văn hoá động lực phát triển
Thử nhìn văn
hoá như
một động lực của sự phát triển
Nguyễn Huệ Chi *
1. Trong các quan niệm từng được lưu hành trước nay về hai chữ “văn hoá”, hình như chúng ta vẫn có cái nhìn phần nào phiến diện: coi văn hoá chỉ đơn thuần là những sản phẩm thuộc các hệ giá trị tinh thần. Chính vì thế khi bàn về văn hoá như là động lực của sự phát triển, thường không tránh khỏi một sự mặc cảm tự nhiên: chỉ có vật chất mới quyết định tinh thần chứ tinh thần làm thế nào quyết định được vật chất! Và cho dẫu sách vở có nói rằng tinh thần có tác dụng năng động trở lại đối với vật chất, thậm chí có thể trở thành một lực lượng vật chất đi nữa, thì chúng ta vẫn xem nhẹ cái tác dụng “năng động trở lại” ấy của văn hoá. Hoặc giả, ta nhìn nhận tác dụng “năng động trở lại” ấy một cách nhạy bén ở mặt cản trở, mà hết sức mơ hồ đối với mặt thúc đẩy, vì lẽ văn hoá với tư cách là những hằng số kết tinh lại từ quá khứ vẫn thường dễ bị xếp vào cùng một loại hình với các sản phẩm xa gần của hệ tư tưởng cũ, mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhìn trên nguyên lý, thì lại luôn luôn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai hệ tư tưởng, nhằm đập tan hệ tư tưởng cũ cùng với đủ loại con đẻ khác nhau của hệ tư tưởng này. Không thể không thừa nhận đó là một cách khu xử mang tính quan niệm của nhiều cán bộ tuyên, văn, giáo, huấn chúng ta trong công tác vận động văn hoá suốt từ 4-5 thập kỷ nay. Di sản văn hoá quá khứ, trừ một số rất ít, thường bị huỷ hoại một cách vô tình hay cố ý, mà thủ phạm không ý thức được trách nhiệm. Về một phương diện khác, những điều kiện sinh thành của nền văn hoá mới lại không được chú ý bồi đắp, để một hệ giá trị văn hoá hiện đại có thể xuất hiện và đóng được vai trò then chốt của mình. Kết quả như đã thấy, sự xuống cấp nhiều mặt trong xã hội đã diễn ra với một tốc độ mà không rõ đến nay chúng ta đã hãm lại được hay chưa, có thực sự hãm lại được hay không, hay chỉ là hình thức mà thôi. Cái giá phải trả cho sự coi nhẹ văn hoá ai cũng đã thấy rõ nhưng vẫn chưa ai lường hết được hậu quả.
2. Để điều chỉnh lại thực tiễn tất nhiên về mặt lý thuyết cũng phải xem xét lại nội hàm của hai chữ “văn hoá”. Đã từ lâu khái niệm “văn hoá” theo nghĩa cổ điển không còn được giới nghiên cứu chuyên ngành trên thế giới chấp nhận mà thay vào đấy là một khái niệm mở rộng hơn nhiều. Nhưng vấn đề là mở rộng bao nhiêu thì vừa đủ? Theo chúng tôi, điều quan trọng chưa phải là cấp cho văn hoá một khái niệm mở rộng hay thu hẹp, tức là một sự đổi thay về mặt số lượng, để có thể nhận thức vai trò của văn hoá là quan trọng. Điều chủ yếu là phải tiếp cận nó trong hệ thống, như nó vẫn hiện diện và thường trực phát huy tác dụng đối với cuộc sống vật chất cũng như tinh thần. Ở đây, văn hoá là một sự tổng hoà các hoạt động tinh thần và hoạt động vật chất. Và nhìn vào cấu trúc, văn hoá vừa hiện ra như một tập hợp dọc (kế thừa nhau trong tiến trình lịch sử), lại vừa như một tập hợp ngang (một cấu trúc hình thái với nhiều tầng bậc khác nhau) [...](l). Trong mối quan hệ nhiều chiều như vậy, nếu chỉ xét cô lập một hiện tượng nào thôi, thao tác của chúng ta sẽ không tránh khỏi tuỳ tiện. Nhưng chỉ cần đặt vào hệ thống, mỗi hiện tượng sẽ tự bộc lộ bản chất và quy luật vận hành của nó, và chúng ta dễ dàng nhìn thấy trong toàn bộ mạng lưới đã vạch sẵn, hiện tượng nào là cốt lõi nhất mà chỉ cần tác động vào đấy sẽ dẫn đến những đột biến dây chuyền theo cấp số nhân. Vai trò đặc biệt quan trọng của văn hoá đối với phát triển không phải là ở chỗ nó làm vật chứng và vật trang sức cho lịch sử, mà là ở chỗ, với tư cách những hệ giá trị ổn định, sự tăng trưởng hay giảm sút của một đại lượng văn hoá theo hướng tiệm biến, đến một độ chín muồi nào đấy, bao giờ cũng kéo theo nó sự tăng trưởng hay giảm sút kịch biến tương ứng ở một đại lượng khác, một đại lượng lao động sống mà tiềm năng hay hậu quả của các giá trị do sự kịch biến tạo ra chưa thể lường trước được: đó chính là nội lực của khối cộng đồng dân tộc – chủ thể của các hệ giá trị văn hoá làm tiền đề tồn tại cho nó.
3. Văn hoá muốn đóng được vai trò tác động tích cực đến xã hội hiện đại phải tự đổi mới mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng phải biết tìm ra đúng những đặc trưng riêng và quy luật tồn tại riêng mà lịch sử đã quy định cho mình. Trong nhiều công trình trước đây, kể từ bài viết Nho, Phật, Đạo trong đời sống văn hoá tư tưởng và trong văn học Việt Nam dưới thời Lý - Trần được Viện Sử học in trong cuốn Xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, năm 1981, tôi vẫn chủ trương văn hoá Việt Nam trước sau là một hiện tượng dung hợp (syncrétisme) và đó là quy luật chi phối vận mệnh sống còn của nó. Trong những năm gần đây, nhiều học giả cũng có những kiến giải lý thú về vấn đề này. Gần đây nhất, trong cuốn Trung Hoa văn hoá sử, các tác giả Trung Quốc đã dùng quan điểm “dung hợp” để phân tích bản sắc văn hoá Trung Hoa. Họ cho rằng ngay trong các thời kỳ cực thịnh của Nho giáo, văn hoá Trung Hoa nhìn trong chiều sâu vẫn là văn hoá đa nguyên nhiều thành phần, và họ đã bác bỏ một cách có căn cứ những luận thuyết nói rằng chỉ Nho giáo mới là nhân tố văn hoá quan trọng giúp nước Nhật đi thẳng lên hiện đại(2). Hiện tượng dung hợp trong văn hoá Việt Nam, theo tôi nghĩ, đã diễn ra hồn nhiên trong nhiều thời kỳ lịch sử, chứ không phải trong ý thức thường trục, tự giác về sự sáng tạo của chủ nghĩa yêu nước như nhiều người vẫn tưởng. Và chính sự hồn nhiên mới là điều kiện cho quy luật dung hợp của văn hoá diễn ra một cách bình thường, tuần tự, trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc chúng ta. Trong thời kỳ xây dựng độc lập của các quốc gia Đại Việt, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đã tồn tại bên nhau, không phải với tư cách đơn lập mà có nhiều mặt thâm nhập vào nhau, giằng mắc lấy nhau, chi phối như một tổng lực đối với tâm thức dân gian cũng như trong phép ứng xử của Nho sĩ. Đó chính là cách dung hợp hồn nhiên của văn hoá Đại Việt thời kỳ đầu. Tất nhiên hiện tượng thanh lọc cũng đã diễn ra gắn liền với quá trình dung hợp ấy, và đó chính là một phương thức sáng tạo hồn nhiên của văn hoá dân tộc. Thanh lọc không nhìn trong đơn lập đối với một hệ tư tưởng nào mà nhìn trong quan hệ tổng thể cả ba hệ tư tưởng đã nói thì cái gọi là sáng tạo sẽ có cơ sở để nhận thức rõ ràng. Yếu tố này tất bị cưỡng chế bởi yếu tố kia và ngược lại, yếu tố kia cũng phải nhân nhượng yếu tố này một phần nào đó. Mối quan hệ thâm nhập, giằng mắc lẫn nhau giữa chúng sẽ tạo ra một sự cân bằng trong tâm lý người tiếp nhận, có giá trị giải toả mọi ức chế do sự thiên vị một hệ thống nào đó gây nên. Đó là phương thức ứng xử của người Việt, bất kỳ Nho sĩ trí thức hay kẻ ít học hành. Chỉ cần mở các tác phẩm của Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ cũng thấy rằng dù thời đại nào, dù Nho giáo có độc tôn đến đâu thì Phật giáo và Đạo giáo vẫn luôn luôn đeo đẳng lấy Nho giáo như một duyên nợ, vừa hoá giải được cách nhìn cứng nhắc của hệ tư tưởng Nho giáo trong họ, vừa có tác dụng nâng đỡ tâm hồn họ, giúp cho tình cảm của họ trở nên thanh thản và cũng thêm uyển chuyển mềm mại, qua một thoáng trầm mặc siêu hình. Và sau những giờ phút phải đặt mình vào cái khuôn “nhất nguyên” Nho giáo, lý trí nặng như đá đeo vì những chuẩn mực trung, hiếu, tiết nghĩa khô cứng, bao giờ nhà Nho cũng bằng cách này hay cách khác tìm sự thăng bằng trở lại cho tâm hồn họ trong các biện pháp “phóng nhiệm”, “buông xả” của Phật và Đạo; nó là một phương thức tiếp nhận “đa nguyên” đầy ý nghĩa, một chuyển động ngầm nhưng hầu như khó cưỡng. Nói dung hợp của văn hoá chính là ở đấy và nói sáng tạo của văn hoá cũng chính là ở đấy.
4. Vậy hãy thử lật ngược lại vấn đề bằng cách tìm hiểu vai trò tác động của chính quyền Nhà nước? Quy luật dung hợp của văn hoá có xê dịch nhiều ít hay không trước sự tác động có tính chất quan phương này? Hai ví dụ sau đây sẽ cho ta những bằng chứng sáng tỏ hơn. Thứ nhất là thái độ ủng hộ “Tam giáo đồng nguyên” của triều đại Trần. Tôi nghĩ, đây là sự mẫn cảm phi thường của một vương triều thấu hiểu được các yêu cầu của lịch sử, và biết cụ thể hoá bằng các chủ trương chính sách của triều đình. Họ không những lo củng cố Phật giáo, tổ chức nên một Giáo hội Phật giáo thống nhất từ triều đình cho đến thôn xã, không những lo kiện toàn các khoa thi Nho giáo để đào tạo nhân tài, mà điều quan trọng, là còn biết chuẩn bị cho sự ra đời một đội ngũ trí thức vừa giỏi Nho vừa tinh thâm cả Đạo và Phật, đáp ứng được mọi yêu cầu đa dạng của đời sống chính trị, xã hội và cả cái nhu cầu vi diệu của tâm linh. Quan điểm dung hợp Nho, Phật, Đạo được thể hiện nhất quán từ ông vua đầu – Trần Thái Tông – cho đến những ông vua anh minh và anh hùng ở đời con, đời cháu. Chẳng hạn, Trần Nhân Tông, nối chí ông nội, đánh xong giặc Nguyên Mông ít lâu bèn cởi áo hoàng bào đi tu, làm vị tổ đầu tiên của Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử; nhưng ông vẫn không quên kiên nhẫn rèn luyện phẩm cách một bậc “nhân nhân quân tử” cho ông vua kế vị, và nêu cao nghĩa khí nhà Nho của đám bề tôi, rường cột của Triều đình. Đặc biệt, chủ trương dung hợp Nho, Phật, Đạo của các vua Trần thời này lại không hề đi kèm với những biện pháp cứng rắn mệnh lệnh, mà được thực hiện khá uyển chuyển, lấy việc thuyết phục và tự nguyện làm phương châm hàng đầu. Khi vua Trần Anh Tông (1293-1320) rủ Nguyễn Trung Ngạn đi tu, ông không theo, nhà vua cũng không nài ép. Đối với Trương Hán Siêu (?-1354) một người kích bác Phật giáo, Trần Anh Tông đã không hề có một cử chỉ uốn nắn nào tỏ ra thô bạo, chỉ cử ông đến làm Giám tự ở chùa Quỳnh Lâm. Thế là chỉ một thời gian sau, Trương Hán Siêu chợt nhận thấy sự cực đoan vô lý trước đây của mình:
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
(Dục Thuý Sơn – Trần Văn Giáp dịch)
Chính là từ một sự chuẩn bị chu đáo như thế mà vào khoảng giữa triều đại Trần Minh Tông (1314-1357), một tầng lớp sĩ phu đông đảo với tất cả cốt cách tài hoa, sự sắc sảo, năng động, biết ứng phó trước mọi tình thế, đã xuất hiện ồ ạt giữa triều đình nhà Trần, làm rường cột cho sự phát triển của đất nước mà Đại Việt sử ký toàn thư phải gọi là “nhân tài đầy dẫy” và Lê Quý Đôn cũng nhắc đến với lòng kính trọng: “Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hoà nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng, vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ sử sách”(3). Hơn đâu hết, nói đến sự thành công trong việc tạo nên một lực lượng xã hội định hướng nhằm đưa đất nước bước sang một thời kỳ toàn thịnh, nhất thiết phải nói đến thời đại này. Rõ ràng sự cởi bỏ những ràng buộc khắt khe về hệ tư tưởng, khuynh hướng tự do thoải mái trong một chừng mức nhất định trong việc chuyển đổi quan niệm nhất nguyên chính thống thành sự hỗn dung, đa dạng về tư tưởng, trong những điều kiện lịch sử cụ thể nào đấy đã làm cho văn hoá thời đại Trần phát triển mạnh mẽ hơn và từ văn hoá, đã dẫn tới sự cường thịnh của một triều đại anh hùng, ba lần đánh bại đạo quân vô địch của Mông Cổ.
Ví dụ thứ hai là triều đại Lê Thánh Tông (1460-1497). Ông lên ngôi khi có một bước khủng hoảng nội bộ trong triều đình Lê sơ và ông đã chấn chỉnh lại bộ máy nhà nước theo mô hình quân chủ Tống Nho, bài xích Phật và Đạo, loại trừ các yếu tố folklore ra khỏi văn hoá cung đình, đưa văn hoá cung đình đi dần vào điển chế. Phải thừa nhận Lê Thánh Tông đã xây dựng được một chế độ quân chủ chuyên chế thịnh trị với đội ngũ Nho sĩ hùng hậu, một bộ máy quân sự cực mạnh, luôn luôn đánh Đông dẹp Bắc để giữ vững cương giới sơn hà, và một bộ luật Hồng Đức tiến bộ làm cơ sở “an cư lạc nghiệp” cho xã hội quan liêu phong kiến nhà Lê. Tuy nhiên, cái triều đại mà Lê Thánh Tông xây dựng lại thiếu đi cái không khí dung hợp hồn nhiên làm nên sức sống thực của nó, trái lại có quá nhiều những yếu tố nhân vi nhân tạo. Nếu ở lớp “hình thái văn hoá cơ chế” của triều đại này có những mặt được kiện toàn hơn, chuẩn mực hơn, đĩnh đạc hơn, thì ở lớp “hình thái văn hoá hành vi” và “hình thái tâm lý xã hội” dường như lại có những mặt biểu hiện không thật, có cái gì như bất thường, và bắt đầu phần nào có xơ cứng trong nhiều mối quan hệ. Kết quả là Lê Thánh Tông vừa nằm xuống thì cả bộ máy nhà nước đồ sộ mà ông dựng lên đã lâm ngay vào khủng hoảng. Tầng lớp Nho sĩ đông đảo mà ông cố công đào tạo trong gần suốt 40 năm đã đi nhanh vào lục đục và suy thoái. Phải chăng trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự sụp đổ của triều đại này có sự lầm lẫn buổi đầu của cái mô hình văn hoá độc quyền phi tự nhiên và sai quy luật mà vị hoàng đế quyết đoán và có tài đó đã lựa chọn? Văn hoá Việt Nam xưa nay vẫn luôn luôn sa thải âm thầm dài lâu, nhưng rất hữu hiệu, các hiện tượng đi chệch ra ngoài quy luật.
Nguyễn Huệ Chi
(
Phương pháp luận về vai trò của văn hoá trong phát triển.
Nxb
Khoa
Học Xã Hội, Hà Nội 1993, từ 138-146.)
* Giáo sư Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Được
biết ở chỗ này bài
viết còn một phần quan trọng
nhằm lý giải các hình thức cấu trúc
văn hoá và quan hệ giữa chúng,
nhưng chưa in.
(2) Xem Trung Hoa văn hoá sử . Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1990, quyển hạ, tr. 1159- 1180.
(3) Kiến văn tiểu lục. Nxb Sử học, Hà Nội, 1962; tr. 303.
Các thao tác trên Tài liệu