Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 34 / Đối thoại với ông Lê Hồng Hà

Đối thoại với ông Lê Hồng Hà

- Trần Đạo — published 14/04/2011 01:35, cập nhật lần cuối 23/11/2016 11:00

Đối thoại với
ông Lê Hồng Hà


Trần Đạo



Bài này và bài về Trần Đức Thảo, tác giả viết sau khi đọc bài của Lê Hồng HàNguyễn Văn Trung đăng trên số 3 (tháng 8.94) tạp chí Đối thoại (P.O.Box 4692, Garden Grove, CA 92642, Hoa Kỳ; đại diện tại châu Âu: Lê Tất Luyện, 15 place Souham, 75013 Paris).



Bài Hội thảo về Chủ nghĩa xã hội dân chủ” ” của ông Lê Hồng Hà thú vị và bổ ích, đặc biệt về vấn đề phương pháp. Nó cho ta thấy cố gắng, vấn đề, của một số người cộng sản Việt Nam muốn tìm một con đường Việt Nam cho sự phát triển của xã hội, của đất nước. Một trong những cố gắng ấy là phê phán học thuyết Mác-Lênin.

Ông Lê Hồng Hà có lối nhập đề mẫu mực:

1/ Khẳng định cách đặt vấn đề của mình là nghiên cứu khoa học,

2/ Khẳng định phương pháp suy luận của mình là phát huy sự suy nghĩ độc lập của mình và dựa vào thực tiễn đời sống của nhân loại làm tiêu chuẩn chân lý”.

Ta chỉ có thể tán thành. Tuy nhiên...

Lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn cho chân lý là thái độ khoa học do Galilée khởi xướng. Nó là nền tảng phương pháp luận giúp khoa học tự nhiên phát triển suốt mấy trăm năm nay. (Trong bài này, khoa học tự nhiên chỉ các môn khoa học trực thuộc vật lý kinh điển, như cơ học, hoá học, điện tử, v.v...). Nhưng trong hiện thực có lãnh vực không thể áp dụng phương pháp thử nghiệm để khẳng định đúng sai. Sinh học chẳng hạn. Ta không thể đem sinh mạng của con người thử nghiệm xem một giả thuyết về “sinh tính là gì” đúng hay sai. Không đơn thuần vì pháp luật cấm giết người. Giết thú cũng được. Nhưng vì bản thân sự sống, đối tượng của thử nghiệm, sẽ tiêu vong trong quá trình thử nghiệm, chẳng còn gì để... nghiên cứu. Trong khoa học nhân văn (cụm từ này đặc biệt rối rắm: vừa là khoa học vừa là văn!) vấn đề phức tạp hơn. Đối tượng nghiên cứu là người, xã hội, tư tưởng, tình cảm, lịch sử. Đối tượng loại ấy có mấy nét đặc thù:

1/ Không thể tách riêng ra để xem xét mà không huỷ hoại một cách cơ bản bản thân đối tượng nghiên cứu.

2/ Không thể tái diễn một cuộc thử nghiệm trong cùng điều kiện.

3/ Trong đối tượng nghiên cứu có bản thân người nghiên cứu.

4/ Sự kiện có thực, khách quan (trong nghĩa: nó xẩy ra ngày đó, năm đó) và không thay đổi qua thời gian. Nhưng ý nghĩa của chúng đối với con người (có) thật, và do đó có thể thay đổi hàng ngày hàng giờ, trong từng người. Thí dụ: ý nghĩa của những sự kiện đã xẩy ra từ vài chục năm nay ở Việt Nam, hôm nay có thể khác xa hôm qua trong tư duy của ông Lê Hồng Hà. Nếu điều đó đúng, nó chỉ chứng minh ông Lê Hồng Hà là người tự do, tự chủ. Như rất nhiều người Việt Nam khác, có suy nghĩ khác ông, hôm qua và hôm nay. Nó không chứng minh điều ông nghĩ về những sự kiện ấy, hôm nay “đúng” hơn hay “sai” hơn (trong nghĩa khoa học tự nhiên) điều ông nghĩ hôm qua.

Do đó những phương pháp suy luận dựa trên thống kê (tính khách quan của quá khứ) có thể giúp ta đoán một số diễn biến sắp tới của xã hội trong những thời điểm tương đối ổn định, lúc quán tính của sự vận động đương thời làm động cơ quyết định của sự vận động sắp tới. Nhưng gặp những thời điểm “khủng hoảng”, chưa có phương pháp khoa học nào cho phép suy diễn đúng sự vận động của xã hội. Điều ấy vẫn thuộc lãnh vực nghệ thuật chính trị. Kinh nghiệm như thế đầy rẫy trong lịch sử. Chẳng có nhà khoa học nào đã tiên đoán được sự bùng nổ của xã hội Pháp trong mùa xuân 68. Cũng chẳng có nhà khoa học nào tiên đoán được sự sụp đổ trong chớp mắt của các chế độ xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Đố ai tiên đoán và chứng minh được sự phát triển sắp tới của châu Âu, cả Đông lẫn Tây. Và của Việt Nam.

Trong nhân văn, niềm tin khoa học, hiểu theo nghĩa khoa học tự nhiên, là niềm tin không có căn cứ khoa học. Tinh thần khách quan (objectivité) cũng vậy, nó hoàn toàn chủ quan, vì, đơn giản, tư tưởng của con người không có hình thái tồn tại của vật thể (objet).

Do đó, phê phán học thuyết mácxít, ta đụng ngay những vấn đề phương pháp nan giải. Làm sao phân biệt tư tưởng của chính Marx với cách hiểu và vận dụng nó của một số người cộng sản trong thế kỷ 20? Và, dĩ nhiên, với cách hiểu của bản thân người viết bài này? Sau đây xin nêu một thí dụ.

Tác giả trích Tuyên ngôn Cộng sản: Toàn bộ lý luận của Chủ nghĩa Cộng sản có thể nói tóm lại là xoá bỏ chế độ tư hữu”. Bản dịch tiếng Việt có phần thiếu chính xác. Đúng, Marx đã viết ý đó trong tuyên ngôn nọ, và Marx không phải loại tác giả viết tuỳ hứng. Đúng, Đảng cộng sản Việt Nam vừa nắm chính quyền đã lẹ tay “công hữu hoá” nền kinh tế. Từ đó ông Lê Hồng Hà kết luận: Khi chúng ta thực hiện công hữu hoá, cải tạo XHCN... chính là chúng ta đang chấp hành Mác và chính vì chấp hành Mác mà chúng ta không đưa dân tộc tiến lên được”. Vậy, rõ ràng Marx sai.

Cách lý luận này, theo tôi, sai về mặt phương pháp: tách một câu văn “nói tóm” một ý tưởng khỏi những lập luận dẫn tới nó, khiến nó lạc nghĩa.

Tuyên ngôn Cộng sản là bài hịch hay và đẹp của Marx và Engels trong tư cách người dấn thân. Họ thảo Tuyên ngôn với mục đích viết một chương trình hành động chi tiết, vừa lý thuyết vừa thực tiễn, của Đảng và với mục đích quảng cáo”1. Tuyên ngôn trình bày khá chính xác và chặt chẽ quan điểm của họ, nhưng không đào sâu lý thuyết, và có nhiều điều họ biết trước là sẽ lỗi thời, hoặc không phù hợp nhiều hoàn cảnh: Chính Tuyên ngôn giải thích rằng việc ứng dụng những nguyên tắc luôn luôn và ở mọi nơi sẽ tuỳ thuộc những hoàn cảnh lịch sử nhất định, và do đó, không nên quá coi trọng những biện pháp cách mạng được liệt kê trong đoạn cuối chương II.”2 (những chữ in đậm là do TĐ nhấn mạnh). Trước khi liệt kê, họ còn thận trọng viết: Những biện pháp ấy, dĩ nhiên, sẽ phải rất khác nhau trong các nước khác nhau.

Tuy nhiên, đối với những nước tiên tiến nhất, nói chung có thể tiến hành những biện pháp sau...” 3 (TĐ nhấn mạnh)

Đối với các nước chậm tiến hơn thì sao? Cụ thể, về vấn đề công hữu hoá đất đai, năm 1882, phân tích hoàn cảnh lịch sử của nước Nga, hai tác giả viết trong đề tựa II của Tuyên ngôn: Tuyên ngôn Cộng sản có nhiệm vụ tuyên bố sự tiêu vong không thể tránh được và gần tới của hình thái sở hữu tư sản. Nhưng tại Nga, cạnh những sự đầu cơ bản đang phát triển sôi sục và sự hình thành bước đầu của hình thái sở hữu tư sản về đất đai, hơn nửa số đất còn là sở hữu cộng đồng của nông dân. Như thế, vấn đề đặt ra là xem xem hình thái công hữu đất của nông dân Nga, một hình thái đã tan rữa của hình thái công hữu nguyên thủy về đất đai, sẽ tiến thẳng lên hình thái công hữu cộng sản cao hơn về đất đai, hay nó phải, trước đó, trải qua quá trình tiêu tan mà nó đã phải trải qua trong sự phát triển lịch sử của Tây Âu.

Hiện nay, điều duy nhất ta có thể trả lời là: nếu cuộc cách mạng Nga là dấu hiệu khai mạc cuộc cách mạng của công nhân ở Tây Âu, và nếu hai cuộc cách mạng ấy làm cho nhau hoàn chỉnh, thì hình thái công hữu hiện nay ở Nga có thể làm điểm xuất phát cho một quá trình diễn tiến có tính chất cộng sản”4 (TĐ nhấn mạnh). Marx vận dụng học thuyết mácxít để phân tích tình hình, lãnh đạo hành động chính trị như thế đó, không phải cứ công hữu hoá tràn lan là mácxít! Ở đây nên nhấn mạnh: dịch từ bourgeois thành tư sản gây nhiều ngộ nhận. Trong nghĩa nguyên thuỷ, từ bourgeois thị dân, người ở các bourg thời phong kiến ở Châu Âu, là từng lớp người đấu tranh chống tư tưởng và thể chế phong kiến, quân chủ, tạo dựng nền văn minh bourgeois. Dĩ nhiên không phải ai cũng là chủ tư bản. Có người khá nghèo. Có người khá giả, nhưng không bóc lột ai theo phương thức tư bản. Ở Marx, từ bourgeois có ít nhất ba nội dung: kinh tế, văn hoá, chính trị. Khi nói đến propriété bourgeoise, ông dùng khái niệm kinh tế có định nghĩa chính xác trong Tư bản luận: hình thái sở hữu tư bản chủ nghĩa. Trong nghĩa này, bourgeois là chủ tư bản. Khi nói đến người bourgeois, ông hàm ý nội dung tư tưởng, quá trình khổng lồ chớm nở từ thời phục hưng dẫn tới sự hình thành và thống trị về mọi mặt của chế độ tư bản. Khi nói đến giai cấp bourgeois, ông dùng nội dung chính trị: hình thái vận động của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xuyên qua ý thức của con người. Trong nghĩa đó, giai cấp bourgeois gồm cả người chủ tư bản đích thực và các trí thức, văn nghệ sĩ... ủng hộ chế độ tư bản. Trên đây là nói nôm na, chưa phân tích quan hệ giữa thực thể xã hội (être social) với ý thức (conscience). Trên vấn đề phức tạp này, quan điểm của Marx là: “Ý thức không quy định thực thể của con người, ngược lại, chính thực thể hội của nó quy định ý thức của nó.”5. Dĩ nhiên, phải hiểu quy định theo nghĩa biện chứng: quá trình vận động do mâu thuẫn.

Như vậy, câu mà ông Lê Hồng Hà trích dẫn nằm trong câu chót của đoạn văn sau đây:

Điều đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản, không phải ở chỗ xoá bỏ tư hữu nói chung, mà là xoá bỏ hình thái hữu tư sản.

Tuy nhiên, hình thái tư hữu hiện nay, tư hữu sản, là biểu hiện cuối cùng và hoàn chỉnh nhất của loại phương thức sản xuất và chiếm hữu dựa trên mâu thuẫn giai cấp, dựa trên sự kiện người này bóc lột người khác.

Trong nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý thuyết của họ bằng một khẩu hiệu duy nhất “xoá bỏ tư hữu”6 (TĐ nhấn mạnh. Câu này, tôi nghĩ bản tiếng Pháp đáng tin hơn bản tiếng Việt mà ông Lê Hồng Hà dùng, vì Marx đã duyệt bản tiếng Pháp, và Marx là người sử dụng tài tình tiếng Pháp)

Thế cũng đủ thấy điều ông Lê Hồng Hà tưởng là: khi chúng ta thực hiện công hữu hoá, cải tạo XHCN... chính là chúng ta đang chấp hành Mác”, hoàn toàn không dính dáng tới tư tưởng và học thuyết của Marx trên vấn đề này.

Viết hịch khác viết lý luận kinh tế. Hịch phải ngắn gọn, dễ nhớ, truyền cảm, v.v... không thể dài dòng phân tích lịch sử, xã hội, kinh tế, v.v... Không thể trình bày đầy đủ những tư liệu và lập luận biện minh cho quan điểm của mình. Trong bài hịch, câu văn nặng tính văn chương, khẩu hiệu hơn tính lý luận. Ta chỉ hiểu trọn ý câu văn kia khi ta gắn nó với toàn bộ lập luận liên quan tới nó trong toàn bộ tác phẩm của tác giả. Trong nhiều tác phẩm, (đặc biệt bài đề tựa cho quyển Góp phần phê phán kinh tế chính trị học mà nhiều người, kể cả Marx, coi là tiêu biểu cho phương pháp luận biện chứng của ông) Marx đã nêu rõ ý, cũng dựa vào thực tiễn đời sống của nhân loại (trong lãnh vực này, kiến thức của ông thật khủng khiếp): quan hệ tư hữu là hình thái vận động về mặt pháp lý của quan hệ sản xuất – quan hệ giữa người với người để sản xuất cuộc sống xã hội (production sociale de leur existence). Quan hệ sản xuất, xét cho cùng, tuỳ thuộc trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, trong đó có người lao động, vì hình thái hợp tác lao động không thể hoàn toàn độc lập với cơ sở vật chất của sự hợp tác, cơ sở khoa học và kỹ thuật của phương tiện sản xuất. Marx và Engels đã nhiều lần chống cách hiểu máy móc (mécaniste, déterministe, antidialectique, métaphysique) quan điểm của họ về sự vận động của những hình thái kinh tế - xã hội bằng cách nhấn mạnh thành ngữ xét cho cùng”: không có sự lệ thuộc máy móc, vật lý. Đây là vấn đề khá rắc rối trong phương pháp luận của các ông. Theo tôi hiểu, nói tóm tắt, sự vận động của mâu thuẫn này đòi hỏi một môi giới (médiation). Môi giới ấy chính là người sản xuất. Vì thế, người lao động vừa thuộc lực lượng sản xuất (như nhà máy công sở!), vừa thuộc quan hệ sản xuất (như chủ và người làm thuê), điều không dễ hiểu, không dễ chấp nhận, nhưng rất thực tế trong bất cứ hồ sơ kế toán của mọi công ty! Chính vì nó vừa là chủ thể của quá trình sản xuất, vừa là công cụ của nó, mà nó có thể đóng vai trò môi giới giữa xã hội và thiên nhiên. Điều ấy hiện thực vì con người là xác (có) hồn. Nó là mâu thuẫn giữa người với người xuyên qua một vật thể đặc biệt: thân xác của con người. Cũng vì thế mâu thuẫn trên là mâu thuẫn nội tại, là thể thống nhất của các mặt đối lập!

Nhiều lần, Marx vạch rõ: một đặc điểm của quá trình phát triển của sản xuất là lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hoá (socialisation des forces productives), ngày càng phải do sự hợp tác của nhiều người, nhiều ngành mà hình thành, và cần sự hợp tác của nhiều người, nhiều ngành mới vận động được. Ngay trong Tuyên ngôn, Marx và Engels viết: Tư bản là một sản phẩm tập thể, nó chỉ vận động được qua sự hợp tác của nhiều cá nhân, thậm chí, xét cho cùng, qua sự hợp tác của tất cả những cá nhân, của toàn bộ hội (...) Như thế, tư bản không phải năng lực của một tư nhân; nó là một năng lực có tính hội” 7. Mâu thuẫn giữa tính xã hội của lực lượng sản xuất với tính tư hữu về phương tiện sản xuất (tư nhân làm chủ, và trên cơ sở ấy quyết định sinh hoạt sản xuất), khi đã phát triển tới cùng, gây sự hỗn loạn kìm chế sự phát triển của lực lượng sản xuất và tạo ra một thời điểm cách mạng. Một thí dụ điển hình: năm nay, ông Soros, một nhà tỷ phú Mỹ, chỉ trong vài ngày đã vận dụng hơn 45 tỷ quan (hơn ngân sách của bộ quốc gia giáo dục Pháp) “đánh” tiền tệ của Pháp và đã lời hơn một tỷ trong khoảnh khắc đó; thước đo duy nhất của độ tự do của ông chỉ có thể là độ lệ thuộc của nhân dân Pháp và độ bất lực của chính phủ Pháp. Ông có độ tự do ấy, ông có khả năng “làm ra” một tỷ trong khoảnh khắc ấy, không ai nghĩ vì ông thông minh xuất chúng hơn nhân viên của bộ tài chính Pháp, mà vì ông có khả năng vận dụng 45 tỷ khi cần. Thế thôi. Do đó, nội dung của cách mạng là sáng tạo hình thái sở hữu thích hợp với tính xã hội của phương tiện sản xuất. Đại khái: không cho phép một cá nhân nào tuỳ hứng quyết định sinh mạng, tương lai của cả một cộng đồng người trên cơ sở cá nhân ấy là chủ của phương tiện sản xuất. Marx còn nhấn mạnh: Một hình thái hội không bao giờ tiêu vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất có thể dung dưỡng chưa phát triển trọn vẹn, không bao giờ những quan hệ sản xuất mới, cao cấp hơn có thể thay thế nó trước khi những điều kiện vật chất để hình thành những quan hệ ấy chưa chớm nở ngay trong lòng xã hội cũ.” 8 (TĐ nhấn mạnh). Đào sâu hơn, ta sẽ đụng một số luận điểm gốc trong học thuyết của Marx: con người là sản phẩm của chính nó; nó có tính xã hội, lịch sử; hành động là cơ sở của ngôn ngữ, tư duy và kiến thức; khoa học và kỹ thuật là động lực cơ bản phát triển lực lượng sản xuất, v.v... Tạm ngừng ở đây cũng đủ thấy câu được trích trong bài của ông Lê Hồng Hà bị lạc nghĩa ở chỗ nào. Đối với Marx, chỉ khi nào lực lượng sản xuất phát huy cao, có tính xã hội ở mức toàn xã hội, nó mới đòi hỏi xoá bỏ quan hệ tư hữu tư bản (vì, cho tới thời ông, chỉ kinh tế tư bản mới có khả năng xã hội hoá nó tới mức ấy), nó mới cần được công (quốc) hữu hoá. Điều này đã trở thành phổ biến trong một số lĩnh vực tại tất cả các chế độ tư bản ngày nay! Nếu Marx phải thấy đảng cộng sản Việt Nam công hữu hoá con trâu, cái cày, thùng dụng cụ của thợ cắt tóc trên vỉa hè và thúng mẹt của chị em buôn bán đầu làng xóm chợ, chắc ông phải bật cười, nấc khóc trước tri thức mácxít của một số cháu lai (phong kiến phương Đông?) của mình. Theo lập luận của Marx, những đường lối kinh tế như thế chỉ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất và dẫn tới sự phá sản của những quan hệ công hữu vô căn cứ kia. Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, sự tan biến của nó ở Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, dựa trên lý luận mácxít, phần nào, có thể hiểu được. Trong lý luận này, chỉ có một điều khó hiểu. Nếu thực sự xã hội vận động như thế, con người – chủ thể của lịch sử, như Marx thường khẳng định – tự do ở phạm vi nào, tới mức nào, tại sao? Marx là người hết sức tự do trong tư duy, trong mọi lãnh vực của thân phận người. Thế mà tự do đã trở thành con ngáo ộp lớn nhất, nguy hiểm nhất của các chế độ tự cho mình là xã hội chủ nghĩa. Cũng lạ, và đáng tìm hiểu.

Luận điểm cho rằng một cuộc cách mạng vô sản có thể thành công ở mắt xích yếu nhất của hệ thống đế quốc (hiểu theo khái niệm kinh tế, trong L'impérialisme, stade suprême du capitalisme) là sáng tạo của Lênin. Qua đó, Lênin chứng tỏ mình là người hết sức tự do, không chỉ trong suy luận, mà cả trong hành động: ông đã thực hiện điều ông phán đoán trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, chính trị và xã hội thời ông. Ông tự coi là đệ tử trung thành của Marx, nhưng không hề coi sự phán đoán của Marx rằng cách mạng vô sản sẽ bùng nổ trước tiên trong các nước tư bản tiên tiến là điều vĩnh viễn tất yếu vì, nghiên cứu nền kinh tế đương thời theo phương pháp luận của Marx, ông cho rằng chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh thế giới đế quốc lúc đó tất yếu, và cách mạng vô sản tại Nga lúc đó là khả năng hiện thực. Ông cũng không coi chính sách kinh tế NEP phản bội học thuyết mácxít, chỉ coi nó như bước lùi cần thiết qua sự “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”. Ông chết trước khi chứng minh khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước lạc hậu như Nga thời ấy – ngược với luận điểm của Marx – là khả năng hiện thực. Dù sao, trong thời đại của ông, không có nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà chính trị nào “tiên tri” bằng ông. Ông không chỉ đoán mò chung chung, vô hạn định, khả năng diễn biến của thời cuộc nhường hậu sinh kiểm nghiệm. Qua lý luận và phân tích hiện thực, ông vạch được mục tiêu và chương trình hành động, và chứng minh sự đúng sai của lập luận của mình bằng thử nghiệm. Và ông đã thành công, ít nhất một phần, phần mà tuổi thọ của ông cho phép ông có đủ thời giờ thử nghiệm. Nếu ông chỉ đơn thuần là chính khách, ta có thể nghĩ rằng ông ba phải, miễn sao được việc là xong. Nhưng Lênin là người có kiến thức uyên bác trong nhiều lãnh vực, là nhà tư tưởng (không nhỏ), nhà triết học (không tồi), nhà lý thuyết (không dở) về kinh tế chính trị, lịch sử, v.v... Thật đáng cho ta suy nghĩ xem lý luận của ông chỉ là lời suông hay đã thực sự quyết định sự thành công trong hành động của ông? Nếu có, ông là một biểu tượng của tính tự do của con người, chủ thể có ý thức và lý luận của Lịch sử. Bằng cuộc sống, tư duy và hành động, ông trả lời câu hỏi mà học thuyết của Marx khơi ra: con người tự do thế nào trong sự vận động của Lịch sử. Khi ông nêu khẩu hiệu: chủ nghĩa hội là chính quyền viết + điện khí hoá, ông thủy chung với hai quan điểm có vẻ trái ngược của học thuyết của Marx: không thể có chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một lực lượng sản xuất lạc hậu hơn cả lực lượng sản xuất trong các nước tư bản, chưa đạt mức xã hội hoá tương đương; và: con người là chủ thể của Lịch sử. Chính tính tự do của con người khiến Cách mạng Nga thành khả năng hiện thực, cũng như chủ nghĩa fátxít thời đó và hôm nay! Nhưng tính chất cưỡng ép, xét cho cùng, của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất khiến sự tiêu vong của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ 20 thành khả năng có nhiều triển vọng hiện thực!

Làm lạc nghĩa đối tượng nghiên cứu dẫn tới kết luận bất ngờ: Marx đã lầm lẫn giữa phương tiện và mục tiêu. Và đi tới chủ trương bất ngờ hơn: nên lấy hạnh phúc của nhân dân, sự công bằng trong xã hội làm mục tiêu, còn tính chất của chế độ sở hữu sao cũng được, đạt mục tiêu là tốt. Chẳng khác “lý thuyết” mèo bắt chuột của Đặng Tiểu Bình hay chuyện dân chủ đồng thuận (démocratie consensuelle) đang tan rã ở Pháp. Mục tiêu ấy, ai chẳng đồng ý, có gì để nghiên cứu, bàn bạc? Vấn đề chỉ đặt ra khi phải trả lời: cụ thể, ta thực hiện mục tiêu ấy bằng cách nào, bằng phương tiện nào? Vì có người trả lời: tư hữu hoá, và có người trả lời: công hữu hoá, mới thành chuyện. Và nẩy ra vấn đề: mục tiêu và phương tiện độc lập với nhau không? Nếu không, quan hệ giữa chúng là loại quan hệ gì, vận động thế nào trong thực tế? Ở đây, một số người mácxít có quan điểm: quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện là quan hệ biện chứng, vừa ràng buộc, vừa mâu thuẫn, luôn luôn có tính lịch sử, không thể tách rời bối cảnh chung, vật chất và tinh thần, của hành động. Ta tạm gác lại vấn đề phức tạp quan trọng này. Nhưng xin nêu một câu hỏi và một nhận xét.

Câu hỏi: nếu cách mạng tư sản không xoá bỏ quan hệ tư hữu phong kiến, thay nó bằng quan hệ tư hữu tư bản, liệu nó có thể tạo ra nền văn minh tư bản không? Nó tìm đâu ra những người tự do bán sức lao động của mình để biến tiền tệ thành tư bản? Nếu có, hãy nêu một thí dụ trong thực tiễn lịch sử 100, 200, 300 năm qua của loài người? Ở đây, xin nhắc lại, tư hữu tư bản không chỉ có nghĩa tư hữu phương tiện sản xuất mà có nghĩa tư hữu phương tiện sản xuất dưới hình thái tư bản, hình thái giá trị tạo ra giá trị (de la valeur qui engendre de la valeur).

Nhận xét: một đặc điểm của các chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực là phương tiện không bao giờ ăn khớp với mục tiêu. Những nguyên tắc, biện pháp tổ chức và hành động luôn luôn chửi những giá trị nhân bản của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, biến ngôn ngữ thành công cụ lừa bịp dân, lừa bịp nhau, lừa bịp chính mình. Thí dụ, để phát huy trí tuệ của nhân dân, ta bóp chết quyền tự do và công khai thông tin, báo chí, sáng tác, tranh luận, xuất bản. Hiện nay, ở Việt Nam, tuy chẳng còn chế độ “xã hội chủ nghĩa”, tình trạng này vẫn kéo dài. Và hậu quả đã quá rõ ràng.

Tôi hiểu ý ông Lê Hồng Hà: Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem hình ảnh, sách vở của Marx áp đặt lên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Nên mau mau và vĩnh viễn chấm dứt chuyện ấy. Nếu đúng vậy, tất nhiên tôi tán thành. Ngay Marx cũng đã vui vẻ tuyên bố ông không mácxít! Trong chuyện này, Lênin chính xác hơn ông Lê Hồng Hà khi tuyên bố phải coi học thuyết của Marx như “kim chỉ nam của hành động” và biện chứng pháp là “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”. Ông đã tư duy và hành động như thế. Trong thời đại của ông, không có ai sáng suốt, thức thời bằng ông. Nếu chỉ lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn cho sự thật, trong phạm vi của một cuộc đời, ông có thể nằm xuống, vui vẻ nghĩ rằng ông đã ít khi sai. Vì thế, ông không ngại nhìn và nói toạc sự thực, ngay cả khi nó chứng minh một thất bại của mình. Còn loại sự thật phải đợi vài trăm năm hay vài nghìn năm mới kiểm nghiệm được, nó không thuộc lãnh vực chính trị, nó thuộc lãnh vực văn hoá, tư tưởng, tôn giáo. Mặt này, tại sao tương lai lại không dành cho nhân loại vài chuyện bất ngờ? Chỉ năm năm qua trên thế giới đã có bao chuyện bất ngờ trái ngược nhau! Hình ảnh kim chỉ nam thuộc thế giới vật lý không khớp với thế giới người. Đúng hơn, ta dùng nó vì ta tin nó đúng và kiểm nghiệm qua hành động rằng, trong thế giới hôm nay, nó có khả năng giúp ta hiểu phần nào thời đại của mình. Nó có khả năng ấy vì nó không tách rời mục tiêu và phương tiện. Trong nhân văn, không có phương tiện nào có tính vô tác (neutre) đối với đối tượng nghiên cứu hay hành động, vì trong lãnh vực này, đối tượng, phương tiện và người nghiên cứu hay hành động là một: người.

Trong tình hình khủng hoảng kinh tế trên thế giới hiện nay, vấn đề hình thái sở hữu những phương tiện sản xuất còn là đề tài lớn, cơ bản, gay gắt, ngay trong các học thuyết và chính sách kinh tế đương đại, ngay tại các nước tư bản tiên tiến. Không thể dễ dàng gạt bỏ như vấn đề phụ trong việc nghiên cứu những học thuyết kinh tế, chính trị, xã hội và lịch sử của thế giới.

Kiểu phủ định trắng, đại trà và dễ dãi học thuyết của Marx có thể hiểu được trong hoàn cảnh Việt Nam. Trong quá nhiều chục năm, Việt Nam đã bị một chính đảng nhân danh mácxít tiến hành những chính sách cai trị chẳng dính dáng gì tới tư tưởng của Marx, gây những tai hoạ khổng lồ, dai dẳng cho đất nước và con người. Lối phủ nhận đó có những hệ quả nguy hiểm.

Biến đấu tranh giai cấp thành một giả thuyết (...) quá vội” của Marx với trình độ của Marx lúc bấy giờ, với tài liệu ông có...” thì dễ... trong lý luận. Trong thực tế khó hơn, vì “giả thuyết” này cứng đầu lắm. Phương thức sản xuất tư bản vừa đặt chân vào Việt Nam “đổi mới”, bất chấp sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và công đoàn, bất chấp các lý thuyết phi giai cấp của các nhà lý luận quốc tế, Việt Nam kể cả Việt kiều tứ xứ, “giả thuyết” kia đã làm nổ ra hàng loạt cuộc đình công? Coi thường nó, sẽ có ngày không biết xử lý thế nào một cuộc tổng đình công. Không lẽ bắn, như ở vài nước rồng lớn, rồng nhỏ ở Châu Á? Bắn đi nữa, chắc gì giải quyết được? Hiện nay trên thế giới, bất kể họ nói gì, không có nhà nước nào, kể cả nhà nước “cộng sản” Việt Nam, không chuẩn bị khả năng đối phó, kể cả bằng vũ lực, sự bùng nổ lớn hay nhỏ của một trận đấu tranh giai cấp. Nếu ta muốn nghiên cứu quan điểm mácxít về đề tài này, nên đặt vấn đề như sau: luận điểm của Marx cho rằng từ khi xã hội loài người có phân chia giai cấp, động lực trực tiếp của lịch sử là đấu tranh giai cấp, đúng hay sai, ngày nay còn có giá trị hay không, ở đâu, vì sao? Và nếu còn giá trị, phải chăng bạo động là hình thái tất yếu của đấu tranh giai cấp, là “bà mụ đỡ đầu Lịch sử”, hay có những hình thái đấu tranh không bạo động mà vẫn hữu hiệu? trong điều kiện, hoàn cảnh nào, vì sao? Lịch sử 50 năm qua của nhân loại có nhiều sự kiện phong phú về vấn đề này. Một đặc điểm của phong trào cộng sản Việt Nam cũng đáng chú ý: ngoài Cải cách Ruộng đất, tuy có thanh trừng nhau, nhưng không chém giết ồ ạt như ở Trung Quốc, Liên Xô, Campuchia. Không có đặc điểm này, có thể ông Lê Hồng Hà cũng không còn đó để nghiên cứu học thuyết mácxít. Nhưng đặc điểm này không thể tìm trong tác phẩm của Marx hay trong đường lối của Đảng, chỉ có thể tìm trong truyền thống văn hoá và hoàn cảnh lịch sử Việt Nam.

Đối với nhiều người Việt, đặc biệt người đảng viên chân thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh giai cấp đồng nhất với một số hành vi không dính dáng gì tới học thuyết mácxít, do guồng máy Đảng lãnh đạo và chỉ đạo, “phong trào” đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, “phong trào” cải tạo XHCN ở thành thị. Cho đó là đấu tranh giai cấp thật buồn cười, vì các giai cấp, trên danh nghĩa đấu tranh với nhau, đều... không có thực trong xã hội Việt Nam. Về mặt kinh tế, xã hội, tư tưởng, cho tới gần đây, Việt Nam là một xã hội nông nghiệp cổ truyền phương Đông, chưa có giai cấp tư bản. Đây đó, có vài chục ông chủ tư bản khai thác vài chục, vài trăm công nhân. Gom vốn của họ, chưa đủ xây dựng một nhà máy sản xuất xe máy. Họ chỉ là những mầm mống đầu tiên, yếu ớt của kinh tế tư bản. Về sở hữu (propriété capitaliste) cũng như về chức năng (fonction capitaliste), họ chẳng nghĩa lý gì. Về mặt tư tưởng, miễn bàn. Việt Nam chưa hề có giai cấp công nhân trong nghĩa người lao động trong công nghiệp hiện đại, có tính xã hội cao của lực lượng sản xuất công nghiệp. Có phu hì hục nơi bến cảng, hầm mỏ, đồn điền, v.v..., rất ít thợ công nghiệp. Việt Nam không hề có một giai cấp tiểu tư sản kiểu Tây Âu với quá trình lịch sử, năng lực, vai trò kinh tế, xã hội, kiến thức và tư tưởng của một giai cấp. Có một số người buôn bán nhỏ, sản xuất thủ công, hành nghề tự do, và nhiều giáo viên. Việt Nam không hề có một giai cấp địa chủ đáng kể kiểu địa chủ của thời phong kiến Tây Âu, ở Hoa Kỳ (các bang phương Nam, thế kỷ 19) hay địa chủ ở châu Mỹ La tinh, với vai trò kinh tế và văn hoá của một giai cấp thống trị. Trong điều kiện lịch sử ấy, đấu tranh giai cấp, theo kiểu diễn giải của Đảng Cộng sản Việt Nam, mặt nào đó, là một màn tuồng chèo. Cải cách Ruộng đất, xét cho cùng, là một cuộc khủng bố vĩ đại do một thiểu số giáo điều, dựa vào những phần tử bần cố nông vô học, thậm chí lưu manh, đối với toàn bộ xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam, đối với bản thân một số đảng viên và người kháng chiến. Kết quả cơ bản nhất của nó là phá tan những quan hệ đoàn kết cộng đồng cổ truyền của người Việt, áp đặt một guồng máy quyền lực phi văn hoá, dựa vào những truyền thống lạc hậu nhất của nông thôn Việt Nam, lên đầu xã hội nông nghiệp Việt Nam, lên đầu Đảng CSVN. Vụ Nhân văn Giai phẩm cũng vậy, là một cuộc khủng bố của một guồng máy ít kiến thức, nghèo văn học, bất lực trong sáng tác, đối với trí thức thành thị. Còn cải tạo “XHCN” công thương nghiệp cuối cùng chỉ dẫn tới vơ vét của cải của người khác cho một thiểu số chia nhau hưởng thụ. Những hành vi ấy đáng dẹp. Dứt khoát. Vĩnh viễn. Nhưng dẹp chúng không có nghĩa là dẹp đấu tranh giai cấp, dẹp giai cấp. Đi vào kinh tế thị trường ngày nay, Việt Nam mở đường cho sự hình thành kinh tế tư bản, giai cấp tư bản và giai cấp công nhân bản xứ. Ở Việt Nam, đấu tranh giai cấp giữa tư bản và công nhân, thực sự chưa từng có (ở mức toàn xã hội), sẽ có ngày bùng nổ. Muốn hiểu và xử lý nó tốt, không thể thiếu học thuyết của Marx, của Lênin, những nhân phẩm vĩ đại của nền văn minh tư bản. Một hình thái đấu tranh giai cấp là hình thái đấu tranh của các phong trào xã hội dân chủ (social-démocratie) ở Tây Âu. Người cộng sản Việt Nam nghiên cứu nó là điều đáng mừng Nhưng cũng nên mácxít một chút: những hình thức đấu tranh ấy cho tới nay, chỉ thành công phần nào trong những nước tư bản tiên tiến và trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản bị uy hiếp tận gốc bởi phong trào cộng sản và phong trào giải phóng thuộc địa cũ và mới. Từ ngày chủ nghĩa tư bản chiếm lại thế thượng phong trên toàn thế giới, những thành quả kia đã bắt đầu và đang trong đà tan rã. Chỉ nhìn cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị và tư tưởng ở Pháp ngày nay cũng quá rõ.

Động lực chủ yếu của lịch sử Việt Nam cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược không phải là đấu tranh giai cấp mà là đấu tranh dân tộc, đấu tranh chống ngoại xâm...” Từ thế kỷ thứ mười đến lúc bị Pháp xâm lược, Việt Nam cơ bản là nước độc lập, chỉ bị Trung Quốc và Chiêm Thành xâm lăng vài lần ngắn ngủi. Không lẽ trong suốt thời gian ấy động lực chủ yếu của lịch sử Việt Nam đã liên tục ngủ gật? Nếu vậy, ngày nay, chẳng có lý do nào khiến nó thức dậy. Cứ thử kêu gọi nhân dân chống ngoại xâm sẽ thấy ngay: không thiếu người tìm cách chuồn. Hơn thế, từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, động lực ấy là gì, nếu không phải là chống ngoại xâm? Không lẽ là đấu tranh giai cấp?

Cuối cùng, lối thoát chỉ còn lại: ...những người cộng sản cần phải lấy dân tộc mình làm căn cứ. Đó chính là cái chúng ta phải trung thành cho tới cùng, cái gì phục vụ cho lợi ích ấy thì chấp nhận, cái gì không thì bác bỏ.” Có thể đẹp lòng nhiều người Việt. Nhưng, về mặt tư tưởng, đã là bước lùi so với ngay thế kỷ 18 của Pháp. Ít nhất, văn hoá Pháp thời ấy đã đề cao tính nhân loại của mọi người và tuyên bố quyền làm người cho tất cả. Đương nhiên, trong thực tế, thời ấy quyền làm người không áp dụng cho dân thuộc địa. Do đó mà có nhà “khoa học” đã “chứng minh” rằng người da đen, a rập... thuộc một giống giữa khỉ với người! Hiện tượng dùng “khoa học” kiểu ấy không phải là đặc sản của chủ nghĩa Stalin. Tinh thần quốc tế vô sản trong tư tưởng của Marx, sau đó Lênin, phát triển vào thế giới thực dân, đế quốc, cũng chỉ là một kiểu phát triển quyền làm người, qua sự đòi hỏi, trong hoàn cảnh của thế giới tư bản, đưa nó từ đầu lưỡi vào thực tế cuộc sống của loài người khắp năm châu bốn biển. Ở đây tôi không bàn xem kiểu phát triển ấy đúng hay sai, tại sao lôi cuốn nhiều người trong thế kỷ 20, và lâu vậy. Tôi chỉ lưu ý: giá trị ấy, không thể bỏ qua dễ dàng. Ngày nay, chủ nghĩa dân tộc, đầu óc kỳ thị chủng tộc, đang phát triển nhanh trên khắp thế giới, có nơi dẫn đến nguy cơ tái sinh chủ nghĩa fátxít, chiến tranh diệt chủng, có chỗ nó mạo danh cộng sản hoặc xã hội (như ở Nga). Điều ấy đủ khiến ta thận trọng khi chủ trương lấy lợi ích dân tộc làm quốc sách. Dĩ nhiên, ông Lê Hồng Hà đã từng theo lý tưởng cộng sản, tôi không hề nghĩ ông có quan điểm dân tộc chủ nghĩa kiểu ấy. Nhưng, trong tình hình thế giới hiện nay, nên nói rõ. Mới đây, đài truyền hình Pháp chiếu một phim tài liệu về Việt Nam. Trong phim, một cựu chiến binh Mỹ nói: ông đã đến Việt Nam ba lần. Lần đầu ông rất e ngại, chờ đợi người Việt có thái độ thù địch người Mỹ. Song ông ngạc nhiên thấy người Việt không cư xử với ông như thế, và ông có thiện cảm với Việt Nam. Ta có thể nghĩ tới một truyền thống của người Việt: trải thảm đỏ, cung ngựa cấp thuyền cho quân Minh về Trung Quốc. Nhưng chắc chắn một số đông người Việt ngày nay cũng đã chịu ảnh hưởng của mấy chục năm tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam: căm thù đế quốc Mỹ, không căm thù mà biết ơn nhân dân Mỹ. Giá trị đặc thù cộng sản này thật không nên coi thường!

Đây chỉ là một thí dụ. Trong bài của ông Lê Hồng Hà, đụng đến các khái niệm mácxít kinh điển, đều có những vấn đề tương tự: không rõ ông đang phê phán khái niệm của Marx, của Lênin (và Lênin không hẳn là Marx), hay khái niệm mà một số người cộng sản Việt Nam – qua guồng máy tuyên huấn của Đảng – đã học của Staline và Mao Trạch Đông dưới nhãn hiệu Mác-Lênin?

Vì hoàn cảnh lịch sử, đối với người Việt, ở tất cả mọi phía, tìm hiểu và phê phán học thuyết của Marx, Engels, Lênin, thậm chí Staline và Mao, là chuyện cần thiết cấp bách. Cần thiết và cấp bách không thua chuyện tìm hiểu đường lối và chính sách của Mỹ đối với Việt Nam ngay từ những năm 50, ngay từ thời Eisenhower. Trong việc này, cũng do hoàn cảnh lịch sử, nên chú ý tránh lẫn lộn học thuyết của Marx với cách diễn dịch và vận dụng của guồng máy thống trị Đảng cộng sản Việt Nam. Bài của ông Lê Hồng Hà là một tài liệu phê phán những quan điểm, lập luận, đường lối và hành vi của bộ máy nắm quyền lực, nắm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, từ thời Cải cách Ruộng đất, đặc biệt từ lúc các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã khuynh loát tất cả. Tôi quý trọng ông ở điểm ấy. Điều ông dũng cảm làm, cần thiết cấp bách, có khía cạnh chỉ người trong cuộc, người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mới biết và hiểu được. Ngày nay, sự phân hoá ngay trong guồng máy Đảng cộng sản Việt Nam khiến điều ấy trở thành khả năng hiện thực. Nhưng tôi không thấy đó là bài nghiên cứu, phê phán học thuyết của Marx, trong những đoạn ông bàn về tư tưởng của Marx.

Mời các bạn có cảm nhận khác, và có hứng, vì ngày nay nỗi đau này không cần thiết đối với một số người, vui vẻ nhập cuộc thảo luận.


Trần Đạo



 


(l) Manifeste du Parti communiste, Editions sociales, 1963, Préfaces 1.

Bản tiếng Pháp: rédiger un programme détaillé, à la fois théorique et pratique, du Parti et destiné à la publicité”.

(2) Manifeste du Parti communiste, Editions sociales, l963, Préfaces 1.

Bản tiếng Pháp: Le Manifeste explique lui-même que l’application des principes dépendra partout et toujours des circonstances historiques données, et que, par suite, il ne faut pas attribuer trop d’importance aux mesures révolutionnaires énumérés à la fin du chapitre II.”

(3) Manifeste du Parti communiste, Editions sociales, 1963.

Bản tiếng Pháp: “Ces mesures, bien entendu, seront fort différentes dans les différents pays.

Cependant, pour les pays les plus avancés, les mesures suivantes pourront assez généralement être mises en application...”

(4) Manifeste du Parti Communiste, Editions sociales, 1963, Préfaces 2.

Bản tiếng Pháp: Le Manifeste communiste avait pour tâche de proclamer la disparition inévitable et prochaine de la propriété bourgeoise. Mais en Russie, à côté de la spéculation capitaliste qui se développe fiévreusement et de la propriété foncière en voie de formation, plus de la moitié du sol est la propriété commune des paysans. Il s’agit, dès lors, de savoir si la communauté paysanne russe, cette forme déjà décomposée de l’antique propriété commune du sol, passera directement à la forme communiste supérieure de la propriété foncière, ou bien si elle doit suivre d’abord le même processus de dissolution qu’elle a subi au cours du développement historique de l’Occident.

La seule réponse qu’on puisse faire aujourd’hui à cette question est la suivante: si la révolution russe donne le signal d’une révolution ouvrière en Occident, et que toutes deux se complètent, la propriété commune actuelle de la Russie pourra servir de point de départ à une évolution communiste.”

(5) Contribution à la critique de l’économie politique, Editions Sociales, 1966

Bản tiếng Pháp: Ce n’est pas la conscience des hommes qui détermine leur être, c’est inversement le être social qui détermine leur conscience.”

(6) Manifeste du Parti Communiste, Editions sociales, 1963

Bản tiếng Pháp: Ce qui caractérise le communisme, ce n’est pas l’abolition de la propriété en général, mais l’abolition de la propriété bourgeoise.

Or, la propriété privée d’aujourd’hui, la propriété bourgeoise, est la dernière et la plus parfaite expression du mode de production et d’appropriation basé sur des antogonismes de classes, sur l’exploitation des uns par les autres.

En ce sens, les communistes peuvent résumer leur théorie dans cette formule unique: abolition de la propriété privée”

(7) Manifeste du Parti communiste, Editions sociales, 1963.

Bản tiếng Pháp: Le capital est un produit collectif: il ne peut être mis en mouvement que par l’activité en commun de beaucoup d’individus, et même, en dernière analyse, que par l’activité en commun de tous les individus, de toute la société. (...) Le capital n’est donc pas une puissance personnelle, c’est une puissance sociale.”

(8) Contribution à la critique de l’économie politique, Editions Sociales, 1966

Bản tiếng Pháp: Une formation sociale ne disparaît jamais avant que soient développées toutes les forces productives qu’elle est assez large pour contenir, jamais des rapports de production nouveaux et supérieurs ne s’y substituent avant que les conditions d’existence matérielles de ces rapports soient écloses dans le sein même de la vieille société.”


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us