Thiền trượng Lâm Tế đâu rồi ?
Thiền trượng Lâm Tế đâu rồi ?
Nguyên Thắng
Từ đầu đến cuối suốt mấy nghìn trang Tây Du Ký Ngô Thừa ân tạo cho người xem truyện hình ảnh một Đường tăng Huyền Trang khù khờ cả tin. Nhiều khi đến mê muội. Yêu ma nói làm sao nghe làm vậy. Chỉ khổ cho học trò. Tôn Ngộ Không bị mắng, bị đuổi, bị hành hạ vì ông thầy u mê, từ bi không đúng chỗ.
Chuyện hoàn toàn hư cấu, nhân vật trong truyện chẳng có gì dính dáng đến con người thật Huyền Trang, một người dũng cảm, thông minh, tinh tế. Một nhà học giả quán triệt kinh sách Phật giáo, xưa nay khắp thế giới ít người sánh kịp. Một dịch giả kinh Phật thiên tài, nghiêm túc đến đỗi nhiều kinh chữ Phạn đã thất lạc, may nhờ còn các bản chữ Hán được ngài dịch một cách có hệ thống, học giả ngày nay có thể tái lập lại bản tiếng Phạn. Những chuyện mắt thấy tai nghe trong chuyến đi, Huyền Trang ghi chép thành tập Tây Du Ký, một kho tư liệu vô giá về xã hội, địa dư, sử ký Ấn Độ nhưng không được Ngô Thừa Ân sử dụng...
Chuyện kể hoàn toàn khác với sự thật, nhưng xưa nay nào có ai phản đối. Tinh thần Phật giáo vốn không chấp nê, thanh thản. Và thực tế là Huyền Trang Tam Tạng được mến yêu trên khắp Á Đông qua nhân vật hoàn toàn hư cấu và chẳng có gì chói lọi trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.
Nào có mấy ai đọc Tây Du Ký của Huyền Trang. Mấy ai là người tìm hiểu con người thật của ngài !
Vừa đây Trương Quốc Dũng hư cấu một Huyền Trang trong truyện thật ngắn Đường Tăng. Gởi gấm ý "... không phải là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người (40 Truyện rất ngắn, Đường Tăng tr. 40).
Ý không xa lạ gì với đạo Phật. Vị bồ tát được thường xuyên niệm tên là đức Quán Thế Âm. Ngài là hiện thân cho quan niệm kẻ hành đạo phải đau cái đau, khổ cái khổ của người đang lặn hụp trong vòng luân hồi. Chẳng những ngài nghe tiếng kêu của chúng sanh, quán thế âm như tên gọi. Mà ngài đến với mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh. Là phụ nữ thì ngài là phụ nữ. Là người trẻ tuổi (đồng nam, đồng nữ) ngài sẽ là người trẻ. Là người giàu có (trưởng giả) thì ngài sẽ là nhà giàu. Là dạ xoa ngài sẽ là dạ xoa. Phải sống làm quỉ đói (ngạ quỉ) mới cảm thông, giác ngộ giải thoát được cho quỉ đói. Rất cụ thể, không đứng xa xa mà từ bi, trái lại cảm từ bên trong mỗi hoàn cảnh, cảm trong thân trong lòng cái đau cái khổ vốn bao giờ cũng rất riêng tư. Phẩm Phổ môn kinh Diệu Pháp Liên Hoa chẳng nói gì ngoài cái khái niệm " quán thế âm ", không dừng lại ở mức độ con người chung chung mà đến mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh cụ thể. Lòng không chỉ dành cho riêng loài người mà rộng mở tới khắp mọi sinh vật. Cụ thể hơn, sâu hơn, rộng hơn ý phát biểu trong truyện Đường Tăng.
Vì thế mà Đường Tăng có đến tai Huyền Trang thì hẳn ngài mỉm cười. Ngón tay Trương Quốc Dũng cũng chỉ mặt trăng đấy, nhưng mà trăng hạ tuần ... Theo tinh thần Phật giáo, cái chính là chỉ ra sự thật. Còn bằng cách nào thì là phương tiện, là ngón tay trỏ mặt trăng.
Nhìn là nhìn mặt trăng. Mắt mải chằm chặp vào ngón tay thì quên thấy mặt trăng ? Có cơ cho sân si đùng đùng nổi lên. Việc đang xảy ra với truyện Đường Tăng. Cũng là chuyện bình thường. Không bình thường chăng là có một vị trong Ban trị sự thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh nhập cuộc. Trong văn thư số 480/VT-THPG đề ngày 6.10.94, thượng toạ Thích Trí Quảng chính thức đề nghị " thu hồi tập 40 truyện rất ngắn, loại bỏ vĩnh viễn truyện ngắn Đường Tăng của Trương Quốc Dũng và cấm phổ biến dưới bất cứ hình thức nào. " Yêu sách đi xa hơn quyết định số 2681/QĐ-VHTT ngày 4.10.94 của bộ trưởng Văn hoá và Thông tin Trần Hoàn, chỉ " ngừng phát hành cuốn sách 40 truyện rất ngắn của Nhà xuất bản Hội nhà văn".
Phật giáo cấm sách ! Chuyện hi hữu trong mấy nghìn năm truyền thống khoan dung theo tinh thần hỉ xả của Phật.
Phải chăng thượng toạ mê mải trục tà để cho không ai " Xem Niết Bàn là nơi có yêu ma lẫn lộn " mà quên mất rằng nói tới niết bàn là nói tới chân lý tuyệt đối. Khi đó thì siêu việt các cặp đối chọi, tâm trí chúng ta tách bạch ra cho tiện bề hình dung đời sống : phải trái, chính tà, thiện ác, phật ma ... Vì thế mà phật tử tâm niệm " Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc " (sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, Tâm kinh). Vì thế mà Long Thọ bồ tát khẳng định " Luân hồi chẳng khác Niết bàn, Niết bàn chẳng khác Luân hồi " nhắc nhở ta rằng không thể tìm Niết bàn ngoài cuộc sống (Nagarjuna, Madhyamika-karika, XXV, 19).
Quên mất cái nhìn nhà Phật, yêu quỷ ám ảnh ngay. Quái quỷ nào đây ? Chẳng cần chiếu yêu kính cũng thấy không phải là Satan, quỷ dữ xúi dục các vị toàn thủ Hồi giáo giết nhà văn, ám sát trí thức, đặt bom phá trường học...
Thứ ma quái đã ốp vào tay người nào đó viết văn thư cho ban trị sự thành hội Phật giáo chỉ quanh quẩn đâu đó trong nước ta mà thôi. Nó đưa đẩy cho tay viết ra những câu sặc mùi tuyên huấn: "... gây xôn xao dư luận, tạo điều kiện bất ổn trong xã hội, qua đó, kẻ quá khích, kẻ xấu có cơ hội lợi dụng, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, dẫn đến hậu quả không lường được." Nó dựng ra cớ cho những kẻ bới lông tìm vết vin vào nhằm đánh cho nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình Lê Ngọc Trà một trận đòn hội chợ. Vì tội nghiêm chỉnh làm công việc nghề nghiệp của mình : giới thiệu tác phẩm văn chương mà bản thân họ thấy hay thấy đẹp, bình chú cho bạn đọc thâm nhập vào tác phẩm, nhắc nhở rằng tác giả " chỉ mượn cốt truyện xưa để ghi vào đó một điều mình suy nghĩ " (40 Truyện rất ngắn, tr.40).
Đọc sách cổ không thấy thiền sư Việt Nam vung thiền trượng đập cho người học đạo bừng mở mắt tuệ phá vỡ u mê như ta thường thấy trong truyền thống thiền Trung quốc.
Suy đi ngẫm lại đâu đâu cũng có những người mê muội, phải chi tổ Lâm Tế bố thí cho vài gậy!
Nguyên Thắng
(10.94)
Các thao tác trên Tài liệu