Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Một thời kỳ lịch sử mới...

Một thời kỳ lịch sử mới...

- Phan Đình Diệu — published 14/04/2011 06:05, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:34

Một thời kỳ lịch sử mới:
Vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh


Phan Đình Diệu



(Phát biểu tại hội nghị của Uỷ ban trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 3.1993)


LTS. Cùng với việc đăng bài Dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ trong Diễn Đàn số 25 (tháng 12.1993), chúng tôi đã hứa với bạn đọc “số sau sẽ đăng bài MỘT THỜI KỲ LỊCH SỬ MỚI: VÌ SỰ NGHIỆP DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH mà Phan Đình Diệu đã phát biểu tại ...”. Song, trong số sau đó, cuộc thảo luận (cũng về Dân chủ) với Lê Quang Vịnh và nhiều thông tin khác (hồ sơ Đại học...) đã chiếm hết tờ báo. Rồi những vấn đề thời sự khác tới, và thời gian trôi đi... Gần đây, nhân kỳ đại hội Mặt trận Tổ quốc giữa tháng 8 (xem Diễn Đàn số 34), đọc lại bài viết nói trên của Phan Đình Diệu, chúng tôi thấy những ý kiến của anh vẫn còn mang nhiều tính thời sự. Nhân đó lại nhớ lời hứa chưa tròn nói trên, nay xin thực hiện, với những trễ nải mong được bạn đọc thông cảm và tha thứ.



Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay, vào thời điểm này, chúng tôi thấy đã xác định được tương đối rõ, tương đối chín muồi xu thế biến đổi của đất nước. Xu thế đó đã được đề cập đến trong chính những bài phát biểu gần đây của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước, nó cũng được thể hiện ngay trong bản dự thảo về vấn đề Mặt trận mà chúng ta đang họp để góp ý, chuẩn bị đại hội IV của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó là xu thế đi tới một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, một xã hội Việt Nam văn minh.

Hiện nay xã hội ta đang ở trong tình trạng bộn bề, phức tạp, những khó khăn lớn chưa phải đã được khắc phục, những xu thế phát triển trong hoà bình, ổn định để đi tới dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh đã có thể coi như một xu thế mới không có gì cưỡng nổi. Có lẽ đó là cơ sở đồng thuận lớn nhất cho toàn dân tộc ta trên con đường đi lên. Vì vậy, tôi muốn góp ý kiến ở đây trên tinh thần cùng nhau tìm kiếm và thực hiện đầy đủ xu thế mới ấy.

Một xã hội lấy mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh đang và sẽ được thể hiện ở nhiều mặt: một nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của nhà nước; một xã hội dân chủ, đoàn kết và hoà hợp dân tộc; những quan hệ đối ngoại trong đó Việt Nam “ muốn làm bạn của tất cả các nước trên thế giới”. Cả về đối nội và đối ngoại, từ nay chúng ta mong muốn không coi ai là kẻ thù nữa. Đó là điều hết sức mới mẻ, khiến cho đất nước chúng ta được đặt vào một hoàn cảnh rất thuận lợi cho sự phát triển. Tất nhiên, chúng ta đều nhất trí là xã hội chúng ta không dung thứ bất cứ hành động phá hoại nào bằng bạo lực, nhưng cách tránh và chống lại có hiệu quả nhất những hành động phá hoại ấy phải là khắc phục nguồn gốc đẻ ra những hành động đó. Cách tốt nhất về mặt này là đẩy mạnh được xu thế hoà bình, ổn định trên cơ sở tạo ra sự đồng thuận trong xã hội của những công dân tự do, bình đẳng. Để làm được như vậy, còn không ít những vấn đề về lý luận về thực tiễn cần được thảo luận để có những kết luận rõ ràng.

Tôi nghĩ rằng, trước viễn cảnh một biến đổi lớn như vậy, không thể dùng lý luận cũ để nhận thức, cũng không thể dựa vào những tri thức cũ để chứng minh, mà dùng những nhận thức, những tri thức mới để đi tới những kết luận khoa học, làm chỗ dựa cho lòng tin và quyết tâm của ta đi theo hướng biến đổi và phát triển đó của đất nước.

Trước hết, tôi hiểu rằng việc lấy dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, hoà nhập với cộng đồng thế giới hiện đại làm mục tiêu là khác về căn bản so với những mục tiêu trước đây. Mấy chục năm gần đây, xã hội Việt Nam đã từng chọn những mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong giai đoạn kháng chiến chống ngoại xâm, mục tiêu là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn sau đó, từ năm 1975 đến giữa những năm 80, mục tiêu đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước để so sánh với mục tiêu hiện nay. Xây dựng chủ nghĩa xã hội – như đã được vạch rõ trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước, nhất là trong những nghị quyết của đại hội IV Đảng cộng sản Việt Nam và hiến pháp năm 1980 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – có nghĩa là xây dựng một chế độ xã hội trong đó nền kinh tế là dựa vào sở hữu công cộng và quản lý tập trung, còn chế độ chính trị thì theo thiết chế chuyên chính vô sản do một đảng cộng sản lãnh đạo. Nếu như trong giai đoạn giải phóng dân tộc, vấn đề xác định ranh giới giữa ta, bạn và thù là điều đương nhiên phải làm, thì trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng vậy, việc xác định ta, bạn và thù cũng được tiến hành theo những mục tiêu mới: ai tán thành chủ nghĩa xã hội là ta, ai chống lại chủ nghĩa xã hội, hoặc không tán thành nó, là thù. Thậm chí còn đi tới sự đồng nhất giữa yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, giữa chống chủ nghĩa xã hội và không yêu nước. Trong cả hai giai đoạn ấy, xã hội Việt Nam luôn luôn vận động xung quanh cái trục chủ yếu “ai thắng ai?”, tức là ta phải thắng kẻ thù. Sự khác nhau căn bản giữa việc lựa chọn mục tiêu trước đây với việc xác định mục tiêu hiện nay chính là ở chỗ này. Khi xác định mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, hoà nhập với thế giới hiện đại, thì không nên và không thể đặt ra vấn đề “ai thắng ai”, phân chia ranh giới ta và thù được nữa. Có sự khác biệt, có đấu tranh giữa các khác biệt, nhưng không phải là đấu tranh “ai thắng ai”, một mất một còn! Mỗi người, mỗi công dân đều được tự do làm giàu và xây dựng đất nước, không có sự phân biệt đối xử về mặt chính trị.

Điều khác nhau cơ bản thứ hai là những mục tiêu cũ luôn luôn dẫn tới chỗ đặt một lợi ích chung nào đó của toàn cộng đồng, toàn hệ thống lên trên và mọi lợi ích cá nhân phải đặt xuống dưới, thậm chí có thể bị hy sinh cho lợi ích chung đó. Trong kháng chiến, sự sống của mỗi cá nhân bao giờ cũng phải đặt dưới sự sống còn của toàn dân tộc và đó là điều được chấp nhận. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, “lợi ích xã hội” được đặt lên trên hết, sau đó mới đến thoả mãn lợi ích cá nhân (thực chất “lợi ích xã hội” này luôn luôn bị lạm dụng). Nói chung, những mục tiêu cũ đặt cái chung lên trên cái riêng, cái riêng phải tuyệt đối phục tùng cái chung. Bây giờ mục tiêu dân giàu nước mạnh đảo ngược mối quan hệ chung / riêng ấy. Bây giờ, mỗi cá nhân có quyền đặt lợi ích riêng (dân giàu) trong phạm vi pháp luật cho phép lên trước, làm cơ sở cho sự giàu mạnh, phồn vinh của đất nước nói chung. Như vậy, trước đây là phấn đấu cho cái “chung”, hy sinh cho cái chung, rồi hy vọng trong cái chung ấy sẽ có cái riêng của từng người thì ngày nay là thừa nhận quyền phấn đấu cho cái riêng của từng người dân, và những cái riêng đó sẽ được phối hợp để cùng tạo nên lợi ích chung của toàn xã hội.

Điều khác nhau cơ bản thứ ba là: những mục tiêu cũ đòi hỏi một sự lãnh đạo tập trung, và đòi hỏi tập hợp, đoàn kết mọi người xung quanh một tư tưởng, một ban lãnh đạo duy nhất, còn mục tiêu mới lại yêu cầu sự đồng thuận xã hội, sự tôn trọng cá nhân, tôn trọng thiểu số, tôn trọng mọi dân tộc sống chung trên cùng một đất nước, bởi vì đó là một xã hội của những công dân tự do, bình đẳng, một xã hội hoà hợp, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển để từ đó tạo điều kiện cho xã hội phát triển.

Những điểm khác nhau cơ bản về mục tiêu nói trên dẫn tới những sự khác nhau về tổ chức hệ thống xã hội, vì mỗi loại mục tiêu đòi hỏi một kiểu tổ chức hệ thống xã hội thích hợp. Trong lĩnh vực kinh tế, mục tiêu cũ (xây dựng chủ nghĩa xã hội) đòi hỏi phải có một hệ thống kinh tế quản lý theo kế hoạch tập trung có thứ bậc, có lãnh đạo thống nhất, còn mục tiêu mới (dân giàu nước mạnh) lại đòi hỏi một hệ thống gồm những chủ thể kinh tế tự do, bình đẳng theo những chuẩn mực luật pháp được quy định, bình đẳng đối với tất cả các chủ thể đó. Mỗi công dân có quyền trở thành chủ thể kinh tế, và mỗi chủ thể kinh tế có quyền tự do kinh doanh và làm giàu trong những chuẩn mực của luật pháp. Dĩ nhiên, nếu thừa nhận quyền trở thành các chủ thể kinh tế thì cũng phải thừa nhận cả quyền có các phương tiện kinh doanh, quyền làm giàu của các chủ thể đó, tức là quyền sở hữu tài sản của họ. Không thừa nhận quyền sở hữu thì không có được nền kinh tế hàng hoá đầy đủ, không vận dụng được cơ chế thị trường hàng hoá để chuyển đổi cấu trúc kinh tế theo hướng hiện đại hoá. Và một khi chủ thể kinh tế, kể cả tư bản tư nhân, được thừa nhận quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, thì tại sao lại không thừa nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người nông dân?

Chúng ta cần phải có những đổi mới tích cực hơn để đạt tới những mục tiêu mới. Chúng ta vui mừng về những thay đổi quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội vừa qua, nhưng cũng cần thấy những vấn đề khá nổi cộm hiện nay, những nhược điểm trong xã hội chúng ta hiện nay. Xin nêu một số vấn đề sau đây:

Cơ cấu kinh tế hiện nay của nước ta chưa phù hợp với những yêu cầu phát triển mới. Tất nhiên, việc thay đổi cơ cấu kinh tế là một quá trình lâu dài. Những trở ngại lớn lao nhất cho quá trình đó là chúng ta chưa có một hệ thống chính sách và luật pháp để huy động được mọi năng lực của các công dân thuộc mọi thành phần kinh tế, tham gia sự phát triển kinh tế của đất nước. Hôm qua, nhiều người đã nhấn mạnh rằng ta đã thu hút được sự đầu tư của nước ngoài, nhưng chỉ mới thu hút được những công ty tư nhân nước ngoài vào làm ăn với những cơ sở kinh tế của nhà nước trong một số lĩnh vực hạn chế. Kinh tế tư nhân của ta chưa trở thành một bên đối tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, ngay cả việc đầu tư của kinh tế tư nhân trong nước vào sự phát triển kinh tế cũng chưa được bảo hộ và khuyến khích bằng luật pháp rõ ràng. Do đó, chúng ta chưa huy động được những năng lực tiềm tàng, to lớn trong nước để phát triển kinh tế, mà kinh nghiệm nhiều nước trong khu vực cho thấy đó mới là nguồn đầu tư cơ bản và lâu dài.

Khi nói tới việc huy động năng lực trong nước, chúng ta còn phải hiểu rằng ngày nay dân tộc Việt Nam muốn tiến lên thì năng lực trí tuệ cần được hết sức coi trọng. Ngoài những năng lực hiện có ở trong nước chưa được hoặc chưa có điều kiện để phát huy, chúng ta còn có những năng lực trí tuệ của một bộ phận đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. Những người này hiện đang hướng về đất nước với nhiều nhiệt tình, nhưng cũng với nhiều nghi ngại. Làm thế nào để họ bỏ nghi ngại, phát huy được năng lực của mình thì đó sẽ là một năng lực rất to lớn của đất nước. Trí tuệ là của cải. Trí tuệ là một tài sản còn quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều.

Có một điều làm chúng ta nhức nhối, đó chính là tổ chức guồng máy nhà nước của chúng ta. Từ nhiều năm rồi bộ máy đó tỏ ra không có hiệu quả. Chúng ta cần có thêm nhiều bộ luật nữa, nhưng nếu bộ máy nhà nước không có hiệu quả thì có nhiều luật cũng không thể thành nhà nước pháp quyền được. Ta đã biết nhiều khi sự phá hoại luật pháp lại do từ trong guồng máy, đáng lẽ có nhiệm vụ thi hành luật pháp, chứ không phải từ đâu khác. Tính không có hiệu quả của bộ máy nhà nước là sự kìm hãm, đôi khi là sự phá hoại trật tự xã hội mà ta cần xây dựng. Tình hình này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là đã kéo quá dài một tình trạng phi lý, trong đó dường như mọi người đều phải sống phi pháp. Tôi nói vậy là vì đã từ lâu, gần như mọi người trong bộ máy nhà nước đều không thể chỉ sống bằng đồng lương, tức là bằng thu nhập hợp pháp (nếu hỏi từ người lãnh đạo cao nhất đến cán bộ thường xem có thực sống bằng đồng lương không thì tôi e rằng chúng ta khó lòng trả lời một cách khẳng định). Tình trạng ấy còn kéo dài thì khó có thể ngăn được những sự phi pháp tiếp tục tồn tại trong bộ máy. Một nguyên nhân nữa là với quyền lực tập trung tuyệt đối thì tham nhũng và những tệ nạn khác khó mà khắc phục. Tuy đã chống những tệ nạn ấy bằng những chiến dịch hết sức rầm rộ, nhưng kết quả không tương xứng với công sức bỏ ra. Không thể nào chống những tệ nạn do quyền lực dẫn tới mà người chống cũng chính là những người chủ các quyền lực đó. Cách đây mấy năm, tôi có kiến nghị ít nhất phải có một uỷ ban đặc biệt chống tham nhũng thuộc quốc hội, chứ không nên chỉ giao việc chống tham nhũng cho các thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ. Nhưng thực ra nguyên nhân chủ yếu vẫn là do quyền lực tập trung, quyền lực độc quyền, không có đối trọng, không có cạnh tranh, không có phê phán và nguy cơ bị thay thế (chỉ có tự phê phán thì không thể chống lại đến cùng các tệ nạn của quyền lực được).

Một điều quan trọng nữa là, bộ máy nhà nước, như ta thấy hiện nay, không có cơ chế lựa chọn những tài năng vào các vị trí quan trọng để lãnh đạo, quản lý đất nước. Cơ chế lựa chọn như hiện nay (kể cả bầu cử đại biểu quốc hội như vừa rồi) vẫn là một sự lựa chọn từ trên, từ một bộ phận quyền lực nào đó chứ không phải là sự lựa chọn của toàn dân tộc. Làm thế nào để các tài năng được quyền tự thể hiện, mọi công dân quyền tự do lựa chọn các tài năng, vấn đề là ở đó. Đất nước ta không thiếu tài năng, mà thiếu cơ chế đúng đắn để lựa chọn tài năng.

Trên đây, tôi đã nêu lên một số nhược điểm của cơ cấu xã hội chúng ta cần được khắc phục. Những nhược điểm đó bắt nguồn một phần từ tình trạng nghèo nàn lạc hậu của đất nước, nhưng còn từ một nguyên nhân rất cơ bản nữa là tính không nhất quán, hay tự mâu thuẫn của công cuộc đổi mới hiện nay. Một mặt, chúng ta thừa nhận nền kinh tế thị trường với những chủ thể kinh tế tự do, bình đẳng của nó, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn duy trì một hệ thống tổ chức xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước. Đây là một mâu thuẫn khó dung hoà được. Cần nhìn nhận một sự thật là không thể phát triển kinh tế thị trường với lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đâu có thừa nhận kinh tế thị trường? Cũng xin phép nói rằng một đảng theo chủ nghĩa cộng sản, nếu thực sự kiên định với chủ nghĩa cộng sản, thì không thể lãnh đạo sự phát triển kinh tế thị trường là cái mâu thuẫn như nước và lửa với học thuyết xây dựng xã hội cộng sản. Tôi xin đề nghị xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Theo tôi, cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa đường lối đổi mới với hệ tư tưởng hiện có, hay đúng hơn, với sự thống trị độc tôn của hệ tư tưởng đó. Ai muốn tin và theo hệ tư tưởng đó thì tuỳ, nhưng không thể xem đó là hệ tư tưởng thống trị toàn xã hội khi xã hội đang đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và dân chủ hoá. Đây là một vấn đề mấu chốt của đổi mới, có thể không thay đổi ngay một lúc, nhưng cần được thay đổi bằng những bước mạnh dạn, cùng với quá trình hoàn thiện từng bước nền kinh tế thị trường và quá trình đổi mới của Đảng. Tôi hy vọng và tin tưởng vào khả năng tự đổi mới của Đảng, vì rõ ràng là trong mấy năm qua Đảng đã tự thay đổi rất nhiều. Từ chỗ kiên trì chủ nghĩa cộng sản, lấy chủ nghĩa xã hội (coi như giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) làm mục tiêu trước mắt, đến nay đã thừa nhận mục tiêu của xã hội là dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, hoà nhập với thế giới; đó chính là một sự thay đổi thật sự dũng cảm của Đảng trong quá trình tự đổi mới để thích hợp với tình hình, với yêu cầu phát triển của đất nước. Trong chiều hướng tự đổi mới ấy, chắc chắn Đảng sẽ phát huy được sức mạnh trí tuệ của chính mình và cùng với điều đó, sẽ tập hợp và phát huy được sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc, cùng với mình thực hiện công cuộc đổi mới.

Tôi rất hoan nghênh bản báo cáo của phó thủ tướng Phan Văn Khải trình bày hôm qua. Bản báo cáo đó thể hiện khuynh hướng thật sự tiến bộ của cơ quan hành pháp hiện nay, nhằm khuyến khích mạnh hơn nữa sự phát triển kinh tế thị trường, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư trong nước và thực hiện từng bước việc tư nhân hoá những khu vực kinh tế quốc doanh mà nhà nước không cần phải trực tiếp quản lý. Một kế hoạch như vậy trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Ở đây, chúng ta đã nói nhiều về dân chủ, đoàn kết và hoà hợp dân tộc, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng cũng cần xác định thật rõ phải đoàn kết trên cơ sở nào? Trước kia, chúng ta đoàn kết để chống giặc ngoại xâm. Rồi sau đó chúng ta kêu gọi đoàn kết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, chúng ta đoàn kết để đi tới dân giàu nước mạnh xã hội văn minh. Như vậy, sự đoàn kết hiện nay không thể là đoàn kết trên cơ sở phải qui phục vô điều kiện một hệ tư tưởng định sẵn, một lực lượng lãnh đạo định sẵn. Một tổ chức nào, dù có tinh tuý đi nữa, cũng chỉ là một bộ phận của dân tộc. Sự đoàn kết trong giai đoạn mới phải là sự đoàn kết của mọi công dân tự do, bình đẳng, trên cơ sở một sự đồng thuận xã hội mà nội dung của sự đồng thuận đó ngày nay đã được xác định là “dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh”. Đoàn kết không có nghĩa là phục tùng, mà là cùng nhau góp sức cho một mục tiêu chung, trong khi tôn trọng đầy đủ mọi cái riêng, phát huy tính đa dạng của những cái riêng để làm giàu cho cái chung. Hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh có nói rằng trong cơ chế hiện nay có thể thành lập một cái gì đó như sự “đối lập nội bộ”. Tôi xin góp một ý: Đối lập không phải bao giờ cũng là phủ định và loại trừ lẫn nhau. Nếu hiểu đối lập là sự tồn tại và đấu tranh giữa những mặt khác nhau thì sự đối lập như vậy là phù hợp với phép biện chứng duy vật. Không có các mặt đối lập, không có đấu tranh giữa các mặt đối lập, làm thế nào sự vật có thể phát triển được? Lẽ nào chúng ta vẫn thuyết giảng các điều đó mà lại không thừa nhận chúng trong thực tế xã hội? Đối lập là một thực tế khách quan và là cần thiết cho phát triển. Nếu trong thực tế khách quan có những sự khác nhau về ý kiến, về cách tiếp cận, về các biện pháp trong quá trình cùng thực hiện mục tiêu chung là dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, thì phải thừa nhận những sự khác nhau ấy, hơn nữa cần khuyến khích sự tranh luận giữa những ý kiến khác nhau ấy để tìm ra thế mạnh của sự thống nhất sau khi đấu tranh với nhau. Tuy nhiên, về từ “nội bộ”, nếu được dùng để chỉ rằng các ý kiến “đối lập” chỉ được phát biểu trong một phạm vi riêng nào đó, thì cần trao đổi một chút. Vì khi nói nội bộ tức là có ngoại bộ, và ngoại bộ thì không có quyền tham gia. Nền dân chủ phải là của tất cả mọi người, như nhau. Tự do là tự do cho mọi người, như nhau. Về những vấn đề chung của đất nước thì ai có ý kiến đều được quyền phát biểu và tham gia tranh luận một cách bình đẳng, chứ không nên xem là quyền riêng của một nội bộ nào đó. Nếu nhấn mạnh “nội bộ” với nội dung có tính chất hạn chế như trên thì thực chất là hạn chế dân chủ, phân hạng xã hội và coi thường quần chúng. Tất nhiên, trong từng tổ chức, đảng phái thì có nội bộ và những vấn đề nội bộ của mình, nhưng đấy lại là chuyện khác. Cũng không nên sợ rằng dân chủ là tự do đấu đá nhau, mà dân chủ là môi trường trong đó mỗi người có điều kiện tìm kiếm được đời sống tự do, bình đẳng trong khuôn khổ luật pháp, trên cơ sở đồng thuận chung. Dân chủ đúng đắn sẽ không dẫn tới những hành động phá hoại, mà nó chính là cơ sở để loại bỏ những căng thẳng không đáng có trong dân tộc, loại trừ tận gốc những hành động phá hoại.

Cuối cùng, xin góp vài ý kiến về sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của Mặt trận thống nhất dân tộc. Chúng ta chưa bao giờ phủ định sự lãnh đạo của Đảng khi Đảng thực sự được sự tín nhiệm của dân tộc, thực sự là hạt nhân tập hợp được những năng lực trí tuệ của toàn dân tộc. Về điểm này, tôi xin chân thành nói rằng, nếu xem lại lịch sử mấy chục năm qua thì rõ ràng Đảng có uy tín lớn, do Đảng đã tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, đã giương cao ngọn cờ yêu nước một cách thành công hơn các tổ chức và lực lượng chính trị khác. Hiện nay uy tín còn lại của Đảng cũng là do nội dung yêu nước đó. Còn phần lớn những thất bại khiến cho uy tín của Đảng giảm sút là gắn liền với việc thực hiện học thuyết cộng sản, với việc áp đặt xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình tách rời với thực tế, nhất là với việc thực hiện đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Tôi không nhắc lại cụ thể các quá trình cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tập thể hoá và hợp tác hoá, xoá bỏ kinh tế cá thể và tư nhân, v. v... cả trước lẫn sau 1975. Những quá trình ấy đã dẫn tới cái gì, ai cũng rõ, và chính Đảng cũng thừa nhận.

Còn những thành công trong những năm đổi mới vừa qua chính là gắn với chủ nghĩa yêu nước. Phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hợp tác với bên ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau, ... tất cả những điều đó là gắn với chủ nghĩa yêu nước. Và bây giờ, khi xác định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, cũng chính là một bước phát triển mới gắn với sự phồn vinh của đất nước, với hạnh phúc của nhân dân, nghĩa là gắn với chủ nghĩa yêu nước, chứ không thể xem là gắn với học thuyết đấu tranh giai cấp và xây dựng chế độ cộng sản. Cho nên, nếu Đảng tiếp tục sự nghiệp đổi mới bằng cách lấy yêu nước làm cốt lõi, xây dựng lại cơ sở lý luận, tư tưởng, tổ chức của mình theo hướng mục tiêu đó và trên cơ sở các tư tưởng khoa học hiện đại của thời đại ngày nay, thì tôi tin chắc rằng Đảng vẫn sẽ đại diện được cho trí tuệ dân tộc, sẽ nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của dân tộc. Làm được như vậy, Đảng sẽ mạnh lên, và dân tộc sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Đảng để cùng nhau xây dựng đất nước. Hẳn rằng trong quá trình tự thay đổi ấy, Đảng cũng sẽ thay đổi sự lãnh đạo của mình, thay đổi mối quan hệ với các tổ chức xã hội và chính trị khác, thừa nhận sự tồn tại độc lập, bình đẳng và chủ động của các tổ chức đó, khắc phục sự lãnh đạo theo lối áp đặt mà xây dựng sự lãnh đạo của mình trên sự tín nhiệm của nhân dân, dựa vào sự lựa chọn dân chủ của nhân dân.

Về vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn mới này, chúng ta cần hiểu như thế nào? Lúc này, sự nghiệp đổi mới đòi hỏi phải đoàn kết, hoà hợp dân tộc, phải động viên tất cả mọi năng lực của toàn dân tộc. Đây chính là sự nghiệp của Mặt trận. Hiện nay, hơn bao giờ hết, Mặt trận phải là liên minh chính trị của mọi lực lượng dân tộc vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Đó là liên minh của những công dân tự do bình đẳng, của những tổ chức xã hội và chính trị tự do và bình đẳng. Vì những mục tiêu chung, vì sự phát triển hoà bình ổn định của đất nước, với tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, Mặt trận thừa nhận và tôn trọng những sự khác nhau trong liên minh đó. Cái gì đã có sự đồng thuận thì cùng theo, cái gì chưa có sự đồng thuận thì cần được cùng bàn bạc, đối thoại. Và ngay cả khi đa số trong Mặt trận đã quyết định về một chủ trương nào đó thì cũng không phải vì thế mà không tôn trọng sự tồn tại chính đáng và quyền được tiếp tục tranh luận của những ý kiến thiểu số. Trong giai đoạn này, nếu thực hiện được vai trò ấy của mình thì Mặt trận vẫn còn cần thiết và sự tồn tại của nó mới thật sự có ý nghĩa. Sẽ không còn ý nghĩa nếu nó tồn tại như một bộ phận trong hệ thống hành chính, như “cái đuôi của nhà nước”, như một công cụ của sự lãnh đạo của Đảng (chính Đảng cũng cần được xem là một thành viên bình đẳng trong Mặt trận). Và để cho nó thật sự trở thành một liên minh chính trị, một diễn đàn đoàn kết và hoà hợp dân tộc, Mặt trận phải tự khẳng định sức sống với lẽ tồn tại của mình bằng những nội dung hoạt động phong phú, thực sự có ích cho việc hình thành và lớn mạnh của một liên minh như vậy.


Phan Đình Diệu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss