Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Trung Quốc, Nhật Bản và tư bản

Trung Quốc, Nhật Bản và tư bản

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 14/04/2011 00:45, cập nhật lần cuối 12/05/2011 16:32

Trung Quốc, Nhật Bản
và chủ nghĩa tư bản


Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Tại sao trong số các nước Hán hoá giống nhau rất nhiều điểm về mặt văn hoá (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam) cho đến cách đây vài thập kỷ, Nhật Bản là nước duy nhất có khả năng vận dụng chủ nghĩa tư bản để phát triển nhanh chóng kinh tế và xã hội của họ? Dựa vào những sự kiện lịch sử và những ý kiến, Norman Jacobs trình bày trong quyển The origins of modern capitalism and Eastern Asia (Những nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản và Đông Á hiện đại) xuất bản ở Hương Cảng vào năm 1958, Fernand Braudel đã nhấn mạnh đến vai trò của xã hội và guồng máy nhà nước trong sự vắng bóng hay hình thành của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc và Nhật Bản. Dưới đây, tôi xin cố gắng trình bày những luận điểm của Norman Jacobs đã được Fernand Braudel tổng hợp và thảo luận trong tác phẩm nổi tiếng của ông: Civilisation matérielle, économie et capitalisme XVè - XVIè siècles. 2. les jeux de l’échange (Văn minh, kinh tế và chủ nghĩa tư bản thế kỷ 15- 16. 2. Các lối chơi của sự trao đổi) (Armand Colin, Paris, 1979).

Dù là nhà xã hội học, Norman Jacobs đã tỏ ra rất tin cậy ở vai trò của khoa học lịch sử để trả lời câu hỏi nêu ra trên đây, vì ông cho rằng những điều kiện tiên quyết cho sự hình thành của chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ. Và do đó, ông đã cố gắng tích luỹ những bằng chứng lịch sử đôi khi rất xa xưa: chẳng hạn, ông nhấn mạnh đến những chiếu chỉ ban hành vào thế kỷ thứ VII miễn thuế ruộng đất cho một vài thành phần xã hội và như vậy góp phần tạo điều kiện cho sự hình thành của chế độ phong kiến Nhật và tiếp theo, như sẽ trình bày ở một đoạn sau, của chủ nghĩa tư bản Nhật.

Chính vì quan niệm như thế nên Norman Jacobs đã tiếp cận rất nhiều vấn đề (trao đổi, quyền sở hữu, uy quyền chính trị, phân công lao động, sự phân tầng và tính lưu động (mobilité) xã hội, thân tộc, hệ thống thừa kế gia tài, vị trí của đời sống tôn giáo) và cố tìm trong mỗi lãnh vực những gì giống với quá khứ của châu Âu vì ông xem chúng trên nguyên tắc là mầm mống của tương lai chủ nghĩa tư bản Nhật.

Theo Norman Jacobs, trở lực cho chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc là nhà nước và sự cố kết chặt chẽ (cohérence) của guồng máy quan liêu nhà nước. F. Braudel nhấn mạnh thêm đến sức sống dai dẳng của nhà nước này: sau mỗi lần bị gãy đổ, nó lại được lập lại in hệt như trước, nghĩa là vẫn trung ương tập quyền, vẫn dùng ngôn ngữ sặc mùi đạo đức, vẫn hành động rập theo đạo lý Khổng giáo được thích nghi với thời cuộc, nhưng nhìn chung vẫn trung thành với những nguyên tắc là bắt văn hoá, tư tưởng và tôn giáo phải phục vụ cho mình. Và chính nhà nước, tức là các quan lại thuộc mọi cấp bực, phải phục vụ lợi ích chung (le bien commun). Đường sá, cầu cống, đê điều, kênh mương, an ninh và cai trị thành phố, bảo vệ biên cương, tất cả những điều đó đều do nhà nước gánh vác. Chẳng những thế nhà nước còn phải lo bảo đảm sản xuất nông nghiệp, thỉnh thoảng cho nông dân hay những người sản xuất tơ lụa vay tiền trước, thu mua lúa gạo chứa đầy các kho công cộng để phòng đói kém... Để bù lại cho sự can thiệp vào mọi thứ đó, nhà nước chỉ thừa nhận cho riêng mình quyền đánh thuế thần dân. Đành rằng nếu hoàng đế vô đạo thì ông ta sẽ mất mệnh trời và như thế sẽ mất mọi uy quyền. Nhưng bình thường và trên lý thuyết thì ông có tất cả mọi quyền. Ở Trung Quốc, đúng là quyền tư hữu ruộng đất được thừa nhận đời Hán, nhưng trên nguyên tắc thì nhà nước vẫn làm chủ đất đai. Nông dân và ngay cả những địa chủ quan trọng có thể bị đưa từ vùng này sang vùng khác ở Trung Quốc, cũng nhân danh lợi ích chung và nhu cầu dinh điền. Với tư cách là nhà kinh doanh khổng lồ, nhà nước tự dành cho mình quyền bắt nông dân làm đủ thứ lao dịch. Đúng là tầng lớp quý tộc địa chủ ngự trị trên đầu cổ nông dân và bắt nông dân phải lao động cho họ, nhưng đó không phải là một thứ quyền được thừa nhận là chính đáng mà chỉ vì tầng lớp quý tộc địa chủ chấp nhận đại diện và nhất là chấp nhận thu thuế cho nhà nước ở những làng mạc không có quan lại trông nom. Như vậy ngay chính tầng lớp quý tộc cũng lệ thuộc nhà nước.

Cũng tương tự như thế, các thương gia hay các chủ xưởng sản xuất cũng bị chính quyền “thiên thủ thiên nhãn này” cảnh cáo, theo dõi và giới hạn trong mọi hoạt động. Ở các bến cảng, các thuyền buôn bị kiểm soát khi đi cũng như khi đến bởi vị quan sở tại. Vài sử gia nghĩ rằng việc cho những đoàn tàu đông đảo vượt biển vào đầu thế kỷ XV là cách để nhà nước kiểm soát những món lời của nền ngoại thương tư nhân. Cũng có thể là thế, nhưng chưa lấy gì làm chắc. Mọi thành phố đều bị theo dõi, chia thành khu, thành phường, bị ngăn cản để không ai được tự do ra vào ban đêm. Trong những điều kiện đó, những người buôn bán, cho vay nặng lãi, đổi tiền, những chủ xưởng sản xuất, dù đôi khi được nhà nước trợ cấp để hành động theo hướng này hay hướng kia, làm ăn thật không dễ dàng gì. Nhà nước có quyền trừng trị và đánh thuế bất cứ ai, nhân danh công ích lên án sự giàu có quá mức của những cá nhân bị xem như là một sự bất công, bất bình đẳng không hợp đạo lý. Kết quả là kẻ phạm tội bị đưa vào chuẩn mực bình thường không thở than gì được: vì ngay chính đạo lý công cộng đã trừng trị anh ta. Chỉ có giới quan lại lắm quyền và những cá nhân được họ che chở là nằm ngoài quy luật nói trên, nhưng những đặc quyền của họ cũng chẳng bao giờ được bảo đảm. Dù không muốn cường điệu ý nghĩa của một trường hợp cá nhân, ta có thể nhắc đến câu chuyện Hoà Thân, vị thượng thư sủng ái của hoàng đế Càn Long, đã bị giết và tịch thu tài sản sau khi Càn Long chết vào năm 1799. Đã đành Hoà Thân là kẻ tham nhũng nên thiên hạ ghét, nhưng ông ta bị thảm hoạ chủ yếu cũng vì ông ta có nhiều của cải quá, một bộ sưu tập tranh của các hoạ sư xưa, nhiều nhà cho vay cầm đồ, một kho lớn vàng bạc và nữ trang – tóm lại ông ta giàu quá và thêm một tội nữa là không còn làm thượng thư!

Nhà nước còn một số đặc quyền khác: quyền được tự ý đúc tiền có chất lượng xấu bằng đồng trộn chì, thường bị làm giả (nhưng vẫn cứ được lưu hành) và bị giảm giá khi những chữ ghi trên mặt nhằm xác định đó là tiền thật, bị mờ hay bị xoá đi; quyền được tự ý phát hành tiền giấy mà những người có trong tay chẳng bao giờ biết chắc là một ngày nào đó họ sẽ được hoàn lại bằng tiền kim loại. Dù thường kiếm lời chẳng được là bao nhờ thu thuế cho nhà nước, những người buôn bán, cho vay nặng lãi, đổi tiền sống trong sự lo sợ bị bắt phải đóng góp khi họ có dấu hiện đầu tiên là đã trở nên giàu có hay bị một người cạnh tranh tố cáo để nhà nước – vốn muốn mọi người đều ngang nhau – trừng trị.

Trong một hệ thống như vậy, chỉ có nhà nước và guồng máy nhà nước mới tích luỹ được.

Khác với N. Jacobs lý luận tiên nghiệm (a priori) theo kiểu: không có chủ nghĩa tư bản thì không có kinh tế thị trường, F. Braudel nghĩ rằng, thí dụ Trung Quốc ủng hộ quan điểm cố hữu của ông cho rằng cần phân biệt kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản. Bởi vì Trung Quốc vốn có một nền kinh tế thị trường vững chắc với không biết bao nhiêu chợ búa, với một đội ngũ thợ thủ công và người bán hàng rong đông như kiến cỏ, với hằng hà sa số cửa hàng và điểm hẹn đô thị. Như vậy, ở cơ sở đã có những trao đổi mạnh mẽ và liên tục lại được chính quyền (vốn xem thành tích nông nghiệp là chính yếu) ưu đãi; nhưng bên trên, vẫn còn khắp mọi nơi sự giám hộ của guồng máy nhà nước – và sự thù địch rõ ràng của nhà nước này đối với mọi cá nhân giàu lên “một cách không bình thường”. Một bằng chứng của sự thù địch đó là ở Trung Quốc những đất đai gần thành phố (ở châu Âu vốn là nguồn thu nhập và tô tức quan trọng cho thị dân đã mua với giá cao) bị đánh thuế nặng nề nhằm giảm bớt ưu thế của chúng so với những đất đai ở xa hơn, ưu thế có được nhờ ở gần các chợ thành phố. Tóm lại không có chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc, ngoại trừ ở bên trong những nhóm nhất định được nhà nước bảo lãnh, theo dõi và mặc tình sách nhiễu, như những nhà buôn muối vào thế kỷ XIII và tổ chức công hàng ở Quảng Châu. Nhiều lắm ta có thể nói đến một tầng lớp tư sản vào thời Minh hay một thứ chủ nghĩa tư bản thực dân (capitalisme colonial) tồn tại cho đến ngày nay trong cộng đồng Hoa kiều, đặc biệt ở Inđônêdia, Mã Lai.

Theo F. Braudel, nếu không sợ làm sai lệch những giải thích của N. Jacobs, có thể nói rằng, tương lai tư bản chủ nghĩa đã được an bài ở Nhật Bản ngay từ thời Ashikaga (1368-1579), với sự hình thành của những lực lượng kinh tế xã hội độc lập với nhà nước (như những phường hội ngành nghề, như việc buôn bán ở phương xa, như thành phố tự do, những tổ chức thương nhân không phải bẩm báo với ai cả). Những dấu hiệu đầu tiên của sự thiếu vắng tương đối uy quyền nhà nước đã xuất hiện sớm hơn nữa, ngay từ khi hệ thống phong kiến vững chắc được xác lập. Nhưng lại có vấn đề ngày tháng bắt đầu: nếu cho rằng vào năm 1270 hệ thống phong kiến xuất hiện rõ nét thì chính xác quá trong một lãnh vực mà sự chính xác có thể đánh lừa ta và để trong bóng tối những điều tiên quyết của sự hình thành của hệ thống phong kiến, của những sở hữu cá nhân lớn về ruộng đất, phương hại đến những điền trang của thiên hoàng. Các sở hữu chủ ruộng đất lớn này, ngay cả trước khi được quyền thừa kế từ đời này sang đời khác, đã chiêu mộ binh lính để có thể tồn tại mãi và bảo vệ sự tự trị của mình. Tất cả những điều vừa trình bày đưa đến việc tạo ra trên thực tế, chậm hay nhanh, những tỉnh gần như độc lập, hùng cường, che chở cho các thành phố, các thương nhân, các ngành nghề, các quyền lợi riêng biệt của chúng.

Theo F. Braudel, sở dĩ chế độ phong kiến không xuất hiện dưới triều Minh (1368-1644) là vì dân Trung Quốc lúc nào cũng quá đông đảo, điều đó kéo theo sự liên tục và khả năng lập lại sự quân bình. Như ta biết, F. Braudel vẫn cho rằng nguồn gốc của hệ thống phong kiến gắn chặt với tình trạng ít dân do tai hoạ hay sự giảm dân gây nên hay do có một xuất phát điểm đầu tiên trong một nước còn tương đối mới. Khác với Trung Quốc, nước Nhật trước thời Ashikaga là một quần đảo ba phần tư vắng người và lạc hậu so với Trung Quốc và Cao Ly. Vào các thế kỷ xa xôi đó, Nhật Bản còn đuổi theo cái bóng của nền văn minh Trung Hoa, nhưng Nhật còn thiếu cái bề dày của số lượng. Những cuộc chiến tranh dai dẳng, dã man, trong đó những nhóm nhỏ chế ngự được với rất nhiều khó khăn một hay nhiều nhóm khác, đã duy trì tình trạng kém phát triển kinh niên và quần đảo bị chia thành những đơn vị tự trị mà sự cưỡng chế bắt liên kết lại một cách giả tạo; nên khi có cơ hội, chúng liền dành lại ngay sự tồn tại tự do của chúng. Được hình thành như thế, các xã hội Nhật Bản luôn luôn lộn xộn, bất bình đẳng, biệt lập lẫn nhau. Mặc dầu, đối đầu với tình trạng chia lìa manh mún đó, có uy quyền của thiên hoàng ngự trị ở Kyoto (uy quyền có tính cách lý thuyết và thiêng liêng hơn là thực sự) cũng như uy quyền dựa trên bạo lực và bị phản đối của tướng quân (shogun) có thủ phủ ở nhiều nơi kế tiếp nhau. Cuối cùng vị tướng quân đã lập ra chính quyền mạc phủ (bakufu) và xác lập nó trên toàn Nhật Bản dưới thời Iedoshyi, người đã sáng lập triều dại Tokugawa (1601-l868) cai trị cho đến cuộc cách mạng Minh Trị.

Một cách đơn giản hơn, ta có thể nói rằng trong một tình trạng vô chính phủ gần giống như thời trung cổ ở châu Âu, mọi thứ đã cùng mọc lên trên sân khấu nhiều vẻ của Nhật trong các thế kỷ hình thành chậm chạp của nước này: chính quyền trung ương, các lãnh chúa, các thành phố, các tầng lớp nông dân, thợ thủ công, thương nhân. Xã hội Nhật đã đạt được nhiều quyền tự do tương tự như ở châu Âu thời trung cổ, nghĩa là những đặc quyền mà người ta có thể dùng làm vật chướng ngại để núp sau đó, tự vệ, sống còn. Không phải mọi sự đều được giải quyết cùng một lần và một cách đơn phương. Và phải chăng chính điều đó cũng có chút gì giống với tính đa nguyên của các xã hội phong kiến ở châu Âu, tính đa nguyên tạo ra xung đột và chuyển động (mouvement)?

Dòng họ Tokugawa đã không lập ra được một chế độ toàn trị như ở Trung Quốc vì họ chỉ thắng lợi một nửa thôi như các nền quân chủ ở châu Âu. Các đại danh (daimyo) tức là những lãnh chúa Nhật đã phải nhượng bộ và chấp nhận uy quyền của mạc phủ dựa trên một quân đội hùng mạnh và tạo được một hệ thống quan lộ với những trạm nghỉ có tổ chức cho phép canh chừng và can thiệp một cách hiệu quả. Các đại danh đã phải chấp nhận sống một năm trên hai ở Edo (Tôkyô) theo kiểu quản thúc tại gia. Khi họ về thái ấp, vợ con của họ phải ở lại làm con tin. Một người bà con của thiên hoàng cũng phải sống ở Edo và làm con tin như thế. So sánh với họ, tình trạng nô lệ vàng son của quý tộc Pháp ở điện Louvre hay Versailles còn tự do hơn nhiều. Tương quan lực lượng như vậy nghiêng hẳn về phía tướng quân (shogun), nhưng không phải vì vậy mà không có căng thẳng và không dùng bạo lực. Bằng chứng tiêu biểu nhất là việc tướng quân Iemitsu khi lên kế vị cha đã dàn cảnh để áp đảo các đại danh và đe doạ tấn công bất cứ lãnh chúa nào không chịu làm thần dân của ông. Chính tướng quân Iemitsu cũng đã bế môn toả cảng cấm buôn bán với nước ngoài. Bằng những cách nói trên, ông ta đã khống chế được các tầng lớp thương nhân và quý tộc.

Tuy bị khống chế như thế nhưng các lãnh chúa phong kiến vẫn giữ được thái ấp của họ. Và nhờ vậy, các gia đình phong kiến đã sinh sôi nảy nở cho đến ngày nay. Hơn nữa, nhiều nhân tố khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trường thọ của dòng họ, đặc biệt là quyền thừa kế của trưởng nam, trong khi ở Trung Quốc gia tài được chia cho tất cả con trai. Dưới bóng của các gia đình giàu mạnh này (mà một số đã vượt qua được thử thách của chủ nghĩa tư bản công nghiệp) đã tồn tại rất lâu tầng lớp quý tộc nhỏ (samourai) sẽ đóng một vai trò trong cuộc cách mạng tiếp theo thời Minh Trị. (Còn tiếp)


Nguyễn Trọng Nghĩa

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss