Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Tờ trình bí mật của Krúpxếp về Stalin

Tờ trình bí mật của Krúpxếp về Stalin

- Hoà Vân — published 14/04/2011 05:15, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:21

Đọc sách

“Tờ trình bí mật
của Krúpxếp về Stalin”



Tủ sách Nghiên cứu (B.P. 246, 75244 Paris Cedex 11) xuất bản, 1994


Đêm 24-25 tháng 2.1956, trong một phiên họp kín (không có mặt các đại biểu nước ngoài) của đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Krút-sốp đã đọc một bài diễn văn về sự sùng bái cá nhân và những hệ quả của nó, thật sự là một bản cáo trạng lần đầu tiên phơi trần một cách hệ thống trước những người cộng sản Liên Xô những cuộc khủng bố đẫm máu mà Xtalin đã tiến hành trong và ngoài đảng kể từ năm 1934. Bài nói mau chóng nổi tiếng dưới tên gọi “ bản báo cáo bí mật của Krút-sốp”, vì không được đảng cộng sản Liên Xô công bố, tuy hàng triệu đảng viên được thảo luận về nó, và một số nhỏ các đại biểu nước ngoài tham dự đại hội 20 được quyền đọc báo cáo – bằng tiếng Nga, trong vài tiếng đồng hồ, mấy ngày sau, và trong phòng kín – nhưng không được ghi chép... “Bí mật” trong điều kiện đó dĩ nhiên chỉ là tương đối, và không đầy ba tháng sau CIA mang được từ Ba Lan một bản về Mỹ và bản dịch tiếng Anh được công bố ngày 4.6 trên tờ New York Times. Bản tiếng Pháp được tờ Le Monde đăng tải từ ngày 6 đến 19.6.1956 – và lần đầu tiên xuất hiện trên một tác phẩm của đảng cộng sản Pháp... 26 năm sau, trong cuốn sách “ 1956, le choc du 20è congrès du PCUS do sử gia Roger Martelli, uỷ viên trung ương đảng, giới thiệu cùng nhiều tài liệu liên quan.

Cũng trong năm 1982, nhóm Trốt-kít Việt Nam tại Pháp đã dịch báo cáo bí mật từ bản tiếng Pháp và phát hành 2.000 số, “ phần lớn ở Pháp và ở các nước Tây Âu. Một phần nhỏ gửi về Việt Nam” Cuốn sách mang tựa Tờ trình...” là bản dịch nói trên (ký tên Đỗ Tịnh) và một lời nói đầu của Hà Cương Nghị (cũng viết từ 1982) được in lại kèm theo một phần phụ lục nhỏ (thơ Tố Hữu, di chúc Lê-nin, niên đại ký...)

Do ảnh hưởng rất lớn của báo cáo bí mật trong chính trường quốc tế nói chung và trong phong trào cộng sản nói riêng, từ năm 1956 tới nay, một bản dịch báo cáo ra tiếng Việt với những tài liệu lịch sử liên quan, dĩ nhiên là cần thiết, và Tủ sách nghiên cứu đáng được hoan nghênh trong nỗ lực này.

Rất tiếc, ngoài việc sử dụng những từ ngữ không còn thông dụng trong tiếng Việt hiện đại (“tờ trình” thay vì “báo cáo”, “ thượng thư” thay cho “bộ trưởng”, “đều hoà” thay vì “thường xuyên”, bản dịch có quá nhiều sai sót.

Vài thí dụ:

– (trang 44) “Trong khoảng thời gian giữa hai cuộc Đại Hội Nghị, Ban Trung Ương có nhiệm vụ bảo vệ và áp dụng những nguyên tắc của Đảng”. Tiếng Pháp: “... garde et interprète les principes du Parti”. Hiển nhiên, như trong mọi đảng chính trị khác, không chỉ có ban chấp hành trung ương mới có nhiệm vụ áp dụng những nguyên tắc của đảng, mà là tất cả các đảng viên. Nhưng trong thực tiễn áp dụng đó, nếu có các sự hiểu khác nhau thì quyền phân xử cuối cùng, quyền diễn dịch những nguyên tắc đó, cho ai là đúng, ai là sai, theo đảng cộng sản, thuộc về ban chấp hành trung ương.

– (cũng trang 44) “Lê-nin tìm mọi cách thu phục họ”. Tiếng Pháp: “Il essayait de les convaincre”. Thuyết phục chứ không phải thu phục.

– (trang 49) “... cái nọc độc và cái hoạ của bọn đối lập trốt-kít và bọn hữu khuynh xu thời chống lại chủ nghĩa Lênin”. Tiếng Pháp: “... le mal et le danger des propositions antiléninnistes de l’opposition trotskiste et des opportunistes de droite”. Có sự khác biệt về sự đánh giá những đề nghị của ai đó là có hại nguy hiểm, với việc coi chính người đó là mang nọc độc và là người gieo hoạ.

– (trang 50) “... đã nảy sinh sự đàn áp từng đoàn thể do bộ máy chính phủ chủ trương.” Tiếng Pháp: “... qu’est née la pratique de la répression massive au moyen de l’appareil gouvernemental.”. Sự đàn áp trên qui mô lớn bằng bộ máy của chính phủ.

– (trang 98) “Tháng 3 năm 1944, tất cả dân tộc Sếtsênnơ (Tchetchene) và Ingútsơ (Ingouche), đến lượt bị thủ tiêu”. Tiếng Pháp: “En Mars 1944, tous les Tchetchènes et tous les Ingouches ont été déportés et la république autonome tchetchène-ingouche liquidée.” Những người dân của một nước cộng hoà bị đày ải, tên nước họ bị xoá sổ. Đó đã là những tội ác cần được lên án, nhưng có phải vì thế mà nói rằng họ đã bị thủ tiêu hết?

Những thí dụ tương tự có thể tìm thấy quá nhiều trong các trang sách. Ngay cả bài thơ của Tố Hữu “Đời đời nhớ ông”, không có vấn đề dịch, cũng bị trích sai. Chẳng hạn, hai câu thơ

Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng con thơ gọi Xta-lin!

bị đổi thành:

Yêu Ông biết mấy, nghe con tập nói!
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Tóm lại, nếu người đọc có thể có được, qua sách “Tờ trình...” một ý niệm tương đối chính xác về bản báo cáo bí mật và tầm vóc khủng khiếp của những tội ác của Xtalin mà nó vạch ra, cùng quan điểm của nhóm Trốt-kít Việt Nam ở Pháp về thời kỳ lịch sử ấy, cuốn sách chưa xứng với tầm quan trọng của văn kiện. Mong rằng trong một lần tái bản, Tủ sách nghiên cứu và dịch giả sẽ cung cấp cho người đọc một bản dịch hoàn hảo hơn.


H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss