Chúng tôi quyết tâm cùng đi với Việt Nam trong những biến chuyển nhanh của nước này”. Đó là những lời tuyên bố của ngoại trưởng Anh Douglas Hurd ngày 15.9 vừa qua, sau 24 giờ ở thăm Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng ngoại giao Anh tới Việt Nam từ 20 năm nay, tuy nhiên theo ông Hurd, “Anh tuy đến sau nhưng sẽ đi nhanh”. Cùng đi với ông Hurd có tám nhà lãnh đạo các công ty lớn như British Aerospace, Rolls Royce Plc, Hong Kong Bank, các công ty xây dựng Balfour Beatty và Trafalgar House Corporate Development.

Năm 1993, Anh xuất sang Việt Nam 17 triệu bảng Anh (26 triệu đôla). Chỉ trong 6 tháng đầu năm l994, con số này đã được nhân lên hơn gấp đôi: 46 triệu bảng. Các xí nghiệp Anh đã đầu tư 350 triệu đôla vào Việt Nam, chủ yếu là trong các lĩnh vực dầu khí (với các công ty BP và British Gas), xây dựng và giao thông, điện và hàng không. Những con số, theo ngoại trưởng Anh, chứng tỏ là tiềm năng làm ăn kinh tế của các xí nghiệp Anh ở Việt Nam “chưa bao giờ lớn như hiện nay” Tiếng Anh, ngôn ngữ trao đổi chính thức của ASEAN, sẽ là một chủ bài quan trọng mà ngoại trưởng Hurd đã bắt đầu sử dụng khi ông hứa “đáp ứng một yêu cầu cấp bách của Việt Nam”, thúc đẩy cơ quan British Council tăng cường sự giúp đỡ Việt Nam trong việc dạy tiếng Anh cho các viên chức cao cấp và nhân viên ngành ngoại giao.

Ngoài ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, ông Hurd đã gặp gỡ và làm việc với thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổng bí thư Đỗ Mười và kết thúc chuyến đi ngắn này với việc ký kết hai văn kiện. Một văn bản về việc mở tại Hà Nội một phòng đại diện Quỹ phát triển khối Thịnh vượng chung, cơ quan bán chính thức của Anh chuyên tài trợ cho các đề án phát triển. Và một thoả ước tài chính về khoản viện trợ 50 triệu bảng (80 triệu đôla) mà Anh đã hứa cho Việt Nam trong cuộc hội nghị các nước tài trợ cho Việt Nam ở Paris tháng 11.1993.

Ngoại trưởng Hurd cũng đã đề cập với các nhà lãnh đạo Việt Nam vấn đề nhân quyền và trao cho những người đàm thoại với ông một “danh sách ngắn” vài trường hợp cụ thể theo ông cần được giải quyết. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm đó là những trường hợp nào.

Ngoài ra hai bên cũng đã nói chuyện về việc đưa nốt khoảng 25.000 thuyền nhân Việt Nam còn lại trong các trại tị nạn ở Hồng Kông về nước. Ông Hurd tuyên bố “rất hài lòng” về sự cộng tác của nhà cầm quyền Việt Nam trong chương trình “tự nguyện hồi hương” này, và nhấn mạnh “không có chứng cớ nào là những người hồi hương bị ngược đãi”. Mới đây nhà chức trách Hồng Kông đã hứa giúp 150 đôla cho mỗi người hồi hương.

(AFP 14, 15.9.1994)

Phan Văn Khải đi Bắc Kinh, Giang Trạch Dân nhận lời thăm Hà Nội

Phó thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận lời mời của đồng sự Trung Quốc Chu Dung Cơ, đi thăm Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải từ ngày 21 đến 29.9.1994. Theo một tuyên bố của người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam ngày 15.9, chuyến đi sẽ cho phép ông Khải “tìm hiểu” tại chỗ về những chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc, và thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên. Nhưng các nhà quan sát cho rằng chuyến đi của ông Khải còn có mục đích chuẩn bị cho chuyến đi thăm “lịch sử” sắp tới của chủ tịch nước Trung Quốc đầu tiên tới Việt Nam. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã công bố ngày 7.9 tin chủ tịch Giang Trạch Dân nhận lời mời đi thăm Việt Nam, song không cho biết vào ngày tháng nào. Tuy nhiên, những nguồn thạo tin cho biết là chuyến đi sẽ được thực hiện vào các ngày 16 tới 18 tháng 11 tới đây, sau khi ông Giang Trạch Dân đi dự hội nghị thượng đỉnh của APEC (Asia - Pacific Economic Cooperation) ở Djakarta, thủ đô Inđônêxia.

Cũng theo thông báo của bộ ngoại giao Việt Nam ngày 15.9, ông Chen Ti Xong, bí thư thành uỷ Bắc Kinh đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận lời mời của đồng sự Việt Nam Phạm Thế Duyệt, tới thăm Hà Nội vào đầu tháng 10 tới đây.

Những chuyến đi thăm của các nhà lãnh đạo hai nước và những lời đầy thiện chí của thủ tướng Lý Bằng khi chào đón ông Phan Văn Khải không thể làm quên đi cản trở chính hiện nay trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn là cuộc tranh chấp biên giới ngoài biển và thái độ trịch thượng nước lớn của Trung Quốc. Ngày 29.8, một nhà lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS), trong một cuộc gặp tổng thống Philipin Fidel Ramos, đã đề nghị đưa cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa ra giải quyết trước Liên hiệp quốc. Ngày 1.9, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngay “chống lại việc quốc tế hoá vấn đề”, và “Trung Quốc mong tìm được giải pháp cho vấn đề quần đảo Tây sa – tên Trung Hoa của Trường Sa – thông qua các cuộc thương lượng song phương”. Bản tuyên bố nhắc lại Trung Quốc đã đề nghị các nước khác hãy “bỏ cãi cọ để cùng nhau phát triển quần đảo”, nhưng lại khẳng định “chủ quyền của Trung Quốc là không thể chối cãi”?

(AFP 1, 7, 8, 15, 21 và 23.9.1994)

Mỹ - Việt thông hơn?

Ê kíp hỗn hợp Mỹ - Việt phụ trách tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) cho biết trong cuộc tìm kiếm lần thứ 31, từ 18.8 đến 20.9 tại vùng chiến cuộc từ Quảng Bình vào tới Quảng Ngãi, hơn 10 bộ xương có thể là của những MIA đã được gửi về Hawai để xác nghiệm.

Trợ tá thứ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương bộ ngoại giao Mỹ Peter Tomsen, sang Việt Nam mấy ngày trước khi cuộc tìm kiếm thứ 31 chấm dứt, đã xác nhận những “tiến bộ” đạt được trong công tác này, nhưng không cho biết gì thêm về ngày mở phòng liên lạc của Hoa Kỳ tại Hà Nội. Theo những nguồn tin Việt Nam, khó khăn chính là tìm được một trụ sở. Phía Việt Nam đã đề nghị hai căn nhà tại trung tâm Hà Nội, một toà nhà hiện đại, 8 tầng, làm văn phòng và một biệt thự thời Pháp để lại làm nhà ở cho trưởng phái bộ Mỹ. Nhưng chủ biệt thự không chịu rời đi và hình như muốn thương lượng thẳng với phía Mỹ về giá cả nhượng lại nhà. Về phần mình, ngoại trưởng Việt Nam nói với phóng viên hãng thông tấn Reuter ở Hà Nội là mọi việc sẽ được giải quyết ổn thoả để hai bên có thể mở phòng liên lạc đồng thời vào tháng 2.1995.

Ông Tomsen cũng đã thảo luận với thứ trưởng ngoại giao Lê Mai về vấn đề hoàn lại các tài sản hai bên đang giữ của nhau, và đã hội đàm với ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Sau cuộc hội đàm, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã tuyên bố với báo chí rằng ông sẽ gặp bộ trưởng ngoại giao Mỹ Warren Christopher vào đầu tháng 10 tới, khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự đại hội đồng Liên hiệp quốc. Cuộc gặp của hai ngoại trưởng, được dự trù vào tháng 7 vừa qua, nhân dịp hội nghị cấp cao ASEAN ở Băng Cốc, đã không thành vì ông Warren Christopher cuối cùng không tới dự hội nghị được.

Cũng trong tháng 9, cựu đô đốc hải quân Mỹ Edward R. Zumwalt, từng chỉ huy các cuộc hành quân của hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nay về hưu, đã trở lại Việt Nam trong một chương trình vận động đòi chính phủ Mỵ bồi thường cho những cựu quân nhân Mỹ bị bệnh vì tác hại của “chất Da Cam”, thứ thuốc diệt cây cỏ có chất độc dioxin mà quân đội Mỹ đã rải hàng loạt ở Việt Nam trong chiến tranh. Ông Zumwalt tin rằng con ông, một sĩ quan từng hành quân nhiều năm ở đồng bằng sông Cửu Long, đã bị chết vì ung thư năm 1988, là một nạn nhân của “chất Da Cam”. Ông tố cáo chính quyền Reagan đã ra lệnh che dấu những kết quả nghiên cứu về tác hại của “chất Da Cam” để khỏi phải bồi thường các cựu quân nhân và gia đình họ. Tuy nhiên khi được hỏi về trách nhiệm của Mỹ đối với hàng triệu người Việt Nam trong vùng bị rải thuốc, đô đốc Zumwalt đã tránh né trả lời!

(AFP 9, 11, 16, 20.9.1994)

Luật nhập cư Cam Bốt (tiếp theo kỳ trước)

Trong bức thư trả lời tổng thư ký Liên hiệp quốc Boutros Boutros-Ghali ngày 18.9, vua Cam Bốt Norodom Sihanouk cho biết nhà vua “đã chính thức yêu cầu quốc hội (Cam Bốt) xem xét lại đạo luật nhập cư” “ sửa đổi một số điều khoản trong tinh thần tôn trọng công pháp quốc tế và tuyên ngôn nhân quyền quốc tế”.

Trong thư gửi quốc trưởng Cam Bốt ngày 13.9, ông Boutros-Ghali đã bày tỏ sự lo ngại của ông và của Cao uỷ liên hiệp quốc về người tị nạn (HCR) về những hiểm nguy mà đạo luật có thể gây ra đối với cộng đồng người Việt đã sinh sống lâu năm ở Cam Bốt cũng như đối với khoảng 6.000 người Việt đang bị chặn lại ở vùng biên giới Chrey Thom. Ông cũng cho biết ông đã viết thư cho hai đồng thủ tướng Cam Bốt Norodom Ranariddh và Hun Sen, đề nghị các vị “mau chóng tiến hành đàm phán với phía Việt Nam (...) để vấn đề quan trọng này được giải quyết ổn thoả cho cả hai bên”. Ông viết thêm “Khi vấn đề xác định ai là người Cam Bốt chưa được rõ ràng – Cam Bốt chưa có một luật quốc tịch, chú thích của Diễn Đàn –, đạo luật là một đe doạ đối với những người gốc Việt và những người dân tộc thiểu số khác (ở Cam Bốt)”.

Trước những bức thư nói trên, chính phủ Cam Bốt đã lên tiếng trong chiều hướng xoa dịu các lo ngại của Việt Nam về ảnh hưởng của đạo luật. Trả lời một bức thư của thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thủ tướng Norodom Ranariddh đã cam kết ngày 9.9 “sẽ tuân thủ chặt chẽ những luật lệ quốc tế”, và bảo đảm là đạo luật nhập cư của Cam Bốt “không nhắm riêng một ai, do đó vấn đề thanh lọc hàng loạt và trục xuất người Việt Nam ở Cam Bốt sẽ không bao giờ xảy ra”. Tuy nhiên, nội dung bức thư – được báo chí Việt Nam trích đăng rộng rãi – không đủ làm nhẹ bớt những lo ngại của phía Việt Nam, nhất là giữa khi Khmer đỏ tiếp tục các chiến dịch khủng bố, giết hại người Việt ở Cam Bốt. Trong tháng 8 năm nay, 8 người Việt đã bị tàn sát ở các tỉnh Kompong Chnang và Kandal. Đầu tháng 9, 4 người khác bị giết ở làng Prek Dam, cũng thuộc tỉnh Kandal, cùng với hai người Khmer.

(AFP 7, 9, 12, 17, 18.9.1994)

Ấn Độ - Việt Nam, một thời kỳ mới

Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao dẫn đầu một phái đoàn bao gồm 17 nhà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn của Ấn đã tới thăm Việt Nam trong ba ngày 5-7.9.1994. Chuyến đi được ông Rao mô tả như “một bước đầu mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác rất mật thiết giữa hai nước”, với những liên hệ kinh tế được chú trọng hơn trước. Đây là lần thứ hai ông Rao tới Việt Nam, sau các chuyến đi của các thủ tướng Jawaharial Nehru năm 1954 và Rajiv Gandhi năm 1985. Về phía Việt Nam, cố chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo khác đã đi thăm Ấn Độ. Mặc dầu những mối quan hệ đồng minh chính trị thân thiết ấy trong hơn 40 năm qua, Ấn Độ mới có những quan hệ kinh tế rất khiêm tốn với Việt Nam. Trao đổi thương mãi giữa hai nước mới đạt 70 triệu đôla mỗi năm, nếu kể cả hàng hoá trao đổi thông qua một nước thứ ba như Singapore hoặc Hồng Kông, con số này cũng chỉ lên tới 200 triệu đôla. Doanh nghiệp Ấn Độ duy nhất đầu tư vào Việt Nam tới nay là công ty dầu khí quốc doanh Oil and Natural Gas Commission, trong một hợp doanh khai thác khí đốt với British Petroleum và Statoil.

Quan điểm đẩy mạnh hợp tác kinh tế của thủ tướng Rao lần này đã được thể hiện ngay trong chuyến đi của ông, với sự ký kết 5 thoả ước đầu tư trị giá gần 160 triệu đôla. Tổ hợp RPG do ông R.P. Goenka đứng đầu ký một dự án liên doanh trị giá 50 triệu đôla với xí nghiệp quốc doanh Việt Nam chuyên về hoá chất và cao su Chichemco, nhằm khai thác một đồn điền cao su rộng 35.000 ha, và một dự án khác trị giá 7 triệu đôla để xây dựng các cột điện. Các dự án đầu tư khác gồm có một dự án xây cất nhà máy xử lý rác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (60 triệu đôla), một nhà máy làm đầu máy xe lửa (18 triệu đôla), một nhà máy đường (25 triệu đôla).

Về mặt quan hệ chính thức, hai thủ tướng Rao và Võ Văn Kiệt đã ký 4 hiệp ước về hợp tác kinh tế (tránh đóng thuế hai lần), ngoại giao (tăng cường trao đổi hợp tác giữa hai bộ ngoại giao, làm nhẹ các thủ tục cấp chiếu khán) và quân sự (về đào tạo cán bộ và bảo trì quân cụ).

(AFP 5-7.9.1994)

6 tháng đầu năm: tham nhũng làm thất thoát 120 tỷ đồng.

Theo báo Nhân Dân, trong sáu tháng đầu năm 1994, 1.233 vụ tham nhũng và chiếm đoạt của công được phát hiện, ước tính những thiệt hại cho nhà nước lên đến 120 tỷ đồng. Năm 1993, những thất thoát do tham nhũng gây ra được ước tính là 285 tỷ đồng (khoảng 28 triệu đôla).

Chánh án tòa án tối cao Phạm Hưng cho biết, do công tác điều tra kéo dài, nhiều bị cáo đã bỏ trốn, tài sản thu hồi không đáng kể. Một số bị cáo là cán bộ có chức quyền, khi phạm tội vẫn được tại ngoại, cho nên tác dụng răn đe, phòng ngừa của hoạt động truy tố, xét xử bị hạn chế. Ông cũng cho biết tham nhũng, làm giàu bất chính hiện nay tập trung vào việc cấp đất (thất thoát trong vài tháng qua lên đến một triệu mét vuông), cấp giấy phép xây dựng, buôn bán bất động sản.

Ngoài ra, 12.400 vụ buôn lậu cũng được phát hiện. Giá trị hàng lậu bị bắt khoảng 300 tỷ đồng.

(AFP 21.8, Lao Động 23.8.94)

Kế hoạch phát triển giao thông

Theo tin AFP từ Hà Nội, một bản dự thảo kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đã được bộ Giao thông - Vận tải công bố ngày 12 .9.1994. Việc thực hiện kế hoạch đòi hỏi nhà nước phải đầu tư nhiều tỉ đôla (chỉ riêng sơ đồ phát triển đường xe ôtô đã cần tới 3,4 tỉ đôla trong 10 năm tới đây).

Kế hoạch đưa ra 6 đường ôtô cần được xây dựng lại, trước hết là đường quốc lộ số một nối liền Bắc - Nam, với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế và của các viện trợ song phương. Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là những tổ chức đã quyết định giúp đỡ Việt Nam qua nhiều đề án nâng cấp các đoạn đường số một (xem Diễn Đàn số 22, tháng 9.1993), và đã bắt đầu những công việc chuẩn bị thi công. Đài Loan đã nhận nâng cấp đường Hà Nội - Hải Phòng... Tuy nhiên, các nhà đầu tư và viện trợ nước ngoài than phiền rằng các kế hoạch được đưa ra dồn dập nhưng không được kèm theo những hành động cụ thể để vượt qua các trở ngại bàn giấy, quan liêu. Một nút nghẽn chung của nhiều đề án vẫn chưa có giải pháp là việc giải toả lề đường cần được mở rộng (đưa nhà dân bên lề đường lui ra xa hoặc đi nơi khác, với những bồi thường thoả đáng).

Kế hoạch cũng đề cập tới các vấn đề giao thông đường sông, biển, vạch ra những dự án xây dựng các cảng mới chuyên dụng cho những mặt hàng quan trọng như dầu, gạo, xi măng, v.v... và việc nâng cấp khoảng 2.600 km đường sắt hiện có. Tuy nhiên, đường hàng không lại không được đề cập tới. Diễn Đàn sẽ trở lại vấn đề giao thông trong một số sắp tới.

(AFP 12.9.1994)

Tin ngắn

* Một đoàn chuyên viên của bộ ngoại giao và cục hàng không liên bang Mỹ đã tới Hà Nội cuối tháng 9 để đàm phán với Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam, chuẩn bị một hiệp định hợp tác về hàng không giữa hai nước.

* Thông tấn xã Việt Nam đã cho ra thử số không tờ báo hàng ngày bằng tiếng Pháp đầu tiên ở Việt Nam, Le Courrier du Vietnam. Theo dự tính tờ báo sẽ bắt đầu xuất bản từ cuối tháng 9. Hiện nay, thông tấn xã đã xuất bản một nhật báo bằng tiếng Anh, Vietnam News.

* Việt Nam đang cần khoảng 8.000 giáo viên giảng dạy ngoại ngữ để đáp ứng những nhu cầu học tập của học sinh. Trong năm học vừa khai giảng, chỉ 40% các trường trung học cơ sở và 79% trường trung học phổ thông (3 năm cuối trước tú tài) là có dạy ngoại ngữ. Ở đại học, có 33.000 sinh viên hiện theo học các khoá tiếng Anh, đứng thứ nhì là tiếng Pháp với 3.838 sinh viên ghi danh.

* Ngân hàng phát triển châu Á sẽ viện trợ cho Việt Nam 600.000 đôla để đào tạo cán bộ cho các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thẩm định về tác động tới môi trường của các dự án kỹ nghệ.

* Chính phủ Việt Nam đã thông qua dự án xây dựng một trung tâm thể thao Ô-lym-pic ở bờ Hồ Tây, Hà Nội. Trung tâm rộng khoảng 110 tới 150 ha, sẽ bao gồm một sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh và một hồ tắm Ô-lym-pic. Theo tổng cục thể dục thể thao, dự án cần từ 70 đến 100 triệu đôla, đã có những nhà tư bản nước ngoài nhận đầu tư nhưng chính phủ chưa có quyết định cuối cùng. Một dự án tương tự ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh còn trong vòng nghiên cứu.

* Nhân một phiên họp tại Hà Nội của Hội đồng giám mục Việt Nam, Tổng bí thư Đỗ Mười đã gặp gỡ các giám mục ngày 8.9.1994. Cuộc gặp được các nhà quan sát coi là một dấu hiệu làm dịu những căng thẳng giữa nhà nước và giáo hội công giáo, nhưng ngược lại bài phát biểu của tổng bí thư cũng được coi là một lời cảnh cáo gián tiếp đối với giáo hội đừng chống lại chính quyền.

* Theo tờ Vietnam News ngày 3.9, công ty Hàng không Việt Nam dự trù mở cửa đón vốn của những nhà đầu tư trong và ngoài nước để có được từ 3 tới 5 tỉ đôla dành mua từ 60 tới 80 máy bay thương mại trong vòng 10 năm tới. Từ tháng 8, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thủ tục đầu tư nước ngoài thông qua một cửa uỷ ban hợp tác và đầu tư thành phố được chỉ định là đầu mối duy nhất cho mọi hoạt động liên quan đến đầu tư nước ngoài.

* Chính phủ đã cho thành lập cơ quan Kiểm toán nhà nước nhằm kiểm soát việc quản lý sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Cơ quan sẽ kiểm tra những tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước doanh nghiệp quốc doanh và tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp (song không thấy nói đến việc kiểm tra sổ sách tài chính của Đảng cộng sản).

* Một nghị định về quyền sở hữu nhà và sử dụng đất tại đô thị, ra ngày 5.7, cho phép những người nước ngoài định cư ở Việt Nam mua nhà ở với các quyền sở hữu sử dụng, bán lại, tặng cho và để thừa kế. Khi người nước ngoài chấm dứt định cư quá ba tháng mà không làm thủ tục bán, tặng hay thừa kế thì sẽ mất quyền sở hữu nhà.

* Bộ trưởng Trần Hồng Quân đang chuẩn bị thành lập một hội đồng tư vấn về giáo dục và đào tạo, gồm chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước. Các trường đại học Việt Nam sẽ được phép bổ nhiệm người Việt Nam ở nước ngoài làm giáo sư tại trường. Một ban tiếp nhận đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài để thu nhận và điều phối các loại đóng góp (sách vở, tài liệu, học bổng).

* Nếu trong những năm 80, Việt Nam có từ 4000-5000 sinh viên du học (chủ yếu ở Liên Xô và Đông Âu), thì con số này chỉ còn có 1/10 trong những năm gần đây. Từ ba năm nay, Australia là nước đứng đầu trong việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam du học (200 học bổng trong năm 1994).

* Theo một nghị định của chính phủ ngày 30.5.1994, nhà nước không còn kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản, trừ trường hợp cần thiết do thủ tướng quyết định. Trong trường hợp này, bộ trưởng văn hóa - thông tin chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm duyệt và xử lý tác phẩm.

* Đoạt 11 huy chương (3 vàng, 3 bạc, 5 đồng), đoàn vận động viên Việt Nam xếp hạng nhì (sau Thái Lan và trước Singapore, Indonesia, Myanmar) trong năm nước tham dự giải vô địch xe đạp Đông Nam Á 1994, diễn ra tại Suphan Buri (Thái Lan). Ba huy chương vàng về tay Lưu Trần Xuân Mai (60 km, trẻ, nữ), Võ Hải Thanh (130 km, trẻ, nam) và đội trẻ nam (70 km).

* Ngân hàng thương mại Việt Nam (Vietcombank) đã đưa vào sử dụng chiếc máy rút tiền tự động đầu tiên ở Việt Nam, đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Vietcombank dự trù sẽ đặt máy này tại tất cả 200 chi nhánh của mình trong năm nay.

* Việt Nam đã lên tiếng hoan nghênh Nhật thành lập một quỹ bồi thương chiến tranh cho các nước châu Á bị Nhật xâm lấn trong chiến tranh thế giới lần 2. Quỹ này sẽ hoạt động trong 10 năm với tổng ngân sách một tỷ đôla, đã được thủ tướng Muryama quyết định trong tháng 8.1994.

* Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Gautam Kaji đã thảo luận với các quan chức cao cấp của Ngân hàng quốc gia Việt Nam về việc triển khai 1 tỷ đôla mà các định chế tài chính quốc tế viện trợ cho Việt Nam trong năm 1995. Trong chuyến đi Hà Nội vào giữa tháng 9 này, ông Kaji cũng đã công bố tài khoản 230 triệu đôla mà WB và Ngân hàng phát triển châu Á sẽ viện trợ cho Việt Nam để hiện đại hoá hệ thống điện.

* UNICEF sẽ viện trợ cho Việt Nam 135 triệu đôla từ nay tới cuối thế kỷ, dành cho việc cứu trợ trẻ em và phụ nữ túng thiếu. Đây là chương trình viện trợ 5 năm lần thứ 6 của UNICEF cho Việt Nam.

* Hãng hoá dầu Pháp Elf Atochem sẽ xây cất ở Biên Hoà một xí nghiệp sản xuất nhựa PVC với công suất 12.000 tấn/năm. Xí nghiệp này sẽ do Elf làm chủ 100% với tổng vốn đầu tư 3,5 triệu đôla.

* Một liên doanh chuyên về chế biến gạo (xay, xát, sấy...) giữa một xí nghiệp Hồng Kông và 4 đối tác Việt Nam đã được giấy phép của Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư. Liên doanh có tổng vốn đầu tư 10 triệu đôla sẽ bắt đầu xây cất một nhà máy chế biến gạo tại Bến Lức, tỉnh Long An.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us