Tin tức
Tin tức
Lụt lớn ở đồng bằng sông Cửu long
Từ giữa tháng chín (xem Diễn Đàn số trước), nước sông Mê Kông không ngừng lên cao trong suốt một tháng, vượt mức kỷ lục năm 1991, làm ngập hơn 1,5 triệu ha đất trong 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, gây thiệt hại lớn cho người và của cải.
Theo những con số giữa tháng 10, khi nước mới bắt đầu xuống, gần 200 người, trong đó phần lớn là trẻ em, bị chết đuối, 227.000 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 50.000 người phải bỏ nhà vào sống ở những trại cấp cứu tạm thời, hàng 100.000 người khác ở lại phải lên các gò, mô đất cao làm tạm các nếp lều trú ẩn. Hơn 20.000 đồng bào tị nạn từ Cam Bốt về, đang sống trong các trại vùng biên giới, là những người bị lâm vào cảnh gian khổ nhất. Tuy nhiên, các tổ chức y tế cho biết chưa thấy có dấu hiệu một nạn dịch nào xẩy ra vì lụt.
Thiệt hại vật chất theo ước lượng ban đầu lên tới 800 tỉ đồng (gần 80 triệu đôla), trong đó đáng kể nhất là gần 80.000 ha lúa bị mất trắng, sản lượng lúa mất mùa khoảng 200.000 tấn. Ngoài việc cứu trợ đồng bào bị lụt, chính phủ đã quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo từ giữa tháng 10. Các công ty xuất khẩu gạo được lệnh không ký thêm hợp đồng xuất khẩu cho tới giữa tháng 11. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kêu gọi các tổ chức từ thiện giúp đỡ khoảng 1,4 triệu Franc Thuỵ Sĩ (1,08 triệu đôla). Tổ chức Cứu tế Bình dân Pháp (Secours Populaire Français, 9 rue Froissart, 75340 Paris Cedex l3) đã mở một quỹ đặc biệt đoàn kết với nạn nhân bị lụt.
(Tin AFP, Reuter từ cuối tháng 9 tới giữa tháng 10.1994)
1000 tấn dầu chảy trên sông Sài Gòn
Gần năm tháng sau tai nạn ở cửa sông Lòng Tàu (xem Diễn Đàn số trước), một chiếc tàu chở dầu Singapore đã đụng phải một cầu tàu ở cảng Cát Lái, ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, gây ra một tai nạn ô nhiễm vì dầu thứ hai ở Việt Nam, lớn hơn lần trước. Khi vụ đụng xẩy ra chiều ngày 3.10, tàu Neptune Aries, trọng tải 30.000 tấn, đang chở 21.700 tấn dầu mazút chuẩn bị về Singapore. Cú sốc đã tạo một lỗ hổng rộng 80 cm trong một khoang chứa dầu, và khoảng 1.000 tấn mazút đã chảy ra sông Sài Gòn. Đồng thời một ống dẫn dầu trên cảng cũng bị hư hại, để thoát ra sông ít nhất 100 tấn dầu khác. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn chưa được xác định, và một cuộc điều tra đã được tiến hành. Theo công ty Singapore Neptune Orient Lines, chiếc tàu bị nạn chỉ bị thiệt hại nhẹ và vẫn có thể lên đường về nước để sửa chữa.
Theo bà Lan Đình, người phát ngôn bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mặc dù dầu mazút nhẹ, bốc hơi mau, ảnh hưởng của tai nạn là trầm trọng đối với môi trường vùng cửa sông Sài Gòn, nơi có rất nhiều trại nuôi cá. Tuy nhiên, cũng theo bà Lan Đình, sông Đồng Nai không bị ô nhiễm lây lan. Sông Đồng Nai cung cấp nước ngọt cho khoảng 7 triệu dân ở các thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà và nhiều huyện trong tỉnh Đồng Nai. Hai tuần sau tai nạn, nông dân trong vùng đã bắt đầu khiếu nại vì sản lượng thuỷ sản đánh bắt được giảm từ 30 tới 50%. Ngoài ra, gần 2.000 ha ruộng ven sông cũng bị dầu loang tới.
(AFP 5, 6, 17.10.1994)
Thủ Tướng Võ Văn Kiệt: Đẩy mạnh đổi mới
Hai kỳ họp thường xuyên hàng năm của Quốc hội Việt Nam từ nay sẽ được triệu tập vào tháng 4 và tháng 10 thay vì tháng 6 và tháng 12 như trước kia. Trong diễn văn mở đầu kỳ họp bắt đầu ngày 20.10 vừa qua (và chưa chấm dứt khi số báo này lên khuôn), thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bảo vệ quan điểm cần đẩy mạnh những đổi mới, nhấn mạnh yêu cầu hình thành nhà nước pháp quyền và cải tổ mau chóng hệ thống hành chính để đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước. Theo ông, số cán bộ và công chức hiện nay quá lớn, tạo thuận lợi cho tham nhũng và quan liêu, một tệ nạn cần được thanh toán. Sự quản lý yếu kém bộ máy nhà nước, hệ thống tài chính và ngân hàng lỗi thời, thiếu hụt ngân sách gia tăng, hàng xuất khẩu không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thiếu và lãng phí vốn, v.v... là những nhược điểm của kinh tế quốc dân mà thủ tướng đã kể ra trong bài diễn văn. Số xí nghiệp quốc doanh, đã giảm từ 12.000 xuống còn 6.000 năm 1992, sẽ tiếp tục giảm nữa trong những năm tới. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng nhanh, khoảng 8,5% trong năm nay, tuy nhiên lạm phát có phần trở lại sẽ vượt 10% trong cả năm thay vì 5% năm 1993.
Trong khi ông Kiệt nói nhiều về đổi mới, bài diễn văn của chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh ngược lại đã nhấn mạnh yêu cầu “cảnh giác” đối với “những thế lực thù địch”.
(AFP 20.10.1994)
Lạm phát vượt 10%
Theo tổng cục thống kê, vật giá đã tăng 1,6% trong tháng 9, nâng mức lạm phát đến 9,9% trong 9 tháng đầu năm, và chỉ số cả năm lên 10,4%. Trong tình hình này, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở dưới mức 10%, quan tâm hàng đầu của chính phủ, rõ ràng đã nằm ngoài tầm tay.
Lạm phát hiện phát triển theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đã vượt chỉ tiêu đề ra do sức ép của các chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng đang tăng nhanh. Theo đà hiện nay, tổng sản lượng GDP có thể sẽ tăng 9% (mục tiêu 8%) và riêng công nghiệp tăng lên 13% (mục tiêu 11%). Đã có một số ý kiến cho rằng, với lượng ngoại tệ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lạm phát ở mức 15% là “hợp lý”.
Mặt khác, việc kiềm chế thâm thủng ngân sách ở mức dự kiến cũng sẽ khó có khả năng thực hiện được, khi mà đến cuối tháng 8, phần thu ngân sách chỉ mới đạt 54% dự trù cả năm. Vừa qua, bộ trưởng tài chánh đề nghị cắt phần chi ngân sách 1.400 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng chi tiêu hành chính.
Ngoài ra, những thiệt hại về mùa màng do lũ lụt đang gây ra chắc chắn sẽ góp phần đẩy giá nông sản tăng lên.
(AFP 4 và 14.10; Thời báo kinh tế Sài Gòn 15.9.94)
Chế độ quản lý ngoại hối mới: hạn thế tình trạng đôla hoá nền kinh tế.
Có hiệu lực từ ngày 1.10, quyết định 396 của chính phủ nhằm tăng cường quản lý ngoại hối (xem Diễn Đàn tháng 5.94) có hai mục tiêu chính: kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu và khắc phục dần tình trạng “ đôla hóa” nền kinh tế.
– Từ nay, các doanh nghiệp và tổ chức không còn có quyền giữ ngoại tệ trong két sắt để tự do sử dụng, mà phải gửi toàn bộ ngoại tệ thu được vào tài khoản ở ngân hàng trong nước (trừ trường hợp biệt lệ được phép mở tài khoản ở nước ngoài). Từng quí, số ngoại tệ vượt định mức tồn quỹ (do Ngân hàng nhà nước qui định) phải bán lại cho các ngân hàng.
– Trên thị trường nội địa, không còn ai được phép mua bán bằng ngoại tệ (ngoại trừ những cửa hàng đặc biệt như ở sân bay). Mọi việc thanh toán, chi trả bằng ngoại tệ đều phải thực hiện qua các ngân hàng.
Cũng như những lần trước đây, mỗi khi nhà nước tìm cách nắm lại quyền tập trung quản lý ngoại hối, dư luận giới kinh doanh, nhất là trong khu vực xuất nhập khẩu, tỏ ra không thuận lợi, cho rằng những biện pháp đề ra sẽ gây ách tắc cho hoạt động kinh doanh và làm cho chợ đen đôla phát triển trở lại. Nghi ngờ năng lực quản lý hiện nay của hệ thống ngân hàng, và trước hết của trung tâm đầu não của nó là Ngân hàng nhà nước, không ít ý kiến còn cho rằng sự độc quyền kinh doanh ngoại tệ sẽ dẫn các ngân hàng đến việc “làm giá” đôla để kiếm lời.
Ngược lại, những nhà kinh tế vĩ mô nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định mới của chính phủ trong sự xác lập những nguyên tắc cơ bản cho một chế độ kiểm soát ngoại hối cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế:
– Quyền sử dụng ngoại tệ, trước đây thực hiện ở cấp vi mô tùy theo lợi ích của từng đơn vị kinh tế, nay được chuyển sang thực hiện ở tầm vĩ mô, căn cứ lợi ích chung của toàn nền kinh tế; vai trò điều tiết của nhà nước được xác định.
– sự phục hồi chức năng thanh toán của đồng bạc Việt Nam, chống lại xu hướng đôla hóa của nền kinh tề, đòi hỏi sự cải cách cùng lúc hệ thống tiền tệ và cơ cấu đồng tiền Việt Nam; trên cơ sở đó, nhà nước mới có thể hoạch định chính sách tiền tệ, hối xuất hợp lý và hiệu quả...
Sau sự thất bại của các biện pháp quản lý tập trung ngoại hối những năm trước đây, chính phủ lần này đã đề ra một số biện pháp tương đối thận trọng, có tính quá độ (qui định bán ngoại tệ lại cho nhà nước, bước đầu chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có thặng dư ngoại tệ trên một triệu đôla).
Điều đáng chú ý là quyết định 396 không đặt vấn đề quản lý ngoại tệ của cá nhân và của khách nước ngoài, và tất nhiên không có cấm hay hạn chế Việt kiều mang ngoại tệ về cho thân nhân. Tuy nhiên, người có ngoại hối, mỗi khi muốn sử dụng, phải đổi ra tiền đồng Việt Nam, không được chi trả trực tiếp bằng ngoại tệ. Người nước ngoài vào Việt Nam, sau khi đổi ra tiền đồng Việt nam, nếu sử dụng không hết, sẽ được đổi lại ngoại tệ khi trở ra (quầy đổi tiền ở sân bay phải hoạt động 24 giờ trong ngày).
Trong những ngày đầu thực thi chế độ quản lý ngoại hối mới, giá đồng Việt Nam khá ổn định: giá đôla không tăng mà còn xu hướng giảm (từ 11.000 xuống còn 10.960 đồng/đôla) do tình hình thiếu quầy thu đổi ngoại tệ và thiếu tiền mặt (nhất là giấy bạc lớn); ngoài ra, mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán đôla tăng lên (khoảng 40-50 đồng/đôla, trong khi, trước ngày 1.10, chỉ khoảng 5-10 đồng/đôla) do có thêm yếu tố dự phòng các bất trắc. Ngược lại, giá vàng có nhiều khả năng sẽ tăng lên do người ta dùng vàng làm phương tiện dự trữ (vì dễ trao đổi trên thị trường hơn) thay cho đôla.
Những dự trữ bằng đôla và vàng trong dân hiện nay được ước tính vào khoảng 30.000 tỷ đồng (3 tỷ đôla). Các biện pháp quản lý ngoại tệ trước mắt của chính phủ chưa có thể có tham vọng huy động số vốn nhàn rỗi này.
(AFP 30.9; Thời báo kinh tế Sài Gòn 8.9 và 6.10; Tuổi Trẻ 1.10; Lao Động 2.10.94)
Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng bước vào hoạt động
Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng đã nhóm phiên chợ đầu tiên tại Hà Nội ngày 15.10 vừa qua, với sự tham gia của 22 ngân hàng và công ty tài chính trong nước và nước ngoài (ANZ, Credit Lyonnais, Standard Chartered, Cathay Investment Trust of Taiwan). Thị trường hoạt động năm ngày mỗi tuần, và trong thời gian đầu, chỉ giao dịch bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam (về sau sẽ mở cho các ngoại tệ khác: bảng Anh, franc Pháp, mark Đức, yen Nhật và đôla Hồng Kông).
Trước mắt, thị trường thực hiện các nghiệp vụ mua bán trao ngay (spot) và có kỳ hạn (forward). Tỷ giá giao dịch được xác định qua quá trình giao dịch trên cơ sở tỷ giá chính thức của Ngân hành nhà nước.
Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng thay thế những trung tâm giao dịch ngoại hối hoạt động đã nhiều năm song chỉ mới huy động 10% số lượng ngoại tệ mua bán ở Việt Nam.
(AFP 15.10, Tuổi Trẻ 27.9.94)
Hội đồng nhân dân và những ứng cử viên độc lập
Cuộc bầu cử các hội đồng nhân dân ở ba cấp – phường, xã; huyện, quận; tỉnh, thành – sẽ tiến hành vào ngày 20.11. Luật bầu cử cho phép công dân tự ứng cử, song các danh sách ứng cử viên sẽ do Mặt trận Tổ quốc thiết lập, thông qua những “hội nghị hiệp thương” lựa chọn các ứng cử viên “có đủ tiêu chuẩn”.
Vào đầu tháng 10, sau lần hiệp thương thứ hai, người ta được biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ứng cử đại biểu hội đồng thành phố, có 129 người do các đoàn thể giới thiệu và 15 người tự ứng cử. Số ghế đại biểu là 85, trong đó dự kiến có 4 hoặc 5 ghế dành cho các ứng cử viên độc 1ập. Hà Nội có 143 người được đề cử và 1 người tự ứng cử.
Bình luận về số quá ít ứng cử viên độc lập, ông Ung Ngọc Ky cho rằng tiêu chuẩn mà luật bầu cử qui định khiến cho nhiều người ở ngoài đảng cộng sản ngần ngại ra ứng cử: “ phải yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” có nghĩa là phải vừa yêu nước, vừa yêu chủ nghĩa xã hội... Theo ông Võ Thành Công, người tự ứng cử “bị thất thế, vì không tin rằng có sự ủng hộ, vận động của các tổ chức chính trị một cách bình đẳng như các ứng cử viên khác”. Cần nói thêm rằng luật không cho phép những người tự ứng cử tự tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cho mình!
Danh sách chính thức các ứng cử viên sẽ do hội nghị hiệp thương lần thứ ba đưa ra vào giữa tháng 10. Trong lần bầu cử quốc hội trước đây, không có ứng cử viên độc lập nào được đưa vào danh sách ứng cử viên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Danh sách ứng cử viên ở Hà Nội chỉ có một người tự ứng cử, và thất cử.
(Lao Động 29.9; Phụ nữ TPHCM 28.9; Tuổi Trẻ 10.9.94)
Thị Mầu lấy chồng
Nhà viết kịch Nguyễn Văn Niêm, theo báo Lao Động ngày 11.9 đánh giá, là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu Việt Nam hiện đại, năm nay 70 tuổi, vừa xuất bản vở chèo mới Đám cưới Thị Mầu. Nguyễn Văn Niêm tuyên ngôn “Tích chèo xưa ca ngợi, đề cao Thị Kính, chê bai, hạ giá Thị Mầu. Nay chẳng dám nói ngược lại mà chỉ muốn làm sáng tỏ những nét đẹp của cả hai nàng.” Trong vở chèo này, ông đã tái hiện bề sâu các nhân vật Thị Mầu, Thị Kính, Mẹ Đốp, Thiện Sĩ, Phú Ông. Đặc biệt, Thị Mầu đã trở thành một cô gái mang bi kịch của số phận người phụ nữ trong đêm đen của chế độ phong kiến hà khắc, nhưng vẫn phản kháng, không chấp nhận số phận.
Giải thưởng văn học
Hội nhà văn đã trao giải thưởng năm 1994 cho tác phẩm Di cảo thơ II của Chế Lan Viên. Ban chấp hành Hội còn trao tặng thưởng cho ba tập truyện ngắn: Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Tiếng hát và tiếng khóc của Trang Thế Hy.
Giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1994 do tạp chí Quân đội nhân dân tổ chức đã về tay tác giả nữ Nguyễn Thị Thu Huệ với hai tập truyện Hậu thiên đường và Mùa đông ấm áp. Các tác phẩm được giải nhì: Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu, Hồi ức binh nhì và Một chuyện đau lòng của Nguyễn Thế Trường, Vịt trời hồng tía bay về của Hồng Nhu.
* Tháng 8 vừa qua, chính phủ đã có quyết định điều chỉnh lương hưu của một số nhà văn thuộc Nhân văn giai phẩm trước đây: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm (chuyên viên 3), Trần Lê Văn (chuyên viên 2), Hữu Loan (chuyên viên 1). Đồng thời Hội nhà văn đã tài trợ việc in một số tác phẩm của các nhà văn này: các tập thơ Bóng chữ của Lê Đạt, Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, Cổng tỉnh của Trần Dần, tập Truyện ngắn chọn lọc của Võ Hồng, Nguyễn Địch Dũng.
Việt Nam - ASEAN: vấn đề quan thuế
Việc chuẩn bị gia nhập ASEAN của Việt Nam đã được tích cực đẩy mạnh qua một hội nghị hiệp thương đầu tiên giữa các bộ trưởng kinh tế các bên, họp tại Chieng Mai (Thái Lan) ngày 25.9, ngay sau hội nghị cấp cao các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế ASEAN cũng họp tại đây hai ngày trước. Đại diện Việt Nam là bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết. Vấn đề chính trong cuộc họp là những việc Việt Nam phải làm để tham gia hiệp định AFTA (Khu vực buôn bán tự do ASEAN), với những cắt giảm thuế quan gây khó khăn không nhỏ cho công nghiệp Việt Nam chưa trưởng thành. Nhiều quan chức ASEAN gợi ý Việt Nam có thể gia nhập AFTA với tốc độ chậm hơn so với các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, bộ trưởng Lê Văn Triết cho biết Việt Nam sẽ tìm hiểu mọi cơ chế thủ tục tham gia, đồng thời chuyển đổi kinh tế trong nước để tham gia AFTA. Hội nghị đã quyết định cử đến Việt Nam, từ nay đến tháng 4.1995 các đoàn chuyên viên kinh tế của ASEAN để giúp Việt Nam giải quyết 8 vấn đề cụ thể đã được bộ trưởng Lê Văn Triết đặt ra.
(Lao Động 2.10, Tuổi Trẻ 27.9.1994)
Tin ngắn
* Ngày 7.9.1994, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập vụ ASEAN, thuộc bộ ngoại giao. Mặt khác, Viện quan hệ quốc tế của Việt Nam đã nhận lời tham gia hệ thống các Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Institutes of Strategic and International Studies) của các nước ASEAN.
* Toà án nhân dân Hà Nội ngày 21.10 đã kết án tử hình một cảnh sát vì tội giết người lấy của. Do vụ xử đã được hoãn lại hai lần “vì những lý do kỹ thuật”, dư luận Hà Nội lo ngại viên cảnh sát được bao che, hàng ngàn người đã tụ họp trong và ngoài toà án để theo dõi phiên toàn, gây một sức ép đối với toà án. Trước đó, ngày 29.9, một nữ cảnh sát viên Hà Nội cũng đã bị kết án 4 năm tù về tội bán giấy tờ giả cho những người muốn đi nước ngoài.
* Một cuộc ẩu đả giữa những người kéo xích lô và người ăn mày ở Chợ Lớn đã dẫn tới việc một người ăn mày ném lựu đạn vào một nhóm xích lô đang đợi khách ở bến tàu Sài Gòn, làm 18 người bị thương, trong đó có 7 người Trung Quốc và 3 Đài Loan. Nhà cầm quyền Việt Nam đã bác bỏ mọi tin đồn rằng đây là một vụ mưu sát những khách Trung Quốc.
* Hai con Sao La, loài thú hiếm mới tìm được ở rừng Vụ Quang, đã không chịu nổi cuộc sống tù túng ở vườn thú Hà Nội. Một con đã chết vì tiêu chảy trong tháng 8, một con mắc bệnh ở gan và bọng đái đã chết đầu tháng 10. Đại diện của Quỹ bảo vệ thế giới tự nhiên (World Wild Fund for Nature) ở Việt Nam, Shanthini Dawson, cho biết WWF đã tranh thủ được bộ lâm nghiệp Việt Nam ngăn cấm săn, bắt những con Sao La có thể còn lại trong vùng.
* Những người tham dự các cuộc đua xe môtô ở Hà Nội sẽ bị phạt 200 đôla, tịch thu xe trong một tháng khi bị bắt lần đầu. Nếu tái phạm có thể bị tịch thu xe vĩnh viễn và bị truy tố hình sự theo các điều khoản luật ngăn cấm cờ bạc.
* Sau vụ “ngôi nhà đen” của Thành phố Hồ Chí Minh, đến lượt Hà Nội phải xử lý một công trình kiến trúc năm tầng do một công ty liên doanh đang xây lên bên Hồ Gươm để làm văn phòng cho thuê. Theo báo Lao Động (15.9.94) mô tả, đó là một khối đen đồ sộ với những đường trắng trông như một con cá voi đen khổng lồ đang... nhe răng.
* Tháng 9 vừa qua, cục phó hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Minh Thuận, và mười nhân viên hải quan khác đã bị khởi tố và bắt giam về tội tham nhũng.
* Bị bắt quả tang lúc đang mua dâm ở Vũng Tàu, tháng 8 vừa qua, bảy cán bộ lãnh đạo huyện Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đã bị tỉnh uỷ đảng cộng sản khai trừ, trong số đó có chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Tiên, phó bí thư thường trực huyện uỷ và hai huyện ủy viên khác. Trái với lệ thường, báo chí Việt Nam đã nêu tên công khai 7 người nói trên.
* Triển lãm thương mại Việt Nam đầu tiên được tổ chức tại Mỹ, Vietexpo 94, đã khai mạc ngày 28.9 tại San Fransisco. 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia triển lãm, một dịp làm quen với thị trường Mỹ. Các doanh nhân Việt Nam cũng sẽ tham dự một số cuộc hội thảo tại các thành phố New York, Washington DC, Los Angeles... Việt Nam chưa được hưởng quy chế tối huệ quốc tại Mỹ, do đó trước mắt chỉ có thể mong xuất sang đây vài mặt hàng chịu thuế suất thấp như tôm cá, gạo, bia...
* Phim “Trở về” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đoạt giải đặc biệt của Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương 1994, tổ chức cuối tháng 8 vừa qua ở Sydney (Úc).
* Đoàn vận động viên Việt Nam được xếp thứ 19 trong số 42 nước tham dự Á vận hội ASIAD 1994, tổ chức trong tháng 10 tại Hiroshima (Nhật), với một huy chương vàng (bộ môn võ Taekwondo) và hai huy chương bạc (bộ môn Karatê).
* Một chương trình quốc gia đưa iod vào muối trên cả nước từ năm 1995 đã được hình thành, với một tài trợ khoảng 900.000 đôla của nhiều tổ chức quốc tế. Tỉ lệ dân chúng mắc bệnh bướu cổ do thiếu iod lên tới 84% ở các vùng cao. Theo chương trình, dân các vùng bị bệnh nặng cũng sẽ được tiêm dầu Lipiodol.
* Ông Ahmud Swalay Kasenally, ngoại trưởng L’Ile Maurice, nước chủ tịch Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (Francophonie) hiện nay, đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam đăng cai làm nơi họp hội nghị thượng đỉnh Francophonie vào năm 1997. Ngoài Việt Nam, Rumani cũng đăng cai. Hội nghị Francophonie 1995 tại Cotonou (Bénin) sẽ lấy quyết định cuối cùng. ông Kasenally đã tới thăm Việt Nam từ 23 đến 28.9 vừa qua.
* Một đoàn kinh tế chính phủ Nhật gồm 25 chuyên viên cấp cao của các bộ Tài chính, Công nghiệp và Thương mãi, Nông nghiệp, Thuỷ sản và Ngư nghiệp, Giao thông, Bưu điện, Xây dựng, Y tế, Giáo dục sẽ đến Việt Nam từ 22 đến 29.10 để thảo luận với các nhà hữu trách Việt Nam về các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
* Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã rời Hà Nội ngày 29.9 để sang Nữu Uớc tham dự đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 49 và sau đó sang thăm các nước Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Bỉ và Lục Xâm Bảo. Tại Mỹ, các nhà theo dõi thời sự sẽ đặc biệt chú ý tới cuộc gặp gỡ giữa ông Cầm và ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher.
* Đại lý nhận phát chuyển nhanh của công ty Airborne Express đã bắt đầu hoạt động từ ngày 27.9 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công ty Mỹ thứ tư mở đại lý làm dịch vụ này tại thành phố, nơi mỗi ngày có trên 20.000 gói hàng từ các nước gửi đến và trên 2.000 gói hàng từ trong nước gửi ra ngoài. Ngoài 4 công ty Mỹ, 5 công ty khác của Pháp, Nhật, Hồng Kông. Hàn Quốc, Singapore tham gia thị trường này.
* Từ khi chính phủ có chủ trương về du học tự túc, tháng 7.1992, đã có hơn 2.300 người xuất cảnh trong khuôn khổ này. Điều đáng chú ý là hơn 80% số người này xin đi Nga và Ucraina – thực chất là đi buôn!
* Người mẫu Hà Kiều Anh, 18 tuổi, đã đoạt giải người có “cơ thể đẹp và khỏe” tại cuộc thi người mẫu châu Á 1994, tổ chức trong tháng 10 tại Kuala Lumpur (Malaixia).
* Ngày 24.9, bộ Tài chính đã tổ chức đấu thầu 5.712 chiếc xe Dream II nhập trái phép vào cảng Hải Phòng, thu về cho ngân sách nhà nước 150 tỉ đồng. Đây là đợt đấu thầu thứ hai những chiếc môtô Nhật nhập lậu vào Việt Nam. Một đợt đấu thầu thứ 3 sẽ được tổ chức tại TP HCM vào đầu tháng 10, với khoảng 2.000 chiếc xe.
Xã hộiKho tàng bí mậtCâu chuyện mở đầu ly kỳ như trong truyện của Egar Poe. Một nhân vật tháo vát, giỏi võ, tên tuổi từng lẫy lừng trên báo chí, đã về ở ẩn nơi đồng quê, bỗng tái xuất hiện giang hồ. Một người Mã Lai với một miếng da cũ, trên có những hình vẽ và một bài thơ bằng cổ tự, đọc ra có tên một con suối chưa ai thấy, có bàn cờ tiên, 3 cây đa, bãi cát trắng, 3 dòng thác... và 7 tấn vàng. Nhưng người Mã Lai không thuê võ sĩ cùng đi để kiếm kho tàng, mà lại đem bán mảnh da quý! Một bác sĩ, chủ công ty, nhận ứng trước 2.000 đôla để mua tấm da, với lời hứa hẹn cộng thêm 150.000 đôla trả “bản quyền” cho người Mã Lai khi tìm ra kho báu. Và xuất chi phí thuê người đi tìm của, “với những phương tiện hiện đại”. Hai năm để tìm ra địa danh nêu trong bài thơ, hai tháng băng rừng vượt suối, tìm thấy “bàn cờ tiên” trên đá, từ đó phóng mắt nhìn xuống, “xa xa là một bãi cát nổi bật giữa những tán lá rừng nguyên sinh”. Tới nơi, quả có 3 cây đa xum xuê cành lá, 3 dòng thác cao cùng đổ vào một trũng nước. Một khối vàng đúc vào trong vách đá có hình bộ phận sinh dục nam nằm sẵn dưới trũng sâu mười mét nước... Nhưng người chủ công ty nhìn xa, trông rộng, thấy được những khó khăn hành chính và kỹ thuật, quyết định không đơn phương khai quật kho báu, trở về tìm thêm đồng minh! Một công ty gồm những người cựu chiến binh “từng lặn lội trên địa bàn trong hai cuộc kháng chiến” được mời tham dự, cùng trở lại vùng “khảo sát”. Nhưng cuộc cãi vã chia phần nổ ra trước khi khai quật. Ba bên: ông bác sĩ, ông võ sĩ và các cựu chiến binh, ai cũng nhận mình là chủ nhân chính cống của kho báu. Trong khi trên thực địa, nhiều đám tìm vàng khác đã mon men tới gần khu suối, ở thành phố ông bác sĩ bị ám sát hụt, đạn sượt qua đầu!... Để ngăn chặn cơn sốt tìm vàng ở vùng suối hiểm trở, chính quyền huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, đã chính thức bác bỏ các tin đồn về kho báu và ra lệnh cấm các cuộc đào, kiếm vàng, gây nguy hiểm và huỷ hoại môi trường. Theo ông Đặng Văn Hai, chủ tịch tỉnh Bình Thuận, bộ đội kháng chiến trong vùng đã nhẵn mặt khu suối, nhiều lần dùng lựu đạn đánh cá dưới chân thác, chưa từng thấy một dấu hiệu nhỏ nào về kho báu cả. (theo Tuổi Trẻ chủ nhật 25.9, AFP 1 và 4.10.1994) |
Các thao tác trên Tài liệu