Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Phát triển và phẩm chất cuộc sống

Phát triển và phẩm chất cuộc sống

- Cao Xuân Phổ — published 14/04/2011 05:05, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:17

Văn hoá trong phát triển
Vấn đề phẩm chất cuộc sống


Cao Xuân Phổ *


I. Những khái niệm

Văn hoá, Phát triển. Hai khái niệm này trong tình hình hiện nay nhiều lúc dường như được nhận thức tách rời nhau. Thậm chí, có lúc nhân tố văn hoá bị hiểu một cách phiến diện, dẫn đến tình trạng bị mờ nhạt trong chiến lược phát triển của đất nước.

Phát triển cho đến nay vẫn còn được nhận thức như chủ yếu là sự tăng trưởng kinh tế dựa trên một kiểu tính toán trước hết về kinh tế và kỹ thuật, trên một cách nhìn hầu như là một chiều, đơn tuyến về sự tiến bộ xã hội cho rằng sự tăng trưởng kinh tế kế hoạch hoá tự nó sẽ làm nẩy sinh ra những thay đổi kinh tế xã hội mong muốn. Và nếu có sự đầu tư nào đó vào con người, thì sự đầu tư đó cũng chỉ được định mức nhỏ nhoi theo kết quả kinh tế. Nói một cách khác, vị trí con người chưa được thẩm định rõ ràng trong phát triển. Cho nên một vấn đề cần được bàn luận sâu hơn ở đây là mục tiêu phương tiện của phát triển.

Những con số, chỉ số thống kê về tổng sản phẩm quốc dân, về tổng thu nhập quốc dân, thu nhập theo đầu người... cũng chỉ mới là những khả năng để làm tăng mức sống của người dân lên. Song dù mức sống có tăng lên thì hẳn cũng chưa phải là đã đạt được mục tiêu của phát triển. Phát triển cần nhằm đến một đích cao hơn: Phẩm chất cuộc sống (quality of life) của con người mà nội hàm của nó bao gồm cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần, một cuộc sống ổn định và bền vững. Trong tiến trình phấn đấu đến mục tiêu đó, sự tăng trưởng kinh tế là một phương tiện cực kỳ quan trọng. Phải có tăng trưởng kinh tế mới nâng cao được mức sống của người dân lên được và cũng từ đó mà tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao phẩm chất cuộc sống hơn lên: Hai quy trình đó – mức sống và phẩm chất cuộc sống – không hề tách rời và tách bạch nhau. Phẩm chất cuộc sống của con người cần được quan tâm ngay khi bắt đầu đặt vấn đề phấn đấu nâng cao mức sống của họ, bởi vì nó là mục tiêu tối thượng của phát triển, chứ không chỉ là kết quả của quá trình phát triển.

Phẩm chất cuộc sống bao gồm cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần hướng tới Chân - Thiện - Mỹ ở mức độ cao. Mức độ đó của ba chuẩn mực và sắc độ đậm nhạt giữa ba chuẩn mực có khác nhau tuỳ theo từng quá trình phát triển. Nếu như trước kia, trong văn hoá xóm làng: Chân - Thiện - Mỹ mang đặc tính của một xã hội tiểu nông, trong đó tiêu chí Thiện là ưu trội thì ngày nay, trong cơ chế thị trường, các chuẩn mục đó được mở rộng ra bao quát một xã hội có nhiều tầng lớp người và tiêu chí Chân cần được giữ địa vị trọng yếu trong tư duy, trong hành vi và trong ứng xử. Và cái môi trường cần có cho phẩm chất tốt đẹp của cuộc sống chính là một xã hội an bình ổn định và công bằng. Cũng như vậy, phát triển cần được quan niệm như một loạt các quá trình được nuôi dưỡng bằng các giá trị, kinh nghiệm lịch sử và tài nguyên của một xã hội nhất định, chứ không phải là sự kết thúc một giai đoạn chót của một mô hình theo kiểu các nước công nghiệp hoá. Phát triển không chỉ là một quá trình hữu cơ, mà còn có tính phức hợp và đa diện. Không thể tách riêng một mặt nào ra khỏi quá trình để phát triển riêng rẽ. Những biến đổi thực hiện riêng rẽ, chẳng hạn trong một khu vực kinh tế riêng biệt nào đó, ắt sẽ dẫn đến những hệ quả thường là bất ngờ và không đáng mong muốn đối với phẩm chất cuộc sống của xã hội nói chung. Vì vậy phát triển chỉ có thể đạt được mục đích của mình – nâng cao phẩm chất cuộc sống – khi được thực hiện theo một phương pháp tổng thể và liên ngành. Chuyện này dường như không có gì là mới. Song vấn đề là ở chỗ: Thông về nhận thức và từ nhận thức biến thành hành động. Tính tổng thể và liên ngành cần được quán xuyến ngay từ khi định hướng phát triển đến việc hoạch định chính sách và nhất là việc thi hành, thực hiện các đường lối chính sách đó.


II. Vai trò của văn hoá trong phát triển

Vì văn hoá là, trước hết và trên hết, các biểu hiện sáng tạo của con người trong cuộc sống vật chất cũng như tinh thần, nhằm nâng cao phẩm chất cuộc sống của mình vươn lên đến tính Chân - Thiện - Mỹ đích thực, nên văn hoá cần đóng vai trò điều tiết trong mọi quá trình phát triển.

Khi ta nói đến dân giàu nước mạnh mà không chú trọng đến phẩm chất cuộc sống thì cơ nguy của một sự nghèo nàn về tinh thần, băng hoại về đạo đức nhân phẩm là điều rất có thể xảy ra. Nhất là mọi công cuộc đổi mới ở buổi ban đầu thường phải trải qua một sự xô bồ. Cái tốt lẫn cái xấu thâm nhập ồ ạt vào xã hội dễ dẫn đến một tình trạng bất an. Phân định mặt trái, mặt phải nhằm phát triển cái tích cực, hạn chế cái tiêu cực, đảm bảo cho sự phát triển được diễn tiến trong một thế hài hoà ổn định là một việc làm văn hoá. Đã có lúc, ở nhiều nước đang phát triển, mặt văn hoá xã hội bị coi nhẹ, thậm chí còn bị coi như là một thứ kìm hãm phát triển, vì họ chỉ chú mục vào phát triển kinh tế. Song, chẳng mấy chốc hàng loạt hiện tượng tiêu cực dồn dập xảy ra theo sau việc đầu tư, việc thay đổi công nghệ, việc nhập khẩu xô bồ các sản phẩm mới... Tình trạng gia tăng bất bình đẳng xã hội, sụp đổ các cơ cấu xã hội, rã rời quan hệ gia đình, chảy máu chất xám và những dạng phân rã khác của một xã hội đã từng một thời thịnh vượng thực sự đã làm cho họ lo lắng. Và họ đã tìm trở về các giá trị truyền thống, để tìm ra một phương thức phát triển thoả đáng cho chính mình.

Thật vậy, không có một mô hình duy nhất nào cho sự phát triển, mà công cuộc phát triển đất nước phải dựa vào điều kiện hoàn cảnh riêng của từng nước, mà trong đó văn hoá dân tộc có một vai trò chủ đạo, tất nhiên không thể coi nhẹ sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) quốc tế. Cho nên sự phát triển, trước hết, phải mang tính dân tộc. Xin lấy một ví dụ: Tiếp nhận công nghệ mới. Đó là một điều thiết yếu trong phát triển, nếu không có sự tiếp nhận đó thì nền kinh tế không thể hiện đại hoá được. Tuy nhiên, điều kiện chuyển giao công nghệ lại có một tầm quan trọng trọng yếu tuỳ theo những điều kiện đó có tôn trọng hay không cái bản sắc văn hoá dân tộc, hoặc là chúng có cho phép tồn tại song song một cách hoà bình, sự giúp đỡ của nước ngoài với các kiểu cách phát triển bản địa không, hay lại dẫn đến một sự thống trị văn hoá do quyền lực khoa học và công nghệ đem lại. Cũng cần lưu ý là, nếu như khoa học là có tính phổ quát (universelle) và không có tính văn hoá (aculturelle) thì kiến thức khoa học, khi khoác cái dạng công nghệ lại phải rất gắn bó với nền văn hoá cụ thể mà nó nhập vào.

Việc du nhập công nghệ có thể làm nảy sinh ra những đảo lộn về văn hoá, đi từ những thay đổi nho nhỏ trong nếp sống tiêu thụ đến những biến đổi sâu sắc, chính yếu trong thế ứng xử, trong các tín ngưỡng, các giá trị và cách phân bố quyền lực. Vấn đề đặt ra hiện nay là một xã hội có thể trang bị công nghệ hiện đại nhanh chóng đến mức nào mà không thể mất đi các giá trị chính yếu và bản sắc văn hoá của mình? Xã hội đó có thể tiếp nhận công nghệ đó như thế nào, để có thể có được, hoặc phát triển được sức mạnh đổi mới và sáng tạo của mình, ngõ hầu nâng cao phẩm chất cuộc sống. Làm sao để tránh được những lối thụ động dẫn mình đến chỗ lệ thuộc công nghệ nước ngoài và tự biến mình thành một cái bóng mờ nhạt của kẻ khác? Và cuối cùng, vậy thì phải có biện pháp và phương tiện gì thoả đáng nhất để thực hiện được sự độc lập về văn hoá và giữ vững được độc lập dân tộc mà không bỏ đi những lợi ích của tiến bộ khoa học - kỹ thuật và của sự phụ thuộc lẫn nhau.

Biện pháp khôn ngoan nhất là dựa vào các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc để chọn lời giải đáp. Vả chăng, văn hoá không phải là một cái gì nhất thành bất biến mà biến đổi cùng với sự biến đổi xã hội để đưa xã hội đó lên ngang tầm với thời đại. Đó cũng là một quá trình thích nghi yếu tố ngoại sinh với nội sinh, trong đó nhân tố sáng tạo đóng một vai trò chủ đạo.


III. Phẩm chất cuộc sống trong phát triển

Phẩm chất cuộc sống trong xã hội công nghiệp cũng như trong cơ chế thị trường hay nền kinh tế hàng hoá ắt phải khác với phẩm chất đó trong xã hội nông nghiệp hay cơ chế bao cấp. Nền dân chủ xóm làng lấy lệ làng làm chuẩn mực đã một thời gian giữ được ổn định, an bình cho người dân hẳn là không mấy thích hợp với công cuộc đổi mới như ngày nay. Cuộc sống công nghiệp hoá hoặc trong cơ chế thị trường đòi hỏi một phổ (spectrum) sống rộng hơn, vượt ra luỹ tre làng và còn mở rộng ra giao tiếp với các dân tộc khác trên thế giới. Cuộc sống đó đòi hỏi một năng suất lao động cao hơn, làm ra được nhiều sản phẩm hơn, để mong thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người. Cuộc sống đó đòi hỏi một xã hội được tổ chức chặt chẽ nghiêm minh, được điều hành bằng pháp luật. Luật pháp – một biểu hiện được thể chế hoá của văn hoá – chính là sự quy định cái mức tối thiểu của phẩm chất cuộc sống trong một xã hội nhất định mà mọi người phải tuân thủ. Nó là cái thước đo – ở mức thấp – phẩm chất cuộc sống con người; cho nên luật pháp không chỉ phản ánh trình độ của phẩm chất đó mà còn bảo đảm cho phẩm chất đó được phổ quát trong xã hội. Nó đảm bảo tính Chân trong phẩm chất cuộc sống.

Nếu luật pháp là có tính “răn đe”, “trừng ác” thì các nhân tố văn hoá khác, như văn học nghệ thuật và tôn giáo tín ngưỡng lại cần khơi dậy lòng “khuyến thiện” tiềm ẩn trong mỗi con người vì con người, như cha ông ta đã từng nói, lúc ban đầu tính vốn thiện. Sức mạnh của tính thiện là lòng tin. Tin vào hệ quả của hành vi thiện đối với bản thân mình trong cuộc sống hiện hữu và đời sống mai hậu, cũng như đối với con cháu trong hiện hữu và mai hậu, để rồi tiếp thế hệ này qua thế hệ khác thành truyền thống. Cho nên có thể nói, tính Thiện không chỉ là một chuẩn mực văn hoá mà còn là một tiêu chí quan trọng trong phẩm chất cuộc sống.

Tính Đẹp cũng là vốn có trong con người. Từ em bé đến cụ già ai cũng ưa thích, mong muốn cái đẹp. Cái cảm thụ và tâm thức Đẹp đó khác nhau ở mỗi người và mỗi thời đại. Song có thể nói đặc tính chung nhất, cao quý nhất của cái Đẹp là sự hài hoà. Hài hoà trong bản thân mỗi con người, trong các mối quan hệ xã hội và giữa con người với thiên nhiên (môi trường). Sự hài hoà không chỉ là một tiêu chí của phẩm chất cuộc sống mà còn là một tác nhân làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Nó là sự biểu hiện đầy đủ của bộ ba Chân - Thiện - Mỹ.

Việc đưa các nhân tố văn hoá xã hội – mà ở đây là phẩm chất cuộc sống – vào trong các quá trình phát triển của đất nước là việc làm của mọi người mà trước hết là của giới nghiên cứu và học thuật, bao gồm cả khoa học công nghệ, khoa học xã hội, khoa học nhân văn và các văn nghệ sĩ vì, hơn ai hết, họ là những người có khả năng tiếp cận nhanh chóng và nhậy bén nhất cái mới của phát triển cũng như có khả năng cảm nhận sâu sắc nhất các nhu cầu, tâm lý hay cái bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc mà trong đó họ là thành viên. Họ cần được liên kết lại trong các đề tài phát triển quốc gia, cần được tạo điều kiện để giao tiếp rộng rãi với nước ngoài và thâm nhập sâu vào cuộc sống các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng là cần chọn đúng người vào đúng việc. Rồi từ các cứ liệu khoa học, công trình nghiên cứu nghiêm túc của họ mà tác động đến giới vạch đường lối, hoạch định chính sách để các cứ liệu, công trình đó được nghiên cứu nghiêm túc, đặng thể hiện ra thành đường lối, chính sách cụ thể. Và bước cuối cùng mà cũng là quan trọng nhất, là việc thực hiện và thi hành các chính sách đó. Vai trò quyết định ở người lãnh đạo.


Cao Xuân Phổ

(trích Phương pháp luận và vai trò
của văn hoá trong phát triển
,
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1993)

* Phó giáo sư, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us