Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Thông tin có định hướng

Thông tin có định hướng

- Diễn Đàn — published 14/04/2011 06:40, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:40

Đọc báo trong nước

“Thông tin có định hướng”

 

1. Tạp chí Nhà báo và Công luận, cơ quan của Hội nhà báo Việt Nam, số 17, tháng 9.1994, có đăng bài của trưởng ban biên tập thời sự trong nước của Đài truyền hình Việt Nam, ông Quang Minh, trả lời một bài phê bình nhan đề “Một tin quá chậm” (Nhà báo và Công luận số 15, tháng 8.1994), nói về việc đưa tin vụ cháy chợ Đồng Xuân (xem Diễn Đàn tháng 9.1994) trên đài truyền hình. Ông Quang Minh nêu lên một số lý lẽ như sau:

“(...) Cháy chợ Đồng Xuân còn là nỗi đau chung của nhân dân cả nước, cần thông tin để mọi người được biết. Nhưng trong tình hình hiện nay đưa thế nào? Mức độ đến đâu? Đó là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đưa tin phải nhằm mục đích có lợi cho sự nghiệp đổi mới của đất nước. Vì vậy, sau khi cân nhắc và xin ý kiến của lãnh đạo đài, chúng tôi chỉ đưa tin có độ dài 2 phút. Và đây cũng là tôn trọng đề nghị của đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trong buổi họp báo sáng ngày 15.7 đối với các cơ quan báo chí, rằng: Chỉ cần thông báo tóm tắt, không đưa quá chi tiết. Tác giả bài báo ( “Một tin quá chậm” – LTS ) có so sánh với Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội đưa tin tới 7 phút. Đài Hà Nội đưa tin này 7 phút và có thể đưa dài hơn vì là đài của một địa phương. Còn đứng ở phương diện một đài quốc gia, chúng tôi thấy đưa tin với thời lượng 2 phút như vậy là đúng mức.”

“Những phương tiện thông tin đại chúng của ta là công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng và nhà nước, là công cụ của chuyên chính vô sản. Tin tức của ta không phải là một thứ hàng hoá, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số ít người. Vì vậy, chúng tôi thấy tác giả bài báo không nên đặt vấn đề rằng: đài BBC Luân Đôn đưa tin vụ cháy chợ Đồng Xuân lên đầu bản tin và đưa thêm chi tiết dài...”

“Từ nhiều năm nay, theo quy định của lãnh đạo đài cũng như ở trên, trong việc sắp xếp bản tin thời sự hàng ngày, bao giờ cũng sắp xếp những hoạt động chính trị, những hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước lên trên, sau đó mới đến các tin khác. Vì vậy, không thể đặt vấn đề đưa tin vụ cháy chợ Đồng Xuân lên trên tin hoạt động của chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh đi làm việc tại tỉnh Cao Bằng được”.

Giải thích thật thà như vậy thì không có gì để bình luận.

2. Tạp chí Giáo dục và Thời đại, do bộ giáo dục và đào tạo phát hành, trong số 50 ra ngày 13.12.1993, có đăng một thông báo của tổng biên tập Trường Giang nói về việc tạp chí phải đục bỏ vào giờ chót bài của giáo sư Phan Đình Diệu trả lời bài Những ngộ nhận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội của tác giả Lê Quang Vịnh (xem Diễn Đàn tháng 1.1994), phổ biến vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 trên báo Sài Gòn giải phóng rồi Nhân Dân. Thông báo viết như sau:

“(...) Giáo sư Phan Đình Diệu đã viết bài trả lời gửi báo Sài Gòn giải phóng, chủ yếu là đính chính lại một đôi điều tác giả Lê Quang Vịnh trích sai, do đó đã phân tích phê phán những điều không đúng với suy nghĩ của anh... Nhưng đã qua gần một tháng rưỡi rồi, anh Phan Đình Diệu vẫn chưa nhận được một lời hứa nào của báo Sài Gòn giải phóng là bài trả lời của anh sẽ được đăng. Do đó anh đã viết thư yêu cầu chúng tôi giúp đỡ để bạn đọc tiếp nhận được thông tin đầy đủ hơn.

“Chúng tôi nhận lời, cho đăng ngay vào số này như một sự thực hiện công bằng dân chủ theo tinh thần của luật báo chí.

“ Song đến giờ chót, theo gợi ý của một đồng chí lãnh đạo, báo chúng tôi tạm để lại để cùng với Phan Đình Diệu trao đổi cân nhắc kỹ thêm, sao cho thuận với tình hình hiện nay. Vậy xin thông báo để giáo sư Phan Đình Diệu và bạn đọc được rõ, mong được sự thông cảm”.

Ít lâu sau, người ta được biết tổng biên tập Trường Giang đã về hưu.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us