Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Debusy và Chopin qua tiếng đàn Đặng Thái Sơn

Debusy và Chopin qua tiếng đàn Đặng Thái Sơn

- Hoài Văn — published 14/04/2011 06:05, cập nhật lần cuối 13/05/2011 16:26


Debusy và Chopin qua
tiếng đàn Đặng Thái Sơn


Hoài Văn



Sự xuất hiện trở lại của Đặng Thái Sơn Ở Salle Gaveau, một trong ba phòng nhạc nổi tiếng nhất Ở Paris, ngày 19-10- 1994 vừa qua, sau hơn 10 năm vắng mặt, với một chương trình kết hợp Debussy và Chopin, đã được giới mộ nhạc cổ điển đón chào như một sự kiện mới mẻ đáng chú ý. Có lẽ cũng vì thế mà phòng Gaveau, vốn rất khó đầy, hôm đó đã khá đầy. Thính giả parisien gồm người tứ xứ đã tham dự đông đảo. Đáng chú ý nhất là sự có mặt của một số khá đông thính giả người Nhật, chủ yếu là thành phần trẻ. Người ta không quên rằng Đặng Thái Sơn đã từng sống và làm việc nhiều năm ở Nhật Bản. Phần lớn những đĩa hát và băng nhạc của anh đã được xuất bản ở Nhật.

Đưa Debussy và Chopin vào cùng một chương trình, và chỉ giới hạn ở hai tác giả này thôi, là một sáng kiến hay, một sự lựa chọn thích hợp, vừa phong phú lại vừa hài hoà. Debussy và Chopin tuy thuộc hai dòng nhạc và hai thế hệ khác nhau, nhưng có nhiều điểm gần nhau : cả hai đều giàu chất thơ mộng, đều cùng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn chế ngự suốt thế kỷ XIX ở Âu châu, từ Beethoven đến Wagner, cả hai đều đã từng sống ở Paris và thấm nhuần văn hoá Pháp, cả hai đều đã dốc công khai thác những khả năng tối ưu của dương cầm... Cái khác nhau là Chopin (1810-1849), mặc dầu có một vị trí riêng biệt nhưng vẫn nằm trong dòng nhạc lãng mạn của thế kỷ XIX, còn ngược lại Debussy (l862-1918) là một trong những người đầu tiên đã tự giải phóng ra khỏi vòng ảnh hưởng của dòng nhạc này để khai sinh cho một dòng nhạc mới.

Chọn những tác phẩm nổi tiếng và khó nhất của Debussy về mặt kỹ thuật biểu diễn : Images pour piano (1907) L 'Isle joyeuse (1904), rõ ràng Đặng Thái Sơn đã không còn ở bước thử thách ban đầu. Nhiều nhà nhạc học đã có nhận xét rằng Debussy viết nhạc cho đàn dương cầm như thể cho một dàn nhạc, rất chặt chẽ, cho nên biểu diễn nhạc của ông rất khó, ngay cả đối với những nhạc sĩ lỗi lạc nhất. Một trong những cái khó là giữ cho được nhịp độ (tempo) đã được tác giả qui định. Còn Chopin tuy viết nhạc rất chính xác, nhưng trong khuôn khổ của nhịp điệu (rythme) lại cho phép biểu diễn một cách tự do (rubato). Dẫu sao, biểu diễn những tác phẩm của hai tác giả này vẫn đòi hỏi một trình độ điêu luyện tuyệt kỹ (virtuosité). Mặt khác, trong khi Chopin diễn đạt tình cảm, diễn đạt cái đẹp qua sự kết hợp và nối tiếp ước lệ của những giai điệu, cũng như qua nhịp điệu và kết cấu của những hình thức vũ nhạc truyền thống Ba-lan (Mazurkas, Polonaises, Valses, v.v.), thì Debussy lại đi tìm cái đẹp trong sự âm vang (sonotité) của từng nốt nhạc, của từng cụm hợp âm, nhằm tạo ra những âm thanh mới, những giai điệu mới. Ông chú ý đến hình ảnh, màu sắc hơn là những trạng thái tâm hồn và dứt khoát không cần đến chủ đề (nhiều tác phẩm của ông có những cái tên rất tượng hình, nhưng có lẽ đó cũng chỉ là những cái tên đặt sau, hoặc để gợi cảm, hoặc để gọi cho dễ nhớ).

Qua buổi trình diễn ở Salle Gaveau, mà anh đã được thính giả bisser tới hai lần, người ta có thể thấy được rằng Đặng Thái Sơn đã biểu diễn thành công những tác phẩm nổi tiếng của Debussy : Images L'Isle joyeuse, với tất cả sự điêu luyện của một nghệ sĩ dương cầm giàu tài năng và không tự dễ dãi với mình. Cũng như anh đã thành công trong Chopin : bản Impromptu n°2 và bốn bản Scherzi qua đó anh đã thể hiện được cái thần trong nhạc Chopin với một nghệ thuật ngày càng già giặn hơn và bao giờ cũng gây được xúc động cho người nghe.

Những bước đi vững vàng của Đặng Thái Sơn cho phép người ta tin tưởng vào tiền đồ nghệ thuật xán lạn của anh.


H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us